Tinh thần thế gian mà Đức Phanxicô cảnh giác là gì?
Tý Linh
2023-06-13T08:41:00-04:00
2023-06-13T08:41:00-04:00
http://cuucshuehn.net/Tu-duc/tinh-than-the-gian-ma-duc-phanxico-canh-giac-la-gi-12704.html
http://cuucshuehn.net/uploads/news/2023_06/pape-francois.jpeg
Cựu Chủng Sinh Huế
http://cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ ba - 13/06/2023 08:37
Giữa sự khôn ngoan của người đời và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, giữa tinh thần thế gian và tinh thần của Thiên Chúa, cần phải chọn lựa! “Tinh thần thế gian” là một kiểu nói nơi thánh Phaolô. Những tác hại của nó thường xuyên bị Đức Thánh Cha cảnh giác.
Tránh “nguy cơ phục tùng tinh thần thế gian hay làm suy yếu giáo thuyết”…đồng thời vẫn đáp lại “những lời mời gọi khẩn cấp đón tiếp những người cảm thấy bị ruồng bỏ”. Đó là con đường mà Đức cha Éric de Moulins-Beaufort, chủ tịch HĐGM Pháp, đã chỉ ra, liên quan đến văn kiện được soạn thảo vào cuối Hội nghị hiệp hành châu Âu, được tổ chức vào đầu tháng Hai ở Praha (1). Nhưng chính xác thành ngữ “tinh thần thế gian” có nghĩa là gì?
Kiểu nói này được tìm thấy nơi Thư thứ nhất của thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô: “Chúng ta đã không lãnh nhận tinh thần thế gian, nhưng là Thánh Thần phát xuất từ Thiên Chúa, và như thế chúng ta ý thức về những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta” (1Cr 2,12).
Trong đoạn văn này, thánh Phaolô đối lập sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vốn trình bày một Đấng Mêsia chịu đóng đinh, với sự khôn ngoan của thế gian, vốn khước từ nhìn nhận Ngài. Bà Roselyne Dupont-Roc, chuyên viên Thánh Kinh, giải thích: “Tinh thần thế gian là tinh thần ngăn cản việc nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, cũng như nơi những người bé mọn, những người bị khinh miệt, những người bị áp bức, những người bị ruồng bỏ…Tinh thần này ngăn cản nhìn thấy nơi họ phẩm giá của con cái của Thiên Chúa”. Bà nói tiếp: thánh Phaolô đối lập “tinh thần đức tin và nhận biết”, vốn dựa trên sức mạnh công hiệu của sự phục sinh, với tinh thần thế gian vốn dựa trên sức mạnh chính trị, tôn giáo, trí thức, tâm linh…
Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng cảnh giác tinh thần thế gian, “tính trần tục“: một “tính trần tục có khả năng thù ghét, phá hủy Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài, và thậm chí làm hư hỏng họ và làm hư hỏng Giáo hội” (2).
Làm thế nào phát hiện ra tinh thần thế gian?
Trong mắt ngài, tinh thần thế gian “dẫn chúng ta đến sự hư danh, kiêu ngạo, tự phụ, nói hành nói xấu”. Nó khiến chúng ta rơi vào cạm bẫy của “quyền lực và tiền bạc”, “chia rẽ”, của “thói nịnh hót kiếm chác”, của “những ảo tưởng sai lầm về lạc thú và ma thuật” vốn đóng kín nơi chính mình (3).
Tinh thần thế gian sử dụng “sự lừa dối và bạo lực: lòng tham lam, ước muốn quyền lực chứ không phải phục vụ, chiến tranh, bóc lột con người…” (4).
Cũng theo Đức Thánh Cha Phanxicô, tinh thần thế gian phát triển “những mầm mống ích kỷ, thù địch, bất công, không chỉ chung quanh chúng ta, mà còn trong tâm hồn chúng ta”. Đó cũng là ”lôgíc của sự biến chất, của lạm dụng và tham lam” đối lập với “sự chính trực”, “hiền lành” và “chia sẻ” (5).
Nó còn được biểu lộ trong tư duy định sẵn, một tư duy đồng nhất, theo sở thích và mong muốn của chúng ta, và điều này tước đi sự tự do của chúng ta để suy nghĩ về cuộc sống của chúng ta. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Tinh thần thế gian không muốn chúng ta tự vấn trước nhan Thiên Chúa: nhưng tại sao điều đó lại xảy ra ? (…) Đâu là con đường mà Chúa muốn cho đời tôi?” (6)
Theo Đức Phanxicô, tinh thần thế gian, xét cho cùng, đe dọa “sự vững chắc của căn tính Kitô giáo của chúng ta” bằng ba cách: chủ nghĩa tương đối, một “sự lầm lẫn lừa dối” vốn “che khuất vẻ huy hoàng của sự thật” và đẩy chúng ta vào “sự hoang mang và tuyệt vọng”; “sự hời hợt” (“thời trang”, “tiện ích”, trên bình diện mục vụ cũng như trong đời sống hằng ngày, “những thú tiêu khiển”, “sự phù du chốc lát”, “sự phóng túng”, “sự chạy trốn”); “những câu trả lời dễ dãi”, “những cụm từ soạn sẵn”, “những luật lệ” và “những quy định” mà Chúa Giêsu chống lại khi tố giác những kẻ giả hình (7).
Nhận diện tinh thần thế gian và đẩy lùi nó, nhờ vào sự phân định và cuộc chiến đấu thiêng liêng, là một phần của điều kiện làm môn đệ Chúa Kitô. Đức Thánh Cha nhắc lại: “Chúa Giêsu, trong Bữa Tiệc Ly, đã xin Chúa Cha đừng cất các môn đệ khỏi thế gian, để họ ở đó, trong thế gian, nhưng bảo vệ họ khỏi tinh thần thế gian” (8).
Điều đó phải chăng muốn nói rằng Kitô giáo coi thường thế gian ?
Nếu “tinh thần thế gian” bị đẩy lùi, thì đối với các Kitô hữu, thế gian không phải vì thế mà bị bác bỏ. Tin Mừng theo thánh Gioan khẳng định: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” (3, 16). Và Tin Mừng này phải được loan báo cho tất cả mọi người: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19). Nếu Chúa Kitô ở trong thế giới, tại sao các Kitô hữu phải chạy trốn Ngài ? Chắc chắn, như Thư gởi cho Diognète vào thế kỷ thứ II nói, “các Kitô hữu không phân biết với những người khác bởi quốc gia, ngôn ngữ hay cách ăn mặc. (…) Mỗi người họ cư trú trên quê hương của mình, nhưng như những người nước ngoài cư trú. (…) Họ lập gia đình như tất cả mọi người, họ có con cái nhưng họ không bỏ rơi con mới sinh của họ. (…) Họ sống trong thân xác, nhưng họ không sống theo xác thịt. Họ trải qua cuộc sống của họ trên trần gian, nhưng là công dân của Nước Trời. (…) Tắt một lời, linh hồn ở trong thân xác thế nào, thì các Kitô hữu ở trong thế gian như vậy”. Nhưng, công đồng Vatican II nhấn mạnh, “không có gì thực sự của con người mà không vang vọng trong (…) tâm hồn” của người môn đệ Chúa Kitô (9). Thực vậy, chính trong thế gian mà các Kitô hữu dấn thân phục vụ con người trong thời đại của mình.
----------------------------------------
(1) Trích từ cuộc phỏng vấn vào ngày 10/2 dành cho hãng thông tấn I.Media của trang web Aleteia.
(2) Bài giảng ngày 16/5/2020.
(3) Bài suy niệm buổi sáng về việc xét mình, ngày 4/9/2018; bài giảng ở phi trường Ndolo, Nam Sudan, ngày 1/2/2023.
(4) Kinh Truyền Tin ngày 24/1/2021.
(5) Diễn văn trong cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ Á Châu, Hàn Quốc, ở đền thánh Solmoe ngày 15/8/2014; Kinh Truyền Tin ngày 18/9/2016.
(6) Bài suy niệm buổi sáng ở nhà nguyện Thánh Mátta, ngày 29/11/2013.
(7) Diễn văn trong cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ Á Châu, Hàn Quốc, ở đền thánh Haemi ngày 17/8/2014.
(8) Kinh Truyền Tin ngày 9/2/2020.
(9) Hiến chế Gaudium et spes, §1.
Tý Linh (theo Gilles Donada, nhật báo La Croix)
Tác giả: Tý Linh
Nguồn tin: xuanbichvietnam.net