Một Thoáng Quê Hương. Phần 8: Một linh mục tràn đầy ân sủng

Thứ ba - 02/04/2013 11:38

Cha Lê Văn Hải và một gia đình người dân tộc thiểu số

Cha Lê Văn Hải và một gia đình người dân tộc thiểu số
Mùa xuân năm 2010, tôi nhận được tấm hình các người dân tộc hăng hái đi theo sau cha xứ trên chiếc cầu treo lắc lẻo. Được biết họ là giáo dân của giáo buôn Tầm Ngân thuộc giáo xứ Sông Pha và cha sở là Lm Anrê Lê Văn Hải đang tích cực tải hàng ngàn tấn gạch qua cầu để xây dựng nhà thờ Tầm Ngân.
MỘT THOÁNG QUÊ HƯƠNG
Phần 8. Một linh mục tràn đầy ân sủng
 
Gùi gạch sang sông
 
Mùa xuân năm 2010, tôi nhận được tấm hình các người dân tộc hăng hái đi theo sau cha xứ trên chiếc cầu treo lắc lẻo. Được biết họ là giáo dân của giáo buôn Tầm Ngân thuộc giáo xứ Sông Pha và cha sở là Lm Anrê Lê Văn Hải đang tích cực tải hàng ngàn tấn gạch qua cầu để xây dựng nhà thờ Tầm Ngân.

 
 
Cảm kích tinh thần hiệp nhất lo việc Nhà Chúa của vị mục tử và con chiên, tôi viết vội bài thơ Gùi Gạch Sang Sông:
 
Em Tầm Ngân gùi gạch sang sông
Ôi đẹp thay những nụ cười hồng
Theo cha xứ: Người em thương mến
Dù khó khăn không chút sờn lòng.
Vượt qua Sông Pha, giòng sông đục ngầu, nước chảy cuồn cuộn. Mùa lũ lụt, nước gầm gừ mãnh liệt bên dưới chiếc cầu treo. Nhưng em Tầm Ngân vẫn ngang nhiên vui vẻ lớn lên giữa núi rừng. Vẫn hân hoan sáng lễ chiều kinh. Vẫn cất cao tiếng hát dân tộc ngân vang vào không gian vô tận.
 
Ước mơ của tôi là có một ngày được bước chân đến Tầm Ngân, đi trên chiếc cầu treo dài chừng 100 mét và chiều ngang khoảng 1m50 này mà cha Lê Văn Hải đã bỏ công sức xây dựng. Tôi muốn kiếm tìm nguồn sức sống, hâm nóng lại Đức Tin, thôi thúc bầu nhiệt huyết phục vụ để sẳn sàng đi rao giảng Tin Mừng.
 
Cách riêng trong Năm Thánh Đức Tin này, tôi khao khát được học hỏi đôi chút tinh thần phụng sự giáo hội nơi vị chủ chăn, tấm lòng nhiệt thành của những người dân quê miền sơn cước, tuy thiếu thốn vật chất và trình độ dân trí thấp nhưng không hề thiếu đức tin, cậy, mến.
 





Cây cầu treo bằng gỗ trước đây là con đường duy nhất để đến Tầm Ngân 
 
Linh mục Anrê Lê Văn Hải HT68
 
Có lẽ từ trong sâu thẳm tâm hồn, Lm Anrê Lê Văn Hải đã phần nào suy nghĩ như lời của thánh nữ Têrêxa Avila: “Lãnh nhận thì rất nhiều mà hoàn trả lại thì rất ít, đó là một nỗi thống khổ làm cho tôi chết được”.
 
Đẹp thay, ôi đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi…
 
Sau khi lên Trời, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ và để lại Chúc Ngôn: Hãy đi rao giảng Phúc Âm cho mọi loài thụ tạo ( Mc 16, 15 ).
 
Chú bé 10 tuổi Anrê Lê Văn Hải quê Trí Bưu, Quảng Trị vào tu TCV Hoan Thiện Huế một ngày đầu năm học 1968. Sau 7 năm tu tại tiểu chủng viện ở bậc trung học, chú Hải được vào ĐCV Huế niên khóa 1974.
 
Sau năm 1975, cũng như nhiều thầy khác đã bất đắc dĩ phải dở dang việc tu trì, thầy Hải theo cha mẹ vào định cư Quảng Thuận, tỉnh Ninh Thuận và đã góp thật nhiều công sức trong các sinh hoạt tông đồ trên vùng đất di dân này.
 
Cuộc sống bấy giờ khó khăn, hằng ngày thầy Hải vất vả theo anh em bạn bè cuốc đất, trồng khoai, làm ruộng. Có một thời gian thầy Hải lên rừng chẻ đá tự túc nuôi thân, kiếm từng miếng cơm manh áo. Đôi lần những mảnh đá vụn tung tóe làm bàn tay thầy rướm máu.
 
Khi các Đại Chủng Viện được phép tái hoạt động, thầy Hải đã chiến thắng mọi lợi ích riêng tư, cố gắng tiếp tục con đường tu học và cuối cùng được thụ phong linh mục ngày 06/7/1995 tại giáo phận Nha Trang.
 
Trung thành với Giáo Hội và yêu thương phục vụ tha nhân là lý tưởng của những người chọn Chúa, theo chân Chúa. Đó là con đường duy nhất mà Lm Anrê Lê Văn Hải theo đuổi để biểu lộ tình yêu vô biên của Chúa hầu được hưởng ơn Cứu Độ.
 
Thiên Chúa đã thương ban cho chúng ta một tình yêu bao la, không so đo tính toán, không cần đáp trả. Noi gương Ngài, cha Hải cũng đã tận tụy yêu thương giúp đỡ mọi người, không phân biệt chủng tộc hay lương giáo.
 

 Lm Anrê Lê Văn Hải HT68



 
Giáo xứ Tầm Ngân
 
Cách thị xã Phan Rang chừng 50 cây số về hướng tây,  giáo xứ Tầm Ngân trước đây là họ nhánh của giáo xứ Sông Pha có khoảng 300 gia đình gồm 1.250 giáo dân. Trong số đó 70% là dân tộc K’hor và số còn lại là Raglai, Chu Ru, Chăm… Có nhiều họ như Giame, Giamalé, Mấn Thị…
 
Tầm Ngân nghĩa là tìm vàng. Khoảng 7-8 cây số về hướng đông của giáo xứ, có ngọn núi Yang mà người kinh thường gọi là núi Vàng. Chuyện kể rằng: Vào một năm hạn hán xa xưa, lúc mất mùa đói kém, những người lớn lần mò vào rừng núi tìm hạt bo bo cho con cái.
 
Vì đi đường lâu ngày, nên khi trở về nhà, người lớn không còn thấy bóng dáng con cái. Vì quá đói khát, các trẻ em đã lê ra bờ sông và chết hết ở đó. Nghẹn ngào bên những hạt bo bo kiếm được, còn gọi là K’hor, từ đó người dân tộc đã lấy tên K’hor làm họ tộc của mình.
 
Kể từ ngày về coi sóc giáo xứ Sông Pha và giáo buôn Tầm Ngân từ năm 2002, cha xứ Lê Văn Hải đã đêm ngày nhiều ưu tư, lo lắng kiếm tìm công ăn việc làm cho giáo dân nghèo. Bên cạnh các việc mục vụ quanh năm như dâng thánh lễ, ban các Phép Bí Tích, sinh hoạt các hội đoàn, các ca đoàn, dạy giáo lý…cha Hải còn tổ chức nuôi bò.
 
Chuyện cho giáo dân nuôi bò cũng cần kinh nghiệm và tâm lý. Không như thông thường, sau khi bò mẹ đẻ, người nuôi hưởng được bò con. Vậy là bò mẹ được giao qua tay người khác nuôi. Lại đổi chủ nên bò mẹ lại phải thích nghi đời sống mới, môi trường mới, nên bò không ổn định và ít chịu đẻ.
 
Vậy là cha Hải thay đổi kế hoạch. Mỗi bò mẹ cứ để một người nuôi dài hạn, liên tục. Các bò con thứ 1, 3, 5…thuộc về người nuôi và con thứ 2, 4, 6…sẽ giao cho người khác. Kết quả rất khả quan. Nghe đâu người dân Đông Timor ở Phi Châu cũng đã bắt chước kiểu nuôi này của cha Hải. Thành công nuôi bò đã giúp cha Hải và giáo dân giàu bò.
 
Sau hơn 3 năm miệt mài xây dựng, nhà thờ Tầm Ngân đã hoàn thành. Ngày 06/7/2011, kỷ niệm 16 năm thụ phong linh mục của cha xứ Lê Văn Hải, Đức cha Giuse Võ Đức Minh, GM Nha Trang, cùng vị tiền nhiệm là Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa đã đến khánh thành, dâng thánh lễ Tạ Ơn và cung hiến nhà thờ Tầm Ngân.
 
Tiền đường cao vút, mang đầy đủ bản sắc dân tộc với những hình ảnh giã gạo, hạt lúa nuôi sống con người, hình con trâu, ngôi sao sáu cánh tượng trưng cho thần linh. Ngày đó, Đức cha Minh đã giới thiệu với cha Hải về cha tân quản xứ JB. Nguyễn Văn Sỹ SVD sẽ đến nhận bài sai coi sóc giáo xứ Tầm Ngân này. Đó là linh mục nhạc sĩ Fa Thăng thuộc Dòng Ngôi Lời.
 
Niềm vui hoàn thành nhà thờ mới chưa được bao lâu, chưa hồi phục sức khỏe vì ít nhiều mỏi mệt sau những năm tháng lo toan xây dựng, cha Hải vâng lời bề trên, đã bàn giao giáo xứ. Tôi đọc được trên Cung Thánh hai câu đối của cha Hải sáng tác:
 
Tầm nhan thánh xin dâng lời cảm tạ
Ngân cung đàn nguyện tỏ dạ tri ân
 
Đẹp thay những bước chân oai hùng trên cánh đồng truyền giáo. Từng giọt mồ hôi của giáo dân Tầm Ngân đổ xuống, đã triển nở nên đền thờ Chúa ngự ở một góc nhỏ của nẻo đường quê hương.

Xin chào mừng GX Tầm Ngân, chào mừng những người anh chị em dân tộc đang vững vàng sống Đức Tin.
 







Ngôi nhà thờ Tầm Ngân








Đời sống người giáo dân Tầm Ngân


Phía sau nhà thờ


Thăm cha sở Tầm Ngân


Hệ thống nước lọc cho giáo dân




Hai cha Lê Văn Hải và cha Nguyễn Văn Sỹ






Chăm lo cho đời sống người dân tộc thiểu số
 
Giáo xứ Sông Pha
 
Sông Pha được đọc từ Krong Fa, nghĩa là bình an. Tôi đến Sông Pha vào một buổi chiều đầu tháng 3/2013. Mặc dù mồ hôi còn nhễ nhại vì đang cặm cụi làm việc với 20 thợ và nhân công, cha Hải nồng nhiệt tiếp đón chúng tôi ở sân nhà thờ. Chót vót trên cao của ngôi thánh đường, vài tay thợ lành nghề đang ngạo nghễ lắp ráp từng viên đá chẻ.
 
Ngay sau khi hoàn tất xây dựng nhà thờ Tầm Ngân, cha Hải đã bắt tay vào việc kiến thiết nhà thờ Sông Pha và ngày 26/5/2012 Đức cha Võ Đức Minh đã đến làm lễ đặt viên đá đầu tiên. Lý do nhà thờ cũ đã xuống cấp trầm trọng và quá chật hẹp so với số lượng 1.300 giáo dân của hơn 270 gia đình, gồm 900 người kinh và 400 dân tộc thiểu số.
 
Nằm dưới chân đèo Ngoạn Mục, dọc theo Quốc Lộ 27 trên đường từ Phan Rang lên Đà Lạt, giáo xứ Sông Pha có chiều dài 25 cây số và chiều ngang là rừng núi bạt ngàn. Dân thưa thớt và phương tiện giao thông hạn chế.
 
Cuộc sống thiếu thốn, chủ yếu là nghề nông, trồng chuối, khoai và bắp. Cha Hải đã hòa đồng, thân thiện, cởi mở và lam lũ với giáo dân trong mọi nỗ lực dựng xây giáo xứ. Ngài đã quan tâm, vận động được hệ thống nước lọc cho giáo dân uống và đã dần dần đúc những sân ximăng rộng hàng trăm mét vuông để mọi người phơi thóc, ngô khoai.
 
Để giảm thiểu chi phí và tiết kiệm ngân quỹ, cha Hải chỉ nhờ kiến trúc sư thiết kế bản vẽ. Mọi việc xây dựng, họa đồ chi tiết đều do ngài đêm ngày suy nghĩ, cầu nguyện cùng Chúa để có sáng kiến, tạo dáng thích hợp và có ý nghĩa với người địa phương.
 
Cha Lê Văn Hải đã tự sáng chế máy chẻ đá, máy sàng cát. Chiếc máy cày ngài mua đã trở nên đa dụng, vừa cày ruộng, vừa xúc cát và chuyên chở vật liệu.
 
Tôi hỏi ngài:
 
- Cha đã thiết kế 2 nhà thờ rồi. Vậy giáo phận Nha Trang đã cấp cha bằng Kiến Trúc chưa?
 
- Làm gì có!
 
- Ủa, có Tiến sĩ Hội Thánh, thì cũng nên có Kiến trúc sư giáo hội hay giáo phận chứ!
 
Người ta thường nói tài năng là một phần, nhưng chủ yếu nhờ tập luyện và cầu nguyện mà chắc chắn chúng ta không thể phủ nhận ơn Chúa. Tôi tin Chúa Thánh Thần thương ban cho ngài ơn sức mạnh và ơn lo liệu. Ngài chia sẻ: Chưa biết gian Cung Thánh này sẽ như thế nào, đang suy nghĩ!
 
Sáng tạo không mệt mỏi là một đức tính then chốt của người lãnh đạo. Theo nhịp độ thi công hiện tại, cha Hải hy vọng nhà thờ Sông Pha sẽ sớm hoàn tất và dự kiến khánh thành vào dịp bổn mạng của giáo xứ vào ngày 15/8/2013, Lễ Kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
 
Công việc còn ngổn ngang. Nhưng Đức cha đã hứa hẹn sẽ thuyên chuyển cha Anrê Lê Văn Hải về K42, nơi đang có 250 gia đình gốc Nghệ An của giáo phận Vinh vào định cư cần vị chủ chăn, cần được thành lập một giáo xứ mới và cần người xây nhà thờ.
 
Cha Hải chia sẻ là chưa biết xin giáo phận đặt tên giáo xứ mới này là gì, có thể một sự kết hợp hài hòa giữa người Vinh và địa phương, sao cho có ý nghĩa. Tôi có cảm tưởng nơi nào cần xây dựng nhà thờ, giáo phận Nha Trang thường tin tưởng giao cho những vị mục tử tháo vát và nhiệt tình yêu thương quan tâm giáo dân.
 





Ngôi nhà thờ Sông Pha đang được xây dựng
 
Tạ ơn Chúa
 
Trên cánh đồng truyền giáo ở quê nhà, có hàng chục ngàn linh mục đang phục vụ tích cực và hoạt động tông đồ đắc lực ở các vùng sâu hơn, xa hơn và cực khổ hơn. Tôi không bao giờ biết hết và cũng không thể nói hết về tất cả những vị mục tử tốt lành mà tôi đã từng cọng tác hay gặp được trong cuộc sống.
 
Đôi nét chấm phá trên đây cũng chỉ phản ảnh một điểm son nho nhỏ, của một con người bình thường, cũng có thể ít nhiều khuyết điểm. Dù cha Hải không tài giỏi và đạo đức thánh thiện như nhiều linh mục khác và ngài chưa hề xuất ngoại để xin tiền, nhưng tấm lòng của bà con xa gần đã thật sự thiết tha giúp ngài. Có lẽ đó là điều mà Giáo Hội cần nơi anh chị, nơi tôi là chúng ta luôn cố gắng góp chút phần hỗ trợ vật chất và tinh thần, nhất là liên tục cầu nguyện cho các linh mục.
 
Đối với tôi, thiên đàng không ở đâu xa xôi. Nhưng hiện hữu trong phút giây hiện tại khi mà các linh mục đang đêm ngày thánh hóa bổn phận, thánh hóa ngài qua bổn phận và đồng thời thánh hóa mọi tín hữu chúng ta qua mọi bổn phận thường nhật của ngài.
 
Thiên Chúa là tình yêu. Giáo Hội là tình yêu. Thứ năm Tuần Thánh 28/3/2013 ĐGH Phanxicô đã đến nhà tù Casal del Marmo ở ngoại ô thành phố Roma rửa chân cho 12 tù nhân là những trẻ vị thành niên phạm pháp, trong số đó có 2 phụ nữ người Hồi Giáo.
 
Đó là tinh thần yêu thương và phục vụ. Lm Anrê Lê Văn Hải đã hết mình phục vụ và để lại trong tôi một tấm gương vâng lời, cầu nguyện, tích cực sáng tạo và nỗ lực không ngừng trong mọi hoạt động.
 
Viết ít giòng này để tạ ơn Chúa và cám ơn cha Anrê Lê Văn Hải. Ngài là người mà tôi có cơ hội được gặp mặt lần đầu, nhưng đã để lại trong tôi dấu ấn sâu đậm cuộc đời phục vụ vô vị lợi và hết mình trung thành với Giáo Hội.
 
Lạy Chúa, con xin mượn lời Thánh Vịnh để cùng cha Anrê Lê Văn Hải cảm tạ biết bao nhiêu là hồng ân: Con biết lấy chi đền đáp cho Chúa, vì những ơn Chúa đã ban cho con (Tv 115, 12).
 
Sông Pha, Tầm Ngân, K42 và giáo dân Vinh ở miền rừng núi là những địa danh còn xa lạ, những vùng quê nghèo nàn, nhưng là những bài học trung thành đức tin mà tôi cần noi gương. Xin tạ ơn cha Anrê Lê Văn Hải và xin Thiên Chúa luôn chúc lành mọi nỗ lực của cha và các linh mục trên toàn thế giới.
 

Nhà thờ Tầm Ngân


Nhà thờ Sông Pha
 
Nguyễn Cả PX61
(còn tiếp)

Tác giả: Nguyễn Cả PX61

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập660
  • Hôm nay46,857
  • Tháng hiện tại867,516
  • Tổng lượt truy cập56,969,153
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây