Sách GLHTCG – Bài 40-43

Thứ hai - 25/02/2013 11:12

-

-
Tìm hiểu sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo. Phần 1: Tuyên xưng Đức Tin. Bài 40-43
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
 
Bài 40. PHẨM TRẬT CỦA GIÁO HỘI
 
Công đồng Vatican II và tiếp theo Sách Giáo lý đã nhìn Giáo hội trước hết trong bản chất của Giáo hội, mầu nhiệm sự sống của Giáo hội: Nguồn gốc của Giáo hội trong ý định thần linh và được hiện thực hóa dần dần trong dòng lịch sử thánh, Giáo hội được trình bày như Dân Thiên Chúa và Thân Mình Đức Kitô. Mọi điều được nói về Giáo hội và những đặc tính thiết yếu (Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền) được áp dụng cho tất cả các thành viên của Giáo hội, bao gồm những người có chức thánh và giáo dân: “Do việc họ được tái sinh trong Đức Kitô, có sự bình đẳng thật sự về phẩm giá và hành động” (số 872).

Nhưng, trong Giáo hội có những ơn gọi và bổn phận khác nhau, những bậc sống và chức năng khác nhau. Điều quan trọng duy nhất trong những khác biệt này cần được giải thích tóm tắt ở đây. Cách cụ thể, phải phân biệt giữa giáo dân, những người sống bậc tu trì, và những người có chức thánh (số 873).

Sẽ thiếu sót nếu giải thích những khác biệt này thuần túy trên bình diện “chức năng”: Như mọi tổ chức lớn đều có những phân chia chức năng, vì vậy Giáo hội cũng phải có những cơ cấu phẩm trật, nhưng hơn thế, tất cả các chức năng và ơn gọi trong Giáo hội cần được nhìn trong mối liên hệ của họ với Đức Kitô, Đầu của Giáo hội. Qua bí tích Thánh Tẩy và bí tích Thêm Sức, tất cả tín hữu đều chia sẻ trong sứ mệnh, trong chức tư tế của Đức Kitô. Toàn thể đời sống tín hữu trở nên duy nhất trong chức năng tư tế (số 1268; 1141), và lan rộng ân sủng Phép Rửa trong mọi lãnh vực của đời sống. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho dân của Người về điều này, Đức Kitô đã thiết lập các chức năng và ơn gọi riêng: “Chức tư tế thừa tác” (số 874; 1547).

Thế tại sao có thừa tác vụ trong Giáo hội? Sách Giáo lý đưa ra nhiều lý do để trả lời cho câu hỏi này (số 875-879). Lý do quan trọng nhất là: “Không ai có thể tự ban cho mình ân sủng, ân sủng phải được ban tặng. Điều này giả thiết phải có những thừa tác viên của ân sủng, được Đức Kitô ban cho quyền bính và tư cách … để hành động trong cương vị Đức Kitô là Đầu (in persona Christi Capitis)” (số 875). Bởi vì đây là sự ủy thác đặc biệt, nên được ban bởi một bí tích riêng: Bí tích Truyền chức thánh.

Chính Chúa đã kêu gọi và phong ban cho những người mà họ sẽ hành động với Người và qua Người: Nhóm mười hai và đứng đầu là thánh Phêrô. Đức giáo hoàng và các giám mục, dựa trên nền tảng cộng đoàn các tông đồ và các giám mục như những người kế vị các tông đồ, hình thành nên Giám mục đoàn đứng đầu là Đức giáo hoàng (số 880). Chức giám mục Roma hàm ý là “Đại diện Đức Kitô” và “mục tử của toàn thể Giáo hội” (số 882). Mỗi giám mục với sự trợ giúp của các linh mục và phó tế, là mục tử của Giáo hội địa phương (số 886; 1560). Các ngài thi hành một cách cá vị, nhân danh Đức Kitô (số 895). Vì thế, Công đồng trình bày: “Chính Chúa Giêsu Kitô, linh mục Thượng phẩm, hiện diện giữa các tín hữu qua các giám mục được các linh mục trợ giúp” (GH, số 21).

Chức tư tế phẩm trật là một phần của Giáo hội. Đó không phải là bản chất của Giáo hội cũng không phải là mục tiêu, nhưng đó là một trong các phương tiện do chính Đức Kitô thiết lập để giúp cho Giáo hội thực hiện mục tiêu của mình: là Dân Thiên Chúa và Thân Mình Đức Kitô (số 1547).
 
 
Bài 41. GIÁO DÂN TRONG GIÁO HỘI
 
Sách giáo lý chỉ dành đúng bốn trang cho chủ đề về “Kitô hữu giáo dân” (số 897-913) từ hơn bảy trăm trang của sách. Người ta có thể nhận xét: cực kỳ khiêm tốn! Tuy nhiên, nhận xét đó là hiểu sai hoàn toàn khi mặc định rằng chỉ có một vài trang liên quan đến giáo dân. Vì mọi điều được nói trong sách giáo lý về đức tin và đời sống của Kitô giáo cũng áp dụng cho tất cả những người đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Do vậy, thiết nghĩ đã đủ, nếu trong phần về các “bậc sống” trong Hội thánh, có điều gì cần nói về giáo dân như phân biệt với những người có chức thánh và những người trong bậc tu trì (số 897).
 
Nền tảng ở đây là giáo lý của Công đồng về ba nhiệm vụ trong sứ mệnh của Đức Kitô: Người được xức dầu bởi Thần Khí như tư tế, ngôn sứ và vương đế (số 783; 436). Tất cả những thành viên của Dân Thiên Chúa được chia sẻ ba chức năng của Đức Kitô, mỗi người theo như ơn gọi của mình.
Công đồng nhấn mạnh cách đặc biệt “sứ mệnh trần thế” của giáo dân: “Vậy một cách đặc biệt, nhiệm vụ của họ là phải soi sáng và sắp xếp thế nào, để các thực tại trần gian, vốn liên kết mật thiết với họ, không ngừng được thực hiện và phát triển theo Đức Kitô” (số 898). Sứ mệnh này thuộc về Hội thánh cũng như với giáo dân: “Giáo dân là Giáo hội” (Piô XII). Như vậy, Giáo hội hiện diện bất cứ đâu họ hiện diện (số 900). “Qua giáo dân, Giáo hội là nguyên lý sống động của xã hội con người” (Piô XII).
 
Để hiểu chức năng tư tế của giáo dân, chúng ta phải suy nghĩ về chức tư tế cộng đồng của bí tích Thánh Tẩy. Như Công đồng nói: “Nhờ chức tư tế vương giả, chúng ta tham dự vào việc dâng thánh lễ và thi hành chức tư tế đó bằng việc lãnh nhận các bí tích, cầu nguyện và tạ ơn, bằng chứng tá đời sống thánh thiện, từ bỏ mình và bác ái tích cực” (GH, số 10). Toàn thể đời sống giáo dân từ thưởng nếm sâu xa kinh nghiệm của đời sống phụng vụ đến những công việc hằng ngày, đều là thi hành chức tư tế trước Thiên Chúa và dâng chính trần gian lên Thiên Chúa (số 901). Như thế, chính đời sống chúng ta trở thành “sự chúc lành” (số 1078).
 
Dân Thiên Chúa chia sẻ chức năng ngôn sứ của Đức Kitô trước hết qua “cảm thức siêu nhiên về đức tin” (số 785), nhờ đó “toàn thể các tín hữu… không thể sai lầm trong đức tin” (số 92). Đối với giáo dân cảm thức siêu nhiên về đức tin được tỏ hiện cách đặc biệt qua những chứng tá đời sống của họ, đồng thời qua việc nói công khai về Đức Kitô (số 905). Phúc Âm hóa là sứ mạng đối với tất cả các tín hữu.
 
Đức Kitô thực hiện quyền vương đế của Người, trước hết bằng việc ngự trị trong đời sống chúng ta: “Đối với Kitô hữu, ‘cai trị là phục vụ’ Đức Kitô” (số 786). Dân Thiên Chúa sống theo phẩm giá hoàng vương của mình, khi họ đặc biệt nhận ra trong những người nghèo khó và đau khổ hình ảnh vị Vua bị đóng đinh, đội mão gai của họ, và phục vụ Người. Trong một nghĩa rộng, tất cả những dấn thân xã hội, văn hóa, chính trị của giáo dân được nuôi dưỡng bởi đức tin là tham dự vào chức năng vương đế của Đức Kitô (số 909).
 
Giáo dân dấn thân trong Hội thánh qua những lãnh vực phụng vụ, dạy giáo lý và quản trị (số 903; 906; 910) cũng là một phần sứ mệnh của họ. Từ Công đồng, những dấn thân này của giáo dân được gia tăng mạnh mẽ. Không thể hình dung đời sống của Hội thánh mà không có giáo dân. Do vậy, điều thúc bách hơn tất cả những gì khác của ngày nay là làm thế nào để giáo dân đạt được ý thức mới về sứ mệnh của họ: Phúc Âm hóa trong mọi lãnh vực trần thế.
 
 
Bài 42. ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
 
“Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” Đối với câu hỏi của người thanh niên giàu có, trước hết, Chúa Giêsu trả lời: “Hãy giữ các điều răn. Khi anh ta tiếp tục hỏi, Chúa Giêsu đưa ra câu trtả lời thứ hai: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Khi người thanh niên Ai Cập tên Antôn, sống vào thế kỷ thứ ba, nghe đoạn Tin Mừng trong thánh lễ Chúa nhật, Antôn bị đánh động mạnh như thể Chúa Giêsu đang nói với anh, Antôn đã trao tất cả tài sản của mình cho người nghèo và thực hiện đời sống cô tịch trong sa mạc, khởi đầu cho đời sống ẩn tu.
 
Cũng như một cây lớn có nhiều cành (số 917), đời sống được thánh hiến cho Thiên Chúa gia tăng không ngừng với những hình thức mới. Ngày nay chúng ta cũng chứng kiến những dòng tu, tu hội đời mới hiện diện trong Hội thánh cùng với những đan viện, dòng tu, hội dòng có từ lâu đời. Bậc sống này không thể bị xem nhẹ từ bất cứ khái niệm nào về Giáo hội; vì “thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Hội thánh một cách vững bền” (số 914); “Đó là hồng ân Hội thánh đón nhận từ nơi Chúa” (số 926).
 
Những ai được Chúa Giêsu gọi trực tiếp? Chỉ dành cho một số cá nhân nào đó hay cho mọi người? Mọi người có được gọi vào đời sống theo như “những lời khuyên Phúc Âm” (vâng phục, khó nghèo, khiết tịnh)? Các lời khuyên Phúc Âm, vốn có nhiều, được đề ra cho tất cả các môn đệ của Đức Kitô (số 915) – tuy nhiên, không phải mọi người đều cùng một cách, nhưng “chỉ những lời khuyên nào thích hợp với sự khác biệt của các nhân vị, các thời đại, các hoàn cảnh và các sức lực, như đức mến đòi hỏi” (thánh Phanxicô Salêsiô, số 1974). Tất cả được mời gọi đến đời sống đức ái hoàn hảo, nhưng không phải tất cả được gọi đi vào bậc đặc biệt của đời sống thánh hiến “được thiết lập do việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm” (số 914).
 
Đâu là những đặc tính của ơn gọi đặc biệt này? Trước hết, “Đề nghị bước theo Đức Kitô cách gần gũi hơn, tự hiến cho Thiên Chúa đáng mến trên hết mọi sự” (số 916). Do đó bậc sống này được định rõ trọn đời để cầu nguyện: “Đời sống thánh hiến không thể tồn tại và triển nở nếu không có kinh nguyện” (số 2687).
 
Nguyên tắc bắt chước Đức Kitô đưa đến một cách thế phục vụ đặc biệt cho Hội thánh. Có nhiều hình thức khác nhau của đời sống thánh hiến: sống đan sĩ, bậc sống trinh nữ thánh hiến (cả hai hình thức này đang hồi sinh trong thời đại ngày nay), đời sống tu viện với những lời khấn công khai và các hội dòng; các tu hội đời (những thành viên vẫn ở trong thế giới, trong những công việc chuyên môn của họ, để cố gắng là men) – họ cố gắng, để một cách mật thiết hơn, được thánh hiến cho việc phục vụ Thiên Chúa và dấn thân mưu ích cho Hội thánh (số 931). Ngay cả khi họ được đưa vào đời sống hoàn toàn tách biệt, ơn gọi của họ là truyền giáo, vì phục vụ cho việc phát triển vương quốc của Thiên Chúa. Thánh Têrêsa không bao giờ rời đan viện Cát Minh ở Lisieux, ngày nay trên trời cao người là bổn mạng của các nước truyền giáo: “Tôi hiểu rằng chỉ có tình yêu khiến các chi thể của Hội thánh hoạt động, nếu Tình Yêu bị tàn lụi, thì các tông đồ sẽ không loan báo Tin Mừng nữa” (số 826).
 
 
Bài 43. SỰ HIỆP THÔNG CỦA CÁC THÁNH
 
Hội thánh hiệp thông qua Đức Kitô, với Người và trong Người. Không có gì có thể liên kết các tín hữu sâu xa hơn sự hiệp thông này. Đó là nội dung kinh Tin kính đề cập đến “sự hiệp thông của các thánh”.
 
Nhiều người không biết đến nghĩa nguyên thủy của từ này. Nó hàm ý Hội thánh là sự hiệp thông trong “các ơn ban thánh” (số 948). Giữa những thành viên của Hội thánh có một sự liên đới hỗ tương: “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau; nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1Cr 12,26; số 953). Sự liên đới hỗ tương này diễn ra, trên hết, giữa Đức Kitô là Đầu và những thành phần của thân mình Người. “Hiệp thông các thánh” hàm ý rằng Đức Kitô ban những ân sủng của Người trên Hội thánh. Điều Hội thánh được tiếp nhận từ nơi Người được chia sẻ chung cho mọi thành phần: Lời, ân sủng và tình yêu của Người.
 
Đức Kitô ban các ân sủng cách đặc biệt qua các bí tích (số 950). Như vậy, “sự hiệp thông của các thánh” hàm ý một sự gắn bó chung giữa các tín hữu qua các bí tích, trên nền tảng của bí tích Thánh Tẩy và cách đặc biệt trong bí tích Thánh Thể (số 1311). Người lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy kết hiệp với nhau trong sự sống mới mà họ đón nhận từ nơi Đức Kitô. Đón nhận tình yêu Đức Kitô làm cho thâm sâu hơn sự hiệp thông này. Chúng ta trở nên “một thân thể” với Đức Kitô, do đó có mối liên hệ “máu huyết” với nhau trong Đức Kitô (số 1396).
 
Như thế, người ta càng đau lòng vì sự chia rẽ trong Hội thánh vốn làm cho các Kitô hữu không thể tham dự chung với nhau bàn tiệc của Chúa (số 1398-1401). Thí dụ khi có những chia rẽ trong Hội thánh, hoặc tái hôn theo luật dân sự. Những giới hạn này, nếu chấp nhận trong đức tin và sự kiên nhẫn, không kéo theo bị loại trừ từ “hiệp thông các thánh”. Ngay cả khi sự gắn bó của hiệp thông là không có thể, tình yêu gắn bó chúng ta với Đức Kitô, đặc biệt một tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo (số 2448). Những gì chúng ta làm cho những anh em bé mọn nhất, chúng ta làm cho Chúa (Mt 25,40; số 678). Không ai bị loại trừ từ sự hiệp thông này với Đức Kitô, và cuối cùng, điều thiện hảo mà mỗi người đã làm, đã bỏ không làm quyết định cho ơn cứu độ của chúng ta (số 1038-1039).

‘Hiệp thông của các thánh’ cũng cho thấy sự liên hệ của những người được gắn bó chung với nhau trong Đức Kitô. Sự hiệp thông này không ngừng lại ở ngưỡng cửa của sự chết. Những người hiện nay đã ra đi và nghỉ yên trong Đức Kitô và những người đang lữ hành trên trần thế trong đức tin hình thành sự hiệp thông duy nhất: “Thật vậy, tất cả những ai thuộc về Đức Kitô, có Thần Khí của Người, đều họp thành một Hội thánh duy nhất và liên kết với nhau trong Người” (số 954). Cũng như có một sự liên đới hỗ tương về những ích lợi thiêng liêng giữa các thành viên của thân mình Đức Kitô, những người đang sống trên trần thế, cũng như vậy có một sự hỗ tương tương tự giữa những những thành viên trên trời và trần thế của Hội thánh. Vì được gắn bó mật thiết hơn với Đức Kitô, các thánh trên trời giúp chúng ta. Họ được hiệp nhất thân tình với Đức Kitô, do đó cũng hiệp thông với chúng ta (số 956, 1370). Khi chúng ta yêu mến các thánh, tôn kính họ, điều này củng cố sự hiệp thông của chúng ta với Đức Kitô (số 957).
 
Cuối cùng, sự “hiệp thông của các thánh” cũng bao gồm những người đã ra đi trước chúng ta nhưng vẫn cần được thanh luyện. Lời cầu nguyện của chúng ta là một sự giúp đỡ cho họ, và đến lượt họ, họ sẽ chuyển cầu cho chúng ta (số 958).

Tác giả: ĐHY Christoph Schönborn

Nguồn tin: hdgmvietnam.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập109
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm105
  • Hôm nay28,193
  • Tháng hiện tại566,232
  • Tổng lượt truy cập56,667,869
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây