Tôi Có Hai Mẹ.

Chủ nhật - 12/05/2013 21:10

-

-
Tôi chỉ được sống với mẹ tôi đến 9 tuổi. Cũng vì cái mộng làm linh mục hụt mà tôi phải xa mẹ sớm và sau đó lại mang kiếp xa nhà và ly hương mà mẹ tôi nhắm mắt tôi không được một lần thấy mặt. Và vì xa cách mẹ dưới đất mà tôi được thói quen gắn bó với Mẹ Trên Trời...
Tôi Có Hai Mẹ.

 
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn
Chảy từ kiếp trước cuộn cuồn kiếp sau
Nhớ thương hiếu tử lòng đau! (6-8-6)
 
Tôi chỉ được sống với mẹ tôi đến 9 tuổi. Cũng vì cái mộng làm linh mục hụt mà tôi phải xa mẹ sớm và sau đó lại mang kiếp xa nhà và ly hương mà mẹ tôi nhắm mắt tôi không được một lần thấy mặt. Và vì xa cách mẹ dưới đất mà tôi được thói quen gắn bó với Mẹ Trên Trời. Cha tôi mất vì nhiễm nước độc “Lao Bảo”, ở tù vì tham gia hội kín chống Pháp, lúc tôi mới năm tuổi. Mẹ tôi còn trẻ đẹp, tuổi dưới 40, nhất định không bước thêm bước nữa, ở vậy nuôi 5 con. Lúc cha tôi đi tù, mẹ tôi cùng với mấy bà hàng xóm lập công ty lậu, cạnh tranh với hãng rượu “Sica”, ban đêm vào rừng nấu rượu, ban ngày giấu đồ nghề bên bờ suối, đóng vai bắt cá bắt cua, hoặc hái muồng hái sim và mót củi.
 
Rượu nấu được thì ngụy trang vào những lu nước uống. Tôi theo mẹ vào rừng, khát nước cứ bắc ghế trèo lên múc uống. Ban đầu khám ra ra là rượu thì nhổ phẹt xuống đất, nhưng hương vị còn lại nghe hay hay, rồi ngon ngon, ngọt ngọt , lại trèo lên múc uống nữa. Lúc mẹ tôi biết được thì tôi đã thành con rượu. Sau này thỉnh thoảng đấu rượu với các bạn, chúng nó xiểng túy lúy, tôi vỗ ngực “ta vẫn chưa say”. Chỉ một lần say thiệt, tôi lái xe về, đâm vào lưới kẽm giới nghiêm, lại chưởi cha cái thành phố Nha Trang trồng gai giữa lộ!
 
Sau khi cha tôi mất nhà tôi nghèo lắm. Có nghèo mới thấm thía được câu “Mẹ nằm bên ướt con nằm bên ráo”. Tôi còn nhớ sau những cơn mưa đêm, giường nằm mẹ con chúng tôi bị dột ướt, mẹ tôi bế tôi lên, nhẹ nhàng đặt qua chỗ ráo, lau sơ chỗ ướt, lấy một tấm áo khô lót và đặt mình vào đó. mẹ tôi ngủ tiếp. Tính tôi kỳ cục, thích nuôi dế, đá dế và nghe tiếng dế ru giấc ngủ. Sáng nào cũng thế, mẹ tôi dậy sớm đi cấy thuê, đều rón rén đặt hộp dế cạnh lỗ tai tôi mới bước khẽ xuống giường. Chiều về, lại gói sẵn cho tôi trong dây thắt lưng môt con “nềng nệng” hay con “cá cuống”. Nềng nệng thì tôi thích nhìn nó bơi như chiếc “canô” còn cá cuống thì nướng ăn, hương vị cay cay và thơm phức hấp dẫn.
 
Sau lụt Mậu Thìn, tôi mới ba tháng tuổi, gia đình tôi bồng bế nhau dời cư từ Phúc Lộc lên An Đôn. Làng An Đôn, nhìn qua sông đối ngạn là Phước Môn và La Vang. Mỗi năm đi kiệu Mẹ, giàu thì trẩy đò ngang sang sông, mẹ con tôi nghèo nên thường đi vòng cầu tỉnh (Quảng Trị), mỗi lần qua cầu tôi chỉ đứng lại dậm chân khóc: Những tấm ván cầu, xa cách nhau chỉ lọt ngón tay mà tôi sợ bị rớt xuống. Mẹ tôi cúi xuống cõng tôi qua cầu. Một ngày nọ tôi theo mẹ tôi đi qua hàng xóm mượn con dao xắt chuối heo. Đi về ngang qua cây ổi sây trái, những trái chín vàng đong đưa làm tôi đứng nhìn không chịu bước. Mẹ tôi thương tình đưa con dao tôi cầm, nhảy lên chụp một trái. Tôi điềm nhiên chống lưỡi dao sắc hướng về phía mẹ và nhìn mẹ bắt trái. Tôi reo lên “được rồi!” thì “phụp" một cái, mẹ tôi bước lui ngay vào lưỡi dao tôi đương cắm sẳn! ...
 
Năm đó mẹ tôi gởi tôi đi kiệu Mẹ theo “diện” hàng xóm. Nhưng suốt cuộc hành trình tôi chỉ nhớ cái gót chân sưng húp của mẹ tôi mà xót xa trong lòng. Đêm đến tôi nằm trên bãi cỏ Lavang, ngửa nhìn người ta đốt pháo hình Mẹ trên trời. Tôi không vui mừng tở mở như mọi năm mà chỉ cầu nguyện Mẹ Lavang cho mẹ tôi bước được ra khỏi nhà và nhìn được cảnh tượng huy hoàng này của Mẹ Trên Trời. Nhưng buồn thay về nhà tôi vẫn thấy mẹ tôi nằm rên trên giường vì vết thương làm mủ đau nhức. Tôi hỏi mẹ tôi về chuyện đốt pháo thì mẹ tôi bảo có thấy, nhưng tôi linh tính mẹ tôi nói láo cho tôi vui và càng thương mẹ vô cùng.
 
Khi tôi được 9 tuổi, mẹ tôi cùng gia đình di tản vào Nam, chỉ để lại một chị gái chăm sóc tôi. Tôi bắt dầu xa mẹ từ đó. Mẹ tôi kể lại, lúc cha tôi cưới mẹ tôi về, cứ 3 năm mẹ tôi lại cho cha tôi một đứa bé. Ba năm sau đứa con thứ 4, cha mẹ tôi thấy vắng bóng baby mới, bèn vào Lavang khấn Mẹ, Mẹ cho thêm thằng bé Tịnh. Cho nên mẹ tôi thường nhắc nhủ tôi: “Nên nhớ, con là con Mẹ Lavang đó nhé!” Lớn lên tôi thương Mẹ Lavang lắm. Ở chủng viện, đêm nhớ mẹ, tôi thường nằm xây mặt vào vách khóc. Mùa hè đến tôi thường cuốc bộ lên Lavang, ăn dầm ở dề bên Mẹ. Ngồi dưới bệ Mẹ trên Trời tôi thường thổn thức, buồn rầu, nhớ và cầu nguyện cho mẹ dưới đất.
 
Nhớ lại những năm tôi đành xa mẹ để chuẩn bị vào chủng viện, tôi sống ở Gia Hội, Huế. Những lúc gặp chuyện buồn, đêm đến tôi khóc một mình, nhưng sáng ra cắp sách đi học, tôi đeo quanh bệ đá trước thánh đường, xoay mấy vòng nhìn lên tượng Mẹ trên cao. Lạ thay, tôi thấy mắt Mẹ tìm tôi. Tủi thân và hờn dỗi, tôi chạy trốn sau lưng Mẹ. Lạ hơn nữa, tôi vẫn thấy Mẹ nhìn theo. Lòng tôi bỗng thấy hân hoan và suốt ngày học hành tôi không còn nhớ chuyện hẩm hiu. Cứ thế mà càng lớn tôi càng yêu mến Mẹ trên Trời.
 
Mẹ dưới đất tình thương vắng thiếu
Mẹ trên Trời tôi níu áo theo
Ngày nào hết kiếp cheo leo
Nắm tay hai mẹ thỏa điều nhớ thương
 
Vì sự hiểu lầm nào đó, có một lần đồn Tây Tân Trại tấn công và đột nhập chủng viên An Ninh. Tôi dọn xong đồ Lễ trong nhà thờ Đức Bà, mở cửa tính đi ra, thình lình thấy một tên lính Pháp bên tiền đường nhà thờ thánh An Tôn, đương chĩa mũi súng máy về phía tôi. Sợ hãi, tôi vội chạy trở vào nhà thờ và đến núp sau bệ tượng Đức Bà, thì một tràng đạn bùng nổ đuổi theo. May thay tôi vô hại và cho đó là chuyện rủi  may. Nhưng mùa hè đó chị tôi ở Bình Định về thăm, kể cho tôi nghe trong một giấc chiêm bao chị thấy tôi bị bắn, thình lình có một Bà đứng ra cản đạn, và tôi thoát chết.
 
Tôi giật mình hối hận vì nhớ ra rằng chính Mẹ cứu tôi, nhưng lúc đó tôi không bao giờ kêu cầu Mẹ, cũng không màng cám ơn Mẹ. Nhưng Mẹ vẫn ban ơn cứu giúp. Ôi tình Mẹ là thế đó! bài học này dạy tôi cho đến nay già rồi vẫn luôn thấy đồng hành bên cạnh tôi hai người mẹ trên mọi nẻo đường đầy cát bụi trần gian. Hai người mẹ này có một tính chất chung là có một tình thương bao la, vị tha, vô vụ lợi, chỉ một mục đích đưa con cái đến bến hạnh phúc, không bao giờ phân biệt đứa xấu đứa ngoan. Riêng Mẹ Maria luôn luôn cho tôi một gợi cảm thúc dục tôi yêu mến Chúa hơn. Tôi đã từng tâm sự và xin lỗi Chúa nếu tôi nói rằng không có Mẹ tôi chưa chắc đuợc lôi cuốn đến Chúa như hôm nay.
 
Tôi không thể giải thích sự lôi cuốn đó, nhưng có thể chứng minh trong lúc tôi coi tuồng “Thương Khó Chúa Kitô” (The Passion of the Christ). Chúa chịu đánh đòn, tôi chứng kiến nhãn tiền, tôi không cầm được nước mắt. Nhưng lúc không thấy Chúa, chỉ nghe tiếng đòn, bỗng nhiên Mẹ xuất hiện, Mẹ nằm xuống kê tai xuống nghe ngóng tiếng đòn thì tôi bất giác nấc lên tiếng nức nở. Suốt đường Thánh Giá, tôi theo Chúa liên hồi mắt thấm giòng lệ, nhưng khi thình lình thấy Mẹ chạy đến với Chúa thì miệng tôi tự nhiên bật lên tiếng khóc. Như thế nghĩa là sao?!  Tôi tầm thường không hiểu nỗi và không giải thích được, chỉ biết rằng Mẹ là môi trường cho tôi yêu mến Chúa.
 
Xa mẹ tôi mười một năm, thời gian của tuổi nhớ thương, tôi từng tự sánh mình vô phúc, nhìn mẹ người ta vuốt ve con cái mà tôi thầm mong được bàn tay và đôi môi của Mẹ tôi. Ơn Chúa thương, khi cất ơn kêu gọi, Chúa bù cho tôi tình mẹ đã mất. Các bạn tu hụt như tôi hẵn đã thấm thía cái tâm trạng ấm ức, xót xa, thất vọng lúc ước mộng đời mình vỡ tan. Rời khỏi chủng viện, nếu tôi còn cha, chắc cha tôi mắng chửi, nhưng lúc về với mẹ, mẹ tôi không một lần nhắc đến, và đền bù cho tôi bằng hai bàn tay siết chặt, đôi mắt diệu vợi và những cái hôn vội vàng thắm thiết. Tôi quên hẵn không gian và thời gian, nhắm mắt uống lấy giây phút thần tiên mẹ hiến ban. Bỗng một tiếng ly bể, mẹ tôi đụng rớt, vô tình đánh thức, tôi mới bàng hoàng chợt tỉnh.
 
Nhưng số tôi vẫn cái số xa mẹ. Từ đó tôi chỉ được sống cạnh mẹ tôi vài năm tháng. Sau đó lại cất bước ra đi quân dịch. Thế rồi mang bầy thê tử tha phương cầu thực. Tôi lại phải triền miên xa mẹ. Năm 1974 tôi về thăm mẹ. Mẹ tôi nuôi ba con heo nái và một bầy heo con. Bắt anh tôi trồng một vườn chuối, hằng ngày mẹ tôi không ngừng nghỉ xắt chuối cho heo ăn. Tôi trách mẹ: “Chúng con phụng dưỡng mẹ, sao mẹ làm chi cho cực khổ?!” Mẹ tôi nói: “Để đền phần tội, và có tiền cho kẻ khó!” Lúc đó mẹ tôi chỉ còn lỏng lẻo mấy chiếc răng. Thấy mẹ nhai cơm “siếu sáo” tôi nuốt lệ nhưng đến lượt phải ra đi, tôi hứa sang năm (1975) tôi về làm răng cho mẹ.
 
Nhưng than ôi! Tháng Tư Đen, tôi về thăm mẹ, không phải để làm răng cho mẹ, nhưng để vội vã từ biệt mẹ ra đi. Mẹ tôi mếu máo khóc, ôm hôn từng đứa cháu một. Tôi phân bì anh chị tôi được phước luôn kề mẹ, phần tôi vô phúc, con út mà suốt kiếp xa cách. Mẹ tôi vỗ về khuyên nhủ: “Con ơi, không mẹ dưới đất thì con còn Mẹ trên Trời! Không đất tổ thì có đất tha hương. Đất đâu cùng là đất Chúa! Con hãy phú thân phận vào tay Me Maria. Ở đâu có Mẹ là đó có quê hương!” Mẹ tôi từ tấm bé, abc không hay một chữ. Tôi không hiểu lấy đâu mẹ dạy tôi một tư tưởng cao siêu mà tôi suy nghĩ suốt đời.
 
Trong trại tỵ nạn Guam, tại Orote Point nữ ca sĩ Kim Vui, thiện nguyện giúp dân tỵ nạn, làm xướng ngôn viên đài phát thanh. Không có ngày nào mà nàng không cất tiếng hát bài “Mẹ ôi!” … “Đêm khuya trăng mơ, tôi trông về nơi cõi xa mờ. Nơi xa xăm kia tôi nhìn về quê cũ dấu yêu. Ôi tình quê hương nơi chốn xưa có người mẹ hiền. Tóc màu hoa bạc chiều chiều mắt rướm lệ vì con …”
 
Có lẽ nữ ca sĩ này cũng đương nhớ mẹ như tôi. Lúc đó 47 tuổi đầu, một bầy thê tử lóc nhóc, thế mà mỗi lần nghe nàng cất tiếng hát thì tôi bật khóc mùi mẫn, không một chút mắc cỡ. Phu nhân tôi biết vậy nên mỗi lần nghe tiếng hát, nàng cũng vội vã đến bên tôi và vỗ về an ủi. Tôi nói vớt vát để khỏi mất mặt đấng nam nhi: “Anh thương quê hương anh!” Nàng mắng yêu: “Em biết, nhưng không mẹ bên đó, anh có khóc không?!” Thật vậy, người Mẹ Thiên Đường là môi trường dẫn ta đến với Chúa. Người Mẹ trần gian là chiếc cầu bắc ta về với quê hương.
 
Thật là xấu hỗ! Mẹ dưới đất, ra đi, tôi không đem theo được. Mẹ trên trời, đến bến tỵ nạn, tôi mới chợt thấy một nhóm người khệ nệ khiên lên bờ một tượng Mẹ Lavang. Tôi hỗ thẹn trong lòng, thầm hiểu rằng dù chỉ là một bức tượng nhưng rõ ràng: “Lạy Mẹ, con không đem theo Mẹ, nhưng đây là dấu chỉ Mẹ lẽo đẽo theo con!” Ổn định trên quê hương thứ hai, tôi vẫn lâu lâu nhớ và khóc mẹ. Nhưng lạ lùng thay, năm 1981 nghe tin mẹ tôi qua đời tôi không khóc và sau đó tôi không còn khóc nữa khi nhớ đến mẹ tôi, chỉ trừ hôm nay khi tôi ngồi viết bài này. Phải chăng đây là dấu chỉ Mẹ dưới đất của tôi đã được Mẹ Thiên Đàng đón nhận.
 
Anh Ba tôi kể lại, từ ngày xa tôi, mẹ tôi thương nhớ tôi và khi nghe ai nhắc đến tôi, mẹ tôi thường rơm rớm nước mắt và bước tránh ra chỗ khác. Và từ đó mẹ tôi ít nói ít cười. Mẹ tôi vẫn tiếp tục xắt chuối nuôi heo và sống khỏe cho đến một sáng kia: Như thường lệ mẹ tôi thức dậy sớm, rửa mặt thay đồ và thức các cháu, con của anh Ba tôi, dậy đi Lễ. Nhưng lần này mẹ tôi thấy mệt, đi nằm lại, và dặn các cháu: “Mệ mệt, mệ nằm nghỉ một chút. Chúng con thay đồ xong thức mệ dậy cùng đi Lễ!” Và sau khi các cháu thay đồ xong vào gọi mệ thì mẹ tôi đã yên giấc nghìn thu, không bao giờ thức dậy nữa. … Suốt cuộc đời, mẹ tôi luôn luôn sống tự lực và chết cũng không làm phiền đến con cháu. Chúng tôi, đặc biệt là tôi, chưa một lần có cơ may đền qua chữ Hiếu!
 
Ôi!
Mẹ trên trời, mẹ dưới đất rất nhiệm mầu!
Cám tạ Ơn Trên đã cho tôi hai Mẹ.
Mẹ đem sự Sống, lòng Tin, và niềm Vui Vẻ!
Trên tim hai Mẹ tôi yên tựa gối đầu!
 
Hoàng Xuân Tịnh AN41

Tác giả: Hoàng Xuân Tịnh AN41

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Chú ý: Được đăng lại bài viết, nhưng vui lòng ghi rõ nguồn "Gia đình Cựu Chủng sinh Huế" và link đến bài viết trên trang này.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập640
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm639
  • Hôm nay33,946
  • Tháng hiện tại854,605
  • Tổng lượt truy cập56,956,242
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây