Thánh Lễ Tạ Ơn và buổi Sinh Hoạt sau 40 năm
Có vài anh em thường nói với tôi, mỗi lần Hội Ngộ nên giảm bớt phần siêu nhiên như thánh lễ, chầu Thánh thể, kinh nguyện v.v…vì cho rằng những hành vi đạo đức này đã thường ngày rồi. Tôi đón nhận ý kiến này, nhưng vẫn tiếp tục duy trì thánh lễ, vì đó là cao điểm của Hội Ngộ, nếu không thì việc gặp gỡ huynh đệ của chúng ta sẽ mất đi ý nghĩa sâu sắc nhất, như lời cha bề trên Phêrô Nguyễn Hữu Giải đã từng nhấn mạnh: Từ việc hiệp thông với Thiên Chúa sẽ đưa đến hiệp thông của chúng ta. Cho nên việc Hội Ngộ, không thể thiếu nhiệm tích này.
Thánh lễ Tạ Ơn được chuẩn bị hết sức kỹ càng. Cộng đoàn tham dự xếp hai hàng thẳng tắp ngoài nhà nguyện, để rước quý cha đồng tế, đoàn đồng tế trang trọng với 12 vị giáo sĩ tham dự, một con số thật trọn vẹn như biểu tượng cho 12 vị Tông đồ của Hội Thánh. Cha bề trên Phêrô Nguyễn Hữu Giải được chọn làm chủ tế, Đức Ông Giêrôm Nguyễn Ngọc Hàm, cha Giuse Trần Văn Lộc và cha Anrê Nguyễn Văn Phúc là những vị ân sư danh giá một thời, cha Giám đốcĐại Củng viện cùng quý cha trong lớp HT69 thuộc nhóm từ 75-79, kể cả cha Antôn Nguyễn Văn Thăng, lớp út HT74, đều hiện diện; ngoài ra còn được vinh hạnh có cha PX Nguyễn Văn Cần HT65 và cha Đaminh Phan Hưng HT66 tham dự. Thật là hạnh phúc và viên mãn khi Ngày Về được đầy đủ quý cha đại diện cho nhiều lớp của cả ba nhà trường chủng viện dâng hy lễ toàn thiêu cảm tạ muôn hồng ân mà suốt 50 năm qua, họ được nhận lãnh, đây có thể gọi được là đỉnh cao của Hội Ngộ. Vì Ngày Về sau ngần ấy năm, ngoài việc đoàn tụ, tương ngộ…sẽ thật đong đầy, ý nghĩa trọn vẹn của cả hai bề, khi được muôn ơn sinh ích từ thánh lễ.
Hãy nghe lại bài giảng đầy tâm tình súc tích của cha GB Nguyễn Vinh: Lớp 69 hàm súc nhiều ý nghĩa, trước nhất là hai con số 6 và 9: Là hai giới răn thứ 6 và thứ 9 mà ở chủng viện, các thầy thần 4 phải học kỹ, hai điều răn đó, không chỉ dành cho các giáo sĩ, mà ngay cả các anh em sống ơn gọi gia đình, cũng phải thực hành nữa. Lớp 69 là lớp có thời gian tu học lâu nhất trong chủng viện, những 10 năm (từ 69-79) và lịch sử của lớp như là buổi giao thời của hai cột mốc là trước và sau 75, và nhất là thời kỳ từ 75-79, họ được ban huấn đạo dạy dỗ theo đường hướng “Nhu cầu mới, linh mục mới” Và chính nhờ vậy, họ đã được trang bị hành trang cần thiết để lên đường với nhiều lộ trình, ơn gọi khác nhau. Và sau 40 năm, họ hân hoan trở về tạ ơn Thiên Chúa, đội ơn địa phận nhà và đặc biệt hàm ơn quý cha giáo đã dày công huấn luyện họ, nhất là trong thời kỳ cam go nhất, khắc nghiệt nhất… Bài chia sẻ của cha Vinh đầy cảm xúc và ý vị.
Trước thánh lễ có buổi sinh hoạt chung ngập tràn màu sắc huynh đệ. Phía trên có bàn dự khán của quý cha giáo. Ngày xưa cha nói, chúng con nghe; còn bi chừ, chúng con nói cho cha nghe. Cuộn phim “Kiểm điểm đời sống” của 40 năm trước bị đứt phim, nay được nối lại và các diễn viên chính của ngày xưa, tưởng chừng như đã từ giã, chào thua cuộc đời, nay bỗng dưng xuất hiện đầy đủ trong “phim trường”. Tưởng cũng nhắc lại cho bạn đọc biết rằng vào ngày đó của 40 năm trước, cứ buổi tối là ở chủng viện có buổi kiểm điểm đời sống trong ngày, khi thì cha bề trên hoặc cha quản lý hiện diện, có khi cả dưới bầu trời đầy sao ở trên các nông trường như Thiên An hoặc những nơi lao động khác, việc đó đã trở thành thói quen tốt hằng ngày. Kiểm điểm ở đây không phải là phê phán, ném đá nhau …mà chính là chia sẻ cho nhau những việc làm thiêng liêng trong ngày để nhắc nhau nhớ Chúa từng giây phút, và cả những việc làm sáng danh Chúa nơi trường học phổ thông… Cha dự khán sẽ đúc kết và nhắc nhở về những cám dỗ, mưu chước mà các chú năng gặp nhất để đề phòng.
Anh Phạm Thạnh, nguyên “chủ tịch của đoàn chủ tịch chủng sinh đoàn” đăng đàn trước nhất, anh Thạnh kể lại mồn một những sự kiện của 40 năm trước, nhất là trong thời gian cuối cùng và khái quát lại thời gian sống trong 40 năm qua, đem những gì được học ở trong chủng viện áp dụng vào cuộc sống, nhất là nhắc lại lời dạy của cha linh hướng Bart. Nguyễn Phùng Tuệ: “Đừng bỏ Chúa và phá Hội Thánh!”
Tiếp đến cha Emmanuel Nguyễn Tấn Lục, chủng sinh trưởng nhập HT69 tường thuật lại cuốc sống gìn giữ ơn gọi của mình, hết sức gian nan và thử thách, sau ngày 22/12/79, vẫn còn bám trụ tại Huế, ban ngày lao động nơi các nhà dòng, tối về lây lất ngủ ở bến xe …Sau đó được Đức Tổng Philipphê giới thiệu vào Đà Nẵng ở Tòa Giám mục. Lại bị đuổi về nhà, tiếp tục cuốc đất trồng hoa… lại về Tòa Giám mục và mãi đến 1997, nghĩa là gần 20 năm sau mới bước lên bàn thờ với câu châm ngôn “Vinh quang của tôi, chính là Thập giá Đức Kitô”.
Anh Đặng Văn Tạo với câu nói nhập đề là “Cám ơn chủng viện”. Sau đó kể chuyện vắn tắt về quãng đời phong ba của mình, nào là làm nghề “đâm soi” tiếng lóng của nghề chằm nón, rồi bá nghệ như thợ điện, thợ nước, thợ nề và cả thợ sửa máy chữ… Và ngoài ra còn có nghề làm khuôn nón chung với anh Phạm Thạnh, đặc biệt nhất là nghề nói trạng nữa, được biết anh Tạo là giáo viên ngữ văn kỳ cựu nhất trong số anh em từ 1975-79.
Cha Phan Chiếm tự sự về quãng đời 40 niên, ngài nói về cơ duyên vào TCV vì trước đó cha là ứng sinh của Dòng Tên. Ngài tâm đắc 2 câu slogan được ban huấn đạo nhấn mạnh: “-Nhu cầu mới, linh mục mới; và –Vì lý tưởng Nước Trời.” Sau 1979, về lại gia đình tại Trà Cổ, Biên Hòa…rồi lại ra Huế gần 2 năm làm phu khuân vác, trở lại Trà Cổ và kiên trì xin cho được nhập hộ khẩu. Sau đó miệt mài giúp xứ 25 năm, từ 1995 viết 9 lần đơn xin chịu chức đều bị nhà nước gạch tên, mãi đến lần thứ 10 mới được chấp thuận, và bật mí trong suốt 25 năm đó, có thấp thoáng những bóng hồng quanh quẩn, nhưng vì “Lý tưởng Nước Trời” nên đành từ bỏ tất tần tật. Lời cuối cùng của ngài là tạ ơn địa phận Huế, tạ ơn cha bề trên, cha linh hướng và cha quản lý.
Anh Lê Văn Hùng tiếp tục chia sẻ cuộc đời của mình trong 40 năm qua bằng hai câu: Một của trong Kinh thánh mà Đức TGM Philippê thường nhắc nhở: ”Khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu”; câu còn lại của cha linh hướng Bart Nguyễn Phùng Tuệ “Không ai hơn Chúa, không chi bằng Chúa, Chúa trên hết và Chúa trước hết”…
Huỳnh Lễ HT72-73, gương mặt gầy gò, khắc khổ nhất trong đoàn Ngày Về nói rằng mình là người ở xa xôi nhất tận Kiên Giang, hết sức vui sướng khi về lại gặp được quý cha giáo, được ở giữa lòng anh em huynh đệ, được sống những ngày thần tiên quý giá mà mãi 40 năm sau, mới được cảm nhận lại bầu khí chủng viện, và cám ơn tất cả…
Anh Nguyễn Thế Cường với cương vị trưởng lớp đã bày tỏ niềm vui, niềm hân hoan khi được tổ chức sự kiện Tạ Ơn 50 nhập trường hoành tráng và tốt đẹp như vậy. Anh Thế Cường chân tình cám ơn quý cha và mọi người đã về đây tham dự, chung vui, chia sẻ vui buồn cùng nhau sau 40, 50 năm qua.
Chị Ánh Hồng, phu nhân xinh đẹp của anh Nguyễn Ngọc Dũng, đã thay mặt quý phu nhân toàn xinh đẹp HT69, xúc động dựa hơi bên chồng nói: Hạnh phúc tràn đầy quá trong Ngày Về, chỉ biết cám ơn và cám ơn.
Còn nhiều người nữa, nhưng vì thời lượng sinh hoạt đã hết, nên chỉ giới thiệu qua về tên tuổi, tên lớp mà thôi.
Cuốn phim ngày xưa 40 năm dang dở, nay được chắp nối tuyệt vời bằng những lời chia sẻ thấm đẫm tình huynh đệ cựu chủng sinh. Ngày Về sau ngần ấy năm với nhiều tâm tình khác biệt hoặc giống nhau được gói gọn bằng bốn chữ: Về Để Làm Gì? -Đó là để làm đẹp lòng Chúa, như mọi người đã từng làm đẹp lòng Chúa của hôm qua, hôm nay và cả ngày mai; để ôn lại bao kỷ niệm ngập tràn nơi một chặng đường dài hoặc ngắn ở TCV; để nhắc nhở nhau hãy cùng sống tốt hơn, đạo đức hơn và thương nhau hơn trong phần đời khuyến mãi còn lại của mình, hãy bỏ qua những tiểu tiết, chi tiết lăn tăn, không đáng có để anh em chúng mình mãi mãi gắn bó cùng với nhau trong mầu nhiệm thông công mà cha Vinh đã chia sẻ trong thánh lễ đầu tiên của Ngày Về .
Xin cám ơn mọi người đã lắng nghe.
TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN!
Thủ Đức, ngày lễ Thánh Đaminh 9/8/2019
Mic Nguyễn Hùng Dũng HT71 chấp bút