Sách GLHTCG - Bài 25-29

Thứ năm - 31/01/2013 10:08

-

-
Tìm hiểu sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo. Phần 1: Tuyên xưng Đức Tin. Bài 25-29
Sách GLHTCG - Bài 25-29
 
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Bài 25. THIÊN CHÚA THẬT VÀ NGƯỜI THẬT
 
Trong Thánh thi có lẽ là cổ xưa nhất về Đức Kitô, chúng ta tuyên xưng:
 
“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa,
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Phil 2,6-8).
 
Ngay từ thưở ban đầu, đức tin Kitô giáo luôn tuyên xưng Đức Kitô “vốn dĩ là Thiên Chúa” và đã “trở nên giống phàm nhân”. Trong dòng lịch sử, Hội Thánh đã phải thường xuyên chiến đấu để bảo vệ sự toàn vẹn của lời tuyên xưng này. Khi này khi khác, vẫn có những cám dỗ chối từ hoặc nhân tính hoặc thần tính nơi Đức Giêsu Kitô (GLHTCG số 465-468).
 
Nổi bật nhất là Công Đồng Chalcêđônia năm 451 đã tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là “Thiên Chúa thật và là người thật,…một Đấng duy nhất…trong hai bản tính một cách không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt”. Đây là một mầu nhiệm khôn dò và tạo âm hưởng vô cùng lớn lao, nhất là khi chúng ta chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu trong ánh sáng của mầu nhiệm này. Tất cả những gì Chúa Giêsu nói và làm và đau khổ đều mang cả hai tính chất thần linh và nhân linh. “Con Thiên Chúa đã làm việc với đôi tay nhân loại, suy nghĩ bằng trí óc nhân loại, hành động theo ý chí nhân loại, yêu mến bằng quả tim nhân loại. Sinh làm con Đức Trinh Nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi” (số 470).
 
Phải hiểu làm sao về Đấng là Thiên Chúa thật và cũng là người thật? Phải chăng Người biết hết mọi sự và làm được mọi sự? Phải chăng Người cũng đau khổ như chúng ta? Sách Tin Mừng nói với chúng ta rằng trẻ Giêsu “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52). Như thế, Chúa Giêsu đã phải học tập nhiều trong cuộc sống làm người. Đàng khác, Chúa Giêsu lại có một phong thái đặc biệt. Lời giảng dạy của Người mang sức mạnh thuyết phục: “Chưa từng thấy ai nói như người này” (Ga 7,46). Chúa Giêsu biết rõ tư tưởng của người khác: “Người biết có gì trong lòng con người” (Ga 2,25). Người biết họ nghĩ gì ngay cả trước khi họ gặp Người, như trong trường hợp của Nathanael (Ga 1,49). Ba lần, Người báo trước cho các môn đệ về cuộc Thương khó và Phục sinh của Người. Nhất là ngay từ thời niên thiếu, Người đã ý thức rất rõ về sự kết hợp giữa Người với Chúa Cha: “Cha mẹ không biết rằng con phải ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49).
 
Vậy Chúa Giêsu có thể làm được mọi sự? Nếu chúng ta tin vào chứng từ của Kinh Thánh, thì cùng với các môn đệ, chúng ta phải ngạc nhiên: “Ông này là ai mà truyền lệnh cho cả gió và biển khơi, và chúng phải tuân lệnh?” (Lc 8,25). Người làm rất nhiều phép lạ: chữa lành mọi bệnh tật, kể cả người mù từ thuở mới sinh, hóa bánh ra nhiều, cho kẻ chết sống lại, và nhất là tha thứ tội lỗi (Mc 2,7). Những hành động này minh chứng rằng Chúa Giêsu đã không chỉ hành động với sức mạnh tự nhiên của con người, nhưng với quyền năng của Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật.
 
Đặc tính thần-nhân ấy nơi Chúa Giêsu vẫn tiếp tục thể hiện, đặc biệt là nơi Trái Tim cực thánh của Người: “Con Thiên Chúa đã yêu mến tất cả chúng ta bằng một quả tim nhân loại. Do đó, Trái Tim cực thánh của Chúa Giêsu, bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta và để cứu độ chúng ta, được coi là dấu chỉ và biểu tượng đặc biệt của tình yêu” (số 478). Chính với Trái Tim ấy, Chúa Giêsu “đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gal 2,20).
 
 
Bài 26. CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU
 
Trong suốt năm, Hội Thánh cử hành toàn bộ các biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu, từ lễ Truyền Tin (ngày 25 tháng 3) đến Lễ Chúa Thăng Thiên. Những cử hành phụng vụ này không chỉ đơn thuần là sự tưởng nhớ nhưng còn mang một tầm vóc lớn lao và sâu sắc hơn.
 
Đúng là Chúa Giêsu đã sống vào một thời điểm nhất định trong lịch sử, khi Augustô là hoàng đế Rôma. Người chịu đóng đinh vào thập giá dưới thời tổng trấn Phongxiô Philatô. Tất cả những sự kiện này đã thuộc về quá khứ, và chúng ta có thể nhớ lại những sự kiện đó cũng như nhớ lại những biến cố khác trong quá khứ.
 
Thế nhưng việc tưởng nhớ này mang một ý nghĩa khác khi nói về Chúa Giêsu. Bởi lẽ chúng ta tin và tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, cho nên toàn bộ đời sống của Người mang tính chất “thần-nhân”. Tất cả những gì Người đã nói, đã làm, đã đau khổ – từ khi sinh ra ở Bêlem đến lúc phục sinh ở Giêrusalem – tất cả đều mang tính độc đáo duy nhất: đây không chỉ là cuộc sống chóng qua của một con người, nhưng là đời sống trên trần thế của Đấng là Con vĩnh cửu của Chúa Cha.
 
Sách Giáo Lý dành cả một phần dài để nói về “Những mầu nhiệm của cuộc đời Đức Kitô” (số 512-560). Từ “mầu nhiệm” ở đây muốn nói rằng: “Từ những mảnh tã quấn thân ngày Người giáng sinh, cho đến chút giấm lúc Người chịu khổ hình, và tấm khăn liệm ngày Người phục sinh, mọi sự trong cuộc đời Chúa Giêsu đều là dấu chỉ về mầu nhiệm của Người… Những gì hữu hình trong cuộc đời trần thế của Người dẫn chúng ta đến với mầu nhiệm vô hình, là địa vị làm Con Thiên Chúa và sứ vụ cứu chuộc của Chúa Giêsu” (số 515).
 
Nghiên cứu về cuộc đời Đức Kitô bằng những phương pháp của khoa lịch sử chắc chắn là điều đáng quý. Thật hữu ích nếu hiểu biết về lịch sử của thời đại đó, về hoàn cảnh sống ở Galilê, về những phong tục tôn giáo và tín ngưỡng của người Do Thái thời đó. Khoa khảo cổ đã đưa ra ánh sáng nhiều bằng chứng về Chúa Giêsu. Khoa nghiên cứu Kinh Thánh cũng đã góp phần lớn vào việc xây dựng chân dung lịch sử của Chúa Giêsu và môi trường sống lúc đó cách chính xác hết sức có thể.
 
Khách hành hương Thánh Địa cảm động biết bao khi tận mắt nhìn thấy mảnh đất Chúa Giêsu đã sống. Thế nhưng điều mà chúng ta phải quan tâm hơn, đó là mầu nhiệm của Đấng đã sống trên mảnh đất ấy. Khi chúng ta suy niệm về biến cố Truyền Tin ở Nadarét, hoặc nhìn thấy hội đường ở Capharnaum là nơi Chúa Giêsu giảng về Bánh hằng sống, hoặc ở Tagba và nhớ lại Chúa Giêsu đứng trên con thuyền của Phêrô mà giảng dạy… thì tất cả những sự kiện ấy đang là hiện tại. Không có gì trong cuộc đời Chúa Giêsu chỉ là quá khứ đơn thuần. Những sự kiện ấy, những biến cố ấy đang là hiện tại, vì Đấng đã trải qua những biến cố ấy là Đấng Phục Sinh, Đấng hằng sống, cả trong nhân tính của Người. “Với tất cả những gì Người đã sống và đã chịu đựng một lần cho mãi mãi vì chúng ta, giờ đây Người luôn hiện diện “trước nhan Thiên Chúa để chuyển cầu cho chúng ta” đến muôn đời” (số 519).
 
Trong sách hướng dẫn Linh Thao, thánh Inhaxiô Lôyôla khuyên chúng ta là khi suy niệm về cuộc đời Chúa Giêsu, hãy hình dung cách cụ thể nơi chốn và quang cảnh Chúa đã sống, và cố gắng đi sâu vào tâm tình, niềm vui nỗi buồn của Chúa. Phương pháp này có ích lợi vì không những giúp chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu như một mẫu mực, mà còn giúp chúng ta cùng sống với Chúa. Do đó, Sách Giáo Lý viết rằng “Đức Kitô làm cho chúng ta được sống những điều đó trong Người, và Người sống những điều đó trong chúng ta” (số 521). Trong suốt Năm Phụng Vụ, Hội Thánh cử hành phụng vụ về nhiều khía cạnh trong cuộc đời của Chúa, nhằm mục đích giúp chúng ta đạt tới sự hiệp thông trọn vẹn với Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
 
 
Bài 27. CHÚA GIÊSU VÀ DÂN ISRAEL
 
Sau đây là một đoạn trong Sách Giáo Lý: “Chúng tôi tin và chúng tôi tuyên xưng rằng: Chúa Giêsu Nadarét, một người Do Thái sinh bởi một phụ nữ Israel tại Bêlem dưới thời vua Hêrôđê Cả và hoàng đế Cêsarê Augustô I, vốn làm nghề thợ mộc, đã chịu chết trên thập giá tại Giêrusalem, thời tổng trấn Phongxiô Philatô dưới triều hoàng đế Tibêriô, Chúa Giêsu ấy là Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, đã làm người” (số 423).
 
Chúa Giêsu là người Do Thái – Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa: cả hai mệnh đề gắn bó với nhau, không thể tách lìa. Sách Giáo Lý nhấn mạnh đặc biệt mối liên hệ này. Vì Chúa Giêsu là người Do Thái cho nên cần quan tâm đến “mầu nhiệm tình yêu” mà Thiên Chúa dành cho dân tộc này trong lịch sử.
 
Hãy bắt đầu từ việc Thiên Chúa tuyển chọn dân Isarel. Sự tuyển chọn này được khởi đi từ việc kêu gọi Abraham, qua ông, mọi dân tộc trên mặt đất được chúc phúc (số 59). Từ những hậu duệ của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa đã hình thành dân Israel. Trên núi Sinai, Thiên Chúa mạc khải thánh ý Ngài cho họ và chỉ cho họ con đường đúng phải đi (số 62-64). Giao ước giữa Thiên Chúa và Israel “sẽ không bao giờ bị thu hồi” (số 121). Chúa Giêsu không đến để phá hủy nhưng để làm cho trọn (số 577).
 
“Khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi thì Ngài không hề đổi ý” (Rom 11,29). Thế nhưng người ta có thể đặt câu hỏi: Phải chăng Đức Kitô đã chẳng nhiều lần phê phán và làm ngược lại lề luật của Do Thái sao? Sách Giáo Lý cố gắng đưa ra câu trả lời rõ ràng cho những vấn nạn này (xem số 571 – 598).
 
Đức Kitô sinh ra “dưới Lề luật” (Gal 4,4). Người đã sống theo luật Môsê và yêu mến Đền Thờ (như là nhà của Cha Người). Dĩ nhiên những người Do Thái tôn kính Lề Luật đã cảm thấy xúc phạm trước cách giải thích của Chúa Giêsu về ý nghĩa đích thực của Lề luật (số 581). Tuy nhiên, đối với họ, nguyên cớ gây xúc phạm nhất chính là vì Chúa Giêsu cho rằng Người có quyền tha tội (số 587): “Ai có thể tha tội ngoại trừ một mình Thiên Chúa? (Mc 2,7)? Chúa Giêsu cũng bị coi là nói phạm thượng khi Người xưng mình ngang hàng với Thiên Chúa (số 589).
 
Chắc chắn không phải mọi người Do Thái thời bấy giờ đều ruồng bỏ Chúa Giêsu (số 595). Một phần trong giới cầm quyền lúc bấy giờ đã tố cáo Chúa Giêsu là phạm thượng, họ kết án Người trong một vụ xử án có nhiều điều không hợp luật, rồi họ trao Người cho quân Rôma hành quyết. Thế nhưng, rõ ràng là không phải mọi người Do Thái đều phải chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu. Công đồng Vaticanô II đã khẳng định rất mạnh mẽ: “Không thể quy trách nhiệm một cách không phân biệt về những tội ác người ta đã phạm trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cho mọi người Do Thái thời đó, cũng như cho người Do Thái thời nay” (số 597).
 
Cái chết của Chúa Giêsu “thuộc về mầu nhiệm của kế hoạch Thiên Chúa” (số 599), và đằng sau cái chết của Chúa, không chỉ là tội lỗi cá nhân của những kẻ thù nghịch, nhưng còn là tội lỗi của tất cả chúng ta: “Mọi tội nhân đều là tác giả của những cực hình mà Đức Kitô đã phải chịu” (số 598). Tất cả chúng ta đã đóng đinh Người vì tội lỗi của chúng ta: “Ma quỷ cũng không đóng đinh Người vào thập giá, nhưng chính bạn cùng với chúng đã đóng đinh Người, và bạn còn tiếp tục đóng đinh Người bằng cách hưởng lạc thú trong những nết xấu và tội lỗi” (Thánh Phanxicô Assisi).
 
 
Bài 28. ĐỨC KITÔ CHẾT VÌ CHÚNG TA
 
“Trước kia, hiện nay cũng như sau này, không có một ai mà Đức Kitô không chịu khổ nạn cho” (GLHTCG số 605). Hội Thánh tuyên xưng như thế và đây là một yếu tố trung tâm của đức tin Kitô giáo. Đức Kitô đã không chết cách tình cờ, cái chết của Người không phải là một tai nạn bi thảm hoặc một sự kiện ngẫu nhiên. Cái chết đó thuộc về kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa. Ngài cho phép xảy ra những hành vi xuất phát từ sự mù quáng của con người để hoàn thành kế hoạch cứu độ của Ngài (số 600).
 
Chúng ta tin rằng động lực thúc đẩy Thiên Chúa sai Con của Ngài đến trần gian là “vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi”. Chúng ta tuyên xưng như thế trong Kinh Tin Kính. Chúa Giêsu đã không đến để sống cho bản thân Người. Thiên Chúa làm người “không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Toàn bộ cuộc sống của Chúa Giêsu được xác định bởi mục đích vĩ đại: cứu độ nhân loại. Đây là Phép Rửa mà Người khao khát (Lc 12,50): hiến dâng mạng sống để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa.
 
Không có cách giải thích nào khác về nỗi khát khao này ngoài tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu mà Chúa Giêsu coi như của chính Người: “Tình yêu cốt tại điều này: không phải chúng ta yêu mến Thiên Chúa trước, nhưng chính Ngài yêu thương chúng ta trước và đã sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10).
 
Giao hòa, Cứu độ, Đền tội, Chuộc tội, tất cả những từ ngữ này trong Kinh Thánh đều xoay quanh mầu nhiệm vĩ đại này của đức tin, đó là “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Thánh Kinh” (1Cor 15,3). Vào buổi chiều ngày trước khi chịu chết, Chúa Giêsu đã vén mở bí mật thâm sâu trong trái tim Người cho nhóm nhỏ các môn đệ thân tín. Trong bữa tiệc hôm ấy, Người bẻ bánh, trao cho họ và nói: “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em”. Người cầm lấy chén rượu, trao cho họ và nói: “Này là Chén Máu Thầy, Máu Giao Ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội”. Như thế Chúa Giêsu cho các môn đệ và tất cả chúng ta thấy Người tự nguyện tiến đến cái chết, Người trao ban chính Mình Người cho chúng ta. Bánh và rượu đã trở nên Mình và Máu Người. Điều Người thực hiện trên thập giá và qua cái chết của Người, đã diễn ra ngay tại Bữa Tiệc Ly, và kể từ lúc ấy, trong mọi cử hành Thánh Thể, Chúa Giêsu đều trao ban chính mình Người cho chúng ta.
 
Cái chết của Chúa Giêsu là một hy lễ, một hy lễ tuyệt hảo (số 613). Hy lễ ấy tuyệt hảo vì là hy lễ của tình yêu: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15,13). Chỉ có tình yêu mới có thể giao hòa thực sự. Bằng tình yêu vô tận, Chúa Giêsu đền thay cho “sự thiếu vắng tình yêu” trong mọi tội lỗi của chúng ta. Tình yêu vô tận ấy chỉ có được nơi Chúa Giêsu: “Không một ai, dù là người thánh thiện nhất, có khả năng mang lấy trên mình tội lỗi của mọi người và hiến mình làm hy lễ vì mọi người. Nơi Đức Kitô, sự hiện hữu của Ngôi Vị Chúa Con vừa vượt hẳn vừa bao gồm tất cả các nhân vị, khiến cho Đức Kitô là Đầu của toàn thể nhân loại, và làm cho hy tế của Người có giá trị cứu chuộc tất cả mọi người” (số 616).
 
 
Bài 29. NGƯỜI ĐÃ SỐNG LẠI
 
“Nếu Đức Kitô đã không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cor 15,14). Những gì thánh Phaolô nói với dân thành Côrintô ngày xưa vẫn có giá trị cho ngày nay: “Nếu chúng ta đặt hi vọng vào Đức Kitô chỉ vì những sự đời này, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hại nhất trong thiên hạ” (15,19).
 
Đức tin của chúng ta sẽ không có nền tảng nếu Đức Kitô chết mà không sống lại. Nếu Đức Kitô vẫn còn ở trong sự chết thì thập giá của Người quả là vô nghĩa và chẳng cứu độ được ai. Nếu Đức Kitô không sống lại thì tình yêu của chúng ta chỉ hướng về một xác chết, và đức tin chỉ là sự hoài tưởng một con người đã hoàn toàn thuộc về quá khứ chứ không phải là Đấng đã phán: “Này đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Niềm hi vọng của chúng ta khi đó sẽ chỉ là cuộc đời này và người ta sẽ bảo nhau: “Cứ ăn cứ uống đi, rồi ngày mai sẽ chết thôi” (1Cor 15,32).
 
“Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cor 15,20). Mầu nhiệm Vượt Qua - sự chết và Phục sinh của Chúa Giêsu - là yếu tố trung tâm của đức tin Kitô giáo (GLHTCG số 638). Cũng như Chúa Giêsu đã thực sự chịu chết, thì Người cũng đã sống lại thực sự. Đấng Phục Sinh đã hiện ra, dĩ nhiên là chỉ cho những chứng nhân được tuyển chọn. Tuy nhiên sự Phục sinh của Chúa là một biến cố để lại những dấu vết xác thực về mặt lịch sử.
 
Trước hết là ngôi mộ trống (số 640). Các môn đệ của Chúa Giêsu đã không thể nào loan báo về sự phục sinh của Chúa nếu xác của Người vẫn còn đó trong ngôi mộ. Thế nhưng thực tế là ngôi mộ ấy đã trống và mọi người đều biết. Dĩ nhiên ở tự nó, ngôi mộ trống chưa phải là bằng chứng thuyết phục rằng Người đã sống lại, bởi lẽ người ta có thể giải thích cách khác: xác của Chúa Giêsu đã được đem đi nơi khác (x. Mt 28,15; Ga 20,13-15).
 
Chỉ nhờ những lần Đấng Phục Sinh hiện ra với các môn đệ của Người thì lý do về ngôi mộ trống mới trở nên rõ ràng: “Người không còn ở đây nữa, nhưng đã sống lại” (Lc 24,6). Các chứng nhân về những lần Chúa hiện ra – dù có những khác biệt trong tường thuật – nhưng đều khẳng định rằng Chúa hiện ra với họ với thân xác cụ thể, nhìn thấy được, và họ nhận ra Người nhờ những dấu đinh trên thân thể (Ga 20,27). Đồng thời họ xác quyết rằng thân xác của Đức Kitô không phải là thân xác đã chết nay hồi sinh (số 645-646). Qua những lần Chúa hiện ra, chúng ta cũng có thể hiểu được phần nào về thân xác vinh quang mà một ngày kia chúng ta có được khi Thiên Chúa cho kẻ chết sống lại (số 999).
 
Đức Kitô đã sống lại thật! Sự chắc chắn này của đức tin là nền tảng cho niềm hi vọng của chúng ta. Sự sống lại ấy khẳng định rằng Chúa Giêsu thực sự là Con Thiên Chúa (số 653), những lời giảng dạy của Người là chân lý đáng tin, Người có quyền tha tội, Người đã chết cho chúng ta. Vì Đức Kitô đã sống lại nên Người vẫn hiện diện trong Lời của Người, trong sự hiệp thông của Hội Thánh, nơi người nghèo và người đau khổ, trong các bí tích, nơi các linh mục, và trên hết mọi sự, “trong bí tích Thánh Thể” (số 1373). “Đức Kitô ở trong anh em: niềm hi vọng vinh quang” (Col 1,27).

Tác giả: ĐHY Christoph Schönborn

Nguồn tin: hdgmvietnam.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập54
  • Hôm nay9,398
  • Tháng hiện tại289,366
  • Tổng lượt truy cập68,254,905
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây