Ngày Họp Mặt Truyền Thống CCS Huế vùng Ninh Thuận-Nha Trang năm 2013

Chủ nhật - 22/09/2013 10:33

-

-
Mỗi năm một lần, cứ đến ngày 21-9, anh em CCS Huế vùng Ninh Thuận-Nha Trang lại gọi nhau ơi ới, tập trung về một địa điểm để mừng kính Thánh Tôma Trần Văn Thiện, bổn mạng chung của Gia đình Cựu Chủng sinh giáo phận Huế.
Ngày Họp Mặt Truyền Thống CCS Huế vùng Ninh Thuận-Nha Trang năm 2013
 
Mỗi năm một lần, cứ đến ngày 21-9, anh em CCS Huế vùng Ninh Thuận-Nha Trang lại gọi nhau ơi ới, tập trung về một địa điểm để mừng kính Thánh Tôma Trần Văn Thiện, bổn mạng chung của Gia đình Cựu Chủng sinh giáo phận Huế.
 
Thực tế vùng Ninh Thuận-Nha Trang gồm 3 cụm chính: Nha Trang – Cam Ranh – Ninh Thuận. Việc đăng cai tổ chức Ngày Họp Mặt hàng năm được thực hiện luân phiên nhau. Năm nay, phiên Ninh Thuận tổ chức, địa điểm được chọn là giáo xứ Sông Pha, nơi có cha Anrê Lê Văn Hải làm quản xứ. Việc chọn nơi này cũng có lý do riêng: anh em muốn chúc mừng cha Anrê Lê Văn Hải đã hoàn thành trong thời gian kỷ lục 2 ngôi nhà thờ mới, đặc biệt hơn nữa đó là những ngôi nhà thờ của người dân tộc thiểu số, nghèo khổ, chân chất…

Nhà thờ giáo xứ Sông Pha
 
Cơn bão số 9 đang hình thành trên Biển Đông, di chuyển về hướng Việt Nam, tạo nên vùng áp thấp rộng lớn. Anh em tại Quảng Thuận, đến giáo xứ Sông Pha khá sớm để chuẩn bị đón tiếp. Đoạn đường QL 27 từ Quảng Thuận đến Sông Pha có khoảng cách 15 Km đã được làm mới gần hết. Bầu trời trắng xóa, không có nắng, thỉnh thoảng những cơn mưa nhẹ. Tuy vậy thời tiết có vẻ oi bức mặc dù Sông Pha có thể coi là nơi có khí hậu tốt nhất của tỉnh Ninh Thuận.
 
Cha Lê Văn Hải và một giáo dân khác đang treo tấm pa-nô khi chúng tôi đến, thấy chúng tôi ngài nở nụ cười hoan hỉ, vội vã mang cà-phê đãi khách. Ngài là con người lao động chăm chỉ, quen với thiếu thốn, đã từng trải qua khá nhiều công việc nặng nhọc trước khi chịu chức linh mục: xây nhà, đào giếng, làm ruộng rẫy…; thú tiêu khiển tao nhã của ngài khi còn trẻ là băng rừng vượt suối để …câu cá! Vì thế không lạ gì khi Đức Cha luôn đưa ngài đến phục vụ toàn những nơi… chưa có nhà thờ! Và hễ làm nhà thờ thì thơ và nhạc có dịp tuôn ra liên tục… như để xóa tan những mệt nhọc và nâng tâm hồn lên. Nghe nói sau khi hoàn thành ngôi nhà thờ giáo xứ Sông Pha này, Đức Cha sẽ đưa ngài vào Cà Ná để thử sức ngài. Răng Đức Cha khun rứa hè!

 


 
Một chút riêng tư, cách đây mấy hôm có người Dì (Dì tôi và cũng là Dì cha Hải) là nữ tu đến thăm cha Hải tại Sông Pha, sau đó có ghé thăm tôi. Tôi sửng sờ khi Dì hỏi tôi: “H. ơi, răng con với cha Hải cùng lứa mà thấy cha Hải già rứa!” Tôi nghe mà xót lòng! Các linh mục lúc nào cũng trẻ hơn giáo dân cùng lứa tuổi là cái chắc! Nhưng ở đây thì ngược lại. Mong rằng cha Hải đừng nghe vậy mà nao núng, người ta nói rằng già hay trẻ đâu căn cứ trên tóc trên tuổi đâu, mà căn cứ vào việc đã làm được bao nhiêu việc hữu ích cho đồng loại!
 
Gần 9 giờ sáng, anh em từ Cam Ranh và Nha Trang cũng đến nơi. Mới có một năm không gặp mà nay tay bắt mặt mừng. Cha con, anh em đùa giỡn nhau ríu rít. Từ Nha Trang vào xe đi mất khoảng hai tiếng rưỡi. Còn từ Cam Ranh vào mất cũng gần hai tiếng. Cha Lê Văn Sỹ, nay là Tổng Đại diện giáo phận Nha Trang, hình như công việc và trách nhiệm vẫn không làm ngài hao mòn đi chút nào, vẫn trẻ trung, phong độ; cha Trần Văn Hiệu, sau những đợt chữa bệnh, sức khỏe có vẻ kém đôi chút, nhưng tinh thần thì vẫn không thay đổi. Cha Nguyễn Thời Bá điềm đạm hơn từ khi lên chức hạt trưởng hạt Cam Ranh, nước da ngâm ngâm bóng láng coi bộ mối mọt không đục khoét nỗi, sức khỏe dồi dào nhất trong mấy cha vùng Nha Trang. Cha Nguyễn Vinh thì nay không còn dzô dzô như trước, sau tại nạn tưởng chừng chết đi sống lại vào năm ngoái.

 






 
Mấy năm nay, có 2 vị niên trưởng luôn hiện diện trong ngày Họp Mặt Truyền Thống: NT Giacôbê Dương Đức Hạnh và NT Giuse Nguyễn Thiện. Hai niên trưởng thuộc khu vực Nha Trang, hiện vẫn phương phi, lanh lợi và khỏe mạnh làm đàn em thêm phấn khởi. Anh Lương Huân PX57, người luôn năng nỗ nhiệt tình dẫn dắt anh em Cam Ranh, đang phải điều trị đôi chân, lết đi từng bước, vậy mà nhiều khi ngồi lên xe máy là phóng một mạch từ Cam Ranh vào Quảng Thuận, không thua gì thanh niên khỏe mạnh.

 

2 NT Nguyễn Thiện và Dương Đức Hạnh
 
Nhìn lại các cha vùng Ninh Thuận, dù bao năm nay vẫn nguyên vẹn 3 cha, nhưng coi bộ phong độ không còn. Cha Võ Quý, từ khi được Đức Giám mục tin tưởng đặt làm Trưởng Miền Ninh Thuận, ngài gầy đi trông thấy, nhiều nếp hằn sâu xuất hiện trên khuôn mặt, đầu tóc hói và bạc nhiều hơn. Hàng tháng mỗi khi có dịp về Phan Rang tôi thường ghé thăm ngài, trò chuyện và hiểu được trách nhiệm và gánh nặng trên vai ngài thật nặng nề. Có lẽ những cơ hội hiếm hoi mỗi năm một lần trong ngày Họp Mặt như thế này tôi mới thấy ngài có những nụ cười thoải mái, nói năng nhiều hơn…
 
Người lớn tuổi thứ hai trong các cha là cha Lê Minh Cao. Ngài trụ trì tại Quảng Thuận nhiều năm nay, sống lâu ra lão làng, nên mới đây được lên chức hạt trưởng. Mỗi lần anh em nhắc đến chức hạt trưởng thì ngài lắc đầu quầy quậy coi bộ e thẹn lắm. Nghĩ cũng phải thôi, chiều dài hạt của ngài quản lý nếu anh em phóng xe máy chạy chừng 25 phút là từ đầu này đến đầu kia. Còn số cha trong hạt thì đếm được trên đầu ngón tay… nói đúng hơn là chưa hết hai bàn tay! Ngài rất say mê tận tụy trong công việc mục vụ với nhiều sáng kiến hay. Từ một giáo xứ nghèo và nhiều hạn chế, ngài đã nâng Quảng Thuận thành một giáo xứ năng động, xứng tầm là giáo xứ mẹ đã từng khai sinh thêm 3 giáo xứ hiện nay.
 
Cha Lê Văn Hải thì như tôi đã mô tả ở đầu bài. Ngài mời anh em vùng Ninh Thuận-Nha Trang sang năm có tổ chức thì ngài xin đăng cai ở một giáo xứ mới của ngài. Giáo xứ này mới đến nỗi hiện nay chưa có viên gạch nào, chỉ mới có cái tên: Giáo xứ Ca Na. Hy vọng chúng ta sẽ chứng kiến được phép lạ của ngài trong kỳ họp mặt tới.
 
Sau khi anh em có mặt đầy đủ, tất cả lại lên xe đến thăm giáo xứ Tầm Ngân với ngôi nhà thờ mang nhiều hình ảnh thân thương của người dân tộc thiểu số. Hiện nay đã có con đường mới bằng bê-tông từ Sông Pha đến Tầm Ngân gần hơn, nhưng anh em chọn con đường cũ để có dịp bước trên cây cầu treo mang nhiều huyền thoại.

 

Cha Trần Văn Hiệu lấy hết can đảm bước qua cây cầu treo.



 
Cuộc sống sẽ phong phú hơn nếu được thêm nhiều trải nghiệm, nhất là chứng kiến được đời sống đức tin, tình yêu thương triển nở và vươn lên từ những khó khăn của cuộc sống. Người giáo dân dân tộc thiểu số Tầm Ngân hiện nay đã có cuộc sống khác hẳn so với nhiều năm trước đây. Tuy nhiên nếu bạn là người ở thành phố, khi đến đây bạn sẽ có cảm tưởng mình đang bước sang một thế giới khác. Cuộc sống đầy đủ đôi lúc khiến con tim chúng ta trơ lì, vô cảm với người chung quanh… từ đó phát sinh tranh dành, chụp giựt, đạp lên tất cả để mưu tìm lợi ích riêng cho mình bằng mọi giá. Tình yêu thương bị gạt sang một bên, hay nói đúng hơn là bị vùi sâu bên dưới nhiều giá trị khác. Hãy đến Tầm Ngân một lần như anh em chúng tôi để chữa trị cho con tim rung động trở lại. Cuộc sống chỉ có thể gọi là sống thực sự khi con tim còn rung động, nếu không chỉ là cái chết bên trong một thân xác vẫn còn động đậy.

 
 
Sự trải nghiệm này là cần thiết. Anh em được cha Lê Văn Hải giới thiệu về đời sống người dân tộc thiểu số tại đây: đơn sơ, hồn nhiên, thật thà, mộc mạc, và hạnh phúc với những chi tiết hết sức nhỏ nhặt, nếu kể ra đối với chúng ta y như những chuyện để cười.
 
Một câu chuyện anh em được nghe cha Hải kể lại: Có một đôi vợ chồng người dân tộc kết hôn với nhau đến nhờ cha làm phép hôn phối.
 
Cha Hải hỏi: - Làm phép xong rồi về nhà có tổ chức chi không?
 
- Không đâu! Nhà mình có chi mà tổ chức? Đôi tân hôn đáp lại.
 
Cha Hải: - Vậy thì ngày mai lễ xong, tôi mời anh chị ăn tiệc cưới tại nhà xứ nghe.
 
- Dạ. Cám ơn cha.
 
Sáng ngày mai, hai anh chị mang đến đưa cho cha Hải 4 con gà. Cha ngạc nhiên hỏi:
 
- Mang gà đến làm gì?
 
- Nghe cha nói cha làm tiệc cưới cho mình. Ở nhà chỉ còn 4 con gà, mình mang hết tới đây để cha làm tiệc cưới cho mình.
 
Sau khi làm phép xong, đến phần dự tiệc, chú rể đứng lên phát biểu:
 
- Kính thưa 3 họ……
 
Cha Hải ngạc nhiên nhắc nhỏ: Sao lại 3 họ, 2 họ thôi chứ!
 
Anh ta giải thích: - Thưa cha, ở đây có 3 họ: Họ trai, họ gái và họ nhà xứ nữa chứ!
 
Một chút giật mình khi tôi nghe câu chuyện trên. Đôi lúc chúng ta sống với nhau quá nệ hình thức, e dè, đánh giá nhau dựa trên khuôn phép của xã hội, một xã hội ngày càng dư thừa vật chất nhưng thiếu sự cảm thông, quên đi sự chân tình và những gì xuất phát từ con tim. Một số người cho rằng, Gia đình CCS Huế phải làm được điều này, điều kia… phải thống nhất nội quy, tiêu chí, phải...phải... Riêng tôi cho rằng, chúng ta đến với nhau vì tình yêu thương, để chia sẻ, nhắc nhở cho nhau và nói lên giá trị bài học yêu thương là bài học căn bản để làm người, trong một thế giới đầy thù hận, gian trá, lọc lừa. Nếu chúng ta yêu thương nhau, yêu thương người chung quanh, thôi đừng nghi kỵ, đấu đá chỉ trích nhau, bài tập đó thực tế đã chứng minh là điều không dễ dàng gì. Một thực tế nữa cho thấy càng đầy đủ, giàu có vật chất, con người càng kiêu ngạo, đặt cái tôi lên trên và khó cảm thông với người khác. Hay nói cách khác: Vật chất to lên, tình người bé lại. Nếu chúng ta đồng lòng thực hiện được nhiều kế hoạch thì đó là điều quá tốt đẹp. Mong lắm! Nhưng nếu chúng ta thực sự cảm thông yêu thương chia sẻ, thì dù không làm được gì thêm cũng không thể coi là thất bại.

 
 
Có người đã từng nói với tôi rằng: Tầm Ngân là một xứ nghèo, sao không lo xây nhà người nghèo mà xây ngôi nhà thờ to lớn bề thế ? Lúc đầu tôi cũng cho rằng câu nói đó là chí lý. Tuy nhiên khi tiếp xúc với nhiều người giáo dân và với cha Hải, tôi lại có suy nghĩ khác, có thể là chủ quan cá nhân, nhưng là sự trải nghiệm cần thiết, đó là: Ngôi nhà thờ có sự đóng góp công sức rất lớn của chính người giáo dân dân tộc thiểu số tại đây. Điều này cho thấy chính họ coi trọng ngôi nhà thờ hơn ngôi nhà của mình. Tôi giật mình khi biết họ ăn uống như thế nào khi đến góp công làm nhà thờ: Mì tôm! Cha Hải cho biết hơn 150 triệu đồng mì tôm đã chi ra cho những bữa ăn. Làm một phép tính cho thấy khoảng 60.000 gói mì tôm, hay 2.000 thùng. Với người Kinh chúng ta thì chắc đã bỏ về hết, có đâu được ngôi nhà thờ, chưa nói là bề thế và đẹp khiến anh em xem và trầm trồ khen ngợi.
 
Trở về lại giáo xứ Sông Pha, các cha và anh em cử hành Thánh Lễ Mừng kính Thánh Tôma Trần Văn Thiện và Kỷ niệm 11 năm ngày TTC Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận về với Chúa. Chủ đề của ngày họp mặt năm nay của anh em vùng Ninh Thuận-Nha Trang: “Xây dựng đời sống gia đình để xây dựng giáo hội và xã hội”. Chủ đề này bám sát hoạt động canh tân của Giáo hội và nhiều nước trên thế giới trong thời gian này.

 
 
Ngày 19-09-2013, Đức hồng y Francesco Coccopalmerio, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Văn bản pháp lý nói rằng: “Hầu như trên khắp thế giới gia đình vẫn còn được coi là điều thiện hảo”, và ngài thêm rằng trong xã hội thế tục “tất cả vẫn còn là những mảnh rời của hôn nhân, chứ không phải là một kiến trúc toàn bộ”.
 
“Hôn nhân đã không bị tiêu diệt bởi một quả bom, nhưng cấu trúc đã bị phá huỷ, đến nỗi chúng ta chỉ còn thấy được những mảnh rời mà không còn nhận ra cả tòa nhà”.
 
Thánh lễ có ý chỉ cầu nguyện cho các Ân sư, đặc biệt Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận, và cho những anh em CCS Huế đã qua đời, trong đó tên của những anh em đã qua đời trong năm vừa qua được xướng lên 2 lần trong thánh lễ.
 
Cha Lê Văn Sỹ chủ tế, cùng đồng tế có 6 cha gốc Huế thuộc giáo phận Nha Trang. Năm nay thiếu vắng cha Trần Ngọc Anh và cha Hồ Thông vì bận công việc đột xuất.
 
Đầu thánh lễ, sau khi công bố ý lễ hôm nay, cha Lê Văn Sỹ nhắc nhở rằng anh em chúng ta đang sống trong Năm Đức Tin.

 
 
Cha Võ Quý công bố Tin mừng và chia sẻ. Bài chia sẻ của ngài tập trung vào chủ đề Đức tin và Gia đình. Ngài kêu gọi anh em nuôi dưỡng đời sống đức tin trong gia đình bằng việc siêng năng tham dự thánh lễ, lần hạt mân côi. Được như vậy chắc chắn gia đình sẽ không vướng mắc điều xấu, được Thiên Chúa chúc lành. Ngài cũng kêu gọi anh em CCS Huế thường xuyên liên kết với nhau trong lời cầu nguyện và trong sinh hoạt, gương mẫu trong việc xây dựng giáo xứ, thành phần nòng cốt của giáo xứ… cổ vũ đời sống bác ái yêu thương.

 
 
Ngài cũng nhắc lại ý nghĩa của Thánh lễ hôm nay là cầu nguyện cho các Ân sư, đặc biệt cho TTC Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận là người đang được Giáo hội xúc tiến việc công nhận là Đấng thánh.

 



 
Cuối lễ anh em chụp hình lưu niệm bên trong và bên ngoài nhà thờ, sau đó tham dự bữa ăn trưa huynh đệ. Gọi là bữa ăn trưa huynh đệ thật đúng bởi lẽ chẳng có cao lương mỹ vị hay đặc sản cao cấp như thường thấy trong các bữa tiệc. Bữa ăn trưa hôm nay do hai người chị của cha Hải và một giáo dân trong giáo xứ giúp nấu nướng. Tổng kết có gần 50 anh chị em tham dự Ngày Họp Mặt Truyền Thống năm nay, trong đó có 7 linh mục, 2 nữ là phu nhân anh Trần Phước (Nha Trang) và phu nhân anh Trương Khoa (Quảng Thuận).
 

Sau bữa ăn trưa, anh em nghe trình bày một số thông tin và thảo luận về Đại Hội Gia đình CCS Huế Lần 2.
 
 
- Do đa số anh em không có internet nên Ban Điều hành phải tóm lược một số thông tin về tinh hình chung và hoạt động của Gia đình CCS Huế trong năm qua, đặc biệt là vấn đề truyền thông, linh đạo (website, Facebook, Newsletter…), tưởng nhớ các anh em đã qua đời, về tiến trình và Lễ Kết thúc Hồ sơ Án phong Chân phước cho Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận. Cha Lê Văn Sỹ cho biết mới đây ngài đã in 1.000 cuốn sách “TTC Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận” do NT Lê Thiện Sĩ biên soạn và Gia đình CCS Huế phát hành, phát cho toàn giáo phận Nha Trang. Tài liệu về Lễ Kết thúc Hồ sơ Án phong Chân phước ĐHY PX ngày 05-06/7/2013 tại Roma do Đức Ông Nguyễn Quang biên soạn được BTC photo để phổ biến cho quý cha và anh em mỗi người 1 bản.
 
- Phổ biến và kêu gọi các cha tiếp tay phổ biến tờ newsletter Vui Mừng và Hy Vọng, sẽ phát hành 3 tháng 1 kỳ. Các cha vui vẻ nhận lời.
 
- Thảo luận về tổ chức Đại Hội Gia đình CCS Huế Lần 2: Toàn thể các cha và anh chị em đều hoan hỉ đồng ý (biểu quyết bằng cách giơ tay lên). Việc tổ chức cho anh chị em trong vùng được ủy thác cho các anh đứng đầu các khu vực.
 
Do nhu cầu mục vụ ngày thứ Bảy, các cha phải về lại nhiệm sở nên Ngày Họp Mặt kết thúc vào khoảng 13g30.
 
Trong bữa ăn trưa tôi có phát biểu: Cá nhân con xin cám ơn quý cha và anh em đã đến tham dự ngày hôm nay, và có lẽ đó cũng là lời muốn nói của tất cả quý cha và anh em. Sự  hiện diện của mỗi người, dù là người lớn nhất hay nhỏ nhất, mỗi năm một lần trong ngày Họp Mặt Huynh Đệ này chính là sự thể hiện cụ thể và hùng hồn nhất tình yêu thương huynh đệ tận đáy lòng thân thương trao về những người khác, nghĩa là chúng ta trao cho nhau. Không có sự hiện diện này mọi lời nói dù hay ho đến mấy đều là vô nghĩa.
 
Xin cám ơn cha Lê Văn Hải đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để làm nơi quy tụ anh em trong ngày Họp Mặt. Cám ơn quý cha trong vùng đã hỗ trợ để bù đắp những khó khăn của anh em. Cám ơn 3 người chị đã nhiệt tình phục vụ anh em. Xin Thiên Chúa trả công bằng nhiều ơn lành hồn xác.

 
 
Xem toàn bộ hình ảnh:   BẤM VÀO ĐÂY

Như một lời kết, xin gửi đến anh em vùng Ninh Thuận- Nha Trang câu nói lừng danh của Thánh Augustinô: AMA ET FAC QUOS VIS – Love and do what you want – Hãy yêu rồi hãy làm tất cả những gì bạn muốn.
 
Xin hãy nhớ đến nhau trong tâm tư và lời cầu nguyện.

 

Tác giả: Lê Văn Hùng HT69

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập410
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm406
  • Hôm nay100,003
  • Tháng hiện tại1,279,515
  • Tổng lượt truy cập58,565,384
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây