Trong 3 năm kể từ 2017, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Iceland và Na Uy được đánh giá là các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới theo Báo cáo Hạnh phúc của Liên hợp quốc.
Có 5 bài học mà chúng ta cần học tập từ những nước Bắc Âu để cuộc sống thêm hạnh phúc
(Ảnh nguồn: Xinhua)
Vậy điều gì khiến đời sống người dân các nước Bắc Âu kể trên lại hài lòng đến vậy? Theo AIA, có 5 điều mà chúng ta cần học tập từ những quốc gia này để cuộc sống thêm hạnh phúc.
Hoạt động ngoài trời
Một trong những yếu tố chính liên tục mang lại sự hài lòng về cuộc sống cho người dân Phần Lan, Na Uy và Thụy Sĩ là không gian ngoài trời tuyệt vời. Người dân Bắc Âu không để thời tiết khắc nghiệt của môi trường cản trở các hoạt động ngoài trời của họ.
Các hoạt động tiếp xúc với thiên nhiên giúp mọi người giảm căng thẳng, tăng khả năng phục hồi từ đó thúc đẩy sự hài lòng với cuộc sống.
Thời tiết khắc nghiệt cũng không thể ngăn cản việc tham gia các hoạt động ngoài trời
của người dân Bắc Âu (Ảnh nguồn: Xinhua)
Các quốc gia Bắc Âu được biết đến với những phòng tắm hơi mang lại những lợi ích sức khỏe tuyệt với như giảm căng thẳng, đào thải độc tố và làm đẹp da. Việc cùng nhau đến các phòng tắm hơi sẽ giúp tăng cảm giác gần gũi, phá vỡ các rào cản xã hội và thúc đẩy cộng đồng.
Nếu địa phương sinh sống không có nhiều phòng tắm hơi, chúng ta hãy tự tạo ra một cộng đồng trong khu vực của mình; đó có thể là một câu lạc bộ sách, hay các đội tình nguyện…
Thúc đẩy các dịch vụ phổ cập
Nền giáo dục giá cả phải chăng, hệ thống chăm sóc sức khỏe tuyệt vời và các phúc lợi xã hội là điều cần thiết để gia tang cảm giác hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống.
Ở Phần Lan, các bậc cha mẹ mới được Chính phủ tặng các vật dụng thiết yếu cho trẻ sơ sinh. Trong khi đó, Phần Lan, Na Uy và Iceland cung cấp chương trình giáo dục miễn phí cho công dân.
Hãy để trẻ em thực sự là trẻ em
Và hệ thống giáo dục ở các quốc gia này được coi là một trong những hệ thống tốt nhất trên thế giới. Trẻ em ở Phần Lan không bắt đầu bất kỳ hình thức giáo dục chính thức nào cho đến khi lên bảy.
Những đứa trẻ thậm chí còn không phải đối mặt với các bài kiểm tra tiêu chuẩn bắt buộc (chỉ một kỳ thi vào cuối năm học), bảng xếp hạng, hay có cuộc thi và gần như không có sự so sánh giữa các học sinh.
Trẻ em ở Phần Lan không bắt đầu bất kỳ hình thức giáo dục chính thức nào cho đến khi
lên bảy (Ảnh nguồn: Xinhua)
Không có trường tư thục, không có bảng xếp hạng quốc gia về trường học và tất cả giáo viên đều được giáo dục bình đẳng, ở các quốc gia Bắc Âu này mọi trẻ em, dù sống ở đâu hay hoàn cảnh kinh tế xã hội thế nào, đều được tiếp cận với cùng một trình độ giáo dục.
Đề cao cách sống bền vững
Cách sống bền vững, tiết kiệm nguồn năng lượng thiên nhiên và bảo vệ môi trường được những nước Bắc Âu đề cao. Đan Mạch đã đầu tư rất nhiều vào năng lượng tái tạo, Na Uy dự kiến cấm ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2025…
Các quốc gia này đều có cơ sở hạ tầng tốt cho tham gia giao thông bằng xe đạp và có số người dân đi xe đạp nhiều hơn ô tô.
HỒNG ANH
Nguồn: https://laodong.vn/chuyen-nha-minh/suy-ngam-ve-bai-hoc-cuoc-song-tu-nhung-quoc-gia-hanh-phuc-nhat-the-gioi-890396.ldo