Nhật ký Ngày Về HT69. Phần 4 - Về lại trường xưa

Thứ tư - 21/08/2019 08:32
Dù thời gian của từng mỗi người có thể ngắn chỉ chừng vài ba tháng hoặc dài đến cả 10 năm, nhưng cảm xúc khi trở lại trường xưa vẫn bồi hồi như nhau cả, và vì điều đó mới làm nên tình cảm huynh đệ của người cựu chủng sinh.
Nhật ký Ngày Về HT69. Phần 4 - Về lại trường xưa
Về lại trường xưa

Hằng năm, cứ vào ngày cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…”

Tôi muốn mượn áng văn bất hủ của Thanh Tịnh, để diễn đạt vô vàn cảm xúc của mình khi nhớ đến những buổi tựu trường tại Tiểu chủng viện Hoan Thiện, nhất là nhớ lại những ngày chập chững đầu tiên khi mới bước chân vào nơi này.

Và hôm nay, sau đúng 40 năm rời trường (1979-2019) chúng tôi trở lại trường xưa với bao tâm trạng ngỗn ngang, bao thương nhớ ngập tràn và cả bao khắc khoải khôn nguôi. Những kỷ niệm ngày xưa, bỗng vụt về dồn dập, những khoảnh khắc đẹp nhất trong đời, tưởng chừng đã tắt lịm, nay lại trở về chầm chậm, lặng lẽ nơi tâm hồn sâu lắng của mỗi một người chúng tôi.
 
-

Nếu như ai đó bịt mắt chúng tôi, đánh đố có thể mò mẫm vào mọi ngóc ngách ngày đó, tôi sẽ nói rằng hoàn toàn có thể được, vì nơi đây, mái trường này đã in hằn những vết chân còn lưu dấu của ngày đó. Này dãy hành lang dài thăm thẳm mà mỗi lần chuông reng giờ nghỉ giải lao, các chú ùa ra như bầy ong vỡ tổ hay sau giờ ăn tối, từng nhóm các chú đi dạo quanh ồn ào, này giảng đường im ắng trong giờ lên lớp nghe tiếng giảng bài sang sảng của các giáo sư, này phòng ăn rộng lớn, ăm ắp tiếng vui cười rộn rã, này ngôi nhà nguyện hình tròn rộng thênh thang mà chung quanh là hồ nước bao bọc, ý của Đấng sáng lập là muốn các chú trước khi vào đây hãy tập trung thờ phượng sốt sắng, bỏ lại bên kia mọi chuyện lo ra.
 
-
 
-

Khi mọi người đang tập trung ở vuông sân chữ U, tôi vội lẻn đi thăm từng nơi, khu nhà tắm và vệ sinh chung vẫn còn đó, tuy hình thức đã thay đổi, chính nơi này sau giờ ra chơi buổi chiều, là các chú vội tranh vào đây để tắm tập thể dưới những búp sen treo trên trần, mỗi chú đem theo một chiếc thau nhỏ đựng xà bông, khăn tắm và áo quần. Tôi nhớ như in, ngày nhập trường đầu tiên, thay vì mua chiếc thau nhựa như mọi người, ba tôi lại sắm cho tôi chiếc thau bằng nhôm, nên chưa được một tuần là bị đập móp méo. Sợ nhất là lúc đang gội xà bông, dễ bị ăn đòn hội đồng vì khi mở mắt nhìn là bọt xà bông làm cay mắt…Dãy WC phía bên trong kín mít và tối tăm, nên ít ai sử dụng. Tôi bước vội lên lầu, chiếc cầu thang bằng ciment và bệ lan can phủ đá mài còn nguyên như xưa, các dãy phòng ngủ đã được ngăn thành nhiều phòng học, tôi lần bước đến phòng nhỏ, nơi chú Đức dùng để chứa chuối bồi dưỡng học thi, tại đây tôi đã dùng chiêu sửa điện để bắc thang leo vào ăn trộm chuối, có bữa bị cha quản lý Anrê bắt tại chỗ, tôi lấp liếm biện bạch sửa điện, ngài biết tẩy mà vẫn cho qua, sau đó tôi đổi cách khác, là leo vào cửa sổ phía ngoài mà tôi đã mở chốt sẵn.
 
-

Đi một đoạn nữa tới thư viện, nơi tập trung đọc truyện tranh Tin Tin hay Tuổi Hoa…sau giờ học ban sáng, sát bên có phòng nghe nhạc mà các bức vách được phủ bằng lớp đệm mút để âm thanh không bị dội, ngày đó, các chú đã từng vào đây nghe bài Dominique do giọng ca du dương của bà sơ Sourire, nghe nói bà sơ này đã hồi tục. Kế phòng này, là phòng họp hội đồng của các cha giáo, số phận của chúng tôi được quyết định sống còn ở phòng này, cứ mỗi tháng, các ngài họp ở đây suốt cả ngày, và đợi cuối tháng, có khi đến ngày quốc khánh hoặc nghỉ hè, là cha bề trên trao trả hồ sơ để chú nào bị gọi tên là lên đường trở về nhà mãi mãi.

Tôi nhớ ngày đầu tiên khi nhận giường và chiếc tủ “table de nuit” nhỏ nhắn, mỗi chú soạn vali, lấy áo quần, vật dụng xếp vào tủ, mỗi chiếc giường có hai đầu chữ T được treo mùng thẳng tắp, mùi áo quần mới, thau ca mới, thoang thoảng pha với mùi ẩm ướt của khí hậu để lại những hương vị khó quên.

Tôi lần mò lên cầu thang leo lên sân thượng, chỉ tiếc là họ đã ngăn bằng hàng rào sắt kiên cố, một trời kỷ niệm lại lần lượt hiện về mồn một, buổi tối sau giờ học, một đám các chú leo lên chóp sân thượng để “bầu giáo hoàng” tiếng lóng chỉ việc hút thuốc, năm bảy chú chia nhau 1 điếu thuốc Đồ Sơn thơm lừng, sau đó được đại huynh Hồ Văn Đông kể chuyện Dương Qua và Tiểu Long Nữ mê mệt. Kể tên các chú thường trú về đêm tại đây như Trần Tôn, Võ Thông, Quang Tuấn, Ngọc Tiến… Nơi đây, cũng là nơi trốn tránh của các chú sau các phi vụ ăn trộm chuối, đậu phụng giống, khoai săn, đu đủ …mà chú Nguyễn Hùng Dũng là tội phạm có mặt trên từng cây số. Có một lần buổi trưa nắng chang chang, đậu phộng giống được O Kính và O Táo phơi ở sân basket, tôi bảo chú Huỳnh Lâm lên phòng ngủ lấy cho tôi chiếc mền và cái thau, thế là tôi trùm đầu, ung dung ra sân, từ từ đưa cái thau cào một phát đầy thau, từ từ thu chiến lợi phẩm leo lên sân thượng để lần hạt, các chị chỉ biết ơi ới, mà không biết chuyện gì xẩy ra trước mắt mình…
 
-

Tôi xuống dãy cầu thang phía bên trái, các phòng ở ngoài dành cho các cha giáo như phòng lầu 2 của cha Lê Văn Hồng, dạy Anh văn và phụ trách thể thao, phòng lầu 1 của cha Trần Văn Lộc, dạy văn chương và xướng âm. Riêng phòng cha Lộc mỗi buổi sớm mai, đi ngang qua đây, nghe tiếng đàn guitar lẫn tiếng hát của cha êm dịu, sau nầy cha phụ trách quản lý, nên chuyển qua lầu mới. Nơi cạnh cầu thang lầu 1, có phòng y tế, nơi đây chỉ nhộn nhịp sau giờ đá banh, từng nạn nhân của lối đá “đinh đâm, chặt sắt” ôm cặp giò lên xin dầu bồ đề vạn năng xức vào, đau nhức mấy cũng trị khỏi.
 
-

Tôi nhớ mãi cánh cửa đôi trước phòng ngủ, mỗi khi nghe chuông báo hết giờ “veillé” là các chú leo lên phòng ngủ, đứng đợi chú Phụng xì-dầu mở khóa, đang loay hoay xỏ chìa, các chú phía sau thò tay lên trọi mạnh vào đầu chú Phụng, giận cá chém thớt, Phụng xì-dầu xoay lưng lại quơ tay đấm một vòng, chỉ trúng các chú vô tội đứng hàng đầu…

Phòng của cha bề trên ngày đó, bi chừ là phòng hiệu trưởng, bên cạnh là phòng khánh tiết, mỗi lần tựu trường, các chú tập trung tại đây để chào các ngài và sang phòng học lớn để nghe cha bề trên giảng huấn bước đầu năm học.
 
-

Tôi còn nhớ giờ làm vệ sinh mỗi ngày, sau giờ học các chú được chia thành nhiều đội để làm vệ sinh toàn trường, chú lớp lớn nhất làm đội trưởng. Ngày đó đội của tôi do chú Trương Đình Quảng HT66 quản lý chuyên làm vệ sinh phòng ăn tập thể, cứ hai chú sắp ghế đẩu lên trên mặt bàn, các chú khác dùng chổi quét, các chú còn lại dùng cây lau nhà đẩy mặt sàn từ đầu đến cuối, sau đó đặt ghế xuống, thi thoảng chúng tôi rủ nhau xù giờ vệ sinh, vậy mà chú Quảng vẫn vui vẻ không hề la mắng mà chỉ cười trừ.
 
-

Khi chúng tôi mới vào nhà trường, các cha và các chú cùng ăn chung một phòng, có lần khi xướng kinh chúc lành, có con bướm vô tình đậu lên đầu tóc nhẳn nhụi của cha bề trên Đẩu, mọi người cười vang, nhưng khi cha quay lại, bỗng im thin thít. Tôi nhớ một chuyện không may với tôi, chiếc ghế đẩu của tôi có một chân ngắn hơn với ba chân còn lại, nên khi ngồi cứ lúc lắc mãi, cha bề trên Đẩu để ý, bước xuống giáng cho tôi một bạt tai oan mạng, tôi vội đem đổi chiếc khác cho khỏi bị ăn đòn, có khi bị đuổi về nữa đó. Sau nầy, các cha đổi sang phòng ăn riêng, khi đó các chú mới cảm thấy thoải mái hơn. Ngày đó, mỗi 4 chú ngồi chung một mâm, bữa ăn có 4 món như cá chiên, canh, đồ xào và một chén nước mắm được bày trên một mâm đồng, bọn tôi quay mạnh cái mâm theo vòng tròn, khi dừng lại, món ăn ở trước mặt ai, thì chú đó chỉ ăn món đó, chú Dinh cùng mâm trúng nước mắm 7 lần liên tiếp, nên bị đặt tên là Dinh nước mắm, chú nào trúng món cá, ăn riết cũng ngán, nên tập tục này mau chóng bị xóa sổ.

Trước phòng ăn là khoảng sân vuông vức, có đặt một tượng Đức Mẹ Bồng Chúa trên chiếc hồ nho nhỏ, 40 năm sau cái bệ tượng vẫn nằm chờ đó, người ta đặt vào đó một cái phù điêu lấp liếm. Nhớ ngày đó, buổi tối thứ năm chúng tôi quây quần tại đây hát bài Chúng con Kính chào Nữ Vương vừa xong là hớn hở vào phòng học đợi cố Oxarango chiếu phim Charlot…
 
-

Buổi ăn tối thường đặt các chú lớp lớn đọc sách, khi thì sách tu đức, khi thì truyện dài … Chúng tôi thích nhất là truyện Bồn Lừa của Duyên Anh, các chú rú cười sảng khoái, chăm chú nhất là truyện Mơ làm người Quang Trung, cũng hay và sống động không kém.

Thích nhất là khu nhà thể thao phía sau có mái che, bây giờ họ làm nhà giữ xe. Ngày đó nơi đây để các bàn ping-pong, vài cái banh bàn phải mua thẻ để đút vào, nhưng các chú ma mãnh, thường chêm cho nút kéo luôn để tư thế trào ra, tha hồ chơi thoải mái. Nơi đây cũng dùng làm sân khấu để diễn văn nghệ cuối năm, có khi xổ số tombola nữa. Mỗi lần văn nghệ, được ban nhạc thời danh của nhà trường như tay trống ru-lê Quang Hà HT67 nghe thật đã, nhìn đôi tay thăn thoắt điệu nghệ, sau nầy nghe anh kể, tối nào cũng trùm mền, dùng đôi đũa luyện công suốt đêm. Ngoài ra còn có các đàn sĩ như Nguyễn Ánh HT66, Văn Tịnh, Kim Anh, Quang Tuyến HT68, các danh hài như Hồ Hiền, Đỗ Giáo (RIP), Xuân Long của HT69…
 
-

Tôi rảo vội vào phòng học lớn, nhớ những giờ học bài ham chơi, được các anh lớp lớn thường nhắc nhở, có khi nghịch quá, bị chú Khâm HT66 dùng cuốn grand larousse gõ mạnh trên đầu, hoặc bị ai đó giả làm cha bề trên Đẩu ho sù sụ, làm các chú sợ điếng hồn. Chú Đề (RIP) tuy cao to, nhưng hiền khô, chẳng bao giờ nghe chú ấy la một tiếng, sợ nhất là chú Trần Lương (RIP) coi chừng bị ăn đòn như chơi.

Khi bước qua khu nhà mới, hình như phòng tiếp khách của ngày đó vẫn còn, tuy được sơn sửa lại hiện đại, nơi này sau 1975 là thuộc cung chủ Lê Thành Đức HT72-73 là người đầu tiên ở đây, sau đó có Hữu Lý, Văn Sỹ, Văn Long, Phụng xì-dầu, Xuân Hải, Trần Diễn, Trần Qúy, Trương Nhuận, Vĩnh Duyệt...một cõi thâm cung bí sử chỉ có trưởng ban trợ sĩ Lê Thành Đức mới biết nội tình của phòng khách này…
 
-

Còn vô vàn kỷ niệm khác, của nhiều anh em về mái trường xưa, về phần tôi, chỉ muốn thuật lại những điều mình nhớ được, nhiều lắm nhưng vì trang viết có hạn, nên chỉ chừng đó cũng đã quá dài.

Có một điều trùng hợp, sau 40 năm rời trường, thì họ cũng kỷ niệm 40 năm thành lập trường THCS Nguyễn Chí Diểu, các áp-phích kỷ niệm treo đầy dẫy trên đường Đống Đa, còn chúng tôi, kỷ niệm 40 năm rời trường được dán chặt trong tim, trong tận đáy tâm hồn, vì nơi đó không chỉ hóa tâm hồn mà hóa cả linh hồn để còn mãi mãi với hôm qua, hôm nay và cả ngày sau. Những phiến gạch carô dùng lát nền các dãy hành lang vẫn được giữ lại theo màu thời gian, theo bao năm tháng gần 60 năm qua vẫn bền bỉ , không phai màu. Phải chăng những viên gạch đó đã in hằn một lịch sử từ ngày thành lập năm 1961 đến 1979 và cho tới bi chừ 2019 và đã khắc cốt ghi tâm mọi dấu chân của bao thế hệ chúng tôi, như trái tim của chúng tôi đã in dấu mọi ký ức của một thời đẹp nhất trong cuộc đời, dù thời gian của từng mỗi người có thể ngắn chỉ chừng vài ba tháng hoặc dài đến cả 10 năm, nhưng cảm xúc khi trở lại trường xưa vẫn bồi hồi như nhau cả, và vì điều đó mới làm nên tình cảm huynh đệ của người cựu chủng sinh, các bạn có đồng cảm như vậy không !!!

Sàigòn ngày 18/8/2019
Mic Nguyễn Hùng Dũng HT71 chấp bút

Tác giả: Mic Nguyễn Hùng Dũng HT71

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập809
  • Hôm nay42,786
  • Tháng hiện tại863,445
  • Tổng lượt truy cập56,965,082
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây