LỄ GIỖ THỨ 22 ĐHY PX. NGUYỄN VĂN THUẬN TẠI TRUNG TÂM CÔNG GIÁO GIÁO PHẬN ORANGE, CA, US - VIETNAMESE CATHOLIC CENTER- NGÀY 14/9/2024.
Trước giờ Thánh lễ 8:30 PM, cộng đoàn phụng vụ được nghe sơ lược tiểu sử Đấng Đáng Kính ĐHY Phanxicô Xavie
- Ngài sinh ngày 17/4/1928 tại Phủ Cam, Tgp Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Ngày 13/4/1967, được thụ phong Giám mục cho giáo phận Nha Trang với khẩu hiệu Vui mừng và Hy vọng.
- Ngày 23/4/1975, được bổ nhiệm Tổng Giám mục phó Tgp Sài Gòn. Một thời gian ngắn sau, ngài bị bắt giam tù 13 năm. Được trả tự do năm 1991, được bổ nhiệm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội đồng Công Lý và Hoà Bình năm 1994.
- Năm 2001, ngài được phong Hồng Y.
- Ngài qua đời ngày 16/9/2002.
- Đức cố Hồng Y được nâng lên bậc Đấng Đáng Kính ngày 4/5/2017.
Trong thời gian ở tù, ngài viết 3 cuốn sách. Sách Đường Hy Vọng (ĐHV) năm 1975, ĐHV dưới ánh sáng Lời Chúa và Công Đồng Vatican II năm 1979, Những người lữ hành trên ÐHV năm 1980. Những sách nầy đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Khởi đầu Thánh lễ, trong tiếng hát ca nhập lễ của ca đoàn "Thập giá Đức Kitô niềm vinh dự của ta, Thập giá Đức Kitô đã khởi nguồn ơn thánh hóa...", đoàn đồng tế tiến vào Hội trường Mẹ La Vang. Đồng tế với linh mục chủ tế Giuse Nguyễn Thái, giám đốc Trung tâm Công giáo, có 4 linh mục và thầy phó tế Dennis Văn. Cộng đoàn hôm nay đông hơn bình thường, kín cả Hội trường và đầy sân
Sau lời chào cộng đoàn, đặc biệt gia đình thân thuộc, gia đình thiêng liêng của Đức cố Hồng Y, và tân Ban Thường Vụ nhiệm kỳ mới của Trung tâm Công giáo, cha chủ tế tâm tình với cộng đoàn rằng, “mỗi lần dâng Thánh lễ tôi nhìn thẳng trước mặt tôi, ngài đang đứng kia (tượng ĐHY được đặt sân trong của Trung tâm, do Gia đình Cựu Chủng Sinh Huế dâng tặng), ngài dạy tôi (cha chủ tế ) nhiều điều. Sự hiện diện của ngài trong ngày mừng lễ giỗ thứ 22 vào ngày lễ Suy tôn Thánh giá, suy tôn sự khổ giá của Chúa Giêsu gợi cho tôi suy ngẫm câu thứ 700 trong ĐHV, lời khuyên chúng ta 3 điều nên tránh khi gặp gian khổ: thứ 1, con đừng điều tra tại ai, hãy cám ơn dụng cụ nào đó đã thánh hóa con; thứ 2 là đừng than thở với ai, Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria là người con than thở trước hết; thứ 3 là khi sự việc đã qua đừng nhắc lại bao giờ, chỉ thốt lên Alleluia. Có nhắc lại chuyện cũ là để kể lại những trải nghiệm thần bí, rút ra những lợi ích thiêng liêng chứ không phải để đau buồn, oán trách”.
Thật vậy, trong suốt thời gian sau ra tù cho đến khi từ trần, không thấy ngài có những lời nói và hoạt động kết án chế độ và những ai đã làm khổ ngài. Thái độ của ngài luôn tích cực: gác lại quá khứ, hướng về tương lai.
Trong bài giảng lễ, cha chủ tế chia sẻ những suy niệm về Tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu trên Thánh giá và nối kết với cây Thánh giá do tù nhân Nguyễn Văn Thuận chế tác trong tù. Vào một ngày, trong trại 'cải tạo' Vinh Quang dưới chân núi có đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ, trại viên Thuận đang khi làm công tác bổ củi, xin viên công an canh gác cho phép đẽo gỗ làm cây thánh giá. Anh nầy từ chối ngay vì trong tù cấm mang vật phẩm, ảnh tượng tôn giáo. "Vì tình bạn, tình người anh ngó lơ cho tôi xem như không biết tôi đang làm gì". "Nể anh quá, anh Thuận ơi, thôi anh cứ làm đi". Cây Thánh giá được dấu trong cục xà bông, không bị phát hiện khi tù nhân Thuận mấy lần chuyển trại.
Đến một trại giam khác, tù nhân nầy xin anh quản giáo một khúc giây điện, anh nầy giật mình, "anh định tự tử sao?", "Không, linh mục Công giáo không bao giờ tự tử, tôi chỉ xin anh một khúc giây điện và mượn 2 cây kềm, rồi anh lơ cho tôi 3 tiếng đồng hồ để tôi làm cái giây xích đeo thánh giá. Nhân danh tình bạn, anh đừng từ chối nhé". "Anh Thuận ơi, khó từ chối anh quá". Ngày hôm sau, sau 4 giờ thao tác, dây đeo Thánh giá Giám mục được chế tác xong. Thánh giá và dây đeo nầy thật độc đáo, có một không hai, được ngài thường xuyên mang cho đến cuối đời; hiện nay đang được lưu giữ trong Phòng Lưu niệm của một tu viện bên nước Đức.
Đức cố Hồng Y nói rằng, cây Thánh giá và dây đeo tôi mang trên mình không phải bởi vì là kỷ vật ở tù, nhưng mang ý nghĩa lớn hơn, giúp tôi xác tín rằng chỉ Tình yêu Chúa Kitô mới có sức mạnh thay đổi con tim, chứ không phải khí giới, đe dọa, hay các phương tiện khác; chỉ Tình yêu mới dọn đường cho việc Loan báo Tin Mừng. "Omnia vincit amor", Tình yêu chiến thắng mọi sự. Thế giới hôm nay đang đầy hận thù, chia rẽ, chiến tranh tàn phá khắp nơi, xin cho Tình yêu Chúa Kitô trên Thánh giá lan toả và chiến thắng.
Cha giảng tiếp với trích dẫn ĐHV, câu 29: "Tránh gian khổ, con đừng mong làm thánh." Đời tu, và đời sống gia đình đều có thánh giá, khi hôn thánh giá thì có khi phải vác thánh giá. Nhớ rằng, đường đi đến vinh quang là đường thánh giá, xin cho chúng con biết từ bỏ chính mình, bỏ đam mê hưởng thụ, kiêu căng, ích kỷ, tham lam, để Tình yêu đốt nóng tim con, để con trở nên sứ giả Tin mừng Chúa cho thế gian.
Cuối Thánh lễ, ông Chủ tịch Ban Thường vụ nói lời cám ơn cha Giám đốc, quý cha đồng tế, thầy phó tế, quý ban nghành, ca đoàn, và cầu chúc mọi người trở thành sứ giả "Vui mừng và Hy vọng" cho gia đình, khu phố, cộng đồng.
Cộng đoàn tham dự Thánh lễ hôm nay (thứ 7 ngày 14/9) khoảng 500 tín hữu, đông hơn bình thường, bởi cha giám đốc từ 2 tuần nay đã có thông báo sau mỗi Thánh lễ về ngày giỗ Đức cố Hồng Y. Đây là lễ giỗ đầu tiên do Trung Tâm tổ chức (trước đây cũng có vài lần do một hội nhóm nào đó xin mượn địa điểm), hy vọng lễ giỗ của ĐHY sẽ được tiếp tục dài dài tại đây trong những năm tới, bởi ngài đang hiện nơi đây (tượng ngài đứng ở đây) và cha Giám đốc Trung tâm là người hâm mộ ĐHY.
Trong thời gian gần đây, trong các Thánh lễ, ngài năng trích dẫn Đường Hy Vọng, kể chuyện về ĐHY; ngài thường chia sẻ, mỗi khi lên bàn thờ dâng lễ, đối diện, nhìn ĐHY, tôi thêm sốt sắng bởi nhớ lại những Thánh lễ trong tù của ngài: Trong đêm khuya, ngài sốt sắng dâng lễ với áo tù thành áo lễ, đôi tay là chén thánh, giường thành bàn thờ, tiếng muỗi vo ve là tiếng ca đoàn, nhà tù là giáo phận. ĐHV là sách thiêng liêng cho thời đại mới, có sức cuốn hút nhiều tâm hồn, bổ sung cho sách Gương Chúa Giêsu, một thời thống trị các chủng viện, tu viện. Thiết nghĩ, tượng ĐHY một tay chúc lành, một tay cầm cuốn sách Đường Hy Vọng thay vì tay để trên bụng thì có ý nghĩa hơn, diễn tả nét đặc trưng của vị giám mục Vui mừng và Hy vọng.
Nhiều nơi trên thế giới mừng lễ giỗ thứ 22 của ĐHY, và có lời nguyện xin cho ngài "sớm được vinh hiển trên bàn thờ", không vì vinh danh cá nhân ngài nhưng vì vinh quang Chúa; khi tôi tớ được vinh danh thì vinh quang của Chúa càng tỏ hiện. “Gloria Dei est vivens homo" (Thánh Irênê).
Lê Cần PX61
Chú ý: Được đăng lại bài viết, nhưng vui lòng ghi rõ nguồn "Gia đình Cựu Chủng sinh Huế" và link đến bài viết trên trang này.