TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 51. PHÁN XÉT CHUNG
“Bởi vì bất cứ ai đến gần Thiên Chúa đều phải tin rằng Ngài hiện hữu và Ngài ban phần thưởng cho những kẻ kiếm tìm Ngài” (Dt 11,6). Tin vào Chúa hàm nghĩa rằng tất cả những gì chúng ta làm, hoặc không chịu làm, đều có ý nghĩa với Thiên Chúa. Hành động của chúng ta đem lại những hậu quả, hoặc thấy được hoặc không thấy, và khi chúng ta không chịu làm điều đáng ra phải làm thì cũng đem lại hậu quả. Đôi khi chúng ta có thể thấy ngay những hậu quả đó, còn thông thường chúng ta không thấy nhưng nó vẫn có đó. Trong dụ ngôn người Samari nhân hậu (Lc 10,30-37), thầy tư tế và thầy Lêvi nhìn thấy nạn nhân bị đánh, nằm bên vệ đường, mình đầy thương tích, và họ bỏ qua, cứ thế mà đi. Có thể họ không ý thức rằng họ đã lỗi đức bác ái, và họ quên mất lỗi lầm của mình. Nhưng tội thiếu sót đó vẫn còn (trong kinh Cáo Mình, chúng ta xưng thú tội lỗi trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót). Ngày nào đó, trước mặt Chúa, mọi sự sẽ được bày tỏ: những hành động và những thiếu sót của chúng ta, cùng với những hậu quả kèm theo và vẫn tiếp tục gây hậu quả trong thời gian.
Tin vào sự phán xét của Chúa (GLHTCG số 1038-1041) là nhìn nhận sự tự do của con người. Vì Thiên Chúa tạo dựng chúng ta như những con người tự do, nên chúng ta phải chịu trách nhiệm về hành động của mình cũng như về hậu quả của những hành động ấy (số 1731, 1734). Còn khi chúng ta bị ép buộc, không có tự do, thì không phải chịu trách nhiệm và không bị trừng phạt (số 1735).
Những việc làm tốt đáng được cộng đoàn nhìn nhận và biết ơn. Thế nhưng có nhiều việc tốt được thực hiện cách âm thầm và chẳng ai để ý đến. Ai sẽ ban phần thưởng cho những việc đó? Phần thưởng và hình phạt của thế gian không thể là tiếng nói cuối cùng, vì thế gian đầy giới hạn và không ít bất công. Chỉ một mình Thiên Chúa mới biết rõ mọi sự, kể cả những tư tưởng thầm kín nhất, và một ngày nào đó, mọi sự sẽ được phơi bày.
Khi nào? Chúa Giêsu nói: “Con Người sẽ ngự đến cùng với các thiên thần trong vinh quang của Cha Người, và Người sẽ trả lại cho mỗi người xứng với việc họ đã làm” (Mt 16,27). Thánh Phaolô nói: “Chúng ta phải ra trước tòa phán xét của Đức Kitô, để mỗi người lãnh nhận phần thưởng hay hình phạt tùy theo việc họ làm” (2Cor 5,10).
Vào ngày “cuối cùng”, khi Đức Kitô ngự đến, sẽ diễn ra cuộc phán xét chung. Mọi sự được phơi bày. Đó là “giờ của sự thật”. Đối với mỗi người chúng ta, “giờ sự thật” ấy đã đến ngay lúc chúng ta lìa đời (số 1022): “Vào buổi xế chiều của cuộc sống, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu” (Thánh Gioan Thánh Giá). Hơn thế nữa, ngay từ hôm nay, tôi đã có thể nghe lời xét xử của Chúa qua tiếng lương tâm (số 1777). Nhìn nhận mình là tội nhân và đặt mình trước sự xét xử của Chúa, đó là cách thực hành tốt nhất giúp ta sống niềm tin vào sự phán xét. Và khi chúng ta chân thành nhìn nhận tội lỗi của mình thì niềm tin vào Thiên Chúa giàu lòng thương xót lại nói với ta: “Thiên Chúa lớn hơn lòng chúng ta” (1Ga 3,20).
Bài 52. AMEN
Lời cuối cùng trong Kinh Tin Kính là AMEN. Trong tiếng Do thái, từ “tin” và từ “amen” có chung một gốc, có nghĩa là chắc chắn, đáng tin, trung tín (GLHTCG số 1062). Cho nên từ đầu tiên trong Kinh Tin Kính “Tôi tin” và từ cuối cùng “Amen” tương ứng với nhau. Tiếng “Amen” củng cố sự đáng tin của những điều chúng ta tuyên xưng. Sách Giáo Lý viết: “Đức tin thì chắc chắn, bời vì đức tin dựa trên chính Lời của Thiên Chúa, Đấng không thể nói dối” (số 157). Khẳng định này khiến chúng ta ngỡ ngàng bởi lẽ ta thấy niềm tin của mình sao quá mong manh. Thế nhưng nếu chúng ta nhìn đức tin từ quan điểm của Đấng mà mình tin, thì sẽ thấy đức tin của ta dựa trên nền tảng vô cùng vững chắc. Điều chúng ta tin xem ra mù tối, không hiểu nổi; tuy nhiên nó chắc chắn vì Thiên Chúa là Đấng đáng tin.
Thánh Kinh thường nhắc đến hai phẩm tính song song của Thiên Chúa: nhân hậu và trung tín, tình yêu và chân lý (số 214). Từ “trung tín” và “chân lý” có cùng một gốc với những từ “tin” và “Amen”. “Thiên Chúa là chính Chân lý” (số 215) và lời của Ngài không lừa dối chúng ta. Chính vì thế các tiên tri nói đến “Thiên Chúa của Amen” nghĩa là “Thiên Chúa của chân lý” (Isaia 65,16).
Đức Giêsu Kitô chính là lời “Amen” của Thiên Chúa (Kh 3,14) vì “Mọi lời hứa của Thiên Chúa đều nên trọn nơi Người” (2Cor 1,20). Người là lời Amen dứt khoát của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người (số 1065). Do đó lời AMEN kết thúc Kinh Tin Kính là lời chúc tụng, tạ ơn của chúng ta trước tình yêu và sự trung tín của Thiên Chúa.
Lời AMEN còn mang một ý nghĩa khác, làm vọng lại lời cuối cùng trong Sách Thánh: “Amen, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20). Hàm trong lời AMEN này là lời cầu khẩn xin Chúa thực hiện điều Ngài đã hứa, xin Chúa hoàn tất những gì Ngài nói và làm. Đức tin của chúng ta đang gặp nguy nan, có thể bị nhận chìm (số 162). Do đó chúng ta phải xin ơn bền đỗ (số 2016-2017). Để có thể trung tín với Chúa đến cùng, chúng ta phải nài xin Đức Kitô đưa tiếng “xin vâng” nghèo nàn và yếu ớt của chúng ta vào lời AMEN của Người (số 1065). Không có ân sủng của Người, chúng ta không thể đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu Người đã hứa ban.
Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. AMEN.