Hội Nghị Chuyên Đề về Gia đình Vùng Đông Nam Á lần thứ V tại Việt Nam.

Thứ sáu - 26/08/2011 11:10

-

-
Trong các ngày 20, 21 và 22 của tháng 5/2011 vừa qua, Hội Nghị Chuyên Đề Gia Đình lần thứ V của Vùng Đông Nam Á đã được tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sàigòn – đây cũng là lần đầu tiên Hội Nghị Chuyên Đề Gia đình này diễn ra tại Việt nam, mặc dù Việt nam đã là thành viên từ 2008 tại HNCĐGĐ II tổ chức tại Singapore, và sau đó liên tiếp tham gia các HNCĐGĐ tại Yogyakarta 2009 và tại Kuala Lumpur 2010.
HỘI NGHỊ CHUYÊN ĐỀ GIA ĐÌNH VÙNG ĐÔNG NAM Á LẦN THỨ V
TẠI VIỆT NAM.

 
Trong các ngày 20, 21 và 22 của tháng 5/2011 vừa qua, Hội Nghị Chuyên Đề Gia Đình lần thứ V của Vùng Đông Nam Á đã được tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sàigòn – đây cũng là lần đầu tiên Hội Nghị Chuyên Đề Gia đình này diễn ra tại Việt nam, mặc dù Việt nam đã là thành viên từ 2008 tại HNCĐGĐ II tổ chức tại Singapore, và sau đó liên tiếp tham gia các HNCĐGĐ tại Yogyakarta 2009 và tại Kuala Lumpur 2010.
 
Đây là một tổ chức phát xuất từ Đại Hội của  Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC)  2007, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học hỏi, cộng tác và chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề thuộc mục vụ gia đình chung cho các Giáo Hội trong vùng Đông Nam Á .
 
HNCĐGĐ lần thứ V này do Uỷ ban Mục Vụ Gia Đình của HĐGM Việt Nam đứng ra tổ chức với Chủ Đề : “Đồng Hành Với Người Mới Trưởng Thành Trong Đời Sống Đức Tin.”
 
Số đại biểu tham dự, cũng như thường lệ,  tới con số 50 - gồm 21 linh mục, 4 tu sĩ, 25 giáo dân thuộc 6 quốc gia : Indonesia, Malaysia, Myanmar, Thái lan, Singapore và nước chủ nhà. Chị Wendy M. Louis, Thư Ký Điều Hành Văn Phòng Giáo Dân & Gia Đình của FABC hiện diện với tư cách Quan sát viên. Ngoài ra còn có khoảng hai mươi bạn trẻ - thành viên của Cộng Đoàn Emmanuel Việt nam cũng được mời đảm trách hướng dẫn thờ phượng ngợi khen đầu mỗi buổi và trong các Thánh Lễ hàng ngày cũng như tổ chức Đêm Agape vào cuối Hội Nghị.
 
Vì Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám Mục GP Đà Nẵng, Chủ Tịch UBMVGĐ không tham dự Hội Nghị được, Đức Cha Phêrô Nguyễn Khảm, Giám Mục Phụ Tá và Giám Đốc TTMV TGP TP HCM đã thay ngài cử hành Thánh Lễ khai mạc Hội Nghị và ngỏ lời chào mừng các đại biểu tham dự .
 
 
Chủ đề trung tâm của Hội Nghị được khai triển qua 6 đề tài:
 
Đề tài I.
 
“Suy nghĩ về đồng hành với người mới trưởng thành trong bối cảnh gia đình vùng Đông Nam Á” – do LM Phêrô Nguyễn Văn Hiền, PGĐ Trung Tâm Mục Vụ TGP Sàigòn, Trưởng ban Giáo Lý của TGP Sàigòn và cũng từng đảm trách Mục vụ Giới Trẻ của TGP trình bày.
 
Diễn giả nhắc lại lời Đức Chân Phước Gioan Phaolô II :“ Nhiều vấn đề phức tạp mà giới trẻ ngày nay phải đương đầu … thúc bách Giáo hội phải nhắc nhở người trẻ về trách nhiệm của họ đối với tương lai của xã hội và Giáo hội, và phải khuyến khích và nâng đỡ họ ở mỗi bước đi để bảo đảm họ sẵn sàng đón nhận trách nhiệm ấy…Công việc huấn luyện Kitô giáo cho người trẻ … cần phải nhận thức họ không chỉ là đối tượng của công tác mục vụ mà còn là tác nhân và cộng tác viên trong sứ vụ của Giáo Hội trong các hoạt động tông đồ rất đa dạng của tình thương và ý chí phục vụ.” (Giáo Hội tại Á châu, số 47).
 
Linh mục cho biết để đồng hành hữu hiệu với người mới trưởng thành, cần phải thấu hiểu hoàn cảnh của họ, đừng quên những biến cố mang tính định hình thế hệ của họ, nắm bắt những đặc điểm của họ - nổi bật là say mê sử dụng công nghệ thông tin, internet, các thiết bị điện tử, những phương tiện vừa đem họ đi khắp nơi, tiếp xúc với mọi nguồn thông tin và giải trí, vừa cô lập họ ở một hình thức nào đó…
 
Họ cần được hướng dẫn, hỗ trợ khi phải vất vả thích ứng về mặt văn hoá, khi muốn thay đổi nghề nghiệp, khi phải đưa ra những quyết định quan trọng . Họ rất cần những đáp án chắc chắn mà chỉ có đức tin sâu xa mới cung cấp được. Họ kỳ vọng Giáo Hội mang lại cho họ những tài nguyên  thực dụng khả dĩ giúp họ tồn tại được trong nền văn hoá hậu hiện đại. Họ kỳ vọng được hướng dẫn để có thể dấn thân vào những vấn đề xã hội, chính trị và môi sinh của cộng đồng địa phương, giúp họ thoát những cơn căng thẳng thần kinh. Họ cần có một đức tin nâng nhấc họ lên và một tôn giáo đáp ứng những ước mơ lớn lao của họ.
 
Tóm lại, họ quan tâm tới bất cứ điều gì giải quyết được các mối tương giao của họ, ích lợi cho đời sống của họ, và chữa lành vết thương nội tâm họ có từ thời thơ ấu – có thể là  những quan hệ vô luân, phim ảnh đồi truỵ, nạn xâm hại tình dục, nạn hút sách, rượu chè, bịnh hoa liễu, đại nạn HIV –Aids , nạn ly hôn... Họ cần những giải đáp lương thiện cho những vấn nạn của họ.
 
Và diễn giả đưa ra những biện pháp để đồng hành với người mới trưởng thành :
 
1.- cần giúp họ gặp gỡ Đức Kitô, bỏi vì chỉ có Ngài mới có thể chữa lành những thương tổn nơi họ và cứu được họ ra khỏi lối sống buông thả, chán chường.
 
2.- cần bỏ thời gian để tiếp cận họ, để lắng nghe họ với tất cả tâm hồn “ niềm vui và hy vọng, nỗi sầu buồn và đau khổ ” của họ (GS 1) như chính Chúa Giêsu đã làm đối với các môn đệ trên đường Emmaus xưa.
 
3.- cần chia sẻ Lời Chúa với họ để giúp họ mở tâm trí ra đón nhận Chúa, và dẫn họ đến với Thánh Thể để họ nhận lãnh sức mạnh, để Thánh Thần làm cho tâm hồn họ bừng lên và soi sáng cho họ biết phải làm gì.
 
Diễn giả tin rằng câu chuyện này của Thánh Luca luôn luôn sẽ là cách tốt nhất để đồng hành với người mới trưởng thành trong đời sống đức tin.
 
Để làm được như thế, cha mẹ phải tin tưởng vào Thiên Chúa mà cũng phải tin tưởng vào con cái mình, phải học biết Đức Kitô qua sự cầu nguyện bằng Lời Chúa và nhận lãnh các bí tích, phải học cách đồng hành với họ trong đời sống thiêng liêng,  phải giúp họ  đọc ra những dấu hiệu thời đại dưới ánh sáng Tin Mừng, và biết tìm kiếm Chúa trong mọi sự.
 
 
Đề tài II.
 
“Vấn Đề Di Dân Tại Việt Nam và Đông Nam Á : Thực Tế, Thách Đố và Cơ Hội.” do LM Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB, PCT Ủy Ban Mục Vụ Di Dân & Lữ Khách Việt Nam trình bày.
 
Theo diễn giả, Đông Nam Á liên tục trở nên vùng phát triển mau chóng về kinh tế cũng như về mặt gia tăng dân số, khiến cho dân chúng luôn ở vào tình trạng chuyển động và Việt nam cũng trở thành một trong những nước chịu hệ luỵ sâu xa nhất của hiện tượng  này.
 
Đời sống gia đình di dân có không ít mặt tích cực, nhưng cũng có nhiều mặt tiêu cực. Dưới góc độ mục vụ di dân, diễn giả chỉ muốn tập chú vào những khía cạnh tiêu cực vốn cần đến những đáp ứng mục vụ khẩn trương.
 
A- Thách Đố và Nguy Cơ :
 
- Khó khăn trong việc tự điều chỉnh và hội nhập vào cuộc sống mới, nhất là cho những người trưởng thành.
 
- Thành kiến và kỳ thị nơi xã hội tiếp nhận.
 
- Hệ thống giá trị cốt lõi bảo vệ căn tính bị lâm nguy, nhất là đối với lớp trẻ.
 
- Dị biệt văn hóa và ngôn ngữ gây ra căng thẳng tâm lý, bạo lực gia đình, đổ vỡ…
 
- Các cô dâu xa xứ kém văn hóa thường gặp vô vàn khó khăn do thiếu khả năng thích ứng và hoà nhập.
 
- Nguy cơ rất cao cho sự toàn vẹn cấu trúc gia đình và sự chung thủy vợ chồng khi xa nhau lâu ngày.
 
- Trường hợp bỏ bê gia đình hay lập gia đình thứ hai ở xa rất hay xảy ra cho những người đi lao động để gia đình ở lại.
 
- Trẻ em trở nên bơ vơ lạc lõng vì cha hay mẹ vắng nhà ...
 
- Nảy sinh một trạng thái tâm lý “mong chờ được di cư” khiến cứ lêu lổng, chểnh mảng việc chuẩn bị tương lai.
 
- Khác biệt ngôn ngữ và văn hóa ngay trong nội bộ gia đình, cách biệt giữa các thế hệ lắm khi thành thảm kịch.
 
 B- Cơ Hội và Biện Pháp:
 
-   Cần có mục vụ đặc biệt hướng đến sự dung hợp xã hội và văn hóa, một nền “văn hóa xuyên qua các nền văn hóa khác nhau”: văn hóa của Tin Mừng.
 
-  Cần có sự chăm sóc mục vụ nhằm củng cố sự bền vững của gia đình và việc loan báo Tin Mừng trong hôn nhân.
 
- Tại địa phương gốc của những di dân lao động, cần có những chương trình trợ giúp đặc biệt cho những thành viên gia đình của họ, hướng dẫn thích đáng các trường hợp con cái thiếu vắng cha / mẹ hay cả cha lẫn mẹ, cũng như trường hợp vợ chồng vì công việc phải xa nhau…
 
-  Những gia đình mới phát sinh do lao động xa quê và những người phối ngẫu sống ở nước ngoài cần được giúp đỡ để họ có thể trung thành với bí tích hôn phối. Trẻ con phải chịu thay đổi đột ngột cũng cần chăm sóc đặc biệt.
 
-  Đây là cơ hội làm chứng tá cho tình liên đới bác ái của các Kitô hữu bản địa giúp chữa lành những tổn thương nơi di dân, bảo đảm sự bền vững cho gia đình họ.
 
Và diễn giả đi tới kết luận : Giáo hội luôn coi người di cư như những người đang sống trong tình huống đặc biệt, nên họ và gia đình họ cần được quan tâm giúp đỡ đặc biệt. Các Giáo hội địa phương không phải chỉ có bổn phận tiếp đón họ, mà trên hết còn là tạo nên sự hiệp thông với họ và giữa họ với nhau nữa. Cần quan tâm sâu xa đến sự gắn kết và bền vững của các gia đình này.
 
 
Đề tài III.
 
“Hệ Thống Giá Trị và Những Chọn Lựa Trong Đời: Khuynh Hướng Chung của Người Mới Trưởng Thành Ngày Nay”do LM Charles Sim, SJ, từ Singapore, trình bày. Đây là một đề tài mang tính chuyên môn cao. Diễn giả là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý, đặc biệt say mê khoa tâm lý và mục vụ tư vấn. sẽ khai triển đề tài theo ba bước :
 
I. Diễn giả giải thích về bối cảnh hệ thống môi sinh của con người với những lưu ý  sau đây:
 
- Có những “tầng lớp” môi sinh phức hợp mà mỗi “tầng lớp” đều ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi con người.
 
- Sinh lý của mỗi cá nhân đã là môi sinh cơ bản cho sự phát triển bản thân họ.
 
- Sự tương tác giữa các nhân tố nơi sinh lý đang trưởng thành của cá nhân, nơi gia đình, cộng đồng và bối cảnh xã hội tác động và chi phối sự phát triển của họ.
 
- Những đổi thay và xung đột nơi bất cứ “tầng lớp” môi sinh nào cũng sẽ có tác động xuyên qua những “tầng lớp” khác.
 
II. Diễn giả trình bày ba lãnh vực lớn và quan trọng của người mới trưởng thành 

1/ Sự hình thành tương quan lành mạnh và lâu dài.
 
-  Cảm thức về căn tính của mình - chống lại sự cô lập.
 
-  Tìm kiếm người bạn đời.
 
-  Đương đầu với thách đố về đức khiết tịnh.
 
- Sắp xếp hài hòa những hy vọng, yêu cầu và dự định của bản thân và của người khác.

 2/ Sự trợ giúp việc thực hiện những mục tiêu cuộc đời và sự chuyển tiếp từ tuổi thiếu niên tới tuổi mới trưởng thành.
 
-  Trợ giúp từ gia đình, bạn bè và cộng đồng.
 
- Hiểu được bản thân để lựa chọn tương lai.
 
- Được hướng dẫn để đảm nhiệm các tương quan, vai trò, trách nhiệm trong gia đình.
 
- Được trang bị hệ thống giá trị dựa trên gia đình gốc bắt rễ trong bối cảnh văn hoá , xã hội và kinh nghiệm sống.

 3/  Cuộc sống trong một cộng đoàn đức tin, cầu nguyện, linh đạo và hoạt động tông đồ:
 
-  Việc huấn luyện và phát triển đức tin được tiếp tục với các lớp  hậu Thêm Sức.
 
-  Những chương trình và lớp học đáp ứng nhu cầu hướng tới những dự định tương lai,  hình thành cộng đồng đức tin.

-  Trải nghiệm sứ vụ truyền giáo.

-  Nhận thức được Thiên Chúa của mình là Đấng nào - hình tượng hay kinh nghiệm người cha trong gia đình, khẳng định lại tin tưởng và kinh nghiệm đức tin của mình.
 
III. Diễn giả trình bày đặc điểm tâm lý và những chọn lựa cho người mới trưởng thành, đặc biệt cho  thấy vai trò quan trọng của cảm xúc và trí tuệ cảm tính.
 
1/  Vai trò của cảm xúc trong đời sống:

- Cảm xúc liên quan đến mục đích, mục tiêu, kế hoạch và nhu cầu
 
- Cảm xúc thúc đẩy và tăng lực cho hành động.
 
-  Cảm xúc kiểm soát và chỉnh đốn hành động.
 
-  Cảm xúc có thể tiếp cận, định hướng và khai triển diễn tiến những chọn lựa.
 
- Cảm xúc giữ một vai trò then chốt trong việc phát triển, chọn lựa nghề nghiệp và nơi làm việc.
 
-  Vai trò của cảm xúc phát huy ngay trong quá trình khám phá nghề nghiệp và lấy quyết định.
 
- Người tin tưởng và biết sử dụng tình cảm có thể hình thành quyết định tốt hơn
 
 2/ Trí tuệ cảm tính : là phần không thể thiếu của trí tuệ xã hội vốn đòi hỏi khả năng
 
- Xử lý hữu hiệu những vấn đề tâm lý và xã hội.
 
- Diễn tả chính xác những cảm xúc và đánh giá đúng đắn cảm xúc của người khác.
 
- Tự điều chỉnh tình cảm của chính mình.
 
- Sử dụng cảm xúc của mình để đạt được mục tiêu.
 
- Kết hợp trải nghiệm cảm tính với những tư tưởng và hành động, thông qua việc sử dụng cảm xúc.
 Do đó, kinh nghiệm cảm xúc có thể được dùng để thăm dò đời sống, thiên hướng hay nghề nghiệp và đưa ra quyết định.
 
3/ Trau dồi trí tuệ cảm tính trong đời sống thiêng liêng:
 
- Huấn luyên trong các lớp Giáo Lý ở giáo xứ.
 
- Thiết kế những chương trình hay khóa học riêng cho người mới trưởng thành để kết hợp việc phát triển trí tuệ cảm tính.
 
- Tìm hiểu để khám phá trí tuệ cảm tính nơi những nhóm người mới trưởng thành..
 
- Linh đạo gia đình với những khía cạnh về trí tuệ cảm tính.
                  
Tóm lại:  Người mới trưởng thành cần sự nâng đỡ, khuyến khích và hướng dẫn từ nơi gia đình, bạn bè và cộng đoàn đức tin.
 
-  Việc huấn luyện đức tin và cộng đoàn đức tin cần là yếu tố thuận lợi và sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của họ.
 
- Người mới trưởng thành cần được trải nghiệm đức tin bám rễ trong hoạt động tông đồ và suy tư về sứ vụ này. 
 
 
Đề tài IV
 
“Hiểu biết và hướng dẫn người mới trưởng thành” do TS Francis Heng (Singapore) trình bày. Bài trình bày này cũng mang đậm tính chuyên môn về tâm lý và tư vấn.
 
Diễn giả xác định người mới trưởng thành là lớp người trẻ trong hạn tuổi từ 33 trở xuống 16.
 
Ông kể ra các loại hoạt động và các đặc tính của lớp người này cùng những giai đoạn phát triển tâm sinh lý họ sẽ lần lượt trải qua. Tuỳ theo được hướng dẫn, nâng đỡ thích đáng hay không mà họ sẽ tránh được hay gặp phải giai đoạn căng thẳng , nan giải để rồi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc, bất kham và tội phạm.  
     
Người lớn cần phải ý thức mà nhận ra được 3 loại người mới trưởng thành gặp khó khăn hay bế tắc này như sau:
 
1. Loại người xấu:
 
- Có thái độ, hành vi xấu
- Có những đặc điểm chống xã hội.
 
 Những người này, tùy theo mức độ, là đối tượng đặc biệt của việc giáo hoá, những biện pháp thi hành kỷ luật , hay biện pháp trừng trị của luật pháp.
 
2. Loại người bịnh hoạn như rối loạn nhân cách, bị bịnh tâm thần, bị căng thẳng thần kinh … những người này tuỳ theo nặng nhẹ là đối tượng của các biện pháp điều trị với các y sĩ, bác sỹ tâm bịnh học, chuyên gia tâm lý.
 
3.Loại người yếu ớt, có thể là:
                           
- Yếu thể lý : đủ thứ bệnh tật, có khi không rõ rệt
- Yếu đuối tâm thần : sức chịu đựng ít ỏi.
- Thiếu trưởng thành về cảm xúc.
 
Những người này cần được săn sóc đặc biệt và là đối tượng của tư vấn viên, linh mục, giáo viên, huynh trưởng, trợ tá xã hội.
 
Diễn giả trình bày những phương pháp tìm hiểu để thẩm định hầu biết được đối tượng nào cần được giúp đỡ và phải giúp đỡ như thế nào cho thích hợp. Đặc biệt diễn giả chỉ ra những “mẹo vặt” trong tư vấn, nhất là sự biết lắng nghe và thông cảm.
 
Cuối cùng diễn giả kết luận:
 
"Nếu bạn có thể giúp cho những người mới trưởng thành đương đầu được với cuộc đời, thì bạn đã đóng góp nhiều hơn phần của bạn rồi.
 
Nếu họ học biết được và trở nên trưởng thành, thì đó là sự thành công tuyệt vời rồi."
 
Đề tài V:
 
“ Tăng Cường Sức Mạnh Đời Sống Tâm Linh” – do Lm. Louis Nguyễn Anh Tuấn, TTK Uỷ Ban Mục Vụ Gia Đình Việt Nam.
 
Theo diễn giả, muốn đồng hành với người mới trưởng thành trong đời sống đức tin, chúng ta phải giúp họ tăng trưởng sự hiểu biết và gắn bó với Sách Thánh và giáo huấn của Giáo Hội và làm bừng lênnơi họ lòng sốt sắng cầu nguyện và loan báo Tin Mừng – đó chính là tăng cường sức mạnh tâm linh cho họ.
 
Diễn giả nhắc lại lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói rằng con người tự bản chất là có tín ngưỡng, có nhu cầu bẩm sinh “tìm kiếm ánh sáng giải đáp cho   những câu hỏi của họ về ý nghĩa sâu xa của thực tại cuộc đời”, luôn có một khát vọng hướng về Thiên Chúa là Đấng Tuyệt đối và biết rằng mình có thể cầu nguyện với Ngài. Cầu nguyện chính là món quà tặng do tình yêu Thiên Chúa ban cho, nhờ đó con người có thể sống thân tình với Ngài, được hiệp thông với Ngài, được an nghỉ trong Ngài.
 
Do đó ngài giới thiệu hai thể thức cầu nguyện truyền thống của Giáo Hội hiện đang được làm cho sinh động trở lại khắp đó đây trong thế giới Công Giáo:Đọc về Chúa (Lectio Divina) và Cầu Nguyện Tập Trung.
 
A.  Đọc về Chúa, hay Đọc Lời Chúa mà Cầu Nguyện:
 
Đây là một trong những kho tàng lớn nhất của truyền thống cầu nguyện Kitô giáo, trong đó người ta lắng nghe đoạn văn kinh Thánh với “cái tai của trái tim” như thể đang được trò chuyện với Chúa, và Chúa đang gợi mở những đề tài thảo luận. Phương pháp này bao gồm những lúc đọc (lectio), suy niệm (meditatio), đáp ứng lại (oratio) và nghỉ ngơi (contemplatio) trong Lời Chúa, với mục đích nuôi dưỡng và đào sâu tương quan của mình với Chúa, trau dồi  việc cầu nguyện trong chiêm niệm, tích cực sử dụng những tư tưởng, hình ảnh và cảm thấu để dự vào cuộc trò chuyện với Chúa. Đây chính là một thực hành từ lâu đời thuộc gia sản chiêm niệm Kitô giáo, được hồi sinh nhờ những nỗ lực cải cách của Vatican II, và đang được thực hành cả trong chốn tu trì lẫn ngoài giáo dân trên khắp thế giới.
 
B. Cầu Nguyện Tập Trung:
 
Chính là một phương pháp tĩnh nguyện nhằm chuẩn bị cho ta đón nhận ân huệ cầu nguyện trong chiêm niệm – cầu nguyện trong đó ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi nội tâm chúng ta, gần gũi hơn cả hơi thở, gần gũi hơn cả tư duy, hơn cà chính ý thức. Phương thức cầu nguyện này vừa là một tương quan với Chúa mà cũng vừa là một phương thức dưỡng nuôi tương quan ấy. Cách cầu nguyện này thêm chiều sâu ý nghĩa cho mọi kinh nguyện và tạo thuận lợi cho sự chuyển biến từ những lối cầu nguyện linh hoạt hơn – cầu nguyện ra lời, trong trí hay trong lòng mến – sang lối cầu nguyện đón nhận của sự được nghỉ ngơi trong Chúa. Cầu Nguyện Tập Trung nhấn mạnh vào sự cầu nguyện như một tương quan riêng tư với Chúa và như một chuyển biến vượt khỏi việc trò chuyện với Chúa Giêsu thành ra việc thông hiệp với Ngài. Cầu nguyện tập trung sẽ giúp ta làm quen với ngôn ngữ thứ nhất của Chúa – đó là ngôn ngữ không lời. Tiêu điểm của cầu nguyện tập trung là đào sâu tương quan của ta với Chúa Giêsu đang sống động.
 
Và sau cùng diễn giả cung cấp những chỉ dẫn rất cụ thể nhằm giúp cho bất cứ ai muốn thực hiện lối cầu nguyện này.
 
Đề tài VI.
 
“Trường Bác Ái và Sứ Vụ Emmanuel” do TS Thomas Hoàng Anh Ngọc và các bạn trong Cộng Đoàn Emmanuel trình bày.
 
Diễn giả cho chúng ta biết Cộng Đoàn Emmanuel - mà ở Việt Nam hay gọi tắt là Nhóm CD - là một cộng đoàn đặc sủng Công giáo quốc tế xuất hiện tại Pháp từ 1972, và được Tòa Thánh công nhận như một hiệp hội tín hữu quốc tế công từ năm 2009, với ơn gọi hoạt động truyền giáo trong lòng thế giới, bao gồm đủ các bậc sống (giáo dân độc thân, giáo dân có gia đình, tu sĩ , giáo sĩ), đời sống hằng ngày tập trung vào việc thờ phượng, thi hành bác ái và loan báo Tin Mừng, với xác tín rằng Đấng- ở-cùng-chúng-ta hằng đồng hành với các thành viên khi họ ra sức nên thánh mỗi ngày.
 
Diễn giả cùng với ba đôi bạn trẻ kể lại quá trình thành lập cộng đoàn tại Việt Nam khởi  từ 1999, và hành trình của cộng đoàn suốt từ đó đến nay, nhằm giúp các bạn trẻ mới trưởng thành - tuổi từ 18 tới 30 -  được trưởng thành trong đời sống đức tin, qua hoạt động của Trường Bác Ái và Sứ Vụ Emmanuel.
 
Trường đã mở được 11 lớp, mỗi lớp kéo dài 9 tháng và có từ 20 đến 25 bạn trẻ - nhóm họp hàng tuần vào sáng Chúa Nhật gồm ca ngợi Chúa, học hỏi giáo huấn, thờ phượng và chia sẻ Lời Chúa.

 Mục tiêu cốt lõi là huấn luyện cho các bạn trẻ.
 
-  Được bắt rễ sâu trong Đức Kitô và Giáo Hội của Ngài,
-  Được huấn luyện nhân bản,
-  Được thôi thúc bởi đức ái đối với mọi người và khát vọng loan báo Tin Mừng.
 
5 đặc điểm sư phạm trụ cột:
 
-     Huấn luyện trí thức
-     Đời sống tâm linh
-     Đời sống huynh đệ
-     Sứ vụ
-     Tình đồng đội.
 
 Triển vọng chính yếu là mỗi người đạt được sự gặp gỡ đích thân Đức Giêsu Kitô - Thiên Chúa sống động và yêu thương.
 
Tóm lại, Trường Bác Ái Sứ Vụ Emmanuel là:
 
- Một dấn thân theo nếp sống cộng đoàn và trong niềm tin tưởng vào quyền năng của Chúa Thánh Thần.
 
- Một lối nhìn tập trung vào Chúa Kitô.

- Một trải nghiệm về sứ vụ của Hội Thánh.
 
- Một chứng tá về lối sống “ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian ”(Ga 17, 14-16).

- Một nỗ lực đồng hành trong đời sống đức tin của người mới trưởng thành với người mới trưởng thành.
                                                                                                                 
Sau mỗi đề tài được trình bày đều có thảo luận nhóm để các đại biểu tham gia ý kiến nhằm mở rộng, bổ túc bài trình bày và nhất là đóng góp giải pháp cho các vấn đề. Đây lại là đề tài của một bài khác về Hội Nghị Chuyên Đề này.
 
 
Cảm nhận chung của đa số đại biểu từng tham dự các HNCĐ này là chủ đề trung tâm rất “nóng” và quá trình khai triển chủ đề qua các đề tài trình bày và thảo luận trong hội nghị là thiết thực, cần được mục vụ gia đình tại  các quốc gia trong vùng nỗ lực triển khai và thực hiện trong thời gian tới đây. Hầu hết các đại biểu tỏ ra hài lòng thấy sáng kiến của Việt nam để cho các bạn trẻ hiện diện và đóng góp tích cực cho hội nghị : ngoài bài trình bày chứng tá kinh nghiệm “đồng hành với người mới trưởng thành bởi chính người mới trưởng thành”, còn là sự đóng góp phụng vụ mang tính trẻ trung, nhiệt thành, vui tươi trong các buổi cầu nguyện và Thánh Lễ . Một số đã ghi trong Phiếu Pản Hồi : đề nghị từ nay trở đi các HNCĐ đều phải có sự tham gia của các bạn trẻ giống như thế. Thái lan đã tình nguyện đăng cai HNCĐ 2012 .
 

Tác giả: Antôn Uông Đại Bằng

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập591
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại977,660
  • Tổng lượt truy cập57,079,297
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây