Cha Giuse Trần Văn Lộc: Chứng nhân một đời mến Chúa - yêu người.

Thứ sáu - 27/04/2012 10:21

-

-
“Cha sở, cha giáo, cha quản lý, cha y tế; nhưng hơn hết, ngài là linh mục!”…Đó là nhận định của một CCS Huế lớp HT69 về người thầy khiêm tốn và thầm lặng này trong ngày Kỷ niệm 50 Năm Linh Mục 28-4-2012.
CHA SỞ, CHA GIÁO, CHA QUẢN LÝ, CHA Y TẾ
NHƯNG HƠN HẾT NGÀI LÀ LINH MỤC!
 
 

Cha Giuse Trần Văn Lộc. Hình chụp trong ngày
Truyền Thống CCS Huế phía Nam năm 2009.

Cha Giuse Trần Văn Lộc là chứng nhân một đời mến Chúa - yêu người, tận tụy yêu thương đoàn chiên của mình. Hình ảnh một con người nhỏ bé, đơn sơ, khiêm tốn được ghi khắc trong tâm khảm của mỗi người dân Chúa. Nhắc đến ngài, người ta thường nói đến lòng quảng đại, sự hy sinh quên mình vì đoàn chiên, vì các chú trong chủng viện, luôn quan tâm giúp đỡ mọi người.
 
1. Đôi dòng tiểu sử
 
Cha Giuse Trần Văn Lộc sinh năm 1.1.1936, tại Phủ Cam. Năm 1947, ngài được gọi vào Tiểu Chủng viện An Ninh. Sau khi học xong chương trình Tiểu Chủng viện, ngài được gởi vào Đại Chủng Viện Giuse Sài gòn (1956).
 
Năm 1962, Cha Giuse Trần Văn Lộc được chọn làm linh mục, lễ thụ phong được tổ chức tại nhà thờ Chính toà Phủ Cam cùng với Cha  FX Lê Văn Cao vào ngày 28 tháng 4 năm 1962.
 
Tân linh mục Cha Giuse Trần Văn Lộc  được cử đến làm linh mục phó GB Nguyễn Văn Đông (+), quản xứ Thạch Bình. Năm 1963-1966 ngài được chọn làm cha sở Giáo xứ  Mỹ Thạnh (họ nhánh của Thạch Bình), cách giáo xứ Thạch Bình chừng 7 Km về phía Tây Bắc- sát phá Tam Giang.
 
Hình như Chúa cần Ngài ở việc khác qua các đức tính như đạo đức, hiền lành, nhỏ nhẹ, cẩn thận... nên từ năm 1966, Ngài phải rời xứ Mỹ Thạnh để làm giáo sư Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện Huế, kiêm quản lý. Thiên Chúa muốn vẽ đường thẳng qua những đường cong, vì vậy thời gian ở Đại Chủng Viện Giuse, Ngài hoàn tất chương trình văn khoa ở Đại Học Sài gòn để về Tiểu Chủng Viên Hoan Thiện Huế, Ngài dạy Việt văn lớp đệ Thất và đệ Lục.
 
2. Gương chứng nhân và công việc mục vụ
 
Những năm tháng làm cha sở, ngài sống nghèo khó. Giáo dân cũng như người lương vùng Sịa, Mỹ Thạnh, Thuỷ Lập thập niên 60 đều nhớ hình ảnh một linh mục trẻ, "thư sinh" nhưng gần gũi cận kề với những người dân nghèo chân lấm tay bùn nặng mùi đầm phá. Những năm tháng ở Thạch Bình, Mỹ Thạnh phương tiện đi lại của Ngài là chiếc xe đạp Dura. Theo vòng quay của pedal, lượn vòng theo mương thuỷ lợi, băng qua cánh đồng An Gia đầy nắng và gió.
 
Nói đến gió của cánh đồng An Gia vào tháng 6, tháng 7 không thể quên hình ảnh gió hất tung quang gánh người đan đát Thủy Lập, Cổ Tháp đi chợ. Gió hất tung, thúng, mẹt, sàn, dần văng tung toé lại theo quán tính quay tròn đẹp mắt nhưng lại đau lòng khổ chủ. Qua hết cánh đồng An Gia, hết địa giới Thạch Bình là đến vùng đất Quảng Lợi có giáo xứ Mỹ Thạnh men theo phá Tam Giang, gió mát trăng thanh. Thời đó, điện nước máy là những khái niệm xa lạ. Không thể không nhắc đến những buổi trưa hè tắm phá cùng trai làng trên dòng nước lợ Tam Giang của cha xứ.
 
Sau tháng 11 năm 1963, là thời gian khó khăn của vùng đất Mỹ Thạnh. Là xứ liền kề với làng An Gia, cửa ngõ vào chợ Sịa, trung tâm thương mại ngũ xã ("nhất Huế, nhì Sịa" là vậy) nhưng không mấy gia đình có đạo. Một vài gia đình có đạo ở An Gia lại bị quấy rầy theo dòng họ Ngô. Thời kỳ đệ nhất cộng hoà, vùng Sịa không mấy nơi hưởng lộc họ Ngô bằng làng An Gia. Còn đó công trình trơ gan cùng tuể nguyệt mà dân địa phương thường gọi "đường tàu" (mương thuỷ lợi bằng bê tông, dẫn nước từ sông  gần chợ Sịa ra đồng An Gia, cánh đồng sát phá Tam Giang). Cũng nhờ đường tàu này mà thổ nhưỡng làng An Gia thay đổi. Rau màu chợ Sịa xanh non như mướp đắng, rau thơm, tàn ô, cải bẹ, cải cay... là của làng An Gia. Nhiều gia đình nuôi con ăn học thành tài nhờ vào sinh kế này. Thôi, nhiễu nhương của chính trị, thế thái nhân tình là vậy nhưng "đường tàu" theo khái niệm vẫn là mương dẫn thuỷ nhập điền.
 
Giáo dân Mỹ Thạnh cũng không thoát khỏi vòng xoáy đó. Trước hoàn cảnh đó Cha GB Nguyễn Văn Đông (+) đã đưa cha Giuse Trần văn Lộc ở cùng sống với giáo dân họ nhánh Mỹ Thạnh. Chính những tháng ngày âm thầm sống cùng sống với giáo dân Mỹ Thạnh nghèo khó và chơn chất như quy luật con nước vầng trăng, Ngài đã gieo vào họ niềm tin sắt đá vào Chúa Kitô để vượt qua. Ngài luôn ân cần động viên thăm hỏi bà con giáo dân. Mỗi khi có kẻ liệt, ngài đến tận nơi, đến từng nhà để động viên, yên ủi, không quản đường xa, đêm hôm, giá rét. Chính từ gương hy sinh, khiêm nhường, bình dị mà hình ảnh Ngài đã đi sâu vào lòng giáo dân cũng như người làng. Sau năm 1975, giáo dân Mỹ Thạnh đã về lại và tái lập họ đạo.
 
Từ năm 1966-1975, Ngài được gọi vào làm giáo sư Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện, kiêm quản lý. Chưa được mấy năm an bình, xuân 68 lại ập đến với cơ sở vật chất cày sâu vết đạn. Chạy ngược chạy xuôi, dật gấu vá vai để vừa nuôi các chú vừa sửa sang lại cơ sở vật chất nhà cũ; tìm kinh phi để tiếp tục xây dựng nhà mới. Không thể kể hết. Hay như ý Ngài, có Chúa biết. Hình ảnh đọng lại nơi Ngài ngoài giáo sư, cha quản lý còn là cha y tế. Mỗi lần các chú bị bệnh đều nhận được một công thức tình thương thần dược: "Chú ăn mấy cái bánh quy nầy rồi uống mấy viên ni nghe! Để cha rót nước". Cũng không thể quên, Ngài rất quan tâm dinh dưỡng cho người bệnh. Ai có thể quên được bát cháo thịt bò thơm ngát mùi hành hương khi bị cảm cúm.
 
Thay lời kết, xin mượn lời một số anh em CCSHuế HT69 nói lên những cảm nhận về cha Giuse Trần Văn Lộc như sau: “Cha là một linh mục đạo đức, thánh thiện, đã sống nghèo, chia sẻ kiếp nghèo với mọi người. Cha thật sự là một người cha trong gia đình giáo xứ, trong chủng viện. Cha rất nhân hậu, không bẩn giận, cáu gắt. Cha sống cuộc đời thanh bạch, giản dị, hòa đồng với mọi người. Ngài là một linh mục gương mẫu sống mãi trong lòng mọi người”.

Tác giả: Đặng Văn Tạo HT69

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Chú ý: Được đăng lại bài viết, nhưng vui lòng ghi rõ nguồn "Gia đình Cựu Chủng sinh Huế" và link đến bài viết trên trang này.
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập724
  • Hôm nay180,492
  • Tháng hiện tại1,662,584
  • Tổng lượt truy cập58,948,453
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây