Gò Công quê tôi, và có lẽ các tỉnh thành, làng quê miền Nam, mỗi Tết về đều cúng tổ tiên, ông bà rồi cùng ăn bánh tét và bánh ít.
Dù chất lượng và nguyên liệu làm bánh tét và và chưng giống nhau nhưng hình thức cái bánh khác xa nhau. Tôi cũng không có ý đưa ra các lý giải-biểu tượng về bánh tét.
Tôi chỉ xác định với tôi và người thân của tôi là: Riêng về bánh, nhìn các đòn bánh tét trên mâm Tết là trúng y phong vị Tết của người miền Nam.
Tôi, anh em, bà con tôi ăn bánh tét từ lúc tuổi thơ, chúng tôi biết vị ngon của bánh tét trước cả khi nhận thức đầy đủ về văn hóa Tết.
Nói như vậy cũng là biết văn hóa Tết truyền đời của người miền Nam thông qua đòn bánh tét.
Cảm thức về Tết truyền thống miền Nam
Tết mà trên mâm thực phẩm cúng Tổ Tiên và xum họp gia đình mà thiếu bánh tét hoặc thay bánh tét bằng bánh khác thì hẳn sự hụt hẫng, xa rời cảm thức về Tết khó bù đắp được, không khác gì lạc mất gốc cội hoặc xa lạ với văn hóa Tết miền Nam.
Ảnh: HENRY TA
Theo UNESCO: ‘Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động và sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc”.
Sau biến cố 1975, qua hàng chục Tết ở Sài Gòn tôi vẫn ăn và được mời bánh chưng, nhớ lại lúc đầu tôi phải tập ăn thứ bánh này dù phẩm chất và nguyên liệu bánh chưng đâu khác với bánh tét (trừ bánh tét chay nhưn đậu đen).
Vì sao gọi là tập ăn bánh chưng? Hẳn là do khu tôi ở có cộng đồng người Bắc di cư năm 1954.
Tôi đâu chỉ được ăn bánh chưng mà còn quen miệng hát về bánh chưng từ các sáng tác về Tết của các nhạc sĩ gốc Bắc di cư. Tôi chưa thấy ai đưa vô âm nhạc, thơ ca... về bánh tét.
Sau biến cố 1975, cùng với làn sóng dân nhập cư người Bắc 75, bánh chưng lại càng tràn ngập.
Ngồi trông nồi bánh tét dịp Tết là kỷ niệm tuổi thơ khó quên của nhiều người miền Nam.
Ảnh: TRẦN VIỆT ĐỨC
Không gì lạ khi bánh chưng lên ngôi với biểu tượng là bánh gốc cội người Việt, có lạ chăng là tính "thống nhất độc tôn" bánh chưng với hàm ý thu phục, bỏ qua không cần biết bánh tét có hàng trăm năm là tinh hoa bánh Tết của người miền Nam.
Giữa đất, trời, người miền Nam và tư hữu - thụ hưởng hầu hết nguồn cội sinh lực cuộc sống vậy mà vẫn không muốn biết tới (có người cho là không xứng) sự hiện hữu tinh hoa văn hóa Tết từ bánh tét.
Bánh tét không hề gián đoạn trên mâm Tết người miền Nam. Hiển nhiên bánh tét đã là đặc thù ẩm thực văn hóa bánh Tết. Thuần chất mà âm thầm, bánh tét vẫn đánh thức cảm xúc sâu sắc giá trị sum hợp gia đình, trong không gian chứng giám linh diệu của tổ tiên, ông bà.
Tôi có thể ăn bánh chưng ngày Tết, nhưng tôi nghĩ không cúng, không mời ông bà, cha mẹ bánh tét chắc họ phiền lòng lắm, có khi còn bị rầy.
Ngày nay, dù càng ngày càng ít đi, nhưng thật lòng mà nói, mỗi dịp Tết đến nhà bà con, thân hữu mà thấy họ còn cúng bánh tét và mời khách, tôi rất mừng. Đừng để sự mừng đó trở thành lạc lõng giữa Sài Gòn nơi chốn mà gió, nắng cũng đậm cốt cách miền Nam!
Cúng và ăn bánh tét với cảm thán. Xin thưa, chúng ta đang ở giữa trời cao đất rộng Miền Nam Ta mà.
Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà thơ Trần Tiến Dũng, hiện sống tại Sài Gòn.
Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-56025385