Ký sự: Dọc Đường Gió Bụi. Phần 1.

Thứ năm - 02/02/2012 18:40

-

-
Sau khi chia tay trở về, anh Lê Văn Hùng bảo tôi viết bài về lễ Kim khánh Linh mục của Đức Tổng. Vâng lời anh, tôi hứa khi trở về sẽ viết, nhưng khi mở trang web nhà cũng như web Tổng Giáo phận Huế…ai ai cũng thấy đầy đủ hình ảnh, phóng sự về ngày lễ Kim khánh linh mục của ngài, ...
Ký sự: Dọc Đường Gió Bụi. Phần 1.
 
(Nhân dịp về dự Lễ Kim Khánh Linh mục Đức Tổng Têphanô)
 
Sau khi chia tay trở về, anh Lê Văn Hùng bảo tôi viết bài về lễ Kim khánh Linh mục của Đức Tổng. Vâng lời anh, tôi hứa khi trở về sẽ viết, nhưng khi mở trang web nhà cũng như web Tổng Giáo phận Huế…ai ai cũng thấy đầy đủ hình ảnh, phóng sự về ngày lễ Kim khánh linh mục của ngài, nên chi tôi xin mạn phép chỉ viết về tâm tư, tình cảm dọc đường gió bụi theo con tàu hỏa xa trở về Huế sau hơn ba thập kỷ mới dùng lại phương tiện đi lại này.
 
Tối ngày mồng 3 tháng 12 tôi lủi thủi một mình lên nhà ga xe lửa Sàigòn, gửi xe Honda tại bãi, vào phòng vé và may mắn còn lại một chỗ. Tôi biết niên trưởng Lê Thiện Sĩ cũng đi chuyến này nên điện thoại ngay, có lẽ niên trưởng đang lần hạt nên không bắt máy.
 
Sáng sớm hôm sau, tôi gọi lại cho niên trưởng mời sang căn tin uống café, ai ngờ niên trưởng ở toa 1 sát ngay chỗ tôi ngồi, anh em gặp nhau vui quá vì có người đồng hướng cùng đồng hành. Niên trưởng nói rằng không thể tin được tôi lại có mặt trên cùng chuyến tàu. Hai anh em cùng hàn huyên, tâm sự bao chuyện vui buồn… Ngồi trên toa tàu, tôi có dịp nôn nao nhớ đến chuyến tàu chợ hơn 30 năm trước, trốn vé vào Sàigòn, tôi đã nhảy lên nóc tàu và đã ôm cột khói cho đỡ lạnh suốt cả hành trình, còn bi chừ, ngồi lai rai đàng hoàng trong căn tin hỏa xa thoải mái. Thời đó tôi mới đôi mươi.
 
NT Lê Thiện Sĩ và tác giả.

Tàu nghỉ tại ga Tháp Chàm. Tôi chợt thương cảm số phận của nàng công chúa Huyền Trân, vì châu Ô, châu Rí mà nhà Trần đành hy sinh giai nhân đất Việt cho vua Chế Mân:
 
…Tàu dừng bước tại ga Chàm
Chợt nghe hoài cảm,xót xa một người
Chừng như một giọt ru hời
Huyền Trân khép lại một đời khuê môn.

Khi đến ga Diêu Trì (Qui Nhơn), tôi đã cảm nhận thời tiết khắc nghiệt của miền trung, lạnh và mưa phùn, từng đàn cò trắng phau sãi đôi cánh trên những cánh đồng xa tít tận chân trời, những ruộng lúa đông xuân xanh um bên hàng dừa trĩu quả, những nếp nhà xưa với mái ngói âm dương rêu phong như muốn thách thức với thời gian vô tận…và những cô thôn nữ đang khom mình cấy lúa như biểu tượng sống còn, đây là hình ảnh đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam… Ai chưa bao giờ đi tàu lửa, hãy thử một chuyến hỏa xa ký sự, đừng sợ cô độc nếu đi một mình, chỉ cần giúp người bên cạnh đỡ hành lý hoặc nhoẻn miệng cười với đứa trẻ ngồi trong lòng mẹ…ta sẽ có cảm giác thân thiện của tính người, tính xã hội và nét nhân văn của người Việt. Và phải chăng có rất nhiều ông bà tây balô thích đi tàu e cũng đồng cảm với mình.
 
Cha Phan Hưng điện thoại nói khi nào tới Huế, báo ngay cho ngài để ngài cho xe đón, chắc ngài tưởng tôi đi máy bay nên đón tại Phú Bài, tôi thưa đi tàu, và đã có anh em trong lớp đón rồi. Ngài nói khi nào tới Huế đến gặp ngài ngay.
 
Chuyến bay của anh chị Hồ Đắc Hương và anh Vũ Quang Hà từ Sàigòn bị delay vài tiếng đồng hồ. Sau khi nắm chắc ngày giờ cụ thể của các anh khi tới Huế, anh em thống nhất với nhau là chiều thứ năm, vào lúc 5 giờ, anh em CCSHuế các miền, kể cả hải ngoại, cũng như Gia đình Đồng hương Gp Huế sẽ gặp Đức Tổng.
 
Tàu cập ga Huế vào lúc 15h00, tôi được Trần Văn Thọ, thằng bạn cùng lớp chờ sẵn đưa tôi về nhà chung. Tại đây, tôi được gặp Đức cha phụ tá đầu tiên. Ngài nói với tôi sang phòng ngài lấy áo lạnh mặc ngay, tôi thưa có đem áo lạnh theo, nhưng vì chưa thấy "si-nhê" nên chưa mặc. Cám ơn ngài đã luôn yêu thương con cái, học trò. Cha Hưng bố trí khách sạn và xe chở tôi cùng một linh mục hướng dẫn, tôi thưa không có nhu cầu (vì làm phó thường dân ở với bạn bè, bà con sẽ tự do, thoải mái hơn). Cha Hưng phán: Em là khách mời của Đức Tổng, nên ra đây phải vâng lời anh! Nói như thế thì triệt buộc! Sau đó tôi được phát cho thẻ đeo, tờ chương trình, các vé tham dự ẩm thực…và quý giá nhất là cuốn kỷ yếu ‘Tạ ơn hồng ân 50 năm LM’ của ngài với gần 300 trang, bìa cứng, khổ lớn rất đẹp và hoành tráng, ghi lại tiểu sử, sự nghiệp và các sự kiện, biến cố của Đức Tổng cũng như các bài phát biểu, bài giảng huấn… Ngoài ra còn có nhiều hình ảnh tư liệu quý báu của một ‘dòng đời 50 năm thăng trầm dâu bể’ trong sự quan phòng huyền nhiệm. Điều đáng lưu ý là cuốn sách này được cha thư ký Antôn Nguyễn Văn Thăng (HT74) biên soạn, trình bày trong thời gian rất ngắn kỷ lục, và rất công phu trong khâu in ấn…


Lm Antôn Nguyễn Văn Thăng, tác giả cuốn Kỷ Yếu.
 
Sau khi ổn định nơi ở tại khách sạn Thanh Thảo, nằm ngay trên đường lên nhà thờ Phủ Cam thật hết sức thuận lợi và đầy đủ tiện nghi, tôi và NT Lê Thiện Sĩ được bố trí cùng một phòng, tôi liền phone ngay cho anh em trong lớp. Vậy là anh em nhanh chóng họp mặt, có sự tham dự của anh Nguyễn Đức Long HT67 tân trưởng ban ĐD CCSHuế vùng Huế-Quảng Trị. Anh Long cho biết vừa đi tour về (anh Long hành nghề tourist guide) cố ngồi thong thả với chúng tôi chừng 45 phút. Sau khi sắp đặt chương trình cụ thể cùng anh em, anh phải đi hướng dẫn ngay một đoàn khách Pháp đi tham quan.
 
Chiều tối mưa phùn và lạnh làm cho tôi nhớ lại thủa cơ hàn. Tôi thích đi lang thang một mình để hồi tưởng bao kỷ niệm ngày xưa, ngày đó Huế sao mà rộng lớn, bao la tôi chưa thể khám phá thế giới ‘thần kinh’ này, còn bi chừ, chỉ cần dạo bước một hồi là có thể đi hết vòng quanh cả một nửa cố đô.
 
Buổi sớm mai dậy sớm, rảo bộ qua bên kia cầu Phủ Cam, nơi có dãy quán café mở cửa rất sớm, nhâm nhi vội ly nước trà nóng, tôi miên man nghĩ ngợi quãng thời gian gần 50 năm về trước. Thủa đó, sáng nào ba tôi cũng dẫn tôi đi lễ tại nhà chung. Thời chiến tranh, đường sá vắng vẻ, điêu tàn…Vậy đó, bỗng chốc gần nửa thế kỷ trôi qua cái vèo và sở nhà chung nhỏ bé hồi đó đã được kiến thiết lại khang trang cùng với ngôi nhà trung tâm mục vụ bề thế nhất nhì về cơ ngơi tôn giáo của địa phận.
 
Tôi tranh thủ lội bộ đến chợ Bến Ngự, dõi mắt tìm xem cửa hiệu Tế Lợi có còn không, cái tiệm nổi tiếng bán bánh kẹo ngon nhất một thời đã in dấu trong ký ức tuổi thơ, bên kia là bến xe lam Bến Ngự- Đông Ba đã từng đưa tôi qua cầu Trường Tiền xem các phim chưởng Hồng Kông như: Đường Sơn đại huynh, Mãnh long quá giang, Hỏa thiêu bạch long tự …vang bóng một thời. Ven theo đường Trần Thúc Nhẫn, con đường gợi nhớ đến nhiều bạn bè thời tóc còn húi cua, cùng đi học ở trường Pellerin, tới ngã tư giao lộ với đường Nguyễn Huệ, có một ngôi nhà hoang phế, có cái mã vô danh từ tết Mậu Thân để lại, mà khi đi qua vào buổi tối, tôi đều thấy nổi da gà và sởn tóc gáy. Cuối đường Nguyễn Huệ là đường Lê Lợi, nơi đây là ngã ba, có một vườn bông chỉ toàn là cây me mà mỗi ngày đi học ngang đây, tôi đều trèo hoặc chọi đá để hái những chùm me chua mà ngon lạ. Đi hết đường Lê Lợi, trước khi qua cầu Ga, quẹo lối bên phải là trường Pellerin (Bình Linh). Trước khi vào trường ,ngày xưa có một nhà mẫu giáo Hương Linh do linh mục JM. Nguyễn Văn Thích sáng lập, nhờ ở nơi này, thế hệ tôi mới làu làu các bài vè nổi tiếng của thầy Sảng Đình:
 
…Chiều chiều ông Ngự ra câu
Cái ve, cái chén, cái bầu sau lưng.

Đố ai quét sạch lá rừng?
Giang tay, đón gió, gió đừng rung cây…
 
Linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích là một bậc thâm nho nhưng không hề hủ lậu. Ngài là vị giáo sư danh giá về Hán học, lỗi lạc triết Đông lẫn triết Tây, ngài lại tinh tường cả về cầm, kỳ, thi, họa. Ước mong làm sao có nhiều vị sưu tập lại về gia sản tinh thần vô giá mà ngài để lại cho Hội Thánh lẫn nước nhà.
 
Tôi được biết niên trưởng Đỗ Tấn Hưng có thiên khảo luận về linh mục Nguyễn Văn Thích trong tập ‘Những nẻo đường VN’. Ngoài ra còn có nữ tu Mai Thành và ông Nguyễn Văn Ái viết về ‘Lm Sảng Đình Nguyễn Văn Thích’, xem trong tủ sách Dũng Lạc. Cha Thích còn là tuyên úy của trường Pellerin, tôi đã thật sự có một tuổi thơ đúng nghĩa khi được học trường này từ năm 65 đến 71. Các sư huynh dòng Lasan luôn xem trọng thể lực, thể dục trong giáo dục. Những khoảng sân mênh mông được bao bọc bởi sông Hương và sông đào đã dệt nên bao hoài bão, chấp cánh bao mơ ước cho bao thế hệ học trò.
 
(còn tiếp)

Tác giả: Nguyễn Hùng Dũng HT71

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập498
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm490
  • Hôm nay96,069
  • Tháng hiện tại901,324
  • Tổng lượt truy cập58,187,193
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây