Giã Biệt Ca – Lời cuối cho người

Thứ ba - 28/06/2022 09:59
Kính dâng hương hồn cố linh mục Phaolô Trần Khôi - Nhạc sĩ Trọng Nhân, tác giả bài “Giã Biệt Ca”.
 
tran khoi ht65
 
Đang còn ngồi trong lớp học, thầy Trần Khôi xuất hiện trước cửa lớp và đưa tay ra dấu bảo tôi ra gặp thầy. Gặp nhau, thầy nghiêm trọng bảo tôi: “Em thu xếp về Tân Mỹ với anh để thăm ông lần cuối, chắc ông không qua khỏi! Anh đã xin phép bề trên cho em rồi.” Thế là hai anh em chúng tôi rời Tiểu Chủng Viện (TCV) Hoan Thiện và hấp tấp về quê buổi chiều hôm ấy, về lại với quê hương Tân Mỹ dấu yêu của chúng tôi để thăm ông Dominico Trần Hóa, ông ngoại của tôi và là ông nội của thầy Khôi, người anh bà con cô cậu ruột của tôi. Mẹ của tôi chính là người em gái kế cận của Ba anh. Ba của anh qua đời đã lâu lắm rồi, khi anh Khôi còn bé tí teo. Anh lớn lên với người mẹ thân yêu và anh chị của anh. Anh chỉ vỏn vẹn có người anh cả là Trần Ngữ và người chị giữa là Trần Thị Vững. Nhà anh yên tĩnh hơn nhiều so với gia đình của tôi, khi nào cũng ồn ào tiếng cãi nhau của mấy nhóc trong gia đình đông đúc của chúng tôi!

Rời khỏi TCV, hai anh em chúng tôi lặng lẽ đi bên nhau, không nói gì nhiều, có lẽ lúc đó tâm trí của hai anh em chúng tôi đang thả trôi về quá khứ, về những kỷ niệm dấu yêu bên ông bà nội, ông bà ngoại của chúng tôi. Cháu chắt của ông bà thì nhiều, nhưng những đứa đi tu bao giờ cũng được sự chiếu cố đặc biệt hơn của ông bà, và anh em tôi cũng thường dành nhiều thời gian hơn với ông bà mỗi dịp lễ nghỉ. Lặng lẽ đi bên nhau, chúng tôi đều linh cảm có lẽ đây là lần cuối cùng chúng tôi còn dịp gặp gỡ người ông thân yêu của chúng tôi. Tự nhiên không ai bảo ai, chúng tôi đều im lặng, và một sự lạnh lẽo thật sự xâm chiếm tâm hồn chúng tôi. Hôm đó là những ngày cuối của tháng Mười, trời xứ Huế đã lạnh lắm, nhưng có lẽ đã không lạnh bằng tâm hồn chúng tôi lúc đó.

Trở về Tân Mỹ, anh em chúng tôi đã có những giây phút thật quý báu bên nhau, bên những người thân của mình, và nhất là bên cạnh người ông thương mến của chúng tôi. Những giây phút cuối cùng bên ông, cũng chính là những giây phút bài Giã Biệt Ca đã được thai nghén và hình thành. Bài hát lần đầu tiên được hát cho đám tang của ông chúng tôi. Người ông của chúng tôi, ông Dominico Trần Hóa, qua đời ngày 30 tháng Mười, năm 1977. Tôi còn nhớ lúc mấy câu đầu tiên của bài hát được cất lên, mọi người đã bật khóc nức nở, “Vầy quanh đây, xin giã biệt một lần cuối…” Và rồi những dòng kế tiếp lại khiến tiếng khóc càng to hơn, “Vành khăn tang, xin ghi trọn hình hài mến thương,” Ôi sao mà đau thương thế! Và rồi, linh hồn Dominico chính là linh hồn đầu tiên được cầu nguyện qua bài hát nầy, “Vạn lạy Chúa, xin dủ thương, xin thứ tha bao lỗi lầm cho Dominico!” Anh Khôi thật tài tình, anh viết một dòng nhạc thôi, nhưng cũng có thể áp dụng để cầu nguyện cho bất cứ ai (cho Maria, Madalena, Inhaxio…) Quả là không hổ danh nhạc sĩ Trọng Nhân, nghệ danh mà anh đã chọn khi anh viết bài hát đầu đời “Chúa Là Tình Yêu” lúc anh mới học lớp 12. Bài hát đã làm nên tên tuổi Trọng Nhân và hầu như người Công giáo Việt Nam nào cũng thuộc nằm lòng bài hát nầy. Nhưng đó mới chỉ là cánh én báo hiệu mùa Xuân đang đến, bởi vì bài hát “Chúa Là Tình Yêu” mới chỉ là khơi mào cho một dòng nhạc phong phú tuôn chảy không ngừng nghỉ, phát xuất từ tâm hồn của một nghệ sĩ tài hoa, một linh mục mẫu mực, một chủ chăn đầy lòng nhân ái luôn yêu thương đàn chiên của mình. Nhạc của Trọng Nhân bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau: Thánh ca, tình tự quê hương. Có ai quên được những bài hát anh viết riêng cho Giáo xứ Tân Mỹ, Sáo Cát và những địa danh khác mà anh đã phục vụ? Và ai có thể quên được những bài hát sinh hoạt và những bài Vui Hát Tinh Mừng nổi danh một thời của anh?
 
Lm Trần Khôi HT65 và Linh mục Hồ Khanh HT72

Trở lại với bài hát “Giã Biệt Ca”. Cứ thấy anh Khôi ngồi lặng lẽ bên thi hài của ông, trầm ngâm và ghi chép thật lâu, tôi cứ ngỡ anh viết những lời nguyện cho tang lễ của ông. Nhưng không, anh đang viết những dòng nhạc đầu tiên của bài “Giã Biệt Ca”. Thế rồi hôm đó, khi mọi người trong gia đình đã an giấc, anh mới nói với tôi: “Em nghe thử bài hát anh mới viết cho ông xem có được không nhé!” Vậy tôi là người đầu tiên đã vinh dự được anh hát cho nghe bài nầy, anh em cũng đã góp ý với nhau thay đổi một vài chữ, và cuối cùng bài hát “Giã Biệt Ca” đã hình thành. Lúc đầu chỉ có vỏn vẹn hai câu tiểu khúc. Về sau, hình như câu 3 đã được người anh cả của Trọng Nhân thêm vào, anh Trần Ngữ. Bài “Giã Biệt Ca” trọn vẹn như sau:

1. Vầy quanh đây xin giã biệt một lần cuối. Vầy quanh đây mắt giọt lệ lòng đầy đớn đau. Người thân yêu ôi nay không còn, giờ chia ly phút giây ngậm ngùi. Ôi! Giã biệt lòng đầy nát tan.

ĐK. Vạn lạy Chúa! Xin dủ thương, xin thứ tha bao lỗi lầm cho anh em (cho Ma-ri-a). Nguyện cầu Chúa thương lắng nghe tiếng khẩn cầu đoàn con xin dâng. Lòng thầm ước phút giây này không phai tàn theo tháng năm. Tình yêu thương xin nhớ mãi, nhớ mãi trong lời cầu kinh.

2. Vầy quanh đây xin giã biệt người nằm xuống. Vành khăn tang xin ghi trọn hình hài mến thương. Từ nay thôi xa cách trên đời, hẹn mai sau đến trong Nước Trời. Xin tái ngộ người đã ra đi.

3. Vầy quanh đây xin vĩnh biệt một lần cuối. Người ra đi mang hình hài trở về Nước Cha. Về quê hương quê Cha trên trời, dù hôm nay xác thân tro tàn, nhưng đến ngày sẽ sống vinh quang.

Hầu như những ai mới nghe bài hát nầy lần đầu tiên cũng đã phải bật khóc nức nở, bởi vì những ngôn từ và hình ảnh dễ dàng chạm đến xúc cảm sâu xa của mọi tâm hồn. Tôi nhớ lần đầu tiên tập hát bài nầy cho một ca đoàn Việt Nam tại Mỹ, mấy anh chị trong ca đoàn cũng đã xúc động nhiều!

Bài hát nầy đã trở thành một truyền thống trong đại gia đình của chúng tôi. Hầu như đám tang nào của người thân trong gia đình, chúng tôi cũng đã hát lên bài hát nầy. Có một điều tôi không ngờ là gia đình của chúng tôi đã phải hát bài nầy quá sớm cho tác giả của nó, lúc anh mới có 69 tuổi đời, khi mà hồn thơ và suối nhạc của anh vẫn còn đó, vẫn phong phú và dạt dào, và vẫn còn tuôn chảy không ngừng nghỉ. Nhưng có lẽ Chúa đã muốn đưa về người nghệ sĩ của Ngài để cùng hợp hoan với triều thần thiên quốc ngợi khen chúc tụng Ngài, Đấng mà nhạc sĩ Trọng Nhân muôn đời vẫn yêu mến và tôn thờ, bởi Ngài chính là “Chúa Là Tình Yêu.”

Lm Hồ Khanh HT72
(Viết những dòng chữ nầy trong lúc thân xác anh đang được mai táng tại đồi Thiên Thai, phần mộ dành cho các linh mục Tổng Giáo Phận Huế, sáng thứ hai, ngày 27 tháng Sáu, 2022)

Tác giả: Lm Hồ Khanh HT72

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập123
  • Hôm nay28,157
  • Tháng hiện tại215,681
  • Tổng lượt truy cập68,181,220
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây