Tật xấu & Nhân đức [1]. Dẫn nhập: Giữ gìn tâm hồn
Tý Linh
2023-12-29T03:12:19-05:00
2023-12-29T03:12:19-05:00
http://cuucshuehn.net/Tu-duc/tat-xau-nhan-duc-1-dan-nhap-giu-gin-tam-hon-13029.html
http://cuucshuehn.net/uploads/news/2023_12/cathecism.jpg
Cựu Chủng Sinh Huế
http://cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ sáu - 29/12/2023 03:09
Chúng ta đừng bao giờ thảo luận với ma quỷ. Nó có thể ngụy trang sự dữ dưới lớp mặt nạ vô hình của cái thiện. Anh chị em phải là người giữ gìn tâm hồn của mình. Sự thành công của bất kỳ cuộc chiến đấu thiêng liêng nào đều phụ thuộc rất nhiều vào sự khởi đầu của nó: bằng cách luôn canh chừng tâm hồn mình.
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chúng ta bắt đầu một chu kỳ giáo lý về chủ đề tật xấu và nhân đức. Chúng ta khởi đi từ phần đầu của Thánh Kinh, ở đó trong sách Sáng Thế ký, câu chuyện về Adam và Ava trình bày động thái của sự dữ và cám dỗ. Trong vườn Địa Đàng xuất hiện một nhân vật trở thành biểu tượng của sự cám dỗ: con rắn. Trong cuộc đối thoại với Adam và Eva, con rắn bộc lộ mình là một kẻ khéo léo, tinh quái và giả dối. Adam và Eva không thể cưỡng lại sự cám dỗ của con rắn. Ý tưởng về một vị Thiên Chúa xấu xa, kẻ muốn bắt họ phải phục tùng, đã len lỏi vào tâm trí họ. Họ nghĩ rằng họ sẽ trở nên giống như các vị thần, nhưng họ nhận ra rằng họ trần trụi và sống trong nỗi sợ hãi. Chúng ta đừng bao giờ thảo luận với ma quỷ. Nó có thể ngụy trang sự dữ dưới lớp mặt nạ vô hình của cái thiện. Anh chị em phải là người giữ gìn tâm hồn của mình. Sự thành công của bất kỳ cuộc chiến đấu thiêng liêng nào đều phụ thuộc rất nhiều vào sự khởi đầu của nó: bằng cách luôn canh chừng tâm hồn mình.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 27/12/2023:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Hôm nay, tôi muốn giới thiệu một chu kỳ giáo lý – một chu kỳ mới – về chủ đề tật xấu và nhân đức. Và chúng ta có thể bắt đầu ngay từ khởi đầu Thánh Kinh, trong đó Sách Sáng Thế ký, qua trình thuật về ông bà nguyên tổ, trình bày động thái của sự dữ và cám dỗ. Chúng ta hãy xem xét Địa Đàng. Trong bức tranh bình dị được tượng trưng bởi vườn Địa Đàng, xuất hiện một nhân vật sẽ là biểu tượng của sự cám dỗ: con rắn, nhân vật quyến rũ này. Rắn là một loài động vật quỷ quyệt: nó di chuyển chậm rãi, trườn dọc theo mặt đất và đôi khi anh chị em thậm chí không nhận thấy sự hiện diện của nó – nó im lặng – vì nó ngụy trang rất tốt trong môi trường của nó, và trên hết, điều này rất nguy hiểm .
Khi nó bắt đầu trò chuyện với Adam và Eva, nó cho thấy nó cũng là một nhà biện chứng tinh tế. Nó bắt đầu như người ta làm với những lời ngồi lê đôi mách xấu xa, với một câu hỏi ác ý. Nó nói: “Có phải Thiên Chúa đã phán: ‘Các ngươi không được ăn bất kỳ trái cây nào trong vườn không?’” (Stk 3, 1). Cụm từ này sai: trên thực tế, Thiên Chúa đã ban tặng cho người nam và người nữ tất cả hoa quả trong vườn, ngoại trừ hoa quả của một loại cây cụ thể: cây biết thiện và dữ. Sự cấm đoán này không nhằm mục đích cấm con người sử dụng lý trí, như đôi khi bị hiểu sai, mà là thước đo của sự khôn ngoan. Như muốn nói: hãy nhận ra giới hạn của bạn, đừng cảm thấy bạn là ông chủ của mọi thứ, bởi vì kiêu ngạo là khởi đầu của mọi sự dữ. Và vì thế, câu chuyện kể cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa đặt ông bà nguyên tổ làm chủ và người bảo vệ công trình tạo dựng, nhưng muốn bảo vệ họ khỏi sự tự phụ toàn năng, biến mình thành chủ nhân của thiện và dữ, đó là một cám dỗ – một cám dỗ tồi tệ, ngay cả bây giờ. Đây là cạm bẫy nguy hiểm nhất đối với trái tim con người.
Như chúng ta biết, Adam và Eva không thể cưỡng lại sự cám dỗ của con rắn. Ý tưởng về một vị Thiên Chúa không tốt lành lắm, muốn bắt họ phải khuất phục, muốn bắt họ phải phục tùng, đã ăn sâu vào tâm trí họ: từ đó mà mọi thứ đều sụp đổ.
Với những trình thuật này, Thánh Kinh giải thích cho chúng ta rằng sự dữ không bắt đầu nơi con người một cách ồn ào, khi một hành động đã được biểu hiện, mà sự dữ bắt đầu sớm hơn nhiều, khi người ta bắt đầu mơ tưởng về nó, nuôi dưỡng nó trong trí tưởng tượng, trong những suy nghĩ, và cuối cùng bị mắc bẫy bởi những cám dỗ của nó. Vụ sát hại Abel không bắt đầu bằng một hòn đá được ném, nhưng bằng mối hận thù mà Cain đã ôm giữ một cách độc ác, biến nó thành một con quái vật trong anh ta. Trong trường hợp này cũng vậy, những lời khuyên của Chúa đều vô giá trị.
Thưa anh chị em, ta không bao giờ được đối thoại với ma quỷ. Không bao giờ! Anh chị em không bao giờ nên tranh luận. Chúa Giêsu không bao giờ đối thoại với ma quỷ; Người đuổi nó ra ngoài. Và khi ở trong hoang địa, với những cơn cám dỗ, Người đã không đáp lại bằng đối thoại; Người chỉ đáp lại bằng những lời của Thánh Kinh, bằng Lời Chúa. Hãy cẩn thận: ma quỷ là kẻ quyến rũ. Đừng bao giờ đối thoại với nó, bởi vì nó thông minh hơn tất cả chúng ta và nó sẽ bắt chúng ta phải trả giá vì điều đó. Khi cám dỗ đến, đừng bao giờ đối thoại. Đóng cửa lại, đóng cửa sổ lại, đóng trái tim lại. Và vì vậy, chúng ta tự bảo vệ mình trước sự quyến rũ này, bởi vì ma quỷ rất tinh ranh và thông minh. Nó cố gắng cám dỗ Chúa Giêsu bằng những câu trích dẫn trong Thánh Kinh! Nó là một nhà thần học vĩ đại ở đó. Với ma quỷ anh chị em không đối thoại. Anh chị em có hiểu điều này không? Hãy cẩn thận. Chúng ta không được trò chuyện với ma quỷ và không được chơi đùa với cám dỗ. Không có đối thoại. Cám dỗ đến, chúng ta đóng cửa lại. Chúng ta giữ gìn tâm hồn của mình.
Và đó là lý do tại sao chúng ta không trò chuyện với ma quỷ. Đây là lời khuyên – hãy giữ gìn tâm hồn – mà chúng ta tìm thấy nơi nhiều tổ phụ, nơi nhiều vị thánh: hãy giữ gìn tâm hồn. Hãy giữ gìn tâm hồn. Và chúng ta phải cầu xin ơn học hỏi để hãy giữ gìn tâm hồn này. Đó là một hình thức khôn ngoan, cách giữ gìn tâm hồn. Xin Chúa giúp đỡ chúng ta [trong] công việc này. Nhưng ai giữ gìn tâm hồn mình là giữ gìn một kho báu. Thưa anh chị em, chúng ta hãy học cách giữ gìn tâm hồn. Cảm ơn anh chị em.
Tý Linh chuyển ngữ (nguồn: vatican.va)