Ký sự: Bên Đường Thiên Lý. Phần 1.

Thứ năm - 08/09/2011 11:15

-

-
Tập ký sự “BÊN ĐƯỜNG THIÊN LÝ” ra mắt bạn đọc như một tặng phẩm tinh thần tới người thân. Vì thế, nó cần được sự bao dung của độc giả khi đọc nó dưới góc độ chuyên môn hoặc nghiên cứu. Trong suốt hành trình bốn mươi lăm ngày trên đất Hoa Kỳ, chúng tôi đã được đón nhận bao ân huệ: Ân huệ từ trời và ân huệ từ con người.
Ký sự: Bên Đường Thiên Lý. Phần 1.
 
 
TỰ BẠCH
 
Bạn thân mến,
 
Tập ký sự “BÊN ĐƯỜNG THIÊN LÝ” ra mắt bạn đọc như một tặng phẩm tinh thần tới người thân. Vì thế, nó cần được sự bao dung của độc giả khi đọc nó dưới góc độ chuyên môn hoặc nghiên cứu. Trong suốt hành trình bốn mươi lăm ngày trên đất Hoa Kỳ, chúng tôi đã được đón nhận bao ân huệ: Ân huệ từ trời và ân huệ từ con người. Chúng tôi trân trọng ghi ơn quý Linh mục, tu sĩ, giáo dân, thân nhân và bạn hữu đã giúp chúng tôi về tinh thần và vật chất để có được một chuyến đi giàu cảm xúc.
 
Những tư liệu trong tập ký sự này là tích hợp đa dạng tin tức: Từ quan sát thực tế bên đường đến thông tin báo chí và chuyển tải trên mạng Internet. Chúng tôi xin lỗi vì không thể trích dẫn tác giả chính xác như một tài liệu biên khảo. Nó phản ánh một góc độ hẹp, một cách nhìn hạn chế so với cuộc sống sôi động muôn nẻo ngàn trùng.
 
Xin mạnh dạn trao gửi tới tay bạn đọc món quà này mong phần nào thể hiện được tấm lòng đồng điệu tri âm.
 
Linh mục Phêrô Hồng Phúc.
 
BÊN ĐƯỜNG THIÊN LÝ 
 
HÀ NỘI –TAIPE
 
Thời gian thấm thoát trôi qua, đã sáu năm kể từ năm 2005, năm mà mười anh em linh mục chúng tôi lên đường đi Rôma. Lần này, chỉ có ba anh em trẻ linh mục chúng tôi sang Mỹ. Bốn cha già trong đoàn năm đó nay đã ngoài bẩy mươi, ba cha chưa có cơ hội. Tôi và cha Antôn Phan Văn Tự, quản lý Toà Giám mục Phát Diệm, Cha Antôn Đoàn Minh Hải, chính xứ Cồn Thoi lên đường vào ngày 15 / 07/ 2011. Chương trình viếng thăm Hoa Kỳ 45 ngày được Đức cha giáo phận cho phép, cha văn phòng đã giúp chúng tôi hoàn tất những thủ tục ban đầu. Chương trình tiếp theo tại Mỹ đã được hai cha Phêrô Trần Quang Đức và Phêrô Mai Văn Vọng lên kế hoạch chi tiết. Chúng tôi khởi hành từ sân bay Nội Bài – Hà Nội đáp xuống sân bay TPE-TAIPEI thuộc TAIWAN (Đài Loan) rồi tiếp tục bay sang California, đáp xuống sân bay Los-Angeles miền nam California, nơi cha Phêrô Trần Quang Đức du học, ngày về sẽ từ sân bay San-Francisco miền bắc California, nơi cha Phêrô Mai Văn Vọng du học. Chúng tôi sẽ có cơ hội đi thêm một vài tiểu bang nữa trong số 50 tiểu bang thuộc Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ (U.S.A.). Nhìn bao quát như thế, thì đây chỉ là một chuyến du lịch “Cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi, nhưng là một cuộc “cưỡi ngựa thánh Gióng”, nghĩa là ngựa có thể bay lên trời được! Chuyến đi hứa hẹn nhiều điều ngoạn mục và bổ ích.
 
Xe hơi đưa chúng tôi qua cầu vượt nối liền từ Pháp Vân tới đường cao tốc đi sân bay Nội Bài, công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện. Đó là sự thay đổi lớn về giao thông đường bộ ở Việt Nam so với sáu năm về trước. Khi đó chúng tôi phải len lỏi qua những khu phố đông dân cư Hà Nội để tới được đường cao tốc đến Nội Bài. Không có gì khó khăn khi chúng tôi làm thủ tục xuất cảnh. Chuyến bay quốc tế cũng xuất phát đúng giờ quy định và hạ cánh an toàn tại TEI-TAIPEI. Hãng hàng không Đài Loan phục vụ rất tốt trong chuyến đi. Chúng tôi hiểu tại sao có hai ông bà kia từ Saigon ra Hà Nội để bay sang Mỹ, vì theo ông nói, hãng máy bay này có bảng và cả người chỉ đường chu đáo mỗi khi phải chuyển máy bay tại các phi trường trung gian. Tôi cũng vừa hiểu ra tại sao số máy bay của chúng tôi từ Hà Nội đi TAIPEI là 792 và từ TAIPEI đi LOS ANGELES là 006 lại đều ghi hãng quốc gia là CI. Vì là hãng hàng không CHINA AIRLINE. Nếu viết tắt hai chữ đầu là CA thì sẽ bị lẫn với California là tiểu bang của Mỹ, nên CI là chữ viết tắt của hãng hàng không Đài Loan CHINA AIRLINE.
 
TPE-TAIPEI

Sau ba giờ bay, chúng tôi hạ cánh tại phi trường TPE-TAIPEI. Những mong có dịp nhìn bao quát một góc đảo Đài Loan, nhưng chúng tôi đã lầm. Kiến trúc hành lang của phi trường vừa sang trọng, vừa hiện đại và khép kín tới mức không ai có thể nhìn ra bên ngoài. Phòng đợi rộng rãi, với những gian hàng trưng bày các tác phẩm thủ công mỹ nghệ vừa tạo một không gian nghệ thuật, vừa rực rỡ những sắc mầu ấm áp phù hợp với lối đi trải thảm sạch sẽ sâu hút tầm nhìn. Chúng tôi theo bảng chỉ dẫn, đến một phòng có hành lang khá rộng, một số người đang đứng trước một khung cửa kính trong tư thế sẵn sàng, phía sau họ là một xe lăn có người tàn tật đang ngồi phía góc cuối. Tôi vừa bước vào chưa kịp quan sát thì bỗng cả hành lang này chuyển động. Thì ra đó là một xe điện được thiết kế mặt sàn xe vừa bằng với nền nhà, xe lăn dễ dàng sang ngang như đi từ trong nhà ra hành lang. Xe đi êm và nhanh đến nỗi cha Phan Văn Tự mới chỉ kịp ngó đầu mà chân chưa kịp bước vào xe, cha Đoàn Minh Hải phía sau cha Tự chưa kịp phản ứng gì thì xe đã biến mất trong tầm mắt! Rất may là từ chuyến đi thăm Rôma lần trước, chúng tôi đã có quy ước với nhau là nếu lên xe điện, xe bus… mà bị xé đoàn, thì ai đến ga phía trước sẽ dừng lại chờ người đến sau. Một quy ước ở Ý mà sáu năm rồi nay mới có dịp thực hiện tại Đài Loan!
 
Chuyến bay vượt Thái Bình Dương nối kết Đông – Tây của chúng tôi đã bắt đầu hồi 16h30 ngày 15/07/2011. Mọi thông báo trong chuyến bay được phát đi bằng hai ngôn ngữ chính là tiếng Đài Loan và tiếng Anh. Trong những thông báo quan trọng có thêm tiếng Việt Nam, chứng tỏ cộng đồng người Việt Nam tại hải ngoại đã và đang ngày càng được chú trọng hơn. Chúng tôi rất xúc động khi nghe thông báo: “Máy bay hiện đang bay qua vùng nhiễm phóng xạ, xin quý khách hạ tấm chắn cửa sổ và tạm thời không đi vệ sinh trong thời gian này”. Tôi bùi ngùi nhớ tới nạn động đất và sóng thần ngày 11/03/2011 vừa qua tại Nhật Bản, 12 ngàn người chết và 15 ngàn người bị mất tích, bốn trong số sáu lò phản ứng hạt nhân nguyên tử tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima bị phá huỷ. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), động đất và sóng thần tại Nhật Bản ngày 11/3 vừa qua có thể gây thiệt hại lên tới 235 tỷ USD. Điều tệ hại hơn nữa là ngay từ ngày 12/03/2011, theo nhà khoa học người Pháp, ông Andre-Claude Lacoste đã nói: “Hướng gió hiện giờ có thể sẽ phát tán chất phóng xạ về phía Thái Bình Dương, tình huống này rất nghiêm trọng". Và thông báo hôm nay đang xác nhận điều đó. Tôi thầm lặng lần hạt Mân côi, cầu nguyện cho nước Nhật Bản đau thương và cách riêng là những nạn nhân đáng thương trong trận động đất kinh hoàng này. Liếc nhìn sang người ngồi ghế bên cạnh là cha Phan Văn Tự, tôi cũng thấy cha đang lần tràng hạt trên tay…

Trang bị ghế ngồi trên máy bay rất đầy đủ. Ghế máy bay được chế tạo bằng chất liệu đặc biệt, có thể chịu được 5 phút ở nhiệt độ 1000oC. Giả thiết máy bay bị cháy thì thời gian đó đủ để hành khách rời ghế, chạy tới cửa thoát hiểm. Gầm ghế có ngăn đựng áo phao cho từng hành khách phòng khi máy bay gặp trường hợp khẩn cấp, tay ghế lắp bộ điều khiển để hành khách có thể tự chọn các chương trình video khác nhau, phục vụ hành khách trên màn hình nhỏ gắn ngay sau mỗi ghế phía trước. Nhờ màn hình này, tôi quan sát được máy bay đang di chuyển từ sân bay TPE-TAIPEI đến LAX - LOS ANGELES dọc theo ven biển Thái Bình Dương. Máy bay đã bay ngang qua quần đảo Hawaii tiểu bang thứ 50, tiểu bang cuối cùng của Mỹ, trung tâm tiểu bang là Honolulu trong đó có đảo Molokai, bất giác tôi nhớ lại câu chuyện: “Cha Damien tông đồ người hủi” với bao những chi tiết cảm động về một cha Thừa sai người Pháp đã tình nguyện ra quần đảo Honolunu để chung sống, phục vụ và chết với những người bệnh phong cùi tại đảo Monokai. Tên của quần đảo hiện lên như trang sử hào hùng về một tấm gương bác ái, hy sinh quên mình của cha Damien, vị thừa sai đã noi gương Chúa Giêsu để hiến mạng sống mình vì những người bệnh phong. Đắm mình trong những hồi ức, tôi như đang được cúi xuống gặp gỡ cha Damien, tay tôi giơ ra nâng tràng hạt Mân côi như một cử chỉ thân thiện được bắt tay cha Damien đáng kính.

Máy bay đã tiếp cận châu Mỹ. Tôi theo dõi trên màn hình hiện sóng thấy độ cao máy bay vượt trên 11000km, nhiệt độ bên ngoài xuống tới -57¬o¬C. Đường bay phải bay vòng lên phía bắc để xuống phía nam California. Tuy nhiên khi hạ cánh xuống sân bay, nhiệt độ bên ngoài chỉ 19oC, nhiệt độ lý tưởng như một máy điều hoà khổng lồ dành cho miền tây nam Mỹ. Chúng tôi đặt những bước chân đầu tiên lên nước Mỹ.

LOS ANGELES

Một thế giới văn minh vật chất hiện ra trước mắt chúng tôi. Phi trường rộng lớn về không gian, nhưng nhất là về văn minh hiện đại và khoa học kỹ thuật nữa. Khi đi trả lời phỏng vấn xin cấp Visa nhập cảnh Mỹ phải in vân tay, soi diện mặt thế nào, thì thủ tục nhập cảnh cũng phải một lập trình như vậy. Đấy là chưa kể tờ khai xem bạn có mang hạt giống, cây giống hay thực phẩm gì vào nước Mỹ không? Người ta phòng ngừa sâu bệnh, virút gây bệnh cũng như đề phòng gian lận như thế đó.

Cha Phêrô Trần Quang Đức đã đợi từ một tiếng đồng hồ trước đó để đón chúng tôi tại sân bay. Cứ ngỡ như đẩy xe tay dọc thành phố hồi lâu rồi mà tới khi lên xe hơi mới biết chúng tôi chưa ra khỏi khu vực sân bay. Một công trình kiến trúc khác lạ hiện ra trước mắt chúng tôi. Không phải tháp nước, không phải dome (mái tròn) nhà, mà là cấu trúc kết hợp cả hai. Hỏi ra mới biết đó là quán cà-phê của phi trường Lax-Los Angeles. Ngồi từ tầng hai của lầu quán Cà-phê này, người ta có thể quan sát rõ cứ đúng một phút lại có một chuyến bay hạ cánh hoặc cất cánh nhịp nhàng. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, cha Đức cho biết thêm, là tại phi trường Atlanta, còn lên tới 4 chuyến trên một phút nữa. Đúng là một thế giới giao lưu qua đường hàng không !

Chúng tôi chạy dọc theo xa lộ 405 mà dân chúng Mỹ gọi là freeway 405 – phải kết hợp cả tính năng của đường cao tốc và đường vành đai ở Việt Nam thì mới hiểu được freeway là gì. Thông thường là tám làn xe xuôi ngược trên đường này, ở những đoạn rộng hơn còn có thêm hai làn đường dành riêng cho xe chở từ hai người trở lên. Quy định như thế để nhà nước khuyến khích đi đông người trên một xe nhằm giảm bớt số lượng xe lưu hành trên các trục giao thông. Mặc dù thế, chúng tôi quan sát hầu hết đều là xe riêng của mỗi người tự lái. Chúng tôi đã gặp thấy cụ bà 84 tuổi vẫn tỉnh táo tự ngồi lái xe, tay điều khiển vô-lăng nhẹ nhàng như các cụ già cầm quạt nan phe phẩy ở Việt Nam.

Công việc đầu tiên của chúng tôi là điện thoại về nhà báo tin bình an. Nắng chiều còn rất cao nhưng đã là 16h30 ngày 15/07/2011, giờ Los Angeles tương ứng với 6h30 ngày 16/07/2011, giờ Việt Nam. Vào giờ này ở Việt Nam đã bắt đầu làm việc nhưng ở Mỹ thì khác. Thông thường giờ hành chính tại Mỹ là 8h đến 17h, không có khái niệm nghỉ trưa. Vào mùa hè như hiện nay thì 20h30 mặt trời mới xế bóng. Chúng tôi gọi điện thoại về cha văn phòng và nối liên lạc được với Đức cha. Tiếng nói thân thương của Đức cha Giuse Nguyễn Năng từ Việt Nam chúc mừng chúng tôi tới Mỹ bình an và rất ngắn gọn chúc chúng tôi hai chữ “thích nghi”. Chúng tôi vui mừng tạ ơn Chúa và phấn khởi tiến về phía trước. Việt Nam và Los Angeles cách nhau hơn 16.000km tương đương với 10.000 dặm (mile = 1,61 km) đúng như người ta vẫn nói: “Đường xa vạn dặm”. Không gian Đông – Tây xa cách, thời gian cũng cách nhau 14 tiếng. Chúng tôi có hai ngày 15/07 vì khởi hành 11h35’ ngày 15/07 giờ Việt Nam, khi tới Los Angeles là 14h5’ giờ Los Angeles cũng vẫn ngày 15/07/2011. Chúng tôi được nghỉ hẳn một ngày Kinh Phụng vụ !
 
Xe chúng tôi chạy với vận tốc trung bình tại đây là 100km/h. Nhiệt độ lý tưởng mà không khí cũng trong lành lý tưởng. Không gian thoáng đãng không nhìn thấy vẩn bụi, ánh nắng vàng nhạt lúc nào cũng như khoảnh khắc bình minh ngắn ngủi tại Việt Nam. Suốt dọc đường không thấy xuất hiện một chiếc xe máy nào, cũng không có cột mốc km chỉ đường mà chỉ có bảng chỉ đường ghi rõ đường về hướng đông, tây hoặc nam bắc của thành phố. Người ta tính khoảng cách quãng đường bằng thời gian xe đi mất bao nhiêu phút, bao nhiêu giờ. Không có tiếng còi xe suốt đêm ngày, không có cảnh sát dọc đường nhưng nếu ai lỗi luật giao thông thì lập tức đã thấy cảnh sát xuất hiện, hoặc sẽ có giấy báo phạt tiền đến tận nhà. Hệ thống đèn giao thông báo hiệu tự động suốt ngày, đêm. Mỗi khi xe hơi dừng chờ đúng vạch quy định, lập tức đèn laze quét tín hiệu lệnh cho hệ thống đèn hiệu làm việc.

Chúng tôi đi vào thành phố. Những mái nhà xinh xắn nhưng mái thấp như làng quê Việt Nam. Toàn bang California rộng lớn này đều xây nhà trên một nền móng bê-tông sắt thép rất kiên cố, lớp móng này đổ theo hình thức móng bè sử dụng tới phi sắt 22 làm cốt. Người ta rất chú trọng tới việc chống động đất và đây là một phương pháp tốt nhất. Những ngôi nhà cao tầng thì sử dụng xà bằng sắt, các căn nhà phổ thông thường dựng gỗ thành tường. Công nghệ làm tường rất kỹ thuật. Người ta dùng gỗ thông xẻ mỏng để dựng nghiêng với bề dày từ 10cm tới 30cm tuỳ theo diện tích sử dụng và lối kiến trúc của ngôi nhà. Khoảng trống đó được lấp đầy bằng một chất xốp chống nóng gọi là insulation (chống nhiệt), dán bao phủ bằng một lớp chống âm gọi là Sheetrock để tiếng ồn không thể lọt vào trong phòng, kế đến là một lớp lưới thép nhỏ để trên đó trát lớp bên ngoài cùng gọi là stucco (nhẹ như thạch cao), lớp này gồm xi-măng và bột hoà trộn với mầu để phun lên thành tường nhà hoàn chỉnh. Mái gỗ lợp bằng một thứ giấy nện vừa mỏng vừa có độ bền cao. Sở dĩ làm nhà thấp và vật liệu gỗ nhẹ là để tránh động đất. Khí hậu khô mát ở đây cho phép thiết kế như vậy. Cũng chính vì khí hậu tốt lành này mà người ta dựng cột điện toàn bằng gỗ thông. Những cây thông thẳng tắp được xử lý công nghệ hoá chất để trở thành cột điện hàng trăm năm vẫn tốt nguyên như ban đầu. Tuy nhiên, vì là nhà gỗ, cột điện gỗ nên công tác cứu hoả ở đây được chú trọng tối ưu. Suốt các hè phố đều có những van nước đặc biệt được chia đều theo khoảng cách và chỉ dùng cho việc cứu hoả. Ngay lề đường cũng có nhiều điểm viết rõ NO PARKING/FIRE LINE AT ANY TIME nghĩa là NHỮNG CHỖ ĐẬU CHỈ DÀNH RIÊNG CHO XE CỨU HOẢ. Lề đường cũng được quy định cho chiều cao một kích thước đồng bộ, để khắp nơi khi ôtô đỗ sát vỉa hè, thì cửa xe hơi vẫn mở ra hè phố một cách bình thường. Thiết kế đơn giản này cũng đòi hỏi một kỹ thuật tương đối chuẩn về độ phẳng mặt đường.

Chúng tôi đã nhìn thấy xe hơi chết máy dọc đường. Điều này cũng là rất bình thường, nhưng đáng nói là cách ứng xử của cư dân. Người tài xế có nhu cầu xin giúp đỡ, mọi người đều thân ái từ hai ba xe gần đó chạy đến giúp đẩy xe gài số. Không ai bình luận chê cười, càng không có người khoanh tay bàng quan đứng nhìn.

Xe rẽ vào khu dân cư, đây là những mái nhà yên tĩnh ẩn sau những cây cảnh, những khóm hoa rực rỡ. Mặt đường nhựa mịn sáng lúc nào cũng sạch bóng và mở rộng như sân riêng của mỗi căn nhà. Nghe nói cứ ba năm một lần, người ta lại phủ lên một lớp nhựa vì thế mặt đường mới luôn sáng bóng được như vậy. Đất ở đây mầu mỡ như một quà tặng của thiên nhiên. Trồng cấy loại cây gì cũng xanh tốt, ghép giống gì cũng thành công. Chúng tôi say mê nhìn ngắm những cây thông, cây tùng cổ thụ vươn mình vào không gian cao vút dọc hai đường phố. Chúng tôi cũng ngạc nhiên thấy những cây táo Trung Quốc, lê Trung Quốc, thanh long, bưởi Việt Nam, ổi, bí ngô Nhật Bản, ổi Thái Lan, bầu Italia, đu đủ Hawaii, na Úc …xanh tươi và trĩu quả dưới bầu trời California. Người ta xử lý cỏ dại ở những diện tích nhỏ dọc đường phố, trong vườn cảnh hoặc vườn nhà bằng cách trải nylon dưới lớp đất thấp, khoét lỗ cấy cây đã lựa chọn, rồi phủ lớp đất mầu lên trên. Lớp đất mầu này chủ yếu được xay từ các cây cổ thụ, từ thân mục tới cành lá các loại, từ các rác thải đã được phân loại…Những căn hộ ít diện tích thường cấy cây trong thùng nhựa lớn có chứa đất mầu này.

Xe đi vào sân nhà liền sát với gara. Đây là những khu nhà nhập cư Mỹ từ hàng chục năm trở lên. Họ thường chọn khu yên tĩnh xa trục đường chính nên rộng đất hơn để xe có thể đỗ tại sân riêng của gia đình. Mỗi nhà một hai xe là chuyện bình thường. Các gia đình mới nhập cư thường lại thích chọn nhà mặt đường theo quan niệm thương mại Việt Nam. Trên đường tới đây, vì vào giờ nghỉ hành chính của Mỹ, chúng tôi đã thấy cả hàng xe thẳng tắp đỗ ven đường. Đó là xe của mỗi nhà đỗ trước cửa nhà mình. Chúng tôi chợt hiểu ra tại sao người nhập cư lâu năm lại chọn khu đất rộng xa mặt đường.

Người ta nói Mỹ là nước thực dụng, nhưng “Trăm nghe không bằng một thấy”. Giờ thì chúng tôi thấy rõ khi vừa bước chân vào trong nhà. Dưới mái nhà yên tĩnh nhìn từ bên ngoài, là cả một thế giới đồ sộ bên trong và đầy đủ tiện nghi. Mỗi người một xe hơi, một computer phổ thông như mỗi người một xe máy, một đồng hồ ở Việt Nam. Người dân sống dưới sự phong toả của pháp luật mà cũng là hưởng quyền lợi từ pháp luật. Họ phải đóng tới 20%, cao nhất có thể tới 35% thuế lợi tức, nhưng khi về già thì họ lại được hưởng lại theo tiêu chuẩn tiền chu cấp cho người già. Từ sáu mươi lăm tuổi trở lên, ai neo đơn, ốm yếu, nếu có đề nghị, nhà nước tới phỏng vấn rồi cho người tới giúp. Trường hợp quá khó khăn thì tiền công người giúp do nhà nước trả. Người già cũng được khuyến khích theo học lớp dạy vi tính miễn phí. Xe quét rác đường cũng trích lương từ thuế người dân đã đóng, nhưng ngày thông báo quét rác, ai không thường trực chuyển xe thoáng chỗ cho xe quét rác sẽ bị phạt mỗi xe tới 45 USD.

Giờ phút gặp mặt người thân bao giờ cũng cảm động. Những nét mặt vui tươi, những phong thái rất Việt Nam: tình cảm mặn nồng, tíu tít hỏi thăm quê hương, nhắc lại những kỷ niệm hồi thơ ấu, nhắc nhớ những phong tục, tập quán, những món đặc sản quê hương…Có một bà đã tâm sự:

- Hồi đầu sang đây “Lạ nước lạ cái”. Trong nhà cháu thì đi học, cháu thì đi làm, chiều một mình ở nhà chẳng biết làm gì buồn ơi là buồn !

Một ông kể lại cách tự nhiên:

- Mười tám năm trước đây, khi vừa sang “ngố” hết sức. Mấy tháng sau học biết lái xe, lái xe ra đường bị cảnh sát chặn lại cảnh cáo: “mày lái xe như vậy thì chết hết hả”

Một cụ già tâm sự:

- Lần đầu tiên nhận được thư từ quê hương, đọc thấy hai chữ Lưu Phương tôi oà khóc đấy.
 
......

Bây giờ thì mọi sự đã ổn định và đang trên đà phát triển. Cộng đồng người Việt Nam tại đây đã có những khu kinh tế mang tên như SAIGON CITY, LITTLE SAIGON (Saigon thu nhỏ) PHƯỚC LỘC THỌ… Người Việt Nam đến đây mua bán, sinh hoạt cộng đồng cảm giác như ở quê hương vì ngôn ngữ, phong tục tập quán, các mặt hàng đều mang phong thái rất Việt Nam.

Gia đình thân chủ mà cha Trần Quang Đức sắp xếp cho chúng tôi trú ngụ trong thời gian hai tuần ở nam California là gia đình quê hương giáo phận Phát Diệm. Tối đầu tiên trên đất Mỹ, vừa bước chân vào nhà, chúng tôi đã gặp một số cặp gia đình Việt Nam. Họ đến đây không phải để đón chúng tôi, nhưng là để sinh hoạt theo lịch sinh hoạt bình thường của chương trình “Thăng tiến Hôn nhân Gia đình”. Chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa vui mừng tham dự giờ chia sẻ với họ. Những kinh nghiệm đời sống gia đình được trao đổi cởi mở nhằm giúp thăng tiến hôn nhân gia đình theo đúng nghĩa. Cặp gia đình hai bác Cửu – Dung, thân chủ của chúng tôi, chia sẻ:

- Hồi đầu sang đây, khó khăn mọi sự, gia đình tôi được một người con nuôi trợ cấp cho 100 ngàn Đô-la để xây sửa ngôi nhà này. Đến sau, khi gia đình tôi đã ổn định, các cháu trưởng thành, tôi quyết định trả lại số tiền cho người con nuôi, mặc dù người con này rất chân thành muốn giúp vợ chồng tôi để đáp nghĩa. Các con trong gia đình tôi nhận biết điều này nên đến trường tâm sự với bạn bè: “Bố mẹ tôi tốt như vậy, nên chúng tôi cũng phải sống sao cho xứng đáng với lòng tốt của bố mẹ chúng tôi”. Chính suy nghĩ này của các cháu khiến chúng tôi càng cố gắng sống sao cho xứng đáng niềm tự hào của các con đối với cha mẹ.

Cách suy nghĩ của thân chủ, và nhất là vì có sự đồng hành của chúng tôi với chương trình “Thăng tiến Hôn nhân Gia đình” đã làm cho mối thân tình giữa chủ - khách không còn xa lạ. Chúng tôi được hai bác trao chìa khoá để đi về bất cứ giờ nào. Mọi trao đổi sinh hoạt được cởi mở như chính ở nhà mình. Yên tâm và hồ hởi, chúng tôi đi dâng lễ ở cộng đồng công giáo Việt Nam. Tại giáo phận ORANGE đây có 15 cộng đoàn do các linh mục Việt Nam làm chính xứ, trong đó có 6 cộng đoàn mang tên rất Việt Nam, đó là các cộng đoàn: Giáo xứ Chính toà Chúa Kitô, Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang, Cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu giúp, Cộng đoàn Tam Biên, Cộng đoàn Thánh Linh và Cộng đoàn Đức Mẹ Vô nhiễm. Chúng tôi đến với cộng đoàn Đức Mẹ Vô Nhiễm vào lễ chiều thứ bẩy và Cộng đoàn Thánh Linh vào chiều Chúa nhật XVI thường niên. Các Nhà thờ ở đây hầu hết đều được xây dựng theo hình thức đúng với tinh thần phụng vụ khuyến khích: nhà thờ mở rộng chiều ngang để kê tới 6 hàng ghế quy về tâm điểm là gian Cung thánh. Ca đoàn ở sát Cung thánh luôn. Tại nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm, thánh lễ do cha quản nhiệm Nguyễn Thái chủ tế, ngài giảng rất thực tế và đi vào lòng người. Cuối lễ ngài cùng chúng tôi xuống cuối nhà thờ bắt tay thân thiện, chào hỏi những người dự lễ về. Biết chúng tôi từ quê nhà sang, một số người lưu lại hỏi thăm quê hương và tặng quà. Bầu khí thật ấm tình Việt Nam. Chắc chắn đây là điểm đáng tự hào của người Công giáo Việt Nam tại Mỹ, vì so với Trung Quốc, một cường quốc trên một tỉ dân, thì mọi mặt sinh hoạt xã hội, thương mại cộng đồng tại Mỹ họ đều vượt trội trên người Việt Nam. Nhưng những cộng đoàn Công giáo và nhất là Trung tâm Công giáo Việt Nam tại giáo phận Orange đây là một điểm son vượt hẳn Trung Quốc vì Trung Quốc không có, hoặc chỉ có một hai cộng đồng Công giáo Trung Hoa tại Hoa Kỳ.

Chúng tôi đến thăm và dâng thánh lễ đồng tế tại Trung tâm Công giáo Việt Nam vào ngày thường trong tuần, vì ngày Chúa nhật Trung tâm không có lễ mà dành dâng lễ tại các cộng đoàn. Chúng tôi được cùng đồng tế với ba cha từ Việt Nam mới sang là cha Mathêu Trần Bảo Long chính xứ Hải Sơn, giáo phận Bà Rịa-Vũng Tàu, cha Phaolô Trương Văn Luyện chính xứ Gò Dầu, giáo phận Phú Cường và cha Giuse Bùi Văn Tuyền chính xứ Phúc Hải, giáo phận Bùi Chu. Nhà thờ Trung tâm nổi bật với bức ảnh 117 thánh Tử đạo Việt Nam vẽ trên bức hậu phông gian Cung thánh. Ngọn tháp xây kiểu Á Đông với ba chữ lớn THÁNH THÁNH THÁNH (THÁNH THÁNH THÁNH) ở mặt tiền ngọn tháp, kiểu dáng chữ thư pháp vừa Á Đông vừa nghệ thuật, nhưng trên hết là một lời tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng ba lần thánh. Tại khu trường học Công giáo nằm trong khuôn viên nhà thờ Tam Biên, trên biểu ngữ căng ngang cổng vào, chúng tôi đọc thấy dòng chữ HÃNH DIỆN LÀ NGƯỜI CÔNG GIÁO được ghi bằng ba thứ tiếng Anh, Việt và Tây Ban Nha.

Tôi được gặp lại người bác, người dì là anh và em ruột của mẹ. Bác năm nay đã 96, dì đã 84, cả bác và dì đều đã lẫn không còn nhớ được ai nữa, nhưng các em các cháu họp mặt đón anh, đón bác, đón các cha tới thăm. Khung cảnh cảm động diễn ra tại nhà hàng Việt Nam, chủ nhà hàng cũng hoà đồng với bầu khí họp mặt gia đình nên biếu một chai rượu đã dùng trong tiệc không tính tiền.

Chúng tôi còn gặp ở nơi “Đất khách quê người” những câu chuyện cảm động vì ơn Chúa. Một vị từng là luật sư tại Việt Nam cảm phục trước lối sống của một người công giáo đã quyết định xin tòng giáo, người công giáo này hiện là trưởng hội người đồng hương Việt Nam. Người tân tòng tâm sự:

- Người khác chỉ cần học ba tháng thì tôi phải học một năm. Vì bài học nào tôi cũng đưa ra câu hỏi và đòi giải thích. Cha giáo hỏi sao anh cứ đòi giải thích hoài? Tôi nói không hiểu thì tôi làm sao chấp nhận được?! Hồi đầu sang Mỹ, tôi vẫn còn giữ kiểu cách như vậy, nhưng một cha Mỹ rất tốt lành bảo tôi: Anh cứ làm đi rồi sẽ hiểu sau.

Ông tỏ ra rất quý cha Phan Văn Tự vì ông nghe chuyện về ơn gọi của ngài từ giúp lễ tới khi được thụ phong Linh mục. Với người khác thì qua câu chuyện của cha Phan Văn Tự họ chỉ hiểu về bối cảnh lịch sử, nhưng ông lại nhìn thấy ơn Chúa lạ lùng và nhờ đó lòng tin của ông được lớn lên. Với tôi, ông chỉ nhận xét ngắn gọn:
 
- Cha sống ở bắc Việt Nam mà mới gặp cha tôi đã thấy cảm tình gần gũi như vậy cũng là lạ lắm đấy.

Tờ báo Hiệp thông của giáo hạt Orange đã đăng câu chuyện về phó biện lý toà án Orange County. Suốt chín năm, ông đã có bồ và tương lai rất sán lạn, nhưng rồi bỗng được ơn Chúa dám từ bỏ hết mọi sự, sống theo ơn gọi và trở thành linh mục, vừa thụ phong ngày 11/06/2011 vừa qua. Đó là cha Trần Đình Quân. Câu chuyện ngài trở lại cũng rất lạ lung. Chính nhờ mấy hội viên Legio Maria nêu gương sáng tác động đến ngài mà ngài đã có những quyết định bất ngờ như thế.

Giáo phận Orange đang có ý định mua lại một công trình đã nổi tiếng thế giới. Đó là Nhà thờ kính của Tin Lành. Nhà thờ được xây dựng năm 1955, hoàn thành năm 1980, cấu trúc bằng khung ghép hơn 10.000 ô kính chữ nhật dán bằng keo đặc biệt, không sử dụng một đinh ốc nào. Để bảo trì một nhà thờ kính như vậy, mỗi năm phải chi trả khoảng 200,000 USA, vì thế từ ngày 18 / 10 / 2010, Hội đồng quản lý nhà thờ này đã đặt nhà thờ dưới sự quản lý của các nhà đầu tư và lãnh đạo. Đầu tháng 7 / 2011, mục sư Rober H. Schuller, người thành lập nhà thờ này hết quyền quản lý nhà thờ, giáo phận Orange thông báo: “Có khả năng mua nhà thờ này vì nhu cầu mục vụ của 1.200.000 giáo dân trong giáo phận”.

Chúng tôi tới thăm nhà thờ vào ngày 21/07/2011, nhìn ngọn tháp cao hơn 200m tán xạ dưới ánh sáng mặt trời thật là rực rỡ. Bên trong nhà thờ rộng lớn như một quảng trường, khắp nơi được phân chia ánh sáng tự nhiên êm dịu mà không cần điện quang. Những nhạc cụ của những dàn giao hưởng được bài trí tại ba điểm quan trọng là hai đầu nhà thờ và từ một góc rộng phía giữa nhà thờ. Những pho tượng diễn tả sự kiện Kinh thánh Cựu và Tân ước được dựng lên tại không gian rộng lớn hai bên sân nhà thờ. Hình ảnh Môisê cầm hai bia đá tạc Mười Điều răn từ trên núi Sinai đi xuống, hình ảnh Thánh Giuse đưa Chúa Giêsu và Đức Mẹ tránh sang Ai-cập, hình ảnh Chúa yêu thương các trẻ em, hình ảnh dụ ngôn Người con phung phá trở về. Đặc biệt là hình ảnh Chúa giảng trên bờ biển được dựng lên giữa một khoảng không trải rộng, nước trong lành gợn chảy dưới chân, gợi cảnh biển sinh động và phong phú. Có một điểm khác lạ là Lời Kinh thánh được viết trên đá lát dọc đường đi. Mỗi phiến đá là một lời Kinh Thánh. Ước nguyện của tác giả tác phẩm này là mong gợi hứng cho du khách để đánh thức một tiềm thức thêm yêu mến Đấng Kitô hơn.

Chúng tôi đi thăm Nhà thờ Chính toà Tổng giáo phận Los Angeles và mới hiểu tại sao Giáo phận Orange County lại có hướng mua Nhà thờ kính của Tin lành như vậy. Tầng hầm để xe của Nhà thờ chính toà cũng thu phí, vì không dễ dàng tìm được một bãi đỗ xe ở Los Angeles đây, vì Los Angeles là khu trung tâm thành phố nên nhiều công trình, công sở, khu dân cư tập trung ở đây. Nhiều nhà tầng và biệt thự, hotel đẹp đã được kiến trúc với mật độ dày. Xây dựng một nhà thờ ở Mỹ không khó, nhưng tìm một bãi xe đủ cho dung lượng nhà thờ thì không dễ, mà luật pháp thì đòi hỏi phải có bãi đỗ xe đủ thì mới được cấp phép xây dựng nhà thờ.

Ảnh tượng ở đây cũng chất lượng như châu Âu, nghĩa là chỉ kém Roma mà thôi, nhưng giá thì chỉ người Âu Mỹ mới mua được. Chúng tôi chẳng dám mua gì nếu cứ tính ngang sang giá tiền Việt Nam !

Nhà thờ Chính toà đặc biệt với pho tượng chịu nạn bằng đồng cực lớn và treo cũng cực thấp nếu so với cung cách trang trí Cung thánh nhà thờ tại Việt Nam. Chúng tôi đến tận dưới chân Thánh giá để nhìn ngắm tượng chịu nạn, chính nét sần sùi tự nhiên của kim loại đồng làm tăng thêm nét sầu thảm của tượng Chúa khổ nạn. Chị Vân Khanh là người hướng dẫn và là người giúp đỡ chúng tôi đã đến ôm chân Chúa. Tôi bất giác quỳ gối xuống, cầu nguyện cho cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, cầu nguyện cho giáo hội Việt Nam, xin cánh tay giang rộng yêu thương của Chúa thánh hoá những thương đau và chúc phúc lành cho cuộc sống lữ hành trần gian của chúng con.

Chúng tôi cũng đến thăm Hội dòng Mến Thánh Giá tại Los Angeles. Hội dòng này mới được biệt lập để tách khỏi quyền điều hành từ Hội dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp Việt Nam. Đây là một xử lý tình thế sáng suốt và đánh dấu sự trưởng thành của Hội dòng Mến Thánh giá. Trước đây mọi điều hành đều từ nhà chính Gò Vấp, cách một nửa bán cầu. Mọi thông tin cập nhật, mọi tương quan hành chính xã hội, điều hành nhân sự lâm vào tình trạng “Một cổ hai tròng” khiến cho cả hai bên đều vất vả. Phải có sự giúp đỡ tận tình của Đức ông Vicentê Trần Ngọc Thụ tại Roma cùng với thiện chí của Đức cha giáo phận Orange tiếp nhận, Hội dòng mới có một vị thế như hôm nay. Từ Nhà chính, Hội dòng này đã phát triển thêm năm cộng đoàn nhỏ, tổng số khoảng 60 nữ tu đang phục vụ tại giáo phận Los Angeles. Các soeurs đón tiếp chúng tôi rất thịnh tình và dọn đồ nước bằng hoa quả mà Việt Nam không có: dưa Nhật Bản, đào Los Angeles, cherry (họ nhà dâu VN) hương thơm và chất dịu ngọt của nó có lẽ khi chúng tôi về tới Việt Nam vẫn còn ! Chúng tôi còn nhìn thấy quả bí ngô Nhật Bản to bằng cái thúng ở Việt Nam, ai không tin, xin mời qua Tu viện Hội dòng Mến Thánh Giá Los Angeles mà xem !

Mùa hè tại Mỹ mà không đi xem biển thì là một thiếu sót như uống bia mà không có đá lạnh vậy! Chúng tôi đi thăm biển vào một buổi tối tại biển Hungtinton Beach. Một thành phố thu nhỏ vươn mình ra biển. Nói thế vì một cây cầu rộng khoảng 10m chạy dài tới 300m ra biển. Hai bên cầu dàn đều những người câu cá. Thật thú vị khi giật được những con cá có thể ôm ngang người. Chính sách bảo vệ môi trường ở đây rất tuyệt vời, bạn có thể bị phạt rất nặng khi bắt những con cá chưa đủ trọng lượng hoặc kích thước cho phép bắt. Bạn sẽ bị cầm tù khi giết chó ăn thịt. Chúng tôi đã đọc thấy những dòng chữ trên một ngôi nhà “American Animal Hospital of Dog and Cat” (bệnh viện chó và mèo). Theo ánh sáng điện suốt dọc cây cầu, chúng tôi đi đến tận cùng, điểm gút này được thiết kế bằng một ngôi nhà tròn đủ rộng như một nhà hàng thành phố phục vụ giải khát và ăn nhẹ. Những phòng nhỏ chia khoảng cách hai bên thành cầu được gọi là restroom dành cho bạn tự do đi vệ sinh. Khắp nước Mỹ đều chú trọng tới vệ sinh cá nhân, dù dọc bãi biển, dù giữa sa mạc đều có restroom rất sạch sẽ, thậm chí sang trọng như ở hotel.

Chúng tôi không hài lòng về những tấm hình chụp buổi tối không thể lấy toàn cảnh, vì thế khi có dịp là chúng tôi lại trở lại thăm biển Long Beach vào ban ngày. Đi dọc theo bờ biển, chúng tôi đã chụp được hình toàn cảnh cây cầu đua ra biển. Những ngày nghỉ cuối tuần, cả gia đình cùng ra tắm biển. Biển trong lành và bãi biển dịu dàng không chỉ quy tụ đủ các sắc mầu, quốc tịch nơi đây, mà còn hội tụ cả thiên nhiên thơ mộng. Những con hải âu Mỹ to như chim bồ câu thậm chí còn to như vịt trời ở Việt Nam, đậu xuống bãi biển và cũng thân thiện với người như chim bồ câu vậy. Luật bảo vệ sinh thái giúp cho loài chim đáng yêu này không phải mỏi cánh trên biển mà không dám lên bờ biển chung với con người. Chúng tôi nhặt những rong biển do sóng vỗ vào bờ. Những rong biển to như bèo bồng ở Việt Nam, những sinh vật dễ thương mang đầy sức sống và cũng “to lớn” như Mỹ vậy.

Chúng tôi trở về trong bầu trời đêm khuya của miền nam California, ngước nhìn lên bầu trời thanh quang yên tĩnh, nhớ về Việt Nam, hôm nay âm lịch là ngày 17 tháng 6 Tân Mão. Mặt trăng của đêm “Mười bảy sảy giường chiếu” đã lên cao. Ánh trăng sáng ngời toả ánh dịu hiền xuống thành phố. Ở miền nam California này, do gần biển và khúc xạ ánh sáng, mặt trăng to gấp rưỡi so với vị trí đứng nhìn từ Việt Nam. Đúng là một nước Mỹ rộng lớn nên tất cả đều là “Cảnh vật chiều người”!
 

Tác giả: Lm Phêrô Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn tin: Vietcatholicnews

 Tags: ân huệ

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập700
  • Hôm nay184,622
  • Tháng hiện tại1,488,051
  • Tổng lượt truy cập58,773,920
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây