Một phụ nữ được tiêm tăng cường mũi 3 là vắc xin Pfizer tại một cửa hàng thuộc hệ
thống nhà thuốc Skippack ở thành phố Schwenksville, bang Pennsylvania của Mỹ
ngày 14-8 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, Pfizer/BioNTech và AstraZeneca là hai loại vắc xin được sử dụng phổ biến nhất trong chiến dịch tiêm chủng của Anh. Tại Mỹ, hai loại vắc xin được dùng nhiều là Pfizer và Moderna.
Nghiên cứu của Đại học Oxford và Trung tâm Kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ được tiến hành riêng biệt nhưng được công bố trong cùng ngày 18-8.
Cả hai nghiên cứu của Anh và Mỹ đều khẳng định vắc xin vẫn có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ bệnh nhân COVID-19 trở nặng và nhập viện.
Dựa trên hơn 3 triệu mẫu gạc mũi và họng được lấy trên khắp nước Anh, nghiên cứu của Đại học Oxford cho thấy trong vòng 2 tuần sau khi tiêm mũi thứ hai của vắc xin Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca, hiệu quả ngăn ngừa nhiễm bệnh đã giảm xuống lần lượt còn 85% và 68%.
Sau 90 ngày từ mũi tiêm thứ hai, hiệu quả ngăn ngừa của vắc xin chỉ còn 75% và 61%.
Nhóm nghiên cứu Oxford cũng nhận thấy tải lượng virus của những người đã tiêm vắc xin nhưng bị nhiễm biến thể Delta cao tương đương người chưa tiêm và bị bệnh.
Để đối chiếu giai đoạn trước và sau khi biến thể Delta phổ biến, nhóm nghiên cứu đã so sánh kết quả phân tích 2,58 triệu mẫu gạc lấy từ 380.000 người trưởng thành được chọn ngẫu nhiên trong khoảng thời gian từ ngày 1-12-2020 đến ngày 16-5-2021 và 810.000 mẫu được lấy từ 360.000 người trong giai đoạn từ ngày 17-5 đến ngày 1-8.
Đồ họa mô phỏng hình dáng virus corona chủng mới - Ảnh: REUTERS
Tại Mỹ, CDC cũng công bố hai nghiên cứu liên quan hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm của vắc xin COVID-19 trong ngày 18-8.
Nghiên cứu đầu tiên tập trung vào một nhóm cụ thể là những người cao tuổi trong các viện dưỡng lão và cơ sở chăm sóc người già.
Các chuyên gia đã lấy dữ liệu của 3.862 viện dưỡng lão và cơ sở chăm sóc dài hạn giai đoạn từ ngày 1-3 năm nay đến ngày 9-5. Đây là giai đoạn biến thể Delta chưa bùng phát mạnh mẽ tại Mỹ.
So sánh dữ liệu của 14.917 viện dưỡng lão trong giai đoạn từ ngày 21-6 đến ngày 9-8, nhóm chuyên gia CDC nhận thấy hiệu quả ngăn lây nhiễm của vắc xin Pfizer và Moderna đã giảm từ 74,7% xuống còn 53,1%.
Nhà dịch tễ học CDC, ông Srinivas Nanduri, cho biết chưa có đủ bằng chứng để kết luận vì sao mức độ hiệu quả của vắc xin lại giảm. Theo ông, có thể do hệ miễn dịch ở người cao tuổi suy giảm theo thời gian sau khi tiêm vắc xin hoặc do biến thể Delta, hoặc kết hợp cả hai yếu tố này.
Phát hiện của CDC được các cơ quan y tế liên bang trích dẫn trong thông báo Mỹ sẽ bắt đầu tiêm tăng cường liều 3 cho những người đã tiêm đủ 2 liều bắt đầu từ ngày 20-9 tới. Tổng thống Mỹ Joe Biden kế đó cho biết sẽ yêu cầu tất cả người làm việc tại viện dưỡng lão tiêm vắc xin sau nghiên cứu của CDC.
Nghiên cứu thứ hai được CDC tiến hành tại bang New York trên 65% người trưởng thành và đã được tiêm chủng đầy đủ.
Kết quả cho thấy trong giai đoạn từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 7 - giai đoạn biến thể Delta bùng phát mạnh - hiệu quả ngăn lây nhiễm của vắc xin giảm từ 91,7% xuống 79,8%.
Tuy nhiên, CDC khẳng định vắc xin vẫn có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ nhập viện tại New York, dao động từ 91,9% đến 95,3%, theo Reuters.
Mặc dù không ngăn chặn được lây nhiễm 100%, các nhà khoa học và giới chức y tế nhiều nước kêu gọi người dân tiếp tục đi tiêm vắc xin bởi nó giúp giảm nguy cơ nhập viện và tử vong nếu không may bị nhiễm.
DUY LINH
https://tuoitre.vn/nghien-cuu-cua-anh-my-bien-the-delta-lam-giam-hieu-qua-vac-xin-20210819110258255.htm