Lại chuyện Thanh Minh trong tiết tháng Giêng.

Chủ nhật - 08/04/2012 06:34

-

-
Đây là bài viết của anh Nguyễn Xuân Hồng, 76 tuổi, hiện ở Pháp, cựu học sinh Thiên Hựu. Anh Hồng muốn qua trang Cựu Chủng Sinh Huế để gửi đến các cựu học sinh Thiên Hựu, trong đó có nhiều anh em CCS Huế cũng là cựu học sinh của ngôi trường nổi tiếng này.
Lại chuyện Thanh Minh trong tiết tháng Giêng
 
Rời Huế từ 1958 sau khi thi Bac I ở Đà Nẳng, tui gặp lại Cha Nguyễn Kim Bính ở Paris vào giữa thập niên 60.
 
Hôm đó - hình như buổi tối - ngồi ăn một mình ở quán cơm sinh viên Giáo Xứ VN tại Paris, thời đó Cha Trần Thanh Giản làm cha xứ, phần cơm sinh viên giáo xứ ngon vì cơm Việt, một chén cơm, một tô canh, một món xào hay kho mặn, mà (tương đối) rẻ chừng 2 - 2.5 lần giá “resto U”.
 
Resto U: restaurant universitaire, cơm sinh viên quán sinh viên chính phủ Tây hỗ trợ hết mình sinh viên Tây Ta.
 
Mâm cơm sinh viên VN rẻ nhưng cũng bằng 2 - 2,5 bữa ăn “resto U”.
 
Tui nhìn thấy Cha, không nhận ra ngay.
 
Rời Huế tui mang theo hình ảnh Cha Bính gầy gầy, khuôn mặt xương xương, áo “nhà dòng” đen dài lê thê.
 
Hôm đó, trong quán cơm sinh viên Giáo Xứ VN tại Paris, Cha Bính mặc “complet”, khuôn mặt “bầu bỉnh”.
 
Nhận ra Cha, tui mừng:
 
- Thưa Cha, Cha nhớ con không?
 
- Ư, um …
 
- Dạ con là Nguyễn Xuân Hồng.
 
- Học Thiên Hữu với Cha.
 
- À, à …
 
Cha không nhớ lắm nhưng rồi tui huyên thuyên Cha cũng nhớ ra.
 
Tui không phải là học trò xuất sắc Việt Văn, chỉ tàm tạm hơn trung bình một chút (nhờ “gạo” ?).
 
Thời điểm đó Cha Bính qua Tây công tác mục vụ chi đó tui không “điều tra làm rõ” làm chi.
 
Biết Cha không ở lại Paris lâu, tui chỉ gặp Cha hôm đó, chào hỏi sơ sài.
 
Nhưng ai đã là học trò TH mà không nhớ, nhớ sâu đậm, Cha Bính.
 
Sau 75 tui phong phanh nghe tin Cha vẫn sống ở Huế, cái thời “mới giải phóng”.
 
Bao nhiêu là “bao cấp” thiếu thốn vật chất, tràn trề “lời tuyên huấn”!
 
Bẳng đi cho đến cuối thập niên 90 tui nghe tin Cha Bính đã mất ở Huế.
 
Tự nguyện một ngày nào đó …- một ngày “lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”? - sẽ tìm thăm mộ Cha Bính.
 
Rồi thì chuyện gì muốn đến đã đến.
 
Xuân Nhâm Thìn 2012, ngày trăng tròn, 16 tháng Giêng, tui đã toại nguyện cùng hai vị linh mục xứ Huế, viếng mộ tưởng niệm Cha Nguyễn Kim Bính.
 
Hai vị linh mục trùng tên Quí: Cha Hồ văn Quí, Trần Văn Quí.
 
Cha Hồ Văn Quí, người cao lớn vạm vỡ khỏe mạnh, từ Quảng Trị tự chạy xe gắn máy vô Huế, khoảng 60 cây số! Cha HV Quí cỡ tuổi tui, thất thập ngoài.
 
Cha Trần Văn Quí, trẻ hơn Cha HV Quí chừng 6-7 tuồi, nhưng yếu hơn, phải có người giúp làm tài xế kiểu xe ôm, từ Phường Đúc đến.
 
Điểm hẹn là trụ sở “Cộng Đồng Thiên Hựu” của các Soeurs dòng Thánh Phao Lồ thành Chartres (Soeurs Saint Paul de Chartres).
 
Trụ sở nầy ngày xưa, thời “Providence”, là căn nhà của các Soeurs Dòng Phú Xuân.

 


 
Hai chữ Thiên Hựu (Thiên Hữu) đúc ở hàng rào trường Providence vẫn còn.

 
 
Hình như hai chữ nầy do Cụ Tôn Thất Sa vẻ.
 
SPC : Saint Paul de Chartres.
 
“Cửa hàng sửa giày” được các Soeurs cho trú ngụ miễn phí bên trong trụ sở “Cộng Đồng Thiên Hựu”, vì các hàng quán không được phép dùng vỉa hè trên con đường sang trọng Lý Thường Kiệt.

 

* * *
 
Nghĩa trang các giáo sĩ Công Giáo nằm ở đồi Thiên Thai.
 
Mới, khang trang, mà đượm nét an lành của sự chết chứa chan sự sống như tui thường cảm nhận khi viếng thăm nghĩa địa đó đây.
 
Theo lời giải thích của hai Cha Quí, nghĩa trang nầy được chính quyền ThừaThiên-Huế cho lập nên sau 1975, gom 3 nghĩa trang các tu sĩ Công Giáo từ thành phố Huế dời về đây.

 



Phần mộ các Cha
 

Phần mộ các Chị các Mẹ
 
Được tháp tùng Cha Hồ Văn Quí và Cha Trần Văn Quí, tui không  tốn thì giờ tìm mộ Cha Bính.

 




 
Dĩ nhiên tui đặt cuốn Đặc San TH-JdA  kính dâng hương hồn Cha Nguyễn Kim Bính.

Văn chương của học trò trong cuốn Đặc San hay dở không quan trọng đối với bậc thầy.

 
 
Khi lên đường đến nghĩa trang tui không biết Cha TV Quí thủ sẳn nắm hương.

 


 
Trong ánh sáng chiều xuân xứ Huế, hai vị linh mục đọc kinh “Lạy Cha” tưởng niệm một vị linh mục đã là thầy mình.

 
 
Cha HV Quí và Cha TV Quí đọc kinh xong, tui xin phát biểu vài lời.
 
Không viết trước câu nào cả, tui chỉ  ngắn gọn nhắc lại điều mà mọi cựu học sinh TH đều ghi nhớ: tri ân Cha Nguyễn Kim Bính như một thầy Việt Văn xuất chúng cho bao nhiêu thế hệ học trò TH.
 
Rồi tui xin phép mở Đặc San đọc vài câu văn in giấy trắng mực đen.
 
Trích bài học thuộc lòng ngày xưa Cha Bính đã dạy.
 
Bài học thuộc lòng chi ?
 
Trang  212 :
….......
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thủa tung hoành, hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét tiếng trường ca dữ dội (*)
Ta bước chân lên dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc
.
….......
(*) Với khi thét khúc trường ca dữ dội ?     
  
 
Đọc “bài học thuộc lòng” xong, lấy cớ là học trò trường Tây tui xin phép hương hồn Cha Bính, xin phép hai Cha Quí cho tui đọc tiếp lời dịch Pháp ngữ của anh Hoàng Văn Nam (1):
 
Je me perds dans le regret et le souvenir
de ce temps jadis où, tout puissant je régnais en maître,
de cette jungle ombragée d'arbres centenaires,
où hurlait le vent de fond et tonnaient les ondes en montagne,
là, où retentissait le rugissement de mon long chant terrifiant,
j'avançais de mes pas, posément, avec dignité,
ondulant mon corps comme roulent en  harmonie les vagues,
jouant silencieusement avec l'ombres des herbes sauvages.
 
Kết luận lời phát biểu tui xin đọc lại hai câu đầu đọan thơ nầy vì thấy hai chữ “hống hách” nay tui hiểu hợp với tâm tình của Thế Lữ (2) trưóc nỗi buồn uất đất nước bị đô hộ, mà nay vẫn không hợp với kỷ niệm hiểu biết non nớt thời học trò trong trắng khi tui bắt đầu thấm văn chương tiếng mẹ đẻ với Cha Bính :
 
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thủa tung hoành, trong trắng những ngày xưa.
 

Sửa soạn ra về, Cha HV Quí thấy tui đặt cuốn Đặc San lại trên bia mộ Cha Bính, ngại ngùng hỏi tui: “Anh để cuốn sách ni lại đây à ?”!!!
 
 
Không những tui không để lại cuốn Đặc San “dầm mưa dãi nắng” trên nấm mồ Cha Bính, mà còn có hai cuốn tặng hai Cha Quí!

 
 
Đặc San TH-JdA có đăng thư Soeur Nguyễn Thị Lựu gởi chúc mừng Đại Hội TH-JdA, Cali, Sept. 2011.

 
 
Trụ sở Cộng Đồng Thiên Hựu ngày nay vẫn giữ nguyên kiến trúc căn nhà của các Soeurs Phú Xuân ngày xưa.
 
Các huynh trưởng, các bạn TH, các Chị các O JdA,
 
Tui đề tựa bài phóng sự nầy: “Lại chuyện thanh minh trong tiết tháng Giêng” để nối với bài phóng sự trước về chuyện tại làng Văn Xá, Thừa Thiên-Huế, tui thi hành sứ mệnh thanh minh trong tiết tháng Giêng thăm mộ ông nội bạn Lê Đình Thương ở New Jersey nằm mơ thấy bị khiển trách không chăm sóc mộ ông.
 
Những ai đã ghé mắt bài viết tiếng Pháp của tui trong Đặc San (trang 167): “Sur la Tombe d'un Professeur Bienfaiteur” thì đã hiểu tựa bài phóng sự nầy phải là:
 
Trước mộ phần một đấng Ân Sư
 
Thân mến
HHH
 
31 Mars 2012
Chatenay-Malabry, France
--------------------------------------
 
Chú thích.
 
(1) Tui nhớ hai anh Hoàng Văn Nam, Hoàng Văn Hải ở Pháp về Huế vào học Providence năm 1955- 56 … Hai anh là học trò TH  chỉ 1 năm thôi, rồi vào học Collège Français Tourane (ĐàNẳng). Tui không quen biết hai anh nhiều. Ở Pháp, sau 1975 mới gặp hai anh. Ở Saigon một anh học Văn Chương, một anh học Luật. Tui quên không nhớ anh Nam học Văn Chương anh Hải Luật hay ngược lại, vì cả hai anh đều viết văn. Đặc San TH-JdA hân hạnh nhận được đóng góp của cả hai anh.
                       
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào Khê nước chảy lòng còn trơ trơ
 
Bài viết của anh Hoàng Văn Hải (trang 243) kể chuyện tình cờ anh ghé thăm chùa Bảo Lâm Trung Quốc khám phá con sông Tào Khê rất thú vị. Tình cờ du lịch mà thấm ca dao tiếng Việt, thấm tâm tính lãng mạn “Buồn trông chênh chếch sao mai. Sao ơi!  Sao hỡi! Nhớ ai sao mờ”, thấm sự cô độc của Nguyễn Trãi, thấm tư tưởng Phật Giáo, đúng là “duyên Trời” cho anh HV Hải để anh chia sẻ với đồng môn ngắn hạn “Providence – Huế”.
 
(2) Chiều ngày 16 tháng Giêng Nhâm Thìn (7/3/2012) cùng hai Cha Quí thăm mộ Cha Bính, hôm sau tui ra Hà Nội thăm bà con gia đình. Có một cuốn Đặc San biếu ông anh họ sinh sống ở Hà Nội từ lâu. Chuyện vãn với ông anh họ mới biết bài thơ “Nghỉ hè” - “Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết – Đoàn trai non hớn hở rũ nhau về ...” của thi sĩ  Xuân Tâm chứ không phải của  Tế Hanh như tui lầm tưởng e cả ½ thế kỷ nay (Đặc San TH-JdA: “Bài Thơ Đa Banh”, trang 66)! Người Tây  thường nói “On apprend à tout âge!” - “Ở tuổi nào cũng còn học hỏi cả !”.

Tác giả: Nguyễn Xuân Hồng

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: cựu học

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập382
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm379
  • Hôm nay115,247
  • Tháng hiện tại1,294,759
  • Tổng lượt truy cập58,580,628
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây