“Hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48). Cha Phao-lô đã chọn con đường nên thánh, nên trọn lành bằng nỗ lực sống tận cùng mối phúc nghèo khó, “Phúc cho ai nghèo khó vì Nước trời là của họ”.
NHỮNG CHUYỆN NGHE KỂ - KÝ ỨC - CẢM NHẬN VỀ CHA PHAOLÔ TRỌNG, NGƯỜI BẠN THÂN CỦA CHÚNG TÔI
1. Ông Cha đạo cắt băng khánh thành ngôi chùa Phật giáo: Sáng sớm 7.2.2023 khoảng 5g40, từ An vân về và từ nhà nghỉ Huy Hoàng đi ra, chưa thấy hàng quán nào mở, chỉ thấy một xe bánh mì gần đó đang dọn ra, chúng tôi Bường và Cần (một thời là đồng môn, đồng bàn, đồng mộng bây giờ là dị rồi của Cha Phao-lô), là khách mở hàng. Ngồi nhai khúc bánh mì và được tiếp chuyện với một anh trung niên, thuộc nhóm Chiến sĩ Chúa Ki-tô - Miles Christi (CSCKT), do cha Trọng thành lập, sáng 6.02 anh đã khiêng quan tài Cha lúc di quan lên xe tang. Anh cho biết thường vào ở với Cha Trọng (Cha T) tại họ đạo Nước Ngọt nơi Cha làm quản xứ sau khi rời Phủ Cam.
Chuyện anh kể rằng, có một bà Việt kiều Úc đến gặp Cha và nhờ Cha giới thiệu một nhà sư nào đó khả tín để bà dâng cúng tiền xây một ngôi chùa trong vùng. Cha vốn chủ trương làm bạn với mọi người và thực thi việc đối thoại với tôn giáo bạn theo tinh thần Công Đồng Vatican II, nên khi vào xứ Nước Ngọt, Cha thường giao lưu, viếng thăm các ngôi chùa và nhà sư trong vùng. Cha nhận sự ủy thác của bà Việt kiều ngoại giáo và dễ dàng tìm đúng người, bà nầy cũng có đóng góp vào các chương trình của Cha. Khi đến ngày lễ lớn, ngày khánh thành ngôi chùa, Cha bất ngờ được vị sư trụ trì mời đến cùng cắt băng khánh thành.
Chuyện ông Cha cắt băng khánh thành ngôi chùa Phật giáo, một sự kiện hi hữu, dám chắc là độc nhất vô nhị, nhất là ở xứ Huế nầy từng là xảy ra những chuyện Công giáo bị Phật giáo kỳ thị gay gắt. Không biết có nơi nào xảy ra như vậy không?
Trong những ngày tang lễ tại Nhà Chung giáo phận, có nhóm Hướng Thiện PG Huế đến đảnh lễ phúng viếng cha Phaolo. Họ trìu mến gọi cha Trọng là Cha, là bạn của họ.
2. Ông Cha phát lộc vé số: Cũng anh CSCKT ấy kể rằng, vào ngày mồng 1 Tết có mấy bà hội Các Bà Mẹ Công Giáo đến chúc tết, cha T lì xì cho mấy tấm vé số. Lộc đầu năm đến, bốn bà trúng 4 lô độc đắc bèn cùng nhau mua tặng Cha một chiếc xe máy cáo cạnh chưa cắt chỉ. Tuy nhiên, chỉ mấy tháng sau chiếc xe được hóa giá thành tiền giấy để phát cho người nghèo. Cha T trở lại làm bạn với chiếc xe đạp.
Anh em chúng tôi có lần góp tiền gởi ra để ngài mua xe máy. Nhưng rồi chẳng thấy xe đâu!
3. Một linh mục dành nhiều thời giờ để đọc sách: Chuyện nghe kể trong bài giảng lễ cầu hồn chiều Chúa nhật 06.02 tại nhà quàng của Nhà Chung Huế. Cha Hiếu Trung lúc còn là thầy giúp xứ Nước Ngọt, cha ở với Cha, thầy thường được Cha gởi mua sách báo khi thầy có việc ra thành phố Huế. Cha thường xuyên đọc các sách tiếng Pháp về thần học, tu đức, nên tư tưởng cập nhật với thời đại và tầm nhìn về Giáo hội đáng nể trọng. Cha thích đọc các tác phẩm văn học, nghệ thuật nên không bị hụt hửng kiến thức khi trao đổi, nói chuyện với giới nầy, và có vốn liếng tri thức để sống và làm việc.
4. Một mục tử có lòng khoan dung, biết cảm thông: Cha Hiếu Trung kể rằng, có lần các sơ dọn bài đọc và lời nguyện tín hữu cho Chúa nhật TN IV mà đúng ra là TN III. Đọc xong 2 bài đọc, Cha đọc tiếp bài Phúc Âm và giảng theo đề tài các bài đọc. Lễ xong các sơ và thầy xứ sợ xanh mặt, xin lỗi Cha rối rít. Cha T nói không sao, và còn tếu táo là cám ơn các sơ, tuần sau Cha khỏi mất công soạn bài giảng vì đã soạn rồi. Đúng là người ta biết sai rồi thì la rầy làm chi cho khổ họ. Bình thường, Cha hay khoan dung độ lượng như vậy.
5. Một mục tử nghèo vì người nghèo và có đầu óc tổ chức làm việc bác ái xã hội: Các Cha kể khi đức Tổng mở tờ di chúc của cha Trọng, chỉ thấy toàn là trả lời KHÔNG sau những câu hỏi về tài sản, tức là không có chi để trối lại hết. Đức Tổng xem đây là một điểm son.
Ông bạn đi với tôi chuyến nầy kể có lần vào thăm cha T tại nhà xứ Phủ Cam lúc 9 giờ đêm. Ông bọ đem ra 2 lon bia mà không có đá, ông đòi đi mua đá thì Cha không cho đi, Cha nói khuya rồi đi chi cho cực ông mà ông cực thì người uống chẳng vui gì. Trong lúc nói chuyện, ông bọ thừa lúc Cha ra ngoài bèn nhờ ông bạn đề nghị Cha cho mua tủ lạnh để trữ đồ ăn không thì hư hết. Ông bạn nói lại nhưng cha T bác ngay: không có chỗ cất thì đem cho người nghèo, khỏi mua tủ lạnh tủ nóng gì hết. Ngày mai để ngày mai lo. Bó tay. com!
Nhóm CSCKT ngoài việc giữ trật tự trong các dịp lễ lạc, còn có công tác xây sửa nhà cửa cho người nghèo. Nhóm Lên Đường lo hòm, quan tài cho những người quá nghèo có nhu cầu chôn cất người thân qua đời. Chúng tôi có dịp thấy kho hàng của ngài. Cha T huy động lòng hảo tâm của nhiều người để luôn có đủ hòm.
Khi ở Phủ Cam, vào thời kỳ đất nước còn khó khăn, Cha T xin nhiều ân nhân tài trợ để mua những chiếc xe xích-lô, tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên.
Ngoài chuyện lo công ăn việc làm, cha T còn quan tâm đến vệ sinh, sức khỏe cho người lương cũng như giáo. Khi vào Nước Ngọt, thấy các hộ gia đình không có nhà vệ sinh. Vườn rộng, người dân xưa nay ra sau vườn để giải quyết chuyện ấy và những con chó thường chạy theo đứng quanh đó, chờ chực, rồi xảy ra mất đoàn kết nội bộ (làm cha T bỏ thói ăn thịt chó luôn). Cha T quyết làm cho dân bỏ thói quen mất vệ sinh đó bằng cách làm sao cho mỗi hộ xây được một nhà vệ sinh 2 hố. Sau nhiều tháng vận động, nhiều nhà hảo tâm đã góp phần hoàn thành chương trình nhà vệ sinh của giáo xứ Nước Ngọt. Ông Cha nầy không chỉ lo chuyện giảng đạo mà đủ thứ chuyện dân sinh.
6. Người có nhiều kỹ năng: Thời niên thiếu, cha T là cầu thủ tiền đạo của đội bóng đá Hoan Thiện. Khi gặp đội An Phong (Đệ tử viện An Phong Dòng Chúa Cứu Thế Huế), đội trường Thiên Hựu, đội Pellerin, đội bạn bảo nhau “coi chừng tay cán vá, kèm kỹ” (Trọng miềng có tay cán vá từ nhỏ). Là kịch sĩ hài trên sân khấu, rất có khiếu hài hước, chọc cười anh em. Vai diễn hài miềng còn nhớ mãi là ông Ninh là chú Trọng, ông Nang là chú Công. Trọng miềng có biệt danh tức cười từ những ngày còn ngồi với nhau trên ghế nhà trường là Trọng ngựa; còn được gọi là cha Trọng bò khi giữ bò ở Ngọc Hồ.
Máu hài nầy cũng xuất hiện trong đời thường của một cha xứ. Có anh thanh niên hút thuốc ngoài sân nhà thờ khi đang bài giảng lễ. Đi tới từ phía sau, cha T nói thuốc thơm mắc tiền lắm con, rít cho hết rồi vào dự lễ, bỏ uổng. Hay chuyện một anh đến xin tiền, cha T móc túi, mở hộc cũng không thấy tiền, bèn chìa chân nói còn cái quần tứ thời bát tiết nầy có bán được không?
7. Người có đầu óc tổ chúc – siêng năng việc mục vụ: Tới giáo xứ nào cha T thành lập, củng cố những hội đoàn, đoàn thể để mọi người trong giáo xứ đều có thể tham gia. Nhờ vậy giáo xứ trở nên sống động, như trong cơ thể con người các bộ phận hoạt động tốt thì con người khỏe mạnh. Miềng có đọc một bài trên ‘phây’ của một linh mục gốc Tân Mỹ khen ngợi cha T vể chuyện tổ chức các đoàn thể trong giáo xứ.
8. Thường người hoạt động hăng say, tổ chức nhiều sự kiện thì dễ sinh đụng chạm, làm lắm người thương mến ngưỡng mộ, nhưng cũng có kẻ ghét bỏ dèm pha. Đó cũng là thân phận, mẫu số chung của người mục tử linh mục trên bước đường theo Thầy Giê-su và không khác gì thầy mình. Nên không lạ gì khi đang làm quản xứ Phủ Cam thì xuất hiện bài Vè Cha Trọng với những điều dèm pha vô căn cứ. Đúng là hạt lúa mì phải chịu mục nát đi.
Giờ chết của Đức Giê-su được Ngài gọi là “Giờ con Người được tôn vinh”, người mục tử Phao-lô ước mong diễm phúc đó. Trên tòa giảng và râm ran khắp môi miệng những lời ca ngợi tôn vinh cha Phao-lô, và người tôi tớ trung tín, tận tụy đang chờ đón nhận phần thưởng từ Chủ mình.
9. Những ngày xưa thân ái và tình nghĩa đậm đà: Cuộc chiến 2 phe quốc-cộng vào mùa xuân năm Mậu Thân đưa đến tình trạng mất an ninh khắp nơi. Khổ thân chú Trọng đến ban tối phải từ Diên Sanh ra Quảng Trị lánh nạn, rồi sáng ra về lại Diên Sanh. Nhà tui và một vài nhà như Lê Thanh Minh, Nguyễn Danh ... là nơi chú Trọng trú đêm và trở nên thân thiết với gia đình chúng tôi.
Những năm cha T ở Phủ Cam, Nước Ngọt, Tân Mỹ, có những lần ra Huế chúng tôi có đến gặp gỡ. Cha T hay tạo cơ hội để chúng tôi tham gia những hoạt động bác ái xã hội của ngài. Có 2 kỷ vật cha T gởi tặng tôi còn giữ là cây kèn tù và bộ tuyển tập 4 cuốn có tiêu đề “20 năm tạp chí Sông Hương”. Cảm kích nhất đối với gia đình chúng tôi và không bao giờ quên là ngày cha chúng tôi qua đời 31.3.2016. Dù không có Ai tín gởi riêng, không mời các cha ở ngoài Saigon vì sợ làm phiền, chỉ đăng cáo phó trên ‘phây’, không biết có ai thông báo mà cha T tức tốc vào, dâng lễ đồng tế và đưa linh cửu cha chúng tôi ra nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Trước khi hạ huyệt, ngài có những lời cám ơn đầy tình nghĩa đến với cha mẹ chúng tôi.
Ngày mẹ chúng tôi qua đời 18.10.2004, mẹ được phúc có quý cha Nghiêm, Dụ, Nam, tình cờ đang ở SG, cũng như 2 người cháu từ Mỹ về du lịch Việt Nam, nhưng trong sự quan phòng yêu thương của Chúa thì không có gì là tình cờ, đến cầu nguyện dâng lễ từ hàng ghế dưới cung thánh.
Thánh lễ cuối cùng tại Nhà Chung lúc 10g tối Chúa nhât 05.02 chỉ qui tụ tang quyến và những bạn hữu thân tình gồm các cựu đồng môn: quý cha Nghiêm, Dụ, và quý anh Bường, Cần, A/c Quỳnh Phúc và Hào (em chị Phúc), chị Cuc Ho. Chúng tôi đặt tay lên quan tài như bắt tay tiễn biệt người bạn thân, tui nói thầm Ông Trọng ơi, ông đi trước đi, khoan kêu tụi tui đi theo nghe để còn ở lại cầu nguyện cho ông. Ông cầu nguyện để mai ngày gặp lại ông trên Thiên đàng. Tui cũng hát thầm trong miệng:
“Ce n'est qu'un au revoir, mes frères
Ce n'est qu'un au revoir
Oui, nous nous reverrons, mes frères,
Ce n'est qu'un au revoir ...”
Ý Chúa nhiệm mầu sắp xếp cho hai bạn thân Quỳnh Phúc từ Mỹ về Huế lúc 9g45 tối, kịp dự Thánh lễ, tuy vé đã đặt từ mấy tháng trước.
Không biết là việc ngẫu nhiên hay có can thiệp của cha T nhưng tui cảm nhận có tay bạn tôi nhúng vào. Sự việc là sáng thứ 3 mùng 7, lúc 4g sáng, chúng tôi lên taxi đi An Vân phúng điếu người chị họ mới qua đời và phải trở về sớm để kịp xe đưa ra phi trường Phú bài. Khi rời nhà nghỉ, chúng tôi quên báo giờ về nên chủ nhà mở cửa rồi vào tiếp tục ngủ. Lúc 5g15, chúng tôi về lại, bấm chuông cả chục lần, gọi điện thoại chỉ nghe ọ i è. Đợi gần 30’, sốt ruột quá, tôi bèn kêu cứu “Trọng ơi, ông làm ơn kêu chủ nhà giúp tui với không thì trễ máy bay mất, vé bay giờ 4 triệu đó, hết tiền rồi”. Rồi, chợt một ý tưởng lóe trong đầu là qua quán cafe bên kia đường hỏi có cách nào không. Cô tiếp tân bấm máy gọi trực tiếp ông chủ, mấy phút sau cửa nhà nghỉ mở. Chuyện bí giải quyết xong cái rẹt.
10. “Hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48). Cha Phao-lô đã chọn con đường nên thánh, nên trọn lành bằng nỗ lực sống tận cùng mối phúc nghèo khó, “Phúc cho ai nghèo khó vì Nước trời là của họ”. Tin Mừng có 8 mối phúc. Mỗi người đều có thể chọn cho mình con đường nên thánh, con đường đến với Chúa phù hợp hoàn cảnh, điều kiện và ơn gọi . Và những điểm sáng nơi cuộc đời cha Phao-lô có sức truyền cảm hứng cho những ai muốn nên trọn lành.
NHỮNG CHUYỆN NHƯ ĐÙA
1. Bị bắt vì tội trộm: Vào thời kỳ đất nước khó khăn, dân chúng phần đông cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thuốc men thiếu thốn, nhất là ở vùng kinh tế mới khó khăn đủ điều. Cha Trọng đang là phó xứ Phủ Cam và lo công tác mục vụ ở bệnh viện Huế.
Với một trái tim luôn thổn thức trước nỗi khổ của người đói khổ, bệnh tật, cha T thường xuyên ra bệnh viện thăm viếng, an ủi bệnh nhân và giải tội, xức dầu cho người công giáo.
Chiều hôm đó, cha T cũng ra bệnh viện như thường lệ và gặp một ông chừng 50 tuổi nhưng trông già quá 70 từ vùng A Lưới mới về nằm viện. Bị bệnh sốt rét rừng, mặt xanh xao, tay chân run lẩy bẩy, mặc phong phanh chiếc áo sơ mi cũ mỏng phô bày những cái sẹo bên trong như những hải đảo trên bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa; cái quần dài te tua chỉ còn là quần đùi. Thương cảm, cha T không ngần ngại cởi áo ấm khoác ngoài và chơi luôn quần dài giao cho người sốt rét mặc vào cho bớt run, chỉ còn lại áo mai-dô và quần tà lỏn trên người cha T. Rồi lên xe đạp, cố đạp nhanh về kẻo về khuya lạnh hơn. Nhưng chuyện không yên.
Đi một đoạn đường, bị công an chận lại, thấy khả nghi quá, chắc là tên ăn trộm từ bệnh viện ra. Ăn mặc như quân đầu đường xó chợ, có hộp tròn tròn màu vàng (hộp đựng Mình thánh) dấu trong người. C.A. hỏi đi từ đâu ra? Thưa từ bệnh viện. Hộp nầy ăn trộm của ai? Mi làm gì mà có cái hộp đẹp rứa? Khai mau. Thưa của tui, cha tui để lại cho tui. Hộp nầy đựng gì mà nhỏ tí vậy? Ú ớ, Thưa đựng thuốc bỗ trường sinh. Dầu gì đây? Thưa dầu xức cho khỏe lại.
Mi nói láo, về đồn, đi đi mau về đồn. Không thành thật khai báo thì cho mi đi cải tạo ngút mùa.
Đi thì đi không lẽ chạy trốn. Khai linh mục chúng không tin, ông cha ăn mặc gì kỳ thế cũng không dám khai hộp vàng đựng chi. Trên đường về tới cổng đồn, gặp một bà giáo dân Phủ Cam, cha T mừng húm, kêu tên bà và làm dấu cho biết mình bị bắt. Bà nầy cả tơi cả nón hốt hoảng vừa đi vừa chạy về Phủ Cam. Tới nơi, bà ra giữa đường la bai bãi cha Trọng bị C.A. bắt rồi. Một đám nam có nữ có tốc tả tới đồn C.A. xác nhận người thật, ông ấy là cha phó Phủ Cam. Nghe giải trình vụ việc, mấy anh C.A. lên tiếng: Chuyện thật như rứa hả. Thôi về đi.
Chuyện nầy dân Phủ Cam, nhiều người biết.
2. Cho luôn cái mùng: Hôm ấy, có cặp vợ chồng đến từ biệt Cha T, xin chúc lành trước khi lên đường đi lên vùng kinh tế mới. Cha T lục túi lục hộc, không còn chi để cho. Cha hỏi có mùng chưa. Thưa chỉ có một cái nhỏ mà bốn người nằm. Thôi Cha cho cái mùng. Cha T bèn lật đật tháo cái mùng đang mắc trên giường, xếp lại, trao cho họ. Chị vợ hỏi rứa thì mùng đâu Cha nằm, muỗi cắn sốt xuất huyết chết Cha ơi. Không mô, máu Cha hôi mùi thuốc lá muỗi chê lâu rồi. Anh chị lấy mùng mà treo mùng cho mấy đứa nhỏ, thịt nó thơm muỗi thích lắm.
3. Đừng cho cha Trọng áo quần xịn! Ông bạn tôi N. là bạn thân của gia đình cha T. kể lại có lần đến thăm chị Cung, chị cha T, anh bạn mang theo một gói áo quần và ngỏ ý muốn gởi biếu cha T áo ấm và mấy áo quần xịn do người thân trong gia đinh gởi từ Canada về. Chị Cung xua tay chối phắt, chị nói chị biết tính ông mà, đừng cho ông đồ áo quần tốt, ông í không mặc đâu, ông đem cho ai đâu. Uổng của thầy, thầy để mà mặc. Chị cám ơn. Thôi hết nói. Chỉ cười xòa.
Những chuyện đại loại như vậy thì nhiều. Ban đầu, người ta những tưởng cha T làm những việc như vậy để đánh bóng tên tuổi, nhưng cứ nghĩ xem cứ làm hoài như vậy cả đời, lúc công khai cũng như lúc kín đáo, thì đúng là người có lòng từ tâm thương người thật sự…