Lớn lên với trường Providence.

Thứ năm - 08/11/2012 01:58

-

-
Vào một buổi sáng nào đó trong mùa hè sau khi tôi vừa học xong lớp Nhì tại trường Tiểu Học Đồng Khánh, Măng tôi bỗng kêu tôi ra và nói tôi mặc áo quần vào để theo bà đến trường Providence... Bà đã quyết định cho tôi theo học chương trình Pháp tại trường Providence khi biết trường vừa mở lớp Septième Spéciale
LỚN LÊN VỚI TRƯỜNG PROVIDENCE
 
Vào một buổi sáng nào đó trong mùa hè sau khi tôi vừa học xong lớp Nhì tại trường Tiểu Học Đồng Khánh, Măng tôi bỗng kêu tôi ra và nói tôi mặc áo quần vào để theo bà đến trường Providence. Ngồi trên xe xích lô đạp đến trường, Măng tôi cho tôi biết là bà đã quyết định cho tôi theo học chương trình Pháp tại trường Providence khi biết trường vừa mở lớp Septième Spéciale. Lần đầu tiên gặp Cha Tôn, và sau khi nghe Cha hỏi Măng tôi vài câu về tôi như thằng con bà có biết tiếng Pháp chưa, có ham chơi không… tôi đã thấy ớn rồi.
 
Trên đường về lại nhà, tôi khóc quá chừng. Trời ơi, đang còn học chung với một lũ con gái từ các lớp Ấu Trĩ lên đến lớp Nhì ở Tiểu Học Đồng Khánh, đang còn được làm hoa làm nhụy giữa một đám giặc nữ theo kiểu gươm lạc giữa rừng hoa, chơi rành các trò chơi con gái như nhảy dây, nhảy cò cò, đánh thẻ, ô làng, búng dây cao su, cút bắt, ù mọi mà hễ bên nào có được tôi là bên đó thắng lớn vì tôi chụp được chị nào ôm cứng chị đó khiến chị ré cười nên tắt tiếng không ù tiếp được. Nay đổi trường phải đi học xa nhà, lớp hoàn toàn con trai, lại bắt học toàn tiếng Pháp mà trước đây tôi có biết chữ đui nào; hơn nữa trong phòng Cha Tôn tôi có thấy một hàng roi mây, cái nào cái nấy đều tua cái đầu. E chết! Măng tôi rất cương quyết, vừa la vừa dỗ, nào là sang năm tôi lớn rồi bà Hiệu Trưởng Đồng Khánh sẽ không cho tôi học chung lớp với con gái nữa, Măng tôi sẽ mua cho tôi chiếc xe đạp mới, ráng noi theo gương anh Fan đi (anh đầu của tôi cũng xuất thân từ trường Providence dưới thời của Cha Viry), vả lại học tiếng Pháp dễ ẹt, không biết thì cứ học thuộc lòng là xong hết, hay hỏi mấy anh chị hoặc Măng…
 
Và như vậy bỗng nhiên tôi trở thành học trò chương trình Pháp của trường Providence. Do nhà cũng gần trường không cần phải ở internat hoặc demi-internat nghĩa là buổi trưa ở lại ăn trưa và ngủ trưa ở trường, ngày nào cũng hai bữa, trước 8 giờ sáng tôi đạp xe đạp thẳng một con đường Nguyễn Huệ đến trường, sau 12 giờ đạp xe về nhà ăn cơm trưa, đau khổ nằm nhà nghỉ trưa chút xíu gọi là sieste, để trước 2 giờ chiều lại đạp xe đến trường học cho đến 5 giờ chiều. Chỉ riêng trong mùa mưa của những năm đầu tiên, tôi được cho ngồi chung xe xích lô với anh Nguyễn Xuân Đặng, con trai của dì Chương cùng làm ở trong trường Đồng Khánh với Măng tôi và cùng ở trong xóm Đồng Khánh với nhà tôi. Do là con trai một nên anh Đặng, tên ở nhà là anh Gái, phải ngồi xe xích lô đi học cho đến năm Đệ Ngũ, Đệ Tứ, nên những khi tôi đạp xe đi học anh Gái nhìn rất thèm vì không làm theo được. Anh Gái học trên tôi 2 năm ở chương trình Việt của trường Thiên Hựu. Và anh là một học trò rất xuất sắc trong lứa của anh. Tôi đã từng thấy anh học thêm những bài toán từ các sách thi concours toán của Pháp mà sau này chính tôi cũng có tò mò tìm vào cốt để xem hơn là để học; vì vậy sau khi đậu ưu hạng tú tài toàn phần Ban B, anh được du học ở Pháp. Từ khi gia nhập xóm Đồng Khánh chỉ có anh Gái và tôi là theo học trường Thiên Hựu, số còn lại trong xóm theo học các trường công như Đồng Khánh, Quốc Học, Nguyễn Tri Phương.
 
Năm đầu tiên khi tôi đến học, tôi có nhìn và có biết cũng như còn nhớ khá nhiều người đang học những lớp trên tôi, cách lứa của chúng tôi có đến 6-7 năm.  Trong đám đó có hai người bà con của tôi là Nguyễn Viết Quý, con dì ruột của tôi và Trần Văn Thuấn, con của cô ruột tôi. Ngoài ra tôi cũng nhớ ra được các anh chị Lê Đình Thương, Hoàng Trọng Mộng, Vĩnh Tráng, Lê Khắc Thanh Túy, Lê Khắc Thanh Lô (2 chị của bạn cùng lớp của tôi), Bùi Thế Cần, Bùi Thế Phiệt, Từ Tôn Sa, Nguyễn Thế Minh (lúc đó đang tu thầy và sau này trở thành parrain của tôi khi tôi rước Lễ Thêm Sức), rồi anh Dương Quang Hớn. Nghe các anh chị đấu láo xì la xi lô với nhau bằng tiếng tây, tôi rất cảm phục vì lúc đó tôi chỉ bắt đầu hiểu và xài chút chút tiếng Pháp của tôi với câu chào hỏi thường xuyên vào buổi sáng Bonjour mon père và câu đáp lại Merci mes enfants trong đầu các giờ học. Sau này tôi còn biết thêm là quý anh Vĩnh Khiêm, Tăng Nhiếp, Vĩnh Phong... cũng có học qua trường Providence. Bên chương trình Việt, tôi biết nhiều người hơn, như bà con của tôi là Trần Văn Thể, và Đào Văn Lập, Trần Văn Đàn, Trần Văn Giáo, Trần Tiển Sum, Nguyễn Văn Lang, Nguyễn Chi, Nguyễn Khoa Hoạt, Quý Thuận, Trần Tiển Khanh, Trương Đình Liêm, Tống Văn Xuân, Lê Văn Tuấn, Minh De Gaule... Khi tôi bắt đầu lên lớp Sixième, học sinh được tiếp tục nhận vào lớp Septième và từ đó chương trình Pháp bắt đầu nối tiếp sau một thời gian tạm thời bị gián đoạn. Và tôi cũng biết các bạn ở các lớp sau tôi như Lê Đức Tâm, Trần Tiễn Hiền, Lê Khắc Trực, Trần Văn Thuận…
 
Ngay từ lúc đầu tiên lớp tôi không đông lắm, khoảng gần 30 người. và cũng khoảng chừng đấy học trò từ năm Septième cho đến năm Troisième, có năm nhiều hơn một chút vì có khoảng chừng mười một chú của nhà dòng Chủng Viện địa phận Huế được gởi vào học chung. Kể từ năm Troisième trở đi, con số có giảm vì có nhiều bạn trong lớp débrouillard hơn đã nhảy ra đi thi băng ở chương trình Việt và đậu tú tài Việt trước khi chúng tôi đậu tú tài Pháp. Trong số những bạn nối khố từ năm Septième Spéciale tôi vẫn nhớ tên là các bạn Lê Khắc Hiển, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Duy Trường, Bùi Văn Ái, Nguyễn Quốc Anh, Vĩnh Việt San, Đào Văn Nhẫn, Nguyễn Văn Sa, Trần Viết Hùng, Lê Văn Thi, Nguyễn Văn Hoàng, Trần Văn Hoá (con của Thầy Trần Văn Thông, dạy Pháp Văn ở trường Thiên Hựu), Nguyễn Văn Kiệt (sau đổi thành Lân). Về phía các chú đi tu, có đến 11, 12 chú tất cả, trong đó có Phan Xuân Thanh, Nguyễn Văn Lý, Hùng, Sơn (Đà Nẵng)… Đến khi tôi lên Seconde, trường Providence bắt đầu nhận vài cô học trò của trường Jeanne d’Arc qua học các lớp nhỏ hơn vì bên đó quá ít học trò. Và có lẽ cũng từ lúc ấy trường Thiên Hựu có nhận con gái học chung với con trai ở chương trình Việt.
 
Những Cha dạy chúng tôi từ lớp Septième Spéciale cho đến Première đa số là các cha dòng triều thuộc về bộ truyền giáo Missions Étrangères, như quý cha Oxarango, Petitjean, Florent, Lefas, Duval, Echeron (đi xe bình bịch), dạy đủ môn từ tiếng Pháp, Littérature Française, Mathématiques, Physique, Chimie, Histoire, Géographie, Anglais, Sciences… Riêng Việt Văn và Công Dân Giáo Dục, tôi chỉ nhớ đến 2 thầy, đó là thầy Nguyễn Thế Thoại, cha của anh Nguyễn Thế Minh, và anh Bùi Thế Cần. Anh Cần thuộc thế hệ trẻ, nhưng lại hiền chi lạ, cũng là học trò của cha Lefas, được đề cử dạy chúng tôi Việt Văn rất chu đáo và tận tụy trong 2 năm Troisième và Première. Cũng nhờ anh mà giờ này tôi vẫn còn nhớ đến các chuyện của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, hay thuộc lòng bao nhiêu câu thơ của Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan… để không cảm thấy hổ thẹn khi phải đấu láo về văn chương Việt Nam với các bạn bè. Riêng những cha Việt của trường Thiên Hựu, ngoài cha Tôn còn có quý cha Huynh, cha Trinh, cha Phương, cha Trọng, và quý thầy Nguyễn Thế Minh, Nguyễn Văn Lợi. Một vài năm sau các thầy Minh và thầy Lợi đều lần lượt được thụ phong linh mục, Cha Minh thuộc dòng Jesuit, và cha Lợi thuộc dòng triều.
 
Măng tôi nói học tiếng Pháp không mấy khó. Nhưng đối với tôi lúc mới vào học, nghe tiếng Pháp thì quả là hay, cứ như chim hót bên tai, thế nhưng học chữ Pháp quả là khó nhiều. Tại lớp nghe riết rồi cũng phải hiểu, bắt đầu là một chút, rồi đến hai chút, ba chút, un, deux, trois, ça ci!… và cứ thế từ từ hiểu nhiều hơn, đọc giỏi hơn, viết ít sai hơn. Rồi nói được tiếng Pháp nhiều hơn, đúng hơn, hay hơn. Không như tại Mỹ hồi mới định cư nói tiếng Anglais không những phải múa miệng mà còn múa cả tay chân nữa, hồi ở trường Providence tôi không nhớ là mình cần thêm tay chân để trả bài par cœur. Ở lớp cấm không cho nói tiếng Việt, ngoại trừ khi ra chơi hay trong giờ Việt Văn.  Kẻ nào nói tiếng Việt mà bị nghe được thì được gởi xuống Cha Tôn, không ăn roi thì cũng được quỳ xơ mít. Và cứ thế mà hiểu tiếng Pháp thêm lần. Không hiểu mà làm bài ít điểm, một lần còn được tha, nhưng những lần sau là bị phạt consigne vào chiều Thứ Bảy, và nếu tiếp tục sẽ “được” Cha Tôn chiếu cố, kêu lên văn phòng, quất cho vài roi và gởi thư cảnh cáo về cho gia đình. Cho nên, bao nhiêu thời gian mà tôi thường dành chơi đây đó với các bạn cùng trang lứa trong xóm Đồng Khánh, nay lại phải ngồi nhà tụng bài, một hai năm đầu tiên thì như con vẹt, rồi nhờ tự học theo với Dictionaire Larousse nên bản lãnh tiếng Pháp trở nên cao cường hồi nào chẳng hay. Tôi vẫn còn nhớ các anh chị em trong nhà thường đố nhau các tên đúng với những hình nằm ở đầu các trang của Alphabet từ A cho đến Z, như bắt đầu vần A có hình của trái thơm, câu trả lời phải là Ananas, tờ giấy bạc là Argent, hình con chó sủa là Aboyer. Đến vần B có hình đồ trang sức, câu trả lời là Bijou, hình cái vali là Bagage, cái chổi là Balai, trái banh là Ballon... Vần Z có hình con ngựa vằn là Zèbre, hình viên đá quý là Zéphire, hình thiên văn có 12 múi là Zodiaque… Nhờ ôm riết cuốn Larousse mà tôi dần dần qua mặt các anh chị của tôi hồi nào chẳng biết. Chắc cũng nhờ quen với phương pháp này thành khi học Y Khoa tôi cũng thường ôm các cuốn textbooks dày như Larousse để tu luyện thêm.
 
Qua các năm học, tôi được xếp hạng trong khoảng từ thứ nhất đến thứ năm, cùng với các bạn Lê Khắc Hiển, Nguyễn Duy Trường, Nguyễn Văn Lân, Nguyễn Ngọc Trân. Các môn tôi thích là Histoire, Géographie và Littérature Française. Và thường cuối năm tôi cũng có một, hai phần thưởng. Khách quan mà nói, tôi học không đến nỗi tệ nhưng cũng không có gì xuất sắc cho lắm dù là tài học thuộc lòng và trí nhớ của tôi rất tốt, coi như là passable cho dễ hiểu (tiếng Mỹ kêu là so so hoặc average!). Đến năm Troisième cả lớp được chở vào Tourane (nghe cho oai, chứ đó là Đà Nẵng!) để thi Brevet. Tôi ở trong nhóm “tứ cố vô thân” được cho ở chùa hai ngày tại ngay trường Lycée Pascal để dự thi. Mỗi ngày lũ chúng tôi chừng khoảng mươi đứa ùa ra bên ngoài phố ăn sáng và ăn tối, hưởng được sự tự do đầu tiên khi xa nhà. Đến trưa thì trường Lycée cho ăn bánh mì tây kẹp fromage và thịt nguội. Ban đêm ngủ tại dortoir, trong trường Pascal có ông giám thị to lớn người Pháp xem chừng. Vì có nghe kể lúc xưa trường Pascal là một bệnh viện quân đội, có nhiều người chết ở đó, nên đến đêm tôi rất sợ ma và trùm mền kín lên đầu và không dám thức dậy đi tè nửa đêm. Về lại trường Providence sau khi thi, các cha Pháp hỏi han lo lắng thi cử của các trò. Kết quả sau một tuần là tất cả 28 trò đều đậu. Các cha hãnh diện và chúng tôi cũng vui lây. Măng tôi thì quả có vui nhiều và thưởng tôi tiền để bao nhóm bạn trong xóm Đồng Khánh đi xi-nê. Đây chỉ qua là một thông lệ mọi người trong xóm thực hiện mỗi khi đi thi và đậu.
 
Những năm đầu tiên tôi thường về nhà đúng giờ vào buổi chiều, ngoại trừ khi nào bị consigne. Về nhà thì phải nói láo với Măng là ở lại học thêm. Nhưng rồi từ lớp cinquième trở đi, tôi thường ở lại trường để coi đá banh và học chơi đá banh vì trong lớp tôi có Trần Văn Hóa, con thầy Thông, đá banh tuyệt cú mèo. Không những vậy, cả gia đình thầy Thông, với 4-5 người con trai, thành lập một hội đá banh có tiếng dưới sự dẫn dắt của chính Thầy. Ngoài đá banh ra, tôi cũng có học chơi Ping Pong nữa! Về lại xóm Đồng Khánh, tôi lại đem tài đá banh và chơi Ping Pong ra để former một groupe cùng chơi với nhau dài dài về sau, kể luôn với cả Badminton! Tôi còn nhớ những lần tham dự họp liên trường tư thục ở trường Bình Linh, hay các biểu tình với tất cả những trường của Huế ở Thương Bạc, trước Phú Văn Lâu. Tất cả mọi trò lập thành đội ngũ đi bộ hàng dài đến các nơi chỉ định. Đường có xa, và trời nóng, nhưng tôi vẫn thích vì… khỏi học trong lớp, và ra bên ngoài có cơ hội chuồn về nhà sớm. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng được “xỏ mũi” đưa đi thăm trường nữ Jeanne d’Arc, hay được cho đi du ngoạn ở Thiên An, ở Đồi Vọng Cảnh, biển Thuận An, biển Cảnh Dương… Ở lớp lớn hơn, Seconde và Première, tôi thường đi chơi với các bạn sau giờ học mà không cần xin phép nhà trước, lẽ đương nhiên phải vào những buổi chiều không có devoirs nào và sáng hôm sau không cần trả bài. Đó là những dịp ghé đến Chaffangeon mua paté chaud và croissant vừa đạp xe vừa xuýt xoa ăn, nhất là khi trời trở lạnh, hay về nhà bạn Vĩnh Việt San nằm nghe nhạc đĩa của Sylvie Vartan, Françoise Hardy, Johnny Holliday… hoặc ngồi sau lưng bạn trên xe Velosolex rề rề chạy qua các đường gần trường vui chơi một vài giờ… Và cũng có lúc tôi phải đạp xe qua tận nhà của bạn  Nguyễn Văn Lân ở tuốt xa trong Thành Nội nhờ bạn giải giùm cho một bài toán khó.
 
Vào hè năm chúng tôi thi Brevet, bạn Nguyễn Văn Hoàng (tự là Hoàng Lé) thi “băng” Tú Tài Bán Phần của chương trình Việt và đậu. Có nghĩa là sau khi đậu, Hoàng coi như học trên tôi 2 năm. Quả là xuất sắc! Năm Seconde, Hoàng vừa học chung với chúng tôi, vừa học thêm bên lớp Đệ Nhất ở trường Bán Công và cuối năm ấy Hoàng cũng đậu luôn Tú Tài Toàn Phần và sau đó Hoàng được học bổng đi học phân khoa Chính Trị Kinh Tế khóa 1, mới mở tại Viện Đại Học Đà Lạt. Hoàng là người đầu tiên mở đầu phong trào nhảy lớp đi thi. Sau Hoàng “Lé” đến lượt các bạn có vẻ hơn tôi vài tuổi như bạn Thi, Sa, Lân, Sang… đều nhảy lớp và thi đậu Tú Tài Bán Phần chương trình Việt vào hè Seconde, và Tú Tài Toàn Phần vào hè Première để sau đó vào đại học trong khi tôi vẫn lè tè bắt đầu lớp Terminale. Do con số học sinh ít dần, thêm vào đó tất cả các chú đi tu được gởi vào học ở Chủng Viện Đà Lạt, Trường Providence quyết định không mở tiếp lớp Terminale. Thế là chúng tôi phải chuyển trường. Đa số các bạn trong lớp như Hiển, Trường, Trân... vào Saigon theo học trường Jean Jacques Rousseau, một số ít khác học trường Yersin ở Đà Lạt. Riêng tôi một mình khăn gói vào Đà Nẵng học năm Terminale tại trường Pascal. Nói một cách khác, lớp Septième Spéciale của tôi là lớp đầu tiên được mở lại ở trường Providence vào năm 1959 và sau 7 năm, Providence chính thức chấm dứt chương trình Pháp, và các lớp còn lại từ Première trở xuống Sixième được sáp nhập chung với các lớp thuộc chương trình Pháp tại trường Jeanne d’Arc.
 
Trong những dịp đặc biệt như Noël, 14 Juillet… lớp chúng tôi cùng nhau đóng góp mua quà biếu cho các cha Pháp. Người thường được anh em trong lớp tín nhiệm về chuyện này là Nguyễn Ngọc Trân , vừa đảm nhận quyên góp tiền vừa đi mua sắm quà đúng với số tiền ít ỏi, vừa làm đại diện lớp chúc mừng các cha. Thỉnh thoảng cũng có thay đổi người chúc mừng, nhưng cá nhân tôi chưa bao giơ dám mở miệng cóc ra nói được tiếng tây trong những dịp vui đó. Hú hồn! Thông thường cả lớp được các cha cho ăn chocolat và nghe nhạc hòa tấu. Thỉnh thoảng, một vài học trò học giỏi trong lớp tôi cũng được thưởng cho ăn sáng với bánh mì ópla, bơ, thịt nguội và uống sữa trong phòng ăn chung của nội trú. Nhiều lắm là tôi được cho ăn sáng như vậy… một lần. Lớp càng cao, bài học càng khó lần, nhất là Mathématiques, Géometrie, Algèbre Moderne. Môn Chimie có cha Oxarango, cha Duval kiêm luôn vừa Math vừa Physique. Môn Français kể cả Littérature Française, Géographie, Histoire, Anglais do cha Lefas dạy. Do đó, không có ngày nào chúng tôi không có 2-3 giờ học với cha Lefas. Đôi khi chán ghê đi, nhất là những khi mệt cha hay nói làm ràm trong miệng sau bộ râu, chúng tôi đành thay phiên nhau đưa tay xin ra bên ngoài đứng hóng gió vài ba phút rồi quay trở vào. Hầu như ngày nào cũng có bài làm ở lớp, hai ba bài làm ở nhà cho ngày hôm sau hay cho tuần tới. Ở những năm cuối, từ từ tôi là người thường phải thức học khuya nhất trong nhà, vì tôi đâu chịu bỏ qua những vui chơi với các bạn cùng lớp sau khi dứt học hay với các bạn trong xóm Đồng Khánh những chiều khi đi học về.
 
Đọc sách là một lý thú với tôi hồi đó. Ở trường Providence, chúng tôi thường được hướng dẫn đọc vô số sách thuộc về văn chương Pháp, bao gồm luôn cả những đại tác phẩm của những văn hào, không chỉ người Pháp, mà bao gồm của những tác giả người Anh, Nga, Mỹ, và những tác phẩm của những người trúng giải Nobel Văn Chương... Guerre et Paix, La Résurrection, Anna Karénine, Les Hauts de Hurle Vent, A l’Est d’Eden, Le Vieil Home et La Mer, Adieu Aux Armes, La Terre Chinoise, Les Fils de Wang Lung, La Vingt Cinquième Heure, Le Soleil Se Lève Aussi, Les Vertes Années, La Citadelle... Riêng Lê Khắc Hiển và tôi còn thích thú đọc thêm những sách về La Guerre Mondiale 2, La Guerre de l’Indochine, như Couler la Bismark, L’Embarquement en Normandie, La Bataille de Dien Bien Phu, Le Tocsin de l’Indochine, Je suis Médecin à Dien Bien Phu. Đa số sách chúng tôi đọc được mượn từ tủ sánh của cha Petit Jean… Đặc biệt bạn Hiển vẽ các máy bay khu trục Spitfire của Anh, Messerchmidt của Đức, P.48 Thunderbolt của Mỹ rất đẹp, luôn làm tôi khâm phục, cả cho đến bây giờ. Riêng với gia đình, tôi cũng rất ham  đọc các sách tiếng Việt chung với các anh chị em trong nhà, từ truyện Tây Du Ký, Nhạc Phi, Đông Châu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí, Thủy Hử… cho đến các truyện hiện đại, thời sự, truyện dịch, và nhất là các truyện kiếm hiệp mà đến giờ vẫn còn mê mẩn khi đọc lại.
 
Trong tất cả các cha dạy chúng tôi, có lẽ cha Lefas chú ý đến tôi và thương tôi nhiều hơn những cha khác, nhất là về sau. Chắc cũng do ông anh đầu của tôi thỉnh thoảng có tìm đến thăm Cha sau khi ra trường và làm việc gần Huế. Ngay cả chính tôi cũng vậy, sau khi bắt đầu vào học ở Đại Học Huế, tôi cũng thường xuyên viếng thăm cha Lefas vài ba lần trong mỗi năm. Và điều làm cha vui thích ở chỗ tôi vẫn tiếp tục đối thoại với cha bằng tiếng Pháp, cũng như khoe với Cha về chuyện học của tôi ở trường Y Khoa. Đến khi Cha quá bận dạy ở Văn Khoa Đại Học Huế, Cha ngỏ ý muốn nhờ tôi dạy Anh Văn cho lớp Troisième tại trường Jeanne d’Arc, mỗi tuần chỉ 2 giờ thôi. Tôi còn nhớ Cha nói đại khái như sau “C’est le même livre d”Anglais que tu a eu au Troisième. Et voici mes notes et mes traductions française en Anglais, et anglaise en Français, si tu veux utilizer pour la classe”. Tôi tính nhanh trong đầu mỗi giờ được trả 250 đồng, mỗi tháng có hai ngàn để tiêu thêm. Được lắm! Vả lại lúc ấy tôi học năm thứ 4 trường Y Khoa Huế, buổi sáng đi lâm sàng ở Bệnh Viện sau 9 giờ, chiều mới vào lớp học. Tôi có làm vẻ khó khăn chút đỉnh trước khi nhận lời Cha, nhất là sau khi Cha hứa giờ dạy Anglais sẽ vào buổi sáng sớm và tôi chỉ dạy đỡ cho Cha một năm thôi. Giờ đây nghĩ lại, tôi quả can đảm, vì đến khi vào dạy thực thụ mới thấy thì giờ soạn bài, chấm bài không phải là ít, ngoài ra còn phải ăn mặc đàng hoàng, nói năng tiếng Pháp chững chạc và song suốt… Có lẽ tôi cũng là một học trò cưng của cha Lefas nên được Cha tín nhiệm như Cha đã từng tín nhiệm đàn anh Bùi Thế Cần dạy Việt Văn cho lớp chúng tôi!
 
 Bà vợ ở nhà thường chọc tôi là dân trường Tây... Ninh, vì ai xuất thân từ trường Pháp cũng nói tiếng Pháp như gió, vậy mà giờ này đụng đến tiếng Pháp không những tôi nói với miệng vừa múa cả tay chân mà còn chêm thêm vài ba chữ Mỹ nữa chứ! Nghe mà đành cười vì bẵng đi cả gần 40 năm chẳng nói một tiếng tây tiếng u nào cả, cũng chưa một lần du lịch Pháp Quốc để được nghe và thực tập lại la langue maternelle dù đọc sách tiếng Pháp vẫn hiểu tuy có chậm đi. Trong thập niên 80 và 90, tôi có ý định sang Paris để thăm các Cha Lefas và Petitjean, nhưng không thực hiện được. Bây giờ đã trễ. Vào đầu năm 2005, sau khi tôi viết thư cho Ministère de L’Éducation Nationale của nước Pháp xin lại Duplicata của diploma Baccalaureat Seconde Partie en Sciences Expérimentales tôi đậu năm 1966, và bị thất lạc năm Mậu Thân 1968 tại Huế, và sau nhiều tháng chờ đợi vì thư của tôi được chuyển qua nhiều văn phòng khác nhau, tôi đã nhận được phó bản của văn bằng Tú Tài Pháp. Giờ đây, bản Duplicate đó cũng được đóng khung và treo trên tường ở ngay bàn computer tôi làm việc hằng ngày,  bên cạnh những văn bằng khác.
 
Như vậy, đời học sinh của tôi gắn liền với trường Providence, từ Septième cho đến Première. Bảy năm học ở một trường. Bảy năm lớn lên với một trường. Bảy năm trưởng thành trong một môi trường giáo dục hoàn hảo là thời gian quả thích ứng chuẩn bị cho tôi khi bước chân vào đại học. Những trang bị văn hoá, những tôi luyện trong kỷ luật, những phát triển toàn diện đã không ít thì nhiều mang đến cho tôi thành quả của ngày hôm nay. Qua bao nhiêu năm, qua bao nhiêu trở ngại, thăng trầm, Trường Providence /Thiên Hựu đã có công đào tạo một con số khá lớn chất xám cho đất nước Việt Nam. Hàng hàng lớp lớp đàn anh đàn chị đàn em đồng môn, ở trong nước cũng như ở Hải Ngoại, đã và đang là gương thành công trong xã hội, tiếp tục làm rạng rỡ tên ngôi trường thân yêu. Trong niềm hãnh diện chung và trong sự biết ơn đến công sức các Cha đã dạy dỗ tôi thành người, tôi cầu mong quý vị tiếp tục giương cao ngọn đuốc giáo dục qua sứ mạng rao truyền Tự Do, Bác Ái và Công Bằng.
 
Viết cho Đại Hội Thiên Hựu-Jeanne d’Arc (Ngày 3 và 4 tháng 9, 2011)
 
Vĩnh Chánh
Providence. 1959-1966

Tác giả: Vĩnh Chánh

Nguồn tin: www.ykhoahuehaingoai.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập604
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm600
  • Hôm nay129,785
  • Tháng hiện tại949,210
  • Tổng lượt truy cập58,235,079
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây