Cha Tôi 1. Chương 5. Hoạt động mục vụ trên bình diện quốc gia

Thứ sáu - 02/01/2015 09:45

-

-
Thời gian sau ngày Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận thụ phong giám mục được xem là một trong những thời kỳ có nhiều biến động cam go nhất làm xáo trộn sinh hoạt và cuộc sống của người dân tại miền Nam Việt Nam.
Cha Tôi
Phần 1: Vui Mừng, Gian Truân và Hy Vọng
Chương 5



HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ TRÊN BÌNH DIỆN QUỐC GIA

Hoạt động Mục Vụ trên bình diện quốc gia và quốc tế
   
Ngoài trách nhiệm Giám Mục Nha Trang, với những chương trình công tác mục vụ liên tục để giúp phát triển giáo phận và đẩy mạnh công cuộc truyền giáo cho người lương dân cũng như cho các dân tộc thiểu số ngươi Chàm và người Thượng, từ năm 1967 đến 1975 Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận còn giữ chức vụ chủ tịch Ủy ban Truyền Thông Xã Hội và Ủy ban Phát Triển của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Từ năm 1971 đến 1978, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI còn đặt Ngài làm Cố Vấn Ủy Ban Giáo Hoàng về Giáo Dân. Chính trong Ủy Ban này, Ngài có dịp gặp gỡ và tiếp xúc thân mật với Đức Hồng Y Karol Wojtyla, sau này được bầu làm Giáo Hoàng vào tháng 10 năm 1978, lấy niên hiệu là Gioan Phaolô II. Đặc biệt, năm 1970, tại Hội Nghị Các Giám mục Á Châu ở Manila, Ngài đọc bài tham luận về vấn đề chính trị tại Á Châu và đã gây một tiếng vang rộng lớn. Ngoài ra, Ngài cũng là một trong những người đứng ra sáng lập Đài Chân Lý Á Châu, để đem Tin Mừng đến cho mọi người ở vùng này, mà ảnh hưởng và hoạt động vẫn còn cho đến ngày nay.

Hoạt động trên bình diện quốc gia
     
Thời gian sau ngày Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận thụ phong giám mục được xem là một trong những thời kỳ có nhiều biến động cam go nhất làm xáo trộn sinh hoạt và cuộc sống của người dân tại miền Nam Việt Nam. Biến cố Tết Mậu Thân năm 1968, chiến dịch “Cáp Duồng” (giết người Việt) ở Cam Bốt năm 1971 và nhất là Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 đã khiến cho hàng ngàn thường dân phải lìa bỏ quê cha đất tổ, sống chen chúc trong những trại tiếp cư tạm thời. Việc di dân tỵ nạn hàng loạt này đặt ra nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết: kiếm chỗ an toàn cho họ định cư vĩnh viễn, giúp đỡ họ trong thời gian đầu để từ từ họ có thể tự túc sinh sống. Lẽ dĩ nhiên, công việc định cư này thuộc trách nhiệm của chính quyền. Nhưng với con mắt của người mục tử nhân lành, Giáo Hội không thể làm ngơ để mặc con cái mình bơ vơ. Hơn ai hết, những người tỵ nạn cần được nhiều an ủi tinh thần hơn và vì thế đòi buộc giáo hội quan tâm đến họ nhiều hơn.
 
Với tư cách Chủ Tịch Uỷ Ban Phát Triển HĐGMVN, Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã cố gắng tìm mọi cách để hàn gắn những nỗi đau của người tỵ nạn và giúp họ sớn hội nhập vào cuộc sống mới đầy hy vọng ở tương lai. Thời kì 8 năm trên đây có thể được chia thành 2 giai đoạn rõ rệt:
 
- Từ năm 1967- 1970: Giai đoạn ổn định và phát triển nhỏ ở địa phương.
- Từ năm 1971- 1975: Giai đoạn định cư và phát triển cho người tỵ nạn.
 
Mặc dầu biến cố Tết Mậu Thân đã gây một ảnh hưởng tâm lý nặng nề nơi người dân thành phố về cảnh chết chóc do chiến tranh gây nên, nhưng biến cố này chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, và không kéo theo những hệ luận nghiêm trọng về di dân và định cư. Lẽ tất nhiên, khi loạn lạc người dân chạy đến nơi an toàn như trường học, nhà thờ chùa chiền hay tu viện để lánh nạn. Nhưng thời gian này cũng không kéo dài lâu. Việc tổ chức nơi ăn chốn ở cũng đơn giản. Và khi được bình yên,họ trở về lại nhà của mình với những công việc thường ngày như trước đây. Qua cơ quan Caritas của mỗi giáo phận, Uỷ Ban Phát Triển cố gắng giúp đỡ những người bị thiệt hại nặng nề về vật chất để họ có thể dựng lại nhà cửa và ổn định cuộc sống.
 
Một nỗ lực khác của Ủy Ban Phát Triển là tạo điều kiện để người dân có được công ăn việc làm hoặc giúp phát triển những ngành nghề đã có sẵn. Những kế hoạch làm ăn tập thể có tính cách địa phương như tổ hợp máy bơm nước để dẫn thủy nhập điền cho nông dân, hoặc tổ hợp ghe đánh cá cho ngư dân được Ủy Ban Phát Triển tài trợ với sự hướng dẫn của cơ quan Caritas cấp giáo phận đã giúp cho nhiều người có việc làm, biết quản lý tiền bạc và phương tiện làm ăn để cuộc sống được sung túc và đảm bảo hơn, nhờ đó họ tìm được niềm tin vào giá trị con người mình. Quỹ phát triển này không phải để cho không, nhưng được luân chuyển để giúp những tổ hợp khác nữa. Vì thế, hợp tác viên ý thức trách nhiệm hoàn lại vốn và biết tính toán công việc làm ăn một cách hợp lý hơn. Ngài chủ trương phát triển không phải là chỉ cho ăn, cho mặc: cũng không phải phát cày, phát cuốc, đào giếng, đào mương. Nhưng phát triển là thăng tiến con người toàn diện, là làm họ sống xứng với phẩm giá con người hơn (ĐHV số 582). Chính vì thế mà Ngài thường dặn dò con cái và người thân Ngài đừng bao giờ thỏa mãn khi đã giúp người ta. Đừng làm công việc dễ hơn cả là CHO vì Chúa đòi hỏi một công việc khó hơn, đó là giúp kẻ khác tự giúp lấy mình và biết sẵn sàng giúp mọi người ( ĐHV số 583). Trong chiều hướng đó, Ủy Ban Phát Triển còn giúp tài trợ những trung tâm huấn luyện may mặc, do cơ quan Caritas địa phương điều hành, để giúp các chị em phụ nữ có nghề nghiệp, nhằm cải thiện cuộc sống gia đình.
 
Đến năm 1971, khi bắt đầu có làn sóng người tỵ nạn Việt Nam trở về do chiến dịch khủng bố “Cáp Duồng” tại Cam Bốt, Uỷ Ban Phát Triển của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phải đối diện với những vấn đề cấp bách có tính cách quy mô rộng lớn hơn. Những người tỵ nạn này không thể trở về lại Cam Bốt, nơi họ định cư làm ăn từ nhiều thế hệ. Làm sao giúp họ ổn định cuộc sống, tạo công ăn việc làm để họ hội nhập vào cuộc sống bình thường, không còn lệ thuộc vào trợ cấp giới hạn của chính quyền. Ủy Ban Phát Triển đã thành lập nhiều làng định cư. Giúp mỗi gia đình có được một căn nhà và đất đai để canh tác. Nhờ đó, sau thời gian hưởng trợ cấp, gia đình nào cũng thu hoạch được hoa màu và có thể tự lập được.
 
Đây là những kinh nghiệm sơ khởi quý báu cho Ủy Ban Phát Triển khi phải đối đầu với hàng trăm ngàn người tỵ nạn đã bỏ nhà cửa, ruộng vườn của mình ở tỉnh Quảng Trị để lánh nạn tại Đà Nẵng sau Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Việc tiếp cư và trợ cấp thực phẩm cho người dân tại các trại tập trung ở Đà Nẵng và Chu Lai, thuộc tỉnh Quảng Tín chỉ có tính cách tạm thời. Không ai muốn ở mãi trong trại tiếp cư. Cuộc sống từ từ trở nên nhàm chán và mất ý nghĩa. Vì thế, Ủy Ban Phát Triển HĐGMVM thành lập một cơ quan chuyên biệt để đẩy mạnh vấn đề định cư và phát triển được gọi tắt là COREV (Co-Operation of Reconstruction of South Vietnam). Cơ quan này được giao cho Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận chịu trách nhiệm điều hành và phối kết, có trụ sở tại 123 Đường Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3, Sài Gòn. Công việc này được tiến hành với hai giai đoạn rõ rệt:
 
- Giai đoạn 1: thành lập nhóm tỵ nạn và tìm chỗ định cư thích hợp.
- Giai đoạn 2: kế hoạch định cư và phát triển.
 
Sở dĩ phải thành lập từng nhóm vì không chỗ nào có thể đón nhận tất cả người tỵ nạn với con số quá lớn như vậy. Hơn nữa, nếu tất cả đều được định cư chung ở một vùng hay một tỉnh, sẽ gây nên những hậu quả trầm trọng làm xáo trộn sinh hoạt bình thường của người dân địa phương, cũng như gây khó khăn cho việc điều hành quản lý. Chính vì thế, văn phòng COREV trực tiếp liên lạc với những người có trách nhiệm dẫn đầu nhóm tỵ nạn để nắm vững con số và hiểu rõ những ước muốn của họ, đồng thời liên lạc với chính quyền để tìm chỗ định cư thích hợp cho mỗi nhóm. Sau khi tìm được đất định cư, văn phòng hướng dẫn nhóm trưởng và ban đại diện đến quan sát đất trại, trình bày những ưu điểm của vùng đất này trên bình diện kinh tế, an ninh, để họ giải thích lại với người dân tỵ nạn của mỗi nhóm.
 
Có tất cả 5 nhóm chính. Một nhóm đến định cư tại Trà Cổ, Biên Hòa, lấy tên là Quảng Biên. Hai nhóm ở Bình Tuy có tên là Động Đền và Bồ Câu Trắng. Một nhóm về Sông Pha, Phan Rang, lấy tên là Quảng Thuận. Và nhóm cuối cùng ở Cam Ranh có tên là Vĩnh Linh. Xét về phương diện địa dư giáo quyền, ngoài trại Quảng Biên thuộc giáo phận Xuân Lộc, tất cả bốn trại còn lại đều nằm trong phần đất của Giáo Phận Nha Trang, do Đức Cha Nguyễn Văn Thuận coi sóc. Nhờ đó, Ngài có thể theo dõi những biến chuyển và nhu cầu phát triển của trại một cách dễ dàng và đáp ứng nhu cầu một cách cụ thể. Nhưng trại Quảng Biên có ưu điểm là ở gần Sài Gòn, nơi có văn phòng COREV, nên vấn đề liên lạc cũng dễ dàng hơn.
 
Mùa hè năm 1972, tôi theo Cha Nguyễn Đình Cẩm vào giúp mục vụ cho người tỵ nạn tại trại Chu Lai, thuộc tỉnh Quảng Tín. Cha Cẩm làm Giám Luật ở Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện trong những năm cuối cùng của tôi theo học ở đây. Giữa năm 1971, ngài được Giám Mục Huế bổ nhiệm làm phó xứ Đông Hà, thuộc tỉnh Quảng Trị. Năm 1972, cùng với người dân Đông Hà, ngài lánh nạn vào Đà Nẵng. Vì các trại tiếp cư tại Đà Nẵng không còn chỗ chứa, một số dân khoảng 300 người được đưa vào căn cứ Chu Lai. Cha Nguyễn Đình Cẩm đã tình nguyện đi theo giúp việc mục vụ và bảo vệ quyền lợi của họ. Ngài có chiếc xe đạp jeep dân sự nên thỉnh thoảng trở ra Đà Nẵng, cập nhật hóa tin tức định cư cũng như quyền lợi của người tỵ nạn, rồi thông báo lại cho dân chúng. Vì thế, dù ở xa Đà Nẵng hơn 100 cây số, người dân tỵ nạn ở trại Chu Lai vẫn biết rõ những tin tức liên quan tới cuộc sống của mình nên bớt lo lắng vì không sợ bị bỏ rơi.
 
Mỗi gia đình tỵ nạn đều được cấp nhà để ở, những căn nhà gỗ dành cho quân đội ngày trước. Họ cũng được phân phát thực phẩm đầy đặn. Có điện nước để dùng. Cuộc sống tương đối đầy đủ. Nhưng mối bận tâm về tương lai làm cho họ phải lo nghĩ nhiều. Mỗi lần cha Cẩm đi Đà Nẵng về, họ vội vàng đến gặp gỡ để biết thêm tin tức, nhất là tin tức định cư. Cuối cùng tất cả thở phào nhẹ nhõm khi được tin trại Chu Lai sẽ gom vào với nhóm tệ nạn do cha Etcharen, chánh xứ Đông Hà, làm trại trưởng để đi định cư tại Bình Tuy. Một cuộc đời mới bắt đầu.
 
Hè 1973, sau khi thi cử ở Đại Học Đà Lạt xong, tôi đến Bình Tuy thăm cha Cẩm tại Động Đền. Con đường từ Hàm Tân đến Động Đền chưa được tráng nhựa, đầy ổ gà. Tôi vui sướng thấy ngài vẫn khỏe mạnh và yêu đời – danh từ cha Cẩm vẫn thường dùng để hỏi thăm người thân – Ngôi nhà thờ và căn nhà ở của ngài tương đối đã làm xong. Tôi ở lại với ngài 3 ngày, nhờ đó có thời giờ tìm hiểu cuộc sống của người dân. Trại Động Đền được chia làm hai khu vực: khu dân cư và khu canh tác. Sau khi nắm vững con số những gia đình sẽ đến định cư tại đây, Ủy Ban Phát Triển phối hợp với chính quyền địa phương chia lô đất cho mỗi gia đình với diện tích bằng nhau. Xe ủi đất được văn phòng COREV thuê bao làm việc liên tục để mở đường và khai phá rừng hoang. Nhờ vậy, khi đến nơi mỗi gia đình đều có sẵn lô đất để làm nhà. Công việc khai hoang khu canh tác vẫn được tiếp tục. Mỗi đơn vị gia đình đều được văn phòng COREV phát 10.000 đồng tiền Việt Nam thời đó  để tự làm nhà theo ý của mình, và một khu đất canh tác đủ bảo đảm cho cuộc sống. Ngoài ra, Ủy Ban Phát Triển còn trợ giúp kế hoạch đào giếng nước cho toàn trại và giúp người dân phương tiện làm ăn qua những tổ hợp phát triển chăn nuôi và lấy gỗ làm than đốt. Những người này được cho mượn vốn mua máy cưa nhỏ để đốn cây làm củi và một số khác để xây lò làm than đốt. Hai công việc này đã giúp công tác khai hoang được mau chóng hoàn tất kế hoạch và đồng thời giúp cải thiện cuộc sống của người dân. Riêng những người trước đây đã làm nghề đánh cá, văn phòng giúp họ lập những tổ hợp, cung cấp ghe thuyền và lưới chài để họ có thể tiếp tục nghề nghiệp của mình.
 
Văn phòng COREV còn tài trợ những dự án liên quan tới việc giáo dục, tôn giáo và xã hội vì đây là những vấn đề cấp thiết đối với người dân tỵ nạn. Trại Động Đền được văn phòng tài trợ xây hai nhà thờ: nhà thờ Tin Mừng và nhà thờ Phục Sinh. Ở trại Bồ Câu Trắng có hai nhà thờ: nhà thờ Đông Hà do cha Etcharen và cha Mỹ phụ trách, và nhà thờ Gio Linh do cha Trương Công Giáo quản nhiệm. Đàng khác, mỗi giáo xứ đều được giúp xây một trường tiểu học và riêng ở trại Bồ Câu Trắng một trường trung tiểu học được xây lên mang tên Thánh Linh do cha Nam chịu trách nhiệm. Ngoài ra văn phòng cũng giúp thiết lập một cô nhi viện lấy tên là Bồ Câu Trắng để nuôi nấng và dạy dỗ các em cô nhi nạn nhân của chiến tranh và do cha Hoan làm giám đốc. Bây giờ cha Hoan là Giám Mục Phó với quyền kế vị của Giáo Phận Phan Thiết.
 
Tôi có dịp gặp lại những người quen ở trại tiếp cư Chu Lai và họ cho biết mặc dầu đang còn ở trong giai đoạn đầu của chương trình định cư, khó khăn còn nhiều, nhưng họ vẫn cảm thấy thoải mái hơn trong trại tiếp cư vì thấy có tương lai. Người nào cũng có công ăn việc làm: hoặc nông nghiệp, hoặc lâm nghiệp, hoặc ngư nghiệp hay buôn bán. Con cái được học hành đàng hoàng. Hơn nữa khí hậu ở Bình Tuy cũng không khắc nghiệt như ở vùng Quảng Trị, Đông Hà nên sức khỏe của người dân cũng tốt hơn.
 
Cũng trong mùa hè này, tôi đến thăm Ngài tại trụ sở COREV ở Sài Gòn. Căn nhà nằm trên con đường Bà Huyện Thanh Quan, gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Tôi đến chào thăm Ngài. Nhưng Ngài đang bận nhiều công việc nên hẹn gặp tôi vào buổi tối. Ngài nhờ Sơ Hải, nữ tu Dòng Khiết Tâm Bình Cang, đang giúp việc cho Ngài, dẫn tôi đi xem nhà cửa và văn phòng. Ngôi nhà chính ở mặt tiền được dùng để tiếp khách, có phòng làm việc của Ngài và một nhà nguyện nhỏ. Sau đó là nhà của các nữ tu ở giúp Ngài. Và cuối cùng là văn phòng COREV. Tôi gặp được ông Nguyễn Kim Luân, đại diện thường trực của văn phòng. Ông Luân điều hành trực tiếp công việc ở đây vì Ngài còn phải dành nhiều thời giờ cho Giáo Phận Nha Trang. Mỗi ngày ông đều trình bày lại cho Ngài những diễn tiến của công việc liên quan tới vấn đề định cư và phát triển. Nhưng tất cả những cuộc gặp gỡ quan trọng với các cơ quan cứu trợ ngoại quốc đều do Ngài sắp xếp và điều hành. Văn phòng còn có ba người thư ký để trả lời thư từ và thảo các dự án phát triển nhờ đó công việc được giải quyết một cách nhanh chóng.
 
Sau bữa cơm chiều, Ngài gọi tôi vào phòng nói chuyện. Cũng như mọi lần, Ngài hỏi thăm gia đình và việc học hành của tôi ở Đại Chủng Viện. Hỏi thăm tin tức con cái thiêng liêng của Ngài ở Huế, rồi việc thi cử của tôi ở Đại Học Đà Lạt. Tôi thong thả trả lời những điều ngài muốn biết. Ở Giáo Phận Huế thời đó, con cái thiêng liêng của Ngài cũng khá đông. Vậy mà Ngài nhớ từng người một, hỏi thăm một cách chân tình, không sót một ai. Từ anh Hiệp, người con thiêng liêng đầu tiên được Ngài nhận khi vừa mới chịu chức linh mục năm 1953, đến những anh lớp lớn như anh Mỹ, anh Trọng, anh Bường, anh Lợi, anh Anh ở Đại Chủng Viện Xuân Bích, và những người con đang học ở Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện như Hiến, Thắng, Luyến, Dung, Phước. Ngài dặn dò chúng tôi cố gắng sống yêu thương và nâng đỡ nhau. Ngài nói: “Cha ở xa. Ít khi có dịp gặp tụi con. Đứa này đứa kia có chuyện gì thì Cha cũng không giúp được. Tụi con ở gần, nhớ sống tình anh em để nâng đỡ nhau. Được vậy là Cha vui rồi”.
 
Ngài cũng nhắc tới anh Thanh, anh Quỳnh đang học tại Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt. đến anh Châu, thuộc Giáo Phận Đà Nẵng. Anh là cựu sư huynh Dòng Thánh Tâm Huế, đứng đắn và lanh lợi tháo vát. Rồi ngài cũng cho biết thêm những người con thiêng liêng Ngài mới thâu nhận ở Giáo Phận Nha Trang như anh Phi, đang học ở Đà Lạt, Minh học ở Huế cùng lớp với tôi, Phong ở Thanh Hải, và Sơn ở Cam Bốt mới về Việt Nam sau vụ “Cáp Duồng”. Tôi chưa có dịp gặp những anh em Ngài vừa cho biết, nhưng cảm thấy gần gũi như trong gia đình. Tôi tò mò hỏi Ngài:
 
- Cha chỉ nhận con trai, không có con gái sao? Ngài cười cười trả lời:
 
- Có chứ sao không. Chị Duy là người đầu tiên Cha nhận cho đi tu Dòng Kim Đôi ở Huế trong thời gian Cha làm phó ở giáo xứ Phanxicô năm 1955. Chị rất đơn sơ hiền từ. Cha có trách mắng thì chị cứ cười thôi, không giận hờn chi cả. Ở Huế còn có Thanh, Tiệp thuộc Dòng Mến Thánh Giá. Vào Nha Trang, Cha có nhận thêm một ít nữa, trong đó có chị Loan, chị Hải mà con có dịp gặp rồi đó. Nuôi con cái nhiều cũng mệt, nhưng cũng có niềm vui biết mình đang góp phần vào việc xây dựng Giáo Hội, chuẩn bị có thêm nhiều người dấn thân vào cánh đồng truyền giáo. Cha chỉ hướng dẫn và mong con cái được trưởng thành để phục vụ Giáo Hội. Tôi đổi đề tài:
 
- Con mới đi thăm cha Cẩm ở trại Động Đền ngoài Bình Tuy về. Dân chúng ở đó đã có nhà cửa, đất đai canh tác. Cuộc sống đang có nhiều hướng đi lên. Họ cho biết văn phòng COREV của Cha ở đây đã giúp đỡ họ rất nhiều và thiết thực nữa. Đúng vậy không cha?
 
- Đúng rồi. Văn phòng này được lập nên trước hết là để đáp ứng nhu cầu của người tỵ nạn Quảng Trị. Họ đã mất tất cả: từ nhà cửa, ruộng vườn, công ăn việc làm, đến mồ mả tổ tiên. Thật đáng thương! Hội Đồng Giám Mục Việt Nam rất quan tâm đến hoàn cảnh của họ. Muốn giúp đỡ họ sớm có cuộc sống ổn định, nên đã lập nên văn phòng này và giao cho Cha chịu trách nhiệm. Vạn sự khởi đầu nan. Công việc lúc mới khởi sự thật phức tạp. Một phần phải nắm vững nhu cầu của người tỵ nạn. Phần khác phải cố gắng thuyết phục những cơ quan từ thiện quốc tế chấp thuận viện trợ những dự án xây dựng, phát triển của họ. Đâu phải dự án nào cũng được chấp thuận ngay. Mình phải giải thích nhu cầu, lợi ích ngắn hạn, dài hạn của từng dự án. Các cơ quan từ thiện, cứu trợ đã tin tưởng vào cách làm việc đứng đắn của văn phòng vì thấy được thành quả của những dự án họ tài trợ. Tôi vui mừng hỏi Ngài:
 
- Như vậy, bây giờ chắc Cha khỏe rồi. Không còn gặp khó khăn gì nữa cả. Ngài trợn mắt trả lời một cách khôi hài:
 
- U chao ôi ! Ngày nào có sự khó cho ngày đó. Ông Luân, trưởng văn phòng ở đây ngày nào cũng điên đầu vì bị các cha trại trưởng than phiền, trách móc. Người thì trách tại sao không cho tiền ngay mà đòi phải làm đơn xin cho rắc rối. Lạy Đức Mẹ ! Tiền ở đâu mà sẵn sàng vậy. Đây là văn phòng chứ đâu phải là ngân khố. Phải có đơn xin với lý do chính đáng rồi văn phòng mới gởi tới các cơ quan cứu trợ duyệt xét. Nếu được chấp thuận, cơ quan mới gởi tiền vào tài khoản của văn phòng. Lúc đó văn phòng mới có tiền để giao. Người khác lại trách tại sao gởi đơn xin khá lâu rồi mà chưa có tin tức gì cả. Trời ơi ! Văn phòng đâu có tự mình quyết định được. Tất cả tùy thuộc vào các cơ quan quyết định thôi. Tất nhiên khi mỗi đơn xin được gởi đi, đều có lời giới thiệu của Cha. Nhưng điều này không có nghĩa là họ sẽ chấp thuận ngay. Phải kiên nhẫn chứ! Cha đã giải thích chung cho các cha trại trưởng hiểu cách làm việc của các cơ quan và vai trò trung gian của văn phòng nhiều lần. Nhưng rồi thỉnh thoảng chuyện than trách này cũng lại xảy ra. Chắc các cha trại trưởng vì quá thương con cái tỵ nạn của mình, muốn có trợ cấp ngay để giúp đỡ, nên khi sốt ruột đến đốc thúc văn phòng, làm những người ở đây cũng lên ruột luôn. Tôi tiếp tục hỏi Ngài:
 
-  Các cơ quan cứu trợ có đến gặp Cha bao giờ không ?
 
-  Nhiều lần rồi. Quan trọng nhất là lần đầu tiên. Trước khi quyết định mở văn phòng này, Cha mời một số cơ quan cứu trợ Công Giáo quốc tế đến Việt Nam để trình bày với họ về những nhu cầu cấp bách của người tỵ nạn cũng như những kế hoạch phát triển trong tương lai. Tạ ơn Chúa ! Tất cả đều đồng ý cam kết giúp đỡ. Nhờ vậy Cha mới dám tiến hành công việc cứu trợ phát triển to lớn này. Sau đó, mỗi lần chấp thuận trợ cấp những dự án lớn như khai hoang, làm đường, phụ cấp xây nhà cửa, đào giếng, xây trường học, nhà thờ…, họ đều cử người đến kiểm nhận xem thử mình có làm đúng như trong đơn xin không. Thông thường, họ báo cho Cha biết trước ngày họ đến Việt Nam, và muốn đi thăm trại nào, xem xét dự án nào… Mới đây, họ tỏ ý muốn đi thăm một trại ở Bình Tuy để xem dự án giúp tôn sắt lợp nhà cho người tỵ nạn tiến hành như thế nào. Cha liền cho người hỏi thăm, mới biết được tôn sắt đã đến trại từ lâu rồi, nhưng vì cha trại trưởng và ban điều hành trại bận nhiều công việc khác, nên chưa phát cho dân. May quá ! Cha lập tức gởi mấy thầy đại chủng viện Huế đang giúp Cha trong mùa hè, đến đó để giúp ban điều hành phân phát tôn sắt cho dân chúng làm mái nhà. Chỉ mấy tuần sau, mái nhà nào trong trại cũng được lợp tôn sáng chói. Nhân viên của cơ quan đứng ra bảo trợ chương trình này đến thăm trại và kiểm nhận dự án một cách hài lòng. Tôi hỏi tiếp Ngài:
 
-  Các phái đoàn quốc tế có đến đây thường xuyên không Cha?
 
-  Thật sự mỗi cơ quan một năm chỉ đến một vài lần thôi, nhưng chương trình cứu trợ này lại được nhiều cơ quan bảo trợ. Vì thế, tháng nào cũng có phái đoàn đến thăm khiến cho văn phòng bận rộn luôn. Thật ra, họ đến thường xuyên cũng là điều hay. Thứ nhất, để cha trại trưởng và ban điều hành trại cố gắng hoàn tất dự án đúng thời hạn. Thứ hai, văn phòng có dịp trực tiếp trình bày và giao cho cơ quan cứu trợ những dự án mới. Giải thích cho họ hiểu dự án nào nên dành ưu tiên…chỉ có một chuyện không hay, con biết chuyện gì không ?
 
-  Mệt và hao tài phải không Cha?
 
-  Ừ giỏi hè (thiệt)! Ông bà mình thường nói: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Cũng vậy, mỗi lần họ đến, mình cố gắng tiếp đãi họ chu đáo, lịch sự để tỏ lòng biết ơn những gì cơ quan đã duyệt cho, và đồng thời tiếp tục xin họ giúp đỡ những dự án sắp tới. Cha tuyệt đối không dẫn họ đến nhà hàng vì ở đó không phải là nơi thuận tiện để nói chuyện, hơn nữa ăn ở nhà hàng tốn kém hơn nhiều. Vì vậy, mỗi khi phải tiếp phái đoàn nhiều người, Cha làm “menu” rồi đặt nhà hàng đem đến dọn trong phòng khách. Trước đó, Cha cũng đã dò hỏi họ thích ăn món gì, và đặt món đó cho họ nên ai cũng hài lòng. Còn khi phái đoàn chỉ có một hai người, Cha nhớ các Sơ ở nhà chuẩn bị theo ý của mình. Thỉnh thoảnh cho họ ăn món Huế. Thật thuận tiện và ấm cúng thân tình. Công việc chung được tốt đẹp, nhưng Cha thì hao tài quá sức. Nhưng chi phí “ngoài lề” cho việc tiếp khách, ăn uống đâu có thể xin qua các dự án tài trợ được. Cũng như ngân khoản để điều hành văn phòng, trả tiền lương cho nhân viên, thư ký, không được các cơ quan cứu trợ này giúp cho. Họ cũng có lý khi nói rằng họ đã giúp các dự án rồi, còn chi phí việc điều hành phải tự thu xếp lấy vì đó là phần đóng góp về phía Giáo Hội Việt Nam của mình. Vậy cũng hay. Ít ra mình cũng có góp phần trong công việc chung này. Nhưng thực tế, Giáo Hội mình còn nghèo. Mỗi giáo phận đều gặp khó khăn về tài chánh. Có gì đâu mà góp với chia. Vì thế, Cha lại phải ngửa tay xin các ân nhân xa gần giúp đỡ.
 
Chúa luôn luôn quảng đại. Nhưng mình nhiều lúc cũng phải nhẫn nhục lắm. Có nhiều người trước khi giúp, hạch sách đủ lý do…Cha phải nghĩ tới việc chung và lợi ích cho người tỵ nạn để chịu đựng, chịu nhục và kiên nhẫn trả lời họ một cách từ tốn. Cha tiết kiệm chi tiêu của chung một phần cũng vì lý do đó. Tụi con gọi Cha là “Ông già hà tiện” cũng đúng. Cha luôn luôn tiết kiệm, không dám chi tiêu gì cho bản thân. Cố gắng sống tinh thần khó nghèo thật sự. Nhưng với người cần giúp đỡ, Cha luôn rộng rãi và không bao giờ vặn hỏi lý do trước khi giúp. Tụi con khi nhớ giúp ai điều, phải hết sức bác ái, để người thụ ân tha thứ cho con cái nhục họ chịu khi phải ngửa tay nhận của bố thí của con (ĐHV số 788). Thôi, để con về nghỉ. Ngày mai nhớ thức dậy đi lễ. Lễ vào lúc 5 giờ, có các Sơ dọn đồ lễ rồi. Con khỏi lo.
 
Tôi bàng hoàng trở về phòng của mình. Tội nghiệp Cha quá! Người ta chỉ thấy bề ngoài Cha luôn vui vẻ, gần gũi. Chỉ thấy Cha luôn rộng rãi, quan tâm. Nhưng thật ra, nhiều lúc Cha cũng đã phải cắn răng chịu đựng nhiều nỗi đắng cay, phải hy sinh nhẫn nhục vì lợi ích của con cái, của Giáo Hội. Bài học về “cách cho và của cho” một lần nữa được Cha đề cập đến nhưng lần này được mở ra đến tận cùng. Phải cho một cách bác ái tế nhị để khỏi làm tổn thương thêm cái nhục của người thụ ân. Một ý tưởng thật mới mẻ và sâu sắc. Tôi đón nhận với tất cả tâm tình biết ơn. Đúng thật! Phải có một tấm lòng yêu thương cao cả, vô vị lợi, mới dám hy sinh chính mình một cách âm thầm vì lợi ích của người khác. Phải có một cái nhìn sâu sắc, mới có thể nhận ra khuôn mặt Chúa Kitô nơi người anh chị em đang gặp khốn khó, để biết cách giúp đỡ mà không làm họ phải đau xót tổn thương, và phẩm giá của họ được hoàn toàn tôn trọng.
 
Tôi nhớ lại những điều Ngài đã nhắn nhủ với tôi về việc bác ái và sau này được Ngài viết lại trong cuốn Đường Hy Vọng:

Có loại bác ái ồn ào: bác ái phóng thanh
Có loại bác ái kể công: bác ái ngân hàng
Có loại bác ái nuôi người: bác ái sở thú
Có loại bác ái khinh người: bác ái chủ nhân
Có loại bác ái theo ý (mình): bác ái độc tài
Có loại bác ái nhãn hiệu: bác ái giả hiệu (ĐHV số 756).

Bác ái chỉ đích thực khi người cho biết quên mình để tôn trọng phẩm giá của người thụ ân.

Tác giả: Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền HT63

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập510
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm508
  • Hôm nay69,646
  • Tháng hiện tại874,901
  • Tổng lượt truy cập58,160,770
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây