Tưởng nhớ cha Henri Petitjean, người thầy của chúng tôi

Thứ năm - 24/09/2020 09:46
Hôm nay, là những người được kêu gọi để tiếp tục cuộc hành trình, và là những người thừa hưởng di sản thiêng liêng của cha để lại, chúng ta hãy kính cẩn biết ơn Chúa vì đã đặt một khuôn mặt truyền giáo đẹp đến thế trên hành trình của chúng ta.
Còn vài hôm nữa (28/9/2020) là tưởng niệm 16 năm ngày cha Henri Petitjean hoàn tất hành trình nhân thế để về nhà Cha. Ngày là vị thầy dạy tiếng Pháp cho tôi và nhiều anh em chủng sinh khác (cùng với cha Jean Oxarango, cha Modeste Duval…) trong nhiều năm ở tiểu chủng viện Hoan Thiện.
 
-

4 tháng sau khi bị trục xuất khỏi Việt Nam, cha đến phục vụ tại đảo quốc Mauritius. Thời gian này tôi có liên lạc thư từ với cha, thường hay được nhận quà của ngài; và khoảng năm 1982, ngài đã gửi cho tôi tấm hình này ngài chụp tại Mauritius.

Mới đây tôi tình cờ tìm được bài viết về cha Henri Petitjean trên trang web của giáo phận Port-Louis, thuộc đảo quốc Mauritius, nơi ngài phục vụ những năm cuối đời và mất tại đây. Bài viết được đăng ngày 28/9/2004, đúng vào ngày ngài mất.

Xin gửi đến các bạn của tôi, những người đã từng được thụ giáo với ngài để cùng tưởng nhớ và hiệp thông cầu nguyện cho ngài. Xin cám ơn bạn Trương Văn Tiến đã chuyển ngữ bài này sang tiếng Việt.

LÊ VĂN HÙNG HT69
--------------------------------------------------------
TANG LỄ LINH MỤC HENRI PETITJEAN
(Bài đăng trên trang web giáo phận Port-Louis, đảo quốc Mauritius, ngày 28/9/2004)

Linh mục Henri Petitjean đã lìa xa chúng ta sau nhiều tháng bệnh tật và một thời gian dài hấp hối. Những đau khổ cuối cùng của ngài hẳn còn kinh hãi hơn nữa vì cho đến lúc đó ngài vẫn còn tráng kiện. Nhưng ngài đã trải qua cơn thử thách cuối cùng của ngài, cơn thử thách dẫn đưa ngài đến cuộc vượt qua hùng vĩ với lòng can đảm và sự thanh thản xứng đáng là chứng tá cao cả của niềm tin mà ngài đã luôn là chứng nhân, của niềm tin mà chúng ta đã có phúc nhận biết, của niềm tin mà chúng ta hân hạnh được cận kề sát cánh kể từ năm 1976 ở Maurice.

Một niềm tin sâu sắc đã chiếu sáng nhân cách phong phú của Cha Petitjean, nơi hạnh phúc chung sống của sự nghiêm nhặt tuyệt vời và sự hóm hỉnh châm chọc, của lòng hăng say trong công việc và sự đón tiếp nồng hậu, của tính nhẫn nại “dài hơi” và sự vui tươi dễ lan truyền. Là nhà văn hóa cao quý, trên hết ngài là nhà đào tạo xuất chúng, người không đè dẹp bất cứ ai bằng kiến ​​thức của mình, nhưng lại mang đến cho học viên sở thích học tập và hứng thú lên đường… Cha đã để lại phía sau mình không chỉ những người ngưỡng mộ, mà còn nhiều bạn hữu, nhiều nhiều người bạn biết ơn, trong đó có một số người đã từ Châu Mỹ và Châu Á đến đây để dâng ngài lòng kính trọng sau cùng.

Để tôn vinh Cha Petitjean, thiết nghĩ không có gì tốt đẹp hơn là chúng ta sẽ cùng với ngài chiêm ngắm Đức Kitô, Đấng mà trong Người - cha đã nhận phép rửa và là Đấng cha đã dõi bước noi theo từ thuở thiếu thời, lại được một gia đình Kitô kiên vững đỡ nâng; chiêm ngắm Đức Kitô, Đấng mà cha đã hiến trọn đời mình để làm linh mục và thừa sai truyền giáo, Đức Kitô mà cha đã loan báo khi thuận tiện và cả lúc nghịch thời, Đấng mà cha đã tìm cách để làm cho được biết đến và yêu mến; chiêm ngắm Đức Kitô, Đấng đã phù trì, đồng hành, soi sáng và đỡ nâng cha trong suốt đời linh mục, thừa sai của cha và, hôm nay, cũng là Đấng đang đón nhận cha nơi bến bờ bên kia, đang làm thỏa lòng và lấp đầy cha bằng tình bạn cùng niềm vui của Người.

Chính Đức Kitô là Đấng đã nói với cha, và hôm nay đang nói với tất cả chúng ta rằng : “Lòng các con chớ xao xuyến: hãy tin vào Thiên Chúa, cũng hãy tin vào Thầy nữa. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở: chẳng vậy, Thầy sẽ không nói với các con điều này là: Thầy sẽ chuẩn bị cho các con một chỗ. Và khi Thầy đi chuẩn bị chỗ cho các con xong, Thầy sẽ lại trở về đem các con theo Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng sẽ ở đó.” (Jn 14, 1-3)

Chính Đức Kitô là Đấng đã đề nghị trở thành đường đi cho cuộc đời của cha, một đường đi mà cha đã hân hoan gieo bước dõi theo, với ý thức nghiêm nhặt tốt lành, với sự hóm hỉnh khai phóng, với lòng can trường trong thử thách, và cả với rất nhiều chuyên tâm cùng tế nhị dành cho những bạn đồng hành mà cha đã gặp trên đường đi này.

Đức Kitô đã là đường đi của cha từ Nancy, nơi cha lớn lên và vào Chủng viện; Đức Kitô đã là đường đi của cha trong cuộc Chiến thế giới thứ 2 ở Pháp, nơi cha bị bắt làm tù binh, sau đó được trả tự do và gia nhập Binh đoàn nước Pháp tự do 1 ở Algérie, tham gia chiến dịch Alsace, bị thương do mìn, rồi bởi đạn; Đức Kitô đã là đường đi của cha, khi - cảm thấy mình được kêu mời đến với ơn gọi truyền giáo, cha đã vào Chủng viện Thừa sai Hải ngoại Paris, nơi chính cha đã kể lại, nhưng không thiếu tính hài hước, rằng cha “đã vui đùa trong lớp học của Cha Six; đã chịu đựng trong lớp của Cha Hamon; đã mê say trong lớp của Cha Dedeban”. Đức Kitô đã là đường đi của cha tại Việt Nam, nơi cha được sai đến truyền giáo và là nơi sự nghiệp giáo viên lâu dài của cha bắt đầu: trước tiên là tại một trường trung học, rồi sau một thời gian ngắn ngủi làm việc tại giáo xứ, cha giảng dạy tại Tiểu Chủng viện, để cuối cùng, với cách thân mật hơn, cha mở những lớp dạy kèm riêng vào chiều tối cho các học sinh trung học và sinh viên đại học trong thành phố. Nhiều người trong số những học viên này - và trong số những người này, có cả những người ngoại đạo - vẫn giữ liên lạc thư tín với cha cho đến cuối đời.

Đức Kitô cũng đã là đường đi của cha trong thử thách gian khổ khắc nghiệt của cuộc chiến tranh Việt Nam, nơi trong điều kiện khó khăn, cha vẫn tiếp tục công việc của mình tại Tiểu chủng viện “với sự giúp đỡ vô giá của Mai-Thi-Lo, là quản gia và đầu bếp; một nữ nông dân thánh thiện đã dành hết sức lực mình cho các nhà truyền giáo; và là người đã dám liều cả mạng sống mình để thu hồi thi thể của các cha Poncet và Cressonnier đã nằm sóng soài ở đó suốt 13 ngày trên thực địa, cũng như đã tìm lại bình thánh nhỏ được trưng bày trong tủ kính của phòng Các Đấng Tử đạo”, cha kể lại.

Đức Kitô cũng đã là đường đi của cha khi, trước sự dứt khoát từ chối yêu cầu bỏ Việt Nam để hồi hương của cha, công an Việt Nam đã trục xuất cha và cha phải trở về Pháp. Chưa đầy 4 tháng sau, từ nước Pháp, cha đến đảo Maurice, nơi cha sống nửa sau đời truyền giáo của cha.

Nhân đây, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn to lớn của Giáo phận Port-Louis với Hiệp hội các Linh mục Thừa sai Hải ngoại Paris vì đã thuận lòng gởi đến cho chúng tôi nhiều nhà truyền giáo vừa bị đuổi khỏi Việt Nam, Campuchia và Lào: cùng với Cha Petitjean, chúng tôi vui sướng được đón tiếp Đức cha Lesouef, Cha Couëron và Cha Mauvais, rồi các Cha Gonthier, Abel Trojer, Jean Péault, Joseph Viot. Chúng tôi còn hân hạnh có trong số chúng tôi 3 Linh mục Thừa sai Hải ngoại Paris, Cha Guichoux, Cha Dorai Raj và Cha Paschal.

Những con người vừa mới chịu đựng cơn thử thách lớn lao bị đuổi khỏi sứ mạng ở nơi họ được sai đến này đã không ngần ngại ra đi lần nữa, đến một đất nước khác để thực hiện sứ mạng khác. Họ nhanh chóng thích nghi với Maurice và đã đóng góp đáng kể cho công việc mục vụ của giáo phận vào một thời điểm đặc biệt khó khăn.

Đây là cách mà năm 1976, cha Henri Petitjean được bổ nhiệm đến giáo xứ Đức Mẹ Lộ Đức rồi đến giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi, nơi ngài luôn từ chối làm quản xứ, nhưng đã rất kín đáo âm thầm mang đến một sự trợ giúp vô giá trước hết cho các linh mục Dòng Tên và tiếp đó, cho các linh mục giáo phận làm quản xứ tại Rose-Hill, tại Quatre-Bornes. Nhiều tín hữu của những thành phố này có thể làm chứng cho những điều tốt lành vô lượng được Cha Petitjean kín đáo thực hiện trong các giáo xứ này. Trọng tâm công việc mục vụ giáo xứ của cha là ưu tư lo lắng việc đào tạo giáo dân, cách riêng cha tập trung làm cho họ cảm nếm Lời Chúa. Cha cũng là tuyên úy của Nhóm Đức Bà, Nhóm Sống Thăng tiến và tham gia giảng dạy các Khóa Dự bị Hôn nhân. Cha đại diện cho Giáo hội Công giáo trong Ủy ban Đại kết và tạo dựng tình bạn bền chặt với anh em Anh giáo và Trưởng lão. Cha cũng là một linh mục giải tội được quý chuộng, và là một nhà linh hướng lão luyện.

Để tôn vinh Cha Petitjean, chúng ta hãy dành thời gian sưu tầm thu nhận di sản mà ngài để lại cho chúng ta, chúng ta hãy để cho lòng chúng ta bị đánh động bởi chứng tá đức tin của ngài, bởi lòng nhiệt thành, ý thức tốt lành và niềm vui đã tỏa rạng trong tác vụ linh mục của ngài.

Đức Kitô đã là đường đi của cuộc đời cha; Đức Kitô cũng đã là “Sự Thật” dành cho cha, đó là sự tỏ bày, là mặc khải về tính xác thực, về sự vững chắc, về tình yêu của Chúa Cha, một tình yêu mà cha có thể tựa vào như dựa vào đá tảng, trong một tình yêu đã giúp cha sống hạnh phúc và trung tín, một tình yêu đã ban cho cha niềm vui sống, ngay cả trong thử thách gian nan. Hôm nay, chính Đức Kitô đã là đường đi, là sự thật và là sự sống này của cha, đang đưa cha đến gần bên Người, đang tỏa rạng cha bằng ánh sáng của Người và đang lấp tràn cha bằng bình an của Người.

Hôm nay, là những người được kêu gọi để tiếp tục cuộc hành trình, và là những người thừa hưởng di sản thiêng liêng của cha để lại, chúng ta hãy kính cẩn biết ơn Chúa vì đã đặt một khuôn mặt truyền giáo đẹp đến thế trên hành trình của chúng ta. Ước gì, qua lời cầu nguyện và tình bạn của cha, cha Petitjean sẽ giúp chúng ta đón nhận Chúa Kitô như là đường đi, là sự thật, là lòng kiên vững, là sự sống và là niềm vui của chúng ta.

Và chúng ta cũng có thể cầu nguyện cho cha như cha đã nài xin chúng ta với sự hóm hỉnh đặc trưng của cha. Thật vậy, ở cuối một vài tờ ghi chú mà cha đã tự tay viết để thuật lại các giai đoạn chính của đời mình và tôi đã sử dụng cho buổi tôn vinh bé nhỏ này, cha đã thêm vào trong phần tái bút rằng: “Nếu một nhà biên niên sử nào đó phải sử dụng những ghi chú này, [xin nhớ] nó hơi bị "đánh bóng rồi” vì việc này đã được sửa soạn cho người ấy. Ước mong người ấy nhớ đến tác giả của chúng trong lời cầu nguyện của mình. Xin cảm ơn."

TRƯƠNG VĂN TIẾN, Huế, chuyển ngữ
------------------------------------------
Vài nét về Linh mục Henri PETITJEAN
(1919 – 2004)
- Thụ phong Linh mục ngày 7 tháng 10 năm 1947
- Khởi hành cho sứ vụ tại Huế ngày 3 tháng 4 năm 1948
- Từ 1948 đến 1954: Giáo sư trường Thiên Hựu - Huế
- Giữa 1954 và 1955: Quản xứ giáo xứ Thần Phù - Huế
- Từ 1955 đến 1968: Giáo sư trường Thiên Hựu - Huế
- Từ 1968 đến 1975: Giáo sư tại Tiểu Chủng Viện Huế. Cha cư ngụ tại nhà địa phương của Hội Truyền Giáo Hải ngoại tại Huế: buổi chiều/tối, cha dạy các khóa tiếng Pháp cho sinh viên ngoại giáo người Việt, những người mà cha vẫn không ngừng nuôi dưỡng mối tương quan sau này.

Sau khi bị trục xuất khỏi Việt Nam vào năm 1975, cha đến đảo Maurice làm cha phó xứ đạo Đức mẹ Lộ Đức tại Rose-Hill từ 1976 đến 1980.
- Từ 1980 đến 1986: cha được gọi làm Trợ lý cho Hội đồng thường trực của Hội Thừa sai Hải ngoại tại Paris, rồi sau đó, ngài trở về Rose-Hill.
- Từ 1993: cha phó giáo xứ Quatre Bornes và sau đó lui về ẩn mình tại nhà các Linh mục Truyền Giáo Hải ngoại tại Rose-Hill, nơi ngài từ trần ngày 28 tháng 9 năm 2004.

Nguồn: http://www.dioceseportlouis.org/2004/09/28/funerailles-de-pere-henri-petitjean/

Tác giả: Trương Văn Tiến chuyển ngữ

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: henri petitjean

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập118
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm116
  • Hôm nay38,782
  • Tháng hiện tại553,838
  • Tổng lượt truy cập56,655,475
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây