Đức TGM Leopoldo Girelli thăm và dâng Thánh lễ tại Nhà thờ Chính Toà Phủ Cam.

Chủ nhật - 04/09/2011 10:40

-

-
Hôm nay (04/09/2011), Đức TGM Leopoldo Girelli, nhân danh Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Đấng kế vị thánh Phêrô, đến viếng thăm và dâng Thánh Lễ Chúa Nhật XXIII thường niên tại Nhà thờ Chính Toà Phủ Cam.
Đức TGM Leopoldo Girelli thăm và dâng Thánh lễ tại Nhà thờ Chính Toà Phủ Cam
 
Trong hai ngày (03-04/09/2011) của chuyến viếng thăm mục vụ lần đầu tiên tại Tổng Giáo phận Huế, hôm nay (04/09/2011), Đức TGM Leopoldo Girelli, nhân danh Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Đấng kế vị thánh Phêrô, đến viếng thăm và dâng Thánh Lễ Chúa Nhật XXIII thường niên tại Nhà thờ Chính Toà Phủ Cam.
 


 
Đúng 6 giờ, Đức TGM Leopoldo Girelli và hai Đức Cha của Giáo phận nhà đã đến trước tiền đường của nhà thờ chính toà, trong khối âm thanh trang trọng của Đội Kèn đang cất lên nhộn nhịp, những tiếng pháo tay rộn ràng của các thành phần dân Chúa dần dần vang lên hối hả.
 
Hiệp với Đức TGM Stêphanô, Đức Giám Mục Phụ Tá Phanxicô Xaviê, Đức Đan Viện Phụ, mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận, hân hoan chào mừng sự hiện diện cách đặc biệt của Đức TGM Leopoldo Girelli. Để thể hiện trọn vẹn niềm vui đó, các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Huế đã dâng lên Đức TGM Leopoldo Girelli cùng quý Đức Cha tiếng trống chào mừng và khai hội.
 
 
Sau phần chào đón, Đức TGM Stêphanô đã đọc diễn từ chào mừng.
 
Trong bài phát biểu, Đức Tổng Stêphanô đã nói lên niềm vui sướng của con dân Giáo phận Huế khi được đón tiếp vị đại diện của Đức Thánh Cha và lược qua đôi nét về lịch sử hình thành, phát triển và những hiện trạng thời nay của Tổng Giáo phận Huế. Đồng thời, Đức TGM Stêphanô cũng nói lên những thách thức, khó khăn của Giáo phận. Như sự khó khăn về kinh tế; thiên tai, khí hậu khắc nghiệt; bên cạnh đó làn sóng di dân của những người trong độ tuổi lao động từ thành thị lên các thành phố để kiếm việc làm, đã gây không ít khó khăn cho công tác mục vụ.
 
 
Sự hiện diện của Đức TGM Leopoldo Girelli giữa cộng đoàn giáo phận hôm nay làm cho viễn tượng hiệp thông Giáo Hội tỏa sáng hơn. Bày tỏ lòng con thảo yêu mến đối với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và tinh thần hiệp thông vâng phục của cộng đoàn Dân Chúa Tổng Giáo phận Huế đối với Huấn quyền của Giáo Hội.
 
Để kết thúc bài phát biểu của mình, Đức TGM Stêphanô đã đại diện cho mọi thành phần dân Chúa trong Tổng Giáo phận Huế, kính dâng lên Vị đại diện Toà Thánh bức tượng Đức Mẹ La Vang để làm lưu niệm, gói ghém bao tâm tình mến yêu của đại gia đình giáo phận.
 
 
Sau đó, Đức TGM Leopoldo Girelli đã có lời đáp từ. Ngài nói: Huế nổi bật vì những nét văn hóa đặc sắc riêng của mình, được minh họa bằng hình ảnh của một cái cầu vồng, trong đó kết hợp “những tố chất giản đơn của người nông dân và những người giai cấp cao trong xã hội”. Đó chính là niềm hy vọng tha thiết của tôi, rằng biểu tượng chiếc cầu vồng này cũng sẽ là một biểu hiện của sự chung sống hòa bình và tôn trọng lẫn nhau đối với tất cả các tôn giáo và các tín ngưỡng trong địa phương này.
 
 
Vị đại diện Đức Thánh Cha nói lên tầm quan trọng của Tổng Giáo phận Huế đối với Giáo hội Việt Nam, mặc dù với số lượng giáo dân khá khiêm tốn, số người chưa biết Chúa chiếm tỷ lệ lớn, nhưng Huế lại là một nơi thường xuyên tổ chức các dịp lễ mang tính chất quốc gia, như Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang ba năm một lần.
 
Đức TGM Leopoldo Girelli cũng lưu ý đến những thách đố trong giáo phận, và hy vọng một cuộc đổi mới tinh thần truyền bá Tin Mừng, cùng với sự gắn bó mật thiết vào Giáo hội Công giáo sẽ được cổ vũ trong giáo phận.
 
Sau lời đáp từ, Đức TGM Leopoldo Girelli đã làm phép bức tượng Đức Mẹ La Vang mới của Giáo xứ Chính Toà. Bức tượng này sẽ được tôn kính tại Nhà Mục Vụ mới của Giáo xứ.
 
 
Đức TGM Leopoldo Girelli đã mời gọi cộng đoàn vầy quanh bàn thờ để cùng tham dự vào hy tế của Chúa và được bữa tiệc thiên quốc đổi mới, nên như dấu chỉ của chính Đức Kitô. Đức Kitô là Linh Mục, là lễ vật hy sinh, và cũng là bàn thờ hiến tế chính mình giữa chúng ta. Sự kiện đáng lưu tâm ghi nhớ là tổ tiên chúng ta trong đức tin đã gieo những hạt mầm để chúng ta hôm nay có mặt nơi đây. Và ngay cả bây giờ, những gì nâng đỡ chúng ta trong nỗ lực trở thành một cộng đoàn tín hữu, thì cũng là những điều như vậy đối với đức tin Kitô hữu của tổ tiên chúng ta ngày xưa.
 
Lời mời gọi đó, đã giúp cộng đoàn chuẩn bị tâm hồn sâu lắng để kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu trong Thánh lễ hôm nay.
 
Đúng 6 giờ 45 phút, đoàn rước chủ tế bắt đầu tiến vào Nhà thờ.
 
Cùng đồng tế với Đức TGM Leopoldo Girelli, còn có hai Đức Cha và hơn 60 Linh mục của Giáo phận nhà. Trong Thánh lễ sáng mai nay có sự hiện diện của hơn 3.500 giáo dân.
 
Trong phần dẫn lễ, Đức TGM Stêphanô nói lên tấm lòng biết ơn của đoàn con cái giáo phận trước tấm lòng yêu thương, quan tâm của Đức Thánh Cha Bênđictô XVI, cám ơn sự ưu ái của Đức TGM Leopoldo Girelli. Đức TGM Stêphanô mời gọi cộng đoàn cầu nguyện nhiều cho vị Đấng kế vị Thánh Phêrô và Vị đại diện của Ngài, cũng như tỏ lòng kính trọng và hiếu thảo đối với vị Cha chung.
 
 
Trong bài giảng huấn, Đức TGM Leopoldo Girelli đã gửi đến cộng đoàn đoàn một số thông điệp:

Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô. Khi chúng ta xúc phạm đến người khác hay khi phạm tội, là chúng ta đang xúc phạm đến Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Nếu chúng ta làm tổn thương người khác, là chúng ta xúc phạm đến Đức Kitô trong người đó, cũng như xúc phạm đến toàn thể cộng đoàn Kitô hữu.
 
Giáo Hội, Cộng đoàn Kitô hữu, là con đường để chúng ta đến với Chúa. Không ai trong chúng ta có thể tự mình làm nên cộng đoàn này. Chúng ta cần sự cộng tác của nhau để xây dựng cộng đoàn. Do đó, chúng ta có trách nhiệm với nhau qua các việc làm của mình.
 
Hôm nay, tôi rất vui mừng được hiện diện trong ngôi nhà thờ chính tòa này và trong Tổng Giáo Phận tràn trào ơn phúc này, ơn phúc từ những bước chân của các nhà truyền giáo đầu tiên đến đây để đem Lời Chúa cho anh chị em. Họ đã giã từ nhà cửa, gia đình, người thân, bạn bè và quê hương của mình để đến một vùng đất xa lạ và đôi khi nguy hiểm, để rao giảng Tin Mừng.
 
Nhưng thách đố của ngày hôm nay không phải chỉ xưng mình là Kitô hữu hoặc là môn đệ của Chúa Giêsu, hoặc bày tỏ bằng các dấu hiệu bên ngoài, nhưng phải là những chứng tá đáng tin về những gì mà Đức Kitô đòi hỏi phải có nơi các kẻ tin theo Người.
 
Trước tiên, theo Chúa Kitô nghĩa là chú tâm tới Lời của Chúa. Tham dự phụng vụ Chúa Nhật hàng tuần là cần thiết cho mọi Kitô hữu để giúp họ gần gũi với Lời Chúa, con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, cũng không chỉ nhờ tiền bạc hay sự nghiệp, chúng ta đang sống nhờ Lời Thiên Chúa, Lời Ngài chỉnh đốn chúng ta, đổi mới chúng ta, chỉ cho chúng ta thấy giá trị đích thực của thế giới và xã hội.
 
Theo Chúa Kitô đòi hỏi chúng ta phải để tâm tới các điều răn của Thiên Chúa - tóm tắt “hai trong một” giới răn: yêu mến Thiên Chúa và yêu người lân cận như chính mình.
 
Theo Chúa Kitô nghĩa là có lòng nhân từ với kẻ đau khổ, có một trái tim yêu thương người nghèo, và đồng thời cũng phải can đảm để bảo vệ đức tin trước những ý thức hệ.
 
Theo Chúa Kitô nghĩa là yêu mến Giáo Hội của Người, mà đại diện ở đây là Giáo hội địa phương, Tổng Giáo Phận bề thế này.
 
Vì vậy, anh chị em hãy xây dựng cho mình những nguyên tắc sống phù hợp với đức tin và những đòi hỏi của luân thường đạo lý.
 
 
Thánh lễ diễn ra trong bầu khí long trọng và sâu lắng nội tâm, tất cả đều hướng về bàn thờ Chúa. Trong nhà thờ, dầu không còn một chỗ trống nào và phần nhiều giáo dân phải tham dự Thánh lễ ở hai bên nhà thờ qua truyền hình, nhưng vẫn giữ được một bầu khí ấm cúng, thể hiện sự hiệp thông trọn vẹn giữa Đấng chủ chăn và đoàn chiên.
 
 
Trước khi Đức Cha chủ tế ban phép lành kết thúc Thánh lễ, ông Chủ tịch Hội Đồng Giáo xứ Chính toà Phủ Cam dâng lên Đức TGM Leopoldo Girelli, quý Đức Cha, quý Linh mục đoàn, lời cám ơn trước sự hiện diện quý báu này, đây là một niềm vinh dự cho Giáo xứ Chính toà Phủ Cam nói riêng và Giáo phận Huế nói chung. Ông trình bày lịch sử, quá trình hình thành, xây dựng, phát triển và hoạt động của Giáo xứ.
 
 
Cuối cùng, Đức TGM Leopoldo Girelli bày tỏ niềm vui sướng được đến thăm và dâng Thánh lễ tại nhà thờ Chính toà Phủ Cam lộng lẫy, nhưng cũng đầy mộc mạc, với sự tham dự rất đông đảo của bà con giáo dân, cám ơn  sự đón tiếp chu đáo và nồng hậu của mọi người. Ngài nhắn nhủ với tất cả mọi tín hữu hãy nhìn hai tháp cao vút, biểu tượng cho ngôi nhà thờ, tượng trưng cho Đức tin, Đức cậy, Đức mến. Ước gì các nhân đức tốt đẹp của mỗi người con Giáo phận Huế ngày càng cao vút, hướng về Thiên Chúa.
 
 
Và thánh lễ khép lại khi Đức TGM Leopoldo Girelli nhân danh Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, ưu ái ban phép lành của Toà Thánh trọng thể cho tất cả mọi thành phần dân Chúa tham dự. Chúc mọi người ra đi trong bình an của Chúa.
 
LỜI CHÀO MỪNG
 
Trọng kính Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli,
Đại diện Đức Thánh Cha cho Việt Nam,
 
1. Cộng đoàn Dân Chúa Tổng Giáo phận Huế chúng con hân hoan chào mừng Đức Tổng đến viếng thăm mục vụ Tổng Giáo phận Huế chúng con.
 
Vào đầu năm nay, Giáo Hội Công giáo Việt Nam chúng con kết thúc Năm Thánh mừng kỷ niệm 350 năm thiết lập hai giáo phận Đàng Trong và Đàng ngoài, và mừng 50 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang thuộc vùng đất Tổng Giáo phận Huế đã vinh dự được chọn là nơi cử hành lễ bế mạc Năm Thánh. Từ lâu, Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang đã trở nên nơi hành hương cầu nguyện, hoán cải, hòa giải và canh tân của các tín hữu công giáo Việt Nam, là nơi củng cố đức tin, đức cậy, đức mến, là nơi giáo dục tình hiệp nhất, lòng bác ái và tinh thần truyền giáo. Những cuộc hành hương về La Vang là dấu chứng các tín hữu tin tưởng phó thác nơi Mẹ Maria, để nhờ Mẹ dẫn lối đưa đường mà đến với Chúa Giêsu Con của Mẹ. Điều đó thể hiện rõ nét trong dịp lễ bế mạc Năm Thánh diễn ra vào ngày 06.01.2011 trong hân hoan với sự hiện diện của đông đảo các tín hữu khắp nơi tề tựu về bên Mẹ La Vang. Vào dịp ấy, chúng con đã hân hạnh được đón tiếp Đức Hồng Y Ivan Dias, vị Đặc sứ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI kính yêu.
 
Và hôm nay thêm một niềm vui lớn cho chúng con, là được đón tiếp Đức Tổng, vị Đại diện của Đức Thánh Cha tại Việt Nam, đến thăm mục vụ. Quả thật, chúng con hết sức vui mừng hân hoan, khi ngay sau lễ bế mạc Năm thánh Giáo Hội Việt Nam, vào ngày 13.01.2011, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Tổng làm Đại diện không thường trú của Ngài tại Việt Nam. Chúng con cảm nhận biến cố vui mừng này như một hồng ân của Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam và là bằng chứng sự quan tâm và tình yêu mục tử Đức Thánh Cha dành cho Giáo Hội Việt Nam thân yêu của chúng con. Sự hiện diện của Đức Tổng hôm nay giữa cộng đoàn Dân Chúa Tổng Giáo phận Huế chúng con là dấu chỉ khẳng định Đức Thánh Cha và Mẹ Giáo Hội luôn ở gần bên chúng con, yêu thương và đồng hành với chúng con trong mọi biến cố vui buồn, qua các giai đoạn lịch sử.
 
2. Trọng kính Đức Tổng!
 
Năm 1850, Đức Thánh Cha Piô IX ban Sắc chỉ Postulat Apostolici tách Giáo phận Huế khỏi Giáo phận Qui Nhơn; sau năm ấy, Giáo phận Huế được gọi là Giáo phận Bắc Đàng Trong, và Giáo phận Qui Nhơn là Đông Đàng Trong. Đến năm 1924, Giáo phận Bắc Đàng Trong được đổi tên thành Giáo phận Huế. Năm 1960, Đức Thánh Cha Gioan XXIII ban hành Tông hiến Venerabilium Nostrorum thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, và từ ấy, Huế được nâng lên hàng Tổng Giáo phận.

Từ đầu thế kỷ 17, Huế là thủ phủ dưới thời các Chúa Nguyễn. Rồi từ năm 1802 cho đến năm 1945, Huế trở thành kinh đô của Việt Nam dưới thời các vua nhà Nguyễn. Vì thế, Huế là vùng đất có nét văn hóa riêng và độc đáo cả về kiến trúc và nghệ thuật lẫn tính cách và lối sống của người dân ở đây. Huế vừa mang nét văn hóa cung đình, vừa có nét văn hóa đại chúng Việt Nam, một nét văn hóa có sự kết hợp kín đáo giữa nét mộc mạc chân quê và nét trang đài quý phái.
 
Tổng Giáo phận Huế sống hòa nhập vào vùng đất văn vật này, nên cũng mang những nét đặc sắc truyền thống và một lối sống đặc biệt so với các nơi khác.
 
Ngày nay, Tổng Giáo phận Huế trải rộng trên địa bàn hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, gồm có 79 Giáo xứ và 167 Giáo họ trực thuộc, với tổng số 68.285 giáo dân trong số 1.688.100 dân của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.
 
Hiện tại, Tổng Giáo phận Huế chúng con có 112 linh mục triều, trong đó 101 linh mục đang đảm nhận các giáo vụ, 10 linh mục Hội Xuân Bích (trong đó 6 thuộc Giáo phận Huế) và 11 linh mục đau yếu, hưu dưỡng.
 
Ngoài các linh mục triều, Tổng Giáo phận Huế hiện có sự hiện diện hoạt động của 6 linh mục dòng Bênêđictô, 7 linh mục dòng Chúa Cứu Thế, 12 linh mục dòng Thánh Tâm.
 
Lại còn có sự hiện diện của 86 nam tu sĩ của bốn dòng nam là dòng Bênêđictô, dòng Chúa Cứu Thế, dòng sư huynh Lasan và dòng Thánh Tâm, và 916 nữ tu thuộc năm dòng nữ là dòng kín Carmel, dòng thánh Phaolô, dòng Mến Thánh Giá, dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.
 
Hạt giống Ơn gọi linh mục và đời sống tận hiến vẫn không ngừng được vun trồng và lớn lên với con số 55 Chủng sinh đang tu học tại Đại Chủng Viện Huế, hơn 200 dự tu Tiền Chủng Viện, và nhiều ứng sinh cho đời sống tận hiến trong các dòng tu nam nữ và các tu hội đời.
 
Sự phong phú về con số các ứng sinh Ơn gọi linh mục và đời sống tận hiến là hoa trái của đời sống đạo trung tín trong các cộng đoàn giáo xứ và gia đình công giáo. Một tín hiệu vui mừng là Nhà thờ Giáo xứ và các cử hành phụng vụ vẫn còn luôn chiếm giữ vị trí trung tâm trong đời sống thực hành đức tin của các tín hữu công giáo Tổng Giáo phận Huế. 95% giáo dân tham dự thường xuyên thánh lễ ngày Chúa Nhật và các hoạt động phụng vụ khác.
 
Bên cạnh đó, các thực hành đạo đức bình dân như Lần hạt Mân Côi, Gẫm Đàng Thánh giá, các cuộc hành hương củng cố đời sống đức tin, đức cậy và đức mến của các tín hữu, nhờ đó các tín hữu ngày một đâm rễ sâu trong kinh nghiệm về sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa, và nhờ một đức tin sống động mà có khả năng trở nên chứng nhân Tin Mừng Nước Thiên Chúa bằng chính đời sống đạo tích cực của mình.
 
Ngoài ra, sinh hoạt giáo lý tại các Giáo xứ được duy trì và đổi mới là dấu chứng bảo đảm đức tin và giáo huấn của Giáo Hội được đón nhận, tuân giữ và lưu truyền. 
 
3. Bên cạnh những tín hiệu đầy vui mừng và hy vọng, Tổng Giáo phận Huế cũng đứng trước những thách đố của vùng đất miền Trung Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại. Nền kinh tế của Thừa Thiên Huế và Quảng Trị chủ yếu là Nông Lâm Ngư nghiệp. Lại ở trong vùng khí hậu khắc nghiệt, hằng năm vùng đất này thường phải gánh chịu nhiều cơn bão lụt. Vì thế, đời sống kinh tế của nhiều gia đình gặp không ít khó khăn.
 
Trước hết, tình trạng khó khăn về kinh tế đã góp phần tạo nên làn sóng di dân đến các thành phố để tìm việc làm tại các khu công nghiệp, mà phần lớn số di dân này là các thanh niên nam nữ trong độ tuổi lao động. Từ đó, hoạt động mục vụ di dân là một lãnh vực mục vụ cần thiết của Giáo Hội Việt Nam nói chung và Tổng Giáo phận Huế nói riêng trong giai đoạn mới này, nhắm mục đích giúp các tín hữu công giáo thăng tiến đức tin, trung tín thực hành đời sống đạo và loan báo Tin Mừng ở bất cứ nơi đâu mình đi tới.
 
Tiếp đến, ý thức Giáo Hội đồng hành với mọi người, nhất là người nghèo khổ, như công đồng Vatican II khuyên dạy: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô” (GS 1), hoạt động bác ái xã hội hướng đến người nghèo khổ và người gặp hoàn cảnh khó khăn là một ưu tư của Tổng Giáo phận Huế chúng con.
 
Lại nữa, với số tín hữu Công giáo chỉ vào khoảng 4% dân số của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, Tổng Giáo phận Huế vẫn là vùng đất truyền giáo với nhiều thách đố. Dù chặng đường truyền giáo trước mắt còn nhiều khó khăn và thách đố, chúng con vẫn tin tưởng đặt mình dưới hoạt động hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng “thúc đẩy Giáo Hội cộng tác với Người để hoàn tất trọn vẹn kế hoạch của Thiên Chúa là Đấng đã đặt Đức Kitô làm nguyên lý cứu độ cho cả thế giới” (LG 17).
 
Cuối cùng, chúng con rất quan tâm đến vấn đề đào tạo nhân sự trong hàng ngũ linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân, cũng như việc thường huấn cho họ.
 
4. Trọng kính Đức Tổng!
 
Sự hiện diện của Đức Tổng giữa cộng đoàn Tổng Giáo phận Huế chúng con hôm nay làm cho sự hiệp thông Giáo Hội tỏa sáng hơn. Chúng con hết lòng cám ơn Đức Tổng đã lắng nghe một số nét về hiện tình, hoạt động và ưu tư của Tổng Giáo phận chúng con. Qua Đức Tổng, chúng con xin được bày tỏ lòng hiếu thảo đối với Đức Thánh Cha và tinh thần hiệp thông vâng phục của cộng đoàn Dân Chúa Tổng Giáo phận Huế đối với Huấn quyền của Giáo Hội.
 
Chúng con xin bày tỏ tâm tình quý mến và biết ơn của chúng con đối với Đức Tổng.
 
Chúng con kính chúc Đức Tổng sức khỏe và thành công trong sứ mạng cao cả Giáo Hội trao phó cho Đức Tổng, nhờ muôn phúc lành Thiên Chúa ban và ơn phù hộ của Đức Mẹ La Vang.
 
Chúng con kính xin Đức Tổng cầu nguyện và nâng đỡ chúng con hoàn thành sứ vụ của mình trong lòng Giáo Hội và giữa lòng xã hội.
 
Xin trân trọng kính chào Đức Tổng.
 
Huế, ngày 4 tháng 9 năm 2011
 
Tổng Giám Mục Giáo phận Huế
Têphanô Nguyễn Như Thể

 

Tác giả: Lm Phêrô Nguyễn Vũ

Nguồn tin: Trang tin TGP Huế.

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập587
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại932,917
  • Tổng lượt truy cập57,034,554
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây