Ngày hội Đồng hương Dinh Cát lần thứ 35 năm 2025 tại Sài Gòn

Thứ tư - 19/02/2025 09:05
Mùa xuân với bầu không khí mát lành của đất trời và lòng người vui tươi, là thời gian tuyệt vời dành cho gặp gỡ đoàn tụ, hội hè đình đám vui chơi của gia đình bà con họ hàng, bạn bè, đồng hương... Nhiều nơi, nhiều nhóm tổ chức ngày hội đồng hương.
Nét đẹp đầy tính nhân văn được nâng lên tầm cao khi ngày lễ hội mang thêm ý nghĩa hướng về cội nguồn, quê cha đất tổ với tâm tình tưởng nhớ, tri ân tổ tiên ông bà và cùng nhau góp công sức thực hiện một chương trình giúp đời, giúp người, và trước hết là tạ ơn Đấng Tạo Thành là Cha của chúng sanh. Đó là con đường Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ đề ra khi sáng lập ngày hội Đồng hương Dinh Cát, và gia đình Đồng hương Dinh Cát trong 35 năm hành trình đi theo.
 
 
 

Sáng Chúa nhật 09.02.2025, tức 12.01 năm Ất Tỵ, cổng nhà nguyện của nhà Dòng Đức Mẹ Người Nghèo, Bình Triệu, Thủ Đức, mở rộng đón bà con Dinh Cát. Đúng 9g30, các cha đồng tế và cộng đoàn tiến vào nhà nguyện trong tiếng hát của ca đoàn “Chim có tổ, suối có nguồn, con người có tổ tiên...”
 

Cộng đoàn được nghe bài văn tế khái quát về cội nguồn của bà con Dinh Cát hôm nay mà tổ tiên là những lưu dân từ phương bắc, theo dòng thời gian đến định cư lập nghiệp vùng đất Thuận Hóa, và về gốc tích địa danh Dinh Cát đã có từ 500 năm về trước, thời chúa Nguyễn Hoàng lập dinh cơ trên dãi cát bên bờ sông Ái Tử. Bài văn tế ca ngợi công đức tổ tiên, nêu gương anh hùng của 4 vị thánh tử đạo, và những chứng nhân đức tin qua các thời đại, đặc biệt thời kỳ phong trào Văn Thân nổi dậy, đã gây ra những vụ thảm sát các họ đạo.
 

Đất Dinh Cát có Mẹ La Vang. Mẹ đã hiện ra an ủi, chữa lành cho những người tín hữu bị bách hại thời Tây Sơn Cảnh Thịnh trên đất La Vang để biến La Vang thành linh địa. Người Dinh Cát đi đâu cũng nhớ Mẹ, rồi tìm về Mẹ.
 
 

Người xưa có câu “vô tri bất mộ”, không biết thì không mến. Con cháu hôm nay nên biết nhiều về lịch sử Dinh Cát, huy hoàng nhưng đầy huyết lệ, để thêm lòng mến mộ ông bà tổ tiên, niềm tự hào và sống xứng đáng với dòng máu tổ tiên trong huyết quản.

Phần nghi thức kính nhớ tổ tiên kết thúc lúc 9g45. Trước thánh lễ, đại diện bà con đồng hương nói lời chào mừng quý cha, cha linh hướng Anrê Lê văn Hải chào mừng cộng đoàn và giới thiệu quý cha đồng tế: cha cố Giuse Trần Văn Lộc, Gabriel Dương Văn Quốc Tiến, Đaminh Nguyễn Ngọc Nhân, Simon Hòa Lê Trần Thế Phong, Phaolô Lê Đoàn Duy Luân, Đaminh Lê Thiện Long, Giuse Đỗ Bá Thái.
 

Trong bài giảng lễ, cha Lê Thiện Long chia sẻ ý tưởng về ơn gọi. Qua 3 bài đọc cho thấy Chúa đã gọi Isaia làm tiên tri dù ông cảm thấy môi miệng mình ô uế, Chúa gọi Phaolô làm tông đồ dù Chúa biết ông đã ngược đãi Hội Thánh, Chúa gọi Phêrô làm “người thu phục người ta” dù ông tự nhận mình tội lỗi bất xứng. Trong Hội Thánh Chúa có nhiều ơn gọi để phục vụ, mọi người đều được ơn gọi làm con Chúa, ơn gọi làm người nên phải sống đúng đạo làm con Chúa, đạo làm người. Ai không biết hiếu thảo ông bà, cha mẹ, hiếu kính tổ tiên thì không thành người.
 
 

Cuối thánh lễ, niên trưởng Anrê Lê Thiện Sĩ thay bà con nói lời cám ơn quý cha và cộng đoàn. Sắp vào tuổi 90 mà cụ thao thao bất tuyệt hơn 10 phút đồng hồ, với những lời đầy tâm tình và kiến thức chính xác về lịch sử Dinh Cát làm người nghe mê man. Cụ nói xin lỗi mọi người, vì người già thì nói dài, nói dai kẻo không còn nhiều cơ hội để nói, nhưng thiết nghĩ nói khỏe như rứa và lâu nay chỗ mô cụ cũng tới được thì sống tới 100 tuổi khỏe re như bò kéo xe. Hầu như ngày hội Dinh Cát lần nào cụ đều có mặt. Cám ơn cụ, cụ là linh hồn của gia đình Đồng hương Dinh Cát.
 
 
 
 

Tiếp theo thánh lễ, cộng đoàn chia sẻ niềm vui trong tiệc mừng. Khởi đầu với việc tặng quà quý cha và sơ với lòng trân trọng, cảm mến. Như thường lệ có mục chúc thọ các vị cao tuổi.

Theo truyền thống, ý nghĩa việc chúc thọ là để bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn những người cao tuổi vì họ có tầm ảnh hưởng trong gia đình và cộng đồng, vì cha mẹ ông bà có sống lâu thì con cháu mới có cơ hội thể hiện đạo hiếu và học hỏi sự khôn ngoan nơi các vị. Cho nên, “Mái đầu bạc là triều thiên vinh hiển” (Cn 16,31). Tất cả có 16 vị từ 75 tuổi trở lên được mời lên sân khấu. Nếu “Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi” (Tv 90,18) cha cố Giuse Trần Văn Lộc 89, cụ Lê Thiện Sĩ 89, xếp vào thượng thọ. Thọ đến 70 xem như đủ vốn, tuổi 89 là lãi lớn. Anh Lê Dũng Tiến nói lời chúc thọ các vị lão làng, cha linh hướng Anrê lên trao quà mừng thọ và riêng cha cha cố Giuse được thêm một chai nước mắm hiệu Cà Ná đại bổ do nhà sản xuất tặng.
 
 

Tiệc mừng luôn sôi động với những màn xổ số, đố vui và các lời chia sẻ. Các giải trúng xổ số gồm những đồ gia dụng giá trị từ các cửa hàng Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim, và nhiều vouchers từ ông cựu phó Tổng Cty Việt Tiến. Những câu đố có lời giải đáp từ bài văn tế như Dinh Cát có mấy vị thánh tử đạo, địa danh Dinh Cát có từ thời nào, miền đất Dinh Cát từ đâu đến đâu...

Cha linh hướng Anrê cho biết hiện nay cha đang chăm sóc 12 em dự tu, ngày xưa là được vào tiểu chủng viện. Các em được hướng dẫn về nhân bản và đạo đức, được hỗ trợ học phí từ quỹ Ơn gọi của Đồng Hương Dinh Cát. Cha Hải kể  câu chuyện vui về hành trình của một thiếu nữ người dân tộc đi tu. Thật là lắm khó khăn khi rời xa gia đình. Cô gái nhất quyết đi vào Dòng, sống với cộng đoàn các sơ, nhưng cha thương mẹ nhớ. Người cha quá thương nhớ đành tìm rượu cho khuây khỏa; rượu vào làm lý trí giảm, cha khóc lu loa leo tường vào nhà sơ tìm con. Các sơ phải cầu cứu cha Hải. Đến nay, mọi chuyện đã ổn, thiếu nữ đã thành sơ, đã khấn Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn. Cha Hải nói “mọi sự Chúa làm đã tốt đẹp. Tạ ơn Chúa”.

Cha Gabriel Quốc Tiến, linh mục thừa sai tại Nhật Bản chia sẻ về tình hình đạo Công giáo tại Nhật Bản: trong tổng số 01 triệu người công giáo, có 600.000 người nhập cư và 400.000 người công giáo Nhật; trong số khiêm tốn này chỉ 40.000 người thực hành đạo.

Có 02 đại chủng viện, nay đại chủng viện Xuân Bích đã đóng cửa vì giáo sư có mà chủng sinh thì không, đại chủng viện còn lại chỉ chừng hai chục chủng sinh. Hầu hết người Nhật theo Phật giáo và thần đạo. Họ đi chùa chiền và cúng vái. Họ sống tốt đạo làm người và coi nhẹ niềm tin siêu nhiên. Số người công giáo ngày càng giảm, họ có khuynh hướng sống luật Chúa và bỏ qua luật Hội Thánh. Trong tình trạng không có gì phấn khởi đó, các thừa sai mang niềm xác tín họ đến giữa lòng xã hội tục hóa của Nhật để làm chứng cho sự hiện diện của Chúa Kitô và Hội Thánh, phần còn lại là của Chúa.

Ngày hội kết thúc lúc 13g00, bà con vui vẻ chia tay.

Ban Đại diện xin cám ơn quý cha, quý sơ, quý bà con đã dành một ngày Chúa nhật đẹp trời để tham dự ngày họp mặt; cám ơn ca đoàn với lời ca tiếng giúp cộng đoàn thêm sốt sắng tham dự thánh lễ.

Đặc biệt cám ơn quý cha, quý thầy Dòng Đức Mẹ Người Nghèo đã dành cho bà con Dinh Cát mọi sự dễ dàng và những điều kiện tốt nhất để tổ chức ngày hội Đồng Hương hôm nay và gần 10 năm qua. Thật vậy, những người có Chúa thì luôn đáng yêu đáng mến và nơi đây, khung cảnh này, bờ sông thơ mộng này trở nên gần gũi, thân thương. Nơi đây bà con Dinh Cát cảm nhận như quê hương thứ hai, vì “tình yêu làm đất lạ trở thành quê hương” (Chế Lan Viên).

Gioan Lê Cần
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tác giả: Gioan Lê Cần PX61

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Facebook Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Kênh Youtube Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập121
  • Hôm nay30,961
  • Tháng hiện tại1,654,721
  • Tổng lượt truy cập74,465,691
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây