Cựu Chủng Sinh Huếhttp://cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ năm - 17/06/2021 08:32
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia, hiện tượng tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 vẫn nhiễm bệnh có 4 giả thuyết: Khoảng cách thời gian giữa 2 liều vaccine, sự khác biệt về hệ di truyền, tuổi tác, và biến thể của virus.
Thông tin 54 ca nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đều đã tiêm hai mũi vaccine của AstraZeneca/Oxford, thời gian giữa 2 liều là 4-5 tuần, điều này gây ra nhiều lo lắng tại sao họ đã tiêm đủ vắc xin nhưng vẫn nhiễm Covid-19.
Tôi muốn thuyết phục các bạn rằng chẳng có gì phải hoang mang cả.
Xin nhắc lại rằng mục đích chính của vaccine Covid-19 không phải là ngăn chặn lây nhiễm, mà là giảm độ lây nhiễm, giảm nguy cơ nhập viện, giảm nguy cơ tử vong.
Do đó, dù đã tiêm vắc xin mà vẫn bị nhiễm là... bình thường. Nói vậy sẽ bị nhiều bạn không hài lòng, nhưng đó là thực tế. Giống tiêm vaccine cảm cúm hàng năm mà thỉnh thoảng vẫn bị cảm cúm.
Thật ra, 'hiện tượng' bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm vaccine (đầy đủ 2 liều) không phải là mới.
Trong dịch tễ học, người ta gọi đó là những ca 'breakthrough infection' (nhiễm đột phá).
Trước hết, các nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh rằng người được tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm, và sự thật này đã được quan sát ngay từ lúc làm nghiên cứu lâm sàng trên người. Các bạn có thể xem qua dữ liệu cụ thể trên Lancet ở đây [1].
Ảnh minh họa.
Cách đây 4 ngày, Tập san New England Journal of Medicine công bố một bài nghiên cứu về nhiễm đột phá, những ca bị nhiễm sau khi tiêm vaccine Pfizer [2]. Đa số những ca này bị nhiễm nhẹ và được điều trị khỏi trong 1 tuần.
Một nghiên cứu khác ở ĐH Stanford, mới dưới dạng preprint, báo cáo rằng trong số 22,729 nhân viên y tế được tiêm vaccine, có 189 người bị nhiễm virus SASR-CoV-2 [3]. Nhưng các nhà nghiên cứu ghi chú rằng một số người bị nhiễm có lẽ là do tiêm chưa đủ 2 liều.
Nhưng có lẽ câu hỏi mà các bạn (và tôi nữa) đang tự hỏi là tại sao có hiện tượng nhiễm đột phá? Đành rằng sau khi tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm, nhưng tại sao người này bị mà người kia không bị? Con virus này nó phân biệt người để tấn công chăng? Rất có thể.
Tại sao?
1. Thời gian giữa 2 liều vaccine
Theo kết quả nghiên cứu báo cáo trên Tập san Lancet [4], thì khoảng cách thời gian mà vaccine có hiệu quả cao nhất là chừng 3 tháng.
Các chuyên gia lí giải rằng 3 tháng là thời gian đủ để cơ thể chúng ta 'làm quen' với vaccine trước khi nhận liều mới.
Các bạn có thể đọc xem biểu đồ mà tôi trích dẫn dưới đây để thấy khoảng 12 tuần là tối ưu. Khi khoảng cách giữa 2 liều là 12 tuần thì hiệu quả vaccine lên đến 81%, nhưng khi khoảng cách 6 tuần thì hiệu quả chỉ 55%.
Đó cũng chính là lí do mà Úc chọn khoảng cách 3 tháng để đạt hiệu quả cao nhất.
2. Hệ DNA
Lí do thứ hai là hệ thống miễn dịch rất khác biệt giữa các cá nhân.
Hệ miễn dịch của tôi có thể yếu hơn các bạn. Tại sao yếu? Tại vì cơ cấu DNA trong hệ miễn dịch của tôi khác với cơ cấu DNA của các bạn. Và, điều này có thể giải thích tại sao hiệu quả của vaccine có vẻ tốt ở người khác, mà có thể không tốt đối với tôi.
GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia
3. Tuổi tác và sức khoẻ
Lí do thứ ba là do tuổi tác và bệnh đi kèm. Dĩ nhiên, không chỉ DNA làm cho hệ miễn dịch khác nhau giữa các cá nhân. Sự khác biệt còn ở độ tuổi, tình trạng sức khoẻ, và nhứt là tiền sử dùng thuốc.
So với những người trẻ, những hệ miễn dịch 'già nua' (như của tôi và các bạn cùng tuổi) không đáp ứng tốt với các kháng nguyên mới. (Kháng nguyên là các yếu tố ngoại tại làm cho hệ miễn dịch chúng ta sản xuất kháng thể để chống lại virus).
Điều này tôi viết thì có vẻ vui vui, nhưng sự thật là đã có nghiên cứu giải thích về sự tương quan giữa tuổi tác và đáp ứng miễn dịch ở những người được tiêm vaccine Pfizer [5]. Do đó, tôi đoán rằng những ca bị nhiễm đột phá có thể, tính trung bình, cao tuổi hơn và khoẻ mạnh hơn những ca không bị nhiễm đột phá.
4. Biến thể của virus
Lí do thứ tư là do con virus có biến thể giúp nó thoát khỏi tầm kiểm soát của hệ miễn dịch. Chất liệu di truyền của con virus Vũ Hán là RNA (khác với con người là DNA). RNA có mức độ đột biến rất rất nhanh hơn DNA (Khi chúng ta có vaccine để chống, thì chúng đã biến thể sang dạng khác rồi, vì chúng thường đi trước con người rất xa).
Điều này có thể giải thích tại sao con virus bị đột biến mới giúp chúng thoát khỏi cái radar của hệ miễn dịch và tha hồ tấn công con nguời. Đó là lí do mà giới khoa học quan tâm khi Ấn Độ phát hiện một biến thể mới của con virus Vũ Hán, vì nó có thể làm cho vaccine hiện hành kém hiệu quả.
Sự việc xảy ra ở BV Bệnh Nhiệt Đới TP HCM là một lời nhắc nhở rằng vaccine tuy quan trọng nhưng không phải là 'viên đạn bạc' phòng chống dịch Covid-19 mà các chuyên gia WHO đã cảnh báo [6]. Các biện pháp y tế công cộng (như hạn chế tụ tập đông người) vẫn phải áp dụng một thời gian. ------------------------- [1] https://www.thelancet.com/.../PIIS0140-6736(20.../fulltext [2] https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa2105000 [3] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/.../nihpp-2021.04.14... [4] https://www.thelancet.com/.../PIIS0140-6736(21.../fulltext [5] https://www.medrxiv.org/.../2021.03.03.21251066v1.full 6] https://nguyenvantuan.info/.../vaccine-khong-phai-la-vien.GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia