Ký sự Dọc Đường Gió Bụi. Phần 2: Viếng nghĩa trang giáo sĩ giáo phận Huế.

Chủ nhật - 12/02/2012 11:20

-

-
Ngày hôm sau, vẫn còn mưa phùn nhẹ, tôi cùng Thọ thưởng thức vội ly café ở nhà nó. Thằng bạn tôi bản tính khí khái, chân thật tuy chỉ có một điều hơi lo cho nó, do cách đây ba năm, hắn bị té một phát từ mái tôn xuống do chập điện; dù sức khỏe bình phục, nhưng do vẫn còn ảnh hưởng sang chấn thần kinh nên nói rất nhiều...
Ký sự Dọc Đường Gió Bụi. Phần 2: Viếng nghĩa trang giáo sĩ giáo phận Huế.
 
Ngày hôm sau, vẫn còn mưa phùn nhẹ, tôi cùng Thọ thưởng thức vội ly café ở nhà nó. Thằng bạn tôi bản tính khí khái, chân thật tuy chỉ có một điều hơi lo cho nó, do cách đây ba năm, hắn bị té một phát từ mái tôn xuống do chập điện; dù sức khỏe bình phục, nhưng do vẫn còn ảnh hưởng sang chấn thần kinh nên nói rất nhiều, nói chưa bao giờ được nói, nên tranh thủ nói… Tuy vậy, vì đã là anh em, nên khi nào ra Huế, tôi bao giờ cũng đi chơi với nó. Vợ của Thọ bán bánh bèo, bánh nậm ngay dốc nhà thờ Phủ Cam, ky cóp làm nên một căn nhà mái đúc khá đẹp và tiện nghi, thiệt là mừng cho Thọ. Tôi bảo với Thọ tôi muốn đi một mình thăm mộ các cha ở Thiên Thai.
 
Tôi thẳng hướng lên núi Ngự Bình và hỏi đường…đây rồi nghĩa trang giáo sĩ Huế được giáo phận nhà tôn tạo rất tương xứng với công lao vô bờ của các ngài. Khoảng đất rộng rãi,vuông vức vừa được tu bổ khang trang, có đồi thông vi vu reo, các cha hẳn an lòng yên giấc ngàn thu ở đây sau một hành trình dài phục vụ.



 
Tôi chậm rãi từng bước viếng từng mộ phần các cha, bên tai tôi như nghe có tiếng thì thầm của các ngài đang trò chuyện pha lẫn với tiếng gió lào xào. Tôi cúi đầu trước bài vị cha Phêrô Lê Văn Đẩu là vị bề trên đầu đời của tôi. Tôi bồi hồi nhớ lại từng kỷ niệm, ngày đó tôi chỉ là chú nhà trường còn chân ướt chân ráo đầy lo lắng mỗi khi ngài quở rầy. Tôi vẫn nhớ không nguôi tiếng ho sù sụ của ngài là nỗi ám ảnh của năm tháng đầu đời ở mái nhà trường. Sau nầy, khi rời khỏi cương vị bề trên chủng viện, ngài là một vị cha sở hiền lành, khiêm tốn và đạo đức.
 
 
Tôi nhận ra mộ phần của cha cựu quản lý Giacôbê Trần Văn Thời. Ngài có giọng nói nhỏ nhẹ, từ tốn hiền hậu. Ngài người gốc Thanh Hương, cùng quê quán bên mẹ của tôi, nên ngài có vẻ quan tâm đến học trò cùng làng. Tôi còn nhớ phòng ngài ở tầng trệt lầu mới.
 
.
Tôi lặng người trước di ảnh cha Bartolomeo Nguyễn Phùng Tuệ,vị linh hướng khôn ngoan những năm đầu tiên sau khi chiến tranh kết thúc. Chúng tôi may mắn có vị giáo sư tu đức tài ba như ngài, vị ân sư này đã rèn luyện nhân cách và lòng đạo cho chúng tôi vững bước, vượt qua muôn ngàn khó khăn. Ngài như đang nhắc nhở tôi một câu nói quen thuộc của ngài: “Không chi bằng Chúa, không ai hơn Chúa, Chúa trên hết, Chúa trước hết”. Những lời tâm huyết đó đã in sâu vào tâm trí bao học trò một thời. Vẫn còn nhớ văng vẳng bên tai tiếng cười hào sảng của ngài luôn động viên các chú lạc quan mà sống.

 
Tôi  đã tìm thấy phần mộ của cha Phêrô Huỳnh văn Hóa, nghĩa phụ của tôi. Ngày đó vào mùa hè 1971, tôi được ba tôi dắt theo ra miền Loan Lý xin ngài làm cha bảo trợ. Cha nghĩa phụ của tôi rất dễ mến, bình dân; sau nầy khi về hưu, ngài hay bị bối rối, ngài không hiểu tại sao đưa được tượng Đức Mẹ lên cao như vậy trên tiền đường nhà thờ Phủ Cam…Một lời kinh cho ngài được an giấc, không còn phải âu lo mọi sự.


Tôi đã nhìn thấy tấm bia ghi LM. Raphael Bửu Hiệp. Ngài đã từng làm tuyên úy cho trường Pellerin (1972-1975). Dạo đó, mỗi lần nghỉ hè, các chú gồm có tôi và Đặng Quang Tiến phải về trình báo với cha sở, tối đến phải lên phòng ngài ở lại để sớm mai còn giúp lễ. Ngài hay nói “chú trong họ” mỗi khi chúng tôi về trình diện với ngài. Vậy đó mà 40 năm rồi!

 
Tôi đã tìm ra phần mộ của hai cha lớp HT68 đã an nghỉ: cha Dominico Trương Văn Tập (52 tuổi) và cha Phêrô Nguyễn Văn Linh (56 tuổi) hai ngài ra đi sớm quá để lại bao thương tiếc cho giáo phận, cho gia đình và cho bạn bè.
 


 
Phía trước nghĩa trang giáo sĩ là nghĩa trang của các chị Mến Thánh Giá. Tôi cố đi tìm O Kính và O Táo. Rốt cuộc tôi chỉ tìm được phần mộ của O Kính, với tên thánh Phanxica. Những người nữ tu này, khi sống  lặng lẽ phục vụ, đến ngày  cuối cùng lặng lẽ ra đi. Tôi thắp tạ nén nhang, thành khẩn xin lỗi các O vì ngày xưa đã quậy phá làm cho các O buồn phiền và cảm tạ công lao vô bờ mà các O đã góp công dưỡng dục chúng tôi. Tôi nhớ một kỷ niệm, sau năm 1975, các O phơi đậu phụng giống, những hột chắc, mẫm, to…ngay sân basket, trước phòng ăn của các O. Vào đúng  giờ ngọ, trời rất nắng, và lúc mọi người đều nghỉ trưa, tôi bảo thằng Lâm và thằng Hải lên lầu lấy cho tôi một cái thau và một cái mền. Hai thằng này trơ người vì nỏ biết lấy mần chi? Tôi liền trùm mền và từ tốn ra sân, múc lấy một thau, các O chỉ kịp ê, ê… tôi đã phi vội lên sân thượng ‘lần hạt’ ngon lành. Những hạt đậu béo tươm dầu, dòn, có nằm mơ cũng không thấy. Đây chỉ là một trong hàng trăm phi vụ mà chúng tôi gây ra…thời đó. Hồi đó mỗi tuần chúng tôi được ăn chè một lần, chỉ có nửa chén chè nấu với muối, vậy mà suốt đời, chưa khi nào được ăn chè ngon như vậy… Cầu xin cho các O đặng thanh nhàn hưởng phước và chờ đợi các chú nghịch ngợm về tái ngộ…

 
Sau khi rời nghĩa trang giáo sĩ, tôi chạy ngược lên Thiên An, nhưng trước đó đi về hướng cầu Tuần, đến thăm giáo xứ Đá Hàn. Khi đi men theo dòng sông Hương, tôi bồi hồi nhớ lại những ngày vớt rong đem về cho các O nuôi heo ở nhà trường. Dạo đó chúng tôi có hai chiếc xe kéo hai bánh tự chế, mỗi khi đi lao động thường sử dụng để chở rong, củi, lá thông khô…Nhớ những lần thả dốc cao, anh em cầm cần trước chạy không kịp với tốc độ xe rất mạo hiểm…nhiều khi phải nhổng ben hoặc lao vào bụi để giảm tốc độ. Chuyện này phải hỏi các tài xế một thời như: Phụng xì dầu lớp 69 ,Lâm 71, Huỳnh Lễ và cả cha Hồ Khanh 72…mới hiểu được.

Tôi nhớ những ngày lao động ở Thiên An, nhà dòng cho các chú một nông trường trên triền đồi để trồng sắn và một khu nhà thanh tịnh để sau mỗi ngày lao động có nơi để dâng lễ và nghỉ ngơi. Hình như khu nhà đó là một bệnh viện nhỏ của nhà dòng, phía sau là hồ Thiên An quanh năm mát mẻ, nước trong veo. Những ngày mưa lạnh, tôi kiếm mồi câu cá là những chiếc bánh ú không nhân, do O Diệp nấu. Tôi bỏ cả buổi mới câu chừng nửa xô cá rô phi và nghĩ chắc trưa nay, cha con chúng tôi sẽ có bữa liên hoan. Ai dè thầy Marcô (phụ trách chăn nuôi dòng Thiên An) sừng sửng xuất hiện, làm tôi vội đổ ngay xô cá xuống hồ vừa phân bua: “Thưa thầy, con câu giải trí cho vui thôi!!!” mà bụng tiếc hùi hụi. Tôi nhớ những đêm ngồi kiểm điểm dưới bầu trời đầy sao và những chiều lên đồi cào lá thông khô vàng về làm chất đốt. Những tháng ngày ở đây, ban huấn đạo muốn chúng tôi làm việc và cầu nguyện theo tinh thần của Thánh Biển Đức: Ora et Labora…
 
Tôi ngược qua cầu Tuần lên vùng kinh tế mới Bình Điền. Cách đây 35 năm, có 4 chú lên đây đi rừng kiếm củi gồm: Phan Chiếm, Hồ Dinh và Lê văn Hùng đều thuộc lớp HT69 theo tôi lên vùng mạn ngược làm tiều phu. Sau khi vượt suối băng rừng, mỗi người lấy áo mưa quấn balô cho chặt để bơi qua suối cho khỏi ướt, bài học hướng đạo của trưởng nhóm Phan Chiếm, còn tôi khệ nệ cõng bao lương thực, không may nồi cá ngừ đúng 12 khứa (dành cho 12 bữa ăn) rớt tỏm xuống suối. Tôi ngơ ngác nhìn trưởng đoàn phán: dẹp, đi tiếp. Khi đó tôi biết nồi cá này còn quý hơn cả vàng, liền nhảy ùm xuống nước, lặn mò, thu lượm đầy đủ quân số cá, ơn trời.
 
Sau khi đã hạ trại, anh em vội đi sâu vào rừng. May quá, vừa tìm thấy 1 cây chò thiệt cao to, thế là vung rựa phéng ngay. Ngày hôm sau vào chặt ra từng khúc. Eo ôi! khi vác quá nặng, nên phải hai người một lóng, đúng là “chó” chứ đâu phải “chò”. Ấy vậy mà khi thả xuống suối nó lại chìm nữa chứ, nên phải chặt thêm thân chuối để kết bè nó mới nổi được. Tới ngày nhổ trại, trời mưa to, suối dâng tràn không thể về được, lương thực lại cạn, đói rét tơi bời. Tuyệt nhiên không một lời than thở!… Khi về tới nhà trường, cha Tuệ đang sốt ruột đợi chờ. Ngài cứ đi lui, đi tới với điếu cẩm lệ hút liên tục lo cho chúng tôi…Ôi những kỷ niệm êm đềm đẹp làm sao khi tuổi chưa tròn đôi mươi, được sống chan hòa, vô tư trong yêu thương của tình phụ tử và huynh đệ. Ước gì cho tôi được sống lại ngày đó, những ngày đẹp nhất ở trên đời.
 
Nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Còn với tôi: “Khi ta ở, đất không chỉ là đất ở. Khi ta đi, đất đã hóa linh hồn”.

(Còn tiếp)

Tác giả: Mic Nguyễn Hùng Dũng HT71

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập445
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm442
  • Hôm nay129,785
  • Tháng hiện tại936,496
  • Tổng lượt truy cập58,222,365
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây