Một Thoáng Quê Hương. Phần 11: Tình người ở lại

Chủ nhật - 14/04/2013 10:11

-

-
Tôi được mở mắt chào đời vào một buổi mai mùa hè bên giòng sông Hương lơ lửng, Phá Tam Giang mênh mông và cửa biển Thuận An dào dạt sóng vỗ về. Chim líu lo ca khi ánh bình minh ló dạng và đàn trâu bò cũng thủng thẳng ra ruộng đồng cày bừa. Gia đình chào đón tôi trong vòng tay nồng nàn hạnh phúc...
MỘT THOÁNG QUÊ HƯƠNG
Phần 11. Tình người ở lại
 
Quê hương ơi
 
Quê hương tôi là Tổ Quốc Việt Nam, là dân tộc Việt Nam, có dãy Trường Sơn hùng vĩ, có cao nguyên trù phú, non sông gấm vóc, rừng vàng biển bạc và các hải đảo ngoài khơi. Quê hương tôi hình chữ S nằm bên bờ Thái Bình Dương, nhưng thật buồn khi quê hương không còn từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu vì Trung Cọng đã ngang nhiên lấn chiếm miền Bắc.
 
Quê hương tôi là nơi chôn nhau cắt rốn, có tổ tiên ông bà cha mẹ và bà con ruột thịt. Có xóm làng, láng giềng, bạn bè và những người thân thương. Có tiếng chuông nhà thờ thánh thót quanh năm, có trường học với các trẻ nô đùa và đọc sách ê a sáng chiều, có đình miếu, chùa chiền, lũy tre xanh bao bọc quanh làng, bãi dương liễu vi vu, từng cánh đồng lúa chín trải dài vô tận và đêm về có trăng thanh gió mát.
 
Tôi được mở mắt chào đời vào một buổi mai mùa hè bên giòng sông Hương lơ lửng, Phá Tam Giang mênh mông và cửa biển Thuận An dào dạt sóng vỗ về. Chim líu lo ca khi ánh bình minh ló dạng và đàn trâu bò cũng thủng thẳng ra ruộng đồng cày bừa. Gia đình chào đón tôi trong vòng tay nồng nàn hạnh phúc và cuộc đời của tôi cũng theo thời gian đã để lại biết bao kỷ niệm trên mảnh đất dấu yêu quê mẹ.
 
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về Quê Mẹ ruột đau chín chiều…
 
Thân phận viễn xứ đã biết bao nhiêu lần nhớ nhà da diết, tương tư đứt ruột về hình ảnh bà mẹ già tiều tụy và người cha hiền kính yêu suốt đời lam lũ dưỡng nuôi đàn con. Mồ hôi đổ xuống, nước mắt tuôn trào, tình thương yêu lai láng của các bậc tiền bối như những giòng suối mát đêm ngày ngọt ngào xuôi chảy trên hình hài con cháu.
 
Huế mộng, Huế mơ nên tôi cũng thỉnh thoảng mộng mơ về dĩ vãng. Cô láng giềng mặc tà áo dài trắng thướt tha có mái tóc thề bẽn lẽn che nghiêng nghiêng vành nón bài thơ. Khi bước vào đường tình yêu là giai đoạn tôi bắt đầu mơ màng làm từng câu thơ lục bát dấu kín bạn bè.
 
Hôm nay về thăm lại quê hương, thấy nụ cười vô tư của bao em thơ là hình ảnh của tôi thuở học trò. Những nhọc nhằn trên đôi vai người gồng gánh buôn thúng bán mẹt hay nông phu vất vả là hiện thân của tôi những tháng năm thăng trầm xuôi ngược. Nên tình cảm và trái tim tôi mãi mãi chôn chặt ở đó. Nên quê hương của các anh chị cũng là quê mẹ, quê tôi.
 
Tôi đặt chân lên Sàigòn vào một buổi trưa ngày đầu xuân, vô cùng hân hạnh được anh em và bà con tiếp đón. Cô em vợ chưa kịp lau sạch nước mắt mừng vui đoàn tụ với chị, đã vội khóc chồng khi phải làm thân góa phụ. Ngày đến bệnh viện thăm em, thấy đứa cháu sụt sùi nước mắt vì sắp lìa mất cha, tôi cũng ngậm ngùi xót xa.
 
Tôi vội vàng về lại Huế khi màn đêm buông xuống và mọi ánh đèn tỏa sáng. Niềm vui gặp lại người thân không gây ấn tượng sâu sắc cho bằng những bước chân của tôi được đi lại trên từng con đường làng cũ. Vì mỗi con đường tôi đi năm xưa đã rèn luyện đôi chân tôi vững vàng để có thể đi thật xa suốt cuộc đời.
 
Một người bạn CCS đàn em đã chân tình tâm sự. Ngày đó khi chuẩn bị vượt biển, cha Jean Baptiste Etcharren đã khuyên: “Con nên ở lại, vì quê hương cần con”. Tạ ơn Chúa, đúng là Huế cần anh ta ở lại không phải vì tài năng, nhưng vì tấm lòng và gương sáng. Dù ở nơi nào, trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng sống Thánh và được nên Thánh như lời của Thánh Augustinô.
 

Phi trường Tân Sơn Nhất


Xin cầu cho linh hồn Phêrô






 
 
Vài kỷ niệm nho nhỏ
 
Trước năm 1883, Tân Mỹ có tên là Cồn Lũy vì nơi đây Nhà Nguyễn thành lập những pháo đài trấn giữ cửa biển Thuận An. Nhiều người còn gọi là Cồn Cỏ vì cỏ dại mọc hoang bao phủ.
 
Dịp lễ kỷ niệm 100 năm, ngày thành lập giáo xứ Tân Mỹ (1885-1985) quê nghèo, người nghèo, tôi dùng các loại gạo nếp sắp xếp thành một bức ảnh Đức Mẹ để trưng bày trong nhà thờ. Trên chiếc bàn èo ọp nơi căn nhà tôn chật hẹp, đêm đêm tôi phải canh chừng không cho chuột gặm nhấm các hạt gạo, hạt nếp hay chút bột hồ mà tôi đang thực hiện hình Đức Mẹ dở dang.
 
Ngày Đức Tổng Philipphê Nguyễn Kim Điền về thăm giáo xứ, chúng con chẳng có chi, chẳng còn chi. Thôi thì vài ba anh em liều lĩnh ngây ngô hát tặng ngài bài “Tâm tình người đạp xích lô”, nhạc và lời của tôi. Ghi nhớ ngài cũng đã một thời ôm chiếc xe ba bánh như chúng con.
 
Thời gian làm Giám Quản Tông Tòa GP Huế 1988-1990, ĐHY Giuse Maria Trịnh văn Căn từ Hà Nội đã về thăm quê tôi. Khẩu hiệu của ĐHY là Yêu thương, vui mừng, bình an nên anh Đoàn Mạnh Anh HT69 đã viết lời và thầy Hồ Thứ HT71 sáng tác nhạc. Tôi cặm cụi đóng một khung hình bằng gỗ, nắn nót trang trí bài ca tặng ngài. Nguyễn Úy HT67 cà lăm điều khiển ca đoàn hát. Thật đơn sơ, nhưng không còn cách nào hay hơn để biểu lộ tình nghĩa cha con.
 
Trước năm 1975, Xóm Giáo Thôn chúng tôi là Xóm Đức Mẹ Hồn xác Lên Trời ở cuối làng. Năm 1972 bến xe lam Tân Mỹ ở ngay cổng nhà ÔB. Đoàn Thừa mà bà Thừa là o ruột của Nguyễn Hùng Dũng từ Cây Da vào làm dâu Tân Mỹ. Chiến tranh, đói khát và bão lụt triền miên đã tàn phá nhà cửa, nương vườn và xóm tôi, nên bà con đành lòng lưu lạc.
 
Tôi về lại đây, ngậm ngùi đứng trên mảnh đất của căn nhà cha mẹ tôi năm xưa, nơi tôi lớn lên, chừ là bãi cỏ dại phủ kín. Chậm bước ngang qua nhà Thiếu tá Quận Trưởng Nguyễn Điềm, thân phụ của anh Nguyễn Đoàn HT72 vừa qua đời. Căn nhà ngói đồ sộ không còn chủ, mà bây giờ là túp lều nghèo nàn, tồi tàn.
 
Dù trong hoàn cảnh khó khăn, cũng còn đó những con người với tâm hồn nghệ sĩ tràn đầy sinh lực. Anh Trần Quân là một nhà điêu khắc đã lẫn trốn chốn phồn vinh đô thị, tìm về nơi tĩnh mịch quê hương để chung sống với bà con và bạn bè.
 

Nền nhà cũ của cha mẹ anh Nguyễn Cả






Chuẩn bị lụt


Nền nhà cũ của TT QT Nguyễn Điềm


Nhà thờ Tân Mỹ
 
Chợ cá Tân Mỹ
 
Nhất cận thị
Nhì cận giang
Tam cận lộ
 
Tôi ưa thêm một câu là tứ cận hải. Lý do là gia đình tôi ở ngay cổng chợ Tân Mỹ, trên đường Huế-Thuận An, bên này phá Tam Giang và trước cửa biển Thuận An, thật tiện lợi cho công việc làm ăn buôn bán. Như người xưa thường nói: Ở chợ, mọi rợ cũng no. Em họ tôi ốm yếu, quét rác chợ quanh năm cũng tạm sống qua ngày.
 
Ngoại trừ những ngày mùa đông bão lụt, gia đình các em tôi thường thức dậy lúc 1 giờ sáng. Chợ cá Đông Ba đã di chuyển về Tân Mỹ một thời gian và mấy năm gần đây đã dời lên Chợ Dinh hay chợ Bao Vinh còn gọi là chợ sỉ. Nhưng chợ Tân Mỹ vẫn còn là đầu mối phân phối tôm cá đi khắp thành phố Huế. Vì hầu hết ngư dân sinh sống quanh chợ và các tàu đánh cá vào cửa biển Thuận An đều cập bến và neo đậu nơi này.
 
Đây là địa bàn hoạt động của tổ xích lô và tổ xe thồ. Theo thời gian, sức khỏe và tuổi tác, những bạn đồng nghiệp xích lô của tôi năm xưa đã dần dần giải nghệ. Còn đâu nữa những chiếc quần xà lỏn mà tôi mặc hằng ngày lấp đầy từng miếng vá. Hôm nay vài phụ nữ vẫn ngang nhiên đạp xích lô làm kế sinh nhai thay thế chồng bệnh hoạn. Những người lái xe thồ theo phiên trực đến chở cá từ sáng sớm. Mùa hè, hầu như anh chị em túc trực thâu đêm.
 
Quán càfé Trinh của cháu tôi rất tội nghiệp vì bàn ghế dơ bẩn. Tiếp xúc giới lao động và tôm cá tanh hôi, kèm theo những hạt sương mù hay mưa phùn lất phất của tháng giêng hai mà quán được sạch sẽ là chuyện hiếm lạ. Rạng sáng, lúc mọi bạn hàng buôn cá đã chạy đi các chợ khác như Nam Đông, Tuần…cũng là lúc chợ tan và quán càfé đóng cửa. Một ngày mới bắt đầu, các cháu tôi lên xe đi học, đi làm.
 
Gần mực thì đen
Gần đèn thì sáng
 
Thật phức tạp, khó sống hiền lành, an bình và đạo đức ở xóm chợ khi đa số là lương dân. Thường xuyên có người đánh lộn, chưởi bới, buôn bán giành giựt…Chợ dần tan, vợ chồng tôi rảo bộ khắp các quầy hàng chào thăm những người bạn buôn bán cũ.
 
Một phụ nữ lớn tiếng:
 
- Tui nhớ chú Cả hoài. Hôm nớ vợ chồng tui cãi lộn. Chú bước vô nhà và nói “Tụi bây cãi nhau nho nhỏ, kẻo con cái nghe, chúng nó buồn”. Rứa là tụi tui hết cãi nhau.
 
Bà khác tiếp lời:
 
- Nhớ chú Cả đạp xích lô chở chồng tui đi cấp cứu mà không lấy tiền.
 
Chuyện này không đúng. Thật ra đêm đó, cũng như nhiều lần, khi nào chở bệnh nhân đột xuất lên bệnh viện là tôi không bao giờ lấy tiền ngay, để người ta còn lo liệu thuốc men. Vì sớm muộn gì họ cũng sẽ trả cho mình. Lợi dụng lúc bà con ngặt nghèo để chém tiền gấp hai, gấp ba so với bình thường là một cái tội bất nhân, vô cảm.
 
Tôi thức dậy lúc 6 giờ sáng là lúc các em tôi đã lái xe thồ chở cá hai ba chuyến đi Vinh Hiền, Tuần, Bao Vinh, Lương Văn…đã về lại nhà. Cuộc sống tuy nhọc nhằn, nhưng có niềm vui và hạnh phúc. Điều cần lưu tâm là sống lương thiện và hữu ích cho mọi người.
 











 
 
Thánh lễ ở Phường Tây
 
Chuông nhà thờ đổ ngân vang lúc 4 giờ 30 sáng thứ sáu 22/2. Loa phóng thanh của giáo xứ rộn ràng bài Thánh Ca mà tôi chưa hề được nghe:
 
Lạy Chúa con này
Chúa kêu gọi mời
 
Tôi mệt mỏi thức dậy và bất đắc dĩ bước ra đường, gặp ngay người láng giềng chống gậy với từng bước chân chậm rãi.
 
- Con chào chú, chú khỏe không?
 
- Dượng hả, về khi mô?
 
- Dạ con về chiều qua. Năm ni chú mấy mươi hè?
 
- 86 rồi.
 
Tôi giật mình xấu hổ với cụ già này. Biết bao lần tôi đã thức giấc giữa đêm khuya mùa đông và hăng hái đi xúc tuyết kiếm tiền dù trời lạnh dưới 10-20 độ âm C chẳng một chút ngại ngùng. Nhưng sao hôm nay tôi uể oải đến nhà thờ?
 
Có lẽ tôi được đi xa và đi nhiều hơn cụ. Nhưng chắc chắn những bước chân của cụ đi đúng hướng trên con đường hy vọng. Hằng ngày cụ sốt sắng đến nhà thờ đọc kinh cầu nguyện, tôn vinh Chúa. Riêng tôi thường xuyên đi về đâu? Sức khỏe của tôi để làm gì? Thú thật, tôi rất làm biếng tham dự thánh lễ các ngày thường trong tuần.
 
Từng bước sau lưng ông cụ già, tôi thầm suy tư về vật chất, tiền bạc. Có thể trong túi tôi đang có nhiều tiền. Nhưng chưa chắc tôi có tình Chúa nhiều hơn ông cụ. Có thể áo quần của tôi tươm tất và thậm chí tốt đẹp hơn, nhưng trước mặt Chúa thì sao đây? Tâm hồn tôi có xứng đáng là nơi Chúa ngự vào lòng?
 
Tôi thật ngạc nhiên khi nhà thờ đã đông đúc mọi lứa tuổi, phần nhiều là trung niên và tuổi trẻ. Giáo dân nhịp nhàng đọc kinh lần hạt. Xét mình, tôi cảm thấy hằng ngày mình chăm chú vào computer nhiều hơn là đọc kinh cầu nguyện hay suy niệm một đoạn Phúc âm.
 
Tôi chợt ngủ gục trong thánh lễ và bỗng tự nhủ là có bao giờ tôi ngủ trong lúc đang ăn nhậu hay dự tiệc? Và những bản thánh ca, tôi tự hào một thời đã tập cho các em hát, nhưng sao hôm nay tôi câm như hến! Xin cám ơn giáo dân Phường Tây đã dạy cho tôi bài học làm Kitô hữu là siêng năng đọc kinh cầu nguyện và đến với Phép Thánh Thể.
 
Xin cám ơn cha quản xứ JB. Lê văn Hiệp (Rip) đã dạy giáo dân chúng con biết cầu nguyện tự phát trong thánh lễ và mọi người học thuộc lòng Lời Chúa hằng tuần. Cha là mẫu gương của Đức Tin.
 
Xin cám ơn cha cựu quản xứ Đôminicô Trương Văn Quy đã tận tụy bỏ nhiều công sức xây dựng các cơ sở vật chất cho giáo xứ, cách riêng thành lập và sinh hoạt các hội đoàn vững mạnh.
 
Xin chân thành cám ơn cha đương kim quản xứ JB. Nguyễn Thế Tòng quan tâm đến mọi tầng lớp giáo dân, gần gũi với các vị bô lão và thanh thiếu niên. Ngài thường xuyên thăm viếng và ủi an mọi bệnh nhân, người già yếu. Hình ảnh phục vụ của các vị mục tử giúp chúng con vững tin vào tình thương của Thiên Chúa và Giáo Hội.
 





Lm JB. Nguyễn Thế Tòng, quản xứ Phường Tây


Nhà thờ Phường Tây
 
Tình người ở lại
 
Dù ở không gian hay thời gian nào, CCS Huế luôn là chiến sĩ của Đức Kitô: Miles Christi. Tôi đã có dịp đi qua các vùng, thầm tạ ơn Chúa đã cho anh chị em luôn kiên vững đức tin. Có nhiều người đạo đức thánh thiện và hoạt động tông đồ đắc lực.
 
Một người bạn ở quê nhà đã chia sẻ: “Tụi em sống dưới chế độ CS đã 38 năm nay rồi. Tụi em tuân hành đường hướng của Giáo Hội. Đối thoại chứ không đối chọi”. Có lẽ suy nghĩ đó phù hợp với lời của Thánh Inhaxiô thành Antiôkia: “Tôi là hạt lúa của Chúa Kitô, cần được làm nên Bánh để dâng tiến Chúa; tôi cần hàm răng sư tử để xay nghiền tôi ra”.
 
Mỗi một anh em chúng ta đều có hành động và suy nghĩ riêng tư, tùy môi trường và hoàn cảnh. Nhưng không gì rao giảng Tin Mừng có hiệu quả cho bằng làm gương sáng yêu thương nhau. Sống thuận hòa, bác ái vị tha như một chân lý là cho đi thì hạnh phúc hơn là nhận lãnh.
 
Như lời của TTC ĐHY F.X. Nguyễn Văn Thuận đã dạy trong sách Đường Hy Vọng số 984: “Các con chỉ cần mang một thứ đồng phục  và chỉ cần nói một thứ ngôn ngữ: Đó là thứ ngôn ngữ của tình yêu thương, vì ở đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời”.
 
Lời của Thánh Basiliô Cả đã nói: “Đấng Sáng Tạo chúng ta đã muốn chúng ta gần nhau để sống hiệp nhất với nhau”. Không phân biệt người ở bên này hay bên kia, không phân biệt quốc gia, trường lớp, nghề nghiệp hay chính kiến, tất cả chúng ta đều là anh chị em, chung tình huynh đệ.
 
GĐ CCS Huế chúng ta còn có các thế hệ con cháu. Chuẩn bị mừng Lễ Đóng Hồ Sơ phong Chân phước cho ĐHY, chúng ta đang cố gắng thực hiện CD Vui Mừng và Hy Vọng nhằm mục đích phổ biến linh đạo của ngài qua âm nhạc. Một số con cháu chúng ta ở quê nhà đang ráo riết tập hát cho CD này, là một biểu hiện của sự cọng tác và hiệp nhất.
 
Những người trách nhiệm điều hành cũng đang nỗ lực thực hiện một Facebook cho con cháu khắp nơi có mảnh đất chia sẻ, thông tin trao đổi và học hỏi. Phải có kế hoạch và ước mơ, vì thời gian trôi qua không bao giờ trở lại.
 

Diễm Hương & em gái Hồng Nhung, con của AC Trương Văn Lừng HT74.




 
 
Thay lời kết
 
Hai tuần về thăm quê hương chỉ là một thoáng ngắn ngủi trong cuộc đời, nhưng đã để lại cho tôi khá nhiều sợi thương sợi nhớ. Vì tình yêu không đong đếm bằng thời gian mà chính sự rung cảm và lãnh nhận.
 
Như lời Chúa dạy: "Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con" (Ga 15, 12). Tình yêu thương nhau, yêu thương tha nhân như là những nén bạc mà Chúa trao ban cho chúng ta sử dụng. “Ai có sẽ cho thêm và người đó sẽ được dư dật; còn ai không có, người ta sẽ lấy đi cả cái nó đang có” (Lc 19, 26).
 
Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa cho quý Đức Ông, quý linh mục và tu sĩ nam nữ khắp nơi trên thế giới được ơn khôn ngoan, đạo đức và luôn trung thành với Ơn Gọi. Xin cho anh chị em trong GĐ CCS Huế chúng con và mọi tín hữu luôn khỏe mạnh để sử dụng năng lực của mình phục vụ tha nhân.
 
Biết bao anh chị em chúng con đang u buồn phiền muộn và gặp nghịch cảnh, gian nan thử thách, ốm đau, thất nghiệp…Xin Chúa ban ơn nâng đỡ, ủi an và đồng hành cùng mỗi một người trên mọi nẻo đường đời.
 
Xin Chúa hướng dẫn con cháu chúng con biết đi đúng con đường Vui Mừng và Hy Vọng. Vui mừng được làm con cái Chúa và Hy Vọng vào cảnh Phục Sinh vinh quang cùng Chúa trên quê trời.
 
Lạy Chúa, xin đoái thương quý vị ân sư, Tổ tiên ông bà cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã lìa trần, các linh hồn mồ côi, sớm được hưởng cõi phúc thiên đàng.
 
Nhờ lời cầu bàu của Hiền mẫu La Vang, của hai Thánh bổn mạng Hoan Thiện và nhờ lời chuyển cầu của TTC ĐHY F.X. Nguyễn Văn Thuận, xin Thiên Chúa nhậm lời chúng con cầu xin. Amen.
 

Công trường Mân Côi TTHH La Vang


Nghĩa trang Linh mục GP Huế


Nhà thờ Sông Pha (Ninh Thuận): Lm Anrê Lê Văn Hải dâng thánh lễ
 
Nguyễn Cả PX61

Tác giả: Nguyễn Cả PX61

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 60 trong 12 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 12 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Tran Ngoc Dung
    Bài viết rât xúc động, Lời văn mượt mà, cảm xúc chân thành, tác giả thể hiện nhiều cung bậc tình cảm qua ngòi bút của mình.
      Tran Ngoc Dung   25/05/2013 23:05

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập572
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm567
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại944,172
  • Tổng lượt truy cập57,045,809
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây