Dấu lặng tình cha
Nữ tu Marie Lê Thị Phương Huế F1/PX61
2021-11-24T07:51:13-05:00
2021-11-24T07:51:13-05:00
http://cuucshuehn.net/Chia-se/dau-lang-tinh-cha-12046.html
http://cuucshuehn.net/uploads/news/2021_11/dau-lang-tinh-cha-1.jpg
Cựu Chủng Sinh Huế
http://cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ tư - 24/11/2021 07:47
Nếu nhìn cuộc sống con người trong cung bậc cảm xúc của một bản nhạc, tôi chỉ có thể bắt gặp người nơi dấu lặng của một bản nhạc đầy những nốt thăng, trầm.
Đề tài vỏn vẹn một từ “cha” ngắn ngủi xoáy vào tim. Cuốn phim cuộc đời đằng đẵng của cha cứ thế tự động tua lại một cách chậm rãi trong ký ức được xếp gọn một góc bởi bộn bề của sứ vụ và bổn phận của riêng mình. Trằn trọc với dòng tin ngắn ngủi, có lẽ không người con nào lại có thể giấu được cái cảm xúc trào dâng khi nghĩ về cha, về đấng sinh thành dưỡng dục. Đặt bút gieo nỗi lòng thương nhớ lẫn tâm tình biết ơn cha, không đơn thuần chỉ là ôn lại những kỷ niệm vui, buồn, sướng, khổ về cha nhưng trên tất cả đó là lời tạ ơn Chúa, vì muôn ngàn hồng ân Ngài đã gieo rắc trên cuộc đời người con bé nhỏ này. Hồng ân đó âm thầm ẩn diện trong thân phận một người cha trần thế lam lũ, khiêm hạ trong nếp sống của một con người suốt đời lao động chân tay.
Trong cái nhìn người Việt, ai đã trải qua 70 năm cuộc đời chính là người đã biết lẽ nhân sinh, đã trải đủ hỉ, nộ, ái, ố. Họ là kho kinh nghiệm của đời sống, thế nên họ phải được kính trọng. Vì lẽ đó mà, đối với tôi, ba là người đáng kính nể với 75 năm cuộc đời kinh qua đầy đủ cung bậc thăng trầm. Dáng vóc thấp gọn, rắn rỏi, với làn da rám nắng cùng mái tóc bạc trắng, trông ba đượm nét phong sương. Đôi mắt xám hiền lành, ấm áp, nhưng không thiếu nét nghiêm nghị, mạnh mẽ với đôi bàn tay chai sần, thô ráp, lưu dấu một cuộc đời tần tảo, chạy từng bữa cơm cho gia đình tròn chục miệng ăn, lo cách giáo dục cho con cái lớn khôn thành người. Ba là thế!
“Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau.” (Hc 7, 27)
Ngay từ thuở bé, tôi đã luôn tỏ ra là đứa cá biệt trong gia đình. Bằng chứng là chỉ mới 6 tuổi đầu, tôi đã có “khả năng” châm lửa thiêu rụi mái nhà tranh bằng “viên pháo vô tình” ngày mồng 2 Tết năm Canh Ngọ (1990). Sau màn nghịch pháo động trời đó, con nhỏ 6 tuổi âm thầm cuốn theo 2 bộ quần áo… “bỏ nhà đi bụi”, đến ở nhờ nhà người bạn của chị cả ngay đầu xóm vì sợ bị ăn bánh đòn. Chiều tối, ba đến đón về. Mấy ngày sau, đang khi lởn vởn chơi trong sân, nó lại nghe ba nói với anh Hai: “Để ba tìm cách kiếm thêm tiền, lợp lại mái ngói cho an toàn. Tạ ơn Chúa, may mà em nó không sao!”.
Tuổi thơ tôi cứ thế lớn dần lên trong sự bảo bọc của gia đình, đặc biệt là ba. Rồi đến một ngày chị cả quyết định rời gia đình theo ơn gọi tu trì. Sự giằng xé giữa lý tưởng tu và bổn phận của người con cả trong gia đình đông em khiến mối tương quan giữa mẹ và chị trở nên căng thẳng, lời qua tiếng lại. Những giọt nước mắt đã rơi...
Ngày Lễ Mẹ Lên Trời, năm 1991, ba đưa chị ra Đà Nẵng nhập dòng, nuốt nước mắt gồng vai gánh thêm bổn phận để dâng con cho Chúa. Ước mơ ba đã không thể thực hiện được trong quá khứ khi còn là một chủng sinh, thì hiện tại ba muốn điều đó được thành toàn nơi con của mình. Ba cũng từng kinh qua gánh nặng bổn phận của người anh cả trong gia đình đông con. Vì thế, dù biết có thêm vất vả đang chờ khi nhà thiếu đi một nhân lực, ba vẫn âm thầm vui vẻ hiến dâng con mình như một lời tạ ơn mãn nguyện. Gánh nặng chồng gánh nặng, cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi mẹ sinh em út cuối năm 1993 - giai đoạn dịch sốt màng não xảy ra trong vùng - em út sốt co giật, động kinh và sớm trở thành trẻ thiểu năng trí tuệ.
Cuộc sống mưu sinh bươn chải, tảo tần là thế, nhưng không vì vậy mà ba thiếu đi nụ cười. Gia đình giữa cảnh khó khăn càng thêm đùm bọc. Ba vừa lao động, vừa dạy dỗ con cái. Ba tôi hay lắm! Nhớ có lần tôi đánh nhau với nhỏ bạn, lại còn rủ cả chị Năm đánh phụ. Trận chiến giữa đám trẻ thì chẳng có hồi kết, thấy sắp thua tôi chạy vào “méc” ba, hy vọng ba sẽ ra cho nhỏ bạn một trận đòn. Ai ngờ “gậy ông lại đập lưng ông”, ba kéo cả hai chị em vào, bắt nằm sấp lên giường, mỗi đứa lãnh 5 roi cho “chừa cái tật ưa đánh lộn!” Lồm cồm bò dậy sau trận đòn, liếc ánh mắt hình viên đạn sang nhỏ em, chị mếu máo: “Ai biểu méc ba chi?” “bốp, bốp”. Vậy là nhỏ em lãnh đủ: một đầu tóc bù xù từ trận chiến với con bạn, năm gậy từ ba, cộng thêm hai cái bốp của bà chị! Giờ nghĩ lại tôi phải bật cười: nếu ngày còn bé, ba không năm lần bảy lượt lấy tình thương mà sửa dạy thì không khéo giờ này tôi đã trở thành một “chị đại” có tiếng cũng nên.
Năm 1997, theo ước muốn của chị Năm, ba đưa chị ra Cam Ranh ở nhà các dì Mến Thánh giá Huế để tu học. Nhà lại vắng một người đỡ đần ba mẹ, đồng nghĩa ba mẹ phải nặng gánh hơn. Thời gian cứ thế trôi chẳng đợi ai, tôi lớn dần theo năm tháng, có nhiều bạn bè hơn. Bạn bè của tôi ba biết từng đứa một, không lạ gì vì ba có khiếu nói chuyện hài hước, gần gũi của một trưởng hướng đạo khiến bạn bè tôi rất thích thú. Ba luôn ủng hộ những sáng kiến của tôi, đốc thúc việc sinh hoạt giáo lý, tham gia hướng đạo sinh, lắng nghe đôi khi cả những ước mơ thật vớ vẩn của tôi. Trong tất cả các vấn đề của tôi, ba luôn tỏ ra là việc của chính mình, phân tích đúng sai, hơn thiệt, lắng nghe nhiệt tình… Ba như một người bạn thân thiết mà tôi có thể tâm sự đủ điều trên cuộc đời này.
Cuộc sống ai rồi cũng có những ngả rẽ của chọn lựa. Tôi tốt nghiệp trung học phổ thông rồi thi vào trường Thống Kê TWII. Ba vui như hội, hễ có ai hỏi là khen ngay con ngoan hiền, chăm học. Sau 3 năm xa nhà học tập, tôi trở về quê làm việc cho một công ty xây dựng. Cứ ngỡ sẽ ở cạnh để có thể đỡ đần phần nào cho gia đình, phụ chăm sóc em bệnh, nhưng rồi Chúa đã gọi tôi. Đáp lại tiếng Chúa mời gọi, ngày 13 tháng 8 năm 2007, tôi quyết định theo bước hai chị dâng mình cho Chúa. Một lần nữa bờ vai ba lại mang lấy bao nỗi tân toan, để người con gái út của ba yên tâm dấn thân trên bước đường dâng hiến. Nhìn bóng dáng người lặng lẽ bước đi, khuất sau cánh cổng tu viện Phaolô Sài Gòn, mất hút vào giữa dòng xe tấp nập của phố xá, tôi chỉ biết ngậm ngùi xin lỗi và cám ơn ba - vị ân nhân vĩ đại của cuộc đời tôi.
“Ôi tấm lòng bao la,
Mênh mông như biển cả.
Ôi tấm lòng của cha,
Cao cả hơn đất trời!”
Gần 15 năm sống trong nhà dòng, giữ những luật phép vốn phải có, thì những cuộc gọi hiếm hoi gặp ba thật vắn vỏi. Cuộc trò chuyện thông thường chỉ là những lời thăm sức khỏe, cùng những lời hồi đáp thật ngắn gọn, bao năm nay vẫn thế, được đính kèm bởi tiếng cười giòn giã của ba: “Ba khỏe lắm, mạnh như trâu, con đừng lo gì hết, cứ yên tâm mà tu!” Thật lạ, sau 1 năm, 2 năm, 5 năm và cho đến bây giờ sau 10, 20 năm... mà: “Ba vẫn khỏe lắm, mạnh như trâu, con đừng lo gì hết, cứ yên tâm mà tu!”. Hình như có điều gì không đúng! “Con trâu” đó sao khỏe nổi, sau 50 năm cày cấy, buôn thúng bán bưng. Đôi chân sao còn cứng cáp được khi hàng chục năm cọc cạch chiếc xe đạp nặng trĩu sọt cà chua, cá, mắm bán buôn. Có thể nói, chưa một công việc nặng nhọc nào ba chưa từng trải qua, cả cuộc đời “bán lưng cho trời, bán mặt cho đất”, từ đi buôn cho đến trồng dâu, nuôi tằm, làm rẫy, đi rừng, v.v…
Những tai nạn, bệnh tật gắn liền với cái nghề nguy hiểm là không thể tránh khỏi, thế nhưng vì miếng cơm manh áo của tám đứa con, ba không mệt mỏi lao vào cuộc đời như một chiến binh thầm lặng, anh dũng. Ba yêu hình ảnh con trâu, cũng vì thế mà chọn cho mình biệt hiệu “Trâu Cần cù” làm tên rừng, khi còn hoạt động trong phong trào Hướng Đạo sinh. Tôi biết con “Trâu Cần cù” đó giờ đã kiệt sức!
Nghĩ về ba tôi càng thấm thía ý nghĩa của từ “CHA” trong tiếng Anh “FATHER”, với những chữ cái kết thành đầy ý nghĩa:
F: Faith: Đức tin công giáo được thừa hưởng từ ông bà tổ tiên, ba đã sống, gìn giữ và thông truyền cho chúng con bằng chính gương sáng sống đức tin của mình từng ngày, từng biến cố vui buồn.
A: Already: Luôn sẵn sàng hy sinh và âm thầm đón lấy những phần nặng nhọc, thiệt thòi về mình là thói quen của ba.
T: Tears: Những giọt nước mắt hạnh phúc ngày con khôn lớn và cũng không thiếu những giọt lệ mỗi khi con lầm lỗi, vô ơn khiến ba nặng lòng.
H: Head, Heart, Hand: Một cái đầu của sự khôn ngoan, đầy cương quyết, và có những lúc cứng rắn để chúng con trưởng thành. Một trái tim nồng nàn của tình thương âm thầm nhưng mãnh liệt dành cho chúng con. Một đôi tay chai sần đã nắm trọn tay con dẫn dắt, chỉ vẽ.
E: Eyes: Đôi mắt ba luôn dõi theo từng đoạn đường con tiến bước, và lại sâu thêm những chuyện lo nghĩ cho tương lai cuộc đời con.
R: Right: Biết bao điều hay, lẽ phải, việc tốt nhất ba dạy con với ước mong con lớn khôn nên người.
Giờ đây, với cái tuổi xế chiều, con cái đã yên bề gia thất, có cuộc sống riêng của mình, theo lẽ thường cũng là tháng ngày những người cha, người mẹ cần được nghỉ ngơi, phụng dưỡng. Thế mà ba sáng sáng vẫn đều đặn chợ búa, chở hàng, phụ buôn bán để kiếm thêm thu nhập nuôi em út đã 28 tuổi thiểu năng. Có những hôm ba lang thang, tất tưởi rảo khắp các ngã đường tìm em, khi suốt ngày không thấy con đâu! Tâm thần em không bình thường do hậu quả cơn sốt khi chỉ mới 8 tháng tuổi, vì thế em thường đập phá, động kinh mỗi lúc tức giận, lên cơn. Có những dịp về phép thăm gia đình, gặp khi em lên cơn động kinh, cứng đơ người rồi co giật, chứng kiến bàn tay vội vã nhấn huyệt, xoa bóp, khuôn mặt tái xanh in nỗi sợ hãi của ba, lòng tôi se thắt. Khi cơn động kinh đã qua đi, ba ngồi thừ, thở dốc, rồi khẽ khàng lau một cách thuần thục khuôn mặt vương vãi nước bọt của em. Nhìn vào cuộc đời hy sinh thầm lặng của ba, tôi khám phá ra rằng “trái tim cha mẹ là trường học của những đứa con”.
Nếu nhìn cuộc sống con người trong cung bậc cảm xúc của một bản nhạc, tôi chỉ có thể bắt gặp người nơi dấu lặng của một bản nhạc đầy những nốt thăng, trầm. Cuộc đời ba đã trở thành một dấu lặng - một loại âm thanh quyến rũ - cho tôi có thể nghe rõ tiếng Chúa. Những khoảng lặng nhẫn nhịn, phó thác cho gia đình biết nói lời nhỏ nhẹ với nhau. Sự thinh lặng vâng theo ý Chúa đầy ý nghĩa, trước những hoàn cảnh, biến cố của cuộc đời… Tôi cũng muốn làm cho đời dâng hiến của mình trở thành chuỗi ngày của những dấu lặng khiêm tốn, dấu lặng của những chọn lựa cách sống biết quan tâm đến người khác, chiến đấu với bản tính ích kỷ, biết chấp nhận buông bỏ một lối sống hời hợt, hầu có thể trở thành máng chuyển sự bình an, hòa giải và tình yêu của Thiên Chúa cho những người tôi gặp gỡ. Tôi vẫn tin rằng, để trở thành một dấu lặng trong cuộc sống ồn ào, vội vã, sẵn sàng hơn thua nhau trong từng lời nói và thái độ này thật khó, nhưng không phải là không thể. Bằng chứng là ba – thần tượng của tôi - đã sống thật trọn vẹn dấu lặng đó!
Dẫu thời gian, tuổi tác hay bệnh tật có làm cho ba của tôi hôm nay dễ tủi thân, hay hờn dỗi, đôi khi nhớ trước quên sau, thì bổn phận của người làm con cả cuộc đời thụ ơn cha sao lại nỡ nặng lời, trách móc người. Lời Chúa trong sách Huấn ca dạy: “Con ơi, hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dễ người.” (Hc 3, 12-13) và lời Chúa hứa cho kẻ làm con biết sống trọn chữ hiếu: “Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.” (Hc 3,5)
Làm sao chúng con có được thành quả của ngày hôm nay nếu ngày xưa không có bàn tay chai sần và bàn chân nứt nẻ của ba?
“Thương cha xuôi ngược giữa dòng,
Mẹ yêu tất tả gánh gồng nuôi con. ”
Thế nhưng, là kẻ làm con, quá nhiều lần chúng con đã làm cho ba phải ưu phiền, khi cuộc sống chúng con chưa thể hiện tình thương máu mủ, khi chúng con hờn dỗi, hiểu lầm ba, khi trong chính bậc sống của mình, đôi lúc chúng con còn chưa chu toàn bổn phận của một tu sĩ, một người chồng, người cha, người mẹ, người con. Trái tim ba luôn rộng mở để tha thứ, tìm mọi cách để hàn gắn chúng con trong lời cầu nguyện, bảo ban và khuyên nhủ.
Những dòng tâm tình còn nhiều thiếu sót này không thể diễn tả hết trọn lòng con thương mến ba. Với lòng biết ơn, con muốn nói ngàn lời cám ơn ba và cũng một lần nữa xin lỗi ba, như một lời hứa, quyết tâm muốn làm vui lòng ba, chính là làm đẹp lòng Chúa, vì: “Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì ngoài món nợ ân tình.” (Rm 13,8)
Sống đời thánh hiến là theo sát Chúa Giêsu trong cung cách phục vụ khiêm hạ và yêu thương đến cùng của Ngài. Tạ ơn Chúa đã chuẩn bị cho con hành trang khi dấn bước trên đường dâng hiến, qua gương mẫu sống động của một người cha trần thế lam lũ, thầm lặng yêu thương, thầm lặng cho đi tất cả những gì mình có, mà không mong đền đáp. Công khó của ba, là nỗi nhớ và lòng biết ơn sâu sắc mà tháng ngày con vẫn ôm ấp, như động lực để con sống thật tốt ơn gọi của mình. Chính kinh nghiệm sẵn có đó giúp con bén nhạy nhận ra tình thương và lòng nhân hậu của Thiên Chúa là Cha, hằng quan phòng, nâng đỡ con qua từng biến cố vui buồn của đời tu./.
Nữ tu Marie Lê Thị Phương Huế
Con của Gioakim Lê Quyền PX61
Tác giả: Nữ tu Marie Lê Thị Phương Huế F1/PX61
Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Chú ý: Được đăng lại bài viết, nhưng vui lòng ghi rõ nguồn "Gia đình Cựu Chủng sinh Huế" và link đến bài viết trên trang này.