Ký sự Bên Đường Thiên Lý. Phần 5: Philadelphia - New York - Washington.

Thứ sáu - 16/09/2011 23:22

-

-
Rời Houston với những tình thân của đồng hương Phát Diệm, chúng tôi đã có mặt ở sân bay để đi thăm Philadelphia thành phố lớn nhất trung tâm của tiểu bang Pennsylvania, thành phố thủ đô đầu tiên cổ nhất của nước Mỹ. Philadelphia đã được thành lập từ năm 1682,...
Ký sự Bên Đường Thiên Lý. Phần 5: Philadelphia - New York – Washington
 
PHILADELPHIA
Rời Houston với những tình thân của đồng hương Phát Diệm, chúng tôi đã có mặt ở sân bay để đi thăm Philadelphia thành phố lớn nhất trung tâm của tiểu bang Pennsylvania, thành phố thủ đô đầu tiên cổ nhất của nước Mỹ. Philadelphia đã được thành lập từ năm 1682, khi đó khu vực này là nơi sinh sống của người Ấn Độ và các thổ dân. Những năm đầu thế kỷ 17, Philadelphia nhanh chóng phát triển thành một thành phố thuộc địa quan trọng và trong cuộc Cách mạng Mỹ giành độc lập, thành phố đã được lựa chọn làm thủ đô tạm thời của Hoa Kỳ. Vào đầu thế kỷ 19, Philadelphia vẫn còn là trung tâm văn hóa và tài chính của đất nước và là thành phố có nhiều ngành công nghiệp, dệt may lớn nhất. So sánh một cách khập khiễng, Philadelphia tương tự như cố đô Hoa Lư của Việt Nam, khi vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp được loạn mười hai sứ quân, thống nhất đất nước, lên ngôi Hoàng Đế (968-979) và đặt tên nước là Đại Cồ Việt.

Từ năm 1950, dân số của thành phố bắt đầu giảm. Philadelphia trong tình trạng nghèo và thiếu các tiện nghi. Chiến tranh băng đảng mafia hoành hành tại thành phố. Nhưng từ cuối thế kỷ 20 đến nay, thành phố đang hồi sinh và gia tăng dân số, thậm chí còn có sự bùng nổ chung cư ở trung tâm thành phố và các khu vực xung quanh.

4 LM Phát Diệm tại quả chuông đồng lịch sử
Chúng tôi tới nơi khi thành phố đã nghiêng đổ nắng chiều. Những dãy phố còn giữ được theo phong cách kiến trúc của Anh. Vì trước khi dành độc lập, Philadelphia từng là một trong mười ba tiểu bang Hoa kỳ là thuộc địa của Anh.

Tại thành phố này, còn giữ được quả chuông đồng lịch sử. Nó đã gióng lên hồi chuông đầu tiên mừng ngày tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ mùng 4 tháng bảy năm 1776. Tiếng chuông đầu tiên và cũng là tiếng chuông duy nhất vì nó bị nứt vỡ ngay sau đó. Người ta đã giữ quả chuông như một kỷ vật hoà bình và chúng tôi đã phải xếp hàng rất dài mới tới lượt được vào xem và chụp ảnh lưu niệm trước quả chuông này. Từ Philadelphia, chúng tôi sẽ đi tiếp những thành phố quan trọng khác.

NEW YORK

Chúng tôi lên xe bus trực chỉ New York, thành phố hiện đại và phồn thịnh nhất Hoa Kỳ.

Từ Philadelphia tới trung tâm New York, xe bus đi qua một đường hầm dài. Chẳng có gì xa lạ với Việt Nam khi đường hầm đèo Hải Vân, đèo Cả, đèo Ngang cũng đã cho hành khách một khái niệm về khoa học kỹ thuật hiện đại ứng dụng trong giao thông như thế nào. Nhưng điều bất ngờ với chúng tôi là đường hầm này xuyên qua dưới lòng sông. Đây là đường hầm xe hơi đầu tiên trong số hai đường hầm đi xuyên qua dưới lòng sông Hudson. Hoàn thành năm 1927 sau 7 năm thi công, đường hầm mang tên vị kỹ sư trưởng người Hà Lan Miburn Clifford, vị kỹ sư đã chết trước khi dự án hoàn thành. Để thông gió cho đường hầm này, người ta đã thiết kế bốn toà nhà thông gió cung cấp gió cho 84 quạt cùng hoạt động dọc theo hai đường ống tuýp lớn, để có khả năng trong vòng 90 giây, thay đổi không khí trong đường hầm khỏi các thành phần carbon monoxide là chất độc hại của khí thải ô tô. Theo thống kê, chỉ riêng năm 2007, đã có tới 34.698.000 lượt xe qua lại đường hầm này.

Qua đường hầm dễ dàng và thông thoáng, chúng tôi tiếp cận với trung tâm thành phố New York. Quả là “Danh bất hư truyền”, một thành phố văn minh hiện đại choáng ngợp trước mắt chúng tôi. Tại các thành phố Âu châu hoặc Á châu, người ta thường nói tới toà nhà cao chọc trời, còn ở New York này là cả một thành phố cao chọc trời. Chúng tôi bị mất hút tầm mắt khi ngẩng cao nhìn thành phố cao tầng. Ngồi trên tầng hai nóc xe bus, đi dọc đường phố giữa trưa nắng của khí hậu bắc Mỹ, dù là “đứng bóng” mặt trời nhưng xe vẫn có nhiều bóng mát vì nhà tầng cao vút tạo nhiều góc cạnh, và chỉ cần một góc thôi, chúng tôi đã có quá đủ bóng mát rồi !

Theo sử liệu thì từ năm 1913 -1974, thành phố New York đã xây dựng các toà nhà cao nhất thế giới. Từ đó đến nay, các toà nhà chọc trời tiếp tục mọc lên, đặc biệt là toà tháp đôi, trung tâm thương mại thế giới.

Chúng tôi dừng chân tại quảng trường Times Square và đi bộ tới tận chân toà tháp đôi để chứng kiến những thăng trầm lịch sử đã từng diễn ra nơi toà tháp cao nổi tiếng này.

Trung tâm Thương mại Thế giới ban đầu là quần thể của bảy tòa nhà bao gồm tòa tháp đôi cao nhất mang tính biểu tượng ở New York. Toà tháp đôi này được xây dựng từ đầu những năm 1960. Tháp phía bắc đã được hoàn thành trong tháng mười hai năm 1972 và tháp phía nam được hoàn thành trong tháng bảy năm 1973. Cả hai được thiết kế theo kết cấu khung thép cao 110 tầng (một toà cao 417m, một toà cao 415m) cao hơn cả toà nhà Empire State 107 tầng, được coi là cao nhất thế giới tính đến thời điểm đó. Đài quan sát thế giới nằm trên tầng 107 của tháp phía Nam. Toà nhà thứ bảy trong quần thể này mới hoàn thành vào năm 1985.

Thế giới đều đã biết sáng ngày 11 tháng chín năm 2001, hai máy bay phản lực thuộc lực lượng Al-Qaeda đã lao thẳng vào toà tháp đôi này trong một cuộc tấn công khủng bố. Sau 56 phút bị bốc cháy, tháp phía Nam bị sụp đổ, nửa giờ sau đến toà tháp phía Bắc. Cuộc tấn công này đã làm 2.752 người chết. Các toà khác trong quần thể tuy không bị sụp đổ nhưng cũng đã bị phá hủy vì hư hỏng nặng không thể sửa chữa được.

Đến xem trực tiếp mới lý giải được tại sao chỉ trong một giờ đồng hồ mà toà tháp đôi lại có thể sụp đổ dễ dàng như thế. Câu hỏi của tôi từ 10 năm nay chắc cũng giống như bạn là tường bê-tông cốt thép kiên cố đâu dễ dàng dẫn nhiệt đến tận chân móng trong một giờ đồng hồ như vậy? Và cho dù thép nóng chảy thì tường bê-tông cũng không dễ dàng sụp đổ nhanh đến thế. Vâng, sai lầm chính là ở chỗ đó. Chúng ta là người Việt Nam, suy nghĩ theo cung cách xây dựng của Việt Nam. Bạn còn nhớ ở ngay phần đầu của ký sự, tôi đã mô tả công nghệ xây dựng phù hợp với địa hình, khí hậu ở Hoa Kỳ. Chỉ có khung thép chịu lực dựng đứng, phần bọc là gỗ, và các công nghệ cách âm, chống nóng đều dễ cháy. Khi Toà Tháp đôi bị bốc cháy dữ dội, nhiệt độ cao làm thép nóng chảy, tất cả các lớp công nghệ xây dựng bắt lửa và chỉ trong một giờ đồng hồ, mọi diễn biến lịch sử đều đã kinh hoàng xảy ra!

Không phải chỉ đơn phương có đoàn chúng tôi, dòng người đi bộ từ các nước trên thế giới cũng đang thầm lặng tiến về đây. Cùng với họ, chúng tôi trầm lắng suy tư, ngậm ngùi hoài niệm và không quên chụp ảnh mảnh đất bàng hoàng đau thương trước khi ra về.

Đến với New York còn là đến với một lịch sử giàu tính truyền thống. Năm 1524, người Pháp đã phát hiện ra mảnh đất này, nhưng Hà Lan mới là nước tuyên bố chủ quyền đầu tiên vào năm 1609. Năm 1664, New York lại trở thành thuộc địa nước Anh. Từ thế kỷ 18, New York phát triển thành trung tâm thương mại lớn và là tiểu bang thứ mười một gia nhập Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ (1787), thành phố New York là thủ đô quốc gia tại những thời điểm khác nhau giữa những năm 1785 và 1790.

Trong suốt thế kỷ 19, thành phố New York đã trở thành điểm chính cho người nhập cư châu Âu đến Hoa Kỳ, nhất là từ khi tượng Nữ thần Tự do được dựng lên vào năm 1886 và trở thành một biểu tượng của hy vọng. Đây là pho tượng do nhà điêu khắc người Pháp Frédéric Auguste Bartholdi kết hợp với Alexandre Gustave Eiffel (nhà thiết kế Tháp Eiffel) hoàn thành tác phẩm điêu khắc kỷ niệm một trăm năm bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ (1786-1886).

Tượng Nữ thần là một nỗ lực chung giữa Mỹ và Pháp. Mỹ xây dựng bệ tượng bằng đá hoa cương, và Pháp lắp ráp tượng Nữ thần. Lễ khánh thành tượng tại New York diễn ra ngày 28 tháng 10 năm 1886. Liên Hợp Quốc đã công nhận tượng Nữ thần Tự Do là một di sản văn hoá thế giới.

Chúng tôi không thể đáp tàu thuỷ ra tận nơi đặt tượng Nữ Thần Tự Do, chỉ đứng trên bờ biển ở cự ly gần nhất, nhìn ra pho tượng đặt trên mỏm một đảo nhỏ là cửa ngõ của New York. Thời gian gấp gáp chỉ đủ để đáp chuyến xe bus theo vé khứ hồi trở về Philadelphia, chuẩn bị cho hành trình đi Wahsington, DC.

WASHINGTON, DC.

Lịch sử của Washington, DC. được gắn liền với vai trò là thủ đô của Hoa Kỳ. Washington, DC. (District of Columbia) là thủ đô của Hoa Kỳ, được thành lập vào ngày 16 tháng bảy 1790. Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép thành lập một quận đặc biệt tách khỏi quyền giám sát của chính phủ liên bang và hình thành thủ đô quốc gia Hoa Kỳ.

Chúng tôi đã đến với toà nhà Quốc hội. Toà nhà rộng lớn xây dựng trên đỉnh ngọn đồi, vừa là đỉnh cao nhất, vừa là tâm điểm của Washington, DC. Trải dài trước mắt chúng tôi là một không gian rộng lớn nhưng không phải là Quảng trường, vì đây là mặt sau của toà nhà Quốc hội. Đó là một quả đồi gồm khoảng 274 mẫu Anh (1,11 km ²), với một không gian thoáng đãng bao gồm chủ yếu là các thảm cỏ, lối đi, đường phố và các khu vực cây xanh. Nhiều người đã tưởng đây là Nhà Trắng – danh từ chỉ phủ Tổng thống Hoa kỳ, nhưng đó là sự lầm lẫn. Nhà Trắng không xa toà nhà Quốc hội nhưng là khu biệt lập. Chúng tôi dừng bước tại tượng đài của George Washington, vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Pho tượng được đặt dưới chân toà nhà Quốc hội, ở vị trí khởi điểm đầu tiên để bước những bậc tiến lên toà nhà. Khoảng lưng chừng đồi là một nơi nghỉ rộng rãi. Từ đây nhìn xa phía trước, ở ngọn đồi đối diện với toà nhà Quốc hội, một ngọn tháp cao nhất thủ đô được xây dựng để tưởng nhớ vị tổng thống đầu tiên. Ngọn tháp mang tên Washington memorial, toà tháp cao 185m. Chúng tôi ghi lại những khoảnh khắc ngắn ngủi mà dư âm sẽ đọng lại trong cả cuộc đời.

Những tưởng chỉ đến đây là điểm dừng ai ngờ chúng tôi còn được đi tiếp, vòng qua phía trước của toà nhà Quốc hội, chúng tôi theo đoàn người du lịch đi hẳn vào bên trong. Phòng đợi rộng rãi dành cho khách đến bàn ghi danh lấy vé. Gọi là vé (ticket) nhưng miễn phí hoàn toàn. Nét đặc biệt của Washington, DC. là những điểm tham quan đều miễn phí và hầu hết thuộc về lịch sử, văn hoá, viện bảo tàng… Ticket trong toà nhà Quốc hội này được in mã vạch và được dán trên áo mỗi người. Chúng tôi lên thang gác, dọc theo những hành lang rộng và đi vào phòng chính giữa của toà nhà. Gian chính này thông sang hai Phòng hội bên cạnh, Phòng hội phía bắc là phòng họp của Thượng nghị viện, Phòng hội kia là phòng đại diện. Gian chính giữa phác hoạ dòng lịch sử của Hoa Kỳ qua nghệ thuật tranh vẽ của hoạ sĩ Constantino Brumidi. Bốn bức tranh phía đông miêu tả những sự kiện quan trọng trong việc khám phá châu Mỹ, trong đó nổi bật nhất là bức tranh Christopher Columbus đặt bước chân đầu tiên lên châu Mỹ Latin. Bốn bức phía tây miêu tả sự thành lập của Hoa Kỳ, trong đó nổi bật là bức tranh “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập” năm 1786. Brumidi cũng chịu trách nhiệm vẽ bức tranh phong thần Washington trên trần của mái vòm. Ông đã hoàn thành tác phẩm trong thời gian 11 tháng. Bức tranh phong thần cho vị sáng lập Hoa Kỳ, Washington được nâng lên ngang với các vị thần Hy Lạp và La Mã. Bao quanh ông là lớp lớp các tiên nữ. Vòm tròn này là sự hội nhập kiến trúc từ châu Âu, đặc biệt là vòm mái Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô tại Vatican và nhà thờ St Paul ở London. Chiều cao đến đỉnh Dome là 88 m, là đỉnh cao thứ năm ở Washington, đường kính của mái tròn là 100 feet (30 m). Đứng trên đỉnh dome tròn này là tượng Nữ thần tự do cao 6m.

Lễ khởi công cho toà nhà Quốc hội đã diễn ra vào ngày 18 Tháng Chín 1793 dưới sự giám sát của James Hoban, ông cũng là kiến trúc sư xây dựng Nhà Trắng. Công trình xây dựng được nâng cao và mở rộng về hai cánh mãi đến năm 1958 mới hoàn chỉnh. Thượng nghị viện mở phòng từ năm 1959 nhưng chỉ mở cửa những ngày làm việc. Chúng tôi qua thăm Phòng đại diện, Phòng này có tới 448 ghế thường trực nhưng thực tế hiện nay để trống hoàn toàn. Vòm trần được kiến trúc theo hình parabol để có thể truyền âm tốt nhất. Trong giai đoan đầu chưa có hệ thống tăng âm, thì lối kiến trúc này là một phát hiện khoa học trong cấu trúc xây dựng. Tượng những người có công lớn trong các lãnh vực xã hội đối với Hoa Kỳ được đặt dọc theo sát tường. Chúng tôi nhận thấy có tượng một thầy dòng được đặt trong gian phòng vinh dự này.

Ra khỏi toà nhà Quốc hội, chúng tôi phóng tầm mắt nhìn bao quát phía trước. Đối diện với toà nhà này là toà nhà Thư viện của Quốc hội, cũng một dome tròn vươn cao giữa nóc toà nhà như một biểu tượng đặc trưng của nửa phần trái đất. Bên trong đó là kho tàng tri thức của nhân loại. Ngày nay kho tàng ấy đang được hiện đại hoá, toàn cầu hoá qua hệ thống mạng internet. Dịch sang bên phải toà nhà Thư viện Quốc hội là toà nhà Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Lịch sử những năm 1800 – 1806, toà nhà này được dùng làm Thượng nghị viện. Từ năm 1806 – 1860, nó được mang tên là Toà án tối cao Hoa Kỳ. Tối cao Pháp viện chính thức mang tên và làm việc từ năm 1935.

Đi dọc theo sườn toà nhà Quốc hội cũng có nghĩa là đang đi song song với toà nhà Hạ Nghị Viện, nơi các vị Dân biểu làm việc. Toà nhà lớn đến nỗi Dinh Thống Nhất miền nam Việt Nam hiện nay cũng chỉ như một phòng trong tổng thể kiến trúc của toà nhà.

Điều đáng chú ý là ở một góc độ đẹp nhất, góc độ có thể chụp phối cảnh toà nhà Quốc hội, người ta đã dành riêng cho diễn đàn báo chí. Một bục nói chuyện đã được lắp đặt sẵn, ghế ngồi cho các cử toạ. Thú vị hơn nữa là tại đây ai cũng có quyền tự do ngôn luận. Chúng tôi chớp lấy cơ hội có một không hai này để làm một diễn đàn tự…phát nảy lửa. Cha Antôn Đoàn Minh Hải tiến lên bục, dõng dạc tuyên bố:

- Chúng tôi đã đến nước Mỹ và đang có mặt tại toà nhà Quốc hội Hoa Kỳ đây.

Cha Antôn Phan Văn Tự tuyên bố:

- Chúng tôi lên án việc phá thai.

Đến lượt tôi chậm chân không biết tuyên bố gì nữa, vì hai “sự thật” đều đã được tuyên bố, tôi đành thật thà công bố:
- Tôi đang thiếu tiền để xây dựng Nhà thờ giáo xứ Phát Vinh! (Nhà thờ xứ mới thành lập, nghèo và chưa có nhà thờ)

Chẳng có ai thèm bình luận về những lời “tuyên bố nảy lửa” của chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn hỉ hả ra về vì đã công bố được những điều “quan trọng” trước toà nhà Quốc hội Mỹ!

Được đà phấn khởi, chúng tôi đi bộ về phía Nhà Trắng, còn có tên là Toà Bạch ốc, Phủ tổng thống Hoa Kỳ. Toà nhà không có vẻ lớn nhưng khu vực hàng rào lớn, nhất là phía mặt tiền toà nhà. Chúng tôi cùng chụp ảnh và đi nửa vòng về phía sau ngôi nhà. Cự ly này gần toà nhà hơn. So với không gian xung quanh thì toà biệt thự không lớn lắm, nhưng đó là do khoảng không gian quá rộng. Thực tế toà nhà này bao gồm 132 phòng, 35 phòng tắm, và 6 phòng hội. Ngoài ra còn có 412 cửa ra vào, 147 cửa sổ, 28 lò sưởi, 8 cầu thang và 3 thang máy. Đối với vui chơi giải trí, Nhà Trắng đã có một loạt các phương tiện sẵn có cho các vận động viên bao gồm cả một sân tennis, đường bách bộ, hồ bơi, rạp chiếu phim, và làn bowling.

Trong 200 năm, Nhà Trắng đã đứng như một biểu tượng Tổng thống, Chính phủ Hoa Kỳ, và người dân Mỹ. Lịch sử của nó và lịch sử của thủ đô quốc gia bắt đầu khi Tổng thống George Washington đã ký một đạo luật của Quốc hội vào tháng Mười hai năm 1790 tuyên bố rằng chính phủ liên bang sẽ cư trú trong một khu vực "không quá 10 miles (16km2).

Có tới 9 bản vẽ thiết kế trình duyệt và kiến trúc sư James Hoban đã giành huy chương vàng cho thiết kế thực tế và mỹ thuật của mình. Nhà trắng được xây dựng tại 1600 Pennsylvania Avenue vào tháng Mười 1792. Mặc dù Tổng thống Washington giám sát xây dựng ngôi nhà, nhưng ông không bao giờ sống trong đó. Mãi đến năm 1800, khi Nhà Trắng đã gần hoàn thành, Tổng thống John Adams và vợ ông, Abigail, là người đầu tiên sống trong toà nhà này. Kể từ đó, các Tổng thống nối tiếp nhau là chủ nhân toà nhà.

Nhà Trắng có một lịch sử độc đáo và hấp dẫn. Nó bị người Anh đốt cháy vào năm 1814 (trong chiến tranh năm 1812) và lần khác vào năm 1929. Trong nhiều nhiệm kỳ tổng thống, nó đã được tân trang nội thất nhưng vẫn giữ được nguyên thiết kế Nhà Trắng đã được xây dựng cách đây hai thế kỷ.

Nhiều đoàn người đến đây chụp ảnh, bình luận…Cũng không ít người đến chỉ để mong nhìn thấy tổng thống hoặc có khi ngược lại để yêu sách tổng thống. Chúng tôi đơn giản là du lịch nên đi xem hết vòng thì ra về. Mặc dù thế chúng tôi cũng vẫn tự tưởng thưởng cho mình có cái “oai” đến tận Nhà Trắng. Trên đường trở về, chúng tôi không bàn nhưng tán chuyện thật rôm rả: “Mình chẳng cần gặp tổng thống Obama, vì mình đã có Obacha. Thì gặp ai là người Việt Nam họ cũng gọi mình như thế mà: Ô ba cha !!!

Xe chúng tôi đi quanh đường phố Washington DC. Ông Nguyễn Thoả là giáo dân Việt Nam và là đồng hương Phát Diệm đã nhiệt tình đưa chúng tôi đi và chỉ cho chúng tôi thấy: đây là nhà hàng mà tổng thống thường ra ăn uống, kia là nhà thờ các đời tổng thống đi dự lễ, có thời tổng thống là Tin Lành, có thời là Công giáo. Chúng tôi cũng đi ngang qua Lầu Năm Góc, đó không phải là một toà nhà, mà là năm khu nhà khép hình ngũ giác. Người dân ở đây gọi là Ngũ Giác Lầu, như thế thì chính xác hơn. Ở một góc mà ngày 11/09/2001 một máy bay khủng bố đã lao xuống làm hư hỏng, chúng tôi dừng xe xuống định chụp ảnh thì đã thấy bảng đề cấm chụp ảnh. Chúng tôi lại lên xe đi tiếp, ngang qua một công viên có cả đoàn xe đang chu cấp khẩu phần thức ăn miễn phí cho đoàn người không gia cư tụ tập ở đó. Xe chúng tôi dừng lại trong sân Đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Washington.

BASILICA OF THE NATIONAL SHRINE OF THE IMMACULATE CONCEPTION.

Đó là Đền thánh Công giáo lớn nhất tại Hoa Kỳ và Bắc Mỹ, và là một trong mười nhà thờ lớn nhất trên thế giới. Đền thánh Quốc gia tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đón chào những người hành hương cũng như du khách từ khắp Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới.

Tọa lạc tại Washington, DC, Đền Thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm Hoa Kỳ nổi tiếng với kiến trúc độc đáo, nghệ thuật trang trí Mosaique và không gian kiến trúc rộng lớn.

Mosaique là nghệ thuật tạo hình bằng kỹ thuật ghép những miếng nhỏ bằng thủy tinh màu, đá, hoặc vật liệu khác. Đó là mảng nghệ thuật dùng trang trí nội thất, thể hiện nét văn hóa, diễn tả tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo…Nghệ thuật khảm Mosaique của Romana Villa del Casale gần Piazza Armerina ở Sicily là bộ sưu tập lớn nhất trên thế giới, và được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Tại các Vương Cung Thánh Đường Kitô giáo, từ cuối thế kỷ thứ IV, đã xuất hiện nghệ thuật khảm tường và trần nhà thờ.

Nghệ thuật này cũng được sử dụng rất tinh tế tại Đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm Hoa Kỳ. Vòm trần và những mảng tường nghệ thuật Mosaique làm cho Vương Cung Đền Thánh toát lên một vẻ uy nghiêm, cổ kính và nghệ thuật tôn giáo.

Không gian của Đền thánh cũng là những con số đáng chú ý: dài 140m (459 ft), chiều rộng tính đến hết ngang cánh Thánh giá là 55m (180 ft). Đứng giữa Đền thánh, ngửa mặt lên không thể chụp ảnh được toàn phần dome lớn vì đường kính của dome lên tới 33m (108ft). Muốn chụp ảnh bên ngoài Đền thánh thì phải đi rất xa mới chụp được toàn cảnh, vì từ nền vươn lên đỉnh cao Thánh giá của Đền thánh là 72m (237 ft) Riêng ngọn tháp thì chúng tôi biết mình không đủ thời gian để lên tới đỉnh tháp được, mặc dù đã có cầu thang máy, vì ngọn tháp cao tới 100m (329 ft). Đền thánh rộng lớn đủ cho 6000 người tham dự.

Từ năm 1847, theo thỉnh nguyện của các giám mục Hoa Kỳ, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria làm bảo trợ của Hoa Kỳ dưới tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Người tín hữu Hoa Kỳ hôm nay luôn khắc ghi sự kiện đó, họ nhớ ơn Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ và Đức Thánh Cha đã dâng cả nước Mỹ cho Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Năm 1910, giám mục Thomas J. Shahan, Hiệu trưởng trường Đại học Công Giáo Hoa Kỳ đề nghị xây dựng một Đền thánh trung tâm quốc gia để tôn vinh Mẹ Maria. Khi trình bày kế hoạch của mình lên Đức Giáo Hoàng Piô X vào năm 1913, không những ngài nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Đức Thánh Cha mà còn cả đóng góp cá nhân của Đức Thánh Cha nữa. Đức Hồng Y James Gibbons, Tổng Giám Mục của Baltimore, đặt viên đá đầu tiên ngày 23 tháng chín 1920. Công trình được hoàn thành vào năm 1926 và mái vòm được nâng cao năm 1931.

Trong năm 1953-1954, các giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã đổi mới các nỗ lực để hoàn thành đền thánh quốc gia và người Công giáo trên khắp Hoa Kỳ hưởng ứng nhiệt tình với nỗ lực gây quỹ. Ngày 20 tháng 11 năm 1959, Đền thánh quốc gia đã được Cung hiến. Đức Giáo Hoàng John Paul II nâng Đền thánh Quốc gia lên thành Vương Cung Thánh Đường vào ngày 12 tháng mười 1990.

Ngày 07 Tháng mười 1979, Đức Giáo Hoàng John Paul II đã trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Vương Cung Thánh Đường quốc gia Hoa Kỳ. Mới đây nhất, ngày 16 tháng tư năm 2008, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã đến thăm Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Hoa Kỳ. Trong niềm vinh dự lớn lao của Vương Cung Thánh Đường Hoa Kỳ, có niềm tự hào riêng của người Công giáo Việt Nam, vì đã có một Phòng nguyện nhỏ được dành riêng cho Việt Nam trong tổng thể kiến trúc Vương Cung thánh Đường, và Phòng Nguyện đó đã cung hiến cho Đức Mẹ La Vang.
 
Chúng tôi quỳ gối cầu nguyện trước tượng Mẹ La Vang, xin Mẹ chúc lành cho mảnh đất hiện là nơi trú ngụ và chúc lành cho mảnh đất quê hương yêu dấu của những người con Việt Nam. Bóng chiều đã ngả, ngoảnh nhìn lại ngôi Đền Thánh lùi dần và khuất hẳn phía sau, chúng tôi lại đi tới phi trường để đáp chuyến bay đến Atlanta, thành phố trung tâm tiểu bang Georgia.
 

Tác giả: LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn tin: Vietcatholicnews

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập838
  • Hôm nay137,458
  • Tháng hiện tại1,619,550
  • Tổng lượt truy cập58,905,419
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây