Nhật ký Ngày Về 50 Năm Hồng Ân HT72-73 [3]

Thứ năm - 28/07/2022 10:23
Chúng tôi hướng về nhà thờ cổ kính Kim Long, thoạt tưởng chỉ là một thánh lễ bình thường để tạ ơn ngày kỷ niệm Linh mục của các ân sư. Thật trang trọng khi nhìn các áp phích trân trọng về ba cha giáo được gắn trước tiền đường nhà thờ với chân dung và tiểu sử khái quát của mỗi cha.
 
ngoc khanh ngan khanh linh muc 4
 
Ngày 13-7-2022
  
Sớm mai, trời tờ mờ sáng, vậy mà mọi người đều đã thức dậy, sau đó dùng càfé và điểm tâm đã dọn sẵn. Những đọi bún bò thơm phức được quý hiền mẫu chuẩn bị lúc nửa đêm, với cung cách niềm nở, "Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi" làm cho mọi tham dự viên ấm lòng.
  
Tạ từ giáo sở Xuân Thiên với muôn vàn cảm xúc, những ngày lưu trú tại đây, chẳng khác về nhà miềng, giáo sở tuy nghèo vật chất nhưng lại giàu lòng hiếu khách...
  
Đúng 8h00, chúng tôi trở lại trường xưa, sau bao năm xa ngái. Tại đây, anh Trương Minh Phương HT67 đã chờ sẵn, để hướng dẫn đoàn tiến vào, thầy hiệu trưởng đương nhiệm vốn là học trò cũ của anh Phạm Thanh Cương HT67 vồn vã tiếp đón đoàn. Sau màn giới thiệu, thầy mời cả đoàn tự do thăm viếng các nơi, ngay cả lên tận các dãy lầu xưa cũ, ắt hẳn đã nhờ anh Phương liên hệ trước đó, nên mới tạo điều kiện được như vậy. Có nhiều anh em đã âm thầm tái khám phá những kỷ niệm 50 năm về trước, khi thì nơi phòng khách sát phòng Bề trên, cũng là nơi gặp mặt chung sau mỗi kỳ nghỉ hè hoặc tết nguyên đán..., lại có người thơ thẩn dọc hành lang dài thăm thẳm còn giữ nguyên tuyền nền gạch carô vàng, đã bao thu mà vẫn chưa phai sắc màu..., có người đăm chiêu nhìn hồ cá mà ngày đó, sau bữa điểm tâm, giấu vội mẫu bánh mì đem thả cho cá rúc rỉa... Hầu như ai cũng đau đáu, nhìn về bệ tượng Đức Mẹ tọa lạc trên chiếc hồ cá nhỏ, trước phòng ăn lớn. Suốt hơn 40 năm qua, bên chủ mới không hề đặt trên bệ loại tượng nào cả, ngoài một phù điêu non bộ?!? Mọi thứ đều còn, duy chỉ có tượng Đức Mẹ đã được di dời vào 1979 lên Đại Chủng viện Huế và được tôn tạo trước Nhà Nguyện, với danh xưng: Diễm Tụ Đài. Nhớ ngày nào trước buổi cinéma vào tối thứ 5 hàng tuần, các chú tập trung ở đây và xướng bài kinh điển: "Chúng con kính chào Nữ Vương Mẹ Nhân ái..."
 
ht 72 73
  
Ôi bao kỷ niệm lại trở về với trường xưa, trò cũ...50 năm sao vẫn chưa nhạt nhòa hình bóng của một thời xưa xa.
  
Rời Tiểu Chủng viện, chúng tôi hướng về nhà thờ cổ kính Kim Long, thoạt tưởng chỉ là một thánh lễ bình thường để tạ ơn ngày kỷ niệm Linh mục của các ân sư. Thật trang trọng khi nhìn các áp phích trân trọng về ba cha giáo được gắn trước tiền đường nhà thờ với chân dung và tiểu sử khái quát của mỗi cha. Riêng cá nhân tôi, từng cha là từng kỷ niệm đã gắn bó mật thiết với chúng tôi trong suốt chặng đường lịch sử.
  
1. Cha Giuse Trần Văn Lộc (Trong trí nhớ của anh Trần Minh Phước HT67)
 

Cha Giuse Trần Văn Lộc là Cha giáo mà tôi gần gũi nhất trong thời gian tu học, đơn giản chỉ vì ngài là cha linh hướng của tôi. Ở ngài toát ra một vẻ đạo đức mà sau nầy gặp lại tôi vẫn còn nhận ra. Hồi đó Lớp Đệ Thất chúng tôi mới vào được ngài dạy âm nhạc. Dịp tuyển lựa các chú vào ca đoàn, chỉ cần vài phút ngài đã khám phá ra là tôi không có chút năng khiếu nào về âm nhạc cả! Mà thật vậy, đến bây giờ tôi vẫn chưa phát âm được cho đúng một nốt nhạc! Trong thời kỳ tôi bị giải phẫu cục bướu ở chân trái tại Bệnh viện Trung ương Huế, ngài và cha Trần Anh Dũng (lúc đó là Dũng “đại hàn”, trưởng ban y tế của chủng viện, nay là cha phó giáo xứ VN ở Paris) đã tận tình lo lắng cho tôi (Dương Thế Phong chắc còn nhớ những buổi tối ở lại Bv với mình!). Sau đó, thời gian dưỡng bệnh ở chủng viện tôi lại được ăn nhiều cua cho lồi thịt mà Phạm Thanh Cương hay nhắc tới là vậy. Tôi còn nhớ ngài có người em rất dễ thương là bác sĩ Hoa ở Phủ Cam. Thỉnh thoảng ông lại đến chủng viện để khám bệnh cho các chú. Tôi không có ơn gọi làm linh mục, nhưng có lẽ con đường y khoa mà tôi đang đi bắt nguồn từ đó... Sau nầy khi đã hồi tục tôi lại được gặp ngài ghé thăm lúc đang ở chung cư Phạm Thế Hiển Sài Gòn, trước khi lên đường du học. Và mới gần đây tôi lại được gặp ngài ở Paris. Nhớ mãi những lần ngài đến dùng cơm với ba má tôi, cùng các cha sinh viên lúc đó như cha Chánh, cha Nhơn, cha Linh...

Xin cám ơn cha Quản lý chủng viện đã lo lắng cho anh em chủng sinh chúng con từ thể chất đến tinh thần.
 
  
2. Cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải
 

Sau biến cố 1975, vào trung tuần tháng tư, anh em chủng sinh Tiểu Chủng viện Hoan Thiện rục rịch về tựu lại tại 11 Đống Đa khoảng chừng 100 chú. Cha Giải là người có mặt ngay đầu tiên tại nhiệm sở vì ngài là cha giáo Tiểu Chủng viện. Sau này có thêm cha Anrê Nguyễn Văn Phúc, cha Gioan Nguyễn Lợi (đảm nhận chức vụ bề trên trong một thời gian ngắn), cha Bart. Nguyễn Phùng Tuệ (rip).

Sự có mặt của linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải trong những ngày tựu trường đầu tiên sau biến cố đã xốc lại tinh thần của các chú ít nhiều bị lung lay, suy sụp khi thay đổi đột ngột hoàn cảnh, mọi sự đều xáo trộn và phải được làm lại từ đầu với nhiều thử thách chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu. Ban Giám hiệu mới với bao gánh nặng, lo âu chồng chất nhất là về mặt tài chánh (không còn sự trợ giúp nào nữa) nhưng Tiểu Chủng viện Hoan Thiện vẫn tồn tại đứng vững do các linh mục hy sinh, can đảm mà nổi bật nhất là cha Giải. Ngài đã thay thế nhiệm vụ khó khăn của cha bề trên Nguyễn Lợi (lãnh bài sai khác). Chính cha Giải mới đủ tài, đủ lực để lèo lái nhà trường Hoan Thiện tiếp tục công việc đào tạo ơn gọi linh mục cho Hội Thánh, với tiêu chí mới: “Nhu cầu mới, linh mục mới”, với đường hướng hoàn toàn mới mẻ, mà việc trước tiên là tập cho các ứng sinh thích nghi vô điều kiện với hoàn cảnh mới là tự lực cánh sinh, bằng cách biến các sân cỏ nhà trường thành các vườn rau, nương khoai, rẫy sắn… Ngoài ra còn khai khẩn thêm ở Thiên Hữu, Thiên An làm thành nông trường Hoan Thiện. Ngài còn lo cho chúng tôi tiếp tục học chương trình phổ thông dang dở ở Bình Linh, Thiên Hữu, Quốc Học, Gia Hội…

Bao lo toan, suy tính suốt năm năm trời, mà chúng tôi được trực tiếp chứng kiến ở cạnh bên ngài, tuyệt nhiên chưa khi nào thấy ngài tỏ vẻ mệt mỏi, buồn chán, than thở điều chi cả. Ngay cả những lúc Tiểu Chủng viện không còn một hột gạo, ngài vẫn điềm tĩnh, tìm biện pháp khắc phục. Tôi vẫn nhớ như in khi Tiểu Chủng viện gặp nguy nan, ngài vẫn bình tĩnh, đầy bản lĩnh đứng ra bảo vệ với tư cách chủ hộ, đứng mũi chịu sào để các chủng sinh khỏi bị lung lạc bởi hệ lụy tư tưởng mới… Khi đi học ở trường ngoài, ngài đã tổ chức buổi kiểm điểm đời sống mỗi tối để mọi người có thể vững vàng, chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo, cũng như rút ra nhiều bài học bổ ích và tập tành sửa mình khi phải lỗi lầm, vấp phạm. Nhờ vậy, những phiền toái, rắc rối trong giai đoạn giao thời, quản lý con người bằng hộ khẩu bất di bất dịch (các chủng sinh muốn về cũng không được) vậy mà không một ai phản bội …
 
 
Nơi ngài, chúng tôi luôn cảm nghiệm đức tính hiền lành, vị tha cũng như không bao giờ tỏ vẻ ghét bỏ, ruồng rẫy một ai cả, nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc khi ai đó phạm lỗi. Ngài sống thanh bần, giản dị, gia tài chỉ có hai bộ đồ bạc màu, một đôi dép lốp và một túi xách bằng vải để chuẩn bị sẵn sàng khi xẩy ra tình huống đột xuất. Vậy đó, bề trên của chúng tôi là vậy đó. Có rất nhiều lần ngài được chính quyền mời làm việc căng thẳng suốt ngày, nhưng khi về nhà, ngài vẫn tươi cười, vui vẻ thoải mái, không để lộ một chút lo âu cho con cái. Về mặt đạo đức, ngài là tấm gương tuyệt vời cho chúng tôi. Lúc nào cũng thấy ngài trong nhà nguyện, mùa hè nóng bức cũng như mùa đông lạnh lẽo, xuân thu nhị kỳ, ngày cũng như đêm, ngài đều sấp mình trước Mình Thánh Chúa. Khi ngài dâng lễ, bao giờ ngài cũng muốn chúng tôi soạn cho ngài áo lễ đẹp nhất, mới nhất, chắc chắn ngài muốn Thiên Chúa tỏ mình qua vị tư tế với phẩm phục trang trọng, chỉnh tề hầu nói lên sự trân trọng của vị chủ tế khi dâng lễ vật cho Thiên Chúa. Việc gì khó khăn nhất là có ngài, không nệ hà chi cả. Và dù bận rộn, nhưng sáng hoặc chiều, ngài đều tranh thủ lên Thiên An để dâng lễ với chúng tôi. Những khó khăn bên ngoài dù có lớn mấy cũng dễ vượt qua, nhưng khó khăn do nội bộ mới đáng kể, ấy vậy mà ngài khôn ngoan khéo léo lèo lái con thuyền Tiểu Chủng viện vượt qua tất tần tật.
  
Sau này, chúng tôi mới được biết vị ân sư hiền từ của chúng tôi đã âm thầm nỗ lực hết mình cho công việc Bảo Vệ Sự Sống. Chính ngài đã tiên đi tiên phong với việc thành lập nghĩa trang Thiên Thần với khoảng 40.000 sinh linh bé bỏng an nghỉ nghìn thu. Ngoài ra còn nuôi nấng hàng ngàn trẻ em nên người, và biết bao bà mẹ trẻ lầm lỡ đã gượng dậy nhờ vào lòng từ bi, bác ái của ngài.
  
Tóm lại một điều về cha Giải, đó là hai chữ bình an. Ai muốn biết điều đó, hãy gặp ngài tất hiểu. Chúng tôi vừa gặp ngài dịp hội ngộ lớp HT71 vào năm 2018 và hết sức vui mầng trong dịp hội ngộ nầy khi thấy vị tôn sư của mình vẫn còn trẻ, khỏe mạnh, dù đã tới tuổi gần 80 mà tóc chưa một sợi bạc, da mặt chưa một nét đồi mồi. Ở nơi ngài ai cũng thấy lòng mình thanh thản, an lạc, vì đó là do sự bình an mà Mẹ La Vang đã ban cho mỗi người qua ngài.
  
Trong ngày kỷ niệm 40 năm nhìn lại (1979-2019) cha Giải đã chủ tọa sự kiện trọng đại này từ sáng đến chiều, ngài lắng nghe mọi lời chia sẻ, ngài cũng chủ tế trong thánh lễ đồng tế Tạ Ơn gồm 11 vị linh mục.
  
Cầu nguyện cho ngài được hồn an xác mạnh để còn dạy dỗ chúng con, những học trò bất xứng, nhờ ngài mà nên người tử tế.
  
Trong ngày 13.7.2022, Ngày Lễ Tạ Ơn Hồng Ân Kim Khánh và Ngọc Khánh Linh mục tại Kim Long, cha Phêrô đã chủ tế thánh lễ đồng tế hơn 20 linh mục.

(Mic Nguyễn Hùng Dũng HT71)

3. Cha Anrê Nguyễn Văn Phúc
 
  
Khi viết về vị ân sư này, tôi không khỏi băn khoăn và dùng dằng tự hỏi rằng, ngài có cho phép tôi nói về ngài không?
  
Nhưng thật là thiếu sót khi không nói gì về vị ân sư khiêm hạ và kín kẽ này.

Cha Anrê, quê quán ở Phủ Cam, gia đình ngài có nhiều anh em đi tu làm linh mục. Ngài có người anh làm cha ở Thái Lan, đó là cha Nguyễn Văn Lành. Ngài còn có 2 người em cũng vào Tiểu Chủng viện Hoan Thiện, nhưng Chúa không chọn, trong đó có anh Nguyễn Văn Quý HT69 là người tôi khá thân quen, nay anh đã yên nghỉ ngàn thu. Ngoài ra, còn có cha Phạm Ngọc Hoa HT69, cha sở Phường Tây và cha Phạm Ngọc Hải, quản nhiệm La Vang, gọi cha Anrê bằng cậu ruột.
  
Cha Anrê thuộc lớp Phú Xuân 1957. Sở dĩ tôi nhấn mạnh điều này vì lớp PX57 có tình cảm đặc biệt với cá nhân tôi. Quý cha PX Ngô Phục cũng như quý anh Kim Sơn, Xuân Nghĩa, Văn Thông, Văn Bình, Ngọc Hường RIP, Lương Huân RIP, Dạ Thảo...ở Sàigòn, hay nơi khác mà tôi quá quen thuộc từ 4 thập niên qua, hầu như những sinh hoạt của lớp từ Bổn mạng đến Sinh nhật lớp, tôi và một số anh em khác đều được mời tham dự. Lớp PX57 ngoài ra còn có cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải, bề trên Tiểu Chủng viện Hoan Thiện từ 1975-79, cha Trần Văn Hiệu ở Nha Trang, cha Lê Sỹ Hiền ở Huế.
  
Vào năm 1964, lớp PX57 được tuyển chọn 2 thầy Phúc và Giải vào Giáo Hoàng Học Viện Thánh PIO X, thuộc khoá VII và sau đó cả hai cha chịu chức vào ngày 21/12/1972. Từ tháng 4 năm 1975, hai cha cùng về phục vụ tại Tiểu Chủng viện Hoan Thiện Huế.
 
  
Những năm tháng đó, những ai trong cuộc mới thấm thía nỗi khổ trầm kha, vất vả lo toan trăm bề, từ con số không để khởi đầu mọi thứ. Trong các trách vụ huấn luyện các chú, có việc quản lý lo cơm áo gạo tiền là gay go nhất, vì chủng viện đã chấm dứt nguồn trợ giúp từ Tòa Thánh và cha mẹ các chú với nỗi khốn quẫn lúc giao thời, nên việc đóng góp cho con cái cũng gặp bế tắc. Trăm dâu đổ đầu tằm, thế là cha Anrê đứng mũi chịu sào, lãnh trách nhiệm vú em thời tem phiếu, sổ gạo... Dạo đó, các chú cũng phải chực xếp hàng trước cửa hàng lương thực Vĩnh Lợi (L' Accueil) như mọi người dân để mua gạo mốc, bo bo, sắn khoai, muối mắm...
  
Ngày đó, cha quản lý Anrê chọn một số chú có năng khiếu về lợi khẩu, xã giao...vào một nhóm gọi là "Giao tế " để lo các việc linh động giúp ngài như khai báo tạm trú hộ khẩu, nộp sổ gạo để mua lương thực hoặc tìm người hay tập thể đang có nhu cầu, mua bàn ghế, cửa, tủ, nhạc cụ...để thương lượng mua bán cho được giá. Tôi nhớ các chú giỏi giang đó như: Trương Văn Đằng RIP, cha Dương Quang Đức, cha Phan Văn Anh và Nguyễn Ngọc Đoàn RIP...

Ngày đó, các chú truyền khẩu cho nhau bài đồng dao: "Nhất cha, nhì chị, ba chó, bốn chú", ý nói là về thứ hạng, các chú còn đứng sau chó. Bầy chó được các chị cưng hơn các chú, nên được sống trong khu biệt lập từ nhà bếp trở về sau, hễ mỗi lần gặp các chú là chúng sủa vô tội vạ, hết sức ồn ào và khó chịu. Các chú phản ảnh lên tới tai cha quản lý, ngài chỉ dụ ngay cho chú Đoàn trắng HT72 (+) chọn ngày lễ trọng nào đó và THỊT tẩy trần. Thế là các đao phủ thủ như chú Tạo, chú Cao Thăng, chú Sử...được dịp trổ tài "Hạ cờ tây". Tội nghiệp cho các chị mếu máo suốt mấy ngày.

Cá nhân tôi chưa bao giờ nghe cha quản lý la mắng ai cả, ngài chỉ nhắc nhở nhỏ nhẹ y hệt cha Nguyễn Trọng Qúy (Thanh Quân). Thằng chú nổi tiếng hoang nghịch như tôi năng bị ngài bắt gặp phạm lỗi nhiều nhất như hút thuốc, trộm chuối, trộm đu đủ, tụ năm tụ bảy ồn ào trên sân thượng..., vậy mà không nghe ngài lớn tiếng bao giờ. Tôi nhớ kỷ niệm vui vui khi ở lầu nhà mới, chỉ có một lớp chừng mười mấy chú mà ở trong phòng ngủ quá rộng, nên mỗi lần đi tháo nước, tôi làm biếng đi nhà vệ sinh phía sau xa quá, bèn leo lên cửa sổ tè ra hướng doanh trại bộ đội (Hội Việt-Mỹ), bị các chú mét, nên trong giờ kiểm điểm đời sống, ngài chỉ đe tôi coi chừng bị bộ đội bắn lũng dế mà thôi.
  
Có lần cha Anrê nhận bài sai lên khu kinh tế mới Bình Điền dâng lễ Giáng Sinh. Ngài sai tôi đi tiền trạm để lo chỗ dâng lễ và ở lại nhà tôi. Tới ngày lễ, chú Đoàn Hiển chở cha Anrê lên đó và dâng lễ, tôi có dịp được ở bên cạnh ngài, dọn giường chiếu cho ngài nghỉ đêm.

Ngài dạy môn Luận lý học, khi tới phần tam đoạn luận, ngài chỉ tay về hướng chú Dũng cho ví dụ: Tôi lính quýnh nhưng cũng kịp trả bài, thưa cha, hút thuốc ở trong chủng viện là phạm luật, nhưng khi con thò đầu ra ngoài hàng rào chủng viện để hút, thì không phải phạm luật... Hoặc hái đu đủ để làm giống là tội nặng, nhưng đi tu thì còn để làm giống chi nữa, nên cứ việc hái thoải mái... Ngài chỉ mỉm cười không thấy nói gì. Có lần ngài hỏi chúng tôi, các chú muốn làm linh mục để làm gì? Nhiều chú trả lời chung chung, tôi đứng dậy và noái: Thưa cha để phục vụ các linh hồn, ngài gật đầu và hài lòng.

Những lần Hội ngộ trường hay lớp, ngài đều có mặt tham dự, dạo sau này ngài mắc bệnh mãn tính, nên phải kiêng khem đủ thứ và mắt ngài yếu dần...làm chúng tôi hết sức thương cảm.
  
Dịp lớp HT71 tổ chức mừng thọ 60 vào 2018 và cả HT69 kỷ niệm 50 năm nhập trường vào 2019 vừa rồi, cha Anrê đều tham dự, ngài xuất hiện nhẹ nhàng và ngài lại từ giã cũng nhẹ nhàng như khi đến vì không muốn cho ai phải chú ý đến ngài. Ngài nói với tôi: Ngày xưa, Dũng hoang, nghịch nhất trong chủng viện, bi chừ phải lập công chuộc tội hí. Y hệt ngày xưa, vốn đã nói ít, thì ngày nay, ngài lại càng ít nói hơn xưa.
  
Cha ơi, con biết trong bụng cha không muốn con viết điều chi về cha cả. Suốt 40 năm qua, con chỉ viết về các cha khác, nay xin cha cho con được viết một đôi dòng để tâm sự về một tâm tình dành cho những vị thầy mà chúng con hết lòng yêu mến vì đã từng mến yêu chúng con.
  
Một tín hiệu vui, cách đây vài tháng, ngài đã tập tành vào Facebook và đã kết bạn với đám học trò thủa xưa. Vậy các chú ngày đó, hãy tới trình diện với thầy mình: Nguyễn Văn Phúc
Dịp học trò tôn vinh 50 năm Linh mục của ngài, ngay từ đầu, ngài đã từ chối, nhưng sau đó, ắt hẳn ngài cảm thương đến tình cảm học trò dành cho ngài, nên đã nhận lời đến dâng Lễ Tạ ơn Hồng Ân 50 Năm.
(Mic Nguyễn Hùng Dũng)
  
Sự kiện mừng Hồng Ân Linh mục của 3 cha giáo, được cha Thăng HT74, vừa là cha sở Kim Long, vừa là hạt trưởng thành phố và cả Giám đốc Nhà Hưu dưỡng Linh mục tổ chức trọng thể, với đầy đủ hình thức lẫn nội dung, ngay cả chúng tôi, Ban Tổ chức cũng không ngờ cha Thăng chuẩn bị sự kiện tầm cỡ như vậy, từ trang hoàng bên ngoài đến chiều kích nội tâm, thay thảy đều được đầu tư từng chi tiết, các vị ân sư của chúng ta xứng đáng được tôn vinh.

Lời của học trò với ba cha giáo trong Thánh lễ Tạ Ơn.

Thưa quý cha giáo.

Chúng con không thể tính chính xác có bao nhiêu Hy lễ toàn thiêu mà ba cha đã cử hành trong suốt 160 năm qua, nhưng chúng con biết đã có rất nhiều linh hồn được nuôi sống bằng thần lương do chính tay của ba cha phân phát cho thế gian.

Có người nói: Ngày chịu chức linh mục là ngày ở dưới chân đồi Golgotha, ngày Ngân khánh Linh mục là ngày đứng trên đỉnh đồi, ngày Kim Khánh và cả Ngọc Khánh Linh mục chính là ngày quý cha đã xuống dưới bên kia sườn đồi, được Đức Mẹ đem về chăm sóc đặc biệt, là ngày quý cha đã hoàn tất sứ vụ linh mục (nói theo ngôn ngữ hiện đại là 3 cha đã hạ cánh an toàn) Nhưng với chúng con, ba cha đã xuống núi bình an.

Với quỹ thời gian còn lại, Thiên Chúa ắt hẳn muốn 3 cha vơ vét số bánh vụn còn dư ngoài 12 thúng đầy, mà nuôi dưỡng ràn chiên bơ vơ, lạc lõng...trong đó có cả chúng con nữa.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và ân thưởng dư dật cho ba cha.

(Còn tiếp)

Mic. Dũng lược thuật

Xem toàn bộ hình ảnh: arrow111 TẠI ĐÂY
 

Tác giả: Mic. Nguyễn Hùng Dũng HT71

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập80
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm76
  • Hôm nay16,300
  • Tháng hiện tại444,735
  • Tổng lượt truy cập67,469,582
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây