Tiến sĩ Toán - Lý Nguyễn Lê Anh, nguyên giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, nhận định sự lây nhiễm của đợt dịch này đang được khống chế hiệu quả, khả năng bùng phát mất kiểm soát gần như không có.
Đồ thị dự báo của tiến sĩ Lê Anh được vẽ dựa trên sự cân bằng giữa nỗ lực chống dịch và áp lực lây nhiễm của virus. Số ca nhiễm trong ngày thể hiện sự tương quan giữa lây lan và dập dịch. Quy luật của sự tương tác này là đường cong có dạng nhất định, giúp dự báo được tình hình dịch. Tuy nhiên vẫn có những ca bệnh đã ủ bệnh lâu hoặc không có triệu chứng nên sau nhiều ngày mới phát hiện, do đó phải chờ dữ liệu qua nhiều tuần thì đồ thị sẽ chính xác hơn.
Để dự báo, tiến sĩ Lê Anh giả định sự lây lan theo 3 hình thức: Lây theo quan hệ gia đình bạn bè người thân, lây theo quan hệ công việc xã hội, và lây ngẫu nghiên khi cùng ở trong một khu vực, đồng thời giả định số người chết do dịch là ít và không đáng kể so với số người bị nhiễm. Ngoài ra, số người bệnh sẽ tự khỏi sau một thời gian nào đó, người đã khỏi bệnh không bị tái nhiễm. Thời gian này được coi là một đại lượng ngẫu nhiên.
Dựa vào các dữ liệu về ca nhiễm bệnh, đường đồ thị được vẽ nhiều lần, tiến sĩ Lê Anh lấy đường trung bình, tìm hàm số, mô phỏng trên máy tính, giải phương trình vi phân để ra được đồ thị dự báo dịch.
Biểu đồ dự báo Covid-19 theo phân tích của tiến sĩ Nguyễn Lê Anh
Biểu đồ cho thấy, từ ngày 8/7 đến khoảng giữa tháng 7, Việt Nam không ghi nhận hoặc ghi nhận rất ít ca nhiễm mới. Đến cuối tháng 7, dịch sẽ suy giảm mạnh. Đến ngày 29/8, phần lớn các ca nhiễm nCoV trung bình và nhẹ đang điều trị tại các cơ sở y tế khỏi bệnh, Việt Nam sẽ không còn bệnh nhân Covid-19. Nếu kể đến việc điều trị các bệnh nhân nặng kéo dài, chuyên gia dự báo đến tháng 12 dịch mới có thể chấm dứt hoàn toàn. Như vậy, Covid-19 có thể sẽ suy giảm vào giữa tháng 7 và cơ bản kết thúc vào cuối tháng 8.
Theo biểu đồ dự báo của tiến sĩ Anh, số ca nhiễm theo ngày sẽ đạt đỉnh vào hôm nay, tức ngày 31/5. Con số đạt đỉnh có thể dao động trong tuần này. Số bệnh nhân đang điều trị trên các cơ sở của cả nước sẽ đạt đỉnh vào ngày 20/6, có thể lên tới 7.000 đến 8.000 bệnh nhân.
Dự báo đưa ra dựa trên dữ liệu số ca nhiễm ghi nhận trong những ngày qua. Trong ba ngày gần nhất từ ngày 28/5 đến 30/5, số ca nhiễm trong ngày cả nước dao động khoảng 200 đến 250 ca. Cụ thể, từ 18h ngày 27/5 đến 18h ngày 28/5, Việt Nam ghi nhận 253 ca nhiễm, ước tính trung bình mỗi giờ ghi nhận 10 ca nhiễm. Từ 18h ngày 28/5 đến 12h ngày 29/5, Việt Nam ghi nhận 143 ca nhiễm, ước tính trung bình mỗi giờ khoảng 8 ca nhiễm. Từ 18h ngày 29/5 đến 18h ngày 30/5, cả nước ghi nhận tổng cộng 251 ca Covid-19, tập trung chủ yếu ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Xét về trung bình, mỗi giờ ghi nhận 10 ca nhiễm.
Số ca nhiễm từ 6h tối 30/5 cho tới 6h sáng 31/5 là 61. Về mặt nguyên tắc, số ca nhiễm theo giờ trong ngày không thay đổi, tuy nhiên Bộ Y tế thông báo số ca nhiễm vào ba thời điểm trong ngày là 6h, 12h và 18h. Con số thông báo vào lúc 18h thường bằng tổng của hai con số trước đó. Điều này chứng tỏ buổi tối xét nghiệm không kịp và sức khỏe của nhân viên xét nghiệm đã cạn kiệt. Dự đoán cả ngày nay, số ca nhiễm có thể sẽ khoảng 240 ca.
"Số liệu này chưa thấy có sự biến động lớn. Số ca nhiễm có hơi nhiều hơn dự báo một chút nhưng dịch vẫn đang bị khống chế", chuyên gia nói. Nếu duy trì nỗ lực chế áp lây nhiễm như hiện nay, theo ước tính, số ca nhiễm trên cả nước còn tăng nhẹ nhưng vào tuần đầu tháng 6 sẽ giảm dần. Trong cuối tháng 7 dịch bệnh sẽ tắt dần.
Tiến sĩ Lê Anh cho rằng: "Dự đoán mang tính chất tương đối và với điều kiện Việt Nam duy trì nỗ lực dập dịch như hiện tại".
Khoảng giữa tháng 5, một vài chuyên gia cũng nhận định hai tuần nữa, tức thời điểm hiện tại, dịch sẽ đạt đỉnh. Ngày 11/5, tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho rằng hiện tại, từ số người đã được cách ly sẽ phát hiện các ca dương tính đạt đến số lượng cao nhất. Tuy nhiên, ca dương tính phần lớn nằm trong các khu khoanh vùng, cách ly nên sẽ không lây lan trong cộng đồng được nữa, từ đó số trường hợp mắc mới sẽ giảm dần.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đánh giá làn sóng dịch lần này có các đặc điểm cần cảnh giác cao là xuất hiện nhiều biến chủng với khả năng lây lan nhanh trong thời gian ngắn, người dân chủ quan hơn trước, nhiều ca dương tính được phát hiện sau thời gian cách ly tập trung.
Lực lượng chức năng khoanh vùng con hẻm 31, đường số 8, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức
để lấy mẫu xét nghiệm do có một ca dương tính nCoV liên quan đến chuỗi lây nhiễm giáo phái sinh
hoạt tại quận Gò Vấp. Ảnh: Quỳnh Trần
Lực lượng chức năng khoanh vùng con hẻm 31, đường số 8, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức để lấy mẫu xét nghiệm do có một ca dương tính nCoV liên quan đến chuỗi lây nhiễm giáo phái sinh hoạt tại quận Gò Vấp. Ảnh: Quỳnh Trần
Tiến sĩ Nguyễn Lê Anh cho rằng tại hai thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội, số ca nhiễm ghi nhận không nhiều. Tuy nhiên, hai nơi này tập trung rất đông dân khiến tình hình dịch rất đáng lo ngại.
Hiện, Việt Nam xuất hiện nhiều nguy cơ lây nhiễm, một phần do việc không tuân thủ các quy định phòng chống dịch, như tụ tập đông người ở hội thánh truyền giáo và tình trạng trốn khai báo. Những người liên quan hội này đã phát tán virus rộng trong thành phố. Nếu TP HCM không chặn đứng được chuỗi lây nhiễm này thì việc bùng phát dịch và mất kiểm soát là có thể xảy ra.
Ông Anh đánh giá chính quyền đang đi đúng chiến lược dập dịch, chủ động giãn cách xã hội toàn thành phố, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trong toàn dân, tuy nhiên tốn kém kinh phí khá lớn.
Chuyên gia nhận định "cần phải có ba ngày dữ liệu sau khi giãn cách mới có thể khẳng định được sự lây nhiễm dịch bệnh ở TP HCM có bị mất kiểm soát hay không".
Thúy Quỳnh - Lê Cầm
https://vnexpress.net/tien-si-toan-du-bao-dich-suy-giam-cuoi-thang-7-4286543.html