Cha tôi – Lời Mở đầu

Chủ nhật - 28/04/2013 10:48

-

-
Tôi không thể nào quên được buổi nói chuyện với Đức Cố Hồng Y Phaxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận ngày 25 tháng 07 năm 2002 tại bệnh viện Thánh Pio XI ở Roma. Như mọi ngày, vào khoảng 6 giờ chiều, tôi đến bệnh viện dâng lễ với Ngài. Hôm đó là ngày lễ kính Thánh Giacôbê Tiền.
CHA TÔI - LỜI MỞ ĐẦU

 
Tôi không thể nào quên được buổi nói chuyện với Đức Cố Hồng Y Phaxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận ngày 25 tháng 07 năm 2002 tại bệnh viện Thánh Pio XI ở Roma. Như mọi ngày, vào khoảng 6 giờ chiều, tôi đến bệnh viện dâng lễ với Ngài. Hôm đó là ngày lễ kính Thánh Giacôbê Tiền. Đức Hồng Y dâng lễ một cách sốt sắng và chăm chú theo thánh lễ từ đầu đến cuối. Sau thánh lễ, Ngài ân cần bảo tôi:
 
- Hiền ơi, Cha con mình cần nói chuyện với nhau.
 
Tôi trả lời:
 
- Dạ. Ngày mai, con sẽ đến sớm hơn để nói chuyện với Cha.
 
Ngài gật đầu đồng ý.
 
Tôi đang ngồi đọc cho Ngài nghe những lá thư từ khắp nơi gởi đến bày tỏ sự lo lắng, quan tâm kèm theo lời hứa sẽ cầu nguyện. Ngài vui vẻ lắng nghe thỉnh thoảng lại chen vào một vài lời giải thích về gốc gác hay những mẩu chuyện vui của người gửi thư, hoặc góp ý cho tôi phải trả lời thư như thế nào. Đến 7 giờ, tôi xin phép Ngài ra về. Ánh mắt Ngài nhìn theo như muốn níu kéo tôi ở lại...
 
Vừa ăn tô mì gói xong thì điện thoại reo. Đức Ông Khả ở đầu dây.
 
- Hiền ơi, Đức Hồng Y muốn gặp cậu.
 
- Ủa, sao lạ vậy. Con hứa với Đức Hồng Y ngày mai đến sớm hơn để nói chuyện rồi mà.
 
- Mình mới nói chuyện với Đức Hồng Y xong. Đang ở bãi đậu xe đây. Ngài muốn nói chuyện với cậu ngay bây giờ.
 
- Ngài có bị gì không?
 
- Ngài không sao cả. Vẫn bình thường.
 
- Vậy thì con đi liền. Con cám ơn Đức Ông.
 
Lúc đó là 8 giờ 15 phút. Tôi vội vã lái xe trở lại bệnh viện. Vừa nhìn thấy tôi. Ngài mỉn cười và bảo tôi ngồi xuống ghế cạnh giường. Chị Luisa Melo, người được Đức Cha Giampaolo Crepaldi, thư ký của Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, biệt phái túc trực đêm ngày chăm sóc ĐHY, nói mấy câu đùa vui với Ngài trước khi ra khỏi phòng, Ngài cám ơn chị ta và bắt đầu câu chuyện.
 
- Cha muốn nói chuyện với con bây giờ thay vì chiều mai, vì buổi tối yên tĩnh và có nhiều thời giờ hơn. Không còn ai đến thăm cha giờ này nữa.
 
Tôi gật đầu. Ngài hỏi tôi:
 
- Hiền nghĩ cha có thể chết không?
 
- Năm mươi năm mươi.
 
Ngài thắc mắc:
 
- Con nói "năm mươi năm mươi" nghĩa là gì?
 
Tôi giải thích:
 
- Cha thấy đó. Mổ ở Milan nguy hiểm như vậy mà chỉ sau hai tuần Cha có thể xuất viện về nhà. Lần này vào bệnh viện lại, tưởng sẽ được bình phục về nhà sớm hơn. Không ngờ đến bây giờ, sau gần hai tháng rồi mà mà chưa thấy khá hơn trước. Con thấy bác sĩ ở cả hai bệnh viện Gemelli và Pio XI đều đã thử mọi cách để chữa trị cho cha. Họ đã làm hết mình. Y học hiện giờ cũng chỉ đến chỗ này thôi. Chuyện cha bình phục xem ra khó rồi đó. Tuy nhiên, mình còn cậy nhờ sức của Chúa nữa. Ngài muốn thì chuyện gì lại không được. Suốt cả cuộc đời, Cha luôn trông cậy, hy vọng vào Chúa, nhất là những lúc khó khăn nhất. Và Chúa đã gìn giữ Cha cho đến bây giờ. Con nghĩ  lần này mình cũng đặt tất cả hy vọng vào Chúa thôi.
 
Tôi nhắc lại chuyện cha Huỳnh Nhẫn, một linh mục thuộc giáo phận Đà Nẵng được Ngài nhận như người em tinh thần, đến Hà Nội thăm Ngài sau khi Ngài phải vào bệnh viện để mổ tiền luyệt tuyến (prostate) vào cuối năm 1989. Thế là mặt Ngài tươi hẳn lên. Từ trên giường bệnh, Đức Hồng Y nhái lại giọng nói và điệu bộ của cha Huỳnh Nhẫn khi muốn trấn an các cô thiếu nữ đến thăm Ngài tại bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội. Nhìn thấy máu vẫn còn chảy ra từ vết mổ, các cô lo lắng không cầm được nước mắt. Cha Huỳnh Nhẫn la lớn:
 
"Nín! Tại sao mà khóc. Các cô không biết gì cả. Máu này là máu xấu, máu độc. Để trong đó làm gì. Tui (tôi) nói cho mấy cô biết, "anh hai" của tui sức mấy mà chết - Cha Nhẫn vẫn gọi ĐHY là anh hai. Đức Chúa Trời còn muốn cho "anh hai" tui sống để làm nhiều chuyện lớn hơn nữa. Mấy cô chống mắt mà coi. Đức Chúa Trời chỉ cần thổi "phù" một cái như thể thổi lông gà trên tay là mọi sự đâu vào đó. Dễ như chơi. Máu của "anh hai" tui sẽ sạch như máu của em bé. Hiểu chưa?
Và Đức Hồng Y cũng đưa hai ngón tay lên gần miệng, tưởng tượng như đang kẹp chiếc lông gà và thổi "phù" một cái thật lớn. Hai Cha con lại cười phá ra. Quên mất mình đang ở trong bệnh viện. Đang phải mang chứng bệnh nan y. Cứ tưởng như đang ở nhà. Đang kể chuyện vui cho nhau nghe mỗi ngày trong suốt gần 8 năm. Tôi khen Ngài:
 
- Cha bắt chước tức cười quá! Giống quá sức vậy đó. Chắc sau này phải đi Hollywood đóng phim.
 
Ngài lại cười. Một nụ cười thật tươi và hồn nhiên. Ngài có biệt tài bắt chước giọng nói, tiếng cười, điệu bộ, cách đi đứng của người khác. Chỉ cần nhìn thấy, nghe qua một lần là Ngài có thể nhái lại như người đó. Nhiều anh chị em liên tu sĩ Roma đã phải kinh ngạc thích thú khi nghe Ngài bắt chước giọng nói của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và giọng Đức Tổng Bình. Ngài lại diễu cợt bảo tôi:
 
- Hiền nhớ nghe. Khi nào Cha bị mê sáng thì nhớ cho cha uống thuốc ngủ kẻo cha nhái người này người kia làm mất lòng họ. Không biết sau này Chúa cho cha lên thiên đàng vì công nghiệp gì, nhưng ít ra là vì Cha hay làm trò cho thiên hạ cười.
 
Tôi nhớ lại câu chuyện "anh hề sân khấu" mà Ngài đã kể ở nhiều nơi khi có dịp giảng dạy. Một anh hề không tên tuổi suốt đời chỉ biết xuất hiện trên sân khấu với áo quần lòe loẹt, luộm thuộm, mặt mày điệu bộ ngớ ngẩn không giống ai cốt để chọc cười khán giả. Một ngày kia, anh chết đi và lên đến cửa thiên đàng gặp Thánh Phêrô. Anh hề lo lắng nhìn Thánh Phêrô như muốn kêu cầu Ngài rộng tình thương xót. Thánh Phêrô vừa lật trang sổ đời anh vừa hỏi:
 
- Con có biết tiêu chuẩn để vào nước thiên đàng không?
 
- Dạ biết. Anh hề trả lời thật nhỏ, mặt không dám nhìn lên.
 
- Vậy thì khi còn ở trần gian, có khi nào con thấy người nào đói mà cho họ ăn, khát mà cho uống, trần truồng mà cho mặc... tù đày, bệnh hoạn mà viếng thăm không?
 
- Dạ, thưa Thánh Phêrô... con không có dịp để giúp người khác. Anh hề ngại ngùng trả lời Thánh Phêrô, mặt cúi gằm xuống đôi giày làm hề há mỏ của anh.
 
- Ui da. Thế thì suốt đời con đã làm được điều gì đáng kể?
 
- Dạ, xin Thánh Phêrô thương con. Con bất tài, tiền bạc cũng không, nên chẳng làm được gì cả. Con chỉ biết lên sân khấu làm hề để cho khán giả cười vui thôi.
 
- A, vậy là được rồi. Cho con vào thiên đàng. Quên mình để chọc cười thiên hạ, làm họ vơi đi những buồn phiền lo lắng, căng thẳng của cuộc sống cũng là việc bác ái rồi đó. Con xứng đáng lắm. Anh hề sung sướng, ngẩn ngơ bước vào cửa thiên đàng.
 
Thế rồi Đức Hồng Y nói với tôi về những dự tính cho tương lại.
 
- Hai cha con mình còn nhiều việc phải làm lắm. Cuốn "Cầu Nguyện Hy Vọng", cha mới viết được 90 bài cho 3 tháng. Cần phải viết cho đủ một năm. Rồi cha cũng muốn viết "Thư cho anh chị em Cursillistas", "Thư cho các bạn trẻ" và "Kể chuyện cho các cháu".
 
Nhìn Ngài dặn dò tôi chuẩn bị nhiều băng video và cassette để có thể vừa ghi lại hình vừa ghi lại tiếng nói những mẩu chuyện vui cười, giáo dục mà Ngài muốn thuật lại cho các thế hệ sau. Đây là công việc Ngài đã thao thức từ lâu vì Ngài nhớ rất nhiều chuyện xưa nay và có tài kể lại một cách hóm hỉnh. Cha Etcharen, bề trên Hội Thừa Sai Paris đã nói về Ngài như sau: "Đức cha Thuận biết nhiều chuyện vui về các Cố thừa sai ở Việt Nam hơn là chính chúng tôi nữa". Và mỗi lần có dịp ghé lại trụ sở Hội Thừa Sai ở Paris, thế nào Đức Hồng Y cũng được các Cố Tây và các linh mục Việt Nam đang du học ở đó xin Ngài thuật lại những chuyện vui về các Cố Tây đi truyền giáo ở Việt Nam. Nghe Ngài kể chuyện, không ai có thể nín cười được.
 
Tân hồn tôi phấn khởi theo những dự tính của Ngài. Hai cha con cùng vẽ ra những dự phóng cho công việc sau này, về những ưu tiên phải thực hiện khi Ngài có thể trở về nhà, một căn nhà mới được Tòa Thánh cấp mà Ngài chưa được ở một ngày. Theo lời đề nghị của Đức Cha Thư ký Crepaldi, Đức Hồng Y quyết định dọn sang căn nhà mới cùng khu vực vì căn nhà này thoáng khí và rộng rãi hơn, có đủ phòng cho các nữ tu đến ở giúp Ngài, nhất là khi ngài đến tuổi về hưu vào năm tới, tháng 4 năm 2003. Phòng ngủ và phòng làm việc của Ngài sát liền nhau, có cửa thông qua nên đi lại cũng dễ dàng hơn. Công việc dọn nhà mới bắt đầu được vài ngày thì Ngài phải vào lại bệnh viện và không bao giờ được trở về nữa. Dẫu vậy, trên giường bệnh, Ngài chỉ cho tôi cách sắp xếp trang trí nhà cửa, phòng ốc vì Ngài đã đến thăm nhiều lần và biết rõ vị thế của căn nhà mới này. Sau khi hoàn tất việc dọn nhà, tôi đã thâu lại video và mang đến cho Ngài xem, Ngài rất hài lòng vì thấy tất cả được sắp xếp theo như ý của Ngài.
 
Đức Hồng Y cũng nhắc nhở tôi lòng yêu mến Giáo Hội và quê hương, nhất là những người nghèo khổ, đặc biệt là những người cùi mà Ngài đã suốt đời thương yêu. Ngay từ cuối năm 1988, khi vừa mới được trở về tạm trú tại Tòa Giám Mục Hà Nội, Ngài đã tìm mọi cách để nâng đỡ một cách cụ thể cuộc sống đáng thương của họ trong tất cả các trại cùi ở Miền Bắc. và trong thời gian 11 năm ở Roma, Ngài lại càng đẩy mạnh công việc từ thiện này hơn. Có nhiều đêm thấy Ngài cặm cụi ở bàn viết, tôi hỏi Ngài sao không đi ngủ sớm. Ngài trả lời:
 
- Cha phải viết đơn xin giúp người cùi gấp. Vì ngày mai có người hứa nhận giúp đến lấy đơn.
Hình ảnh và lời nói đó của Ngài tôi không bao giờ quên được. Tôi lại càng không thể quên buổi sáng Chúa Nhật ngày 13 tháng 12 năm 1992. Đức Hồng Y bảo tôi chở Ngài đến nhà một người Pháp, nhân viên của một cơ quan quốc tế, sẽ về Việt Nam ngày hôm đó để Ngài nhờ gởi tiền giúp người cùi. Trời mưa như trút. Trên chiếc xe Vespa 50 phân khối, hai cha con ì ạch đội mưa chở nhau đi. Quãng đường từ nhà Foyer Phát Diệm đến đó chỉ có 9 cây số mà hai cha con phải đi mất hơn một giờ mới đến nơi được vì đường trơn trợt. Đến nơi, cả hai ướt như chuột lột. Tôi run cầm cập vì thấm lạnh. Nhưng tâm hồn tôi thật ấm vì đang được cái nhiệt huyết tông đồ, cái lò lửa yêu thương đến quên mình của Ngài truyền sang.
 
- Sống là yêu thương quên mình. Con cố gắng giúp đỡ những người nghèo khổ.
 
Ngài vẫn luôn nhắc nhở tôi điều này. Tôi nhớ lại lời Ngài viết trong "Đường Hy Vọng", cuốn sách đầu tiên Ngài viết ra tại Cây Vông, Nha Trang sau năm 1975, như một lời nhắc nhở con cái thiêng liêng và giáo dân của Ngài. "Con mang một đồng phục, nói một ngôn ngữ: bác ái. Bác ái là chứng tích để biết con là môn đệ Chúa (Ga 13,35) là dấu hiệu rẻ mà khó kiếm nhất (ĐHV 984). Đức Hồng Y đã sống yêu thương và loan báo sứ điệp yêu thương cho đến cuối đời của Ngài. Trên giường bệnh, tôi hỏi Ngài:
 
- Cha có điều gì nhắn nhủ chúng con nữa không?
 
- Những gì Cha muốn nói Cha đã viết lại trong các cuốn sách của Cha rồi, nhất là các cuốn "Đường Hy Vọng", "Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng", "Đường Hy Vọng Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Đồng Vatican II", "Cầu Nguyện Hy Vọng" và "Chứng Nhân Hy Vọng". Cố gắng sống theo tinh thần đó. Tinh thần Hy Vọng. Tinh thần đoàn kết yêu thương. Đó chính là bí quyết để xây dựng con người, canh tân Giáo Hội và đổi mới thế giới. Và tôi thấy rực lên trong ánh mắt Ngài niềm vui nhìn thấy Giáo Hội thánh thiện, một thế giới về quê hương đang vui sống trong công lý và hòa bình.
 
Câu chuyện xoay quanh tình hình Giáo Hội Việt Nam, về những vấn đề nóng bỏng trên thế giới... rồi Ngài kết luận:
 
- Hai cha con mình biết nói đến bao giờ cho "bưa" (cho vừa đủ). Nói với nhau biết bao nhiêu năm rồi mà vẫn chưa hết chuyện.
 
Tôi xen vào:
 
- Hơn 7 năm rưỡi ở nhà San Calisto. Nếu tính luôn thời gian cha ở nhà Foyer Phát Diện là gần 11 năm.
 
- Ui chao! Lâu dữ rứa à (vậy à). Tưởng mới mô đây (đâu đây). Thôi, để cho con về nghỉ, mai gặp lại.
 
Tôi đứng lên xin Ngài chúc lành rồi ra về, lòng hân hoan rộn rã.
 
Bây giờ ngồi viết lại cuộc đời của Đức Hồng Y, một con người được chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên dương như là "chứng nhân đức tin" của Giáo Hội, được Đức Hồng Y Etchegaray, Cựu Chủ Tịch Hồi Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình xem như một cuốn "Phúc Âm sống", được Đức Hồng y Sepe của Bộ Truyền Giáo khen tặng "con người nhân bản, luôn yêu thương và tha thứ", và Đức Cha Giampaolo Crepaldi, làm việc chung 8 năm với Ngài, không ngần ngại gọi Ngài là "thánh nhân", cùng với không biết bao nhiêu danh hiệu tốt đẹp khác mà nhiều nhân vật quan trọng, đạo cũng như đời đã khen ngợi, tôi thật ngại ngùng không biết nên viết những gì về Ngài để khỏi làm lu mờ những lời khen tặng đó. Hơn nữa, cuộc đời của Ngài có quá nhiều chuyện đáng ghi lại, nên tôi lại càng không biết nên bắt đầu từ đâu. Tôi muốn dùng lại lời Ngài giã từ tôi ở cuối câu chuyện và nói với Ngài thật lớn:
 
- Cha ơi! Viết về Cha thì biết đến bao giờ cho "bưa" (cho vừa). Thôi, con xin bắt đầu từ lúc con được đặt chân đến mảnh đất tự do, một sự tự do mà cha vẫn thường cầu chúc và mong con cái mình được hưởng để có điều kiện mở rộng kiến thức, phát triển tài năng, nhưng đồng thời cũng biết lượng giá một cách khách quan để chỉ thu thập cái tốt, cái hay của người, làm giàu cho hành trang phục vụ của mình với tinh thần yêu mến quê hương và Giáo Hội, yêu mến con người như Cha đã sống và làm gương cho chúng con. Phải vậy không cha?
 
(Trích CHA TÔI)
 
Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền

Tác giả: Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền HT63

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập214
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm213
  • Hôm nay31,269
  • Tháng hiện tại662,275
  • Tổng lượt truy cập57,948,144
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây