Khi nhân viên y tế ở hạt Mercer, bang Ohio mở điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 đầu tiên hồi tháng 1, tất cả các liều có sẵn nhanh chóng được sử dụng và hơn 500 người đã được tiêm chủng chỉ trong một ngày.
Nhưng gần ba tháng sau, khi nguồn cung vaccine dồi dào và điều kiện tiêm chủng được mở rộng cho người từ 16 tuổi, nhân viên y tế lại chứng kiến ngày càng nhiều lịch hẹn tiêm bị bỏ, theo Kristy Fryman, điều phối viên ứng phó khẩn cấp tại Trung tâm Y tế hạt Mercer. Chỉ 264 người tiêm mũi vaccine đầu tiên tại đây hồi đầu tháng này.
"Thật sự đáng lo ngại", Fryman nói. "Chúng tôi không muốn thụt lùi".
Nguồn cung vaccine Covid-19 ở Mỹ hiện vượt quá nhu cầu ở nhiều vùng nông thôn và thành phố lớn, ngay cả khi các bang nới hạn chế về điều kiện tiêm vaccine, mở thêm phòng khám và tiêm chủng cho cư dân ngoài bang. Đây là nghịch lý so với vài tháng trước, khi nhiều "thợ săn" vaccine thi nhau đăng ký làm sập trang web đặt lịch tiêm hay rình rập các quầy thuốc với hy vọng có thể giành được những liều vaccine còn thừa.
Tại bán đảo Kena của Alaska, nhân viên dịch vụ y tế khẩn cấp (EMS) mang vaccine tới bất kỳ gia đình hoặc cơ sở kinh doanh nào có từ ba người trở lên. New Orleans hợp tác với một quán bar để thúc đẩy chương trình khuyến mại cho người tiêm chủng. Quan chức Dakota thiết lập địa điểm tiêm chủng ngay trong siêu thị Walmart. Một số bang khác như Georgia, Mississippi và Montana đang cân nhắc các giải pháp để xử lý vaccine thừa.
Một hộp đựng lọ vaccine Pfizer đã sử dụng tại Mỹ hôm 19/3. Ảnh: AP.
Thách thức thừa vaccine xảy ra giữa lúc nhiều biến chủng mới của nCoV xuất hiện khắp đất nước, trong khi tâm lý mệt mỏi vì đại dịch cùng với những thông tin sai lệch càng khiến nhiều người chần chừ với vaccine. Nhiều thống đốc nói họ cần sự giúp đỡ nhiều hơn từ chính quyền Tổng thống Joe Biden để giải quyết tâm lý chần chừ tiêm chủng của người dân. Nhưng trong phần lớn trường hợp, quan chức bang đều phải tự tìm cách xử lý.
Chính quyền Biden đã chi ba tỷ USD nhằm giải quyết tình trạng chần chừ tiêm chủng và xây dựng các đội tình nguyện giúp thúc đẩy niềm tin vào vaccine, nhưng nhiều thống đốc, thượng nghị sĩ và chuyên gia y tế cộng đồng cho rằng Nhà Trắng không thể dựa vào chiến lược cũ từng được sử dụng khi nguồn cung vaccine hạn chế.
"Đây là sai lầm lớn", Thống đốc New Hampshire Chris Sununu, thành viên đảng Cộng hòa, nói. "Thông điệp của chính quyền không nhất quán".
Sau khi tăng đều trong ba tháng, tốc độ tiêm chủng ở Mỹ đã duy trì khoảng ba triệu liều mỗi ngày. Gần 220 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đã được tiêm chủng tại Mỹ, chiếm 78% trong tổng số hơn 282 triệu liều được phân phối. Tuy nhiên, một số bang hiện sử dụng chưa tới 75% số liều được cấp, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).
Một báo cáo từ trợ lý Bộ trưởng Y tế cho biết hơn 25% người dân ở Mississippi, Montana, Bắc Dakota và Wyoming e ngại tiêm chủng. Khoảng 16% người trưởng thành ở Mỹ chần chừ tiêm vaccine, theo thống kế của Cục Điều tra Dân số.
Quan chức ở hạt Mercer, bang Ohio và Albany, bang Georgia đã phải đình chỉ nhiều điểm tiêm chủng vì quá ít người tới. Thành phố New York, nơi cư dân có thể tiêm vaccine tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, cũng chứng kiến nhu cầu tiêm chủng sụt giảm mạnh, theo Thị trưởng Bill de Blasio.
Tại Billings, thành phố lớn nhất bang Montana, 3/4 lịch hẹn tiêm chủng bị bỏ và e ngại vaccine là nguyên nhân chủ yếu, theo thượng nghị sĩ Jon Tester.
Ông Tester cho rằng các thành viên được tín nhiệm trong cộng đồng phải đóng vai trò hàng đầu thuyết phục người dân đi tiêm vaccine, nhưng cũng muốn CDC chỉ ra mối liên hệ rõ ràng hơn giữa việc tiêm chủng và triển vọng quay trở lại cuộc sống bình thường.
"Chiến lược của họ cần phải thay đổi. Nó cần dựa trên khoa học nhưng cũng cần dựa trên lẽ thường", ông nói.
Ngoại trừ khu vực ngoại ô thủ đô Washington và Richmond, nhu cầu tiêm chủng ở Virginia đã giảm mạnh kể từ khi giới chức bang cho phép tất cả người trưởng thành đều có thể tiêm vaccine, theo Danny Avula, điều phối viên vaccine.
"Chúng tôi đã vấp trở ngại về nhu cầu. Chúng tôi đã đạt tới điểm mà mọi nỗ lực và chiến lược đều cần thay đổi", ông nói.
Bang Virginia dự kiến phân bổ nhiều vaccine hơn cho những bác sĩ gia đình, một biện pháp mà Thống đốc New Hampshire Sununu cũng ca ngợi, khi khảo sát chỉ ra nhiều người thường có xu hướng bị thuyết phục bởi bác sĩ riêng.
"Ở những nơi xuất hiện tình trạng cung vượt quá cầu, sẽ có rất nhiều việc cần phải làm", Marc Lipsitch, nhà dịch tễ học của Harvard, nói.
Theo nhà chức trách, vấn đề không chỉ do các thuyết âm mưu về vaccine hay đến từ người bài tiêm chủng, bởi có hàng triệu người Mỹ không có khả năng hoặc động lực tiêm chủng. Do đó, nhiều bang đã quyết định tìm đến tận nơi người cần tiêm chủng.
Bang Bắc Dakota đã hợp tác với các chủ doanh nghiệp để đưa vaccine tới tận nơi làm việc, như cách mà nhiều công ty đã làm với vaccine cúm.
"Chúng tôi quá đủ cung, nhưng không có đủ cầu", Molly Howell, người quản lý chương trình tiêm chủng của bang, nói.
Tuần trước, bang lần đầu tiên không yêu cầu tất cả số liều mà chính phủ liên bang cung cấp, bởi có tới hơn 18.000 liều không dùng tới.
Tại Louisiana, giới chức y tế bang chuyển hướng sang các chương trình tiêm chủng với quy mô nhỏ hơn tại các khu phố, nhà thờ hay trung tâm cộng đồng, những nơi người dân cảm thấy thoải mái hơn, theo Joseph Kanter, quan chức y tế bang.
"Khi khảo sát, chúng tôi phát hiện vấn đề không nằm ở những nhóm phản đối tiêm chủng. Thay vào đó, chúng tôi gặp nhiều người cảm thấy chưa chắc chắn, họ còn thắc mắc, lo ngại và muốn chờ đợi, muốn trao đổi thêm với mọi người", ông nói.
Giới chức y tế ở Alaska đang nghĩ ra nhiều cách mới để tăng niềm tin vào vaccine. Bang đã thành lập nhóm bác sĩ Physician's Bureau chuyên thực hiện các bài thuyết trình PowerPoint ngắn và trả lời câu hỏi tại các bữa tiệc trưa ở Rotary Club hay các buổi gặp mặt của hội phụ huynh. Một số khu vực như Juneau tìm cách tạo động lực tiêm chủng bằng chương trình quay sổ xố và thưởng tiền mặt cho người tiêm chủng tại các địa điểm lớn.
Một số thống đốc và quan chức y tế cộng đồng lo lắng quyết định tạm dừng sử dụng vaccine Johnson & Johnson của chính quyền Biden vì lo ngại an toàn sẽ thách thức nỗ lực thúc đẩy tiêm chủng của họ.
"Mỗi ngày khi vaccine này chưa thể quay trở lại thị trường là một ngày mọi người mất thêm niềm tin. Đối với những người trong thế giới bài vaccine, tất cả những điều đó đang củng cố lập trường của họ", Sununu nói.
Một cuộc thăm dò được Beaumont Foundation công bố hồi đầu tuần cho biết 37% người Mỹ nói rằng lo ngại về an toàn vaccine là lý do khiến họ chờ đợi thêm trước khi tiêm chủng.
Một trung tâm tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Worcester, Massachusetts hôm 22/4. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, Andy Slavitt, cố vấn cấp cao của nhóm ứng phó Covid-19 Nhà Trắng, ngày 19/4 cho biết chính phủ không có kế hoạch thay đổi cách phân phối vaccine.
"Một bang có nhu cầu về vaccine thấp hơn dự kiến không có nghĩa chúng tôi thấy cần phải giảm số liều và tự động chuyển chúng cho nơi khác. Điều đó chỉ có nghĩa chúng tôi, cùng quan chức hạt, bang và bác sĩ địa phương cần nỗ lực nhiều hơn để lắng nghe cộng đồng của mình", ông nói.
Nghị sĩ Dân chủ Debbie Dingell của bang Michigan, bang là tâm dịch của đợt bùng phát mới nhất, phản bác quan điểm trên.
"Những chiến lược dài hạn cần sự linh hoạt. Kinh tế học cơ bản là cân bằng cung và cầu, và bạn cần chuyển cung tới nơi có cầu", bà nói.
Thanh Tâm (Theo Politico)
Nguồn: https://vnexpress.net/my-khung-hoang-thua-vaccine-covid-19-4266937.html?fbclid=IwAR05NW94QF3V_7OWO6Bp4MrgVSUwM5bleMSA6qw31pbkhBo_b6oKY8TCgrM