Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận: Mẫu gương nhà truyền giáo

Thứ sáu - 01/03/2024 03:32
Giáo hội, và nhà truyền giáo nói riêng, loan báo Tin mừng nhưng cũng phải biết đối thoại, lắng nghe, và giúp các nền văn hóa được biến đổi và thanh luyện bởi Tin mừng. Nhà truyền giáo phải ý thức rằng trong vùng đất truyền giáo, anh ta phải học cách bơi trong những vùng nước khó khăn, và qua đó nhận ra tầm quan trọng của đức tính thận trọng và sáng suốt.
Mgr Bernard Munono Muyembe
 
Bài thuyết trình của Đức Ông BERNARD MUNONO MUYEMBE, DSSUI, trong Hội thảo “Cuộc đời, Sự thánh thiện, và Sứ vụ”, được tổ chức tại Điện San Calisto, Roma, ngày 15/9/2022, nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của của Đấng Đáng kính Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận.
----------------------
Thật là vinh dự đối với tôi, một đặc ân và trên hết là một bổn phận rất dễ chịu, được bày tỏ lòng kính trọng đối với người đã khiêm tốn tự gọi mình là “Chú Phanxicô”.

Khi nhận nhiệm vụ này tôi hoàn toàn nhận thức được rằng trong số những người đã sống gần gũi với ngài có những người có trình độ hơn tôi, những người lẽ ra có thể trình bày tốt hơn tôi về chủ đề này. Nhưng vì đã được chọn, tôi muốn đưa ra một số suy tư về sứ mạng truyền giáo, bắt đầu từ tấm gương và cuộc đời của Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận.

- Nhà truyền giáo của hôm qua và hôm nay

Tôi xúc động khi được nói về ngài tại nơi đã từng là nhà của ngài trong nhiều năm, và là nơi rất quan trọng trong sứ mạng của ngài trong Giáo triều Rôma. Chính từ đây mà ngài đã chiếu tỏa khắp thế giới và khắp Giáo hội hoàn vũ việc loan báo Tin mừng Công lý và Hòa bình. Chúng ta tưởng niệm 20 năm ngày mất của ngài tại nơi này, chính nơi ngài đã tiếp đón các nhà hoạt động tông đồ từ khắp thế giới, các nhóm giám mục đến thăm Ad limina (nghĩa là để phúc trình về Giáo phận mỗi 5 năm), đại diện của thế giới chính trị, dân sự, văn hóa và học thuật, cởi mở để đối thoại trong nghiên cứu và cam kết hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn.

Trong giây phút mà chúng ta bày tỏ lòng kính trọng đối với vị tông đồ của lòng khiêm nhượng của Đức Kitô đang hiện diện giữa chúng ta, ngài nhìn chúng ta bằng cái nhìn xuyên thấu, với nụ cười thân thiện, và đến gặp chúng ta với bước chân vội vã và vững chắc, lắng nghe cách cẩn trọng tất cả mọi thứ mà những từ ngữ hạn hẹp của chúng ta cố gắng diễn đạt, tuy trong cách không hoàn hảo.

Chúng ta đừng quên sự thật rằng: cuộc đời, sự thánh thiện và sứ mạng của Đức HY Nguyễn Văn Thuận là những thành phần của một tổng thể gồm những chiều kích, của cùng một nhân cách, hòa quyện vào nhau đến nỗi khó có thể tách chúng ra khỏi nhau, ngoại trừ vì lý do phương pháp luận. Những ai quen biết ngài đề biết rằng ĐHY Nguyễn Văn Thuận không phải là một nhà lý thuyết, cũng không phải là một học giả. Thế nên việc cố gắng lý thuyết hóa cuộc đời của ngài là điều rất khó khăn. Theo ý tôi, chúng ta có thể nói về ngài qua việc trình bày một số đặc điểm khi không thể trình bày hết được về ngài.

Tôi đã gặp ĐHY PX Nguyễn Văn Thuận khi ngài đến Giáo triều Rôma. Đầu tiên ngài là Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình từ năm 1994 đến năm 1998, và sau đó là Chủ tịch của Hội đồng này cho đến ngày ngài qua đời, từ năm 1998 đến năm 2002. Ngài được nhiều người tìm đến để giảng tĩnh tâm, linh thao, hội nghị… Ngài như một thỏi nam châm cuốn hút những người chung quanh. Bất cứ ai nghe ngài nói đều muốn gặp ngài hoặc viết thư cho ngài. Cuộc sống của ngài hơn cả một bài học, lời văn của ngài khá vắn gọn, sâu sắc và cụ thể… Tôi đang nghĩ đến bài viết “Những Khuyết Điểm Của Chúa Giêsu” rất nổi tiếng của ngài, một bản văn mang tính hướng dẫn và đầy hài hước đến nỗi đối với những nhà thông thái trên thế giới này thoạt nhìn có vẻ như một dị giáo, trong khi đó là một cách truyền tải thông điệp Phúc Âm theo cách cá nhân hóa. Chúng ta cũng nên nghĩ đến bài viết “Các Mối Phúc Của Chính Trị Gia” mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu ra trong Sứ điệp của ngài vào Ngày Thế giới Hòa bình năm 2019; chưa kể đến “10 Điều Cần Ghi Nhớ” trong cuộc đời của Đức Hồng Y.

Ở đây tôi muốn cố gắng phác họa ra bản sắc của một nhà truyền giáo theo bước chân của Tôi Tớ Chúa PX Nguyễn Văn Thuận. Thật không dễ dàng vì quý vị đã từng nghe đọc nhiều tài liệu, đã từng suy gẫm về ngài, và người nói sau cùng dễ rơi vào nguy cơ lặp lại những gì đã được đề cập. Trong bài viết này tôi muốn đưa ra một vài suy tư về mẫu hình của một nhà truyền giáo theo gương của ĐHY Nguyễn Văn Thuận.

Hình ảnh của Đức HY Nguyễn Văn Thuận mang đặc trưng sâu đậm văn hóa và truyền thống của quê hương ngài, nhất là mang đậm đức tin.

Trong bài giảng đầu tiên của tuần Linh thao cho Giáo triều Rôma vào năm 2000 với sự hiện diện của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, ngài nói về gia phả của Chúa Giêsu, trong đó ngài muốn nhấn mạnh đến nguồn gốc Việt Nam và Á châu của mình: Gia phả của Tổ tiên ngài qua 15 đời, vai trò của gia đình ngài, đặc biệt là của mẹ ngài trong việc khơi dậy đức tin của ngài, ngài đã cống hiến bài Linh thao này cho bà, và cũng cho cha ngài nữa. Ông là một kỹ sư góp phần xây dựng một phần các thành phố của quê hương ngài, và từ đó ngài đã học được cách phân tích các yếu tố. Trong bối cảnh này chúng ta có thể hiểu được vị trí được dành cho Đức Trinh nữ Maria, cho người phụ nữ cũng như cho Giáo hội với tư cách là một người phụ nữ và là một bà mẹ.

Không phải vô cớ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời khuyên này cho những người trẻ tuổi: Nếu một người đưa ra đề xuất với bạn, và bảo bạn hãy bỏ qua lịch sử, không quý trọng kính nghiệm của người lớn tuổi, coi thường mọi thứ đã qua và chỉ nhìn vào tương lai mà anh ta cho bạn, đây không phải là cách dễ dàng mà anh ta đang dùng để thu hút bạn với đề xuất của anh ta, để khiến bạn chỉ làm những gì anh ta bảo bạn hay sao? Anh ta cần bạn trở nên trống rỗng, mất gốc, nghi ngờ mọi thứ để bạn chỉ có thể tin tưởng vào những lời hứa của anh ta và phục tùng những kế hoạch của anh ta! Đây là cách thức hoạt động của những hệ tư tưởng có sắc thái khác nhau hầu phá hủy những cái đa dạng để qua đó có thể thống trị mà không có sự đối lập. Vì mục đích này, họ cần những người trẻ coi thường lịch sử, những người khước từ của cải tinh thần và nhân văn được lưu truyền qua nhiều thế hệ, những người phớt lờ mọi thứ đi trước họ, vì ký ức là một phần bản sắc sâu xa của một dân tộc… Đức Thánh Cha Phanxicô còn nói thêm rằng: Bản sắc và đối thoại không phải là kể thù của nhau. Bản sắc văn hóa riêng của một người trở nên sâu sắc hơn và phong phú hóa hơn khi được đối thoại với các thực tại khác.

- Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận là một con người khiêm nhượng

Điểm thứ 2 tôi muốn đề cập về lòng khiêm nhượng của Đức HY Văn Thuận trong mọi thử thách. Chúa Giêsu Con Thiên Chúa luôn tự giới thiệu mình là sứ giả của Chúa Cha, bất chấp thân phận nghĩa tử thần linh của mình, thứ có thể cho Ngài mọi đặc ân. Chúa Giêsu chấp nhận khiêm nhượng tự hạ mình, trở nên giống con người. Tương tự như vậy, tất cả những ai mà Ngài mời gọi theo Ngài, muốn trở thành môn đệ Ngài, đều phải đi vào cùng một ‘logic’ của sự tự hạ và khiêm nhượng (x. Phil 2, 7). Trở thành một nhà truyền giáo, được kêu gọi và được gửi đi thực hiện một sứ mạng bởi một người khác mà bạn phải trả lời vào cuối đời mình. Một thông điệp mà chúng ta công bố không phải là thông điệp của chúng ta, mà là thông điệp của người mà chúng ta đại diện, giống như Gioan Tẩy Giả đã từng nói: Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại. Một nhà truyền giáo chân chính không truất ngôi người đã sai mình và không cố gắng thay thế người đó, trái lại họ dùng sức mạnh và phương tiện của mình để thực hiện sứ mạng được giao phó.

Đức HY Văn Thuận là một con người rất khiêm tốn. Ngài nói: Tôi, Phanxicô, Tôi tớ của Đức Kitô, là người đứng chót trong số những người kế vị các Tông đồ, không nghĩ rằng tôi biết được nhiều điều trước mặt các anh em, ngoại trừ Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh. Đó là những lời đầu tiên ngài nói vào dịp Linh thao năm 2000 tại Giáo triều Rôma. Ngài không tìm kiếm vinh dự trên khán đài. Tại một hội nghị thế giới mà tôi cùng đi với ngài, tôi đã chứng kiến một cảnh khá nguyên bản xảy ra vào phiên làm việc cuối ngày, điều hành viên đã xướng danh Đức Cha Văn Thuận với chức danh Hồng Y, tuy lúc đó ngài vẫn chưa được phong Hồng Y. Một người tham gia trong hội trường đã đứng lên phản đối trước mặt ngài, nhưng Đức Hồng Y không hề tỏ ra khó chịu, và không bao giờ nhắc lại với tôi về tình tiết đó. Khi bị chế nhạo hoặc thậm chí bị xúc phạm, ngài không bao giờ đáp lại, cũng không bao giờ cho rằng mình bị xúc phạm hay sỉ nhục. Ngài nhẫn nại trong mọi sự và với mọi người. Chúng ta có thể nói như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI rằng ngài thực sự là người khiêm nhượng trong vườn nho của Chúa.

- Nhà truyền giáo phải biết lắng nghe và tôn trọng người khác

Điều thứ 3 tôi muốn nói về Đức HY Văn Thuận là ngài rất biết lắng nghe và tôn trọng người khác. Ngài hiểu được như Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II từng tuyên bố, rằng mỗi một con người cụ thể trên đường đi của ngài là con đường của Giáo hội, và ngài đã chấp nhận rủi ro khi đi theo con đường này. Điều đó ngụ ý rằng sự khiêm nhượng không viện lý do tự hống hách, tự cho mình là người độc quyền nắm giữ chân lý, nhưng là những tôi tớ của Tin mừng và được kêu gọi cộng tác với tất cả mọi người.

Giáo hội, và nhà truyền giáo nói riêng, loan báo Tin mừng nhưng cũng phải biết đối thoại, lắng nghe, và giúp các nền văn hóa được biến đổi và thanh luyện bởi Tin mừng. Nhà truyền giáo phải ý thức rằng trong vùng đất truyền giáo, anh ta phải học cách bơi trong những vùng nước khó khăn, và qua đó nhận ra tầm quan trọng của đức tính thận trọng và sáng suốt. Một nhà truyền giáo phải tước bỏ mọi thứ có thể ngăn cản anh ta hoàn thành sứ mệnh của mình và chấp nhận lòng hiếu khách người ta dành cho mình. Anh ta phải độc lập với đặc quyền và đặc ân có thể tiếp nhận, có thể điều khiển hoặc làm hư hỏng con người của mình và làm cho sứ mệnh của mình trở nên thiếu uy tín. Một nhà truyền giáo phải tự do, không để bản thân bị xiềng xích trói buộc và mở rộng tầm mắt cũng như trái tim của người khác để họ có thể hiểu những bí nhiệm của nước trời.

Đức HY Nguyễn Văn Thuận kể lại một đề xuất tham nhũng của một người nước ngoài tìm cách hối lộ ngài bằng một số tiền lớn, để làm điều hoàn toàn trái ngược với nghĩa vụ công dân, ơn gọi Kitô hữu và vai trò mục tử của ngài. Ngài kể rằng việc từ chối này đã khiến ngài gặp rắc rối. Sau đó, khi giảng tuần Linh thao tại Vatican, ngài đã đưa ra một bài suy niệm về điều đó trong lời cầu nguyện đáng để suy gẫm. Ngài nói: Trong số những thứ khác, đâu là những tội lỗi, khiếm khuyết mà chúng ta cầu xin được giải thoát với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, có lẽ là sự thiếu công chính trong công việc của chúng ta. Nếu chúng ta là kẻ phá rối công lý, có lẽ sự thiếu khách quan trong phán đoán và quyết định do thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng các câu hỏi, thiếu chú ý đến sự thật, thiếu sự phân định, có thể là sự mỏng dòn của con người khiến chúng ta trở nên yếu đuối khi chúng ta nhường bước trước những ân huệ đã nhận được, hoặc khi chúng ta nhát đảm sợ hãi trước quyền thế, hoặc khi sự phán xét của chúng ta bị điều kiện hóa bởi chủ nghĩa thiên vị cá nhân, dẫn đến nguy cơ nhượng bộ cách nào đó cho nạn tham nhũng. Chúng ta nói tất cả những điều này với sự khiêm tốn đến mức phần nào cảm thấy không thoải mái.

Ở một khía cạnh khác, một nhà truyền giáo của Đức Kitô phải biết suy nghĩ lớn và hành động nhỏ. Người môn đệ là sứ giả phải giống như Thầy của mình, là người của số nhỏ, theo cách diễn đạt của chính Đức HY Nguyễn Văn Thuận. Ngài làm việc với phương tiện ít ỏi là 5 chiếc bánh và 2 con cá. Ngài quan tâm đến những người thấp cổ bé miệng, đến trẻ em, những ai nhỏ nhất của nước trời, đến những người tội lỗi như Tin mừng đã nhắc nhở chúng ta, cách đặc biệt qua các dụ ngôn về “đồng tiền bị mất”, “con chiên lạc”, “đứa con hoang đàng”… Các dụ ngôn này cho thấy người chủ đã không bỏ qua bất cứ phương tiện nào để tìm lại những gì đã mất, ngay cả khi phải bỏ cả một đàn chiên để đi tìm chỉ một con chiên duy nhất.

Có nhiều câu chuyện khác, nơi đó nước trời bé nhỏ và ban đầu bị ẩn giấu, cuối cùng lớn lên trong sự viên mãn của nó, ví dụ dụ ngôn hạt cải. Do đó nhà truyền giáo phải hành động nhỏ nhưng suy nghĩ lớn. Chẳng ích gì khi thực hiện những việc vĩ đại, điều quan trọng là bắt đầu với những phương tiện sẳn có, và sau đó tham gia vào điều mà tôi sẽ gọi là sứ mạng theo từng bước nhỏ, giao việc đó cho Thiên Chúa của vương quốc để Ngài thực hiện những bước mà Ngài cảm thấy cần thiết cho sự phát triển của vương quốc và để vinh danh Ngài. Điều đó khiến chúng ta suy nghĩ về việc Giáo hội phải là Giáo hội của người nghèo như thế nào. Đây là một chủ đề được Đức Thánh Cha cũng như Đức HY Văn Thuận yêu thích. Việc diễn tả Giáo hội của người nghèo không có nghĩa là chúng ta muốn họ cứ nghèo, mà là chúng ta sẽ cố gắng nâng cao mức sống của họ về mọi mặt.

- Chuẩn bị cho tương lai

Một trong những đức tính của nhà truyền giáo là cố gắng giúp người tín hữu hoàn thành sứ mạng của mình. Sứ mạng này hàm ý rằng người được sai đi, như Gioan Tẩy giả đã nói, phải nhỏ lại để nhường chỗ cho người đã sai phái anh ta, hoặc người đến sau. Do đó không chỉ vì liên quan đến người đã sai anh ta mà anh ta phải ở vị trí thứ hai, mà còn liên quan đến những người mà anh ta được sai đến.

Vấn đề ở đây là đánh giá khả năng và kỹ năng của con người để họ trở thành những người cộng tác và nhà truyền giáo trong vườn nho của Chúa. Chúa Giêsu chuẩn bị cho thế hệ kế tiếp bằng cách kêu gọi các môn đệ đi theo Ngài, và chọn trong số họ những người gần gũi hơn để giao phó hoặc kín đáo giải thích một số điều mà không phải ai cũng có thể hiểu được, rồi sau đó Ngài sai họ tiếp tục sứ mạng của Ngài.

Đức HY Văn Thuận thường nghĩ về tương lai sứ mạng của mình. Ngài không những tiếp tục khích lệ các tín hữu từ trong ngục tù nơi ngài ở, mà còn thành lập một dòng nữ tu bản địa nhằm hỗ trợ các cộng đồng tôn giáo khác, và thúc đẩy việc đào tạo người giáo dân. Bằng cách này ngài hoạt động vì sự phát triển toàn diện của con người trong Giáo phận của ngài, và trong toàn Giáo hội qua các dự án cụ thể của các tổ chức từ thiện công giáo Caritas.

- Nhà truyền giáo phải có lòng vị tha và hy sinh

Một nhà truyền giáo đích thực phải có lòng vị tha và quan tâm tới những nhu cầu của người khác. Quan tâm giống như người chăn chiên nhân lành nhận biết chiên qua mùi hương của đàn chiên mình. Người ấy là anh em giữa các anh em và là người cha dạy dỗ con cái mình. Mục tiêu tông đồ của anh ta là những người được giao phó cho anh ta chăm sóc để “đàn chiên được sống và sống dồi dào”. Khi nói đến nhu cầu, chúng ta phải nghĩ đến con người bao gồm vật chất và tinh thần, thể xác và linh hồn, nên nhu cầu của họ không bị giới hạn ở chiều kích này hay chiều kích kia mà phải được xem xét cách toàn diện và thống nhất nơi con người. Nhu cầu vật chất cũng quan trọng như nhu cầu chăm sóc tâm hồn, nên anh ta phải quan tâm đến sự phát triển của cá nhân và cộng đồng mà họ thuộc về.

Trong khi bận chăm lo việc cử hành phụng vụ và các bài linh thao, Đức HY Văn Thuận vẫn quan tâm đến hoàn cảnh và nhu cầu của những người chung quanh. Ngài hỏi nhân viên về gia đình và những người thân của họ. Tôi nghĩ đến những phong bì thánh lễ mà ngài đã giấu tên, kín đáo bỏ tiền kèm theo lời cám ơn về sự cộng tác và khích lệ họ tiến về phía trước. Chẳng cần nói đến ai, chính tôi cũng còn giữ những lời này lời kia của người cha, người anh và người bạn mà ngài đã gửi cho tôi.

Lúc tôi đến thăm ngài trong bệnh viện vào một ngày trong những ngày cuối trước khi ngài qua đời, khi ngài hầu như không còn nhận ra được ai cả, thì ngài đã nhận ra tôi. Và mặc dù chịu nhiều đau đớn, ngài nói với tôi rằng ngài nhớ ngài đã mang ơn tôi vì công việc dịch bản Tóm lược Giáo lý về Học thuyết Xã hội Công giáo mà tôi đang làm. Tôi trấn an ngài, nhưng cả hai chúng tôi đều biết đó là những giờ phút cuối cùng của ngài trên cõi đất này.

Tôi tin chắc rằng từ thiên đàng, ngài tiếp tục cầu nguyện cho Giáo triều, cho Giáo hội, nơi ngài đã hiến mạng sống mình cho sự hiệp nhất giữa các giám mục, và cầu xin Thiên Chúa giữ gìn sự hiệp nhất giữa những người được trao phó cho các ngài hướng dẫn, và để có thể thực hiện công việc mà ngài đã không thể hoàn thành trong chuyến hành hương trên trần thế của mình.

- Nhà truyền giáo phải biết để tâm và suy xét

Chúa Giêsu từng nói với nhóm Mười Hai: Này Ta sai các con đi như chiên giữa bầy sói, vì thế hãy khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Nhà truyền giáo phải biết bơi trong dòng nước đầy khó khăn của xã hội và lịch sử, với sự đơn giản và dịu dàng, nhưng trên hết là với sự cẩn trọng. Anh ta phải suy xét trước khi hành động. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc phân định trong việc đánh giá các tình huống và đưa ra quyết định.

Tôi còn nhớ khi tôi làm việc với bản Tóm lược, tôi được yêu cầu dịch sang một ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ, Đức HY Văn Thuận đã viết cho tôi: Tôi biết năng lực của anh, nhưng tôi khuyên anh nên làm việc với vài người bản xứ để bản dịch của anh không bị hiểu sai. Ngài biết cách vượt qua các trở ngại để không rơi vào cái bẫy của người đời.

Nhà truyền giáo phải là một chiến binh, một người lính của Chúa, và phải biết bảo đảm hậu phương của mình. Sức mạnh của nhà truyền giáo phải đến từ uy quyền của Đấng đã sai mình, và họ phải biết duy trì sự hiệp thông với Thầy của mình.

Nhà truyền giáo phải biết quy tụ lại chứ không bao giờ chia rẽ hay phân tán. Những ai chia rẽ không phải là chủ chăn mà chỉ là người làm thuê. Đức HY Văn Thuận luôn nỗ lực vì sự hiệp nhất, đặc biệt là trong các cộng đồng khác nhau, với các thành phần khác nhau, chẳng hạn như các Bộ của Giáo triều Rôma. Ngài yêu thương từng cộng tác viên của mình, một tình yêu được tượng trưng bằng những cánh hoa hồng mà ngài cắm trong văn phòng mà chính ngài đã giải thích ý nghĩa của nó.

Có thể nói tóm gọn cuộc đời của Đức HY Văn Thuận bằng 3 từ này: Yêu Thương, Tha Thứ, và Hòa Giải. Ngài khuyên nhủ hãy nhìn tha nhân bằng cái nhìn của Chúa, để có thể trở thành những cộng tác viên của tình yêu Chúa. Chính ngài đã nói rằng mình không có kẻ thù vì ngài nhìn tha nhân bằng cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng làm cho mặt trời mọc trên người lương thiện cũng như kẻ ác, làm mưa đổ xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương.

Bí tích Thánh Thể làm cho chúng ta trở nên một tấm bánh, một thân thể. Và nhờ Bí tích Thánh Thể mà Đức Kitô có thể nắm lấy vận mạng của loài người trong tay, và đưa họ đến cùng đích thực sự của họ: một Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em.

Đức HY Văn Thuận là người biết cầu nguyện. Cầu nguyện là linh hồn của hoạt động tông đồ truyền giáo. Một nhà truyền giáo được sai đi phải biết cầu nguyện và phải chuẩn bị đối mặt với các thế lực của sự dữ. Đừng quên rằng sẽ luôn có một loại ma quỷ chỉ có thể trục xuất được bằng cầu nguyện và ăn chay. Đức HY Văn Thuận tin chắc điều này nên ngài đã cất giữ trong văn phòng mình một bức tượng quỷ được tặng cho ngài trong một chuyến đi đến Mexico. Ngài chú ý đến các thực tại này của các thế lực sự dữ, vì ngài biết mình là con người yếu đuối nên phải luôn luôn tỉnh thức để chống lại mọi cám dỗ.

Đức Hy Vọng là một trong những đức tính căn bản của Đức HY Văn Thuận, cũng như tình yêu thương, sự hòa giải và tha thứ. Niềm hy vọng không có nghĩa là mọi thứ sẽ ổn, nhưng đúng hơn nó là giá trị sâu sắc của niềm tin vào những thực tại tương lai mà chúng ta không thể nhìn thấy được lúc này, nhưng chúng ta chắc chắn rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ đạt đến sự thật này mà chúng ta đang hy vọng.

13 năm trong tù, Đức HY Văn Thuận đã rút ra từ lời cầu nguyện đơn giản và ngắn gọn, sức mạnh của sự kiên trì trong đức tin, lòng tín thác vào sự bàu cử của Mẹ Maria. Đây là thời điểm giống như vàng được thử thách trong lò lửa của ngục tù và cô lập. Có thể nói theo lời của Đức Giám mục Raymond-Marie Tchidimbo, ngài cũng đã phải chịu đựng dưới bàn tay của một chế độ độc tài và phải ngồi tù hơn 8 năm, ngài nói rằng thời gian tù này là thời gian ở nhà tập, thời gian thực hiện sứ mạng tưởng chừng như bất khả dĩ trong con mắt của loài người đối với một cựu tù nhân đang trong tình trạng tuyệt vọng, thật sự còn hơn là tuyệt vọng, vì người ta cho rằng tôi đã chết. Người ta đã dâng những thánh lễ cầu hồn cho tôi. Nhưng Chúa có thể vẽ đường thẳng bằng đường cong. Chúng ta có thể nói về lời chứng và sự kiên định trong cuộc đời của ngài.

Sự lựa chọn Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta, theo lời giải thích của Tôi tớ Chúa là phải loại bỏ việc thờ ngẫu tượng. Ngày nay cũng như trong thời Cựu ước và Tân ước, ai chọn Thiên Chúa cũng phải chấp nhận những bất lợi trong lãnh vực kinh tế, quyền lực hay những lợi ích khác. Vì sự lựa chọn này mà có những người không thể vào đại học, có người không kiếm được việc làm, có người không thể trở lại quê hương…, và nhiều thế hệ Kitô hữu ở nhiều quốc gia đã can đảm chấp nhận những hy sinh này để theo Chúa.

Sự can đảm trong cuộc sống là tấm danh thiếp của các nhà truyền giáo cũng như của bất kỳ Kitô hữu tốt lành nào. Điều này được thể hiện cụ thể qua gương sáng đời sống để không gây ra tai tiếng và để khích lệ người khác trung thành theo Chúa Kitô. Cuốn Kinh Thánh duy nhất được đọc bởi những người được gọi là ở xa Chúa là chính cuộc sống của các Kitô hữu. Nhà truyền giáo đích thực đáng tin cậy là người thu hút và dẫn dắt người khác đến với đức tin chứ không làm người khác xa đức tin. Trong việc này anh ta phải là một người lãnh đạo, một hướng dẫn viên chu đáo giống như bất kỳ vị chủ chăn tốt lành nào.

Đức HY Văn Thuận khuyên nhủ nếu Chúa muốn chọn bạn là người có trách nhiệm trong bất cứ hoàn cảnh nào thì bạn hãy luôn luôn khiêm tốn và quảng đại, bạn có một sứ mệnh vô cùng quan trọng. Không cần phải nói sâu thêm về chủ đề này, tôi mời các bạn suy gẫm về những bài suy niệm Tôi tớ Chúa đã viết trong cuốn sách “Đường Hy Vọng” của ngài.

Đọc kỹ lại cuộc đời của Tôi tớ Chúa cho thấy cuộc đời ngài được bắt đầu khi còn trong bụng mẹ, và qua một chuỗi ký ức dài bao gồm cả nghi lễ Rửa tội của ngài với cái tên của một nhà truyền giáo, Phanxicô Xaviê, được đặt cho ngài; những năm ngài được đào tạo đến chức linh mục; chức giám mục với phương châm mà ngài đã chọn cho chính mình: Vui Mừng và Hy Vọng; với các lá Thư Mục tử của ngài theo bước chân Công đồng Vaticanô II; chịu tử đạo trong tù; được trả tự do nhờ Đức Trinh nữ Maria; việc xa xứ ở Rôma và việc phục vụ Giáo triều Rôma đến lúc chết, và những bệnh hoạn… Những đường quanh co về cuộc đời thánh thiện của ngài mà ngài đã sống và được đề xuất cho Giáo hội như một con đường tình yêu của Đức tin và hy vọng trên mọi hy vọng.

Không có gì được biết trước trong cuộc đời của mỗi người. Chỉ có Chúa mới có thể viết thẳng cho những dòng quanh co của cuộc đời chúng ta nếu chúng ta đặt niềm tin nơi Người, như Đức HY Văn Thuận Tôi tớ của Người. Xin ngài cầu bàu cho chúng ta bước theo gương của ngài, trở nên những cộng tác viên của tình yêu Chúa và những nhân chứng đáng tin cậy của niềm hy vọng trong thế giới chúng ta./.

(Lê Văn Hùng ghi lại)
---------------------------
Đức Ông BERNARD MUNONO MUYEMBE, DSSUI,
- Là thành viên của Thánh Bộ Dịch vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện.
- Ngài có nhiều năm làm việc tại Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình khi Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận là Phó Chủ tịch và sau đó là Chủ tịch.
- Đức Ông Bernard Munono có bằng Tiến sĩ Triết học và Tiến sĩ Thần học.
- Ngài là quan sát viên Công giáo của Ủy ban Ngoại vụ quốc tế của Hội đồng Đại kết các Giáo hội.
- Năm 2020, ngài nhận giải quốc tế Gioan-Phaolô II, lần thứ 16  nhân dịp 100 năm ngày sinh của Đức Thánh Cha, công nhận những nỗ lực đóng góp của ngài cho việc bảo vệ sự sống dưới ánh sáng của Học thuyết Xã hội Công giáo.

Tác giả: Đức Ông BERNARD MUNONO MUYEMBE, DSSUI

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập496
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm494
  • Hôm nay151,732
  • Tháng hiện tại1,863,149
  • Tổng lượt truy cập59,149,018
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây