Sách GLHTCG - Bài 30-34
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 30. NGƯỜI LẠI ĐẾN TRONG VINH QUANG
Đức Kitô sẽ trở lại. Chính Người đã hứa như thế và đó là niềm hi vọng của các Kitô hữu ngay từ thưở ban đầu. Các thiên thần nói với các tông đồ trong ngày Chúa Giêsu lên trời: “Chúa Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông thấy Người lên trời” (Cv 1,11). Chính Chúa Giêsu bắt đầu dụ ngôn về Ngày phán xét chung bằng những lời này: “Khi Con Người ngự đến trong vinh quang, có các thiên thần hầu cận…” (Mt 25,31-46).
“Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến”, đây là lời cầu khẩn khép lại sách Khải Huyền và toàn bộ Kinh Thánh. Trước đó là lời đoan quyết của Chúa Giêsu: “Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến” (Kh 22,20). Cộng đoàn Kitô hữu đáp lại lời hứa ấy bằng tâm tình cầu khẩn: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến”. Đặc biệt là khi cử hành Thánh Thể, chúng ta tuyên xưng Chúa chịu chết và sống lại cho tới khi Chúa lại đến (GLHTCG số 1403). Trong Kinh Lạy Cha cũng thế, chúng ta xin “Nước Cha trị đến”, nghĩa là xin Đức Kitô ngự đến và cùng với Người là Vương quốc của Thiên Chúa.
Vậy khi nào Chúa đến? Quả thật, các Kitô hữu đầu tiên đã nghĩ rằng Ngày Chúa đến đã gần kề (x. 1Thes 4,15). Dù vậy, chưa bao giờ họ đưa ra một thời điểm xác định. Chính Chúa Giêsu đã trách mắng sự tò mò của các môn đệ về vấn đề này: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt” (Cv 1,7). Ở một nơi khác, Người dạy: “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay Người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13,32). Do đó đừng vội tin vào những thứ chẩn đoán hay tiên tri về ngày tận thế. Đức Kitô có thể ngự đến bất cứ lúc nào, do đó đây là thời gian của mong đợi và tỉnh thức (số 672).
Tuy nhiên Sách Giáo Lý nói đến những dấu chỉ: “Theo Chúa Giêsu, thời gian hiện tại là thời gian của Thần Khí và của việc làm chứng, nhưng cũng là thời gian được ghi dấu bằng những khó khăn và thử thách của sự dữ. Những khó khăn thử thách ấy không buông tha Hội Thánh và tạo ra cuộc chiến của những ngày sau cùng” (số 672). “Trước khi Đức Kitô ngự đến lần thứ hai, Hội Thánh phải trải qua một cuộc thử thách cuối cùng, làm lung lạc đức tin của nhiều tín hữu. Sự bách hại, vốn luôn đi theo Hội Thánh trên đường lữ thứ trần gian, sẽ làm lộ rõ “mầu nhiệm sự dữ” dưới hình thức một sự đánh lừa tôn giáo, có vẻ như mang đến cho người ta một giải pháp về các vấn đề của họ, nhưng giá phải trả là sự chối bỏ chân lý” (số 675).
Thánh Kinh nói đến tên “Phản-Kitô” và những cám dỗ của nó làm cho nhiều người ra mù tối. Do đó quyền lực của sự dữ xem ra thắng thế và đè bẹp Đạo thánh: “Sự đánh lừa về tôn giáo ở mức cao nhất là của tên Phản-Kitô, nghĩa là của một thứ chủ nghĩa Mêsia giả hiệu, trong đó con người tự tôn vinh chính mình thay vì tôn vinh Thiên Chúa và Đấng Kitô của Ngài đã đến trong xác phàm” (số 675).
Thế nhưng người Kitô hữu xác tín rằng “Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết” (Rom 14,9). Người là Chúa của tất cả vũ trụ và lịch sử. Vương quốc của Người đã bắt đầu trên trái đất này, và Hội Thánh là “hạt giống và điểm khởi đầu của Nước Trời nơi trần thế” (số 669). Chiến thắng tối hậu của Thiên Chúa trên sự dữ sẽ diễn ra dưới hình thức Cuộc Phán Xét cuối cùng, cuộc chung thẩm. Và ngay hôm nay, người Kitô hữu bước đi trong ánh sáng cuộc chung thẩm ấy.
Bài 31. TÔI TIN KÍNH CHÚA THÁNH THẦN
“Để được hiệp thông với Đức Kitô, trước hết cần phải được Chúa Thánh Thần đánh động. Ngài đến với chúng ta trước và khơi dậy đức tin trong chúng ta” (GLHTCG số 683). Chúa Thánh Thần là linh hồn của đời sống Kitô hữu. Cũng như chúng ta không thể thấy linh hồn ở tự nó mà chỉ nhận biết qua những hiệu quả, thì cũng thế, Chúa Thánh Thần là Đấng ẩn giấu và chúng ta chỉ nhận biết Ngài qua những hoa quả của Thần Khí (số 687 và 1832).
Xem ra Chúa Thánh Thần là Đấng Thiên Chúa bị lãng quên, ngay cả đối với các Kitô hữu. Thế nhưng Chúa Giêsu cho thấy tầm quan trọng của Ngài: “Thầy đi thì có ích cho anh em, vì nếu Thầy không đi thì Đấng Bầu Chữa sẽ không đến với anh em, còn nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Ngài đến với anh em” (Ga 16,7). Trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em sẽ lãnh nhận quyền năng của Thánh Thần ngự xuống trên anh em, và anh em sẽ là những chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8).
Như thế chúng ta đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần, Ngài là Đấng Bảo Trợ, Đấng Bầu Chữa khác, sẽ ở với chúng ta mãi mãi (Ga 14,16). Qua Ngài, Đức Kitô hiện diện giữa chúng ta. Nhờ Ngài, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là “Abba – Cha ơi”. Sách Giáo Lý nói đến bốn hoạt động đặc biệt của Chúa Thánh Thần (x. số 737, 1092).
Trước hết, Ngài chuẩn bị cho con người đến gặp Đức Kitô. Ngay từ thuở đầu tạo dựng, là Thần Khí ban sự sống, Ngài đã hoạt động trong toàn thể tạo thành. Trong lịch sử lâu dài của Dân Chúa trong Cựu Ước, Ngài chuẩn bị cho họ đón nhận Đấng Cứu Thế. Ngày nay cũng thế, Ngài mở rộng tâm hồn các tín hữu để họ đón nhận Đức Kitô (số 1098).
Kế đến, Ngài biểu lộ Đức Kitô cho mọi người: “Không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa mà không do Thánh Thần” (1Cor 12,3). Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nhận biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống. Ngài nhắc cho Hội Thánh nhớ mọi điều Chúa Giêsu đã làm và đã dạy: “Thánh Thần là ký ức sống động của Hội Thánh” (số 1099).
Tiếp theo, Ngài làm cho Đức Kitô hiện diện. Trong đời sống của Hội Thánh, Chúa Giêsu không chỉ được nhớ đến như một hoài niệm nhưng còn thực sự hiện diện trong Lời Chúa, trong những người anh em bé mọn, trong các bí tích. Đặc biệt là sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, ở đó, bánh và rượu được biến thể thành Mình và Máu Chúa Kitô, nhờ quyền năng của Thánh Thần (số 1107).
Cuối cùng, Chúa Thánh Thần kết hợp chúng ta với Đức Kitô. Cũng như Chúa Thánh Thần là mối dây yêu thương giữa Chúa Cha và Chúa Con, thì Ngài cũng nối kết tất cả chúng ta với Đức Kitô. Ngài như nhựa sống trong cây nho, mang lại hoa trái nơi các ngành nho (số 1108). Ngài là “vị Thầy nội tâm của đời sống theo Đức Kitô, người khách trọ dịu hiền và người bạn linh hứng, hướng dẫn, sửa chữa và củng cố đời sống này” (số 1697). Vì thế chúng ta phải khẩn xin mỗi ngày: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến”.
Bài 32. TÔI TIN HỘI THÁNH
Trong bản La tinh của Kinh Tin Kính, có một sự thay đổi ý nghĩa rất tinh tế và khó dịch sang tiếng Việt. Bản La tinh viết: Credo in Deum (Tôi tin vào Thiên Chúa); et in Jesum Christum (vào Đức Giêsu Kitô); Credo in Spiritum Sanctum (Tôi tin vào Chúa Thánh Thần). Rồi trong những phần sau đó, không còn phải là “tôi tin vào” mà chỉ đơn giản là “tôi tin”: “Credo sanctam Ecclesiam catholicam” tôi tin Hội Thánh công giáo, các thánh cùng thông công, ơn tha thứ tội loãi, xác sống lại, sự sống đời đời.
Sự khác biệt lớn ở đây là chúng ta tin vào Chúa Cha, vào Đức Giêsu Kitô, vào Chúa Thánh Thần, nhưng chúng ta không tin vào Hội Thánh. Đức tin, theo nghĩa chặt của từ ngữ này, chỉ dành cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng mà chúng ta trao hiến chính mình với hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn. Chúng ta không tin vào các thụ tạo, kể cả Hội Thánh, theo nghĩa này (GLHTCG số 150-152). “Ơn cứu độ đến từ một mình Thiên Chúa mà thôi, nhưng bởi vì chúng ta lãnh nhận đời sống đức tin nhờ Hội Thánh, nên Hội Thánh là mẹ chúng ta: Chúng tôi tin Hội Thánh như người mẹ cho chúng tôi được tái sinh, chứ chúng tôi không tin vào Hội Thánh như là tác giả của ơn cứu độ” (số 169). Đó là lý do tại sao trong Kinh Tin Kính của các tông đồ, chúng ta tuyên xưng “Tôi tin có Hội Thánh” chứ không phải “Tôi tin vào Hội Thánh”. Như thế để “không lẫn lộn Thiên Chúa với các công trình của Ngài, và để chúng ta quy gán rõ ràng về lòng nhân hậu của Chúa tất cả mọi hồng ân Ngài đã đặt vào Hội Thánh của Ngài” (số 750).
Khẳng định đầu tiên của Công đồng Vaticanô II về Hội Thánh cũng đi theo hướng này: “Đức Kitô là ánh sáng muôn dân, và vì thế, Thánh Công đồng đang nhóm họp trong Chúa Thánh Thần hết lòng mong ước chiếu giãi trên mọi người ánh sáng của Đức Kitô, phản chiếu trên dung nhan Hội Thánh, bằng việc rao truyền Tin Mừng cho mọi thụ tạo”. Sách Giáo Lý giải thích rằng: Hội Thánh không có ánh sáng nào khác ngoài Chúa Kitô. Có thể so sánh Hội Thánh như mặt trăng, mọi ánh sáng của nó đều là phản chiếu ánh sáng mặt trời (số 748).
Phải không ngừng suy nghĩ về điều này: Hội Thánh hoàn toàn lệ thuộc vào nguồn mạch sâu xa của mình là Thiên Chúa Ba Ngôi. Nếu Hội Thánh chỉ là một cơ chế nhân loại thuần túy, cơ chế ấy đã không thể đứng vững trước bao sóng gió, cũng không thể thường xuyên canh tân và đổi mới (số 175). Trong số những biểu tượng và hình ảnh được dùng để trình bày về Hội Thánh, những hình ảnh quan trọng nhất đều diễn tả sự lệ thuộc sâu xa này: Hội Thánh là Dân Thiên Chúa, Thân Mình Đức Kitô, Đền thờ Chúa Thánh Thần (số 753-757). Hiểu như thế sẽ giúp chúng ta hiểu được căn tính và sứ mạng đích thực của Hội Thánh: căn tính của Hội Thánh được khơi nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi, và sứ mạng của Hội Thánh là chiếu giãi trên mọi người ánh sáng của Đức Kitô.
Bài 33. HỘI THÁNH ĐƯỢC BẮT ĐẦU NHƯ THẾ NÀO?
Công đồng Vaticanô II trả lời câu hỏi này không phải bằng cách kể lại những bước khởi đầu của Hội Thánh ở Giêrusalem và Galilê, nhưng bằng cách trình bày cả một viễn tượng vĩ đại về lịch sử nhân loại được khơi nguồn từ trái tim của Chúa Cha và tình yêu của Ngài (GLHTCG số 758).
“Ý tưởng” về Hội Thánh đã có ngay từ trong kế hoạch của Thiên Chúa khi tạo dựng thế giới (số 760). Thế giới này không phải là sản phẩm của mù quáng hay may rủi, nhưng được Thiên Chúa tạo dựng và mong muốn. Mục đích của kế hoạch ấy là “gia đình của Thiên Chúa”, trong đó mọi thụ tạo được kết hợp với Đấng Tạo Hóa. Vì tội lỗi đã hủy hoại sự hiệp thông này và gieo rắc bất hòa, thù hận, chết chóc vào trong thế giới, nên Thiên Chúa phải quy tụ gia đình của Ngài lại (số 761): từ một con người là Abraham rồi từ một dân là Israel; qua đó mọi dân được chúc phúc và quy tụ lại (số 762). Chính vì thế Cựu Ước được nhìn như tiền-sử của Hội Thánh.
Nhiều khi người ta nêu câu hỏi: Có thực sự Chúa Giêsu muốn lập Hội Thánh không? Công đồng đã đưa ra câu trả lời: “Chúa Giêsu đã khai mạc Hội Thánh của Người bằng việc rao giảng Tin Mừng, nghĩa là rao giảng Nước Thiên Chúa ngự đến, Nước đã được hứa trong Thánh Kinh từ nhiều thế kỷ” (số 763). Nước Thiên Chúa bắt đầu với chính Đức Kitô; Nước ấy hiện diện nơi Đức Kitô và nơi lời nói, việc làm của Người. Đồng thời, ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã quy tụ người ta lại chung quanh Người để tạo thành một gia đình. Và Thiên Chúa trao phó Nước Thiên Chúa cho “đoàn chiên nhỏ bé” này (Lc 12,32). Đó là lý do tại sao Công đồng nói Hội Thánh trên trần gian là “hạt mầm và khởi điểm của Vương quốc” (số 768).
Ngoài ra, Chúa Giêsu cũng tạo cho “gia đình của Người” một cấu trúc: một lối sống thể hiện qua Tám Mối Phúc, lời cầu nguyện là Kinh Lạy Cha, vai trò lãnh đạo của Nhóm Mười Hai cũng được gọi là các tông đồ. Cho nên hiển nhiên là Chúa Giêsu muốn và đã thiết lập Hội Thánh (số 765). Hội Thánh ấy không chỉ đơn thuần là một ý tưởng nhưng là một thực tại sinh động trong lịch sử, dưới sự lãnh đạo của những người kế vị thánh Phêrô và các tông đồ khác (số 816).
Tuy nhiên, mầu nhiệm Hội Thánh là ở chỗ vị sáng lập Hội Thánh không chỉ là một con người vĩ đại mà là Đấng Phục Sinh, Đấng đang sống: “Này đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Đấng Phục Sinh sống trong Hội Thánh nhờ Thánh Thần của Người (số 767). Chúa Thánh Thần là “Đấng ban sự sống”, là “linh hồn của Hội Thánh” (số 797). Mọi hoạt động tốt đẹp của Hội Thánh đều được khơi nguồn từ Ngài.
Tầm nhìn trên giúp chúng ta thấy Hội Thánh cũng mênh mông như lịch sử nhân loại: được dự trù trong kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa, được chuẩn bị trong Cựu Ước, được Chúa Kitô thiết lập và được Chúa Thánh Thần linh hoạt. Hội Thánh ấy đang trên đường hành hương và chỉ đạt đến mức thành toàn khi tất cả những người được chọn cùng quy tụ trong gia đình của Thiên Chúa.
Bài 34. DÂN THIÊN CHÚA
Đức Phaolô VI từng nói rằng “Hội Thánh là kế hoạch hữu hình của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại” (GLHTCG số 776). Cho nên Hội Thánh là sự thực hiện kế hoạch ấy trong dòng lịch sử nhân loại. Để diễn tả chân lý này, Công đồng Vaticanô II dùng từ “Dân Thiên Chúa” và nhiều người coi đây là điểm son của Công đồng. Chúng ta thử tìm hiểu xem nội hàm của từ ngữ này là gì, bởi lẽ từ “Dân” ở đây mang ý nghĩa rất đặc biệt, khác với “dân” khi nói đến chủng tộc, chính trị, hay văn hóa.
“Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu độ người ta cách riêng rẽ từng người một, không liên kết với nhau, nhưng Ngài muốn thiết lập họ thành một Dân, là Dân nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài cách thánh thiện” (số 781). Để hiểu được bản chất đặc biệt của Dân Thiên Chúa, chúng ta phải nhớ lại tính duy nhất của nhân loại từ khởi thủy (số 360). Trong tầm nhìn của Kinh Thánh, mọi người đều liên kết với nhau vì chung một cội nguồn nơi Thiên Chúa, mọi người đều có cùng một bản tính và phẩm giá nhân loại (số 1934). Mọi người đều được trao cho trái đất này như ngôi nhà chung (số 2402). Mọi người đều hướng tới mục đích chung đã được Thiên Chúa an bài, đó là sự hiệp thông vĩnh hằng với Thiên Chúa (số 1718).
Ngày nay, chủ nghĩa duy cá nhân được đề cao tối đa và ghi đậm dấu ấn trên cách nghĩ và lối sống của con người, nên người ta khó cảm nhận được ý nghĩa của từ “Dân Thiên Chúa”. Chủ nghĩa cá nhân này còn len lỏi vào cả cách nghĩ và đời sống đạo của người Kitô hữu, khiến họ xem đời sống đức tin như chuyện hoàn toàn riêng tư của mình với Chúa, không liên quan gì đến cộng đoàn Hội Thánh.
Gắn liền với tầm nhìn về Dân Thiên Chúa là cách diễn tả Hội Thánh như “bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông với Thiên Chúa và sự hợp nhất nhân loại” (số 775). Mọi dân tộc đều thuộc về Chúa và Chúa chẳng phải là “sở hữu riêng” của dân nào cả. Thiên Chúa tạo “dân riêng của Ngài” từ mọi dân tộc, ngôn ngữ, quốc gia. Phép Rửa làm cho một người nên thành viên của Dân Thiên Chúa. Cho nên, nói cho nghiêm túc thì chẳng có chuyện một “quốc gia Kitô giáo” hoặc “châu Âu Kitô giáo” (như ít người lầm tưởng), bởi vì người ta trở nên thành viên của Dân Thiên Chúa là nhờ đức tin, và đức tin ấy phải là đức tin cá vị của mỗi người, chứ không phải vì sinh ra theo thể lý.
Dân Thiên Chúa không có “mảnh đất quê hương” trên trần thế này nhưng là một Dân đang trên đường hành hương hướng đến quê hương thiên quốc (số 769). Nếu chúng ta thực sự ý thức mình còn đang trên đường đi, thì chúng ta sẽ không bám víu vào những gì sẽ qua đi nhưng luôn hướng tầm nhìn đến mục đích cuối cùng. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ dễ chấp nhận những thiếu thốn trên đường và biết nâng đỡ nhau trong tư cách là thành viên của một Dân, để tất cả cùng mạnh bước đi tới Nước Thiên Chúa, “đã được chính Thiên Chúa khởi sự nơi trần thế và ngày càng lan rộng, cho đến khi được chính Ngài hoàn tất trong ngày tận thế”.