Hành Trình Vào Cõi U Minh Và Xán Lạn

Thứ hai - 09/03/2015 04:21

-

-
Một tia sáng, từ đâu đó lọt vào khoang cấm, tắm gội ngài bằng sự an bình và thắp sáng cho ngài niềm hoan hỷ, và ngài vẫn tiếp tục hát lên: Te Deum laudámus: te Dominum confitémur. Te ætérnum Patrem omnis terra venerátur.
HÀNH TRÌNH VÀO CÕI U MINH VÀ XÁN LẠN

 
Nguyên tác tiếng Anh:
JOURNEYS INTO DARKNESS AND LIGHT. By Andre Nguyen Van Chau (*)
 
Người dịch: Micae Hoàng Xuân Tịnh AN41
 
1. Biệt Giam
 
Tôi đã từng phỏng vấn vị Tổng Giám Mục cả trăm lần. Tôi đã từng trải qua nhiều ngày sống trong phòng khách nhỏ hẹp của căn hộ bề bộn của ngài, tại chung cư Palazzo San Callisto (một trong những tài sản ngoại thành của Tòa Thánh) ở Rôma. Chúng tôi đã bàn đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất của cuộc đời ngài, thế nhưng có những vùng xám chúng tôi đành phải bỏ lại cho hồi sau, mặc dù chúng có thể rất thiết yếu trong cuộc sống ngài. Những vùng xám đó ví như những khoảng trống trên một bức tranh sơn dầu phần lớn đã hoàn thành. Lần ngài đến thăm Geneva nơi tôi từng cư ngụ và sinh hoạt đã được xem như để lấp vào một trong những khoảng trống đó.
 
Đã ba ngày qua những cụm hoa tử đinh hương đầu tiên đang nở rộ. Lúc này bầu không khí của toàn công viên Parc de la Grange đang tràn ngập mùi hương ngào ngạt của cả ngàn chòm cây phơn phớt màu xanh nhạt. Khách nhàn du vẫn còn cảm thấy ngần ngại nếu chỉ mặc chiếc sơ mi mà nhoài người xuống trên thảm cỏ, vì rằng mùa đông chưa lùi bước hẳn tại Geneva; dù vậy ánh mặt trời non nớt cơ hồ đã làm được việc xua tan làn khí còn sót lại của cơn gió lạnh.
 
Chúng tôi vẫn với chiếc sơ mi và cứ thế mà nằm trên cỏ. Vốn thích điều bình dị, nên việc soải người trên thảm cỏ thế này có vẻ là điều thú vị đối với người bạn của tôi, Đức Tổng Giám mục. Ngài cực kỳ hứng thú được thoát ra ngoài, sống giữa không trung, trong công viên, với những người khách lạ, trẻ có già có, đang tản bộ đó đây chung quanh chúng tôi.
 
Chúng tôi nhìn lên bầu trời không gợn một áng mây. Ở một khoảng cách, từ đàng xa của công viên đang vẳng lại tiếng rì rầm của những chú chim câu thấp thoáng. Bên ngoài hàng rào của công viên, tiếng xe cộ lưu thông cuối tuần đã trở nên mơ hồ và hư ảo.
 
Vẫn với giọng nói đều đều quen thuộc, ngài tiếp tục tâm sự: "Lúc đó người ta nhốt mình vào khoang biệt giam gần bốn năm trời. Từng chút, từng chút một, sự sống cứ cạn dần khỏi cơ thể và tâm trí mình. Thời gian ngừng trôi và những khoảnh khắc biến thành vô tận. Mình tiếc nhớ cái âm thanh giọng nói của con người. Nhớ đến nỗi về đêm có những lúc nằm mơ thấy mình bị lăng nhục và chửi bới, bị chà đạp và trù dập, bị đòn roi và văng tục; thế mà, ôi thôi, sáng ra thức giấc lại cảm thấy hạnh phúc … hạnh phúc dài dài, và ước gì cái giấc mộng đó được trở lại đều đều.
 
Ngài ngừng lại và quay qua nói với tôi: "Ước gì Châu đừng bao giờ phải trải nghiệm để thấy cái sự cô độc nó thật sự như thế nào."
 
Biết bao lần ngài nói với tôi về những ngày tháng ngài phải sống với những tù nhân khác chung quanh ngài. Có một số những người bạn tù được phóng thích sớm và đã kể lại cho tôi những giai thoại của thời gian họ cùng sống với ngài. Tất cả họ đều nói với tôi rằng trong các bữa ăn, ngài luôn luôn chia sẻ phần lớn phần ăn của ngài cho kẻ khác và rằng ngài đã luôn luôn tự nguyện gánh vác hầu hết những việc nặng nhọc, những công việc hạ tiện, như chùi rửa nhà cầu, khiêng những thùng phân người đi rất xa. Họ kể cho tôi về chuyện ngài chịu đựng bất cứ những trận mắng chửi và hành hung nào bởi những người cai tù, với một sự bình thản và khiêm tốn.
 
Xem ra những ngày cùng sống với các tù nhân khác đối với ngài là những chuỗi ngày hạnh phúc so với những tháng dài không mặt mũi và không tiếng nói của loài người.

Ngài tiếp tục câu chuyện của ngài mà tôi không cần phải ghi chép vì biết rằng mình không thể nào quên được từng lời, từng lời một, những gì mà ngài nói ra.
 
"Châu chịu làm người viết tiểu sử của mình hí!" Ôi, tôi còn nhớ, và tôi ân hận không biết tại sao mình đã điên dại chấp nhận lời yêu cầu của ngài trong một đêm gió lộng trên bờ biển gần Rôma! Đâu đó ở Anzio? hoặc là Sperlonga, hay Fregene? Mặc dù tôi đã kịch liệt chống lại cái ân huệ đó; nhưng cuối cùng cũng phải đành chào thua sự khẩn khoản của ngài. Ngài từng là bạn của tôi và tôi sẽ không do dự một mảy may nào để trở thành người viết tiểu sử của ngài, nếu đó là những dòng tường thuật được giới hạn trong cuộc đời ngài, gia đình ngài, trong quỹ đạo từ lúc ngài còn là một Cha Xứ, đến Giám Mục, rồi Phó Tổng Giám Mục, và mười ba năm dài tù đày của ngài. Nhưng làm sao một người nào đó có thể viết lên tiểu sử của ngài mà không đào sâu vào linh đạo của ngài?
 
Tôi hoảng sợ đến chết người khi phải đụng chạm đến khía cạnh đó của cuộc đời ngài. Trên thực tế ta không thể xử lý tiểu sử của bản thân ngài mà bỏ qua được sư liên hệ của ngài với Thiên Chúa, vì rằng đối với ngài, linh đạo còn quan trọng hơn cả cuộc sống mình. Thế nhưng, làm thế nào để một người trần tục như tôi có thể chạm tay vào lĩnh vực đó của ngài? Ngài từng nói một cách quyết liệt rằng: "Nhà ngươi hoàn toàn có thể viết được linh đạo của ta vì nhà ngươi là Cha Giải Tội của ta". Vâng, ngài nói thế đó, nhưng tôi không thể nào là một Cha Giải Tội được, vì dù có mở to mắt đến đâu, tôi cũng chỉ thoáng nhìn được một tí chút trong tận cùng đáy sâu của tâm hồn ngài.
 
Ngài nói: "Mình biết, mình biết … Châu cũng đã từng chịu khổ. Nhưng mình bị nhốt trong một khoang xà-lim lớn vỏn vẹn chưa đầy một mét vuông, không cửa sổ, không đèn đuốc, không có giường, không bàn, không ghế. Trong xà-lim chỉ có một tấm chiếu cũ, một chiếc mền ẩm ướt mốc meo và môt cái gối bằng cây. Một cánh cửa lem luốc được mở hai lần một ngày hướng ra một hành lang để mình được sử dụng nhà vệ sinh ở cuối hành lang. Mình không thấy được ai là người mở và đóng cửa. Mỗi ngày một lần, thức ăn được đựng trong một chiếc đĩa bằng thiếc và được đẩy vào xà-lim; nó được chuồi vào xuyên qua thanh gỗ bên dưới cánh cửa. Một khi chiếc đĩa được lọt vào xà-lim là thanh gỗ được sập trở lại tại chỗ. Dĩ nhiên, cùng một thể thức ấy được tái diễn khi mình ăn xong: Một chiếc khay trống được chuồi vào, và lại được rút ra với chiếc đĩa trống của mình bên trên."
 
"Mình phát hiện được một kẻ hở bên dưới cánh cửa ngay ngày đầu tiên mình bị nhốt vào xà-lim: Người mình ướt đẫm mồ hôi ngay sau vài tiếng trong xà-lim hâm nóng, nhỏ hẹp, vào lúc giữa mùa hè, và mình cơ hồ không thở được. Thế rồi mình khám phá ra một tia nhỏ của một luồng sáng vàng vọt le lói bên dưới cánh cửa. Mình áp mạnh mặt xuống giữa khoảng sàn nhà sần sùi và vết nứt nẻ dưới cánh cửa, và như thế mình có thể thở được. Vết nứt bé nhỏ đó vẫn không đủ rộng cho phép mình được nhìn thấy những gì bên ngoài xà-lim. Mặc dù thế nó cũng giúp mình phân biệt được ngày và đêm: luồng sáng có màu vàng ban đêm vì nó đến từ một ngọn đền dầu hỏa, và nó lại sáng hơn một chút vào ban ngày khi mặt trời ló dạng. Nó cũng lôi cuốn được một số ít loài côn trùng nhỏ."
 
Tôi đã biết ngài đang lúc bụng đói, và biết rằng ngài đã phải làm gì với những vị khách bé nhỏ này, nhưng tôi dứt khoát không muốn ngài nói cho mình hay bao nhiêu chú dán và bao nhiêu chú dế mà ngài đã tiêu thụ tươi sống trong những ngày khốn khổ đó.
 
Tôi ngắt ngang ngài và nhắc ngài rằng: "Thế thì, thưa Đức Tổng, Cha nói là sự sống đã cạn dần khỏi cơ thể và tâm trí Cha; vậy con muốn nghe thêm cuối cùng tâm trí Cha sụp đổ như thế nào."
 
Ngài cau mày, có vẻ như khó chịu về sự thiếu nhẫn nại của tôi. Ngài giữ tư thế yên lặng một hồi lâu, rồi chọn lựa ngôn từ một cách thận trọng, ngài nói: "Chuyện xảy ra vào năm thứ ba của thời gian biệt giam. Đêm nọ, mình quỳ gối đọc kinh chiều như thường lệ. Bỗng nhiên, bầu trời sụp xuống và thế giới quay cuồng, quay cuồng và quay cuồng. Mình không còn nhớ được một câu kinh nào nữa."
 
Tôi hỏi: "Đức Tổng có mất trí nhớ liền một khi không?"
 
Ngài lắc đầu lia lịa: “Châu cũng biết mình có một trí nhớ tốt ngay hồi còn bé. Người ta bảo mình có một trí nhớ nhãn tiền (=trực quan: thấy lại sự việc như hiện tại trước mắt [ND]). Trong nhà tù tất cả chúng tôi đều biết mình cần nuôi dưỡng trí nhớ để sống còn vì mỗi ngày chúng tôi phải viết một bản tự khai. Chúng tôi phải nhớ từng chữ mà chúng tôi đã viết lần đầu tiên. Nếu bất cứ một tờ khai nào kế tiếp mà chúng tôi thay đổi một chữ, chỉ một chữ thôi, thế là họ nghi ngờ sự thành thật của chúng tôi và chất vấn chúng tôi cho đến lúc ngã gục. Không, chúng tôi đã tự luyện để nhớ. Trí nhớ là tấm ván cứu tinh vậy.
 
Thế nhưng đó là chuyện xảy ra từ lâu rồi, trước cái giai thoại mà mình kể ra đây. Không ai hỏi han gì, không ai chất vấn mình gì nữa trong suốt hai năm trường. Cảnh tăm tối xâm nhập vào tâm trí mình từng ly từng tý một. Nỗi cô đơn và sự ẩm ướt của xà-lim ngấm ngầm vào tâm hồn mình. Không bao lâu sự tăm tối trong người mình xóa nhòa những niềm vui mà mình đã nhận được trên đời, những nụ cười mà mình đã chiêm ngắm, những vẻ đẹp của thiên nhiên mà mình đã thưởng thức, và chỉ để lại trong người mình sự đay nghiến và bất mãn chính mình."
 
Thấy ngài rùng mình, tôi quẳng lên người ngài chiếc khăn quàng dài màu xám mà ngài đã cởi ra từ trước. Cạnh tiếng lao xao của xe cộ bên sau tường rào của công viên, tôi nghe rõ âm thanh của giòng nước hồ Leman chạy vào bờ, đang vỗ vào những mỏm đá đen ngòm.
 
Ngài thở dài: "Lúc đó thế giới nội tâm mình bị nhạt nhòa, giống như những gương mặt, những hoa lá cây cối trong một bức hình cũ. Mọi sự vật đều bị xóa mờ, càng lúc càng nhanh, cho đến lúc toàn bộ đều tan biến. Mình cố gắng chống chọi trở lại. Mình đã tập trung vào chi tiết của một vài ký ức và cười khúc khích cứ mỗi lúc mình thu lượm được một nắm thắng lợi nho nhỏ chống lại sự quên lãng.
 
Thế nhưng mình thấy rằng mình đang thua trận. Sự lãng quên ngày này qua ngày khác càng lớn dần trong trí mình, lãng vãng trên người mình. Thế rồi, đêm đó mình nhận ra sự thất bại đã toàn thành và rằng "họ" sẽ sớm phát giác ra là mình đã mất trí hẳn. Thế rồi ngay cái cảm giác ghê rợn đó cũng tan biến luôn."
 
Ngài chìm đắm trong sự im lặng. Người ta bảo tôi rằng sau một thời gian kéo dài trong cảnh biệt giam dù một người khép kín bao nhiêu cũng trở thành người già lời. Thế nhưng ở đây không phải là minh chứng cho phát biểu ấy. Ngài vẫn vốn là con người ít nói. Dù rằng ngài ở trong vai trò phải đọc cho tôi viết về đời ngài, ngài vẫn không phải là người đa ngôn. Có lúc ngài ngồi trầm ngâm hằng giờ, phung phí thời gian quý giá, như lúc tôi phải bay từ phía Nam lên Rome, hay ngài phải bay ngược từ Bắc xuống Geneva để chúng tôi có được cơ hội gặp gỡ dù chỉ là trong một khoảnh khắc ngắn ngủi.
 
Ngài rùng mình khi ném cái nhìn về phía tôi. Và tôi cảm giác được sự kinh hoàng đương quấn lấy và kéo lôi ngài từng bước từng bước xuống đáy của địa ngục.

Tôi nhắc khéo: "Cha đã thoát ra khỏi chỗ đó, vẫn còn sống, thưa Đức Tổng!"

Ngài nhắm mắt lại, xua đuổi sự sợ hãi của mình và nói: "Phải, mình đã sống sót, hãy để cho mình kể anh nghe thế nào và tại sao… Sự bất tỉnh quả là một ân phước! Không, mình nằm sóng soài trên chiếc chiếu và ý thức rõ ràng mình đang bị bao bọc bằng một bức tường thinh không, trong đó ngay tiếng đập của nhịp tim cũng biến mất. Mình nhận ra rằng mình đang ở trong địa ngục và địa ngục đó là sự vắng bóng của tất cả. Như đã nói, mình nằm dài trên chiếc chiếu không biết là bao lâu. Nhưng đột nhiên một thứ giọng ngọng nghịu phát ra từ cổ họng mình: "Eloi, Eloi, lema sabachtani!" Mình hổn hển: "Cái gì thế? Tôi đã làm gì? Tôi đã hóa điên thật sự rồi sao? Thế này là nghĩa thế nào?"
 
Từng tí từng tí một, mình nghe tiếng vi vu của đầu não mình đang hoạt đông trở lại. Vâng, mình hiểu ý nghĩa của tiếng gào: Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa, tại sao Chúa bỏ con? Đó là những lời Chúa Giêsu đã thốt ra trong cơn hấp hối, lúc Ngài đang chết dần trên thập tự. Máu, máu nóng đang trào vào não bộ của mình, tiếng lùng bùng bắt đầu đập hai bên màng tai. Đầu óc mình cơ hồ muốn nổ tung. Thế nhưng sự kinh hoàng thoát chốc biến mất, địa ngục biến mất, sự trống vắng tiêu tan. Mình nhớ lại mồn một Thánh Vịnh 22, nhớ mãi nó và nhớ nó mãi trở lại trong trí mình trong suốt những ngày lao lung mãi đến tận bây giờ. Không, đó không phải là tiếng kêu tuyệt vọng. Đó là một thánh vịnh tuyệt đẹp được kết thúc rằng: Con cháu hậu duệ sẽ phục vụ Ngài; thế hệ tương lai sẽ nói về Đức Chúa, và sẽ tuyên xưng ơn cứu độ của Ngài ngay cả đối với những người chưa được sinh ra, vì rằng Ngài cũng đã cứu chuộc họ!"
 
Giọng nói ngài lê thê và tôi nhìn ra phía khác. Rất nhiều cánh hải âu đang lượn vòng một cách vô vọng trên công viên vắng bóng những con cá dù nhỏ nhoi nhất và những mảnh bánh mì dù vụn vặt nhất.
 
Ngài hắng giọng và nói: "Mình còn chưa tin được là sự phục hồi trí nhớ của mình là sự thật. Mình cảm thấy ngoài Thánh Vịnh 22, một màn sương dày đặc vẫn còn bao phủ tất cả những kinh nguyện mà mình học được từ tấm bé. Nhưng rồi từ chính giữa màn sương bỗng phát ra tiếng "Eva". "Eva"! Mình ngạc nhiên không hiểu tại sao lại "Eva", thế rồi một ít mảng sương tan đi và mình nghe chính tiếng mình thốt ra "Ave". Toàn thân mình run rẩy và, vừa khóc vừa quỳ lên, mình đọc luôn một mạch ba kinh Kính Mừng. Với giòng lệ tuôn trào xuống trên hai gò má hốc hác, niềm vui trong người mình bừng lên và mình đứng bật dậy, say sưa với ý niệm của một chiến công, mình hát to lên chỉ một bài ca chiến thắng mà mình còn thuộc, bài Te Deum".

Chúng tôi nhìn nhau và cười một hồi. Vâng, hai chúng tôi đều nhớ lại trong ít lần chúng tôi đã từng hát kinh Te Deum thế nào và làm rung chuyển cả kính màu cửa sổ trong nhà nguyện của Chủng Viện.
 
Bây giờ thì gương mặt của ngài sáng hẳn lên như hồi còn trẻ. Ngài nói: "Mình hát cho đến khi người canh tù đến và bảo mình đừng hát lớn như vậy. Mình biết rằng họ nhận ra mình không bao giờ bị đánh bại và hủy diệt được. Ngày hôm sau họ tạm thời liệng mình vào một phòng lớn với khoảng năm chục tù nhân khác. Thế nhưng những ngày dài biệt giam của mình cũng chưa kết thúc. Bởi lẽ sau vài ngày họ lại dẫn mình đến một xà-lim hẹp khác. Nhưng lần này mình không còn khiếp sợ. Vài ngày sống với các nội tù khác đã hàn gắn lại tinh thần mình. Mình ghi nhớ tiếng nói họ, gương mặt họ, những ưu tư và tiếng cười của họ. Mình ghi chặt những nỗi niềm trân quý đó trong lòng. Những ký ức này sẽ ở lại với mình trong một thời gian khá lâu dài. Mình không còn sợ sệt vì rằng nếu có chăng một hình phạt biệt giam khác cũng không còn nghĩa lý gì đối với mình nữa.
 
Ngài quay qua hỏi như muốn thách đố tôi: "Phải chăng đó hẳn là một kỳ tích?"
 
Năm năm sau, khi cuốn tiểu sử ngài, Kỳ Tích của Hy Vọng, mà tôi viết và ấn hành xong, ngài qua đời do một loại ung thư, kết quả của đôi cuộc phẫu thuật bừa bãi trong thời gian mười ba năm tại tù. Ngài chết đi trong năm ngài được tấn phong Hồng Y. Trong lúc Giáo Hội gọi ngài là Tôi Tá Chúa và đang khởi hành một tiến trình phong chân phước lâu dài, hình ảnh của khoảnh khắc tuyệt vọng trong khoang xà-lim hẹp được ngài tiết lộ không còn gây đau đớn cho tôi. Một tia sáng, từ đâu đó lọt vào khoang cấm, tắm gội ngài bằng sự an bình và thắp sáng cho ngài niềm hoan hỷ, và ngài vẫn tiếp tục hát lên:
 
Te Deum laudámus: te Dominum confitémur.
Te ætérnum Patrem omnis terra venerátur.
 
(Ngài Thượng Đế phàm nhân ca tụng,
Ngài Đức Chúa thần chúng tuyên dương
Ngài là Thánh Phụ Thiên Đường,
Trái đất toàn cõi khôn lường phụng tôn.) [ND]
 
Và trong tâm trí tôi những khuông cửa sổ kính màu trong nhà nguyện của Chủng viện chúng tôi vẫn còn rung động.

------------------------------------------

(*) André Nguyễn Văn Châu
cựu chủng sinh Huế AN47, tiến sĩ Khoa học Nhân văn (Docteur en Sciences humaines) tại Đại học Sorbonne, nguyên giáo sư Đại học Sư Phạm Huế và Đại học Sư phạm Sàigòn trước năm 1975.

Tác giả: André Nguyễn Văn Châu

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Chú ý: Được đăng lại bài viết, nhưng vui lòng ghi rõ nguồn "Gia đình Cựu Chủng sinh Huế" và link đến bài viết trên trang này.

Tổng số điểm của bài viết là: 30 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập760
  • Hôm nay99,047
  • Tháng hiện tại1,011,311
  • Tổng lượt truy cập57,112,948
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây