Đôi nét về hướng sống tâm linh của Đức Hồng Y PX Nguyễn Văn Thuận

Thứ bảy - 24/08/2024 07:54
Người môn đệ Chúa Kitô trước hết là người "ở lại" với Chúa trong hôm nay của cuộc đời mình. Khi trong tay không còn gì, đường đi như sa mạc, không quá khứ không tương lai, chỉ còn lại những giây phút hiện tại như những hồng ân có được, như những giây phút đẹp nhất của cuộc đời.
 
hy thuan thanh the
 
Linh đạo: ‘Spirituality’ liên quan đến những gì là tinh thần, không có hình hài, vô vật chất. Trong bối cảnh các tôn giáo, từ linh đạo chỉ một lối sống hứng khởi do bởi một vị thần linh nào đó. Theo nghĩa ấy, ta có thể nói linh đạo Hồi giáo, linh đạo Ân giáo, linh đạo Phật giáo...

Trong Kitô giáo, từ linh đạo chỉ thế giới nội tâm được mầu nhiệm Ðức Kitô soi sáng. Như vậy, linh đạo có nghĩa là đời sống, dưới sự huớng dẫn của Thánh Thần, tìm cách sống lại mầu nhiệm của Ðức Kitô trong cuộc đời theo ơn gọi và trách nhiệm riêng mình. Do đó, linh đạo kitô thì duy nhất nhưng đa dạng. Việc sống mầu nhiệm Ðức Kitô trong đời sống của mình theo ơn gọi và trách nhiệm riêng trong Giáo Hội và trong thế giới đòi hỏi một nỗ lực suy tư để có thể áp dụng đúng đắn. Nói về linh đạo của Ðức Hồng Y FX chính là nói đến cuộc đời sống mầu nhiệm Ðức Kitô theo ơn gọi và trách nhiệm của Ngài.

A. Linh Ðạo Hy Vọng
Chứng Nhân Hy Vọng

Ngày 17.9.2007, Ðức Hồng Y Martino, Chủ tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, đã xin phép đặc biệt để cùng với tất cả nhân viên của Hội Ðồng, Hội San Matteo và thân nhân của Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê, được tiếp kiến riêng với Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tại khu nghỉ hè ở Castel Gandolfo, cách Roma khoảng 30 cây số. Mục đích của cuộc tiếp kiến này là trình báo với Ðức Giáo Hoàng về quyết định xin mở án cho Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê của Hội Ðồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình.

Trong dịp này, Ðức Giáo Hoàng đã tóm lược cuộc đời và nhân đức của Ðức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê bằng những lời sâu sắc và vắn gọn sau đây: "Ðức Hồng Y Thuận là một con người của Hy Vọng. Ngài sống bằng Hy Vọng và Ngài phổ biến Hy Vọng cho tất cả những ai Ngài gặp. Chính nhờ năng lực thiêng liêng này mà Ngài chống lại được tất cả những khó khăn thể lý cũng như tinh thần". Và Ðức Giáo Hoàng giải thích: "Niềm hy vọng ấy đã nâng đỡ Ngài khi bị cô lập, khi phải xa cách cộng đoàn giáo phận trong 13 năm dài. Niềm hy vọng ấy cũng đã giúp Ngài nhận ra trong sự vô lý của các biến cố xảy ra cho mình, luôn có một kế hoạch của Chúa Quan Phòng - Ðức Hồng Y không hề được xét xử trong thời gian lâu dài bị giam cầm".

Nhưng làm thế nào để nuôi dưỡng niềm hy vọng trong cuộc sống? Câu trả lời này đã được Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI giải đáp trong Thông điệp Spe Salvi (Ðược cứu rỗi nhờ hy vọng) của Ngài khi nhắc lại gương sống của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận như sau: "Bối cảnh thiết yếu đầu tiên cho việc học hỏi hy vọng là cầu nguyện. Khi không còn ai lắng nghe tôi nữa, Chúa vẫn nghe tôi. Khi tôi không còn có thể tâm sự hay kêu cầu được với ai, tôi luôn luôn có thể thưa với Chúa. Khi không còn ai giúp tôi biết xử sự thế nào trước nhu cầu hay mong đợi vượt quá khả năng hy vọng của con người, Chúa có thể giúp tôi. Dù tôi bị đắm chìm ngập lụt trong cô liêu hoàn toàn# nhưng nếu tôi cầu nguyện thì tôi không bao giờ hoàn toàn đơn côi. Ðức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, một người tù trong 13 năm, trong đó có 9 năm bị biệt giam, đã để lại cho chúng ta cuốn sách nhỏ quí giá: Cầu Nguyện Hy Vọng. Trong vòng 13 năm tù đầy, trong một tình trạng hầu như là tuyệt vọng, sự kiện là ngài có thể lắng nghe và thân thưa với Chúa đã trở nên một quyền năng hy vọng gia tăng cho ngài, khiến ngài, sau khi ra khỏi tù, đã trở nên một chứng nhân hy vọng cho dân chúng trên toàn thế giới - chứng nhân của một niềm hy vọng lớn lao không tàn lụi ngay cả trong những đêm đen của cô liêu" (Spe Salvi, 32).

Và Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tiếp tục: "Ðể lời cầu nguyện phát triển được sức mạnh thanh tẩy, một đàng lời cầu nguyện ấy phải là cái gì đó rất riêng tư, là một cuộc gặp gỡ giữa thâm sâu của chính tôi với Chúa, Thiên Chúa hằng sống. Ðàng khác, lời cầu ấy phải luôn được hướng dẫn và soi sáng bởi những kinh nguyện quý giá của Giáo Hội và của các thánh, và bởi lời cầu phụng vụ, trong đó Chúa dạy đi dạy lại chúng ta làm thế nào cầu nguyện cho xứng hợp. Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, trong quyển sách của ngài về tập luyện đàng thiêng liêng, nói với chúng ta rằng trong cuộc đời ngài, có những thời gian dài ngài đã không thể cầu nguyện được và ngài đã phải bám lấy những kinh nguyện của Hội Thánh như kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và các kinh nguyện phụng vụ. Cầu nguyện phải luôn luôn có sự pha trộn giữa lời cầu nguyện chung và cá nhân. Ðây là cách thế chúng ta có thể thân thưa với Chúa và Chúa nói với chúng ta. Trong đường lối này, chúng ta trải qua những cuộc thanh tẩy, qua đó, chúng ta mở lòng mình ra cho Chúa và sẵn sàng cho việc phục vụ đồng loại. Chúng ta trở nên có khả năng cho niềm hy vọng vĩ đại, và do đó, trở thành các thừa tác viên của niềm hy vọng cho kẻ khác. Hy vọng trong ý nghĩa Kitô giáo luôn luôn cũng là niềm hy vọng cho những người khác..." (Spe Salvi, 33).

Như vậy, để có thể trở thành chứng nhân hy vọng, chúng ta không có con đường nào khác ngoài việc cầu nguyện. Cầu nguyện chính là trường dạy hy vọng như lời quả quyết của Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Và với niềm hy vọng không lay chuyển vào Thiên Chúa, chúng ta chắc chắn sẽ luôn sống an bình hạnh phúc ngay cả khi gặp thử thách, đêm đen của cuộc sống.

Gương sáng của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, sẽ giúp mỗi người chúng ta "tiến lên trên con đường đức tin sống động, đức tin thắp lên niềm hi vọng và hoạt động qua đức ái" (Lumen gentium, 41).

B. Linh Ðạo Hy Vọng từ chính cuộc sống của Ðức Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận

Muốn hiểu về linh đạo của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê, thiết nghĩ trước hết chúng ta cần phải nhìn vào huy hiệu giám mục của ngài, bởi vì qua đó ngài đã gởi gắm tất cả những hoài bão và ước vọng của ngài cho giáo phận Nha Trang của ngài, cho dân tộc Việt Nam, cho Hội Thánh Việt Nam và Hội Thánh hoàn vũ.

Huy Hiệu Giám Mục

Trước hết, huy hiệu của ngài có nền màu xanh đậm là của đại dương bao la và cũng là màu tượng trưng cho hy vọng; và với ngôi sao trắng tượng trưng cho Ðức Trinh Nữ Maria. Ngôi sao nầy là ngôi sao biển, Stella Maris, là ngôi sao dẫn đường cho những con thuyền trong cuộc du hành từ đời nầy sang đến đời sau, là niềm cậy trông và sự phù hộ bền vững cho ngài trong những tháng ngày tù tội sau này.

Nổi bật trên màu xanh biển và ngôi sao là ba ngọn núi của ba miền Bắc- Trung- Nam của Việt Nam, làm nên một biểu tượng tổng hợp của aqua et arida, là đại dương và lục địa. Chúng ta biết rằng, trong thời cổ đại, đại dương và lục địa còn có nghĩa là vũ trụ toàn cầu; và như thế cụm từ ấy nói lên rằng, Việt Nam không là một nước độc lập nhưng là một phần của thế giới; cũng như Hội Thánh Việt Nam không phải là một chủ thể riêng rẽ, nhưng chính là một chi thể sống động của Hội Thánh hoàn cầu.

Trên huy hiệu giám mục của ngài, chúng ta còn thấy hình ảnh của mười khúc tre, là biểu tượng của Mười Ðiều Răn của Chúa, và cũng là một biểu tượng Á Châu của người quân tử, luôn vươn cao và đứng thẳng trước mọi diễn biến của thời cuộc. Cây tre tượng trưng cho sự công chính, trong sạch và chân thành; và Lõi của đốt tre thì rỗng như là tâm hồn của một con người không chất chứa sự ích kỷ, tham lam!

Cuộc sống trong tù của ngài đã cho chúng ta thấy ngài luôn trung thành với những giá trị nhân bản và thiêng liêng mà ngài đã lồng vào trong huy hiệu giám mục của ngài. Nói tóm lại, huy hiệu giám mục của ngài đã nói lên rất nhiều về cái nhìn của ngài về thế giới, Hội Thánh, đất nước Việt Nam, gia đình và chính cá nhân ngài.

Châm Ngôn Giám Mục

Bây giờ, mời Anh Em cùng suy nghĩ về phương châm giám mục của ngài - Vui Mừng và Hy Vọng (Gaudium et Spes) - Ðây là những từ đầu tiên của Hiến chế Mục vụ của Công Ðồng Vaticanô II. Ngài muốn trở nên chứng nhân của Vui Mừng và Hy Vọng; hay nói cách khác, ngài luôn muốn theo đuổi Vui Mừng và Hy Vọng như là Linh đạo của ngài để hướng dẫn đàn chiên của ngài nói riêng, và của Hội Thánh nói chung, về với Thiên Chúa tình yêu, là cội nguồn của mọi Vui Mừng và Hy Vọng của con người.

Vui Mừng và Hy Vọng chính là linh đạo của Ðức Hồng Y mà ngài đã theo đuổi suốt cuộc sống của ngài. Ðó cũng chính là di sản thiêng liêng và quý báu mà ngài đã để lại cho chúng ta! Vui Mừng và Hy Vọng cũng chính là lăng kính mà qua đó chúng ta có thể nhìn thấy một cách rõ ràng hơn cái nhìn của ngài về bản thân của ngài, về tương quan của ngài đối với tha nhân, đối với tổ quốc Việt Nam, và đối với Hội Thánh Công Giáo Việt Nam và Hội Thánh hoàn vũ.

Tác Phẩm của Ngài

Vì thế, cũng không có gì ngạc nhiên khi những tác phẩm của Ðức Hồng Y đều tập trung vào chủ đề Hy Vọng. Ngay sau khi bị chính quyền đưa từ Sài Gòn về quản chế ở Cây Vông, Nha Trang, vào tháng 8 năm 1975, Ðức Hồng Y đã cố gắng đêm ngày viết cuốn "Ðường Hy Vọng" với 1001 câu suy niệm ngắn gọn để giúp giáo dân sống đạo một cách kiên vững trong hoàn cảnh mới của đất nước. Tiếp đến, trong thời gian quản chế ở Giang Xá, cách Hà Nội 17 cây số, từ 1978 đến 1982, Ngài cũng đã viết thêm hai cuốn sách dựa trên chủ đề hy vọng. Ðó là cuốn "Ðường Hy Vọng Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Ðồng Vatican II" và cuốn "Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng". Những năm biệt giam sau đó, Ngài đã viết khoảng 400 bài suy niệm bằng tiếng ngoại quốc, làm thành tập "Cầu Nguyện Hy Vọng". Và cuối cùng, trong dịp giảng tĩnh tâm cho Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và giáo triều Roma vào năm 2000, ngài cũng đã chọn đề tài Hy Vọng và chọn tên "Chứng Nhân Hy Vọng" cho tập sách 22 bài suy niệm này.

Cuộc đời Giám Mục của Ngài

Thật vậy, trong suốt những năm tháng tù đày, mất tự do, khó khăn về mọi phương diện, Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận vẫn luôn sống lạc quan và hy vọng. Và niềm hy vọng này đã được Ngài tiếp tục sống một cách mãnh liệt trong suốt quảng đời còn lại cho tới khi từ giã trần thế vào ngày 16.9.2002.

Không những sống hy vọng một cách quyết liệt triệt để và đầy xác tín, Ngài còn truyền đạt tinh thần hy vọng cho tất cả những ai Ngài có dịp tiếp xúc, gặp gỡ. Rất nhiều cán bộ, sĩ quan, lãnh đạo tôn giáo của Miền Nam bị đưa ra Bắc học tập cải tạo trên chuyến tàu thủy vào cuối năm 1975, đã nhờ tiếp xúc với ngài mà tìm lại được bình an và hy vọng. Nhiều sĩ quan, cán bộ Miền Nam học tập tại trại Vĩnh Quang, Vĩnh Phú, cũng đã tìm lại được niềm vui sống nhờ gặp gỡ và chứng kiến cách sống của ngài. Và đặc biệt, trong thời gian bị quản chế ở Giang Xá từ tháng 5 năm 1978 đến tháng 11 năm 1982, rất nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân và cả những người bên lương đã được củng cố niềm hy vọng và an bình sau khi đến tìm gặp ngài. Và sau này, trong thời gian làm việc tại Giáo triều Roma, rất nhiều người Việt Nam cũng như ngoại quốc, đạo cũng như đời, đã tìm được niềm vui trong cuộc sống nhờ gặp gỡ và tâm sự với ngài.

Nói tóm lại, về cuộc đời của Ðức Hồng Y, rất nhiều kỷ niệm đã được thuật lại nhưng hình ảnh rạng ngời của Ðức Hồng Y còn lưu lại sâu đậm trong tâm hồn mọi người là nụ cười đôn hậu và lối sống bình dị, vui tươi của ngài như một chứng nhân cho niềm hy vọng, một niềm hy vọng vừa siêu nhiên vừa nhân bản, bởi vì ngài luôn hy vọng vào Chúa và cũng không bao giờ mất niềm hy vọng vào người khác vì tin tưởng Chúa có thể biến đổi cuộc đời của họ thành tốt hơn.

Thật ra, trong đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu, hy vọng không bao giờ là một nhân đức độc lập, tách rời khỏi đức tin và đức mến. Nói cách khác, đức tin, đức cậy hay hy vọng và đức mến luôn liên kết với nhau một cách chặt chẽ. Người có đức tin thật, phải là người luôn sống tinh thần hy vọng và yêu mến tha nhân. Chính vì vậy, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong thánh lễ an táng của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê ngày 20.9.2002, sau khi tuyên dương Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê là Chứng Nhân Ðức Tin và là Chứng Nhân Hy Vọng, ngài đã nhấn mạnh đến đặc điểm đức ái nơi Ðức Hồng Y bằng chính những lời của Ðức Hồng Y: "Trong vực thẳm của khổ đau, tôi không bao giờ ngừng yêu mến mọi người. Tôi không hề loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi". Và Ðức Cố Giáo Hoàng cũng nhắc lại di chúc tinh thần của Ðức Cố Hồng Y: "Tôi thanh thản ra đi và không giữ trong lòng bất cứ oán hận nào đối với ai. Tôi dâng tất cả những đau khổ đã trải qua cho Ðức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Giuse". Và Ngài kết thúc như sau: "Ðức tin đã xác tín cho chúng ta rằng Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê đã không chết nhưng đã bước vào cuộc sống vĩnh hằng nơi mà mặt trời không bao giờ lặn".

Sứ Ðiệp Hy Vọng

Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận thường nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu châm ngôn sau đây: "Thất bại lớn nhất của đời người là mất niềm hy vọng". Ðiều này không những đúng trên bình diện nhân bản, xã hội, nhưng còn đúng cả trên bình diện thiêng liêng. Thật vậy, mất niềm hy vọng đồng nghĩa với việc mất niềm tin vào Thiên Chúa, vào quyền năng và tình thương không bờ bến của Thiên Chúa. Nói cách khác, người mất niềm hy vọng không những đánh mất cuộc đời mình ở trần thế, nhưng còn đánh mất cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa. Vì thế, mất niềm hy vọng là thất bại lớn nhất của đời người.

C. Ðôi Nét về đời sống thiêng liêng của Ðức Hồng Y Phanxicô xaviê Nguyễn Văn Thuận

1. Thánh Thể trong cuộc đời Ðức Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận

Ðức Hồng Y xác tín mạnh mẽ rằng Thánh Thể là sức mạnh và sức sống dưỡng nuôi nhân loại, vì nhờ Thánh Thể mà người ta được kết hiệp thường xuyên với Thiên Chúa và với Tình Yêu của Ngài.

Thiên ân đặc biệt này Ðức Hồng Y đã có được ngay từ thiếu thời. Thân mẫu của ngài hay nhắc lại chuyện hồi xưa chị cả của bà mắc phải bệnh lao mà qua đời tại Huế, Việt Nam. Thời ấy lao bị coi là môt chứng nan y bất trị, hay lây lan và vô cùng nguy hiểm. Bởi vậy thật khó mà tìm ra một chú giúp lễ chịu theo cha xứ đi trao Mình thánh cho Dì. Thế mà chú Thuận lại tự nguyện cứ mỗi ngày tan trường về là hăm hở đi theo Cha Sở già nua lội bộ tới tận nhà Dì Cả. Chú giúp Dì dọn mình rước lễ, ở lại cùng Dì cầu nguyện, mở Sách Lễ đọc cho Dì nghe mọi bài trong Thánh lễ. Chú Thuận tiếp tục giúp đỡ chăm nom cho đến ngày Dì qua đời.

Vừa mới chịu chức linh mục, đi làm phó cho Cố Richard, một thừa sai người Pháp, Cha Thuận đã tình nguyện làm tuyên úy cho nhà tù, nhà thương, trại cùi.

Những lời lẽ sau đây trong cuốn Ðường Hy Vọng diễn tả một cách rõ ràng lòng tin của ngài vào Thánh Thể :

"Muốn tin, phải nuôi mình bằng Thánh Thể, vì Thánh Thể chứa đựng 'Mầu nhiệm Ðức tin' và ban sức mạnh đức tin cho con" (Ðường Hy Vọng, 373).

"Biết giá trị Thánh lễ, dù xa dù khó con cũng cố gắng tham dự. Càng hy sinh con càng thấy mến Chúa hơn" (Ðường Hy Vọng, 346).

"Con muốn hỏi: 'Cách gì đẹp lòng Chúa hơn cả?'. Hãy tham dự Thánh lễ, vì không kinh nào, không tổ chức, nghi thức nào sánh bằng lời nguyện và hy lễ Chúa Giêsu trên Thánh giá" (Ðường Hy Vọng, 349).

"Dù cô đơn nơi đèo heo hút gió, dù tăm tối trong ngục tù, con hãy hướng về các bàn thờ trên thế giới, nơi Chúa Giêsu đang tế lễ; con dâng lễ và rước lễ thiêng liêng. An ủi và can đảm sẽ tràn ngập lòng con" (Ðường Hy Vọng, 364).

Trong cuốn Chứng nhân Hy vọng Ðức Hồng Y viết:

"Nơi nào chúng ta chịu khốn khó, nơi đó trở thành chỗ cho chúng ta cử hành Thánh Thể. Trong thế kỷ 20 đầy dẫy những chuyện thống thiết kể về những thánh lễ làm chui trong các trại tập trung, vì không có Thánh Thể chúng ta không thể sống chính sự sống của Thiên Chúa. Làm sao tôi diễn tả được niềm vui lớn lao của tôi: Mỗi ngày với 3 giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay, tôi cử hành Thánh lễ. Ðấy là bàn thờ của tôi, là nhà thờ chính tòa của tôi! Thánh lễ là phương dược chữa xác cứu hồn, là thang thuốc trường sinh bất tử ".

Rồi nơi trang 154, cuốn Chứng Nhân Hy Vọng:

"Trong trại cải tạo, chúng tôi được chia thành từng nhóm 50 người. Chúng tôi ngủ chung trên một cái giường thật dài, mỗi người đưọc 50 centimét. Mỗi đêm, chúng tôi thu xếp làm sao để có 5 người Công giáo nằm cạnh tôi. Vào lúc 9 giờ rưỡi tối, tất cả chúng tôi phải tắt đèn đi ngủ. Lúc ấy tôi cúi mình trên giường để làm lễ thuộc lòng, và phân phát Mình thánh Chúa bằng cách luồn tay dưới mùng muỗi. Chúng tôi chế cả những túi giấy nhỏ bằng bao thưốc lá, để giữ Mình thánh và mang cho người khác. Tôi luôn mang Mình Thánh Chúa trong túi áo sơ-mi" (Chứng nhân Hy vọng, p.154-155)

Nơi trang 155, cuốn Chứng Nhân Hy Vọng, Ðức Hồng Y chia sẻ với chúng ta:

"Ban đêm, các tù nhân thay phiên nhau thờ lạy Mình thánh. Với sự hiện diện lặng lẽ, Chúa Giêsu Thánh Thể đã làm nên những việc kỳ diệu. Nhiều người Công giáo đã bắt đầu trở lại một cách nhiệt tình. Và xác chứng của họ về sự yêu thương và phục vụ đã có một ảnh hưởng ngày càng lớn trên các tù nhân khác. Ngay cả những anh em Phật tử và bên lương cũng tìm được đức tin. Sức mạnh tình yêu của Chúa Giêsu thật mạnh mẽ không thể cưỡng lại. Và thế là đêm tối của nhà tù đã trở thành ánh sáng Phục sinh, và hạt giống đã được gieo vào lòng đất trong bão tố. Nhà tù trở thành trường dạy giáo lý. Các tín hữu rửa tội cho các bạn đồng tù và trở thành những người đỡ đầu cho họ".

Ngài nói tiếp:

"Hiện nay, người ta đang tìm cách toàn cầu hóa mọi lãnh vực, nhưng điều này có nguy cơ làn cho các vấn đề thêm trầm trọng thay vì giải quyết tốt đẹp#Thế giới cũng thiếu một nguyên tắc hiệp thông và huynh đệ đại đồng: chính Chúa Kitô là Bánh Thánh thể làm cho chúng ta nên một trong Ngài và dạy chúng ta sống theo kiểu mẫu hiệp thông trong phép Thánh thể" (Chứng nhân Hy vọng, p.157)

"Mỗi lần dâng Thánh lễ là mỗi lần tôi được dịp giang tay đóng đanh chính mình vào Thập giá với Chúa Giêsu, cùng cạn chén đắng với Ngài".

Khi Cô Anne Hàm Tiếu (em gái của Ðức Cha Thuận) ra phi trường quốc tế Bangkok đón Ðức Cha bay từ Việt Nam qua sau khi ngài được chính phủ Việt Nam cho phép ra nước ngoài, (cũng là lúc bắt đầu cuộc sống xa quê hương), ngài nói với cô em :

"Anh không có vật gì đáng giá về mặt thế gian để làm quà cho cha mẹ và các em cả. Anh vỏn vẹn chỉ có một tấm vé một chiều đi Úc, không tiền không bạc, chỉ mỗi một bộ quần áo trên người, mà lại là đồ người ta biếu, nhưng anh có một vật của Trời cho, xin tặng cả nhà: Chiếc hộp kẹo".

Cô Anne không thốt nên lời, lẳng lặng nghe ngài giải thích. Thì ra hộp kẹo này chính là vật mà trong tù ngài đã dùng để đựng đồ lễ: khăn lau, chiếc thìa để múc những giọt rượu quý báu và cái túi đựng Mình thánh Chúa.

"Dù thiếu tất cả, dù mất tất cả, nhưng còn Thánh Thể là còn tất cả vì con có Chúa Thiên đàng dưới đất" (Ðường Hy Vọng, 363).

2. Yêu thương mọi người

Lòng yêu mến Chúa, nhất là Chúa Giêsu Thánh Thể một cách thân tình thắm thiết, là nguồn mạch của tình yêu nên Ngài đã yêu thương mọi người, kể cả những kẻ đày đoạ mình. Trong 13 năm tù, Ðức Hồng Y thường cầu nguyện: "Con muốn sống làm chứng nhân cho tình yêu của Chúa Giêsu".

Ngài muốn như cậu bé trong Phúc âm dâng cho Chúa Giêsu 5 chiếc bánh và 2 con cá. Ðó là tất cả những gì cậu có, cậu cho đi để làm dụng cụ bày tỏ tình yêu của Chúa đối với đám đông dân chúng.

Ngay từ khi mới bị bắt ở Sài Gòn và bị đưa ra quản thúc ở Cây Vông, Nha Trang, Ngài đã viết về cách sống và cách cư xử của ngài đối với mọi người: "Cha lại đi thêm một quãng đường -- Chông gai mịt mù và vô định. Trên đường Cha gặp lắm lữ khách -- Cha đã xem tất cả là bạn -- Xem mọi biến cố là kinh nghiệm quý báu -- Vì tất cả là hồng ân".

Ngài đã viết trong Ðường Hy Vọng số 984: "Các con chỉ cần mang một thứ đồng phục và chỉ cần nói một thứ ngôn ngữ: đó là thứ ngôn ngữ của tình yêu thương", vì ở đâu có tình yêu thương, ở đó có Ðức Chúa Trời.

Và khi ở trong tù, nơi tưởng rằng chỉ có tuyệt vọng với tiếng khóc than và lời nguyền rủa oán hận, thì trái lại, Ngài luôn luôn yêu thương mọi người. Ngài yêu thương ngay cả những người bách hại Ngài, từ các quan cao cấp nhất đến những người lính canh tù. Ai ai cũng tỏ ra lạnh lùng đối với Ngài vì họ phân biệt rất rõ ràng: "Bạn là bạn, thù là thù không thể nào đội trời chung". Nhưng Ðức Hồng Y đã cầu nguyện: "Lạy Chúa, con đây với hai bàn tay trắng. Con không có quà cáp gì để biếu người ta để xoá bỏ hố sâu ngăn cách. Con không biết làm cách nào bây giờ? Hôm đó Chúa bảo Ðức Hồng Y qua một ý nghĩ trong đầu Ngài: "Con có cả một kho tàng quí báu. Ðó là tình thương của Chúa Giêsu trong trái tim con. Hãy yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu thương con..." Và ngài đã dùng tình thương để hoán cải những người lính canh tù rất lạnh lùng nầy trở thành những người bạn và sau 6 năm biệt giam, Ðức Hồng Y đã nhận được thư của một người cai tù như sau:

"Anh Thuận thân mến,

Tôi đã hứa với anh là sẽ cầu nguyện cho anh. Mỗi Chủ nhật, nếu Trời không mưa lúc nghe chuông Lavang, tôi lấy xe đạp vào trước đền thờ Ðức Mẹ vì chiến tranh bom đạn đã đánh sập Nhà thờ rồi. Tôi cầu nguyện như thế nầy: Thưa Ðức Mẹ, tôi không có đạo, tôi không thuộc kinh nào cả. Nhưng tôi đã hứa cầu nguyện cho anh Thuận nên tôi đến đây xin Ðức Mẹ biết anh Thuận cần gì thì cho anh ấy".

Những người được hân hạnh biết Ðức Hồng Y đều nhận thấy có một cái gì khác thường trong cách ăn nói cư xử của Ngài: nó tác động làm cho mọi người gặp Ngài cảm thấy bình an và thân tình. Tôi cũng có nghe ngài kể lại nỗi kinh hoàng của biến cố Mậu thân (1968), kinh nghiệm khổ đau của những năm tù đày, bệnh tật, sự hiểu lầm của bạn hữu và nhiều người# nhưng trước những nghịch cảnh đó tôi không hề nghe ngài thốt lên một lời hận thù# Ngược lại, ngài luôn nhẫn nhục, yêu thương hết mọi người. Yêu thương Gia đình, Tổ quốc, Hội Thánh, Ðịa phận Chúa giao phó, yêu thương những người nghèo đói bệnh tật, nhất là những người phung cùi: ngài thành lập Hội Bạn người cùi lấy tên là Lazaro. Ngài thương yêu tất cả mọi người, thương yêu cho đến cùng, như Chúa Giêsu, thương yêu cả những người bách hại mình.

Tháng 10 năm 1975, vào những ngày đầu của lao tù, ngài đã viết: "Tôi không xem ai là kẻ nghịch của tôi, kể cả những người căm thù tôi nhất, những người bắt bớ tôi, thề không đội trời chung với tôi. Tôi luôn luôn xem họ là anh em tôi" (ÐHV 793)

Trong lời mở đầu cho cuốn "5 chiếc bánh và 2 con cá" xuất bản năm 1997 (bằng tiếng Ý) Ðức Hồng Y thú nhận khó khăn của ngài sau khi được trả tự do:

"Nhiều lúc tôi cảm thấy khó chịu trong lòng vì người ta phỏng vấn, muốn thúc giục tôi nói những chuyện giật gân trong thời gian lao tù, muốn tôi kết án, tố cáo, khích động đấu tranh trả thù. Đó không phải mục đích của tôi. Nguyện vọng lớn nhất của tôi là trao lại cho các bạn trẻ một sứ điệp của tình thương và sự thật, của công lý và hòa bình, của tha thứ và hòa giải, để xây dựng" (trang 7).

Nhiều người hiểu lầm Ngài về thái độ này. Nhưng đòi hỏi của Phúc âm vượt trên những tính toán của con người. "Bác ái không có biên giới; nếu có biên giới, không còn là bác ái nữa" (ÐHV787). Người tôi tớ Chúa, "đứa con điên của Mẹ" không đặt điều kiện, không chùn chân trước khó khăn, cương quyết theo Chúa cho đến cùng, yêu thương như Chúa đã yêu thương nhân loại. Thánh giá là đường, là niềm hy vọng độc nhất của người môn đệ.

Xin gợi lại đây cuộc đối thoại của người Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê với anh canh tù (mà chính Ngài đã ghi lại trong 5 chiếc bánh và 2 con cá: chiếc bánh thứ năm):

"Ðiều khó hiểu nhất đối với chiến sĩ gác tù, là thái độ tha thứ yêu thương địch thù của mình. Có hôm mấy anh gác hỏi tôi:

- Ông có thương chúng tôi không?

- Có chứ, tôi yêu thương các anh cách thành thực, không có gì là khách sáo đâu!

- Kể cả khi người ta giam ông, mất tự do, năm này sang năm khác? Không xét xử gì cả?

- Anh nghĩ lại bao nhiêu năm ở với nhau. Tôi làm sao giấu được. Tôi thực sự yêu thương các anh.

- Chừng nào được tự do ông có sai giáo dân của ông trả thù không?

- Không, tôi vẫn tiếp tục yêu thương, dù các anh có muốn giết tôi.

- Nhưng tại sao lại yêu kẻ thù hại ông?

- Vì Chúa Giêsu đã dạy tôi yêu thương; nếu tôi không tuân giữ, tôi không đáng gọi là Kitô hữu nữa".

Do đó, chỉ có tình yêu Kitô giáo mới thay đổi được lòng người, chứ không phải bom đạn, hay là đe doạ bức hiếp.

3. Ðức Maria trong cuộc đời Ðức Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận

Trong suốt cuộc đời trần thế, Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê đã luôn sống kết hợp vô cùng chặt chẽ với Mẹ Maria, qua từng chặng Ðường Hy Vọng.

Xin nhắc lại một số sự kiện và chứng từ về mối tương quan sống động giữa Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê và Mẹ Maria.

Ngay từ thời thơ ấu, Bà nội và mẹ của ngài đã rót vào tâm hồn ngài tình yêu mến Ðức Mẹ qua những buổi kinh tối, lần hạt. Sau mỗi buổi đọc kinh chung, Bà nội của ngài còn dâng lên Mẹ thêm một chuỗi Mân Côi để cầu nguyện cho các Linh mục. Ðặc biệt, gia đình Bà Cố rất sùng kính Ðức Mẹ La Vang, luôn khuyên nhủ con cháu trông cậy và cầu nguyện cùng Mẹ La Vang. Ngài ghi nhớ rất kỹ ấn tượng này từ thuở thiếu thời.

Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê có kể lại rằng thuở còn du học ở Rôma, ngài đã đến hành hương Ðức Mẹ Lộ Ðức. Khi cầu nguyện, ngài nghe như có tiếng Ðức Mẹ nói trong lòng mình: "Mẹ không hứa ban cho con hoan lạc, vui vẻ, mà ban cho con đau khổ và thử thách".

Những lời này sau 8 năm Giám Mục đã được ứng nghiệm. Ngày 15 tháng 8 năm 1975, ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ngài được mời đến Dinh Ðộc Lập, nay là Dinh Thống Nhất, để phải bất ngờ chấp nhận khởi sự một cuộc hành trình đầy băn khoăn, gian khổ và thử thách kéo dài 13 năm. Hành trang ra đi chỉ có chiếc áo dòng và một chuỗi hạt Mân Côi.

Sau khi được trả tự do, có người hỏi ngài: "Trong tù, chắc Ðức Cha có nhiều thì giờ cầu nguyện?" Ngài trả lời: "Vậy ai muốn cầu nguyện thì cứ vào tù!" Thực ra, đã nhiều lần ngài tâm sự rằng có những lúc thể xác yếu đuối, mệt nhọc và đói khát, thêm vào đó là tinh thần căng thẳng, việc cầu nguyện cũng không dễ dàng gì. Nhiều khi ngài cố gắng lắm mới đọc được Kinh Kính Mừng hay Kinh Hãy Nhớ, nhiều khi chỉ biết kêu lên hai tiếng Ave Maria, Ave Maria# Tuy vậy ngài không bao giờ dám sao lãng việc cậy trông vào Ðức Mẹ.

Khi cuộc thử thách cam go cao độ, ngài đã dám kêu xin: "Lạy Mẹ, Mẹ muốn con làm gì cho Mẹ? Con sẵn sàng thi hành mệnh lệnh của Mẹ. Ngày nào Mẹ thấy con không còn ích lợi gì cho Hội Thánh nữa, thì xin Mẹ cho con được ơn chết trong tù. Nếu Mẹ thấy con còn có thể làm được gì cho Hội Thánh thì xin Mẹ cho con được ra khỏi tù vào một trong những ngày lễ kính Mẹ". Sau này ngài thú nhận rằng không biết mình có phạm tội thách đố Ðức Mẹ hay không!

Ðến ngày 21 tháng 11, năm 1988, một cán bộ đến gặp ngài:

- Ông Thuận, ông ăn cơm chưa?

- Chưa. Tôi đang nấu.

- Ăn cơm xong, ăn mặc sạch sẽ để đi gặp lãnh đạo.

- Lãnh đạo nào ạ?

- Tôi không biết. Tôi chỉ làm theo lệnh cấp trên.

Cơm trưa xong, ngài được đưa đến Nhà khách Chính phủ. Sau cái bắt tay xã giao, ông Mai Chí Thọ, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Nội Vụ, nói:

- Ông Thuận, ông có nguyện vọng gì không?

- Tôi muốn được tự do.

- Bao giờ?

- Ngày hôm nay.

Thấy ông Bộ trưởng có vẻ bối rối, ngài nói tiếp:

- Tôi ở tù trải qua 3 đời Ðức Giáo Hoàng là Phaolô đệ lục, Gioan Phaolô đệ nhất và Gioan Phaolô đệ nhị. Và thời gian ở tù của tôi cũng đã trải qua 4 đời Tổng Bí thư Liên Xô: Breznev, Andropov, Chernenkô và Gorbachev.

- Ðúng! Ðúng!

Nói vậy rồi ông Bộ trưởng quay sang nói với người cán bộ:

- Hãy làm cho ông Thuận được toại nguyện.

Hôm đó chính là ngày Lễ Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thánh và ngài được tự do, ra khỏi ngục tù.

4. Chọn Chúa chứ không phải những việc của Chúa

Trong Nhà nguyện Mẹ Ðấng Cứu Thế, từ chiều ngày 12 đến 18.03.2000, Ðức Hồng Y FX đã giảng tĩnh tâm cho Ðức Giáo Hoàng và các thành viên Giáo triều Rôma. Những bài giảng của Ngài được in thành sách 'Chứng nhân Hy vọng'. Nhiều người lưu ý 'Bài suy niệm thứ 5 : Chọn Thiên Chúa chứ không phải những việc của Thiên Chúa'.

Ðấy chính là nền tảng đời sống Kitô: "Trong 9 năm biệt giam cơ cực, có lúc tôi bị giam trong một xà lim không có cửa sổ. Có khi đèn điện bật sáng từ ngày này qua ngày nọ. Có lúc lại ở trong bóng tối từ tuần này qua tuần khác. Tôi cảm thấy bị ngộp vì nóng bức và hơi ẩm. Tôi sắp bị điên lên. Lúc bấy giờ tôi là một giám mục trẻ, với 8 năm kinh nghiệm mục vụ. Tôi không thể ngủ nổi. Tôi bị dằn vặt bởi ý nghĩ phải bỏ giáo phận, phải bỏ dở những công việc của Chúa. Tôi cảm thấy một sự phẩn uất nổi lên trong tôi.

Một đêm kia, từ trong thâm tâm có một tiếng nói với tôi: 'Tại sao con day dứt như thế? Con phải phân biệt giữa Thiên Chúa và các công việc của Chúa. Tất cả những gì con đã làm và muốn tiếp tục làm, như các cuộc viếng thăm mục vụ, đào tạo chủng sinh, tu sĩ nam nữ, giáo dân, giới trẻ, xây trường học, các cư xá sinh viên, cứ điểm truyền giáo, đều là việc rất tốt và đúng là công việc của Chúa nhưng không phải là chính Thiên Chúa! Nếu Chúa muốn con rời bỏ tất cả những việc đó. Hãy bỏ ngay, và hãy tín thác nơi Ngài! Thiên Chúa sẽ giao việc của con cho người khác có khả năng hơn con. Con phải chọn Chúa, chứ không phải những công việc của Chúa!'

Ánh sáng ấy đã mang lại cho tôi một niềm an bình mới mẻ làm thay đổi hoàn toàn cách suy tư của tôi và đã giúp tôi vượt thắng những khoảnh khắc hầu như không thể chịu nổi về phương diện thể lý. Từ đó, một sự an lành tràn ngập tâm hồn tôi và lưu lại trong tôi suốt 13 năm tù đày. Tôi cảm thấy sự yếu đuối của con người mình, nhưng tôi luôn nhắc lại điều đã quyết định khi phải đối diện với nghịch cảnh. Nhờ thế tôi không bao giờ mất sự bình an.

Chọn Chúa, chứ không phải chọn những công việc của Chúa. Ðó chính là nền tảng đời sống Kitô trong mọi thời đại. Và đồng thời đó cũng là câu trả lời đích thực nhất cho thế giới ngày nay. Ðó cũng là con đường để thực hiện những dự định của Chúa Cha đối với chúng ta, đối với Hội Thánh và nhân loại ngày nay.

Kết

Người lữ hành đã đến bến. Ðã 11 năm rồi. Nhưng hình ảnh của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê vẫn còn đó, "âu yếm và thân tình". Ngài đã để lại một di sản thiêng liêng cho chúng ta, những người còn đang đi trên con đường Hy vọng. Mong lời và gương sống của Ngài cũng được tỏa sáng nơi mọi người. Cái quan trọng không phải là nói về Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê mà sống như Ngài đã sống.

Người môn đệ Chúa Kitô trước hết là người "ở lại" với Chúa trong hôm nay của cuộc đời mình. Khi trong tay không còn gì, đường đi như sa mạc, không quá khứ không tương lai, chỉ còn lại những giây phút hiện tại như những hồng ân có được, như những giây phút đẹp nhất của cuộc đời. Người tôi tớ Chúa cầu nguyện:

"Lạy Chúa, con không đợi chờ,
con quyết sống phút hiện tại,
và làm cho nó đầy tình thương,
vì chấm này nối tiếp chấm kia,
ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút này nối tiếp phút kia,
muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đời sẽ đẹp.
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh."

Chỉ là những góp nhặt đó đây để chia sẻ cùng với các Anh em linh mục trẻ về một người Thầy, một người Cha kính yêu, Ðức Hồng Y Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
 
Thường huấn Linh mục ở Nha Trang
Nha Trang, 04.08.2013

Lm Phêrô Phạm Ngọc Lê

Tác giả: Lm Phêrô Phạm Ngọc Lê

Nguồn tin: vntaiwan.catholic.org.tw

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập92
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm91
  • Hôm nay33,278
  • Tháng hiện tại408,532
  • Tổng lượt truy cập67,433,379
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây