Ký sự Dọc đường Gió bụi. Phần 7: Lễ Kim Khánh 2 cha giáo.

Chủ nhật - 06/05/2012 11:05

-

-
Từ ngày lễ Kim khánh Linh mục của Đức Tổng Têphanô đã thấm thoát được 4 tháng, chúng tôi: Anh em CCSHuế phía Nam lại vui mừng nhận được thư mời dự lễ Kim khánh Linh mục của hai cha giáo PX Lê Văn Cao và Giuse Maria Trần Văn Lộc.
Ký sự Dọc đường Gió bụi. Phần 7: Lễ Kim Khánh 2 cha giáo.
 
Lễ Kim khánh Linh mục của hai vị ân sư: Cha PX.Lê Văn Cao và cha Giuse Maria Trần Văn Lộc.
 
Từ ngày lễ Kim khánh Linh mục của Đức Tổng Têphanô đã thấm thoát được 4 tháng, chúng tôi: Anh em CCSHuế phía Nam lại vui mừng nhận được thư mời dự lễ Kim khánh Linh mục của hai cha giáo PX Lê Văn Cao và Giuse Maria Trần Văn Lộc.
 
Riêng cá nhân tôi suy nghĩ rằng: Lễ Kim khánh của Đức Tổng, mình đã tham dự, như vậy lễ Kim khánh của cả hai cha giáo, cũng đều là ân sư đáng kính như Đức Tổng, thì lẽ nào không đi được, vì thế anh em động viên nhau sẵn sàng về mừng lễ các ngài.
 
Thời tiết Huế vào cuối tháng tư như một chảo lửa với cơn gió Lào xâm xấp khó chịu, vậy mà ai cũng nói ngày chúng tôi trở lại Huế, khí hậu tương đối dễ chịu hơn rất nhiều so với những ngày trước đó. Nhìn hàng phượng vĩ dọc đường Lê Lợi nhuốm màu đỏ rặt làm cho lòng tôi man mác, sống lại muôn vàn kỷ niệm của ngày xưa: …. “khi cùng chúng bạn bắt ve, hái cành phượng thắm đem về nhà chơi”.
 
Thuở đó, Huế được chia ra làm hai quận, lấy sông Hương làm ranh giới thì bên trái từ dòng nước đầu nguồn chảy về gọi là quận Tả ngạn, bên phải là quận Hữu ngạn. Tả ngạn được xem như trung tâm thương mại với các hiệu buôn sầm uất, nơi toạ lạc của chợ Đông Ba và các rạp cinê vang bóng một thời như Tân Tân, Châu Tinh, Hưng Đạo… Còn Hữu ngạn, kể từ nhà ga xe lửa thẳng đến đường Lê Lợi, qua cầu Ga, trường Bình Linh, khu đại học, toà tỉnh trưởng, trường Quốc Học và Đồng Khánh, bệnh viện trung ương…và chạy thẳng tới trường Kiểu Mẫu và xuống Đập Đá, phóng về biển Thuận An. So với Tả ngạn thì Hữu ngạn hữu tình và thơ mộng hơn nhiều nên để lại trong lòng mỗi người vô vàn kỷ niệm…
 
Vào buổi chiều 27 tháng 4, anh Trưởng ban CCSHuế phía Nam Lê Cần, anh Hồ Đắc Hương và tôi cùng vào phòng hai cha giáo để mừng lễ trước vì tiên liệu qua ngày mai sẽ rất đông, không có đủ thì giờ để chụp hình lưu niệm và tặng quà.

 




 
Chiều tối ngày 27 tháng 4, chúng tôi gồm đủ loại lớp gặp nhau ở quán Tuyết Hương theo lời mời của lớp HT69 mà đại diện ở phía Nam nổi tiếng là anh Nguyễn Thế Cường (con cha Cao) và cha Nguyễn Vinh ở Cam Ranh (con cha Lộc). Các lớp côi có anh Nguyễn Phu dắt vợ từ xứ thuỳ dương Nha Trang về Huế tắm sông Hương và lần đầu tiên sau gần 50 năm về chộ lại cha bảo trợ (cha Lộc). Ngoài ra, lớp HT63 còn có các anh Văn Lợi, Phi Khanh, Tiến râu.

 



Anh Trưởng ban Huế Nguyễn Đức Long dù đang đi tua (tour) vẫn tranh thủ chạy về để lên chương trình CCSHuế mừng hai cha giáo, phân công người đại diện đọc diễn từ và tặng hoa mừng ngày vui của các thầy mình. Niên trưởng Lê Thiện Sĩ là nhân vật hoàn toàn xứng đáng trong nhiệm vụ quan trọng này và lại là người bạn đồng niên với hai cha ở An Ninh nên đã thay mặt anh em để nói lời chúc mừng. Riêng đối với đồng hương Huế phía Nam, thì có anh Lê Cần đại diện tôn vinh hai cha trong ngày lễ kim khánh Linh mục.
 


 
1. Vị ân sư PX Lê Văn Cao:

Chúng tôi được diễm may có ngài làm cha giáo tiếng la tinh từ niên khoá 73-74. Phòng ngài ở lầu 1, dãy nhà mới. Thời đó ngài hãy còn là một giáo sư phong độ, tiếng nói rộn rã, tác phong nhiệt thành như thể ngài đem theo phong cách nhà binh thủa ngài còn làm tuyên uý quân đội vào TCV. Ngài đã đem đến cho TCV một nguồn sinh khí vui tươi, hoạt náo trong đời tu vốn im ắng trong bốn bức tường. Ngài gốc An Vân, gia đình có 3 anh em đều sinh cách nhau đúng 10 năm và đều làm Linh mục. Vị Linh mục anh ngài là cha Phêrô Lê Văn Ngọc và cha JB Lê Văn Nghiêm em ngài. Tôi còn nhớ vài sự kiện nhà trường in đậm dấu ấn của ngài.

 
 
* Năm Thánh 1975: Tuy gọi là năm Thánh 1975, nhưng Giáo Hội địa phương được cử hành trước vào lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (10/06/1973) và kết thúc vào lễ Giáng Sinh 1974. Trong khoảng thời gian đó, cha PX Lê Văn Cao, phụ trách Phụng vụ ở TCV, đã long trọng khai mạc ý nghĩa năm Thánh Canh Tân và Hoà Giải bằng chiếc sừng trâu, tượng trưng cho tiếng tù và YOBEL theo truyền thống Do Thái, thổi tù và báo hiệu năm đại xá.
 
Sau nghi thức khai mạc, các chú xuống đường, vào các hang cùng ngỏ hẻm, viếng thăm mọi gia đình, bất luận lương giáo để cổ xuý tinh thần theo tông huấn Gaudete in Domino (Hãy vui mừng trong Chúa) của Đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI.
 
* Đại hội Phụ huynh Chủng sinh năm 1973: Cha PX Lê Văn Cao phụ trách khâu tổ chức. Có thể nói được rằng, đây là đại hội phụ huynh lớn nhất trong các kỳ đại hội phụ huynh ở TCV. Trong dịp nầy có màn trình diễn thể dục tập thể và một trò chơi rất tầm cỡ do thầy Kim Suyền đạo diễn hàng tháng trời.
 
* Múa lân mùa Trung Thu 1973: Cha Lê Văn Cao thuê các chuyên gia về tập cho các chú các điệu múa lân sư rồng và ông địa, tập đánh trống theo tiết điệu riêng biệt để tới ngày rằm tháng tám, các chú hí hửng lặn lội khắp mọi nẻo đường “tùng dinh dinh, cắc tùng dinh dinh” ôi vui quá xá là vui dưới “triều đại” ngài.
 
Và sau 50 năm phục vụ Hội Thánh, ngài về an dưỡng tuổi già tại nhà chung. Ngài vẫn còn khoẻ, tuy chỉ có đôi chân là có vấn đề. Tôi cúi xuống thử bóp chân cho ngài thì thấy cứng đơ như gỗ đá. Ngài bảo đã đi chữa nhiều nơi, nhưng không khỏi, anh em nào có bài thuốc đông tây y xem có phương thức chi giúp cho ngài đặng an nhàn phần xác trong những ngày còn lại của cuộc đời. Năm nay ngài qua ngưỡng 82 rồi, cầu xin ơn Thiên Chúa ban nhiều ơn lành cho ngài.
 
2. Vị ân sư Giuse Maria Trần Văn Lộc:
 
Khi tôi vào TCV năm 1971, thì ngài đã là giáo sư tại đây rồi. Ngược lại với cha PX Lê Văn Cao, cha Giuse Maria Trần Văn Lộc rất kiệm lời, chỉ trừ những lúc cần thiết mới nghe tiếng nói nhè nhẹ, nho nhỏ chỉ vừa đủ nghe. Ngài âm thầm làm việc trong khiêm tốn, nhẫn nại và hết sức cẩn thận. Với thời gian năm năm tu học, tôi ít nhiều có những hoài niệm về vị ân sư tận tụy này.

 
 
Có một chuyện cách đây ba năm khi chúng tôi đưa tiễn cha Antôn Nguyễn Trọng Quý (thi sĩ Thanh Quân) về nơi yên nghỉ cuối cùng tại xứ Lai Ổn, Hố Nai, giáo phận Xuân Lộc, tôi cảm khái khi nghe lời ngài bộc bạch rằng: “Thấy chúng con thương cha Antôn và tham dự đông đủ trong ngày vĩnh biệt hôm nay, làm cho cha cảm thấy yên tâm về sau nầy rồi”. Thời gian ngài ở TCV ngài là cha giáo sư, cha y tế và cha quản lý.
 
* Giáo sư Việt văn: Tôi được biết trong thời gian học ĐCV Thánh Giuse ở Saigon, ngài có học thêm ở Đại học Văn khoa, nên khi tôi vào TCV, ngài dạy chúng tôi môn Việt văn. Nhờ ngài, chúng tôi được học các tuyệt tác của Bà Huyện Thanh Quan như Qua Đèo Ngang, Chùa Trấn Bắc…hoặc Bích Câu Kỳ Ngộ nói về chàng công tử Trần Tú Uyên và nàng Giáng Kiều như một câu chuyện tình thần kỳ, hoang đường… Cha giáo muốn học trò giỏi môn này bằng các bài tập chuyển thể văn vần sang văn xuôi, mà muốn chuyển được phải hiểu các điển tích, điển ngữ; ví như câu “Tạo hoá gây chi cuộc hí trường” trong bài Thăng Long Hoài Cổ, thủa đó các chú mới trạc 12, đầu còn húi cua thì mần răng hiểu được “hí trường” nên tôi bèn giải thích theo kiểu trẻ con, “hí” là tiếng ngựa hí, như vậy đây là trường đua ngựa…và thế là tôi bị điểm liệt!
 
* Giáo sư nhạc lý: Thật ra so với văn chương, cha Giuse giỏi về nhạc lý và thanh nhạc hơn nhiều. Mỗi buổi sáng sớm, khoảng hai ba giờ, nếu chú nào mất ngủ, sẽ nghe tiếng đàn thánh thót của cha vang lên ở lầu 1 nhà cũ; và nếu chú nào thích nhạc, sẽ được ngài mời vào phòng thu âm và nghe nhạc, nhất là bài Dominique do Sr Sourire hát. Những lần gặp ngài, chúng tôi hay solfère bài mà ngài đã dạy 40 năm về trước: mi sol mi do mi sol do, si la, si la sol mi, fa re fa la sol do sol, fa la sol si do re do…
 
* Cha y tế: Trong khi làm cha giáo, ngài kiêm luôn việc y tế. Chúng tôi nhớ mãi khi có dịch cúm thì sẽ được ngài cho uống aspirin và vitascorbol (vitamin C) đựng trong ống kẽm. Mỗi khi thèm cháo thịt bò thì hãy mau khai bệnh, đọi cháo thịt bò bằm với hành lá thơm phức làm điếc mũi kẻ không bệnh cũng thành bệnh; nếu bệnh nặng quá ngài nhờ bác sĩ Hoa em ngài chữa trị hoặc cho về gia đình.
 
* Cha quản lý: Ngài thay thế cha GB Trần Văn Thời trong những năm cuối cùng. Hoàn cảnh lúc này rất khó khăn, buộc phải cắt các bữa ăn lỡ như gouter…những năm đó chiến tranh, loạn lạc, di tản, chạy nạn…vậy mà ngài vẫn nở tươi nụ cười hiền hậu làm an lòng mọi người và các chú vẫn tu học bình thường cho đến thời khắc cuối cùng.
 
Cha Giuse Maria dù đã tới tuổi 76 rồi, nhưng ngài vẫn còn dẻo dai, khoẻ mạnh, đặc biệt ngài vẫn còn đi xe máy ngon lành. Nhớ ngày xưa, khi còn làm cha giáo ở TCV, chúng tôi thấy ngày ngày ngài oai phong lẫm liệt trên mình chiếc Honda 67 có tấm kính chắn gió phía trước, với cặp mắt kiếng đen; chỉ nhờ vào chiếc áo thâm đen và cái cổ côn trắng mới nhận ra ngài là linh mục. Nay nhân ngày lễ mừng Kim khánh Linh mục của ngài, bao lớp học trò với muôn vàn thương nhớ, cầu xin Mẹ Lavang cầu bầu cho ngài được luôn mạnh hồn khoẻ xác.
 
Thánh lễ ngày 28 tháng 4 năm 2012, tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Huế, do Đức Tổng Têphanô chủ tế, Đức cha phụ tá PX, Đức đan viện phụ dòng Thiên An Huỳnh Quang Sanh, cha giáo GB. Etcharren và 87 vị Linh mục đồng tế, đông đảo cộng đoàn tham dự.

 




 
Trước Thánh lễ, cha Nguyễn Văn Chánh đã đọc thư chúc mừng của Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh gửi cho hai cha. Sau đó giáo phận Huế đã long trọng tuyên dương công trạng của hai cha qua lời của Đức Tổng Têphanô: “Hai vị Linh mục cao niên như hai tượng đài đầy tình thương, trung thành của TC đối với con người yếu hèn, tội lỗi và thất tín. Hành trình 50 năm đời sống Linh mục kể sao cho hết, nói mấy cho vừa, chỉ còn biết một điều là ca tụng tình yêu TC về muôn ơn lành hồn xác Chúa ban cho hai cha…”

 
 
Trước khi kết thúc Thánh Lễ, Đức cha phụ tá PX đã đại diện cho giáo phận tặng hai cha lẵng hoa tươi thắm, nói lên tâm tình tạ ơn hồng ân bao la của TC, tâm tình tri ân công ơn của hai cha để lại cho anh em Linh mục cũng như các giáo dân qua những việc làm đạo đức, mẫu gương sáng trong cuộc sống, cũng như cuộc đời mục vụ của hai cha.
 
Sau cùng, trong tiệc mừng hai cha, đại diện CCSHuế, lớp HT68 và Đồng hương Huế đã bày tỏ tấm lòng con thảo, học trò đối với hai cha bằng các bó hoa tươi đượm tâm tình tri ân.
 
Thủ Đức ngày 06/05/2012
Mic Nguyễn Hùng Dũng HT71

Tác giả: Mic Nguyễn Hùng Dũng HT71

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Chú ý: Được đăng lại bài viết, nhưng vui lòng ghi rõ nguồn "Gia đình Cựu Chủng sinh Huế" và link đến bài viết trên trang này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập417
  • Hôm nay117,958
  • Tháng hiện tại1,300,778
  • Tổng lượt truy cập58,586,647
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây