Nhớ về Thiên Hữu Học Đường.

Chủ nhật - 04/11/2012 09:27

-

-
Nhắc đến trường Thiên Hữu ở Huế, (mà tên chính thức là Thiên Hữu Học Đường, tên Pháp là l'Institut de la Providence) chúng ta hình dung ngay đến ngôi trường ba tầng đồ sộ, kiến trúc theo kiểu Pháp ở tả ngạn sông Hương, khác với lối kiến trúc cổ điển quen thuộc tại cố đô.
NHỚ VỀ THIÊN HỮU HỌC ĐƯỜNG
 
Nhắc đến trường Thiên Hữu ở Huế, (mà tên chính thức là Thiên Hữu Học Đường, tên Pháp là l'Institut de la Providence) chúng ta hình dung ngay đến ngôi trường ba tầng đồ sộ, kiến trúc theo kiểu Pháp ở tả ngạn sông Hương, khác với lối kiến trúc cổ điển quen thuộc tại cố đô.
 
Chúng ta cũng nhớ đến các lớp học rộng rãi, cao ráo, và một giảng đường lý hóa tân tiến. Các cậu học sinh nội trú không thể nào quên được phòng étude luôn luôn có nhiều học sinh ngồi học chăm chỉ, yên lặng dưới sự trông coi của một cha giáo sư, cũng như phòng ăn rộng rãi với hai dãy bàn dài với bốn hàng ghế dài, và ở một đầu phòng, một bàn ăn dành cho các cha và giáo sư. Tầng lầu ba của tòa nhà chính (ở giữa) dùng làm phòng ngủ, với các dãy giưòng được sắp xếp ngay hàng thẳng lối. Sân thượng rộng lớn, bằng phẳng, thường được dùng làm rạp chiếu bóng lộ thiên cho học sinh vào những cuối tuần tốt trời. Ngoài ra, còn một nhà nguyện trang trí thật thanh nhã, mà trong những buổi thánh lể, chúng ta được thưởng thức tiếng đàn harmonium của cha Lefas. Riêng các học sinh yêu thích thể thao thì không thể nào quên được nhà tập, các sân bóng rổ, quần vợt, và túc cầu, ở đó đội Thiên Hựu thường xuyên tập dượt trước khi ra đấu giao hữu với các trường bạn trong vùng như trường Pellerin, Quốc Học..v...v..



Nhưng kỷ niệm về trường Thiên Hữu không phải chỉ có thế, chúng ta chắc không thể quên được các vị linh mục thuộc Dòng Thừa sai Paris (Société des Missions Étrangères de Paris) đã hy sinh trọn vẹn cả cuộc đời cho việc giáo dục nhiều thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam. Những vị linh mục giáo sư như quý cha Lefas, Massiot, Lemasle, Eb, Quéguinier, Duval, Petitjean, Oxarango, Kermarrec,.. luôn luôn là những tấm gương sáng cho chúng ta, không những vì kiến thức sâu rộng, mà còn vì đức hạnh cao  quý, lòng tận tụy vô biên của các người. Thêm vào đó, còn nhiều vị linh mục người Việt nữa như quý cha Nguyễn Văn Thích, Nguyễn Kim Bính, Nguyễn Văn Hiền, Ngô Đình Thục, Nguyễn Văn Lập, Nguyễn Văn Thuận, Trần Hữu Tôn, vân vân... ngoài ra còn có các giáo sư người Việt như thầy Phạm Ngọc Hương, Hoàng Ngọc Cang, Hà Thúc Chính, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Dương Đôn, Trần Điền, Trần Văn Tuyên, Dương Thiệu Tống, Trương Sĩ Lưu, Tôn Thất Sa, ..., cô Tuân, tức là bà Tôn Nữ An Lạc,.. đều để lại trong ký ức cựu học sinh nhiều ân tình và kính mến. Chúng ta chắc cũng không quên được nhiều vị linh mục hiệu trưởng liên tục điều khiển trường trong hơn bốn thập niên như quý cha Ngô Đình Thục, Dancette, Viry (mà tên Việt là cố Vỵ), Nguyễn Văn Hiền, Trần Hữu Tôn, Nguyễn Tiến Huynh. Riêng đối với các học sinh nội trú, nhiều người còn giữ những kỷ niệm sâu đậm với thầy Hiển, tổng giám thị. Chúng ta cũng không thể quên được các 'Sơ' hiền hoà, như 'Sơ' Valentine và các 'Sơ' khác, dịu dàng chăm sóc từng bữa cơm, đến các học sinh đau ốm, phải nghỉ học và được đưa vào nằm trong bệnh xá.

Trường Thiên Hữu còn nhắc nhở ta nhớ đến không ít các cựu học sinh thành đạt trong nhiều lãnh vực, đã thi thố tài năng phục vụ cho đất nước, cộng đồng, dù ở trong nước hay ở hải ngoại. Chúng ta cũng còn nhớ đến một số bạn cũ lúc cùng học là chủng sinh, nay là những vị linh mục đang dẫn dắt giáo dân ở rải rác khắp các miền đất nước. Nhưng một điều chúng ta nhận thấy là các cựu học sinh được gắn bó bằng tình thân hữu thắm thiết, ngay từ thời theo học dưới cùng một mái trường. Mối thân tình đó bền bỉ qua bao thử thách, và vẫn còn sâu đậm đến những năm cuối của cuộc đời. Đó không đơn giản là tình bạn, mà còn là tình anh em chí thiết như trong một đại gia đình, kết chặt nhiều thế hệ với nhau. Như bạn Tăng Kim Lân đã nói trong buổi họp mặt của cựu học sinh Thiên Hữu ngày 11 tháng Tư năm 1999 tại Saigon vừa qua, đó là tình 'đồng môn', kết hợp với tinh thần 'tôn sư trọng đạo', phù hợp với đạo lý cổ truyền của người Việt Nam.


Cha Georges Lefas
(1906 2002) Thiên Hữu Học Đường
Trên đây chỉ là vài kỷ niệm, suy nghĩ về ngôi Trường thân yêu mà chúng tôi xin được phép ghi lại với sự đóng góp của vài bậc đàn anh và các bạn Lâm Phát Giang, Trương Thành Tâm và Hoàng Đức Thạc trong ban tổ chức ngày họp mặt các cựu học sinh Thiên Hựu tại Santa Ana, California, Hoa Kỳ, ngày 3 tháng 7 năm 1999. Chúng tôi tự xét không có khả năng nói đầy đủ về Trường cũ. Chúng tôi thiết nghĩ chỉ có một người có đủ thẩm quyền làm việc nầy, vì cả cuộc đời của Người đã kết chặt với vận mệnh của Trường. Người đã chứng kiến liên tục các thăng trầm của Trường từ ngày phôi thai cho đến đầu thập niên 1970, cũng như đã và đang theo dõi từng bước tiến của mơi cựu học sinh do chính tay Người đào tạo ra. Tên tuổi của Người hầu như được gắn liền với tên Trường. Đó là cha Georges Lefas, Ngài đã được tập san Tiếng Sông Hương xuất bản ở Dallas, Texas, yêu cầu viết về Trường Thiên Hữu. Bài viết bằng tiếng Pháp của Ngài đã được tiến sĩ Phan Văn Thính, cựu học sinh Thiên Hữu từ 1935 đến 1942, chuyển ngữ ra tiếng Việt. Xin mời quý vị đọc hai bài, nguyên tác bằng tiếng Pháp và bản dịch tiếng Việt trích từ tập san Tiếng Sông Hương trong các trang kế tiếp sau đây.
                                                                                 

Phan Văn Thính chuyển ngữ.
 
Tiếng Pháp 
 
Huế, "cố đô" của triều Nguyễn, lúc nào cũng long lanh trong hoa lệ, đài các mà chẳng phô trương, duyên dáng mà vẫn kín đáo, thật xứng danh thủ đô của các bậc học bác uyên thâm cũng như các vị đại thần trong triều.

Năm 1932, vị Hoàng đế trẻ tuổi Bảo Đại vừa tốt nghiệp ở các học đường nổi tiếng của Paris, đăng quang kế vị tiên đế Khải Định.

Từ đó, đối với chúng ta nay cũng đã quá xa xăm, bộ máy hành chánh của Nam triều song song với chế độ cai trị của người Pháp tại miền Trung, đưa tới kết quả dân số Huế tăng trưởng thêm một tập thể công chức. Trong số nầy, thành phần cao cấp lại gần như là một thế giới nhỏ riêng biệt với những sự tranh dành không sao tránh được trong môi trường chính trị như trong thời đó. Tuy nhiên, trong đối xử, họ vẫn giữ được phong độ tao nhã mà không quá ư kiểu cách.
 
Nhận thấy rằng vị tân Hoàng Đế là người Tây học (Paris), còn Nam Phương Hoàng Hậu thì gốc gác Công giáo cổ truyền và thế gia vọng tộc miền Nam, Đức Giám Mục Allys của địa phận Huế nghĩ rằng đây là những sự kiện khích lệ và thời cơ thuận tiện để thành lập một cơ sở học đường Công Giáo tới cấp trung học tại Huế.

Thật ra, dư án này đáp ứng cấp thời điều mong muốn chung của quan lại trong triều cũng như giới người Pháp (công chức và điền chủ) là làm sao có được tại chỗ một nền giáo dục giá trị, khả dĩ bảo đảm cho con cái họ đủ khả năng đảm nhận tất cả các phận sự cần thiết cho xứ sở, ngõ hầu có thể tự túc tự chủ ở một mức độ phải chăng.

Trong đường hướng đó và với sự ưng thuận kín đáo của nhà đương cuộc Pháp, một dự án Thiên Hựu Học Đường đã được thảo hoạch để thiết lập một trường trung học loại cổ điển rập theo tổ chức giáo dục bên Pháp. Sau khi các Dòng Tu lớn và các đoàn thể giáo dục Công Giáo bên Pháp đã khước từ không nhận điều khiển công trình này, Đức Giám Mục De Guebriant, lúc đó là Bề Trên Hội Thừa Sai tại Paris (Société des Missions étrangères de Paris) nhận đứng ra thực hiện dự án này, sau chuyến viếng thăm Đông Dương về, năm 1931.

Ngày 15 tháng 9 năm 1933, người kế vị Đức Giám Mục Allys, Đức Cha Chabanon, làm lễ ban phép lành lần đầu tiên, một trong năm cơ sở kiến trúc dự định cho nhà trường tương lai, khai giảng một lớp 6 gồm hai ban, thêm hai lớp dự bị, lớp 7 và lớp 8. Cả ba lớp họp lại 132 học sinh trên tổng số 190 người ghi tên xin học gồm có 115 học sinh Việt Nam, 17 học sinh Pháp, 29 học sinh Công giáo, còn lại 103 học sinh Phật giáo, Khổng giáo và đạo thờ cúng ông bà.


Cha Modeste Duval
Địa điểm được lựa chọn thật rộng rãi và cao ráo, chạy dọc theo đại lộ Khải Định, gần Tòa Giám Mục và đối diện với tu viện Dòng Chúa Cứu Thế.

Đứng trên nóc hai tầng của tòa nhà chính, chạy dài trên 73 thước, ta có thể nhìn thấy về phía Nam là núi Ngự Bình, dựng lên như một bức bình phong trấn ngữ Đài Nam Giao, nơi hằng năm Hoàng đế đứng chủ đàn các cuộc tế lễ trong cương vị Thiên tử của ngài.

Từ năm 1933 cho tới 1939, thêm bốn tòa nhà nữa được hoàn thành tạo nên một khối kiến trúc vuông vức hài hoà. Người thực hiện là kiến trúc sư thầu khoán Đinh Doãn Sắc với Cha Douchet làm cố vấn, trừ nhà nguyện đẹp đẽ thanh bai theo kiểu mới do một thân hữu Pháp, kiến trúc sư André Duthoit, đã tặng biếu đồ án.
 
Vì đất nguyên là đồng ruộng đầm lầy, nên móng phải xây trên một "rừng" tre già, giống đặc biệt không bao giờ mục nát, kỹ thuật xây cất độc đáo ấy sau này chứng tỏ là cực kỳ kiên cố, không bị hư hao gì dưới bao nhiêu trận mưa bom đạn trên kinh đô.

Sự chấp thuận rất là khích lệ của giới chính quyền thể hiện rộng lớn trong buổi lễ khai mạc trường Providence với sự hiện diện của các bậc thân hào, các nhân vật quan trọng như cụ Tôn Thất Hân, nguyên Phụ Chánh Thân Thần, ông Lavigne, Công sứ Đốc thành phố Huế cùng với ông Sogny, Chánh Mật thám. Về phía Giáo hội có Cha Florent Zuchelli, Đại diện Đức Khâm Mạng Tòa Thánh, Đức Giám mục Dreyer (O.F.M).

Về thành phần ban giảng huấn của nhà trường, Đức Cha Chabanon không quản ngại công khó "trưng dụng" các giáo sĩ thông thái nhất trong các vị thừa sai như cha Lemasle (sau này là Giám mục địa phận), các Cha Dancette và Massiot, Cha Nguyễn Văn Thích, một bậc thâm nho và đặc biệt cha Ngô Đình Thục (sau này là Tổng Giám Mục địa phận Huế), về mặt pháp lý là Hiệu trưởng của Thiên Hữu Học Đường vì Cha có bằng cử nhân Triết học.

Ngoài ra còn một số giáo sư không ở trong Giáo hội như các ông Trần Điền (sau này là Thượng Nghị sĩ), Tôn Thất Đàm, Trần Văn Tuyên và đặc biệt ông Tạ Quang Bửu (sau này là Bộ Trưởng Bộ Đại Học của Bắc Việt).

Chương trình giáo khoa rập theo mẫu Pháp quốc, giảng dạy tiếng La Tinh ngay từ lớp 6 (một trong hai ban của lớp 6) và tiếng Hy Lạp (lựa chọn, không bắt buộc) bắt đầu từ lớp 4 trở lên. Hai cổ ngữ này được giao phó cho Cha Massiot (La tinh) và Cha Eb (Hy Lạp). Dĩ nhiên trọng tâm căn bản là Pháp văn, giảng dạy sâu rộng cả ngữ pháp lẫn văn chương.

Trong đường hướng đó, chương trình giáo khoa nặng về "nhân văn" nhưng không phải vì thế nhà trường đặt nhẹ phần toán học, trong quan điểm rằng phải như vậy mới bảo đảm cho học sinh đủ căn bản vững chắc và toàn diện. Thật vậy, nhờ cái vốn học vấn ấy, sau này đa số học sinh đã có thể rộng bề lựa chọn các ngành nghề đủ loại: tư pháp, đại học, y khoa, binh nghiệp và cả tu viện nữa.

Về sau, với thời cuộc đổi thay và nhân tâm biến chuyển, đa số học sinh sau này du học tại Pháp đã thực nghiệm thấy rõ sự hữu hiệu của chương trình giáo khoa vừa hấp thụ được, tốt nghiệp dễ dàng các trường lớn như Polytechnique, Centrale, Cao đẳng Điện học (E.S.E.), Cao học Thương mãi (HEC). . .

Tưởng cần nói thêm là không khí học tập tại Thiên Hữu Học Đường đặt trên nền tảng kỹ luật mà vẫn không kém phần thân mật trong cách đối xử của thầy dạy với học trò, cũng như giữa chúng bạn với nhau.

Để diễn tả cái không khí trường Providence hồi đó, không gì hơn là nhường lời cho một cựu học sinh được nhiều người biết và do đó, đã được bầu chủ tọa lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Thiên Hữu Học Đường (1958), bạn Tôn Thất Thiện:

(. . . ) Cũng như những năm đi hướng đạo, thời gian học trường "Providence" góp một phần rất lớn trong sự tạo điều kiện cho tôi tiến dễ dàng trên đường đời sau này.

Trường Providence là một "trường Tây" (dạy tiếng Pháp, theo chương trình tú tài Pháp) thành lập năm 1933. Tầm nhìn của những người sáng lập rất rộng, nên ảnh hưởng của trường sau này cũng rất lớn. Trường của Giáo hội Công Giáo và là trường Pháp, tất nhiên cũng có hậu ý gây ảnh hưởng cho Công giáo và Pháp. Nhưng, nếu có, thì họ cũng rất kín đáo và nhẹ nhàng, không trắng trợn và gây khó chịu cho người khác. Suốt mấy năm học ở đó (1936 1937 dến 1943 1944) tôi không hề trực tiếp hoặc gián tiếp bị thúc dục "rửa tội" hay "theo Tây".

Trường rất lớn, tiện nghi dồi dào, ban giáo huấn khả kính, lại là trường trung học tư bề thế ở miền Trung. Do đó, trường thu hút học trò không những của toàn miền Trung, mà cả miền Nam, nhất là con em các gia đình Công giáo.

Tuy trường thâu nhận cả học sinh Pháp lẫn Việt, tôi không hề cảm thấy có phân biệt "Tây Nam". Các giáo sư và các cha đối xử học sinh Pháp và Việt rất đồng đều. Có bề bênh học sinh Việt là khác. Ví dụ, khi có đánh lộn giữa học sinh Pháp và Việt, mấy cha thường bạt tai mấy cậu Tây con trước !

(. . . ) Điều thứ hai tôi thấy cần ghi nhận về trường Providence là ở đó tôi được giáo huấn rất kỹ lưỡng, đặc biết về sinh ngữ Pháp và Anh. Các thầy giáo Pháp cũng như Việt, vừa nhiều khả năng, vừa dạy rất tận tâm chu đáo, vừa nghiêm túc, đòi hỏi nhiều ở học sinh sự cố gắng. Nhờ đó sau này tôi dự thi và theo học các trường đại học lớn của Anh (như London School of Economics), cũng như của Thụy sĩ dễ dàng. . .

Như trên đã trình bày, mục đích trước tiên của trường Providence là tuyển dụng một ban giảng huấn có khả năng, phần lớn được gởi tới từ dòng Thừa Sai Paris, thỏa mãn dược ước vọng và nhu cầu các gia đình thượng lưu vùng Đế Đô, cho con cái họ một nền giáo huấn tốt, mở mang trí tuệ tinh thần và đạo đức, hầu sau này có thể gánh vác trách nhiệm của mình khi trưởng thành.

Tất nhiên là nhà trường cũng phải chuyển mình thích nghi với thời cuộc và những biến cố đã xảy ra cho số phận của đất nước Việt Nam trong những năm từ 1933 cho tới 1975. Trong khoảng 40 năm then chốt đó, có thể phân tích ra nhiều giai đoạn lịch sử như sau:

I. 1933 - 1945: giai đoạn thành lập:

Trong giai đoạn này, trào lưu cũng như thời cuộc đưa tới sự đương nhiên, là muốn tiếp tục học sau khi tốt nghiệp Tú Tài, thì phải đi Pháp để khai thác cái vốn học vấn đã đạt được.

Tại Pháp, phần lớn các môn sinh nhà trường đã thực hiện được toàn diện những điều ước vọng của mình. Chỉ cần đơn cử ở đây một vài trường hợp đó.

Những người khác trong thời kỳ chiến tranh, ở lại trên quê hương mình cũng đã thành công vẻ vang trong binh nghiệp Bộ binh, Hải quân hoặc Không quân.

II. 1946 - 1963: Giai đoạn phát triển.


Cha Jean Oxarango
Trong các biến cố đã xoay chuyển dòng lịch sử Việt Nam, có thể coi vụ Nhật bản đảo chính Pháp là quan trọng vào bực nhất. Khởi đầu thì đó chỉ là sự tất nhiên xảy đến sau sự thất trận của nước Pháp năm 1940 trước kẻ xâm lăng Đức Quốc Xã. Dù thâm ý của người Nhật ra sao đi nữa, biến cố này đã gây ra sứt mẻ, không bao giờ hàn gắn lại được nữa, trong cơ sở cai trị của Pháp tại Đông Dương. Khi nước Đức của Hitler đầu hàng, cuộc diện càng thay đổi hơn, sự thật thì trên cõi (cựu) Đông Pháp từ nay sẽ không bao giờ trở lại như xưa nữa. Chẳng cần đi sâu vào chi tiết của vụ Pháp trở lại với Tướng Leclerc và kế tiếp là Tướng de Lattre de Tassigny, kết cục tất cả đều tan hoang với sự thảm bại Điện Biên Phủ năm 1954. .

Trái với sự dự đoán của mỗi người, trường Providence đã lướt qua được bao cơn bão tố mà chẳng bị chìm đắm, mặc dầu bao phen thương tích vì trận chiến. Sở dĩ nhà trường được thoát hiễm nhờ sự hòa hợp thức thời đó mà sau này các thế hệ học sinh do Trường đào tạo nên, không cần phải lánh thoát ra nước ngoài hay lẩn tránh trách nhiệm, ở lại trong nước, họ vẫn có nhiều cơ hội phục vụ xứ sở đang chuyển mình.
 
Đặc biệt là sau ngày Tổng Thống Ngô Đình Diệm chấp chánh, một số cựu học sinh trường quen biết trước với nguyên hiệu trưởng, Đức Giám Mục Ngô Đình Thục, đã được trao phó nhiều trách nhiệm trong chính phủ, và họ đã làm việc rất đắc lực, liêm khiết.

Trong giai đoạn này, trường Đại học Công Giáo được thành lập tại Đà Lạt, người chủ trì là Cha Nguyễn Văn Lập, cựu giáo sư kiêm tuyên uý tại Providence. Ở Huế cha Cao Văn Luận đứng ra tổ chức một Đại học Công Lập, cha Luận đã cho mời một số giáo sư Providence ra dạy ở Đại Học Huế, cha Oxarango và cha Lefas đảm trách các phân khoa Văn Khoa và Sư Phạm. Khoa Trưởng Văn Khoa là anh Lê Thanh Minh Châu, cựu học sinh Providence và sau này tốt nghiệp đại học Cambridge, Anh Quốc.

III.  1963 - 1975. . . "Sẽ trôi về đâu ?"

Cái chết bi đát của Tổng Thống Ngô đình Diệm và 2 người em mở đầu cho một giai đoạn "xáo trộn" tại miền Nam, mà Bắc Việt liền khai triển để chuẩn bị "thống nhất đất nước" họ hằng mơ ước. Con đường đi tới việc thôn tính nốt miền Nam của họ, đầy rẫy những thảm kịch như vụ Tết Mậu Thân (1968) trong đó 3.000 thường dân vô tội bị tàn sát tập thể, trong số này, tiếc thay có nhiều học sinh thế hệ trẻ của Trường Providence. . .

Cũng trong thời kỳ đó. Một số học sinh Providence đậu xong Tú Tài đã ghi tên vào Đại Học Huế để lấy bằng cử nhân hoặc sư phạm để gia nhập ngành nhà giáo. Trong khuôn khổ đó, có thể coi là trường Providence của chúng ta đã thực hiện được một phần chí nguyện của các vị sáng lập ra trường khi chọn cái tên Thiên Hựu Học Đường (Institut de la Providence). Hiện giờ một số giáo sư văn khoa và ngoại ngữ trong tỉnh Thừa Thiên đều xuất thân và đào tạo từ trường Providence, trong suốt thời gian Trung học.

IV.  1975. . .: Chứng minh danh hiệu Học đường

20 năm sau "thống nhất" đất nước Việt Nam dưới sự bảo hộ của Hà Nội, một sự ngẫu nhiên đã xui khiến chính quyền Thừa Thiên sử dụng cơ sở trường ốc Providence làm trụ sở phụ cho Đại Học Huế*, dành cho các lớp Cao Học của 3 phân khoa (Sử Địa, Xã hội học và văn hóa tổng quan). Các cơ sở được trông nom và sử dụng thỏa đáng. Riêng căn nhà trước kia là Nhà Nguyện của trường, nay được dùng làm phòng học, ngăn đội ra bằng một bức màn, để sinh viên tới đó làm bài và học hành trong yên tịnh. 



Trường Đại Học Khoa Học (Trường Thiên Hữu cũ)

Ngoài ra lại có một số giáo sư ngoại ngữ (trong đó có một phần được đào tạo tại trường Providence) đã tự động mở ra những lớp học buổi tối miễn phí dạy Pháp ngữ, có các "cán bộ" thị xã theo học để có thêm chút chữ nghĩa hộ thân.

Từ xuất điểm đó, họ đã lập ra một hội nhỏ (lấy tên là Cenlet) với sự khuyến khích kín đáo của nhà cầm quyền địa phương, điển hình bằng sự gởi đi tu nghiệp tại Pháp (9 tháng hay lâu hơn) để bổ túc chuyên môn.

Mặt khác, một bộ sách giáo khoa dạy Pháp văn cho người Việt Nam, gồm 12 cuốn đang được biên soạn dưới nhan đề "Tiếng Pháp" do nhà xuất bản Hatier Didier ấn hành (nay mai sẽ do một nhà xuất bản địa phương phát hành tại Việt Nam). Một số giáo sư soạn giả trẻ đã cọng tác trong dự án này, trong đó có bà Phạm Thị Anh Nga, giáo sư tại phân khoa Sư phạm của Đại Học Huế.

Suy gẫm những điều kể trên, người ta không khỏi cảm thấy đó là những sự cố khích lệ Thượng Đế an bài chứng minh cho danh xưng nhà trường do một bậc đại nho, linh mục Nguyễn Văn Thích đặt tên từ buổi đàu thành lập: Thiên Hữu Học Đường.

Tác giả: Tác giả Phạm Nguyên Hanh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập500
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm495
  • Hôm nay71,846
  • Tháng hiện tại850,996
  • Tổng lượt truy cập58,136,865
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây