Vui buồn đời linh mục [25]. Đẹp Trên Từng Centimet

Thứ tư - 30/08/2023 10:24
Thánh Augustine đã có lần viết, “Linh hồn con còn khắc khoải cho đến khi nào được yên nghỉ trong Chúa mà thôi.” Có lẽ đó cũng chính là lý do thôi thúc tâm hồn thầy Anh tìm về với Chúa. Thầy là con người sống nội tâm nhiều, và là con người chuộng cái đẹp và hoàn mỹ!
(Kính tặng cô Anh Hoa Nguyễn)

Lạ thật, người thầy ấy tôi chỉ được diễm phúc học một hai giờ, nhưng những ký ức và hình ảnh đẹp về thầy thì tôi không bao giờ quên. Thầy cũng không phải là thầy dạy Sử Địa chính thức của tôi năm đó, nhưng chỉ dạy thế vài tiết học khi mà giáo sư của tôi bị đau. Tôi còn nhớ thuở ấy tôi theo học lớp 11C3 ở Quốc Học, thầy dạy Sử Địa của tôi là thầy Vĩnh Tiên. Bữa ấy thầy Vĩnh Tiên ốm nặng không đến lớp được, chúng tôi được tin là có thầy khác đến dạy thế. Cả lớp đang xôn xao bỗng lặng yên khi vị giáo sư nầy tiến vào lớp, tôi chỉ nghe nho nhỏ tiếng mấy cô bạn, “Ông thầy đẹp trai hè!” Hình như phong thái đặc biệt của thầy đã lôi cuốn học sinh ngay từ phút đầu, khiến cả lớp chăm chú nghe thầy giảng chứ không ồn ào náo nhiệt như mọi khi. Rồi thầy bước lên bảng và tự giới thiệu tên mình. Một cái tên mà chỉ gặp lần đầu thôi nhưng tôi vẫn nhớ mãi: thầy Nguyễn Ngọc Anh.
 

Với phong cách cố hữu, thầy đứng giữa bục giảng, tay cầm mấy cây phấn màu, và thầy bắt đầu giảng bài. Hôm đó là giờ Địa Lý, học về nước Anh. Thầy vừa dạy vừa vẽ bản đồ cho chúng tôi theo dõi. Điểm đặc biệt hôm đó là thầy vừa nhìn chúng tôi, vừa cắt nghĩa bài, vừa vẽ bản đồ bằng hai tay… chắp ngược phía sau lưng thầy. Để rồi khi thầy chấm dứt và quay lại thì trước mắt chúng tôi đã hiện ra bản đồ của một nước Anh hoàn mỹ, chính xác từng chi tiết. Cả lớp đều xuýt xoa, đẹp tuyệt vời! Đẹp trên…từng centimet!!!

Thầy Nguyễn Ngọc Anh như thế đó, vừa tài hoa vừa tận tình, các lớp học của thầy đều rất cuốn hút. Được làm học trò của thầy là một đặc ân lớn lao. Thầy biến các môn học nhàm chán đối với tôi (tôi ghét nhất là học mấy con số, mấy ngày tháng trong lịch sử), thành những câu chuyện thú vị, ý nghĩa và mang lại những giá trị nhân văn lâu dài cho học sinh của thầy. Lớp học nào cũng thế, đầu giờ là một tấm bảng sạch, nhưng cuối giờ, khi thầy dừng tay thì tấm bảng đã chi chít nhiều màu, rõ ràng từng nét một những nét chữ bay bướm cũng như những hình vẽ độc đáo của thầy, không có khi nào thầy phải nhìn vào sách. Quả là một vị giáo sư có một không hai. Có thể nói được rằng, khi thầy chấm dứt bài dạy, hình như học sinh cũng đã thuộc bài và không cần phải mất công học thêm ở nhà!

Tôi chưa bao giờ được diễm phúc gặp cô và những người con của vợ chồng thầy cô. Tôi chỉ nghe là gia đình của thầy đa số là Phật giáo, hình như có cô con gái trở lại Công giáo khi kết hôn với người Công giáo. Riêng thầy Anh, có thể thời gian dạy trong Tiểu Chủng viện Hoan Thiện, và sự gặp gỡ, giao tiếp với các linh mục công giáo, có chút nào ảnh hưởng sâu đậm trên thầy chăng? Chỉ biết là về sau, thầy có cảm tình với đạo Công giáo nhiều, và trước khi qua đời, thầy cũng đã trở thành người Công giáo với thánh hiệu là Phaolô, và thầy cũng đã ước nguyện được chôn cất theo nghi thức Công giáo. Tôi còn được nghe chuyện là thầy và cô, hai vợ chồng đã có thời gian chăm sóc một linh mục già cần sự giúp đỡ trong một thời gian lâu dài.
 

Thánh Augustine đã có lần viết, “Linh hồn con còn khắc khoải cho đến khi nào được yên nghỉ trong Chúa mà thôi.” Có lẽ đó cũng chính là lý do thôi thúc tâm hồn thầy Anh tìm về với Chúa. Thầy là con người sống nội tâm nhiều, và là con người chuộng cái đẹp và hoàn mỹ! Theo niềm tin của người Kitô hữu, Thiên Chúa chính là nguồn mạch của mọi điều thiện hảo. Sau khi tạo dựng nên mọi chuyện thật tốt lành, Ngài mới tạo nên con người trong Vườn Địa Đàng, để con người luôn chung hưởng hạnh phúc miên viễn với Ngài. Tiếc thay, con người lại không bằng lòng với “Nụ Tầm Xuân,” nhưng chỉ ưa hái trái đắng. Từ khi thiên đường đánh mất, con người luôn chao đảo và lại muốn tìm về với Chúa, về với cội nguồn.  Chỉ có ở bên Chúa từ nhân, con người mới được bình yên. Những ai sống thiện hảo, sẽ sớm tìm thấy Thiên Chúa. Thiên Chúa quả đã kêu gọi thầy Nguyễn Ngọc Anh đến với Ngài qua nghệ thuật, qua chiêm niệm, qua lòng tận tuỵ với nghề nghiệp, qua những thăng trầm của cuộc sống. Từng bước, từng bước, Thiên Chúa đã dẫn dắt thầy tìm đến với Chúa, Đấng làm chủ lịch sử và cũng là Đấng sáng tạo nên mọi miền đất xinh tươi mà thầy Anh luôn muốn ghi lại qua những nét vẽ tuyệt vời của thầy!
 

Cầu xin cho linh hồn của thầy được nghỉ yên bên Chúa. Cầu cho chúng ta luôn biết hướng lòng về với những gì Chân-Thiện-Mỹ trong tâm hồn chúng ta!

“Lạy Chúa, linh hồn con còn khắc khoải cho đến khi nào được nghỉ yên trong Chúa mà thôi!” (Confessions 1,1,1)

Linh mục Giuse Hồ Khanh

(* Đón đọc Vui buồn đời linh mục 26 - Người Quản Lý Tín Trung)

Tác giả: Lm Giuse Hồ Khanh HT72-73

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Facebook Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Kênh Youtube Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập165
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm163
  • Hôm nay44,676
  • Tháng hiện tại173,478
  • Tổng lượt truy cập69,648,810
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây