Niềm hy vọng trong tư tưởng của Đức Cố HY PX Nguyễn Văn Thuận

Thứ tư - 18/10/2023 10:46
Theo Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận, chúng ta tin tưởng và hy vọng vào Đức Giê-su là bởi vì Ngài là một Thiên Chúa tình yêu. Ngài không lý luận, không chấp nhất, không tính toán, không đưa ra điều kiện cũng không nhớ đến những tội lỗi ta đã phạm. Nói theo kiểu thời hiện đại ngày nay là: tình yêu không cân, đo, đong, đếm.
Road of Hope
 
“Đức Ki-tô là đối tượng duy nhất của niềm hy vọng chúng ta.” (x. Cl 1, 27). Vì vậy, chúng ta cũng hãy luôn đặt niềm tin tưởng và hy vọng vào Thiên Chúa bằng cách xa tránh mọi dịp tội xấu xa, làm cho chúng ta mất sự thanh sạch. 
 
NIỀM HY VỌNG TRONG TƯ TƯỞNG CỦA ĐỨC CỐ HỒNG Y 
PHAN-XI-CÔ XA-VI-Ê NGUYỄN VĂN THUẬN

Hy vọng là một nhu cầu của cuộc sống. Ta không thể sống nếu thiếu hy vọng. Nhân đức hy vọng mang lại cho ta sự tin tưởng và tín thác vào một Thiên Chúa luôn che chở gìn giữ con cái của Ngài. Nhìn vào cuộc sống ngày hôm nay, nhân loại đang ở trên đỉnh cao của sự phát triển về khoa học công nghệ, kéo theo nền kinh tế ngày càng phát triển. Thế nhưng, nhân loại đang nằm trong một sự khủng hoảng về niềm tin tưởng và hy vọng vào Thiên Chúa. Họ chỉ đặt niềm tin tưởng và hy vọng vào tiến bộ khoa học và thành quả của nó. Tuy nhiên, vì con người đặt niềm tin tưởng và hy vọng vào những điều hão huyền, không đem lại cho họ niềm hy vọng đích thực và ơn cứu độ vĩnh cửu, nên họ luôn cảm thấy thất vọng, trống rỗng và thiếu niềm hy vọng. Nhìn vào bối cảnh xã hội như vậy, người viết cảm thấy có điều gì hoang mang và lo lắng cho nhân loại, không biết rồi đây, nhân loại sẽ đi về đâu khi mà niềm hy vọng đặt để không đúng chỗ? Vì thế, người viết chợt nhớ đến một người Việt Nam được thế giới biết đến nhờ tư tưởng hy vọng của Ngài. Đó là Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận. Ngài đã phải chịu cảnh ngục tù, cuộc đời của Ngài đã phải trải qua cảnh tù đày gian khổ. Tuy nhiên, nhờ sống trong hy vọng, Ngài đã vượt qua tất cả những gian nan, những khó khăn trong cuộc đời. Ngài có một tư tưởng rất hiện sinh, đặc biệt là trong lúc gặp đau khổ, thử thách. Con đường hy vọng của Ngài dựa vào đời sống cầu nguyện, thánh lễ và bí tích thánh thể, dựa vào Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội.

Hôm nay, Giáo hội cử hành thánh lễ giỗ cầu nguyện cho Đức cố Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận, cũng là Đấng Đáng Kính mà Học viện Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận chúng con thuộc Tỉnh Dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam đã chọn Ngài làm Đấng Bảo Trợ. Trong tâm tình con thảo kính nhớ Ngài, người viết xin được chia sẻ những tư tưởng của Ngài, đặc biệt là về niềm hy vọng mà Ngài đã để lại cho con người hôm nay.

1. Đức Giê-su Ki-tô là niềm hy vọng duy nhất

Cuộc đời Đức Giê-su Ki-tô đã bước qua chặng đường hy vọng đầy khó khăn gian khổ, nhưng Ngài đã vượt qua tất cả và đã trở nên một chứng nhân hy vọng tuyệt hảo cho mỗi người chúng ta noi theo. Cho đến đỉnh điểm của đau khổ trên Thánh giá, “Chúa Giê-su vẫn luôn tín thác vào thánh ý Chúa Cha”. (x. Mt 26,39). Mỗi lần gặp khó khăn thử thách, Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận luôn nhìn lên con người duy nhất, một chứng tá sống động và tuyệt hảo nhất của niềm hy vọng là Đức Giê-su Ki-tô. Chính khi còn trong trại biệt giam, những lúc mệt mỏi không thể mở miệng đọc kinh, thì chính đời sống chứng nhân của Chúa Giê-su đã tiếp thêm sức mạnh và sự can đảm giúp Ngài vượt thắng khó khăn, thử thách. Những lúc đó, Ngài đã đọc và suy gẫm câu thánh vịnh ám chỉ về Chúa Giê-su: “Muôn thử thách, vì Ngài đâu sá kể. Không hé một lời oán trách thở than. Chẳng xôn xao, lòng thơ thới yên hàn, trước sau vẫn hiền hòa, luôn kiên nhẫn”.

Chính lúc đau khổ cùng cực nhất, buồn nản vì cả một bước đường đầy hứa hẹn trên con đường mục tử, thế mà giờ đây không chỉ là không được thực hiện, mà ngay cả một quyền tối thiểu nhất của con người là sự tự do cũng không được. Ngược lại, Ngài phải chịu cảnh tù đày một cách vô cớ, oan trái. Tuy nhiên, Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã nhìn lên Đức Giê-su chịu đóng đinh trên thánh giá và đã học được nơi Ngài một bài học giá trị của sự đau khổ. Có lúc buồn nản vô cùng, tôi nhìn lên Chúa Giê-su chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên Thánh giá: “Ngài không giảng dạy, thăm viếng, chữa lành bệnh tật, Ngài hoàn toàn bất động. Đối với con mắt loài người, cuộc đời Chúa Giê-su là vô ích, là thất bại. Nhưng đối với đôi mắt Thiên Chúa, chính giây phút ấy lại là giây phút quan trọng nhất của đời Ngài, vì trên Thánh giá, Ngài đã đổ máu mình ra để cứu chuộc nhân loại”.

Chứng nhân hy vọng nơi Đức Ki-tô không chỉ những lúc đau khổ, mà ngay cả những lúc vinh quang danh dự, Ngài vẫn thể hiện niềm hy vọng với Chúa Cha: “Chính nhờ Đức Ki-tô, cùng với Đức Ki-tô, và trong Đức Ki-tô, mà mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng. Cùng với Chúa Thánh Thần muôn đời. Amen”. Đức Giê-su không chỉ là một chứng nhân tuyệt tác nhất của niềm hy vọng, mà Ngài còn là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta nữa.

Theo Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận, chúng ta tin tưởng và hy vọng vào Đức Giê-su là bởi vì Ngài là một Thiên Chúa tình yêu. Ngài không lý luận, không chấp nhất, không tính toán, không đưa ra điều kiện cũng không nhớ đến những tội lỗi ta đã phạm. Nói theo kiểu thời hiện đại ngày nay là: tình yêu không cân, đo, đong, đếm. Vì Đức Giê-su Ki-tô là một Thiên Chúa tình yêu, nên Ngài không có sự tính toán theo kiểu của nhân loại. Vì thế, trên đường lữ hành, chúng ta cần có niềm hy vọng tuyệt đối vào Thiên Chúa tình yêu được tỏ bày qua Đức Giê-su để được hưởng ơn cứu độ.

Là Ki-tô hữu, chúng ta không chỉ sống lo cho những gì thuộc đời này, nhưng còn thực hiện sứ mạng đời đời trong đời tạm; đồng thời không phải chỉ lo cho mình mà thôi, mà còn phải lo cho anh em, lo cho cả nhân loại có niềm hy vọng được cứu rỗi đời đời. Muốn vậy, chúng ta cần xác tín mạnh mẽ vào Thiên Chúa cứu độ: “Giáo dân là người mến yêu sứ mạng của mình, là người thực hiện đời đời trong đời tạm”… “Là người tin rằng Chúa giao cho mình trần gian và anh em, để đưa họ đến cứu rỗi vĩnh cửu”… “là người xác tín rằng Chúa ban sự cứu rỗi, nhưng Chúa đòi việc hợp tác của con người”… “Biết hy vọng, đảm bảo hy vọng, mang lại hy vọng”… “Người hy vọng là cộng tác viên của Thiên Chúa”. Người tiên tri thật là người đem lại hy vọng cho nhân loại. Tuy nhiên, có những người tự xưng là tiên tri mà không đem lại cho dân niềm hy vọng đích thực. Chỉ có Chúa Ki-tô mới là tiên tri đích thực, vì chỉ một mình Ngài đem lại niềm hy vọng cho nhân loại: “Thời đại nào cũng có những người tự xưng là tiên tri, nhưng đường lối của họ không đem lại hy vọng cho nhân loại. Chỉ có Chúa Giê-su tự xưng là “Đường”, chỉ Ngài đem lại hy vọng với kích thước của thế giới”.

Chúng ta hy vọng vào lời hứa của Thiên Chúa, Đấng đã hứa ban sự sống đời đời cho những ai đặt niềm tin tưởng và hy vọng vào lời hứa của Ngài: “Với niềm hy vọng được sự sống đời đời mà Thiên Chúa, Đấng không hề nói dối đã hứa từ thuở đời đời cho chúng ta”. (x. Tt 1,2). Ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo từ xưa trong Cựu Ước là sẽ xuất hiện một Đấng lãnh đạo dân Ít-ra-en, mà chư dân sẽ đặt niềm hy vọng vào Ngài: “Ông I-sai-a đã nói: Từ gốc tổ Gie-sê sẽ xuất hiện một mầm non, một Đấng sẽ đứng lên lãnh đạo chư dân. Chư dân sẽ hy vọng vào Người” (x. Rm 15, 12).

Đức Ki-tô là đối tượng duy nhất của niềm hy vọng chúng ta.” (x. Cl 1, 27). Vì vậy, chúng ta cũng hãy luôn đặt niềm tin tưởng và hy vọng vào Thiên Chúa bằng cách xa tránh mọi dịp tội xấu xa, làm cho chúng ta mất sự thanh sạch. Để được thanh sạch, chúng ta hãy đặt niềm hy vọng vào Đức Ki-tô: “Phàm ai đặt niềm hy vọng như thế vào Đức Ki-tô; Thì làm cho mình nên thanh sạch; Như Người là Đấng thanh sạch” (x. 1Ga 3, 3).

Khi tuyên xưng Đức Ki-tô là niềm hy vọng duy nhất, chúng ta phải hiểu rằng, Kinh Thánh muốn cho chúng ta hiểu, chỉ có Đức Ki-tô là Đấng cứu độ duy nhất của chúng ta mà thôi. (x. 1 Tx 5, 8). Như vậy, hy vọng cánh chung không tản mạn về các vấn đề chung cục, nhưng chú trọng đến một đối tượng duy nhất là chính Đức Ki-tô, “niềm hy vọng của chúng ta” (x. 1 Tm 1,1). Tuy nhiên, niềm hy vọng Ki-tô giáo của chúng ta không chỉ được hiểu về đối tượng là chính Đức Ki-tô, mà còn được hiểu về những tâm tình thái độ “Ki-tô” từ phía những người Ki-tô hữu nữa. Thái độ này là thái độ hiệp dâng hy tế của chính mình hợp với Hy Tế Thập Giá của Đức Ki-tô, Chúa chúng ta.

2. Chứng nhân của niềm hy vọng

2.1. Qua Bí Tích Thánh Thể

Bí tích Thánh Thể là bí tích của tình yêu, là Giao Ước mới được thiết lập trong Máu của Đức Giê-su.  Lệnh truyền của Chúa Giê-su trong bữa tối sau cùng liên quan đến những gì Người đã thực hiện trong bữa tối nghi thức; Người đã tóm gọn tất cả các yếu tố đó trong đại từ chỉ định “việc này”: Các con hãy làm “việc này” mà nhớ đến Thầy.  Như Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã cảm nghiệm rằng: “Hằng ngày cùng với Chúa Giê-su, con dâng hiến mình, sẵn sàng từng giây phút, để bị nộp vì anh em con, để đổ máu ra vì nhiều người để nên ơn tha tội”.

Vì yêu thương nhân loại, nên Chúa Giê-su đã lập ra bí tích Thánh Thể để ở lại với con người: “Thầy ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế”. (x. Mt 28, 20). Chúa Giê-su Ki-tô đã ở lại với chúng ta qua bí tích tình yêu, nhằm làm cho Ngài với ta hiệp nhất nên một. Và khi chúng ta hiệp nhất nên một với Chúa Giê-su, thì chúng ta cũng hiệp nhất và yêu thương anh em đồng loại, như Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận diễn tả: “Thánh Thể làm cho ta hiệp nhất trong nhiệm thể. Dâng lễ, dự lễ mà không yêu thương là mâu thuẫn, quái gở”.  Hơn nữa, Thánh Thể là bí tích của những ai để cho Thiên Chúa hòa giải với chính họ. Chúng ta tham dự vào bí tích này là chúng ta tự nguyện đi vào trong mầu nhiệm của Đức Giê-su Ki-tô.  Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, công đồng cũng nói đến chiều kích cánh chung của Bí tích Thánh Thể, bảo chứng cho niềm hy vọng, lương thực đi đường, bữa tiệc tiền dự vào Nước Trời:

Chúa đã để lại cho những kẻ thuộc về Người bảo chứng niềm trông cậy và lương thực đi đường trong bí tích đức tin; trong bí tích ấy, những yếu tố thế trần, kết quả của lao công con người được biến thành Mình và Máu vinh hiển của Người, nên bữa ăn hiệp thông huynh đệ và nếm hưởng trước bữa tiệc trên trời.

Con người thời nay đặt hết niềm hy vọng vào lý trí và tự do, vào kết quả của lý trí đã khám phá được. Tuy nhiên, ơn cứu độ không đến từ khoa học, cũng như các kết quả của nó, mà chỉ đến từ tình yêu bắt nguồn từ Đức Ki-tô. Điều này vẫn đúng ngay trong lãnh vực thuần túy tự nhiên của nhân loại. Khi một người cảm nghiệm được trong cuộc sống của mình một tình yêu cao cả bắt nguồn từ Thiên Chúa, thì đó là thời điểm “cứu độ”, là thời điểm mang lại một ý nghĩa mới cho cuộc đời. Và nhờ tin vào Bí tích Thánh Thể, mà Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận cảm nghiệm một tình yêu cao cả, và ngài đã xác tín rằng: “Muốn tin, phải nuôi mình bằng Thánh Thể, vì Thánh Thể chứa đựng ‘mầu nhiệm Đức tin’, và ban sức mạnh đức tin cho con”.

Khi làm việc tông đồ qua việc sống chứng tá của tình yêu, hay làm việc mục vụ, nếu không đến với Bí tích Thánh Thể, thì chúng ta sẽ lạc đường hy vọng. Khi lạc đường hy vọng, thì không thể trở nên chứng nhân cho niềm hy vọng, vì chúng ta không thể cho người khác điều chúng ta không có, hay “mù mà lại dắt mù thì cả hai sẽ lăn cù xuống hố” (x. Mt 15,14; Lc 6,39). Bởi thế, để trở nên chứng tá cho niềm hy vọng, chúng ta phải chạy đến với bí tích Thánh Thể, vì Bí tích Thánh Thể là chính bí tích của sự sống vĩnh cửu. Như vậy, với danh nghĩa là tông đồ của Chúa, chúng ta phải chạy đến với Bí tích Thánh Thể để múc lấy nguồn ơn sức mạnh và sự sống để trợ lực cho việc phục vụ Chúa Ki-tô và tha nhân; nếu không thì chúng ta sẽ trở nên suy mạt. Vì thế, Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã diễn tả sâu sắc về điều này: “Đèn không sáng nếu hết dầu, xe không chạy nếu cạn xăng, hồn tông đồ sẽ suy mạt nếu không đến với Thánh Thể: Ai không ăn thịt Ta và uống máu Ta, chẳng được sống đời đời”.

Bí tích Thánh Thể là bảo chứng vững chắc và là dấu chỉ được biểu lộ rõ ràng, “mỗi khi mầu nhiệm này được cử hành, thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện và chúng ta bẻ cùng một tấm bánh, là phương dược trường sinh bất tử, và của ăn để chúng ta không chết, nhưng đem lại sự sống muôn đời trong Chúa Giê-su Ki-tô”. Đó là niềm xác tín của người Ki-tô hữu. Chính niềm xác tín đó hằng nâng đỡ chúng ta ngày hôm nay, cảm thấy việc được làm một Ki-tô hữu quả thật là điều đáng giá. Cụ thể như khi còn ở trong trại tù, Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã dâng Thánh lễ, và nhờ Thánh lễ mà có Chúa Giê-su Thánh Thể hiện diện trong nhà tù. Chính bí tích Thánh Thể, hay nói cách khác là chính Chúa Giê-su Thánh Thể đã ở với Đức Hồng y và các bạn tù, để nâng đỡ, ủi an, chăm sóc họ trong cảnh tù đày khổ sở; và biến đổi họ từ những người tín hữu Công giáo kém tin trở nên có đức tin mạnh mẽ, những người không có đức tin thì đón nhận ơn đức tin, “Ai cũng biết có Chúa Giê-su Thánh Thể đang ở giữa trại tù với họ. Chính Ngài an ủi, xoa dịu những khổ đau thể xác và tinh thần; chính Ngài thêm can đảm chịu đựng cho họ. Ban đêm, họ thay phiên nhau làm giờ thánh. Sự hiện diện thinh lặng của phép Thánh Thể biến đổi họ cách lạ lùng. Nhiều người Công giáo trở lại sống đạo đức hơn; nhiều anh em không Công giáo, Phật giáo tìm hiểu Phúc Âm và lãnh phép Thánh Tẩy trong trại cải tạo, hoặc sau lúc được tự do”.

Bí tích Thánh Thể mang sự sống Thần Linh, là ánh sáng chiếu tỏa và soi chiếu cho chúng ta trên bước đường hy vọng tiến về nhà Cha. Điều này đã được Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận diễn tả: “Mặt trời sáng và tung tỏa ánh sáng, Thánh Thể là sự sống và nguồn phát xuất sự sống Thần Linh, sự sống hòa hợp giữa các dân tộc: “Thịt Ta làm cho thế gian được sống”. Như vậy, tâm hồn Ki-tô hữu hay tâm hồn tông đồ nếu không có Chúa Giê-su Thánh Thể, thì chẳng làm được gì cho tình yêu Thần Linh. Ngược lại, nếu sống trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề mà có Thánh Thể, thì chúng ta chẳng thiếu gì. Bởi lẽ, khi chúng ta có Thánh Thể là chúng ta có tất cả, như lời Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận xác quyết: “Con thiếu tất cả, con mất tất cả, nhưng con còn Thánh Thể là con còn tất cả, vì con có Chúa Thiên đàng dưới đất”. Chúa Giê-su sống hiện diện với chúng ta trong bí tích Thánh Thể, giữa những thất bại lo lắng hoang mang mỗi ngày trong cuộc đời, để Ngài ở lại với chúng ta, thì Ngài phải là sức mạnh của ta, là trung tâm và là hy vọng trường cửu của ta.

Ngoài việc sống niềm hy vọng vào Thánh Thể, chúng ta còn có một phương tiện tuyệt hảo để sống niềm hy vọng vào Thiên Chúa là tình yêu nữa, đó chính là Lời Chúa.

2.2. Qua việc lắng nghe Lời Chúa

Trên bước đường hy vọng, mỗi người chúng ta rất cần đến Lời Chúa dẫn đường, vì trên biển trần này luôn đầy chông gai và tối mịt mù, chỉ có Lời Chúa mới là ánh sáng soi bước chân con, bởi: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (x. Tv 119, 105).

Vào thời Ma-ca-bê, Cựu Ước cho thấy niềm hy vọng vào Lời Thiên Chúa hứa về sự sống ở đời sau. Khi bảy người con của một bà mẹ bị giết vì đạo, họ đã nói lên rằng: “Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào Lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại. Còn vua, vua sẽ không được sống lại để hưởng sự sống đâu” (2Mcb 7, 14).

Sang thời Tân Ước, niềm hy vọng luôn được nhìn nhận trong mối liên hệ với Thiên Chúa, tuỳ theo quan điểm của từng tác giả. Nổi bật, đó là về niềm hy vọng vào Lời hứa của Thiên Chúa về sự sống đời đời, được thánh Phao-lô diễn tả khi ngài viết thư gửi cho ông Ti-tô: “Với niềm hy vọng được sự sống đời đời mà Thiên Chúa, Đấng không hề nói dối đã hứa từ thuở đời đời” (Tt 1,2). Thiên Chúa là Đấng trung tín, nên chúng ta hy vọng vào Lời hứa của Ngài: “Như vậy, cả lời hứa lẫn lời thề đều bất di bất dịch, và khi thề hứa, Thiên Chúa không thể nói dối được. Do đó, chúng ta ẩn náu bên Thiên Chúa, chúng ta được mạnh mẽ khuyến khích nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta” (Hr 6,18).

Khi nói về đời sống linh đạo của Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận, chúng ta không thể nào bỏ qua một chi tiết rất quan trọng trong đời sống đức tin và trong đời sống chứng nhân hy vọng của ngài; đó là đời sống kết hợp mật thiết với Lời Chúa, với Chúa Giê-su Ki-tô, là Lời Hằng Sống. Khi suy ngẫm về Lời Chúa có nghĩa là chúng ta lắng nghe Chúa Giê-su kết hợp với Thiên Chúa Cha: “Song không phải như ý Con, mà là như ý Cha” (x. Mt 26,39). Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận qua những chuỗi ngày sống ở dương thế, đã chứng minh được đời sống là những chuỗi kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su, và đó là phương châm đời sống linh đạo của ngài. Cụ thể qua những giai đoạn học tập nhân đức, trau dồi kiến thức từ ngay chính trong gia đình, chủng viện, khi thi hành các sứ vụ và các trách nhiệm, khi sống trong lao tù, bị quản thúc mọi mặt, ngay cả khi phục vụ Giáo Hội với tư cách là Bộ Trưởng Bộ Công Lý và Hoà Bình, và trong những lúc chịu đau đớn vì bệnh lý, Đức Hồng y vẫn an vui tự tại vì cuộc sống kết hợp tài tình với Lời Chúa: Lời Hằng Sống. Đức Hồng y đã diễn tả rằng: “Có nhiều vĩ nhân với những tư tưởng sâu sắc, lạc quan, khác người. Họ để lại cho hậu thế những tư tưởng về những triết lý sống trong những liên hệ của nhân sinh quan. Nhưng, lời nói và tư tưởng của họ không ban phát sự sống. Chỉ có Lời Chúa mới có khả năng ban phát Sự Sống đích thực”. 

Ý thức và cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong từng mỗi cá nhân và trong từng mọi trạng huống của cuộc sống không phải là một điều dễ làm. Nó đòi hỏi một tinh thần trưởng thành, sống phó thác, đối xử nhân hậu và độ lượng với từng cá nhân như Chúa Giê-su đã từng làm và đã từng sống. Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã làm được điều này, ngài sống Lời Chúa, diễn tả bằng sự yêu thương trọn vẹn với niềm trông cậy mãnh liệt vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài đã trải dài kinh nghiệm sống đạo, sống đức tin và ngài đã diễn tả rằng: “Phúc Âm là một cuốn sách tuyệt hảo nhất; là một quy luật, một hiến pháp rất êm ái và nhẹ nhàng (x. Mt 11,30) chứ không khó khăn, phức tạp và gò bó như các bộ hiến pháp khác. Con giữ một nội quy: Phúc Âm. Đó là hiến pháp trên tất cả mọi hiến pháp, là hiến pháp Chúa Giê-su đã để lại cho các tông đồ (x Mt 4, 23). Hiến pháp ấy không khó khăn, phức tạp, gò bó như các hiến pháp khác, ngược lại linh động, nhân hậu, làm phấn khởi tâm hồn. Một vị thánh ngoài Phúc Âm là ‘thánh giá’”.

Trong cuộc sống hiện tại, mỗi người chúng ta có những khó khăn, thử thách phải đối diện. Và những khó khăn, thử thách ấy sẽ được gợi sáng khi chúng ta biết suy niệm Lời Chúa trong mọi nơi, mọi lúc. Tìm ý Chúa trong mọi biến cố, thấy Chúa Ki-tô hiện diện trong mọi người. Như Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã không ngừng chia sẻ kinh nghiệm bản thân, để nhắc nhở chúng ta về sự nhận thức phải biết phó thác mọi sự trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Ngài rất đơn sơ và chân thành khi diễn tả lời cầu nguyện: “Chúa muốn mưa, con cũng muốn, Chúa muốn nắng, con cũng muốn, Chúa muốn sướng, con cũng muốn, Chúa muốn cực, con cũng muốn, Chúa muốn vui, con cũng muốn, Chúa muốn khổ, con cũng muốn, Chúa và con chỉ có một ý”.  Như vậy, trên bước đường hy vọng, mỗi người chúng ta có Lời Thiên Chúa soi lối chỉ đường. Bởi Thiên Chúa là Đấng trung tín, nên một khi Ngài đã hứa với chúng ta là Ngài luôn trung tín giữ Lời hứa mà không thất tín bao giờ. Và khi hy vọng vào Thiên Chúa là Đấng trung tín, thì chúng ta cũng phải tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta, để làm chứng cho mọi người biết: “Thiên Chúa là Đấng trung tín, chúng ta hãy luôn luôn hy vọng vào lời hứa của Ngài, hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín” (Dt 10,23).

Sau khi đón nhận các phương thế tuyệt hảo để giúp ta tiến bước trên đường hy vọng như Lời Chúa và bí tích Thánh Thể qua hy lễ thập giá, chúng ta hãy cộng tác với Chúa qua việc cố gắng kiên trì cầu nguyện. Bởi vì khi cầu nguyện, chúng ta mới được ơn Chúa trợ giúp để tiến bước trên hành trình hy vọng về nhà Cha.

2.3. Qua việc Cầu nguyện

Đối với Đức Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận, cầu nguyện là điều kiện tiên quyết và trước hết của một tông đồ Chúa Giê-su; kế đến, mới là việc hy sinh và các hoạt động khác. Ngài viết: “Thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt động”. Cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng Ki-tô hữu, vì chỉ có người sống đời cầu nguyện mới có Chúa. Nếu ai không cầu nguyện, họ chỉ mang vỏ bọc Ki-tô hữu, nhưng ruột thì trống rỗng: “Cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện con nối liền, kết hợp với Thiên Chúa. Bóng điện sáng nhờ nối liền với máy phát điện”. Lời cầu nguyện có một sức mạnh phi thường, vì nếu cầu nguyện thì chúng ta sẽ có được tất cả những gì Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta: “Con tin lời cầu nguyện toàn năng không? Hãy suy gẫm Lời Chúa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho”.

Để đứng vững trước những thử thách trong cuộc sống, chúng ta phải luôn tỉnh thức và cầu nguyện: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (x. Lc 21,36). Những người neo đơn như các bà góa, họ không có chỗ để nương tựa về vật chất cũng như tinh thần, họ chỉ biết đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa và ngày đêm kiên trì đọc kinh cầu nguyện (x. 1 Tm 5, 5). Nhờ đó, mà họ có một chỗ dựa vững chắc không chỉ đời sau mà ngay cả đời này nữa. Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã đứng vững nhờ cầu nguyện và nhớ câu khẩu hiệu giám mục của mình “Gaudium et spes” (Vui Mừng và Hy vọng). Khi ngài tiếp xúc với các tù nhân khác – một số là gián điệp, ngài thường an ủi họ và giảng Tin Mừng cho họ. Với những người canh giữ ngài, kể cả những người được lệnh không bao giờ được nói chuyện với ngài, ngài đã thành công nhờ tấm lòng nhân từ và tính hiền lành của mình, ngài đã phá vỡ bức tường im lặng và thù địch của họ. Và đã có nhiều người chấn động. 

Có những lời cầu nguyện ngắn gọn và rất hiệu quả được chính Chúa Giê-su, Đức Mẹ và các thánh Tông đồ sử dụng. Ở tiệc cưới Ca-na, sau khi quan sát thấy gia chủ thiếu rượu và còn lúng túng, lo lắng không biết phải làm sao. Đức Mẹ đã dùng một lời cầu nguyện ngắn gọn, nhưng đầy hy vọng để nói với Chúa Giê-su: “Họ hết rượu rồi!” (Ga 2, 3), thế là Chúa Giê-su đã nhận lời Mẹ của Ngài. Khi đi thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét, khi Mẹ và bà chị họ gặp nhau vui mừng, và đã cất lên lời cầu nguyện đầy hy vọng rằng: Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa v.v… (x. Lc 1, 46-55).

Khi chúng ta cầu nguyện, thì có Chúa ở giữa chúng ta. Và khi có Thiên Chúa hiện diện, thì chúng ta có được một sức mạnh để có thể chống trả được thế lực xấu. Còn nếu không có đời sống cầu nguyện, thì chúng ta sẽ dễ dàng sa bẫy của thế lực xấu là ma quỷ: “Không ai mạnh bằng người cầu nguyện, vì Chúa đã hứa ban tất cả. Khi các con hợp nhau cầu nguyện, có Chúa ở giữa các con (x. Mt 18, 20). Như Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận trên quãng đường đi rao giảng, Ngài đã nghe thấy lời thánh Tê-rê-sa A-vi-la ứng nghiệm: “Ai không cầu nguyện, không cần ma quỷ lôi kéo, sẽ tự mình sa xuống hỏa ngục”.
Để có được một cuộc sống hòa bình, đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có một đời sống cầu nguyện. Vì khi cầu nguyện, chúng ta mới có Chúa trong tâm hồn, mà có Chúa trong tâm hồn, chúng ta mới có được sự bình an đích thực. Khi có được sự bình an đích thực, thì chúng ta mới có thể đem sự bình an và hòa bình đó trao ban cho anh em mình, vì không ai có thể cho tha nhân cái chúng ta không có: “Hòa bình, một quà tặng ta nhận được trong cầu nguyện”. Khi cầu nguyện, chúng ta phải có lòng khiêm tốn và sốt sắng chứ không phải do nhiều lời, và cần một lòng thanh sạch hòa với dòng lệ thống hối. Lời cầu nguyện phải ngắn gọn và tinh tuyền thì sẽ được Chúa nhận lời. 

3. Sống niềm hy vọng

3.1. Sống giây phút hiện tại

Nếu xét về tầm quan trọng của quá khứ, hiện tại và tương lai của một đời người, thì hiện tại là quan trọng nhất. Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, chỉ có thời gian hiện tại mới đối diện với ta. Nếu từng giây phút hiện tại, ta luôn sống tốt thì thời gian quá khứ, ta cũng sẽ tốt, vì thời gian quá khứ là thời gian của hiện tại đi qua: “Chỉ giây phút hiện tại mới quan trọng. Đừng nhớ ngày hôm qua của anh em để chỉ trích. Đừng nhớ ngày hôm nay của con để khóc lóc. Nó đã vào dĩ vãng. Đừng nhìn ngày mai của con để bi quan, nó còn trong tương lai. Giao quá khứ cho lòng nhân từ Chúa, giao tương lai cho sự quan phòng Chúa, giao cả cho tình yêu Chúa”.

Thời gian luôn trôi đi mà không bao giờ dừng lại. Nếu thời gian trôi qua, mà ta không gắn kết cho nó một tình yêu theo ý định của Thiên Chúa; thì giây phút đó trôi qua mà không có một ý nghĩa gì, nó trôi qua cách vô vọng: “Không gắn bó với ý Chúa từng giây phút, con sẽ bỏ dở đường hy vọng”.

Chính kinh nghiệm của Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận trong thời gian mới bị tù đày khổ sở, buồn sầu, sợ hãi và căng thẳng, vì phải lo nghĩ về đoàn chiên trong thời gian phải xa cách Giáo phận. Tuy nhiên, Ngài đã tỉnh ngộ và ý thức mình đang phải đối phó với thực tại, là đang ở trong tù. Vì nếu chờ đợi lúc thuận tiện để làm một cái gì đó thật sự vĩ đại, thì còn có cơ hội nữa hay không? Chỉ có một điều chắc chắn mà Ngài ý thức được, đó là cái chết. Vì vậy, cần phải nắm lấy cơ hội là sống mỗi ngày và chu toàn những công việc tầm thường một cách phi thường trong giây phút hiện tại. Ngài đã nghiệm ra con đường đơn sơ và chắc chắn nhất dẫn tới sự thánh thiện, được gói gọn trong lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, con không đợi chờ, Con quyết sống phút hiện tại, Và làm cho nó đầy tình thương, Vì chấm này nối tiếp chấm kia, Ngàn vạn chấm thành một đường dài, Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đời sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt đời sẽ thánh. Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng. Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng”.

Như vậy, trên đường hy vọng, Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã lựa chọn được một cách thật là tuyệt vời, vì trong đời sống Ki-tô hữu chúng ta, thời gian thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta không thể làm gì hơn ngoài việc phó thác cho tình yêu Thiên Chúa. Chỉ có thời gian hiện tại đòi hỏi chúng ta phải cộng tác với ơn Thiên Chúa ban, để làm cho những giây phút trên đường hy vọng được tràn trề hy vọng. Trên đường hy vọng, không phải mỗi người đều có những cơ hội thuận tiện để bước đi, nhưng có những lúc gặp trắc trở, làm cho đường hy vọng như không có lối thoát, làm cho ta thất vọng. Tuy nhiên, chúng ta có Chúa Giê-su chính là nguồn hy vọng và là một chứng nhân hy vọng tuyệt hảo cho chúng ta.

3.2. Biến việc tầm thường thành việc phi thường

Đạo ở đời, người ta thường phân biệt những công việc cao sang và những việc hèn hạ hay việc nhỏ nhặt. Nhưng thực ra thì đối với Thiên Chúa, thì không có công việc nào hèn hạ hơn công việc nào, mà chỉ có tâm hồn con người hèn hạ: “Không có công việc nào hèn hạ, chỉ có tâm hồn hèn hạ”. Vì với một tâm hồn cao cả thì dù làm một công việc xem ra vô nghĩa và nhỏ nhặt, cũng có thể trở thành cao cả và có giá trị trước mặt Thiên Chúa. (x. Mt, 10, 42).

Người có tâm hồn cao cả biến việc tầm thường thành việc phi thường. Còn người muốn trở nên một vị thánh được Giáo Hội tuyên dương, thì đòi hỏi phải có một nhân đức anh hùng. Theo gương thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, người bền chí làm những việc nhỏ nhẹ tầm thường suốt cả đời vì lòng mến Chúa, thì người đó đã làm một việc vĩ đại, và đó là người làm được công việc anh hùng rồi: “Muốn được phong thánh, phải chứng minh có ‘nhân đức anh hùng’. Bền chí làm những việc tầm thường suốt cả cuộc đời vì mến Chúa, hẳn là anh hùng; thánh Tê-rê-sa Hài Đồng đã làm như thế”. Muốn biến những việc tầm thường thành việc phi thường, đòi hỏi chúng ta có một lòng mến yêu, gắn bó vào những công việc của mình: “Muốn nên thánh, con hãy làm những việc thường, có khi xem ra vô ý nghĩa nhất. Nhưng con đặt vào đó tất cả niềm mến yêu của con”.

Con người tự nhiên thường muốn chọn và làm những công việc lớn, sang trọng và thanh tao, chứ không mấy ai chọn làm những công việc nhỏ bé, thấp hèn. Nếu như người ta chỉ thích chọn làm những công việc lớn lao mà coi khinh những công việc tầm thường, thì người đó đã lạc mất đường hy vọng: “Tìm việc lớn, khinh việc nhỏ, con lạc đường hy vọng, vì Chúa hứa: ‘Vào hưởng sự vui mừng của Chúa cho những ai trung thành trong việc nhỏ”. Thánh Phao-lô nói rằng: dù chúng ta có nộp mình để chịu thiêu sống, chịu tử đạo, dù có làm tông đồ: giảng dạy bằng các thứ tiếng nhân loại và thiên thần, dù có hoạt động từ thiện như đem cả gia tài cơ nghiệp mà bố thí, nhưng không có lòng mến Chúa thì cũng chẳng ích gì. (1 Cr 13,3). Vì để việc làm có giá trị không đòi hỏi ở chỗ “làm việc gì”, nhưng ở chỗ “làm thế nào”. Bởi thế, trên đường hy vọng, qua những công việc mà ta biết cách làm, không kể công việc to hay nhỏ, đều có giá trị trước mặt Thiên Chúa; đều hy vọng được trở nên tốt lành thánh thiện trước mặt Thiên Chúa, thì chúng ta mới trở nên những người sống chứng tá cho niềm hy vọng ở trong lòng Giáo Hội và nhân loại. Khi chúng ta làm tất cả mọi việc, dù to hay nhỏ có giá trị trước mặt Thiên Chúa, chúng ta có được một niềm vui trong cuộc sống, vì đường hy vọng chỉ dành cho người sống có Chúa, sống niềm vui.

Tạm kết

Niềm hy vọng như là sợi chỉ xuyên suốt trong tư tưởng của Đức cố Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận. Theo ngài, thì Đức Ki-tô chính là niềm hy vọng duy nhất và đích thực của chúng ta, chỉ có ngài mới đem lại cho chúng ta ơn cứu độ.

Ngoài vai trò là niềm hy vọng đích thực và duy nhất của chúng ta, Đức Ki-tô còn là một chứng nhân tuyệt hảo cho chúng ta trên bước đường hy vọng tiến về nhà Cha. Vì chính Ngài đã đến trần gian và đã đi đến cùng trên bước đường hy vọng. Ngài đã đi con đường hy vọng thập giá và đã đạt đến con đường phục sinh vinh quang. Trên bước đường hy vọng từ thập giá đến vinh quang, ngài đã để lại cho chúng ta các phương thế, để chúng ta có thể nhờ đó, mà tiến bước trên con đường hy vọng về nhà Cha.

Cùng với bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta Lời giáo huấn của Ngài. Chính nhờ những Lời này soi sáng, mà chúng ta mới có thể tiến bước trên con đường hy vọng một cách vui vẻ và bình an. Qua Lời Chúa và qua ơn trợ lực của ngài, đồng thời cùng với nỗ lực bước đi trên đường hy vọng, chúng ta có thể tiến bước trên đường hy vọng một cách chính xác hơn. Ơn trợ lực này chúng ta kín múc qua việc cầu nguyện, và đặc biệt là cầu nguyện theo lời Chúa Ki-tô đã dạy - Kinh Lạy Cha, và qua Lời của Chúa trong các giờ kinh Phụng vụ, qua các lời nguyện vắn tắt mà chính Chúa Giê-su, Đức Mẹ và các tông đồ đã dùng để cầu nguyện trong Kinh Thánh.

Sau khi xác tín rằng, Chúa Ki-tô là niềm hy vọng đích thực và duy nhất, là chứng nhân tuyệt hảo cho chúng ta trên bước đường hy vọng. Cũng như, ngài đã dùng các phương thế tuyệt hảo truyền lại cho chúng ta, đó là hy tế thập giá - Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy trở nên những chứng nhân cho Chúa Ki-tô bằng chính đời sống, qua các đức tính nhân bản Ki-tô giáo, trong mọi hành vi, mọi hoàn cảnh sống trong cuộc sống của chúng ta.

Điều mà Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận nhắc tới nhiều, đó là việc sống giây phút hiện tại, đặc biệt là cả trong những lúc gặp gian nguy thử thách; ngay cả trong khi gặp thử thách xem như tuyệt vọng, chúng ta hãy luôn sống niềm hy vọng, đồng thời phải làm việc theo bổn phận. Dù là Giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân, chúng ta hãy làm tất cả vì bổn phận trong tình yêu mến Chúa Ki-tô. Phải có một tấm lòng hiền lành, bác ái và yêu thương như Chúa Giê-su dạy, yêu thương cả địch thù như chính Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã sống và đã thi hành.

Là một tu sĩ, trên bước đường hy vọng, chúng ta có các lời khuyên Phúc âm: vâng phục, khiết tịnh và khó nghèo. Đó là những lời khuyên của Chúa Giê-su cách đặc biệt cho các tu sĩ, những người muốn bước theo Chúa sát hơn trên bước đường hy vọng. Trên bước đường hy vọng tiến về nhà Cha, dù bất cứ hoàn cảnh nào dù làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng phải sống trong niềm hy vọng vào tình thương của Thiên Chúa: “Chỉ có Thiên Chúa là niềm hy vọng vững vàng, nên chúng ta bất chấp mọi nỗi gian khổ và thất bại. Đấng đã yêu thương chúng ta và yêu thương “đến cùng”, cho đến khi mọi sự được hoàn tất” (x. Ga 13,1; 19,30).

Niềm hy vọng của Ki-tô giáo cho chúng ta một năng lực lớn lao để dấn thân vào lĩnh vực xã hội. Niềm hy vọng này tạo ra sự tự tin vào khả năng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, mặc dù sẽ không bao giờ có một “thiên đàng ở hạ giới”. Là Ki-tô hữu, chúng ta được thôi thúc hành động, làm sao để cho sức mạnh của Tin Mừng chiếu soi trong đời sống hằng ngày. Chúng ta cư xử đúng với tư cách là con cái của Lời Chúa hứa, và nhờ vậy mà chúng ta được mạnh mẽ trong niềm tin và hy vọng; để biết tận dụng thời buổi hiện tại (x. Ep 5, 16; Cl 4, 5) và bền chí chờ đợi vinh quang sẽ đến (x. Rm 8, 25). Vì vậy, chúng ta đừng giấu kín hy vọng ấy trong tận nơi thâm sâu của lòng mình, nhưng hãy tỏ lộ ra qua việc hoán cải không ngừng và qua việc chiến đấu “chống lại những lực lượng thống trị thế giới tối tăm này, chống lại những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 6,12). Tư tưởng về niềm hy vọng của Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận là một thực hành thiêng liêng, giúp rèn luyện những kĩ năng sống thiêng liêng, nhân bản Ki-tô giáo một cách đơn giản trong từng giây phút hiện tại. Điều này mang lại bình an, không chỉ cho những người đang sống trong bình an hạnh phúc, mà ngay cả cho những người sống trong gian lao, đau khổ nữa.

Người Ki-tô hữu không phải là người tuyên xưng bản vị Đức Ki-tô ngoài môi miệng, nhưng là con người sống cùng một cung cách như Đức Ki-tô đã sống; và chấp nhận lối sống cư xử của Ngài: yêu thương tha thứ, cởi mở hoàn toàn cho Thiên Chúa. Bao lâu loài người và cả thế giới chưa đạt đến sự viên mãn của mình trong Thiên Chúa, Đức Ki-tô vẫn tiếp tục là một nguồn hy vọng và một tương lai. Bao lâu tất cả những điều đó chưa được thực hiện, thì Chúa Giê-su vẫn tiếp tục hy vọng. Người Ki-tô hữu chúng ta tin rằng, ơn cứu độ của Thiên Chúa ban cho chúng ta đã bắt đầu trong hiện tại và cũng hy vọng trong tương lai. Nhờ đó, giúp cho mỗi Ki-tô hữu chúng ta sống hiện tại với hy vọng hoàn tất ơn cứu độ của mình trong vĩnh cửu. Là Ki-tô hữu, chúng ta hãy sống tin tưởng và hy vọng vào Chúa Ki-tô, hãy noi gương Chúa Ki-tô trên bước đường hy vọng. Hãy đón nhận hồng ân Chúa Ki-tô trao ban qua các bí tích và đặc biệt là bí tích Thánh Thể; hãy đón nhận Lời của Chúa, và sống theo Lời đó. Đức Ki-tô vẫn tiếp tục hy vọng cho khuôn mặt thật của Ngài, mà ngày nay đã bị bóp méo, sẽ được tỏ hiện ngày càng rõ nét hơn. Lời Chúa hứa về một hạnh phúc tương lai cho loài người và cho cả hoàn vũ sẽ biến thành một sứ mạng hy vọng và niềm vui của con người, thành những kinh nghiệm giữa cuộc đời làm người, về ý nghĩa triệt để của cuộc sống.

Ước mong rằng, những chia sẻ của người viết về tư tưởng hy vọng của Đức cố Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận sẽ giúp cho người đọc cảm nhận và rút ra nhiều bài học quý giá trong cuộc đời, để dù cuộc sống có khó khăn, vất vả, thế nào, chúng ta luôn vẫn một niềm tín thác, niềm hy vọng tuyệt đối vào Thiên Chúa qua Đức Giê-su Ki-tô như Đức Hồng Y đã sống và cảm nghiệm trong đời. Nhờ đó, cuộc đời của mỗi người chúng ta trở nên những chứng tá sống động, trao ban niềm hy vọng vào Thiên Chúa cho con người hôm nay.

Tu sĩ Gioan B. Lưu Quang Vinh, M.F.

Tác giả: Gioan B. Lưu Quang Vinh, M.F.

Nguồn tin: www.mfvietnam.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập410
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm406
  • Hôm nay120,759
  • Tháng hiện tại1,832,176
  • Tổng lượt truy cập59,118,045
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây