Bốn mươi năm nhìn lại (1979-2019). 40 năm và nỗi nhớ khôn nguôi

Thứ tư - 27/03/2019 09:12
Tôi vẫn nhớ như in buổi cầu nguyện chung cuối cùng tại Tiểu chủng viện Hoan Thiện có 124 cánh tay của 62 anh em nắm chặt nhau thành một vòng tròn quanh bàn thờ, quỳ xuống trong nước mắt đầm đìa và thổn thức: “Cho con sinh ra trong ngàn người rồi Chúa khẽ gọi con đi, dù tâm tư con không thể hiểu thấu, hiểu thấu sự gì?”
Bốn mươi năm nhìn lại (1979-2019). 40 năm và nỗi nhớ khôn nguôi
Vào ngày 22 tháng 12 năm 1979, Tiểu chủng viện Hoan Thiện bị đóng cửa, toàn bộ cơ sở bị chính quyền trưng thu, 62 chủng sinh đang tu học bị buộc phải rời nhà trường và trở về gia đình trên mọi miền đất nước…

Hơn 2.000 năm trước, vào thời hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ kiểm tra dân số, tất cả mọi người phải về quê quán, Giuse đưa Maria đang tới ngày mãn nguyệt khai hoa về nguyên quán Bêlem để kê khai… và sau đó tất tả đưa cả hai mẹ con sang Ai cập để tránh lệnh vua Hêrôđê Cả đang truy sát Hài Nhi, sau chừng vài năm, lại đưa về quê nhà Nazarét miền Giuđa.

Theo dòng thời sự, năm 1961, Fidel Castro đưa cả đất nước Cuba gia nhập xã hội chủ nghĩa và đến năm 2019, tức là sau 58 năm bị cô lập, Raul Castro lại rục rịch đưa ngược Cuba trở về hội nhập với thế giới tự do…

Trở lại chuyện 40 năm về trước, tôi cũng có mặt trong số 62 chú được lệnh trở về bổn quán… và tôi buộc phải rời xa nơi mà như một nhà thơ đã viết:

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn.”

Đối với chúng tôi, tất cả 62 con người ngày đó, mái nhà trường yêu dấu vô hạn đó, không chỉ hóa tâm hồn, mà còn hóa cả linh hồn. Nếu như sau 40 năm, đứng trước số 11 Đống Đa, phường Vĩnh Lợi, thành phố Huế, tôi có thể nhắm mắt đi một lèo khắp mọi ngõ ngách, mọi dãy lầu…trong tất cả khuôn viên Tiểu chủng viện Hoan Thiện, vì trong 40 năm đó, hầu như tôi luôn nằm mơ đang sống tại nơi đẹp nhất trong suốt cuộc đời mình. Và đâu phải ít, gần cả 10 năm, chỉ thua lớp HT69 của anh Lê Văn Hùng một năm.

Tôi vẫn nhớ như in buổi cầu nguyện chung cuối cùng tại Tiểu chủng viện Hoan Thiện có 124 cánh tay của 62 anh em nắm chặt nhau thành một vòng tròn quanh bàn thờ, quỳ xuống trong nước mắt đầm đìa và thổn thức: “Cho con sinh ra trong ngàn người rồi Chúa khẽ gọi con đi, dù tâm tư con không thể hiểu thấu, hiểu thấu sự gì?” Tiếng khóc của Lê Văn Thọ (HT74) bỗng òa lên nức nở như một đứa con thơ phải xa mẹ… 62 mái đầu xanh từ 15-20 tuổi sẽ đi về đâu? làm gì? sống ra sao?...

“…Buổi chia ly, chìm trong nước mắt
Chung lời thề: Sát cánh bên nhau
Bao nhiêu năm, nước chảy qua cầu
Lời thề đó, kẻ còn người mất…”(1)

Tôi trở về với gia đình ở đặc khu kinh tế mới Bình Điền, cách Huế khoảng 25 cây số theo hướng qua phà Tuần, nếu đi xa hơn nữa, sẽ đến A Sao A Lưới. Tuy gọi là gia đình, nhưng đó là gia đình anh tôi, cha mẹ tôi đều đã ly trần. Cứ mỗi tuần, theo thông lệ, tôi được lệnh công an đặc khu triệu tập thẩm vấn, đến khi buộc làm bản kiểm điểm, tôi dứt khoát không làm vì tôi không gây ra tội gì cả với chính quyền. Họ giam lỏng tôi, đợi tới trưa, lợi dụng lúc họ đang ngủ, tôi bơi qua sông về lại thành phố Huế, lang thang và biết đi về đâu? Đói quá ghé nhà bác Chiếu (chuyên mổ bò) được anh Tư (rip) cho ăn và hỏi thăm, nào ngờ đâu cán bộ công an ở Bình Điền cũng là người quen của anh. Một lá thư được gửi ngay và tôi được yên ổn thoải mái sinh hoạt mục vụ với các thanh niên công giáo. Mỗi Chúa nhật, tôi dẫn anh chị em đi bộ về Đá Hàn dự lễ, thi thoảng tôi lại đưa về Huế tĩnh tâm dưới sự hướng dẫn của cha Trần Văn Quí (lúc đó ngài làm thư ký Tòa Tổng Giám mục) và người bạn cùng lớp Đặng Quang Tiến. Nhưng cơn sốt rét rừng cố hữu từ mùa hè năm 74 khi tham gia sống cùng nhóm bụi đời do cha Hồ Hán Thanh (rip) thành lập tại khu rừng ở cầu 14 Ban-mê-thuột, lúc ấy anh Nguyễn Xuân Sơn (HT68) đã ra đi vĩnh viễn sau cơn sốt quái ác, cơn sốt rét đó lại hành hạ tôi khốn đốn, tôi hóa thành thân tàn ma dại, da dẻ vàng vọt… ngay cả ông phó ban đặc khu khi thấy tôi, đã thương hại cho 10 viên ký ninh quý giá, nhưng chỉ cầm chừng chứ không hết bệnh. Noel năm 1980, cha Nguyễn Trọng lãnh bài sai lên đặc khu kinh tế mới Bình Điền dâng lễ Vọng Giáng Sinh. Theo truyền thống, các cha đến dâng lễ Phục Sinh hay Noel đều ở lại nhà tôi. Lần đó cha Trọng bảo tôi muốn sống hãy vào Sàigòn, lúc đó căn bệnh sốt rét trầm kha từ hồi ở Ban-mê-thuột tái phát lại, và tôi cũng chỉ còn con đường đó mà thôi…

“…Con chim non sớm rời cánh mẹ
Chịu sao nỗi móng vuốt đại bàng
Cơn rét rừng càng thêm bại hoại
Ta thư sinh bỗng hóa ma làng…”(2)
 
-

Không chỉ riêng mình tôi, mà cả 61 anh em còn lại cũng gặp hoàn cảnh bi đát không kém, cũng chịu gian nan, vất vả tư bề. Nhiều anh em làm thuê, phu lục lộ, nhiều nhất là làm rẩy, nông dân, đạp cyclo, buôn chợ trời… một số rất ít theo đại học và ngoài ra có khá nhiều anh em quyết chí tìm mọi cách vượt biên tìm tự do ở hải ngoại. Tuy phải đương đầu với nhiều gian nan, thử thách vẫn có nhiều anh em bền đỗ với ơn gọi đến cùng, ngay cả khi vượt biển thành công, lại xin vào chủng viện tiếp tục tu học. Như vậy, sau 40 năm kể từ lúc giải tán, 62 anh em đó gồm 4 lớp (74, 72-73, 71 và 69) có 22 linh mục (3), với tỉ lệ 35,5%, một tỷ lệ khá thành công trong việc đào tạo ơn gọi với chương trình “Nhu cầu mới, linh mục mới” mà ban Huấn đạo gồm 3 cha: Cha Bartôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ (rip) cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải và cha Anrê Nguyễn Văn Phúc, đã cật lực huấn luyện trong suốt 5 năm (từ 1975-1979) để chuẩn bị hành trang lên đường cho 62 chú ra đi trong bốn phương trời. Trong quá trình đó, ngoài việc giáo dục nhân bản, học triết học, Thánh Kinh, tu đức…còn có việc thao luyện bản thân bằng lao động trên các nông trường, đặc biệt nhất là ở Thiên An, với phương châm “Ora et labora in caritate”. Năm cuối cùng, khi không còn nguồn tài chính, ban huấn đạo lại chia 62 anh em thành nhiều tổ, mỗi tổ đều có lớp lớn và lớp nhỏ, một nửa đi học, nửa còn lại xông xáo ở ngoài đời làm mọi việc để kiếm tiền tự túc lương thực cho cả tổ. Vậy đó, 62 anh em chúng tôi đều vượt qua được mọi khó khăn để tồn tại cho đến ngày chia tay. Điều đáng nói là tất cả những anh em làm tổ trưởng lúc đó đều trở thành linh mục.
 
-

Ngoài 22 anh em làm linh mục, thì con số anh em còn lại đều trở thành những con người lương thiện, sống tử tế, đàng hoàng, không một ai bê tha, phản bội. Mối liên hệ tinh thần vô hình chung đã thấm vào huyết quản của 62 anh em chúng tôi, dù thời gian đã 40 năm. Tôi xin kể một câu chuyện điển hình như sau: Vào dịp lễ giỗ mãn tang của mẹ cha Chiếm, một vị linh mục hỏi tôi sao chỉ là ngày giỗ mà anh em tham dự đông đủ như vậy? Cả thảy 40 người hiện diện. Tôi chỉ im lặng, mỉm cười vì sẽ rất dài dòng khi kể về mối thâm tình đó đã có từ trước, sau biến cố 75. Riêng với cá nhân tôi, hầu như mỗi sự kiện quan trọng trong cuộc đời đều có cha Chiếm, nhất là những lúc tuyệt vọng nhất, ngài đều chìa bàn tay ra, kéo tôi đứng dậy; và ngược lại, những biến cố trong đời ngài, tại sao tôi có thể vắng mặt được. Và điều đó không phải chỉ mình tôi mà thôi, ngoài ra nhiều anh em của nhiều niên khóa khác, hầu như đều gắn bó với ngài. Ngay cả niên trưởng Lê Thiện Sĩ, cũng rất trân quý ngài, những sinh hoạt đặc thù của anh em phía nam và cả ở nơi khác,đều nhờ vào công sức ủng hộ nhiệt tình của ngài… Và vào ngày 23/2/2019 mới đây thôi, dù công việc mục vụ bận rộn, ngài đã nán lại để dâng lễ an táng cho hiền muội của anh Nguyễn Cả để biểu thị cho tâm tình của mọi anh em quý mến vị đàn anh trên cả tuyệt vời này.

Ngoài ra cũng phải kể đến cha Phêrô Nguyễn Huệ với công lao vô bờ của ngài trong thời kỳ đầu tiên. Sau biến cố 1979, ngài đã tìm mọi cách để quy tụ anh em ở phương Nam trong hơn thập kỷ đầu từ năm 81-95, rất nhiều anh em đã về dự những ngày truyền thống đầu tiên ở họ đạo Vĩnh Phước như những cánh chim bay mỏi ở các phương trời, nay về nghỉ ngơi cùng nhau tại tổ ấm này. Và một điều không thể quên được ân tình của ngài đã hỗ trợ quỹ học bổng cho nhiều con em của anh em khó khăn, không đủ sức lo cho chúng đến trường trong giai đoạn cực kỳ đói khổ.

Cha J.B. Nguyễn Vinh, trong thời kỳ đầu thập niên 80, đã cùng chúng tôi chia sẻ buồn vui, khó khăn… Sau nầy khi về Nha Trang làm mục tử, ngài luôn luôn tạo điều kiện không chỉ cho anh em cùng lớp, mà các lớp khác đều được ngài tiếp đón nồng hậu và thấm đẫm tình huynh đệ trong những nơi ngài làm quản xứ.

Quý cha còn lại dù ở nơi xa xôi, vẫn gắn bó với anh em cùng lớp như cha Thông, cha Hoa, cha Lục, cha Thọ, cha Trung… Các cha ở tại Huế-Quảng Trị cũng thế, cha Thứ luôn quan tâm đến anh em mọi lớp, khi vào phương nam quyên tiền để sửa chữa Đại chủng viện ngài đều nhờ anh em cựu chủng sinh quán xuyến, và Đại chủng viện cũng là nơi ngài ưu ái dành cho anh em mỗi khi tổ chức các sự kiện sinh hoạt, hội ngộ. Cha Hiệu dù ở tận vùng sâu trên cao, nhưng nhiều năm nay hết sức quan tâm đến tinh thần anh em, ngài luôn có mặt mỗi khi anh em trong lớp ngài tổ chức họp mặt, nhất là mỗi dịp tang tóc, ngài đều hiện diện và đưa linh cửu ra tận nơi an nghỉ ngàn thu.

Chúng tôi vẫn không quên quý cha ở hải ngoại như cha Phụng, cha Đức, cha Khanh, cha Thường, cha Chửng… vẫn luôn hết lòng trong các sinh hoạt của anh em và của công việc truyền giáo của Tổng giáo phận Huế.
 
-

Ngay tại đất Thần kinh này, chính nơi anh em chúng tôi xiêu tán, ra đi khắp mọi phương trời, vẫn còn đó một linh mục HT74, tuy là lớp cuối cùng của TCV Hoan Thiện, nhưng tấm lòng mãi thiết tha, gắn bó với Gia đình Cựu Chủng sinh Huế. Bây giờ, dù với công việc bề bộn quản xứ và hạt trưởng, vậy mà ngài đã hy sinh thời giờ và tâm trí cho việc đảm trách linh hướng, để duy trì và phát triển tình huynh đệ chủng sinh, đó là cha Antôn Nguyễn Văn Thăng. Ngày kỷ niệm 30 năm, 35 năm rời chủng viện, cũng chính tay ngài đã tổ chức tươm tất và tốt đẹp, và trong lần kỷ niệm ngày về 40 năm này, ngài đang trăn trở khôn nguôi tổ chức đúng vào ngày của biến cố năm xưa.

Nhớ lắm nhà dòng Thiên An, những ngày băng đồi xuống thung để cào lá thông vàng, chất vào bao để đưa về chủng viện làm chất đốt... Những chiều ra dòng sông Hương ngụp lặn để vớt rong bèo về nuôi heo... Những đêm tối trời, đầy sao ngồi quanh vòng tròn để kiểm điểm xem trong ngày nhớ Chúa được mấy lần. Nhớ quá lần đi câu trộm cá rô phi bị thầy Máccô bắt gặp, bèn thả hết cá xuống hồ, còn nói với thầy, tụi em chỉ câu giải trí... Những tài xế cự phách như Phụng xì dầu, Huỳnh Văn Lâm, Huỳnh Lễ...thả dốc xe kéo hai bánh từ đồi Thiên An vun vút chạy hỏng cả giò, phía trước xe cày đang lên dốc, tôi nhảy xuống lấy cán cuốc chọc vào bánh xe cho stop... Và nhớ cả những lần bị cha Lợi mắng xối xả vì lỡ lặt mấy trái ớt và cà chua bỏ vào thau cơm... Tụi con tu cái gì? Tu cà chua hay tu ớt?... Nhớ quá những chén chè bồi dưỡng thay vì nấu với đường, thì phải nấu với muối... Mới hôm qua, cha Trương Văn Thường HT74 tâm sự với tôi rằng ngài học ở Đại chủng viện Mỹ 6 năm, mà không vương vấn một kỷ niệm tình thân nào... mà những kỷ niệm trong 5 năm (75-79) lại chất chứa không quên được trong tâm trí ngài. Tôi nghĩ rằng cha Khanh và các cha khác cũng vậy thôi. Mà làm sao quên được chứ...

Vào ngày 22 tháng 12 năm 2019, sẽ là ngày kỷ niệm 40 năm chúng tôi rời xa mái trường, cũng có thể nói được là ngày chúng tôi bị mất trường, như mất một cái gì thiêng liêng nhất, giá trị nhất và tốt đẹp nhất của cuộc đời 62 anh em chúng tôi. Ngay lúc đó, chúng tôi hoàn toàn ngỡ ngàng, không thể “hiểu thấu sự gì?” Như tâm trạng đau buồn của đấng chủ chăn, Đức cố TGM Philipphê đã nói: “Năm nay, các nhà không treo đèn bên ngoài căn nhà mình..., vì một con ngươi của Giám mục không còn nữa”. Nhưng sau 40 năm, chúng tôi đã cảm nghiệm và thấu hiểu việc Chúa làm và tạ ơn Ngài đã ban cho chúng tôi 22 linh mục trong số 62 anh em cuối cùng, cũng như những anh em còn lại đều tín trung sống tràn đầy ơn nghĩa với Thiên Chúa. Ngài đã ban ơn nhưng không cho 62 anh em chúng ta sống bình an, hạnh phúc trong suốt 40 năm qua, cho dù vẫn còn nhiều anh em đã và còn vất vả, lo toan chuyện cơm áo, gạo tiền, bệnh tật, hoạn nạn, và cả chuyện sinh tử…

Vào ngày này, không chỉ 62 anh em còn lại sau cùng sẽ tưởng niệm biến cố "Xuất Hành" mà sẽ là tất cả mọi anh em đều đã từng vào Tiểu chủng viện kể từ thủa khai sinh ngôi nhà 11 Đống Đa và cả những em ngoại trú sau này, vì điều kiện không cho phép nội trú, nhưng mặc nhiên đã là chi thể của cùng một thân thể mầu nhiệm. Và tất cả sẽ cùng nhau tạ ơn Chúa, đội ơn các ân sư đã từng dưỡng giáo chúng ta, dù các ngài còn hay đã mất... Và cùng cám ơn nhau, vì cũng một chữ nghĩa tình, một chữ huynh đệ ngút ngàn để hôm nay và cả ngàn sau đến với nhau, luôn nhớ nhau, cầu nguyện cho nhau mãi mãi...

Thiết tưởng trong ngày đó, 40 năm trước, cả TGP Huế để tang vì mất cơ sở đào tạo, lại vừa mất thêm 62 chú đã được chăm bẫm đào tạo, nhưng sau ngần ấy 40 năm, cũng chính trong ngày tưởng niệm này, chúng ta hãy mừng vui, vì chính thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa muốn tung anh em chúng ta đi muôn phương để làm chứng nhân cho nước Trời. Chính Thiên Chúa đã gìn giữ 62 anh em chúng ta mãi đến hôm nay, và hơn nữa, con số 62 anh em đó đã tăng gấp nhiều lần vì chúng ta được hiệp thông với mọi anh em, không chỉ ở mái trường Hoan Thiện, mà còn cả nhà trường An Ninh và Phú Xuân. Ngoài ra sự liên kết đó không chỉ ở quốc nội, mà còn liên đới với cả anh em hải ngoại và nhất là lan đến cả thế hệ kế thừa F1. Cơ sở đào tạo đã không còn, Thiên Chúa quan phòng cho cách đào tạo khác như huấn luyện chủng sinh ngoại trú trong suốt bao năm qua, và mới đây nhất công việc xây dựng khu nhà tiền chủng viện đã hoàn thành tại Tòa TGM Huế.

Ba vị ân sư danh giá thời kỳ 1975-79: Cha Bartôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ RIP, chuyên trách linh hướng cho các chú, ngài đang du học tại Ý, khi đoàn quân Bắc Việt giải phóng đến Nha Trang, ngài đã đáp máy bay về nước để phụng sự Hội Thánh Việt Nam. Thời kỳ đầu tiên, chúng tôi vẫn nhớ ngày ngày, ngài cắp nón đi học tập từ sáng đến tối mới về. Tuy vậy, ngài luôn lạc quan với nụ cười sảng khoái và với điếu cẩm lệ trên tay, ngài thật ung dung tự tại, những giờ học luân lý với lối giảng bài sang sảng… để lại biết bao hình ảnh thân thương với chúng con. Cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải, vị bề trên đầy nhân ái, khôn ngoan, và hy sinh mà Thiên Chúa đã quan phòng cách riêng cho chúng tôi trong thời kỳ này. Chúng tôi luôn luôn thấy ngài bình an, tươi cười dù phải đương đầu với bao khó khăn, nghiệt ngã. Chính ngài đã dạy cho chúng tôi biết tự vấn mỗi ngày để thoát khỏi cạm bẫy của hào nhoáng xã hội. Cha Anrê Nguyễn Văn Phúc với tính cách hiền hậu, khiêm tốn và tận tụy với công việc âm thầm, đó là chăm lo đời sống vật chất cho chúng tôi suốt 5 năm dài cùng cực nhất, thiếu thốn tư bề. Ấy vậy mà các chú trong suốt thời gian này vẫn mạnh khỏe, đầy đủ sức khỏe để tu học.

40 năm nhìn lại, chúng ta không chỉ nhìn về những kỷ niệm đẹp, những ký ức không bao giờ phai về tình thầy trò, huynh đệ ngút ngàn mà thôi, chúng ta còn suy gẫm về cuộc sống trong 40 năm qua, tiếp diễn đến hôm nay và mãi đến mai sau. Cuộc sống đó với bao đặc ân mà Chúa đã ban cách riêng cho chúng ta trong quãng thời gian đẹp nhất của một kiếp người. Chúng ta cùng nhìn lại chặng đường đã qua với bao trăn trở khôn nguôi, bao thành công và thất bại, bao nỗ lực vươn lên cũng như nhiều khi tự đánh mất lòng trông cậy, để rồi ngày mai, chúng ta lại chia tay, ra đi trở về nơi chốn bình yên của mình và âm thầm nhớ gọi tên nhau, hiệp thông với nhau qua lời cầu nguyện mỗi ngày…vì đó là phần quan trọng nhất, phần chính yếu nhất trong ngày về, ngày kỷ niệm 40 năm rời mái trường ấy.

Trong ngày tưởng niệm 40 năm, điều chúng ta cần làm nhất là cầu nguyện cho Hội Thánh đã nuôi dưỡng chúng ta, cầu nguyện cho các ân sư đã trực tiếp dạy dỗ chúng ta và cầu nguyện cho nhau đặng sống đẹp lòng Chúa; nếu có để tang, thì hãy để tang cho tội lỗi của chúng ta, để tang cho sự mất mát ân sủng của chúng ta đã làm mất lòng Chúa, đã lỗi đạo với các ân sư, với nhau và với cả tha nhân.

Đến muôn đời, chúng con chúc tụng và cảm tạ hồng ân bao la của Thiên Chúa.

Sàigòn ngày lễ Đức Mẹ Truyền Tin 25.3.2019
Mic Nguyễn Hùng Dũng HT71
------------------------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) và (2) trích trong bài “Tình ca 50 năm”
(3) 22 Linh Mục (trong 62 anh em):

1- Lớp HT69: (7 linh mục)

- Cha PX. Phan Chiếm
- Cha Phêrô Phạm Ngọc Hoa
- Cha Phêrô Nguyễn Huệ
- Cha Emmanuel Nguyễn Tấn Lục
- Cha Giuse Phùng Văn Phụng
- Cha Đaminh Võ Văn Thông
- Cha GB. Nguyễn Vinh

2. Lớp HT71: (8 linh mục)

- Cha Đaminh Phan Văn Anh
- Cha GB. Dương Quang Đức
- Cha Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
- Cha Luy Gonzaga Đặng Quang Tiến
- Cha Inhaxio Trần Thiên Thu
- Cha Giuse Hồ Thứ
- Cha Phaolô Bùi Quang Trung
- Cha Mathêu Nguyễn Quang Tuấn

3. Lớp 72-73: (3 linh mục)

- Cha Phaolô Nguyễn Văn Hiệu
- Cha Giuse Hồ Khanh
- Cha Giuse Phan Miên (rip)

4. Lớp 74: (4 linh mục)

- Cha Phaolô Nguyễn Văn Chửng
- Cha Antôn Nguyễn Văn Thăng
- Cha Giuse Phạm Thọ
- Cha Phêrô Trương Văn Thường

Tác giả: Mic Nguyễn Hùng Dũng HT71

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập636
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm635
  • Hôm nay34,144
  • Tháng hiện tại854,803
  • Tổng lượt truy cập56,956,440
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây