Để thực sự tôn thờ Mình Thánh Chúa Kitô
Tý Linh
2024-07-27T07:27:37-04:00
2024-07-27T07:27:37-04:00
http://cuucshuehn.net/Tu-duc/de-thuc-su-ton-tho-minh-thanh-chua-kito-13297.html
http://cuucshuehn.net/uploads/news/2024_07/adoration.jpeg
Cựu Chủng Sinh Huế
http://cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ bảy - 27/07/2024 07:24
Cần phải hy vọng rằng sự phục hưng này thúc đẩy một sự chú ý mới đến sự sống và phẩm giá con người, sự sống dễ bị tổn thương và không có khả năng tự vệ, như sự sống của những đứa trẻ chưa sinh ra, những người vô gia cư, những người di cư.
Suy niệm về Đại hội Thánh Thể tại Hoa Kỳ, những lời của Thánh Gioan Kim Khẩu, việc bảo vệ mỗi mạng sống.
Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội Thánh Thể Hoa Kỳ, tại Indianapolis, vào tối ngày 17 tháng Bảy, Đức Hồng y Christophe Pierre, Sứ thần Tòa thánh tại Hoa Kỳ, đã hỏi “sự phục hưng Thánh Thể” hệ tại điều gì. Và đâu là cách để xác định xem “chúng ta có đang trải nghiệm sự thức tỉnh Thánh Thể” hay không. Ngài giải thích, sự phục hưng Thánh Thể thực sự, mặc dù nó “luôn luôn đi kèm với việc tôn sùng bí tích”, và do đó bằng việc chầu Thánh Thể, rước kiệu, dạy giáo lý, nhưng “phải vượt xa các thực hành sùng kính”.
Đức Hồng y giải thích, sự thức tỉnh Thánh Thể đích thực có nghĩa là nhìn thấy Chúa Kitô nơi người khác, không chỉ trong gia đình, bạn bè hay cộng đồng của mình, mà còn nơi những người mà chúng ta cảm thấy xa lạ, vì họ thuộc về một sắc tộc hoặc một môi trường xã hội khác, hoặc vì họ đặt vấn đề về cách suy nghĩ của chúng ta hoặc không chia sẻ ý kiến của chúng ta.
Những lời này đặc biệt có ý nghĩa so với sự phân cực đang là đặc điểm của xã hội Mỹ và ảnh hưởng của nó cũng không chừa Giáo hội của đất nước vĩ đại này ra. Những nhận xét của Đức Hồng y Pierre gợi lại bài giảng của Thánh Gioan Kim Khẩu, vị Đại Giáo Phụ của Giáo Hội, người đã nói: “Bạn có muốn tôn thờ Mình Thánh Chúa Kitô không? Đừng khinh thường Người khi Người trần truồng. Đừng tôn thờ Người ở đây, trong nhà thờ, bằng những tấm vải lụa, trong khi bạn lại để Người ở ngoài chịu lạnh và thiếu quần áo… Có ích lợi gì khi bàn tiệc của Chúa chất đầy những bình vàng, trong khi chính Người lại chết vì khốn khổ?” Ngài nói tiếp: “Bạn hãy nghĩ rằng đó cũng là Chúa Kitô, khi Người ra đi, lang thang, xa lạ, không nhà. Bạn đã bỏ quên không đón tiếp Người, bạn tô điểm vỉa hè, tường thành và đầu cột… khi bạn trang hoàng nhà thờ, đừng quên người anh em đang khốn quẫn, vì ngôi đền này có giá trị hơn ngôi đền kia”.
Một vị Giám mục vĩ đại khác, Đức cha Antonio Bello, đã nói: “Thật không may, sự sang trọng phô trương của các thành phố của chúng ta cho phép chúng ta dễ dàng phân biệt Mình Thánh Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể với các bàn thờ của chúng ta. Nhưng nó ngăn cản chúng ta nhận ra thân thể Chúa Kitô trong những nhà tạm thiếu tiện nghi của sự khốn cùng, của sự thiếu thốn, sự đau khổ, cô đơn. Đây là lý do tại sao Bí tích Thánh Thể của chúng ta rất kỳ dị…”.
Nghĩ đến hoàn cảnh ở Hoa Kỳ, cần phải hy vọng rằng sự phục hưng Thánh Thể sẽ dẫn đến sự chú ý nhiều hơn đến thân thể của Chúa Kitô trong “những nhà tạm thiếu tiện nghi” của sự khốn khổ và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Và cần phải hy vọng rằng sự phục hưng này thúc đẩy một sự chú ý mới đến sự sống và phẩm giá con người, sự sống dễ bị tổn thương và không có khả năng tự vệ, như sự sống của những đứa trẻ chưa sinh ra, những người vô gia cư, những người di cư. Một sự chú ý mới đến cuộc sống của những người hằng ngày bị đe dọa bởi bạo lực và sự phổ biến vũ khí một cách không kiểm soát, được bán một cách dễ dàng: đó là một tai họa đặc biệt giáng xuống đất nước vĩ đại này và các Kitô hữu sẽ không bao giờ chống lại nó đủ, tức là các môn đệ của Đấng, tại vườn Ghếtsêmani, đã ngăn chặn sự xung động phòng thủ của Phêrô bằng cách ra lệnh cho ông tra kiếm vào vỏ và sau đó chữa lành tai cho người đầy tớ bị thương của vị thượng tế, đã bị vị tông đồ làm tổn thương.
Andrea Tornielli, giám đốc biên tập truyền thông Vatican
Tý Linh chuyển ngữ (nguồn: Vatican News)
https://xuanbichvietnam.net/trangchu/de-thuc-su-ton-tho-minh-thanh-chua-kito/