Ai đó nói rằng “Cuộc đời là những chuyến đi”. Nhưng đi về đâu?! Và để làm gì?! Những văn nhân thi sĩ có tâm hồn phóng khoáng thường ví mình như những kẻ lãng du trong đời; nghĩa là những người thong dong rong chơi đây đó không mục đích. Tôi không thích kiểu đi như thế, bởi đơn giản là “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” (TCS). Có lẽ do tôi đã già chăng?!... Vợ tôi thì bảo ““Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Đi ra ngoài cho nó mở mang trí óc, ông mà cứ loanh quanh trong nhà hoài thì có ngày bị tự kỷ cho mà coi”. Vợ chồng tôi khác ý về chuyện “đi đây đi đó”…
Đề cập chuyện “một cõi đi về” là vì lớp Hoan Thiện Sáu Bảy chúng tôi sắp thực hiện một chuyến đi về Miền Tây Nam Bộ. Đây là một chuyến đi lớn; về qui mô và về ý nghĩa. Lớn về qui mô vì đoàn có số thành viên tham dự lên đến trên dưới 70 người, với ‘tour’ 3 ngày mà BTC lên chương trình dày đặc sít sao để có thể được tham quan nhiều danh thắng của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Lớn về ý nghĩa vì, tôi nghĩ, không chỉ đơn thuần là thăm thú cảnh quang sông nước (bởi anh em đã có nhiều người từng “du lịch” về đây, thậm chí nhiều lần rồi), mà còn hướng tới một mục đích tốt lành quý giá hơn nhiều. Đó là để nuôi dưỡng tình huynh đệ GĐ HT67, nhằm nâng đỡ nhau sống tinh thần Tin Mừng và cho “Danh Cha cả sáng”. Tôi gọi chuyến Tây du mừng Bổn mạng HT67 nầy là "chuyến đi hướng về cõi vô cùng”…
Chúng ta đang ở trong Mùa Vọng; mùa đợi trông ngày Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang để đem mọi người về cõi phúc trường sinh. Vì thế, đời sống trần thế của con người là để chuẩn bị cho ngày đó. Nói cách khác, cái hữu hạn đang hướng về cõi vô cùng. Giáo hội lữ hành là giáo hội hướng về thiên quốc. Những “chuyến đi” trong đời là những chuyến đi hướng về cõi vô cùng.
Thực ra, khi Thiên Chúa tạo dựng con người “giống hình ảnh Ngài”, rồi “thổi hơi” vào những “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi” thì Ngài đã gieo mầm sự sống thánh thiêng vào cái xác thân hữu hạn đó. Và đến thời Tân Ước với biến cố Nhập Thể, Ngôi Hai Thiên Chúa đã công khai mạc khải mầu nhiệm “TC làm người để loài người được làm con Chúa”. Mầu nhiệm “Trời đất giao duyên”. ĐTC diễn giải “trời” và “đất” như sau: “…Chúng ta phản tỉnh về một chiều kích mang tính lưỡng diện của con người. Chiều kích này được diễn tả mang tính biểu tượng với từ ngữ “trời” và “đất”: đất tượng trưng cho hành trình của lịch sử, trời tượng trưng cho sự vĩnh cửu, sự viên mãn của đời sống nơi Thiên Chúa” (Kinh Truyền tin 1-11-2012). Chúa Giêsu đã đem mầu nhiệm Vô Cùng vào vũ trụ vật chất. Đồng thời, điều nầy cũng có nghĩa là Ngài trao cho con người trách nhiệm vun trồng tưới tẩm để “hạt giống vô cùng” (Tin Mừng) dần triển nở và sinh sôi hoa trái ngay trong cõi đời trần thế nầy. Tắt một lời, người Kitô hữu có sứ mạng sống, loan báo và làm chứng cho Tin Mừng Tình Thương. Tình Thương mà trong phạm vi trình bày của bài viết, chúng ta gọi là Tình Huynh Đệ Kitô giáo; Tình huynh đệ Cựu Chủng sinh Huế.
Trong phần dẫn nhập của Thông điệp Fratelli Tutti, sau khi cho biết chính thánh Phanxicô Assisi, vị thánh của tình huynh đệ, đã gợi hứng cho ngài viết thông điệp về “tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội” nầy. ĐTC Phanxicô nói “Thánh Phanxicô không dấy lên sự cãi vã nhằm áp đặt các giáo thuyết; ngài chỉ đơn giản làm lan tỏa tình yêu. Ngài hiểu rằng “Thiên Chúa là tình yêu và ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa”” (FT, 4). Rồi ngài nói lên mong ước của mình “Trong thời đại này của chúng ta, tôi ao ước rằng bằng cách nhìn nhận phẩm giá của mọi con người, chúng ta có thể góp phần phục sinh một cảm hứng phổ quát về tình huynh đệ… Không ai có thể một mình đối mặt với đời sống… Chúng ta cần một cộng đoàn nâng đỡ và trợ giúp mình, trong đó chúng ta có thể giúp nhau hướng nhìn về phía trước…” (FT,8). Tuy nhiên, ngài nhận định “một số xu hướng trong thế giới hiện nay đang làm bế tắc sự phát triển của tình huynh đệ đại đồng” (FT,9).
Thật vậy, chỉ cần nhìn quanh chúng ta đã thấy “những đám mây đen phủ che một thế giới đóng kín” (FT,9). Ví dụ, cuộc chiến tranh ở Ukraina; hay gần đây tin tặc Nga tấn công mạng lưới của Vatican; hoặc những xung đột cá nhân trong sinh hoạt thường ngày…
Trong thực tế, có một nghịch lý là trong khi thế giới ngày càng văn minh, thì có vẻ như xã hội ngày càng trở nên hỗn loạn hơn. Một số người dường như đánh mất cảm thức về đúng-sai, phải-trái, về công lý và nhân bản. Theo tôi, là do con người ta dễ có khuynh hướng tự quy; ích kỷ, tự kiêu, sân si, thiếu nhân bản và dần đánh mất nhân tính. Điển hình là chúng ta thấy tràn lan những cách hành xử côn đồ (nghĩa rộng), ở mọi nơi và mọi cấp độ. Từ nhà nước, phe đảng, xóm làng, đến đoàn thể, hội nhóm và ngay cả trong các cộng đoàn tôn giáo hay trong gia đình. Nó phổ biến đến độ người ta ngang nhiên thực hiện một hành vi côn đồ như thể đó là chuyện hết sức bình thường, thậm chí còn lấy làm đắc chí huênh hoang như thể đó là một chiến thắng vẻ vang, một việc làm phải lẽ.
Trở về với Thông điệp Fratelli Tutti, ĐTC nhận định “Tình huynh đệ được sinh ra không chỉ từ một bầu khí tôn trọng sự tự do của các cá nhân, hay ngay cả từ một sự bình đẳng nào đó được bảo đảm bởi bộ máy hành chánh. Tình huynh đệ nhất thiết đòi một điều gì đó lớn hơn, và điều này sẽ giúp củng cố cho tự do và bình đẳng. Điều gì sẽ xảy ra khi tình huynh đệ không được vun xới cách ý thức, … qua việc đối thoại, và qua sự nhìn nhận các giá trị của nhau và việc làm phong phú cho nhau? Tự do trở thành duy chỉ là một điều kiện để sống như mình muốn, hoàn toàn tự do để chọn thuộc về ai hay thuộc về cái gì, hay đơn giản là để chiếm hữu hoặc khai thác. Cách hiểu nông cạn này không liên quan mấy với tính phong phú của một sự tự do được định hướng trước hết để yêu thương” (FT,103). Ngài quả quyết “Chủ nghĩa cá nhân không giúp chúng ta có tự do, bình đẳng, và tình huynh đệ nhiều hơn.” (FT,105).
ĐTC nói “Tôi mời gọi mọi người đến với niềm hy vọng mới mẻ, …vì hy vọng nói với chúng ta về một nỗi khát khao, một cảm hứng, một mong ước đời sống viên mãn, một khát vọng đạt được những điều cao cả, những điều lấp đầy con tim chúng ta và nâng tinh thần chúng ta lên những thực tại cao thượng như chân, thiện, mỹ, công lý, và tình yêu… Vì thế, chúng ta hãy tiếp tục bước tới trên những nẻo đường hy vọng.” (FT,55)
Với lòng háo hức và vui mừng, các thành viên HT67 sắp sửa đặt những bước chân đầu tiên vào chuyến du lịch miền Tây với nhiều danh lam thắng cảnh của vùng sông nước. Sắp sửa được thưởng thức những món ăn hải sản độc đáo của vùng cực Nam tổ quốc. Sắp sửa được gặp gỡ những con người lao động dân dã, vui tươi, chân thành và hiếu khách. Sắp sửa được hiệp dâng Thánh lễ Bổn mạng tại các nhà thờ thánh thiêng của vùng truyền giáo. Và, như thế, Lớp HT67 cũng sắp sửa đặt chân vào “một chuyến đi hướng về cõi vô cùng”…
Chuyến đi nầy thật ra đã được ấp ủ từ lâu, 2 năm về trước, với tâm nguyện của nhiều anh em. Con người là “kỳ quan” xinh đẹp nhất! Vậy trước khi thăm thú các cảnh đẹp thiên nhiên, chúng ta hãy chiêm ngắm và cảm ơn những con người đã tích cực xây dựng và nuôi dưỡng tình huynh đệ HT67, theo cách nầy các anh chị như đã cố gắng từng ngày vun trồng hạt giống Tin Mừng, –“hạt giống vô cùng” của Giáo hội lữ hành.
Xin chân thành cảm ơn các anh trong BTC đã bỏ công sức đi tiền trạm và lên chương trình cụ thể cách hợp lý và rất ý nghĩa cho chuyến tham quan kết hợp mừng Lễ Bổn mạng HT67. Xin cảm ơn Quý cha đã sắp đặt nội dung và soạn bài giảng các thánh lễ trong chuyến đi. Xin cám ơn các bạn ở nơi xa đã hướng về để hiệp thông bằng lời cầu nguyện và những nâng đỡ vật chất. Xin cám ơn Quý cha khách và anh chị em HT67, có những người từ xa về, đã tích cực tham gia chuyến đi huynh đệ.
Cuối cùng, xin cảm ơn nhà tài trợ chuyến đi; chuyến đi càng lớn, chi phí càng cao. Có lẽ chúng ta không cần suy nghĩ nhiều về chữ “vô cùng”, với tôi, cách tượng hình, đơn giản là thế nầy: chai dung tích 1 lít thì chỉ đựng được 1 lít; thùng phuy dung tích 100 lít thì đựng được 100 lít; còn “dung lượng vô cùng" thì đựng được tất thảy, bao nhiêu cũng được. Cảm ơn lòng rộng lượng và sự hào phóng của bạn VQH. Bạn ấy đang vun trồng tình huynh đệ HT67, như là một nỗ lực hướng về cõi vô cùng!...
Nào, với tình huynh đệ GĐ HT67, giờ đây chúng ta hãy vác ba-lô lên đường thôi! Hãy vui tươi dấn bước vào “chuyến đi hướng về cõi vô cùng”!...
----------------------------
+ Mời đọc Thông điệp Fratelli Tutti ở đường link bên dưới (bản dịch của cha Giuse Lê Công Đức, pss):
Lê Xuân Hảo HT67