Sách GLHTCG – Bài 47-50

Thứ bảy - 23/03/2013 09:04

-

-
Tìm hiểu sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo. Phần 1: Tuyên xưng Đức Tin. Bài 47-50
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
PHẦN I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Bài 47: SỰ CHẾT

“Về nhà Cha”. Người Kitô hữu diễn tả cái chết bằng ngôn từ tuyệt đẹp như thế. Bởi lẽ họ ý thức mình chỉ là khách trọ trên trần thế, đang bước đi trong cuộc hành hương không ngơi nghỉ, tiến về Nhà Cha vĩnh cửu. Niềm hy vọng vào sự phục sinh thân xác là câu trả lời của đức tin trước cái chết. Sự chết vừa xấu lại vừa tốt, vừa là kết thúc vừa là khởi điểm.

Chết là một sự ác! “Thiên Chúa không làm nên cái chết và Ngài không vui sướng khi thấy kẻ sống phải chết. Bởi vì Ngài tạo dựng mọi sự để chúng được hiện hữu” (Kng 1,13-14). Xem ra không dễ chấp nhận khẳng định này của Kinh Thánh. Cái chết lại chẳng phải là một phần của tự nhiên, và do đó, chính Thiên Chúa muốn thế hay sao? Nói gì thì nói, cái chết xuất hiện như một sự ác. Ngay cả trước cái chết của con vật nuôi trong nhà, chúng ta còn cảm thấy buồn, huống hồ khi phải đối diện với cái chết của một người thân. Quả thật, “đối diện với cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên đến mức cao nhất” (GLHTCG, số 1006).

Thế giới này chưa đạt đến mức hoàn hảo. Bao lâu tạo thành còn phát triển, bấy lâu vẫn có cái chết: “Thiên Chúa đã muốn dựng nên một trần gian ‘trong tình trạng lên đường’ hướng đến sự hoàn hảo của nó. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, tiến trình này bao gồm sự xuất hiện của những vật này và sự biến mất của những vật khác… có xây đắp và cũng có tàn phá trong thiên nhiên” (số 310). “Trở thành và tạm thời” là những đặc tính nội tại của một thế giới không ngừng thay đổi. Cho đến khi Thiên Chúa “đổi mới mọi sự”, dĩ nhiên bằng một cách thế vượt ngoài tầm hiểu biết của chúng ta, khi đó cái chết không còn là một phần của tự nhiên nữa (số 1044).

“Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập trần gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kng 2,24). Thánh Phaolô cũng dạy rằng cái chết đã đột nhập trần gian do tội lỗi (Rm 5,12). Theo giáo huấn của Hội Thánh, những khẳng định này của Thánh Kinh có nghĩa là “cái chết về phần xác” là cái gì đó mà “lẽ ra con người đã thoát khỏi nếu đã không phạm tội” (số 1008). Con người phải chết về mặt thể lý, nhưng Thiên Chúa đã tạo dựng con người “cho họ được trường tồn bất diệt” (Kng 2,23). Nếu con người giữ được mối dây thân tình thuở ban đầu với Thiên Chúa, thì sự chết đã không có được quyền lực trên họ. Dù vậy, theo lòng nhân hậu của Ngài, Thiên Chúa vẫn biến đổi cái chết thành sự tốt lành.

Chết là một thiện hảo. Thánh Ambrôsiô đã viết một cuốn sách có tựa đề như thế. Vào cuối thế kỷ thứ tư, trong một thời kỳ đầy đau khổ và đen tối, ngài viết: “Khi cuộc sống là một gánh nặng, sự chết đem đến ơn giải thoát; khi cuộc sống là một khổ hình, sự chết là phương thuốc chữa lành”. Nhưng sự chết chỉ là điều tốt lành cho những ai đã chuẩn bị trong cuộc sống: “Xa lánh tội lỗi thì tốt hơn là trốn tránh sự chết. Nếu hôm nay con không sẵn sàng thì làm sao ngày mai con sẵn sàng được?” (Sách Gương phúc).
 
Bài 48: THIÊN ĐÀNG

Lời tuyên xưng cuối cùng trong Kinh Tin Kính nói đến sự sống đời đời. “Phục sinh” và “sự sống đời đời” mở ra viễn tượng của thế giới sẽ đến, của những sự sau cùng là: phán xét, luyện ngục, thiên đàng, hoả ngục. Chết là cửa dẫn vào sự sống vĩnh hằng.

Công đồng Vatican II khẳng định: “Thời đại cuối cùng đã đến với chúng ta rồi và sự canh tân trần gian đã được thiết lập cách không thể đảo ngược” (GLHTCG số 670). Từ khi Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người, chịu chết và sống lại, thì sự hoàn thiện đã đến rồi, sự sống vĩnh hằng đã được ban xuống cho chúng ta. Trong Phụng vụ Lễ Phục Sinh, chúng ta được nhắn nhủ: “Nếu anh em đã được sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm kiếm những sự trên trời, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1). Sự sống vĩnh hằng đã được bắt đầu: “Được liên kết với Đức Kitô nhờ Bí tích Rửa Tội, các tín hữu đã thực sự tham dự vào sự sống thiên quốc của Đức Kitô Phục Sinh” (số 1003).

Dù vậy, Thánh Tông đồ vẫn nói: “Ước mong của tôi là được ra đi và ở với Đức Kitô” (Pl 1,23). Bởi vì bao lâu còn “ở xa Chúa”, chúng ta còn “bước đi trong đức tin chứ chưa thấy tận mắt” (2 Cr 5,6-7). Chỉ khi đó chúng ta mới thấy Thiên Chúa “như Ngài là” (1 Ga 3,2), “diện đối diện” (số 1023). Đó là mục đích mà mọi người đều mong đạt tới, dù ý thức hay không ý thức: “Ở đó chúng ta sẽ yên nghỉ và chiêm ngắm, chúng ta sẽ chiêm ngắm và yêu mến, chúng ta sẽ yêu mến và ca ngợi. Đó sẽ là cùng đích vô tận. Vậy chúng ta còn có cùng đích nào khác, nếu không phải là đạt đến Nước vô cùng vô tận?” (Thánh Augustinô, số 1720). Việc chiêm ngưỡng như vậy trong vinh quang thiên quốc được Hội Thánh gọi là sự “hưởng kiến vinh phúc” (visio beatifica) (số 1028).

Thiên đàng là sự hiệp thông trọn hảo với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Đức Mẹ, các Thiên thần, các Thánh (số 1024). “Sống trên thiên đàng là ở với Đức Kitô”. Vinh quang thiên đàng vượt trên bất cứ điều gì chúng ta có thể tưởng tượng: “Điều mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe… điều mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho những ai yêu mến Ngài” (1 Cr 2,9). Tuy nhiên, chúng ta có thế cảm nếm thiên đàng ngay bây giờ nếu ta bước đi trên nẻo đường tình yêu.

Trong vinh quang trên trời, các thánh vẫn tiếp tục thi hành thánh ý Thiên Chúa một cách hân hoan đối với những người khác và đối với toàn thể các thụ tạo. Các ngài đã hiển trị cùng với Đức Kitô; cùng với Người, các ngài sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời.
 
Bài 49: LUYỆN NGỤC

“Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Chúng ta chỉ có thể đón nhận hạnh phúc thiên đàng, được nhìn thấy Thiên Chúa “diện đối diện” khi tâm hồn được thanh luyện hoàn toàn.

Bất cứ ai đến gần Thiên Chúa đều ý thức sự bất xứng của mình. Đứng trước bụi gai bốc cháy, Môsê che mặt. Khi tiên tri Isaia nhìn thấy vinh quang Chúa trong đền thờ, ông kêu lên: “Khốn cho tôi! Tôi chết mất; vì tôi là người với miệng môi ô uế” (6,5). Khi thánh Phêrô chứng kiến mẻ cá lạ lùng, ngài phủ phục trước mặt Chúa Giêsu mà kêu lên: “Xin Chúa tránh xa con vì con là người tội lỗi” (Lc 5,8; GLHTCG, số 208).

Phải chăng điều gì đó tương tự cũng xảy đến với chúng ta sau khi chết? Trước sự hiện diện của Đức Kitô và tình yêu vô biên của Người, chúng ta lại chẳng ý thức về những bất toàn và tội lỗi của mình sao? Sách Giáo Lý viết: “Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa với Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng” (số 1030). Chúng ta gọi tình trạng thanh luyện đó bằng từ Luyện Ngục.

Giáo huấn của Hội Thánh về Luyện Ngục rất dè dặt. Truyền thống Hội Thánh chỉ khẳng định có “lửa thanh luyện” và rất cẩn trọng trước những tô vẽ và mô tả về tiến trình thanh luyện (số 1031).

Làm sao chúng ta biết rằng có Luyện Ngục? Trước hết là dựa vào Lời Chúa: “Nếu ai nói phạm đến Chúa Thánh Thần, người đó sẽ chẳng được tha cả đời này lẫn đời sau” (Mt 12,32). Theo lời đó, có thể hiểu rằng một số tội có thể được tha ở đời này, còn một số tội có thể được tha ở đời sau. Ngoài ra, chúng ta tin từ đức tin của Hội Thánh, từ những thực hành và sinh hoạt phụng vụ của Hội Thánh. Có câu châm ngôn cổ nói rằng “Lex orandi, lex credendi – Luật cầu nguyện là luật đức tin”. Ngay từ thuở đầu, Hội Thánh đã cầu nguyện cho những người đã chết (số 958); cách riêng Hội Thánh dâng hy tế Thánh Thể cho những tín hữu đã qua đời, những người “đã chết trong Đức Kitô” (số 1371, 1689), để họ được hưởng “ánh sáng, hạnh phúc và bình an trước nhan Chúa” (Kinh Nguyện Thánh Thể I).

Từ những thực hành của Hội Thánh, chúng ta biết rằng lời cầu nguyện và những hi sinh của mình đem lại ơn ích cho người quá cố (số 1032). Đây cũng là mục đích của những ân xá mà chúng ta lãnh nhận và dành cho các linh hồn trong luyện ngục (số 1472, 1479).

Giả như ngày hôm nay là ngày cuối cùng của đời tôi, tôi sẽ xuất hiện như thế nào trước mặt Đức Kitô? Chắc chắn là còn biết bao bất toàn, biết bao thiếu sót. Việc thanh luyện không chỉ bắt đầu sau khi chết nhưng cần được bắt đầu từ hôm nay. Những thử thách và đau khổ, nếu được đón nhận trong đức tin, sẽ trở nên sự thanh luyện tâm hồn. Ngọn lửa thanh luyện chính là tình yêu Đức Kitô, ngọn lửa ấy tạo nên những đau đớn của ăn năn sám hối, và làm bừng cháy hạnh phúc thiên đàng.
 
Bài 50: HOẢ NGỤC

Trong dụ ngôn nổi tiếng về Ngày phán xét chung, Con Người ngự trên ngai vinh hiển nói với những người đứng bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, hãy đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác quỷ và sứ thần của nó” (Mt 25,41). Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta về mối nguy “bị ném vào hoả ngục” (Mt 5,29); Người nói đến “lò lửa” (Mt 13,50), đến “sự tối tăm” ở đó người ta “phải khóc lóc và nghiến răng” (Mt 22,31). “Ý niệm về án phạt đời đời đã rõ ràng trong giáo huấn của Chúa Giêsu cũng như văn bản của các tông đồ. Do đó, sự hiện hữu của hoả ngục và những hình phạt đời đời là tín điều có cơ sở vững vàng” (J. Ratzinger).

Thế nhưng người ta có thể nêu ra nhiều câu hỏi: Thánh Kinh lại chẳng nói rõ ràng rằng Thiên Chúa không muốn “bất cứ ai bị hư mất nhưng muốn mọi người ăn năn sám hối” sao? (2Pet 3,9). Chúa mong muốn “mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người đến nỗi Ngài làm bất cứ việc gì để đạt mục đích, đến nỗi hiến ban cả Chúa Con cho nhân loại. Đúng thế, nhưng Ngài không thể cứu chúng ta mà không có chúng ta. Thánh Augustinô nói như thế. Vì chúng ta được tạo dựng như những con người tự do nên Thiên Chúa tôn trọng tự do của chúng ta. Ngài không thể cưỡng bức chúng ta thưa “Vâng” trước tình yêu của Ngài.

Chúa Giêsu than thở về sự cứng lòng của Giêrusalem: “Biết bao lần Ta đã muốn quy tụ con cái ngươi lại… nhưng ngươi không muốn” (Lc 13,34). Tình yêu Thiên Chúa đợi chờ sự ưng thuận của chúng ta cho đến giây phút cuối cùng. Trên đồi Canvê, người trộm lành quay nhìn về Chúa Giêsu đã được cứu khi sắp lìa đời: “Ngay hôm nay, anh ở trên Thiên Đàng với tôi” (Lc 23,43). Nhưng giả như có ai đó cứ ương ngạnh đến cùng thì sao? “Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục cả; điều này giả thiết sự tự ý thù ghét Thiên Chúa (tội trọng) và cố chấp trong tình trạng đó đến cùng” (GLHTCG, số 1037).

Sách Giáo Lý định nghĩa hỏa ngục là “tình trạng chính mình tự loại trừ mình cách vĩnh viễn khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và các thánh” (số 1033). C.S. Lewis nói cách dí dỏm rằng: Trên trời, con người thưa với Thiên Chúa “Xin cho Thánh Ý Cha được thể hiện”; còn trong hỏa ngục, Thiên Chúa nói với con người “ý ngươi được toại nguyện”.

Liệu trong cuộc đời này có ai muốn chống lại Thiên Chúa mãi không? Một đàng, Hội Thánh khẳng định những con người cụ thể được vào Thiên Đàng (các thánh); đàng khác, Hội Thánh không hề khẳng định con người cụ thể nào đã xuống hoả ngục. Tuy nhiên, Hội Thánh dạy rằng các thiên thần sa ngã ở trong hoả ngục và xa cách Thiên Chúa.

Không ai có thể tự ban tặng cho mình hạnh phúc vĩnh hằng. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm cho mình thành kẻ bất hạnh đời đời khi từ chối ơn hoán cải. Hoả ngục là điều hoàn toàn có thể xảy ra cho con người. Vì thế, Hội Thánh tha thiết cầu nguyện cho mọi người: “Xin cứu chúng con thoát khỏi án phạt đời đời và nhận chúng con vào đoàn những người Chúa chọn” (số 1037).

Tác giả: ĐHY Christoph Schönborn

Nguồn tin: hdgmvietnam.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập119
  • Hôm nay21,664
  • Tháng hiện tại485,199
  • Tổng lượt truy cập67,510,046
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây