Cha và con trai
Trương Cao Minh Mẫn
2021-11-13T09:28:17-05:00
2021-11-13T09:28:17-05:00
http://cuucshuehn.net/Chia-se/cha-va-con-trai-12032.html
http://cuucshuehn.net/uploads/news/2021_11/truong-cao-minh-man-1.jpg
Cựu Chủng Sinh Huế
http://cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ bảy - 13/11/2021 09:23
Tình cảm giữa Cha và con trai là một điều gì đó rất mơ hồ. Đó là một thứ tình cảm không ai giống ai và rất khó có thể diễn đạt bằng lời. Nếu nói về Mẹ thì có lẽ sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Bởi vì người Mẹ luôn gắn liền với những hình ảnh dịu dàng, ân cần, gần gũi, chăm lo từng chút một, từ miếng ăn đến giấc ngủ.
Nhưng với người Cha thì khác, cha và con trai luôn tồn tại những khoảng cách vô hình giữa hai người đàn ông, khoảng cách giữa hai thế hệ, khoảng cách giữa tư duy cũ và mới, khoảng cách giữa sự truyền thống và hiện đại. Một bên vụng về trong cách bày tỏ tình cảm và yêu thương không nói bằng lời, nhưng đầy lòng bao dung và vị tha. Một bên thì non nớt, bồng bột, luôn muốn cố thể hiện bản thân mình là người trưởng thành. Bởi thế nên rất khó để nói về người Cha, đặc biệt là khi nhắc đến ba tôi, là một người mà hầu như ai cũng công nhận là KHÓ TÍNH và NGHIÊM KHẮC.
Ngay từ khi còn nhỏ, ba tôi đã dạy cho tôi rất nhiều thứ, từ những thứ nhỏ nhặt nhất như tác phong, áo quần, tóc tai, đi đứng, cho đến việc học hành, ăn nói, đạo đức… Nhiều đến mức, hai anh em tôi luôn được xem là “già” hơn so với đám bạn cùng trang lứa. Ba tôi hay nói: “Những điều dù nhỏ nhất cũng sẽ làm người khác đánh giá cả một con người”. Đó dường như là tác phong đã ăn sâu vào một người được đào tạo kỹ lưỡng trong môi trường tu trì ngay từ khi còn nhỏ. Môi trường đó tạo nên một người đàn ông chỉn chu, kỷ luật, cẩn thận và cực kỳ khó tính với chính con trai của mình.
Bởi vậy thuở bé, tôi đã quen với việc làm đúng ý của ba tôi và có cảm giác rằng: “ông sẽ không bao giờ tha thứ cho bất kỳ một lỗi lầm nào, dù là nhỏ nhất”. Nhờ vậy, tôi đã rất cố gắng, cố gắng không những trong việc học kiến thức ở trường, mà còn trong việc học giáo lý ở nhà thờ, sinh hoạt trong hội đoàn của giáo xứ như lễ sinh, chủng sinh ngoại trú. Và thay vì vui vẻ với những trò chơi của lũ trẻ hàng xóm, tôi khá thành thạo việc nhà Chúa.
Tôi còn nhớ như in, lần đầu tiên tôi được đi xe đạp đến trường là vào năm lớp 8. Khác với thời điểm hiện tại, khi mà chúng ta quen với việc những đứa trẻ luôn được cha mẹ đưa đón mỗi ngày vì việc học ở trường thật sự quá tải so với lứa tuổi. Thì vào lúc đó, hình ảnh ba tôi đưa đón hằng ngày là điều gì rất kỳ lạ so với bạn bè trong trường. Đúng vậy, mãi đến tận năm học lớp 8 tôi mới được dùng xe đạp để đến trường. Không phải là tôi không biết đạp xe, mà là vì ba tôi lo lắng cho đứa con trai “bé bỏng” của mình. Ông lo lắng đến mức phải bỏ công việc cả tuần chỉ để lái xe đằng sau xem đứa con trai của mình đạp xe đã vững chưa, xe cộ trên đường có nhiều không, xe có hỏng hóc gì không, … Điều đó khiến tôi cảm thấy mình đúng thật là “gà công nghiệp” theo như lời ba tôi thường ví von.
Tốt nghiệp cấp ba, tôi nhận được giấy báo trúng tuyển đại học. Tôi đã rất vui, phần vì tự hào về chính bản thân, phần vì tôi có cảm giác mình đã đủ lớn để làm bất cứ việc gì mà không sợ bị cấm cản. Đó cũng là lần hiếm hoi tôi nhìn thấy được nụ cười hạnh phúc của ba. Nhưng dù vậy, ba tôi vẫn luôn như thế, vẫn luôn nghiêm khắc và uốn nắn tôi một cách kỷ luật như thể tôi vẫn là một đứa trẻ con. Ông la rầy về những điều tôi làm khiến ông phật ý, vẫn kiểm soát tôi một cách cẩn thận, và tất nhiên là rất sát sao trong việc đạo đức của tôi, thậm chí ông còn ra lệnh rằng: dù có bận việc gì , thì tôi vẫn phải đi lễ vào lúc 5h sáng Chúa Nhật và miễn lý do. Đến nỗi, khi tôi đi thực tập dài ngày ở tỉnh khác, cha tôi luôn gọi điện nhắc nhở vào tối thứ bảy, và trưa Chúa Nhật ông sẽ gọi lại một lần nữa và hỏi tôi về màu áo lễ, bài đọc và bài giảng. Nếu tôi không trả lời được thì chắc chắn ông sẽ rất giận, cực kỳ giận. Thế thì có trốn lễ đằng trời.
Ở cái tuổi đôi mươi, đôi khi tôi vẫn luôn tự hỏi rằng: Vì sao tôi phải làm những điều đó? Những ngày thứ bảy, Chúa Nhật hay những dịp lễ thay vì đi xem phim, đi chơi, tụ tập cùng chúng bạn, tôi lại phải tới nhà thờ tham dự Thánh lễ, giúp lễ, học giáo lý. Tôi đã rất thắc mắc nhưng chẳng hề dám bày tỏ với ba mình. Có lẽ vì tôi sợ nhận được câu trả lời là ánh mắt nghiêm nghị của ông. Và theo lời mẹ tôi nói thì: dù cho tôi có trở thành cái gì đi nữa, thì vẫn phải luôn nghe lời của ba tôi và không được cãi lại. Tôi nghe lời mẹ, và luôn làm theo.
Sau khi tốt nghiệp, tôi quyết định đi làm xa gia đình, mẹ tôi gọi điện bảo ba buồn và khóc vì lo lắng cho tôi. Trời ơi, tôi không thể nào tin vào tai mình! Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi nghe ông khóc. Không thể nào có chuyện một người đàn ông mạnh mẽ, cứng cỏi, vững vàng như thế lại có thể khóc vì lo lắng cho đứa con này. Tôi thật sự rất shock, dằn vặt và tự trách bản thân đã không làm cho ba tôi yên tâm và tin tưởng, để ông phải hao tâm tốn sức như vậy. Việc này tạo cho tôi động lực để cố gắng thật nhiều ở nơi đất khách quê người. Tôi còn nhớ, khi mình nhận được tháng lương đầu tiên, tôi đã mua tặng ông một chiếc áo hàng hiệu để chứng tỏ mình đã lớn, đã trưởng thành. Nhưng ba tôi đã mắng cho tôi một trận vì cái tội hoang phí và bảo rằng: “Ba không cần!”.
Ông cũng thường gọi cho tôi, hỏi xem tôi ăn uống ra sao, nơi ở thế nào. Mỗi khi tôi không nghe máy hay về nhà trễ do công việc, ba tôi liên tục nhắn tin và gọi điện để kiểm tra. Điều đó khiến tôi có cảm giác như ông luôn ở gần bên và đang đợi tôi ở nhà. Trên hết, ông luôn hỏi cặn kẽ về việc tham dự thánh lễ Chúa Nhật, kinh nguyện sáng tối như lúc tôi còn ở nhà, khiến một chàng trai như tôi thấy khá phiền phức vì cảm giác bị xem là đứa trẻ con, luôn phải chịu sự quản lý của gia đình. Mẹ tôi thì nhẹ nhàng hơn, bà nói khi ở xa gia đình, sẽ có rất nhiều cám dỗ đến với con nên ba mẹ phải thường xuyên nhắc nhở. Nhưng ba tôi thì rất kiên quyết, ông mặc kệ tất cả những lời biện minh của tôi và lệnh: “Làm gì thì làm, tuyệt đối không được bỏ lễ ngày Chúa Nhật”.
Ba tôi cũng thường vào thăm tôi mỗi khi có dịp. Những lúc đó, ông thường dẫn tôi đến nhà những người bạn trong lớp cũ để giới thiệu và từ đó, tôi cũng nhận được sự giúp đỡ của các chú các bác trong lớp, trong truờng cũ của ông. Mặt khác, tôi cũng có thêm những người bạn mới là những thế hệ F1 trong Gia đình Cựu chủng sinh. Đây là nơi mà tất cả chúng tôi có thể tin tưởng và chia sẻ cùng nhau tất cả mọi thứ trong cuộc sống như những người anh em. Thật sự rất khó để tìm được những người như vậy giữa xã hội hiện tại. Đây là một món quà mà chúng tôi được kế thừa từ những bậc phụ huynh. Tình huynh đệ của họ được gìn giữ và chia sẻ lại cho chúng tôi. Để mỗi khi ngồi lại, chúng tôi nói cho nhau nghe về những quá khứ đẹp đẽ mà những người cha của mình đã có, và cùng nhau sống tốt hơn trong hiện tại. Nhờ đó, những người con xa xứ như tôi có thể bớt bơ vơ giữa nơi Sài Gòn hoa lệ.
Đến hôm nay, khi đã là cha của một đứa con, tôi hiểu ra một phần nào đó áp lực của ba tôi lớn như thế nào. Là trụ cột của một gia đình, người đàn ông đã phải gồng gánh biết bao nhiêu áp lực trên vai nhưng không thể bày tỏ cùng ai. Thật khó có thể tưởng tưởng ra được những hi sinh mà ông đã dành cho hai anh em tôi, cho cái gia đình mà ông luôn nâng niu, yêu thương và gìn giữ. Tôi thật giận mình vì lúc nào nhớ về ba tôi, tôi thường nghĩ về những điểm xấu của ông với hình ảnh một người đàn ông với vẻ ngoài lạnh lùng, ít nói, ít cười, luôn khắt khe với con cái. Tôi cũng nhớ rằng mình ít khi được nói chuyện, tâm sự với ba tôi. Giá như tôi có thể hiểu và thông cảm cho ông sớm hơn, giá như tôi có thể biết được giá trị của những điều mà ông đã cố gắng dành cho tôi suốt cả cuộc đời.
Ba tôi không hề dạy tôi phải trở thành người như thế nào, phải làm gì, phải sống như thế nào. Nhưng khi tôi làm những việc cho chính gia đình nhỏ, cho chính đứa con của mình, tôi lại nhận ra bóng dáng của ba tôi đâu đó. Cái cách mà ông dìu tôi bước đi những bước đầu tiên, cách mà ông ẵm bồng để tôi yên giấc ngủ, cách mà ông lo lắng mỗi đêm tôi ngã bệnh, cách mà ông quên việc chăm sóc bản thân để lo cho tôi, cách mà ông vui nhưng giấu vào trong, cách mà ông luôn dành những điều tốt nhất cho tôi …
Tôi nhận ra rằng, ông đã dành cả cuộc đời để làm tấm gương cho tôi noi theo mà chẳng hề nói một lời nào. Những lúc đó, tôi lại thấy tôi còn thua cả con gái bé nhỏ của mình, vì chưa bao giờ tôi dám dũng cảm nói lên rằng: “Con thương Ba nhiều, rất nhiều, rất rất nhiều!”
Giờ đây, niềm hạnh phúc của tôi chỉ đơn giản là cả đại gia đình cùng quây quần bên nhau, nhìn thấy cách mà ba tôi âu yếm, vui đùa cùng đứa cháu nội. Tôi như nhận ra rằng: ngày xưa, ba cũng đã, đang và luôn yêu thương con như thế. Cảm ơn Ba vì tất cả! Cảm ơn Ba vì đã là người cha tốt nhất, và cũng chính nhờ Ba mà con biết cách để trở nên một người cha tốt cho những đứa con của con. Tạ ơn Thiên Chúa vì đã cho con là con của Ba. Con không mong cầu gì hơn ngoài việc có thật nhiều thời gian ở bên cạnh Ba. Chỉ cần ở bên cạnh Ba thôi, như thế là quá đủ!
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, xin Ngài ban ơn bình an xuống trên các đấng sinh thành, để các ngài có thể dõi theo những bước chân của chúng con thật lâu, như những ngày chúng con còn thơ bé, vì chúng con luôn cần có các ngài ở bên. Amen!
Trương Cao Minh Mẫn
Con của Trương Minh Phương HT67
Tác giả: Trương Cao Minh Mẫn
Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Chú ý: Được đăng lại bài viết, nhưng vui lòng ghi rõ nguồn "Gia đình Cựu Chủng sinh Huế" và link đến bài viết trên trang này.