Lúc Giám mục Joseph Galante gởi tôi về làm chánh xứ Giáo xứ Thánh Giuse tại Beaumont, TX, ngài nói với tôi: “Chắc chỉ có mình cha mới vực giáo xứ lên thôi, nhất là trong giai đoạn nầy.
Không có cha Mỹ nào muốn về đây hết. Họ nêu lên hai lý do thật chánh đáng: tài chánh của giáo xứ quá yếu, và hơn nữa vì vấn đề bất đồng ngôn ngữ họ sợ không làm việc hiệu quả được!”
Đức cha Galante, người bổ nhiệm tôi làm chánh xứ Giáo xứ Thánh Giuse (1995-2000)
Vậy là sau bốn năm làm phó, và sau khi phục vụ tại hai giáo xứ, tôi chính thức đảm nhận vai trò chánh xứ đầu tiên. Đi từ giáo xứ giàu nhất của địa phận, giờ đây tôi phải coi sóc một trong sáu xứ nghèo nhất trong địa phận Beaumont lúc ấy. Xứ đạo nầy bây giờ có tới hai phần ba là người Việt Nam, còn lại là những người Mỹ gốc Ý đã lớn tuổi, là con cháu của những người thành lập giáo xứ mấy thập niên trước. Nói chung, đây là một giáo xứ đang gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, và vị linh mục chánh xứ trước tôi đã xin đức cha đóng cửa giáo xứ. Đó chính là lý do mà đức cha muốn tôi về đây, hy vọng nhờ ơn Chúa, giáo xứ sẽ hồi sinh. Trước khi tiễn tôi ra khỏi văn phòng, đức cha còn nói với theo: “Hy vọng cha về đó sẽ mang lại trời mới, đất mới cho họ!”
Trời mới, đất mới đâu chưa thấy, về đây tôi lại gặp một dị nhân có tên là “Ông Mới!”. Có lẽ đây không phải là tên thật của ông, mặc dầu trong danh sách giáo xứ ông có cái tên là Huỳnh Văn Mới! Khi hỏi tại sao lại gọi ông là “ông Mới,” người địa phương giải thích là vì ông chưa có… vợ! Ai chưa có vợ thì vẫn là… mới! Hay nhỉ? Vậy là có nhiều người luôn luôn mới, bởi vì họ không có vợ, như cha xứ của quý vị đây chăng? Tôi tự hỏi!
Chân dung ông Mới!!!
Ông Mới dễ thương, nhiệt thành. Ông đảm trách việc dạy Giáo lý Xưng tội lần đầu cho các em Việt Nam trong giáo xứ. Ông thuộc kinh nhiều, và việc dạy giáo lý cho các em đồng nghĩa với việc dạy kinh mà thôi. Vậy mà đã có không biết bao nhiêu thế hệ đã được ông Mới dạy kinh đó!
Ông Mới và một em trong lớp Rước Lễ Lần Đầu!
Ông Mới rất mộ mến Đức Mẹ. Không biết tiền già của ông được bao nhiêu, chứ tuần nào ông cũng dùng một số tiền riêng của ông để mua những tờ Sứ điệp Fatima phát không cho mọi người tới nhà thờ. Có nhiều người không đọc, nhưng sợ mất lòng ông, nên ai cũng lấy một tờ cho ông vui.
Một lần kia ông Mới làm tôi hốt hoảng thật sự. Hôm đó trời chưa sáng, đang còn thả hồn trong giấc ngủ, chuông cửa nhà xứ có người bấm liên tục. Không hiểu có chuyện gì xảy ra, tôi chạy bay từ trên lầu hai xuống để mở cửa. Hóa ra là ông Mới. Nhà ông ở ngay trước nhà thờ nên sáng nào ông cũng đi bộ tới nhà thờ dự lễ. Gặp ông, tôi thấy khuôn mặt ông có điều lo lắng, tôi hỏi liền: “Có chuyện gì vậy, ông Mới? Sáng sớm mà ông kiếm cha xứ làm gì vậy?” Ông nhìn tôi từ đầu tới chân và e dè hỏi, với giọng thổ ngữ của ông: “Sáng ni Cha bị chi mà không ra làm lễ rứa?” Trời ạ, tôi chợt hiểu ra! Ở Mỹ, mỗi năm họ thay đổi giờ hai lần để thích hợp với sự vận chuyển của mặt trời. Vậy là ông Mới đã không biết để vặn lại đồng hồ đêm trước đó, nên ông tới nhà thờ sớm hơn mọi người. Không thấy tôi ở trong nhà thờ như mọi khi, nên ông tưởng tôi bệnh mới qua bấm chuông nhà xứ sớm như vậy! Kinh nghiệm lần đó, mỗi khi thay đổi giờ, tôi đều gọi báo cho ông Mới hay đêm trước đó!
Ông Mới qua đời đã lâu, nhưng những kỷ niệm về ông bao giờ cũng còn… mới! Ông là hiện thân cho những người giáo dân trung kiên với Giáo hội. Mặc dầu cuộc sống có lúc lầm than, cơ cực trăm bề, vất vả quanh năm, nhưng lòng họ vẫn luôn nhiệt thành với Chúa. Ông không cần văn thơ bóng bẩy, ông chỉ biết phụng thờ Chúa và Đức Mẹ với hết tâm hồn và con tim của ông thôi. Chắc Chúa đã cho ông Mới an hưởng Trời Mới, Đất Mới lâu lắm rồi.
Ngày 22, tháng Bảy, 2023
Linh mục Giuse Hồ Khanh
(* Xin đón đọc bài 16: Con chỉ có một ngôn ngữ, và chỉ có một đồng phục)