Ba ơi, con đã hiểu

Chủ nhật - 03/04/2022 21:01
Ba ơi! Con nhớ, nhớ lắm những kỷ niệm của hai ba con mình ngày xưa, giá như thời gian có thể quay trở lại để con có thể tận hưởng từng khoảnh khắc đó bên ba.
 
Nhà là nơi ấm áp ngọt ngào mà ta đôi khi hay quên…. Xin mượn lời bài hát để nói lên tất cả cảm xúc. Mỗi người chúng ta ai cũng có một nơi để về đó là ngôi nhà thân thương, nơi đó có ba và mẹ, những con người vất vả cả cuộc đời để nuôi dưỡng chúng ta có được như ngày hôm nay.

Có lẽ khi nói về người mẹ chúng ta sẽ có nhiều cảm xúc yêu mến hơn là nói về người cha, bởi vì thông thường rằng người cha hay nghiêm khắc, không gần gũi chăm lo từng li từng tí cho con cái, không mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày như người mẹ. Nhưng chúng ta quên rằng người cha lại là người thầm lặng gồng gánh những cực khổ nhất, bươn chải bên ngoài để trang trải cho cuộc sống của cả gia đình. Mẹ sẽ là người quán xuyến việc gia đình và người cha là trụ cột, là chỗ dựa cho cả gia đình và là hình tượng cho con cái noi theo.

Ba tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông, ông bà nội tôi có đến chín người con, ba là con trai trưởng nên thuở nhỏ ba đã phải làm lụng phụ giúp gia đình để nuôi mấy em nhỏ ăn học. Năm ba tôi 12, 13 tuổi, ông bà nội đưa ba vào Tiểu Chủng viện với mong muốn của ông bà là cho con “đi tu”. Thực ra, theo như lời ba kể trong tâm thức của ba lúc ấy chưa hiểu được ý nghĩa của cuộc đời tận hiến là như thế nào, chỉ biết rằng đi tu là điều đáng mơ ước, là mong ước cao quý của bao nhiêu người mà người lớn vẫn hay nói. Thế rồi, ba vào Tiểu Chủng viện được các thầy các cha giáo dục dạy dỗ, nhưng có lẽ Chúa muốn ba tôi trở thành người cha của gia đình, cha của những đứa con sau này nên một thời gian sau ba rời Tiểu Chủng viện.

Lúc đó, ba lên thành phố mưu sinh tự nuôi sống bản thân, tự lập để đỡ phần gánh nặng cho ông bà nội tôi còn nuôi mấy em út ăn học. Thời điểm đó cũng là lúc đất nước giải phóng, đời sống khó khăn, trong tay ba tôi không có nghề nghiệp gì nên ba vừa làm đủ việc như phụ hồ, chở hàng, vừa học một nghề lâu dài ổn định cuộc sống sau này. Nghề sửa đồng hồ của ba cũng có lẽ là từ cái duyên mà đến. Ba kể rằng thời đó, việc muốn mua một chiếc đồng hồ mới phải tốn rất nhiều tiền nên thay vào đó để đỡ tốn tiền thì người ta thường đi sửa, thay phụ tùng của đồng hồ, chùi dầu, vì thế cái nghề của ba lúc đó được gọi là thịnh hành, không giống như bây giờ mua một chiếc đồng hồ quá dễ dàng thêm giá cả lại từ cao đến thấp đủ loại tha hồ cho người tiêu dùng lựa chọn.

Sau này, lúc lập gia đình, có anh tôi và tôi, chi phí học hành của con cái ngày càng nhiều đè nặng lên đôi vai của ba, những đồng tiền từ công việc chính sửa đồng hồ của ba không đủ để nuôi hai đứa con ăn học. Tôi nhớ cứ đến mùa nhập học của anh em tôi là ba phải vay mượn đủ đường, thậm chí đến ngày hạn cuối nộp tiền học phí của tôi mà ba vẫn chưa kiếm đủ số tiền, thế là cô giáo chủ nhiệm cứ nêu tên tôi trước lớp, tôi xấu hổ lắm rồi về kêu réo ba suốt, ba tôi chỉ cười hiền từ nói: “Từ từ rồi ba nộp”. Tôi chỉ cần nghe câu nói ấy của ba là yên tâm đi ngủ mà không biết rằng ba sẽ xoay xở bằng cách nào để có đủ tiền.

Trong ký ức của mình, tôi nhớ ngoài công việc sửa đồng hồ thì mỗi tối đi làm về là ba tranh thủ đi chở thêm nước ngọt, chở bia, chở hàng cho các đại lý đến khuya mới về để kiếm thêm đồng ra đồng vào mua sách vở cho anh em tôi. Niềm vui của tôi lúc đó là một đứa trẻ con hàng đêm chỉ trông mong ba về sớm để có vài cây kem hay gói snack ba đem về cho hai anh em tôi, đó là thứ ăn vặt ưa thích và xa xỉ của những đứa trẻ lúc bấy giờ. Cứ mỗi lúc ba về là tôi chạy đến ôm chầm lên cổ ba, tíu tít chạy sau lưng ba kể chuyện trên trường lớp, hết chuyện này đến chuyện khác, dù có lẽ ba rất mệt sau một ngày dài làm việc thấm đẫm mồ hôi nhưng lúc nào cũng vậy, ba luôn kiên nhẫn nghe những câu chuyện của tôi kể, cộng thêm tâm lý của con nít lại càng thích kể chuyện nhiều hơn khi có người lớn lắng nghe nó rồi thỉnh thoảng phản ứng trả lời.
 

Cứ thế, ngày tháng trôi qua, hai anh em tôi dần lớn lên trong sự nuôi nấng và đùm bọc của ba mẹ. Bất cứ vật dụng gì trong nhà bị hỏng hóc là cứ kêu ba ơi, vô tình nó trở thành một thói quen đối với anh em tôi, từ chiếc xe đạp đi học của tôi bị lủng lốp, đứt phanh đến bộ bàn học của tôi ở góc phòng cũng do một tay ba tôi tự sửa, tự đóng. Ba không phải làm nghề đa năng nhưng lúc đó tôi nhận thấy rằng vật dụng gì ba cũng kiên nhẫn mày mò tìm hiểu cấu trúc, cấu tạo của nó rồi lại tìm cách sửa, cách làm.

Có lẽ ba phải tự lập từ rất sớm vì hoàn cảnh gia đình nên cuộc sống đã rèn cho ba tính kiên nhẫn và chịu khó học hỏi, giờ đây ba làm gương và dạy cho anh em chúng tôi điều đó từ nhỏ. Ba nói thiên tài chỉ là một phần, còn chẳng ai giỏi giang từ ban đầu nếu không cố gắng tự học hỏi vươn lên. Cũng như cái nghề sửa đồng hồ của ba cần tỉ mỉ cẩn thận và người thầy dạy ba chỉ dạy một phần, còn muốn giỏi thì ba phải tự mày mò mới ra được nghề thành thạo, nên ba dạy cho con cái cần có tính tự lập, không ngừng tìm tòi học hỏi để sau này không phải bỡ ngỡ khi ra đời.

Đó cũng là cách mà ba tôi tiết kiệm chi phí cho gia đình, ba tự sửa chữa mọi thứ có thể để dành tiền vào việc khác cho các con. Tất nhiên, con người sẽ có lúc vui lúc buồn chán này kia và ba tôi cũng không phải ngoại lệ. Trước mặt con cái ba không than phiền mệt nhọc, nhưng sau đó có những lúc tôi thấy ba ngồi lặng lẽ một mình trầm tư làm dăm ba ly rượu như để giải tỏa áp lực cuộc sống, sau này ra đời đi làm nhiều lúc gặp áp lực công việc mệt mỏi khiến tôi lại nhớ đến ba, lúc ấy tôi càng thấu hiểu nỗi khổ của ba, tôi càng khâm phục ba đã vượt qua nó như thế nào.

Có một điều bây giờ tôi vẫn nhớ rất rõ là dù tối hôm đó ba có mệt mỏi đến mức nào, có đi làm về khuya đến mấy thì ba chưa bao giờ trễ giờ chở tôi đi học vào sáng hôm sau. Cứ mỗi buổi sáng tôi thức dậy đi học là đã có ba dắt xe ra chuẩn bị sẵn sàng chở tôi, ba nói rằng con người phải có nguyên tắc sống, phải giữ đúng chữ tín, đúng giờ đã hứa thì người ta mới tin tưởng giao công việc cho mình, một lần mất tín vạn lần bất trung – câu nói luôn khắc ghi trong tôi đến tận bây giờ.

Thời tôi còn nhỏ, ba chỉ có chiếc xe đạp cọc cạch chở tôi đến trường, trong lúc chở sợ tôi ngã nên lâu lâu ba lại căn dặn tôi ôm chặt ba lại. Ký ức trong tôi là những lần ba chờ đón tôi về là trên tay ba lúc nào cũng có quà ăn vặt cho tôi. Đến năm tôi lên cấp ba, trường học khá xa nhà, tôi bắt đầu tự tập đạp xe, ba tôi sợ con gái đạp xe chưa vững lỡ gặp tai nạn nên trong ngày đầu tiên tôi tự đạp xe đến trường, ba đã lặng lẽ đi xe theo sau mà lúc đó tôi không hề hay biết. Đến lúc tôi đến nơi, tình cờ ngoảnh lại mới thấy bóng dáng ba ở đằng sau. Thêm nữa nội quy của trường tôi lúc đấy là nữ sinh phải mặc áo dài vào mỗi thứ hai đầu tuần, ba sợ tôi đạp xe vướng áo dài vào bánh xe dễ ngã, thế là ba đều đặn chở tôi đi học vào mỗi ngày đó hàng tuần. Có ngày tôi học ca trưa, ba chỉ vội vàng ăn miếng cơm rồi tức tốc chở tôi đi cho kịp giờ. Thời gian cứ thế trôi đi, tôi lớn lên mà không để ý đến tuổi già của ba và dường như sự chăm lo của ba dành cho tôi lúc đó tôi nghĩ nó bình thường mà tôi không quan tâm cho đến khi biến cố gia đình xảy ra.

Thời điểm cuối năm tôi học lớp 11 (19/4/2009), biến cố bất ngờ ập đến gia đình tôi, ba tôi bị bệnh tai biến, căn bệnh mà thời đó còn quá xa lạ với mọi người và không ai nghĩ là nó sẽ để lại di chứng cho ba đến tận bây giờ. Tôi nhớ rất rõ tối hôm trước ngày ba mắc bệnh, ba đi làm về rất khuya, dáng đi của ba mệt mỏi, ánh mắt ba nhìn tôi lúc đó có cái gì đó rất khác lạ nhưng tôi không nhận ra.

Thường ngày đi làm về ba hỏi tôi chuyện học hành thế nào, đi học có vui không, nhưng hôm đó thì không, thế rồi ba lặng lẽ đi ngủ. Sáng hôm sau, ba dậy rất muộn, tôi chưa bao giờ thấy ba dậy muộn như vậy, cả nhà tôi dường như nhận ra ba có sự khác lạ, tôi chạy vào phòng ba đang ngủ, thức ba dậy nhưng chỉ thấy ba im lặng nhìn tôi một cách xa lạ, ánh mắt nhìn tôi như thể không biết đây là con gái mình, ba cứ nằm mãi mà không thể nhấc cơ thể của mình lên. Cả nhà tôi hoảng hốt đưa ba đi bệnh viện, lúc nhận kết quả chụp CT não của ba, bác sĩ nói với mẹ tôi rằng ba tôi mắc chứng “nhũ não”, nửa bán cầu não của ba đã bị tê liệt làm cho nửa phần cơ thể bên phải của ba không còn cảm giác cử động được và quan trọng hơn là một phần ký ức trước đó của ba bị xóa sạch.

Ba không nhận ra mẹ con tôi là ai, cần thời gian mới có thể lấy lại được trí nhớ, nhưng chưa chắc ba có thể nhớ hoàn toàn và khả năng đi lại của ba có hồi phục nhờ vật lý trị liệu chăng nữa thì cố gắng lắm chỉ hồi phục 50 – 60% của bình thường. Những lời đó như tiếng sét đánh ngang tai tôi, đêm đó tôi đã khóc, khóc thầm một mình cả trong giấc ngủ, tôi lo sợ ba sẽ mãi không bao giờ nhớ tôi là ai nữa, tôi sợ mất ba, thiếu vắng ba thì tôi sẽ như thế nào đây, mọi thứ như sụp đổ xuống dưới chân tôi. Tôi cố nhắm mắt nhưng những ký ức về ba, những ngày tháng về ba cứ hiện về trong tôi, tôi lại khóc nấc, khóc mãi dù ngày mai là ngày thi học kỳ của tôi nhưng tôi đã thức trắng đêm đó không thể ngủ được.

Ba bị bệnh như một cú sốc lớn cho gia đình tôi, ba từ một người khỏe mạnh trở nên bán thân bất toại, đến cả vệ sinh cá nhân cũng một tay mẹ và anh tôi làm giúp ba. Ba từ một người trụ cột gia đình đem lại thu nhập chính nay gánh nặng đó đè lên mẹ tôi, hơn nữa lại còn thêm chạy tiền chữa bệnh cho ba. Anh em tôi vẫn đang còn tuổi đi học nên cuộc sống trở nên bế tắc với gia đình tôi thời điểm đó. Bạn bè nói rằng tôi nay biến thành một người khác, từ một đứa sôi nổi, hay cười nói bỗng chốc tính tình trở nên ít nói, hay ngồi một mình suy tư.

Người ta thường nói khi bạn đánh mất một điều gì bạn mới nuối tiếc và cảm thấy nó quý giá đến nhường nào. Thật vậy, lúc trước đồ gì trong nhà tôi hư cũng kêu ba, xe đạp tôi hư cũng kêu ba, cứ như thể đó là thói quen, ba làm mọi thứ mà lúc đó tôi nghĩ là điều bình thường. Giờ đây, mỗi lần vật dụng nào trong nhà hư, chiếc xe đạp của tôi lủng lốp là tôi chẳng biết làm cách nào, cảm thấy giá như có ba tốt biết mấy.

Đâu còn nữa những ngày tháng đứng chờ ba đến đón vào mỗi lúc tan trường ngày thứ hai, lúc đó tôi hay cằn nhằn ba đến muộn làm tôi chờ mỏi chân. Rồi cảm thấy xấu hổ vì mấy đứa bạn khác ba nó đi xe xịn, xe đời mới đến đón, trong khi ba chỉ đến đón tôi với chiếc xe năm mươi phân khối đời cũ rích mà ba đã tích góp mới mua được, lại còn tiếng xe phát ra to đùng, tôi chỉ muốn ba chạy thật nhanh để lãng đi ánh nhìn của bạn bè. Thế nhưng bây giờ muốn có dịp được ba đưa đón đi học là một điều quá xa xỉ, tôi cảm thấy có ba bên cạnh quan trọng đến mức nào.

Năm tháng thấm thoát trôi đi, ba tôi dần hồi phục nhưng không thể trở lại bình thường, không thể làm được công việc tỉ mỉ như sửa đồng hồ được nữa, trí nhớ của ba không còn minh mẫn như xưa, tôi ra trường bắt đầu công việc mới nhiều thử thách khiến bản thân nhiều lúc muốn buông bỏ, những lúc như thế tôi lại nhớ về ba, nhớ lời ba dạy ngày xưa rằng muốn làm cái gì cũng cần có sự nỗ lực cố gắng không phải tự nhiên mà giỏi, thế là tôi lại muốn cố gắng cố gắng hơn nữa.

Dù bây giờ đã lớn, tôi đi làm xa nhà nhưng cứ mỗi lần ba nghe mẹ nói là tôi sắp về thăm nhà là cứ như một thói quen, sáng hôm đó ba tôi từng bước chân khập khễnh ra đứng chờ tôi ở đầu ngõ từ rất sớm, hình ảnh đó gợi lại trong tôi về ngày xưa vẫn dáng ba đứng đó trên chiếc xe chờ tôi mỗi lúc tan trường, rồi ba đỡ ba lô cho tôi xuống xe, lúc đó bước chân ba khập khễnh gần ngã. Dù ba không nói được thành lời như hỏi thăm tôi, trí nhớ ba sau căn bệnh cũng nửa nhớ nửa quên, nhưng có lẽ ba chưa từng quên dành tình yêu thương cho tôi, giống như cái cách mà ba chăm lo cho tôi thời còn nhỏ.

Ba ơi! Con nhớ, nhớ lắm những kỷ niệm của hai ba con mình ngày xưa, giá như thời gian có thể quay trở lại để con có thể tận hưởng từng khoảnh khắc đó bên ba. Cô bé con ngày xưa thường lon ton chạy sau lưng ba mỗi khi ba đi làm về, cô bé hay xấu hổ vì ba đi trên chiếc xe cũ rích đến đón đi học về nay đã trưởng thành. Con đã hiểu vì sao ngày xưa ba đi trên chiếc xe cũ đó mãi là để dành tiền cho con ăn học, dành những điều tốt nhất có thể cho con. Xin lỗi ba vì những lúc đó con cảm thấy xấu hổ vì ba.

Khi con kiếm ra được những đồng tiền đầu tiên thật không dễ dàng, con mới biết quý mồ hôi công sức cả đời ba đã bỏ ra để nuôi con khôn lớn. Cảm ơn ba đã là ba của con, là người dạy cho con những bài học đầu đời và vun trồng nên con người con của ngày hôm nay - luôn mạnh mẽ trước mọi khó khăn của cuộc sống. Ba hãy luôn sống vui và khỏe mạnh để con được mãi là con của ba, ba nhé!

Ngày nay, cuộc sống bên ngoài nhiều lo toan nhiều thú vui làm tuổi trẻ chúng ta cứ mãi chạy theo nó mà đôi khi thờ ơ với người ba người mẹ của mình. Ba mẹ vẫn ở đó luôn chào đón chúng ta trở về dù lúc ốm đau, nghèo đói, thành công hay thất bại nhưng tuổi già của ba mẹ không thể mãi chờ chúng ta lớn, thế nên hãy luôn ở gần ba mẹ khi còn có thể. Mong cho những ai đang còn ba mẹ hãy luôn trân trọng những phút giây hiện tại được chăm sóc ba mẹ mình và dành thời gian cho các ngài nhiều hơn./.

Lê Nguyễn Quỳnh Như
Con của Lê Văn Long HT69

Tác giả: ccshue, Lê Nguyễn Quỳnh Như F1/HT69

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Chú ý: Được đăng lại bài viết, nhưng vui lòng ghi rõ nguồn "Gia đình Cựu Chủng sinh Huế" và link đến bài viết trên trang này.
 Tags: tình cha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập117
  • Hôm nay29,679
  • Tháng hiện tại567,718
  • Tổng lượt truy cập56,669,355
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây